
Giao lưu, ảnh hưởng và tiếp biến văn hóa là hiện tượng phổ biến và nhu cầu thường xuyên có tính tất yếu trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, khu vực cũng như của toàn thế giới. Các quốc gia – dân tộc trên con đường hình thành, phát triển đều có nhu cầu thiết yếu về giao lưu, hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực văn hóa – giáo dục. Pháp – Việt Nam – Nhật Bản là ba quốc gia ở hai không gian văn hóa khác nhau. Nếu nước Pháp đại diện cho văn hóa phương Tây thì Nhật Bản và Việt Nam thuộc về cơ tầng văn hóa phương Đông. Mặc dù giữa Đông và Tây luôn có khoảng cách và những điểm khác biệt về lịch sử, văn hóa và giáo dục nhưng do vận mệnh lịch sử riêng, Việt Nam đã có quá trình tiếp xúc, giao lưu, ảnh hưởng và tiếp biến văn hóa Nhật Bản và Pháp từ rất lâu đời. Nhằm nhìn lại những chặng đường đã qua, đánh giá lại những hiện tượng giao lưu, tiếp biến văn hóa, giáo dục đã định hình trong quá khứ, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn nữa, từ đó tìm kiếm những cơ hội, triển vọng cho sự hợp tác về văn hóa, giáo dục trong tương lai… là mong muốn của các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ Pháp, Nhật Bản và khắp Việt Nam tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Hội thảo khoa học quốc tế Văn hoá Giáo dục lần thứ 3 – ICCE 2022: “Giao lưu văn hóa, giáo dục Pháp – Việt – Nhật: Lịch sử và phát triển”.
Kể từ khi có thông báo chính thức vào tháng 3.2021 cho đến khi kết thúc thời gian nhận bài, Ban tổ chức Hội thảo đã vinh dự nhận được hơn 70 báo cáo khoa học của các tác giả / nhóm tác giả đến từ Pháp, Nhật Bản và Việt Nam. Nội dung các báo cáo khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau như văn học, ngôn ngữ học, sử học, pháp luật, giáo dục, nghệ thuật, kinh tế – chính trị… nhưng đều hướng đến chủ đề chung của Hội thảo. Từ sự phong phú, công phu của các báo cáo khoa học, có thể thấy được mức độ quan tâm của các học giả, nhà khoa học cũng như những biểu hiện hết sức đa dạng, tinh tế của mối quan hệ ảnh hưởng, giao lưu và tiếp biến về văn hóa, giáo dục giữa Pháp – Việt Nam – Nhật Bản.
Trên cơ sở các báo cáo khoa học mà các học giả, nhà nghiên cứu đã gửi đến Hội thảo, BTC nhận thấy các nhà nghiên cứu tập trung vào 6 chủ điểm. Đó là các chủ điểm Quan hệ giữa Văn học Việt Nam với Văn học Pháp, Văn học Việt Nam với Văn học Nhật Bản; Dấu ấn văn hóa Pháp – Việt Nam – Nhật trong lĩnh vực Ngôn ngữ – Truyền thông, nghệ thuật và du lịch ở Việt Nam; Giao lưu văn hóa Pháp – Việt Nam – Nhật Bản, Giao lưu văn hóa, Giáo dục Pháp – Việt Nam, Giao lưu Văn hóa, Giáo dục Nhật Bản – Việt Nam.
1. Văn học Việt Nam với Văn học Pháp
Chủ điểm này có 8 báo cáo với các nội dung phong phú, hướng tiếp cận hiện đại, đối tượng nghiên cứu được mở rộng dần về mặt không gian và thời gian.
