Có một thời để nhớ

Mới thôi mà đã. Bạn bè tôi thuở ấy đứa mất đứa còn, đứa phiêu bạt phương trời. Tôi thấy ngào nghẹn một nỗi niềm. Cám ơn cuộc đời đã cho tôi tình yêu và kỷ niệm. Thế đấy, thi thoảng tôi thấy mình yêu quá cuộc đời nầy mà không biết đích xác yêu cái gì.

Tôi không thuộc khóa sinh viên đầu tiên, nhưng là khóa cuối cùng của Đại học Sư phạm được đào tạo theo hệ ba năm (1962-1965). Trước chúng tôi, khóa nào cũng có tên – Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỉ khóa chúng tôi là không có tên. Tôi cứ băn khoăn hoài không biết vì sao.

Năm đầu, chúng tôi học chung với Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học ở Morin. Hai năm cuối mới về ngôi trường mới toanh là trường Đại học Sư phạm bây giờ. Thiên đường của lớp Văn chúng tôi nay là phòng CII4. Trừ hai vị nữ lưu Mai Thị Trà và Lê Thị Tuyết, còn các trang nam tử chúng tôi mỗi đứa mang một cái tên rất đỗi mĩ miều: Phước đui, Mỹ gà, Thậm dẹt … và tôi, Dũng nhỏ – để phân biệt với Thiếu Dũng cao lớn, oai vệ.

Giáo sư và giảng viên của chúng tôi đều là những người thầy uyên bác và đáng kính. Nhưng người để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất là thầy Lê Tuyên, cha Nguyễn Hy Thích, và thầy Đỗ Long Vân.

Cha Thích là một linh mục, dạy Hán văn. Thuở nhỏ tôi từng hát bài đồng dao của cha. “Cái nhà là nhà của ta. Công khó cha ông lập ra. Cháu con ta gìn giữ lấy. Muôn năm với nước non nhà”. Nay gặp cha, tôi không ngờ cha già đến thế – già như một tàu lá khô. Cha vào lớp, luôn luôn đúng giờ với một bài giảng không khi nào giảng xong. Là vì, cứ mỗi lần cha bắt đầu, “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, thì có ngay một đứa trong chúng tôi (vừa được nháy mắt phân công) đứng dậy thắc mắc. Rằng thì là, nhân chi sơ không phải bổn thiện mà là bổn ác. Rồi cứ thế mà cãi cối cãi chày cho đến hết giờ. Trong lúc chúng tôi tụm năm tụm ba, cung cấp những thông tin và chia sẻ quan điểm về thế sự. Cha đã quá già và quá đạo hạnh để có thể nhận ra trò láu cá của bọn đệ tử mà cha hằng thương yêu như con. Thật ra, không phải chúng tôi không kính trọng cha. Nhưng vào thời ấy, xã hội mục ruỗng, chiến tranh lan tràn, Mỹ ồ ạt đổ quân, những giá trị văn hóa truyền thống bị rung chuyển. Chúng tôi, đứa mô cũng gang ruột bời bời, còn lòng dạ nào mà gặm nhắm mấy thứ chi hồ giả dã của cha. Bây giờ thì chắc cha đã hiểu và tha thứ cho chúng tôi. Nhưng mỗi lần nghĩ về cha, bao giờ tôi cũng thấy lòng nặng trĩu. Chúng tôi thật có lỗi với cha. Tôi nghiệm rằng, trong đời hể ta mang nợ ai thì y như là ta nhớ về người ấy nhiều hơn ai cả.

