Lời chia sẻ từ một khán giả đã theo dõi chương trình Câu lạc bộ văn học của khoa Ngữ văn trong nhiều năm qua.
Tình yêu còn mãi
Lời phi lộ. Năm nào cũng được thưởng lãm miễn phí những tiết mục hay của Câu lạc bộ Văn học của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế mà không nói lên cảm xúc của mình thì e là không phải. Nhưng viết mà không hay, không “kể” được hết câu chuyện thì thà đừng nói, đôi khi còn hay hơn. Bởi thế dù xem chương trình nhiều lần nhưng bản thân cứ lần lữa mãi cho đến hôm nay. Vài lời viết vội giữa những lúc trông con, kính mong các thầy cô, các anh chị em nhẹ thứ cho kẻ ngoại đạo thô kệch mà lại thích ngó vào lều thơ.
Mỗi năm một lần, Câu lạc bộ Văn học của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế lại có một chương trình đem văn học đến gần với những người yêu thơ văn. Khán giả được gần gũi với tác phẩm, với nhân vật không chỉ qua những bài thơ, những bài hát, những câu chuyện kể mà còn được chiêm ngưỡng các nhân vật qua các tiết mục kịch, múa được các đạo diễn và diễn viên cây nhà lá vườn tài ba dàn dựng. Khán giả sung sướng khóc cười với nhân vật trên nền nhạc được lựa chọn khéo léo, khi du dương, khi réo rắt, khi gay gắt, khi sầu bi. Để rồi khi ra về thấy lòng nhẹ nhàng, bởi vì thấy đời vẫn còn nguyên vẻ đẹp nhân văn, bởi vì mình đã tìm được một chỗ dựa tinh thần, bởi vì “Văn học là nhân học” như nhà văn Maxim Gorki đã từng nói.
Câu chuyện năm nay là Tình yêu còn mãi. Vâng tình yêu còn mãi. Tình yêu là thường hằng, là vĩnh cửu! Có thể chỉ là tình yêu kiệm lời và ngô nghê của Chí Phèo và Thị Nở. Có thể là tình yêu của Nhâm và Minh 15 năm và có thể lâu hơn nữa chờ đợi nhau, mong tin nhau trong mòn mỏi. Có thể là tình yêu chấp nhận mất để còn của nhân vật Lệ-vợ của Minh. Có thể là tình yêu đầu ấp tay gối, thấu hiểu và đồng cảm mà hai nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ dành cho nhau: “Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào”. Nhưng tất cả đều có điểm chung là những tình yêu rất chân thành, và rất người. Tình yêu là nguồn sống, là điểm tựa để cho mọi người có thể làm nên những điều kỳ diệu, là nền tảng để mọi người sống tử tế với nhau.
Dành cả tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người cho sự trường tồn của dân tộc, của đất nước; những cô gái thanh niên xung phong trong chiến tranh khói lửa hung tàn vẫn giữ được sự trẻ trung, nhí nhảnh, hồn nhiên và căng tràn khao khát sống, tràn đầy khao khát yêu. Nhận thư cũng phải làm điệu, cũng phải soi gương, cũng phải chải tóc. Chờ kêu tên nhận thư cũng hồi hộp không kém, chị này có, em này có rồi… “còn thư của ai nữa không, có thư gửi cho Nhâm không”… Bây giờ thời hiện đại, online một cái là đã có vài dòng tin nhắn gửi người yêu cho dù có ở xa nửa vòng trái đất. Đâu còn những cánh thư mòn mỏi, đâu còn những day dứt cạn dòng lá thắm của Kim Trọng, của nhà thơ Vu Hựu:
“Thâm nghiêm kín cống cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.”
Truyện Kiều-Nguyễn Du
Thế nhưng, ở thời chiến tranh khói lửa vẫn chưa xa lắm thời hiện tại, những cánh thư mòn mỏi đợi chờ là có thật, là niềm vui, là hạnh phúc, là hiện thân của sự mong ngóng tin nhà, là hiện thân của khát khao cháy bỏng của những người đang trông ngóng người yêu.
Thế rồi, “họa mi đột ngột ngừng hót”, mọi thứ lặng thinh thật đáng sợ sau tiếng bom, bỏ lại Nhâm một mình. May mắn là, Nhâm đã có Minh làm chỗ dựa. Ngày chia tay nhau trên mặt trận hai người đã hẹn ngày tìm nhau, nhưng rồi lại lạc mất nhau trong hòa bình vì những hiểu lầm nông nổi của tuổi trẻ. Trên hành trình đã lỡ, tưởng rằng đã quên, nhưng trong suốt mười lăm năm hai người vẫn khắc khoải mong chờ tin nhau. “Điều không thường tình”, nhưng rất người, là Minh và Nhâm “không chịu mất nhau” như lời cô gái nói. Đó là điều mà nhà thơ Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua vở kịch: “Khi hai người yêu nhau và xa nhau, điều không thể mất là tình yêu trọn vẹn họ đã dành cho nhau”. Hai nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã để lại cho đời những tác phẩm vượt thời gian như thế.
Dàn diễn viên năm nay chỉ gồm các sinh viên của Khoa Ngữ văn nhưng đã đóng rất đạt, làm đọng lại trong lòng mỗi khán giả cảm xúc đa cung bậc, rung động từ sâu thẳm con tim. Không chỉ năm nay, những năm trước các sinh viên của Khoa cũng đóng rất đạt, như đã từng được học rất lâu trong các trường sân khấu. Nếu không có tình yêu sâu sắc với văn học, hiểu và đồng cảm với nhân vật, liệu những người nghiệp dư có làm được như vậy, câu trả lời chắc hẳn là không, và không chỉ có vậy.
Hai vai diễn Chí Phèo và Thị Nở của hai thầy giáo Anh Dân và Lãm Thắng vài năm trước cũng đưa mọi người từ miền cảm xúc này sang miền cảm xúc khác, vui, buồn, khiếp sợ, xót xa cho một kiếp người “Ai cho tôi làm người lương thiện”… Hay vai diễn Hồ Xuân Hương của cô Thanh Nhị đọng lại trong lòng khán giả lòng thương cảm cho một nữ sĩ tài hoa có cuộc đời long đong lận đận “bảy nổi ba chìm với nước non” nhưng “vẫn giữ tấm lòng son”. Nhiều, còn nhiều vai diễn hay nữa của các thầy cô, kể ra chắc phải hàng trang giấy. Khoa cũng có một dàn MC (người dẫn chương trình) tài hoa, từ cô Kim Ngân kiêu sa và lôi cuốn, thầy Anh Dân sâu sắc và lãng tử đến cô Hoài Phương đằm thắm và đa tài. Thật ngưỡng mộ tài năng tinh hoa hội tụ của các thầy cô. Bởi thế, sâu xa mà nói, “có thầy ấy (có cô ấy), mới có trò ấy”, đâu phải dễ gì có được! Để đến được những bến bờ nghệ thuật như vậy các học trò cần và may mắn thay đã được dẫn đường bởi những người chèo đò uyên thâm với những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời.
Xin được mạn phép mượn lời của nhân vật Nhâm trong vở kịch Điều không thể mất của tác giả Lưu Quang Vũ thay cho lời gửi gắm của kẻ ngoại đạo thô kệch này tới các thành viên của Câu lạc bộ Văn học: “Có những điều không thể mất, không được để mất, không bao giờ, anh nhớ nhé! Anh hãy nhớ!”.
Huế, viết xong ngày 27/4/2018.
Đinh Như Thảo