Trước hết, các tác giả / nhóm tác giả quan tâm, khảo sát ảnh hưởng của văn hóa, văn học Pháp đối với sự hình thành và phát triển của những thể loại chính trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Các báo cáo của các nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Thị Hoàng Mai, Trần Thị Nhật, Trịnh Thị Huỳnh Anh, Phạm Ngọc Hiền đã dành nhiều thời gian khảo sát tư liệu, phân tích, tổng hợp, chỉ rõ những ảnh hưởng của văn hóa, văn học Pháp đối với sự ra đời và phát triển của các thể loại như du kí, thơ ca, tiểu thuyết và kịch hát trong văn học Việt Nam. Tên tuổi của các nhà văn, nhà thơ Pháp như Baudelaire, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam như Xuân Diệu, Đinh Hùng, Nhất Linh… là những minh chứng cụ thể khẳng định dấu ấn Pháp trong các thành tựu về văn hóa, văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
Các tác giả khác gồm Nguyễn Phương Ngọc, Trần Thị Thu Ba, Trần Hoài Anh; Trần Huyền Sâm, Nguyễn Văn Thuấn, Trần Anh Phương… từ các bối cảnh và điểm nhìn khác nhau đã hướng đến khám phá mối quan hệ, ảnh hưởng trực tiếp, biểu hiện sâu sắc của văn hóa, văn học Pháp trong sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Các truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca của các tác giả người Pháp và Việt Nam như Guy De Maupassant, Marguerite Duras, Tản Đà, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Nguyễn Huy Thiệp, Thuận, Linda Lê, Hiệu Constant… được chứng minh như là những giao điểm vừa kết nối vừa kết tinh ảnh hưởng của văn học Pháp đối với văn học Việt Nam hiện đại.
2. Văn học Việt Nam với Văn học Nhật Bản
Liên quan đến chủ điểm này có 4 bài viết. Nội dung các bài viết khám phá những ảnh hưởng, giao lưu và tiếp biến văn hóa, văn học Nhật Bản đến văn học Việt Nam. Kiểu truyện nam phàm nhập tiên thời cổ cận đại, thơ Haiku, thơ lãng mạn, số phận của nhà tiểu thuyết hiện đại Nhật Bản Yukio Mishima đã lần lượt được các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Lãm Thắng; Lê Từ Hiển, Mai Thế Mạnh, Nguyễn Anh Dân đến từ Đại học Huế, Quy Nhơn, Thủ Dầu Một chú ý khảo sát, phân tích, trình bày nhiều thông tin khoa học bổ ích, thuyết phục.
3. Dấu ấn văn hóa Pháp – Việt – Nhật trong lĩnh vực Ngôn ngữ – Truyền thông, nghệ thuật và du lịch Việt Nam
Về lĩnh vực ngôn ngữ – truyền thông, Hội thảo đã nhận được các báo cáo khoa học của 6 tác giả / nhóm tác giả gồm Võ Thị Ngọc Thúy, Nguyễn Lãm Thắng, Trần Thanh Nhị; Trần Thúy Hiền, Trần Thị Hòa; Hoàng Thúy Hà, Nguyễn Văn Đồng; Nguyễn Thu Quỳnh, Dương Thu Hằng, Shimizu Masaaki, Yamaoka Sho, Ikeda Reiko, Nguyễn Thị Hương Trà. Các tác giả hướng vào các vấn đề liên quan đến hiện tượng phiên âm danh từ riêng tiếng Pháp sang tiếng Việt, xu hướng chuyển biến trong phương thức truyền thông của người Việt thời kì thuộc địa gắn liền với sự ra đời của chữ Quốc ngữ; sự phát triển của tiếng Việt và sự xuất hiện của diễn ngôn du lịch ở Việt Nam, vấn đề giảng dạy tiếng Việt ở Nhật Bản, dạy tiếng Nhật ở Đại học Huế – Việt Nam. Các nghiên cứu có mức độ chuyên ngành và đối tượng tiếp cận khác nhau, nhưng đều chỉ rõ dấu ấn đậm nét của văn hóa Pháp và Nhật Bản đối với những biến đổi về ngôn ngữ và diễn ngôn văn hóa ở Việt Nam thời kỳ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX cho đến hiện nay. Trong các nghiên cứu này, vấn đề dạy học tiếng Việt ở Đại học Osaka – Nhật Bản, dạy học tiếng Nhật ở Trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Huế mang tính thực tiễn sâu sắc.