Có một sự nhầm lẫn ghê gớm khi người ta để thầy Đỗ Long Vân làm nghề dạy học. Bằng chứng, thay vì gọi thầy bằng thầy, chúng tôi ai cũng chỉ muốn gọi thầy bằng anh, với tất cả sự gần gũi, thân thương, và quí mến. Thầy, mặt chữ điền, tóc ca rê, da mụn sần sùi, mắt lờ đờ một mí, còn đôi môi thì dày và thâm. Bù lại, nơi đó thường phảng phất nụ cười, vừa dí dỏm, vừa bâng quơ. Làm như thử cuộc đời, cho dù thi thoảng mới có chút niềm vui, thì cũng đáng để tiếu ngạo với nhân gian một nụ cười. Đêm nào thầy cũng thức đến khuya đọc sách, sáng ra sực nhớ mình có giờ dạy, thế là chỉ kịp khoác chiếc áo vét ca rô và chụp cái mũ dạ lên đầu. Thầy luôn vào lớp muộn. Tiếng là dạy Pháp văn nhưng thầy dành hầu hết thời gian để nói về “Cô gái Đồ Long”. Không phải nói với ai, mà như nói một mình với mình. Ngay cả khi thầy muốn nói với ai đi nữa thì cũng chẳng mấy ai hiểu thầy nói gì. Giọng thầy lắp bắp, không câu không kéo, cộc lốc một hòn. Bởi thế tôi quá sức sững sốt khi đọc “Dòng nước ẩn trong thơ Hồ Xuân Hương”, và “Vô Kỵ giữa chúng ta” của thầy. Rồi “Như là… như là…”, thầy bình thơ Nguyên Sa. Tôi cho đó là ba thiên tuyệt bút kỳ văn xưa nay thiên hạ hiếm. Đúng ra thầy còn một tác phẩm nữa, nghe đâu lạ lùng kỳ ảo hơn nhiều: “Kiều ABC” – nhưng đã thất truyền. Ngày nọ, thầy mang tập bản thảo đến nhà xuất bản. Đọc tập bản thảo, ai nấy ngẩn ngơ và mừng như vớ được vàng. Hôm sau thầy quay lại đòi tập bản thảo, với lý do để sửa đôi chút cho hay hơn, sau khi nhiệt thành hứa thế nào cũng đem trả lại đôi ba hôm nữa. Nhưng rồi đôi ba hôm qua, một tuần qua, mười ngày qua, người ta hoảng hồn chạy đi tìm thầy. Thầy ngạc nhiên bảo có biết Kiều ABC nào đâu, có biết bài vở gì đâu… Và thế là mọi người hiểu ra, có lẽ thầy đã dụt mẹ bản thảo vào thùng rác đâu đó, hoặc đã nhóm lửa hâm tách cà phê rồi cũng nên.

Năm 1967, thầy bị quân dịch. Rời quân trường, người ta gắn cho thầy lon trung sĩ, ngày ngày bồng súng đứng gát trước cổng Bộ Tổng Tham mưu. Dưới mắt thầy, từ binh nhì đến đại tướng, ai ai cũng đều là cấp chỉ huy mà thầy có bổn phận phải kính cẩn chào. Hình ảnh trung sĩ Đỗ Long Vân, với bộ quân phục rộng thùng thình, đôi giày đinh dây dợ không buột, chiếc nón sắt tùm hụp trên đầu, lơ lơ láo láo trước cổng Bộ Tổng Tham mưu. Không biết cái cảnh bi hài ấy là trò đùa của số phận hay là điềm báo ngày sụp đổ của Quân lực Việt Nam Cộng hoà.

Sau năm 1975, có lần thầy bị bắt. Không phải vì thầy không nhớ nổi tên thầy khi người ta hỏi, mà vì cái bao gạo thầy vác trên vai có hàng chữ “Nhà tôi không chứa chấp cộng sản”. Lăn lóc phong trần, hết lao động nặng nhọc, đến bưng bê lau chùi trong các quán phở… Có thời thầy là đội phó đội dân phòng ở quận Phú Nhuận. Thầy mất năm 1987. Không biết có ai vuốt mắt cho thầy? Có ai khóc thầy? Có ai đưa tiễn? Với tôi, thầy như vị trích tiên mà cái trần gian này chỉ là cõi mộng. Và không hiểu sao, mỗi lần nhớ về thầy, tôi cứ thấy lòng rưng rưng.