Về lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm hội họa, kiến trúc, điện ảnh, ẩm thực, Hội thảo đã nhận những bài viết chuyên sâu, công phu của các tác giả / nhóm tác giả Junko Nimura, Trần Văn Đại Lợi, Trần Ngọc Hiếu, Trần Hoàng Kiều Trang; Nguyễn Văn Đồng, Hoàng Thúy Hà, Tạ Quang Trung; Trương Thị Hải; Đặng Văn Chương, Nguyễn Thị Vĩnh Linh; Nguyễn Thị Kim Hoa, Nguyễn Văn Tuấn. Các bài báo đã nghiên cứu những ảnh hưởng toàn diện của văn hóa nghệ thuật Pháp và Nhật Bản đối với sự phát triển của các ngành nghệ thuật ở Việt Nam. Đó là đóng góp của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đối với nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam, ảnh hưởng của họa sĩ hiện đại chủ nghĩa Paul Gauguin đối với nghệ thuật văn chương của Kỳ Đồng và Bùi Giáng; các nghiên cứu về kiến trúc Pháp ở thành phố Hồ Chí Minh, kiến trúc cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa, kiến trúc Pháp ở Khánh Hòa, phố Nhật ở Hội An và một số kiến trúc Pháp ở các địa phương khác… là những vấn đề thu hút các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam. Những nghiên cứu này không chỉ gia tăng kiến thức về nghệ thuật mà còn thúc đẩy tìm kiếm các cơ hội hợp tác nghệ thuật và phát triển văn hóa du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả các di sản văn hóa thời quá khứ, thuộc địa.
Về lĩnh vực điện ảnh và văn hóa ẩm thực, các tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Thu Hằng đã có các bài viết nghiên cứu phim truyền hình Nhật Bản được công chiếu ở Việt Nam, trào lưu ẩm thực Nhật Bản ở Việt Nam. Các bài viết của các tác giả cho thấy những ảnh hưởng, giao lưu và chuyển giao văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt đến độ đa dạng và rất tinh tế.
Trên đây, chúng tôi điểm qua các bài nghiên cứu chủ yếu liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật. Mức độ chú ý của các học giả đối với các lĩnh vực khác, đặc biệt trong phạm vi chính trị học, luật học, giáo dục học cũng rất phong phú, đa dạng.
4. Giao lưu văn hóa Pháp – Việt – Nhật
Về chủ điểm này, Hội thảo đã nhận được các bài viết của các tác giả bàn về xu hướng thoát Á nhập Âu, ảnh hưởng của văn hóa Pháp đối với sự hình thành văn hóa chính trị Việt Nam, sự định hình các nguyên tắc Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, những tác động sâu rộng khác nhau của văn hóa Pháp đến tầng lớp tinh hoa trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX; tiềm năng, cơ hội và triển vọng của mối quan hệ hợp tác giữa Pháp – Nhật Bản – Việt Nam. Đó là các vấn đề mà các nhà nghiên cứu đến từ Huế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết, có những nghiên cứu chuyên sâu: Michimi Muranushi, Trương Công Huỳnh Kỳ, Hoàng Chí Hiếu; Lê Thị Ngọc Huyền, Lê Phạm Hoàng Long, Vũ Ngọc Minh, Cao Việt Anh, Ngô Thị Thanh Tâm, Lê Thị Nga.
5. Giao lưu văn hóa, giáo dục Pháp – Việt
Về chủ điểm này, 3 bài viết về lãnh tụ cách mạng Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, các chí sĩ yêu nước cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX như Phan Bội Châu,… tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong nước. Các tác giả Nguyễn Tất Thắng, Nguyễn Thế Hà, Lê Thị Thanh Giao; Nguyễn Văn Ngọ, Mai Văn Hưng, Đỗ Phương Anh; Nguyễn Văn Quang… thông qua việc khảo sát các tư liệu cũ và mới, một lần nữa khẳng định ảnh hưởng quan trọng của văn hóa, giáo dục Pháp đối với quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng yêu nước và cách mạng của lãnh tụ và các chí sĩ.
Hội thảo cũng nhận được nhiều bài nghiên cứu bàn về ảnh hưởng của nền văn hóa, văn học, giáo dục Pháp đối với các nhà khoa học, các học giả nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XX như Nguyễn Văn Huyên, Lê Thước, Lộc Phương Thủy. Các nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Đức Khuông, Hoàng Đức Minh; Dương Thị Kim Oanh, Cao Thị Hồng… cho thấy văn hóa, giáo dục và văn chương Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành tầng lớp tinh hoa hiện đại cũng như thành tựu trí tuệ đặc biệt của một bộ phận tinh hoa người Việt trong thế kỉ XX. Nhìn chung, ở một mức độ nhất định, văn hóa Pháp đã góp phần cấu thành đời sống trí thức hiện đại ở Việt Nam.
Về ảnh hưởng của các học giả Pháp đối với lĩnh vực Dân tộc học, Quốc tế học, Triết học ở Việt Nam, BTC Hội thảo nhận thấy sự chú ý đặc biệt của khá nhiều nhà khoa học. Các tác giả Nguyen Dinh Huan, Tran Huu Thuong, Tran Le Thanh Tu; Bùi Văn Niên, Nguyễn Việt Phương, Bùi Thị Phương Thư, Nguyễn Mậu Hùng đến từ các trường đại học khu vực Thái Nguyên, Huế, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã cho thấy công lao của các học giả, nhà triết học người Pháp như Madeleine Colani, Pierre Grossinn, Jeanne Cuisinier, Henri Bergson, Jean Paul Sartre… đến sự hình thành và phát triển của lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn nói chung, các ngành Dân tộc học, Quốc tế học, Triết học ở Việt Nam nói riêng.
Các nghiên cứu khác của tác giả Hoàng Xuân Trường, Phạm Văn Lực, Chu Thị Thu Thủy, Olivia Pellletier đã góp những tiếng nói khác nhau, làm rõ sự ảnh hưởng và sự tiếp biến văn hóa Pháp ở Việt Nam, từ những vấn đề chung như quá trình hiện đại hóa nền văn hóa của người Việt đến các vấn đề cụ thể như sự thay đổi trong nếp sống, sinh hoạt của thị dân Hà Nội, sự biến đổi của truyền thống gia đình người dân tộc thiểu số ở miền Bắc cho đến việc sản xuất và kinh doanh gốm sứ thời thuộc địa.
Giáo dục Pháp – Việt, giáo dục thời thuộc địa, hợp tác giáo dục hiện nay giữa Pháp và Việt Nam cũng là lĩnh vực thu hút sự các nhà nghiên cứu. Các tác giả Đoàn Thị Cảnh, Dương Thị Kim Oanh, Dương Thị Thanh Hải, Nguyễn Thị Thủy, Nguyen Minh Hung, Nguyen Van Hoa,… dành nhiều tâm huyết nghiên cứu hệ thống giáo dục Hoa Kiều ở Nam kỳ thời thuộc Pháp, giáo dục tiểu học Pháp – Việt ở Bắc Trung Kỳ… cho đến những vấn đề gần đây nhất về hợp tác Pháp – Việt trong đào tạo kỹ sư chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực ở Đại học Huế.
6. Giao lưu văn hóa, giáo dục Nhật – Việt
Chủ điểm này gồm các báo cáo bàn về giao lưu văn hóa, giáo dục Nhật Bản – Việt Nam trong quá khứ. Đó là các bài viết của Huỳnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Kim Phượng; Huỳnh Văn Tuyết, Hồ Nhật Quang; Đỗ Thị Hiện, Trần Trung Hiếu, Chu Thị Thu Thủy, Phạm Văn Lực, Nguyễn Văn Ngọ, Chu Đình Lộc, Hồ Hải Hưng, Vũ Thị Thanh Tú, Phạm Thị Thơm… Các tác giả khai thác các mảng đề tài đa dạng, đề xuất nhiều vấn đề đáng suy ngẫm trong hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhìn chung, các tác giả tập trung khảo sát những biểu hiện và ảnh hưởng của văn hóa, văn minh Nhật Bản trên báo chí Việt Nam đầu thế kỉ XX, ảnh hưởng của cuộc Duy tân Minh Trị Nhật Bản đối với các phong trào vận động duy tân giáo dục ở Việt Nam, nhận diện những tác động của triết lý văn hóa giáo dục Nhật Bản đối với nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, nhóm Đông Kinh nghĩa thục, các phong trào yêu nước và cách mạng khác ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Đặc biệt, lịch sử mối quan hệ bang giao giữa Nhật Bản và Việt Nam thời chúa Nguyễn, thời Việt Nam Cộng Hòa cũng được các nhà nghiên cứu luận bàn kĩ lưỡng, có những thông tin khoa học mới, đề xuất những giải pháp, chính sách hữu ích để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hợp tác, chuyển giao văn hóa giáo dục Việt Nam – Nhật Bản trong hiện tại và tương lai. Nội dung Hội thảo thêm phần độc đáo với tham luận của Frédéric Roustan về hành trình của một người thợ thủ công Nhật Bản ở Bắc Kỳ thời thuộc địa. Ở đây, một cá nhân bình thường với những trải nghiệm và kinh nghiệm giao lưu văn hóa sẽ cung cấp nhiều thông tin khoa học thú vị.
Liên quan đến thực tại và triển vọng tương lai của mối quan hệ giao lưu văn hóa, giáo dục Nhật – Việt, các tác giả Lê Văn Nguyên, Đặng Văn Chương, Lưu Thị Thu Thủy, Phạm Thu Hương, Trần Như Hiền, Mai Văn Hưng, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Thị Thanh Tú, Ikeda Reiko, Nguyễn Văn Tổng, Lưu Thị Thu Thủy… tập trung khảo sát, khơi mở nhiều vấn đề. Thành tựu phát triển của giáo dục Nhật Bản là một tấm gương sáng đối với nền giáo dục Việt Nam được nhiều tác giả phân tích. Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học giữa các trường đại học ở Việt Nam với các trường đại học ở Nhật Bản nói chung, giữa Đại học Tottori – Nhật Bản với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế nói riêng; lịch sử phát triển môn Karate tại Huế, vấn đề giáo dục đạo đức kinh doanh ở Nhật Bản và Việt Nam… đã được các nhà nghiên cứu trình bày cụ thể, từ đó nêu những bài học kinh nghiệm quý báu, đề xuất hướng đi tương lai đầy triển vọng cho hoạt động hợp tác và giao lưu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Nhật Bản.
*
Kính thưa quý vị học giả, các nhà khoa học đến từ Pháp, Nhật Bản và Việt Nam!
Những vấn đề mà chúng tôi vừa trình bày trên đây thuộc về nội dung cốt lõi của các báo cáo khoa học mà quý vị đã gửi đến Hội thảo. Chúng tôi cảm ơn quý vị đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để tham dự Hội thảo lần này. Chúng tôi tin tưởng và hi vọng rằng, những cuộc trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh luận sẽ diễn ra tại hội thảo lần này giúp quý vị tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa những gì đã được trình bày trong báo cáo. Chúng tôi hiểu rằng một hội thảo đa ngành, đa ngôn ngữ như hội thảo của chúng ta sẽ khó tránh khỏi những sai sót, bất cập nhưng việc tạo được một không gian đối thoại đa văn hóa tại vùng đất cố đô Huế như hôm nay là một cơ hội rất có ý nghĩa đối với tất cả chúng ta.
Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe và an vui!
TM. BTC HỘI THẢO QUỐC TẾ ICCE2022
TS. Nguyễn Văn Thuấn