Thầy Lê Tuyên dạy văn chương Việt Nam. Khác hoàn toàn với thầy Đỗ Long Vân, thầy Tuyên: trẻ trung, tươi rói và đẹp. Có lẽ ông Khổng Minh cũng chỉ đẹp đến thế là cùng. Thầy, da trắng như da con gái, môi hồng như môi mĩ nhân, và đôi mắt sáng ngời, vừa lạnh lùng, vừa dữ dội, vừa đa tình. Thầy vào lớp, là bắt đầu giảng. Giọng thầy thanh, cao, lên bổng xuống trầm, cứ y như hát. Đắm mình theo dòng suy tưởng, thầy bất biết chúng tôi làm gì, hiểu gì. Thật ra chúng tôi chẳng có thì giờ đâu mà làm gì. Cái không khí trang nghiêm, trí tuệ và hấp dẫn đã thu hút hết tim óc đám sinh viên chúng tôi đang khát khao điều mới lạ như người đói thèm ăn khát uống. Tôi có cảm tưởng như thầy là vị tướng soái, cỡi con tuấn mã, tay cầm cờ lệnh, rong ruổi trên cánh đồng tư tưởng. Còn tôi là chiến binh, trên lưng ngựa, đuổi theo thầy. Khi lo lắng vì cách xa. Khi mừng vui vừa bắt kịp. Sững sờ trước bao điều mới lạ, sông hồ, cây cỏ, hoa trái, chim thú và thăm thẳm chân trời. Giờ thầy, ai hiểu thì mê say, ai không hiểu thì chẳng biết mô tê đâu mà lần. Bài giảng của thầy vừa ngây ngất vừa tỉnh táo, vừa mung lung vừa logic. Phải mất một thời gian tôi mới nắm được yếu quyết nầy, còn mấy bạn từ văn khoa sang có mà khóc ròng. Thường buổi tối sau bài giảng của thầy, các bạn đến nhà tôi tìm cách bổ sung phần ghi chép không khi nào đầy đủ của họ. Tôi đọc “Những ngày hoang dại” của thầy trước khi học thầy. Tôi tự hỏi, thầy trong “Những ngày hoang dại” sao mà đằm thắm thế, còn thầy trên bục giảng sao mà lạnh lùng và gai góc thế. Nhưng có lẽ đó là hai mặt của tâm hồn thầy… Thầy có cách phân tích tác phẩm mới lạ, tài hoa và nhiều những phát hiện độc đáo. Bài giảng của thầy luôn vẽ nên những chân trời khát vọng, luôn đặt ra những vấn đề, bắt sinh viên phải trăn trở, tìm tòi và tự giải mã. Thầy là người thầy có ảnh hưởng nhiều nhất đến các thế hệ sinh viên. Anh Nguyễn Mộng Giác là một ví dụ.

Trong buổi góp ý về đợt giảng tập của chúng tôi ở trường Đồng Khánh, thầy nói thầy có thể biết được tương lai nghề nghiệp từng đứa chúng tôi. Tôi tin. Nhưng có điều nầy tôi ngờ thầy không biết, rằng có một sinh viên bé nhỏ nhất lớp là tôi, trong giờ học của thầy, chỉ dành hai phần nghe thầy giảng, phần còn lại bị hút hồn vì một hình ảnh chẳng liên quan chi đến văn chương chữ nghĩa. Do giờ thầy, nhiều sinh viên Văn khoa (Chứng chỉ văn chương Việt Nam) sang học chung nên nhà trường bố trí một phòng rộng hơn ở tầng ba. Ngay sát cửa sổ phòng học là ngọn của một cây đoác. Cứ vào giờ thầy giảng bài, như có hẹn hò trước, đôi chim sáo không biết từ đâu bay về, rỉa lông rỉa lá, âu yếm, rồi thỉnh thoảng cất tiếng hót, tự nhiên như nhiên. Hồi ấy tôi chỉ cảm thấy xao xuyến mà không biết vì sao. Mãi sau nầy lớn lên, tôi mới hiểu ra trong vẻ an nhiên tự tại của đôi chim sáo bên ngoài cửa sổ ẩn chứa bao điều nghĩa lý về cái cõi thế quá nhọc nhằn nầy. Tôi thừa nhận rằng, đó là kỷ niệm đẹp nhất trong những kỷ niệm đẹp nhất một thời sinh viên của tôi.

Tôi cảm nhận được sự trân trọng mà quí thầy dành cho sinh viên chúng tôi, đặc biệt cho lớp tôi. Cũng dễ hiểu thôi, là vì không biết duyên đâu đã tụ về lớp tôi khá nhiều danh sĩ. Ví dụ: Năm năm trước khi là sinh viên sư phạm, anh Nguyễn Đình Niên đã có tên trong văn học sử với tác phẩm nổi tiếng, “Trăng phương đông”. Hà Nguyên Thạch với “Chân cầu sóng vỗ”. Nguyễn Đắc Xuân với “Bướm lạc rừng xuân”… Và, Trần Quang Long, bài thơ “nghiêng nón” của anh nổi tiếng đến nỗi, qua nhiều thế hệ, gần như cô nữ sinh Đồng Khánh nào cũng có bản chép tay giữ làm kỷ niệm dấu trong cặp sách. Tốt nghiệp Sư phạm, anh vào dạy học ở trường Cường Để – Qui Nhơn. Anh tổ chức biểu tình chống Mỹ, bị bắn trọng thương. Tập thơ “Thưa mẹ trái tim” là chọn lựa quyết liệt của anh. “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông, xuyên vào gan lũ giặc. Con sẽ mài thơ thành kiếm sắt, chặt đầu văn nghệ tay sai. Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước, cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai. Nếu thơ con bất lực. Con xin nguyện trọn đời, dùng chính quả tim làm trái phá. Sống chết một lần thôi”. Bài thơ đã thành ngọn lửa định hướng cho nhiều thế hệ thanh niên sinh viên thời chống Mỹ. Trung tuần tháng 4/1965, tôi đến từ biệt anh để vào nhận nhiệm sở ở Quảng Ngãi. Anh đang đánh bóng bàn với bạn. Trông anh cường tráng, đầy sức sống. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp anh. Anh hy sinh năm 1968 trong một trận càn của B52 ở rừng Tây Ninh.

Thời chúng tôi. Có một khoảng cách minh bạch giữa sinh viên đại học và học sinh trung học. Bằng tú tài là chứng chỉ thành nhân. Những năm trung học, người ta trang bị cho học sinh một mặt bằng kiến thức tổng quát đủ để hội nhập với mọi lãnh vực của tri thức nhân loại; những nguyên tắc căn bản trong giao tế, ứng xử, đủ để sống với người; một nhân cách, bản lĩnh cần thiết đủ để vững vàng trước ngã ba ngã bảy cuộc đời. Sinh viên, có thể trật, nhưng thường không trật những cái cơ bản. Sinh viên, nghĩa là rất chín chắn, rất oai, rất người lớn.

Thời chúng tôi, ai cũng cố học thật giỏi, vì hiền tài là lương đống quốc gia, vì để có vị trí xứng đáng trong xã hội, vì học mà thua bạn là nhục, vì để khỏi đi quân dịch… nhưng chẳng ai học để được đi du học nước Mỹ, nước Úc, để được làm việc cho công ty nước ngoài. Sau mấy ngày thăm Roma, tôi mua vé tàu đi Venise. Tôi hỏi người bán vé có biết nói tiếng Pháp không. Ông ta trả lời, “Biết, nhưng tôi là người Ý, tôi chỉ nói tiếng Ý thôi”. Thế là tôi ngọng. Tất nhiên, bằng ngôn ngữ của người khuyết tật, cuối cùng tôi cũng mua được 3 vé tàu đi Venise. Nhưng, cái sự vô lý ấy của người ta cứ làm tôi suy nghĩ hoài về cái sự giỏi giang của bên mình. Anh bạn tôi đi Nhật về, tự hào nói, “Người Nhật nói tiếng Anh dở òm. So với các nước trong khu vực, dân mình nói tiếng Anh ngon lành nhất”. Tôi chỉ cười. Học tiếng Anh thật giỏi vì tiếng Anh đang dần trở thành ngôn ngữ của thế giới, vì tiếng Anh là chìa khóa đi vào kho tàng tri thức, hay học tiếng Anh thật giỏi để được nhận vào các công ty nước ngoài. Từ động cơ nầy hay vì mục đích kia, như chỉ cách nhau một sợi tóc, nhưng mà xa thiệt là xa.

Thời chúng tôi, sinh viên thích đọc sách, đọc nhiều sách, thích tìm tòi nghiên cứu, thích tranh luận, thích đi đó đi đây, nhưng không thích tụng niệm mấy tập cours dày cộm của quí thầy. Nhiều lĩnh vực sinh viên uyên bác chẳng kém gì thầy. Ngô Văn Lại, tinh thông chữ Hán như một ông đồ. Nguyễn Đình Niên, Trần Quang Long, mới năm thứ nhất đã đăng đàn diễn thuyết cho cả trường Đại học Sư phạm. Niên thuyết trình kinh Lăng Nghiêm, Long thuyết trinh kinh Viên Giác. (Không phải với tư cách một Phật tử mà với tư cách một nhà nghiên cứu). Buổi thuyết trình được giáo sư Trần Thái Đỉnh hết lời khen. Long ơi, từ “Nghiêng nón”, “Maria Tố Chân”, kinh Viên Giác, “Hồi kết cuộc”, đến “Thưa mẹ trái tim”, con đường anh chọn chông gai và oanh liệt biết bao.

Thời chúng tôi, cả thành phố chỉ có ba bàn bida. Còn quán cà phê thì đếm trên đầu ngón tay. Không như bây giờ, quanh các trường học, đâu cũng la liệt bàn bida. Huế là thành phố nhiều quán cà phê nhất nước. Thanh niên, sinh viên trút vào đây không biết bao nhiêu thời gian, vốn là tài sản vô giá của tuổi thanh xuân. Thú ăn chơi của sinh viên thời chúng tôi thanh lịch, nhẹ nhàng, gắn liền với thiên nhiên, với bè bạn. Đặc biệt, chúng tôi thích bát phố và đi xinê. Sau một tuần học hành cực lực, chiều thứ bảy, đứa mô cũng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, cặp năm cặp ba nhong nhong dọc đường Trần Hưng Đạo (từ tiệm may Minh Châu đến tiệm Mỹ Thắng). Mỗi tuần một lần, gặp bạn bè, tay bắt mặt mừng, vài câu thăm hỏi, vài cuộc hẹn hò, đôi khi may mắn còn được nghễ no con mắt những giai nhân tăm tiếng của Huế. (Nhưng nếu ai đó đi phố với ai đó, thì có nghĩa như là đã mang vào mình chiếc nhẫn đính hôn). Còn xinê – là bữa tiệc sang trọng nhất của sinh viên. Đi với bạn cho vui, nhưng đi với “Người” mới là đại hạnh. Một chút chạm nhẹ thôi cũng xao xuyến suốt đời.

Hẳn các bạn sinh viên ngày nay muốn biết chuyện “trai gái” thời chúng tôi có khác? Chắc chắn là khác rồi. Khác rất nhiều với bên Tây bên Mỹ, khác hung với các bạn bây giờ. Thời chúng tôi, quen nhau, yêu nhau, đẹp như tiểu thuyết, thủy chung như cau trầu. Bên Tây, hễ đôi lứa gặp nhau là xáp lại, tấn lận lận, ngay trên đường phố, nơi chỗ đông người. Ngày nay, một vài thành phố hiện đại của ta, tình yêu đã thay áo mới ; không cùng nhìn về một hướng, không nghiêng nón, không vân vê tà áo, không đưa em về dưới mưa, không thẹn thùng núp sau cánh cửa. Tình yêu bây giờ tốc độ hơn, trần trụi hơn, tất cả phải cân đong đo đếm được. Người ta bảo thế là khôn ngoan. Còn Huế mình? Thi thoảng tôi cũng “vi hành” một vòng nơi danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình, cà phê đèn mờ. Quả có khác thời chúng tôi. Nếu bớt bớt một chút thì đẹp. Huế, cổ kính, thanh lịch, là thành phố văn hóa và giáo dục, là món quà cưới đẫm nước mắt cuộc tình Huyền Trân. Đã không quí trọng thì thôi, nỡ nào. Với Huế, dù là một trăm năm sau, xin đừng ai hôn hít nhau trên đường phố hay chỗ đông người, vì như thế sẽ rất nguy hiểm, với lại… trẽn lắm. Không cần phải qui kết tôi nầy nọ. Bởi vì về mặt nầy, từ lâu tôi đã tự xếp mình vào hàng bảo thủ.

Điều tôi tự hào nhất về thế hệ sinh viên thời chúng tôi là sự vững vàng trước khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử. Thời ấy, sinh viên là lương tâm của xã hội. Sinh viên góp phần điều phối bước đi của lịch sử. Chiều 17/8/1963, cuộc biểu tình đầu tiên chống Mỹ – Diệm là sinh viên Huế. Tiếp theo, hằng trăm cuộc biểu tình long trời dậy đất, góp phần đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào” cũng là sinh viên Huế. Hồi ấy, đi biểu tình đồng nghĩa với bị đuổi học, bị bắt bớ, giam cầm, tù đày, cả cái chết. Sinh viên phải đối mặt với một chọn lựa nghiệt ngã. Tự do hay nô lệ, vinh hay nhục, sống hay chết. Không cần nhíu mày nhíu mặt, họ chọn lựa và lên đường. Những Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Nguyễn Thiết, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Gành, Trần Hoài, Võ Quê… Nhiều người trong các anh đã không trở về. Chọn lựa nào cũng oanh liệt, nhưng vào thời điểm ấy, đó là chọn lựa oanh liệt nhất. Hẳn phải có nhân cách, niềm tin và bản lĩnh ghê gớm mới vững vàng đến thế. Đôi lần Xuân tâm sự, “Hồi ấy mình lo tranh đấu, rồi lên rừng, không kịp thi lấy bằng tốt nghiệp”. Tôi chỉnh bạn, “Ông chưa kịp lấy bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm, nhưng ông có đến mấy tấm bằng tốt nghiệp từ đại học cuộc đời. Nay ông kể như được xếp vào hàng quốc sĩ. Trượng phu bận tâm chi ba chuyện nhỏ”. Xuân cười.

Ngày nay sinh viên tuy không phải đối mặt với những vấn đề nghiệt ngã như trước, nhưng không phải không có vấn đề: Học tập hay buông thả, cống hiến hay hưởng thụ, tự lập hay cậy nhờ, tốt nghiệp về góp phần xây dựng quê hương hay chạy vạy ở lại thành phố xin cho được một chỗ trong các công ty nước ngoài… Liệu họ có rút được bài học gì từ các thế hệ sư huynh của họ. Nếu tôi là Hiệu trưởng, tôi sẽ thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện. Diễn giả là những cựu sinh viên của trường, đã học tập, chiến đấu và chiến thắng trở về. Kinh nghiệm của họ sẽ là bài học bổ ích cho thế hệ sinh viên hôm nay. Vâng, nếu biết thì thầm với quá khứ, bạn sẽ có thêm sức mạnh để hướng về tương lai.

Đã lâu tôi trở về thăm trường. Một số công trình vừa được xây dựng. Đường đi lối lại đều trải bê tông. Thời chúng tôi, trường không quá 300 sinh viên. Nay 15 lần hơn. Nếu kể hết các hệ đào tạo cũng đến 30 lần. Có phải vì vậy mà ngôi trường như chật chội hơn xưa. Năm trước tôi có dịp đi đây đó vài nơi, thăm viếng vài trường, Berkeley, Stanford, Ohio, Northwestern, Pasteur, Sorbonne … Điểm chung nhất của những ngôi trường nầy là to và rộng. Ngoài những tòa nhà, còn lại mênh mông chi xứ cỏ cây hoa lá và khoảng trời – nó là bài học thấm đẫm, là người thầy vĩ đại, là đôi cánh cho tình yêu, ước mơ và khát vọng. Ngày trước, trong điều kiện và yêu cầu ấy, chỉ cần ngôi trường ấy. Ngày nay, trong điều kiện và yêu cầu cao hơn, tưởng cần có ngôi trường to rộng hơn. Làm sao cho trường đại học không phải là trường cấp bốn. Thử hình dung, Đại học Huế với những ngôi trường ước mơ ấy sẽ độc đáo và hấp dẫn biết bao nếu nó được thiết kế trên trục của hai bờ con sông Hương huyền thoại.

Tôi dừng chân cuối hành lang. Chỗ nầy ngày xưa tôi hay đứng ngắm dòng sông. Chỗ nầy cũng là nơi chúng tôi chụp chung hình kỷ niệm trước khi xa nhau – từ ngày ấy nhiều bạn tôi không gặp lại. Không biết có còn gặp lại.

Căn phòng thầy Tuyên giảng bài nay là phòng CIII4. Dưới sức nặng của năm tháng, cây đoác chẳng cao hơn xưa là bao. Đâu rồi đôi chim sáo của tôi. Hẳn nó không còn nữa. Nó đã đến đây, an nhiên tự tại, ca hát, rồi biến mất. Chỉ còn lại trong tâm tưởng tôi không phai mờ vẻ an nhiên tự tại và tiếng hót vô nhiễm của nó.

Mới thôi mà đã. Bạn bè tôi thuở ấy đứa mất đứa còn, đứa phiêu bạt phương trời. Tôi thấy ngào nghẹn một nỗi niềm. Cám ơn cuộc đời đã cho tôi tình yêu và kỷ niệm. Thế đấy, thi thoảng tôi thấy mình yêu quá cuộc đời nầy mà không biết đích xác yêu cái gì.

Tôi chia tay trường cũ. Nhiều sinh viên nhìn tôi xa lạ. Không biết các em có biết đã một thời tôi là sinh viên của trường. Tôi là sinh viên khóa không có tên. Lòng vui vui thầm nghĩ, không có tên cũng là một cái tên. Thà không có tên mà mình vẫn nhớ, còn hơn không ai muốn nhớ về một cái tên.

                                                                                       Huế (02/2002)

                                                                                  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *