Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG CUỐN TIỂU LUẬN A ROOM OF ONE’S OWN CỦA VIRGINIA WOOLF

Tóm tắt: Trong A Room of One’s Own, tác giả nói đến sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa hai giới; sự phân biệt giới tính khiến cho tình trạng của người phụ nữ trở nên trầm trọng, bà tập trung đặc biệt vào vấn đề phụ nữ và văn học; những khó khăn trong cuộc sống khiến họ rơi vào tình trạng bi đát, rất khó/không thể dễ dàng tạo dựng chỗ đứng của họ trong xã hội.

Tác giả cũng đưa ra những định kiến về phụ nữ tồn tại trong nhận thức xã hội, đặc biệt trong quan niệm của giới trí thức thuộc phái nam. Bà tỏ ra vô cùng bức xúc và lên tiếng mạnh mẽ đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ. Bà cho thấy trong lịch sử, phụ nữ đã bị tước bỏ những điều kiện cơ bản như sự riêng tư, sự tự chủ, độc lập tài chính, thời gian giải trí cho riêng mình – đó là những điều kiện xã hội và vật chất cần thiết để phụ nữ có thể thể hiện được những thiên tư sáng tạo của họ. Do vậy, bà mong muốn phụ nữ phải là chính mình, phải tự khẳng định vị trí của mình để từng bước đi đến sự bình đẳng với nam giới, nhất là trên phương diện “tự do trí tuệ” trong sáng tạo văn học, nghệ thuật để cống hiến cho nhân loại những giá trị tinh thần. Từ khóa: nữ quyền, giới tính, bất bình đẳng, phụ nữ, nam giới Cuốn tiểu luận A Room of One’s Own (1929) (Một căn phòng cho riêng mình) của Virginia Woolf được xem là cuốn sách đặt nền móng trình bày về tư tưởng nữ quyền thế kỷ XX. Ngay từ khi mới xuất hiện, cuốn sách Một căn phòng cho riêng mình đã khiến người ta thực sự ngỡ ngàng vì tiếng nói nữ quyền của Virginia Woolf vang lên mạnh mẽ trong các bài giảng của bà. Đây là cuốn sách được tập hợp dựa trên hai bài giảng có tựa đề Phụ nữ và Tiểu thuyết mà Virginia Woolf đã trình bày tại hai trường cao đẳng dành cho nữ giới, Newnham và Girton College, vào tháng 10 năm 1928. Trong các bài giảng này, V. Woolf đã chỉ ra những sự bất bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong suốt lịch sử trên rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong gia đình, xã hội, giáo dục, tài chính, sự “tự do trí tuệ”. Nhận thấy những sự bất bình đẳng trên V. Woolf chỉ ra phụ nữ cần phải thực sự hành động để khẳng định vị thế của mình, giá trị của mình trong thế cân bằng với nam giới. Cuốn sách này, mặc dù V. Woolf hướng đến làm rõ vấn đề “phụ nữ và văn học” vấn đề phụ nữ phải có “tiền và một căn phòng riêng”, nhưng trong cuốn sách bà đã thể hiện được nhiều hơn thế. Các vấn đề được bà trình bày thuyết phục bằng một phong cách viết lôi cuốn và thú vị. 1. Virginia Woolf và hành trình sáng tạo hướng đến nữ quyền luận Virginial Woolf (1882-1941) đã có một sự nghiệp văn chương đáng ngưỡng mộ; bà được xem là một nhà tiểu thuyết, một nhà phê bình sắc sảo; với những thành tựu và sự cống hiến trong sự nghiệp của bà, bà được đánh giá là “là một trong những nhân vật văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỉ 20”. Có những thời điểm bà viết và xuất bản liên tục hàng loạt những tác phẩm được đánh giá cao như Đêm và ngày (Night and Day, 1919), Thứ hai hay thứ Ba (Monday or Tuesday, 1921), Căn phòng của Jacob (Jacob’s Room, 1922), Bà Dalloway (Mrs.Dalloway, 1925), Về phía ngọn hải đăng (To the Lighthouse, 1927), Orlando (1928), Một căn phòng cho riêng mình (A Room of One’s Own, 1929), Những đợt sóng (The Waves, 1931), Những năm tháng (The Years), Ba đồng tiền vàng (Three Guineas, 1938)… Sự nghiệp văn học của bà là minh chứng mạnh mẽ nhất cho việc phụ nữ có thể viết và khẳng định tài năng trí tuệ của họ. V. Woolf đã có nhiều bài giảng rất đáng chú ý về vấn đề nữ quyền. Ý thức nữ quyền luôn được thể hiện trong tác phẩm của bà đặc biệt là trong tác phẩm Một căn phòng cho riêng mình. Đọc tác phẩm của bà, người ta cảm nhận được tiếng nói đầy sôi nổi, mạnh mẽ, sắc sảo và cương quyết của một nhà văn, nhà phê bình nữ quyền ý thức hơn ai hết những vấn đề hệ trọng mà phụ nữ gặp phải trong suốt chiều dài lịch sử. Mong muốn cốt yếu của bà là người phụ nữ phải tìm được “thế đứng” của mình và từng bước “vượt thoát” khỏi những ranh giới kìm hãm, ràng buộc quyền tự do sáng tạo, quyền tự do hành động và thể hiện chính mình trong muôn mặt của đời sống. Trước thời điểm V. Woolf xuất bản cuốn tiểu luận này, phong trào nữ quyền từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX tại Anh và Mỹ đã hình thành và phát triển, hướng đến thúc đẩy việc “thực thi quyền của phụ nữ”. Các phong trào nữ quyền ngày càng có sức ảnh hưởng đáng kể tác động mạnh mẽ đến nhận thức của nhiều cây bút đương thời. Từ sau V. Woolf, nhiều cây bút phê bình nữ quyền có thể được ghi nhận bằng những đóng góp to lớn của họ cho nữ quyền luận như: Simone de Beauvoir (1908 – 1986) với công trình Giới tính thứ hai (Le deuxième sexe, 1949); Elaine Showalter (1941 -) với công trình Một nền văn chương của chính mình (A Literature of Their Own, 1986); Mary Ellmann (1921-1989) với bài viết Nghĩ về phụ nữ (Thinking about Women, 1968). Có thể thấy, Một căn phòng cho riêng mình được đánh giá như một cuốn sách đầu tiên khơi nguồn cho phong trào phê bình nữ quyền ở rất nhiều tác giả sau này. Vượt xa vấn đề văn học và phụ nữ đơn thuần, V. Woolf đã chỉ ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng về văn hóa, kinh tế và giáo dục trong một xã hội gia trưởng (patriarchy) – thứ đã kìm hãm, cản trở người phụ nữ nhận ra khả năng sáng tạo/sự tự do sáng tạo của họ. Nhận định về cuốn sách, Mary Gordon, nhà văn và nhà phê bình sách của New York Times, cho rằng Virginia không viết về quyền của tất cả phụ nữ, mà chỉ là một kiểu phụ nữ nhất định. Tuy nhiên, xét ở tất cả những gì V. Woolf đã thể hiện, có thể vượt ra ngoài ý định ban đầu của V. Woolf, rõ ràng bà không chỉ dừng lại ở góc độ phụ nữ và văn học đơn thuần. Bà đã đụng chạm đến những vấn đề mà người phụ nữ nói chung gặp phải. Và những vấn đề chung đó lại là rào cản, cản trở những người phụ nữ có thiên tư sáng tạo thực hiện khả năng của họ. Và dẫu V. Woolf chỉ đề cập chủ yếu đến vấn đề phụ nữ và văn học thì đó cũng là điều rất đáng hoan nghênh ở bà. Bà mong muốn phụ nữ cũng có điều kiện để khẳng định tài năng của họ như nam giới. Phụ nữ cũng phải được thừa nhận về sự cống hiến của họ trong kho tàng trí tuệ của nhân loại chứ không thấp kém như những định kiến mà người ta gán ghép cho họ. Có rất nhiều quan niệm về nữ quyền (feminism, women’s right), các học giả của công trình The Concise Encyclopedia of Sociology cho rằng: “Nữ quyền là một hệ thống các ý tưởng và sự thực hành chính trị dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới”2 [3, tr.223]. Các tác giả Laura Brunell, Elinor Burkett cũng cho rằng: “Nữ quyền là niềm tin vào sự bình đẳng xã hội, kinh tế và chính trị của hai giới. Mặc dù phần lớn có nguồn gốc từ phương Tây, nhưng nữ quyền được thể hiện trên toàn thế giới và được đại diện bởi các tổ chức khác nhau cam kết hoạt động thay mặt cho quyền và lợi ích của phụ nữ”1 [2]. Nhắc lại một số quan niệm cơ bản về nữ quyền để thấy các vấn đề mà V. Woolf đề cập trong tác phẩm của bà như tình trạng kinh tế nghèo nàn của phụ nữ, phụ nữ ít được đi học, không được hoan nghênh trong các trường đại học, không được định đoạt trong vấn đề hôn nhân, gia đình, bị bó hẹp trong các công việc gia đình và không có thời gian cho riêng mình, sự phụ thuộc vào tài chính. Những điều kiện xã hội và vật chất cho việc viết văn của người phụ nữ bị tước đoạt, đó là điều mà V. Woolf thực sự quan tâm và kiên quyết đi tìm “lịch sử của phụ nữ trong văn học”, tìm hiểu vấn đề vị trí của người phụ nữ được nhìn nhận thế nào trong con mắt của các thức giả là nam giới. 2. Người phụ nữ và những rào cản kìm hãm: sự riêng tư bị xâm phạm, sự sở hữu tài chính bị tước bỏ, quyền tự do trong hôn nhân bị trói buộc, những định kiến nặng nề Trong Một căn phòng cho riêng mình, V. Woolf đã đề cập đến nhiều vấn đề thực sự hệ trọng của người phụ nữ trong thế kỷ của bà cũng như trước đây. Bà đã cố gắng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về người phụ nữ mà bà đã từng đặt ra trong các bài giảng cũng như trong sự suy nghĩ của bà về giới phái. Bà đã thực sự say mê và khao khát đi tìm câu trả lời để hiểu bản chất của sự bất bình đẳng giữa nam và nữ là gì? điều kiện gì đã khiến người ta có sự phân biệt giới phái ghê gớm như vậy. Sự phân biệt khiến người ta mặc nhiên thừa nhận sự nghiêng lệch giới phái tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử. V. Woolf là người phụ nữ đã dũng cảm bước ra khỏi ranh giới trói buộc đầy định kiến của xã hội về người phụ nữ để hành động; và bà đã chứng minh cho người ta thấy người phụ nữ đã phải gánh chịu sự thiệt thòi như thế nào trong một xã hội “gia trưởng” mà nam giới là kẻ nắm quyền. V. Woolf chỉ ra những quyền bị giới hạn của phụ nữ so với nam giới/ những khó khăn mà người phụ nữ gặp phải trong cuộc sống. Gần như người phụ nữ phải chịu thiệt thòi và bị áp bức trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trước hết, V. Woolf nói đến tình trạng kinh tế của người phụ nữ. Bà chỉ ra “kiếm tiền là một cái gì gần như bất khả đối với họ”. Phụ nữ không chỉ khó kiếm tiền mà điều oái oăm là phụ nữ cũng không được phép sở hữu nó: “Luật lệ thời đó không cho phép họ có quyền giữ riêng đồng tiền do chính tay họ làm ra […]. Ở những thế kỉ trước, tiền bà làm ra là tài sản của người chồng… Họ có thể thốt lên rằng mỗi đồng xu tôi làm ra đều bị lấy đi và do chồng tôi định đoạt việc tùy nghi tiêu dùng” [5, tr.43]. Đó thực sự là điều vô cùng bất công, nhưng người phụ nữ phải chấp nhận chuyện đó như một lẽ đương nhiên bởi vì luật lệ không ủng hộ họ. Mọi thứ của người phụ nữ đều là tài sản của người chồng. Phụ nữ đã bị kiểm soát và bị tước đi mọi thứ lẽ ra thuộc về họ. Chưa kể, người phụ nữ phải làm những việc mà họ không thích, bị đè nén, bị buộc phải giả dối và thấp hèn trong công việc của họ bởi vì “chuyện rủi ro rất dễ xảy ra cho kẻ ngay thẳng”. V. Woolf chỉ ra tình trạng nhiều người phụ nữ bị trói buộc, bị tách khỏi cộng đồng/ bị cách li với thế giới bên ngoài. Có một thực tế là người phụ nữ có nghĩa vụ phải chăm sóc con cái ở nhà trong khi chồng của cô ta thì chủ yếu tham gia các hoạt động bên ngoài xã hội. Người phụ nữ, trong điều kiện này có lẽ chỉ mong muốn một cuộc hôn nhân tốt đẹp, một người chồng yêu thương gia đình, tôn trọng phụ nữ, còn người phụ nữ được quy cho là phải đảm nhận trách nhiệm trong gia đình, chẳng hạn cô ta quán xuyến mọi công việc như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, phục vụ cho chồng. Và dĩ nhiên cô không có thời gian cho riêng mình. V. Woolf đã tìm đọc cuốn Lịch sử Anh Quốc của Trevelyan3 và bà (có lẽ đã thực sự cảm thấy đau xót – NV) bắt gặp những dòng này: “Đánh đập vợ là quyền hạn mặc nhiên được công nhận của đàn ông, đàn ông đánh vợ không bị người trên cũng như kẻ dưới chê cười”, “Tương tự, con gái không chịu lấy chồng do cha mẹ lựa chọn sẽ bị nhốt trong phòng và bị đánh đập đến nhừ tử, lên bờ xuống ruộng” [5, tr.72]. Lịch sử đã ghi lại rằng người phụ nữ bị hành hạ về thể xác và điều đó được mặc nhiên thừa nhận. Chưa kể, phụ nữ bị ép buộc trong hôn nhân, không được tự do định đoạt hôn nhân của chính họ. V. Woolf dẫn chứng điều này từ chính trong những cuốn sách lịch sử đã ghi lại: “Ép duyên không hề gây sốc trong dư luận. Hôn nhân không phải là chuyện tình cảm riêng tư, mà là chuyện mưu lợi cho gia đình” [5, tr.72]. V. Woolf cũng tìm thấy trong văn bản khác đề cập đến địa vị của phụ nữ: “Đàn bà thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu lấy chồng theo ý mình vẫn là biệt lệ; sau khi người chồng được chọn, ông ta là chúa tể, là chủ gia đình, luật pháp cũng như tục lệ cho phép như thế” [5, tr.73]. Điều đáng nói ở đây là luật pháp và tục lệ cho phép duy trì sự bất công này đối với phụ nữ. V. Woolf chỉ ra thực trạng đau lòng về sự đối lập giữa người phụ nữ trong văn chương với người phụ nữ ngoài cuộc đời: “Trong trí tưởng, nàng là nhân vật cực kì quan trọng; ngoài thực tế nàng chẳng là gì; trong thi ca nàng tràn ngập từng con chữ, trong lịch sử nàng vắng mặt. Nàng tỏa khắp đời sống vua chúa và là người chinh phục trong tiểu thuyết; nhưng sự thật nàng là nô lệ của bất kỳ cậu trai nào sau khi cha mẹ cậu ấn cái nhẫn vào ngón tay nàng. Trong văn chương, những từ ngữ cao nhã nhất những tư tưởng thâm thúy nhất thốt ra từ đôi môi nàng, ngoài đời thật nàng gần như mù chữ và là tài sản của chồng nàng” [5, tr.75]. Sự đối lập đáng sợ này đã được V. Woolf dùng những từ ngữ miêu tả chính xác hiện trạng của người phụ nữ như “chẳng là gì”, “vắng mặt”, “nô lệ”, “mù chữ”, “là tài sản của chồng”. Thực tế người phụ nữ đã không được nói tới trước thế kỷ XVIII, họ bị phớt lờ, bị quên lãng. V. Woolf đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về phụ nữ và bà nhận ra rằng thời Elizabeth, phụ nữ cũng bị những điều kiện kinh tế, xã hội chèn ép, không có sự tự do trong tiền bạc, sự riêng tư cá nhân để có thể theo đuổi sự nghiệp văn chương nên “chẳng bao giờ có chuyện đột nhiên một người trong họ là kịch gia tầm cỡ Shakespeare”. Những điều kiện khó khăn về vật chất đã kìm hãm những người phụ nữ có tài năng khó có thể nghĩ đễn chuyện viết văn/ sáng tạo những giá trị tinh thần. Nhưng V. Woolf cũng cho thấy “khó khăn phi vật chất còn tồi tệ hơn nhiều”. Trước thế kỷ XIX phụ nữ vẫn không có được quyền riêng tư. Họ bị phân tán, bị “vùi lấp” trong những công việc hàng ngày khiến họ dù nghĩ đến chuyện viết văn thôi cũng là điều rất xa vời, chưa kể là nghĩ đến việc dấn thân vào chuyện văn chương. Sự riêng tư này được V. Woolf nhắc đến cụ thể là việc sở hữu một căn phòng cho riêng mình – thứ mà có thể “giúp cô thoát khỏi sự phiền nhiễu và sự chuyên chế của gia đình”. Người phụ nữ trong lịch sử bị gắn với những định kiến về sự lệ thuộc, tầm thường. Trong những định kiến mà người ta gán cho phụ nữ, V. Woolf đặc biệt chú ý đến những định kiến về sự lệ thuộc/ sống bám víu vào người đàn ông. Trên báo chí, người ta nhận xét về đàn bà: “Cốt lõi của bản chất người đàn bà là họ sống nhờ vào sự trợ giúp của đànô ng và họ là kẻ hầu hạ đàn ông” [5, tr.91]. Sự lệ thuộc này đã khiến phụ nữ không tìm được tiếng nói riêng cho chính họ trong gia đình và ngoài xã hội. Từ đó đi đến định kiến người phụ nữ có trí tuệ thấp kém, không có đóng góp gì cho sự phát triển của nhân loại. V. Woolf cũng đặc biệt chú ý đến những định kiến cho rằng “về mặt trí tuệ, đạo đức và thể xác thì đàn bà đều thua kém đàn ông”. Sự ám ảnh định kiến đó có sức “công phá” rất lớn đến tư tưởng, nhận thức của cả hai phái. Một mặt nó khiến những người nam giới bảo thủ coi thường giá trị của người phụ nữ. Mặt khác, nó có thể khiến những người phụ nữ mặc cảm tin rằng đó là số mệnh, là cuộc sống vốn sinh ra thế khiến họ mặc nhiên chấp nhận/ cam chịu/ an phận. V. Woolf còn nhấn mạnh bạn đọc về ý kiến của ông John Langdon Davies4: “Một khi trẻ con không còn được yêu thích đón nhận nữa thì không cần thiết phải có đàn bà”. V. Woolf đã đọc vô vàn những quan điểm như thế của nam giới về nữ giới. Những quan điểm đó đều nhằm mục đích khẳng định trí tuệ thấp kém của người phụ nữ. Khi nhắc đến những quan điểm này hơn ai hết Wool kêu gọi, chính bản thân người phụ nữ chứ không phải ai khác cần “Luôn luôn phải vươn lên khẳng định, chống lại và đánh bại định kiến” [5, tr.91] không nên cam chịu những định giới mà người ta gán ghép cho phụ nữ. Sau này, Simone de Beauvoir, trong tác phẩm kinh điển của bà về chủ nghĩa Nữ quyền, bà đã cho rằng: “Một người không được sinh ra làm đàn bà, mà đúng hơn trở thành đàn bà…;” [1, tr.111]. Như vậy, bản thân nam giới và nữ giới sinh ra đã có quyền bình đẳng như nhau, nhưng chính xã hội đã dần tạo ra sự nghiêng lệch/ sự bất bình đẳng và đẩy người phụ nữ vào thế mất cân bằng với nam giới. Sự mất cân bằng này là do kết quả của hoàn cảnh lịch sử, xã hội của nền văn minh nhân loại tạo ra chứ không phải bản thân người phụ nữ sinh ra đã vốn dĩ phải chịu sự bất bình đẳng như vậy. Quan điểm của Beauvoir trong cuốn sách này được đánh giá là “đã mở ra cánh cửa giải thoát cho phụ nữ toàn thế giới”. Như vậy, việc nhận thức về vai trò của bản thân mình ở những người phụ nữ là cực kỳ quan trọng, họ cần phải nhận thức được bản chất của sự bất bình đẳng là gì, để từ đó có sự thay đổi tư duy và hành động trong hành trình đấu tranh khẳng định quyền bình đẳng giới. 3. Phụ nữ nên tìm thấy chính mình, khẳng định sự độc lập về tài chính và sự tự do trí tuệ Không khó để tìm thấy trong cuốn sách này những dẫn chứng mà V. Woolf đưa ra để minh chứng cho sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Bà cố gắng đi đến tận cùng vấn đề để lí giải nguồn gốc của sự bất bình đẳng. Xuyên suốt cuốn sách bà nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sở hữu về tài chính và một căn phòng riêng được xem như một biểu tượng của sự tự do cá nhân. Người phụ nữ nên tìm thấy chính mình, khẳng định sự độc lập về tài chính và sự tự do trí tuệ có lẽ là thông điệp mà V. Woolf thực sự muốn mang đến cho người đọc qua cuốn sách này. V. Woolf mong muốn, phụ nữ nên tìm thấy vị thế của mình trong xã hội, và với những người phụ nữ có mong ước được khẳng định bản thân mình trong nghề viết văn cần mạnh dạn “vượt thoát” khỏi những định giới mà xã hội đã đặt ra cho họ. Chính bản thân V. Woolf là một minh chứng rõ ràng trong văn nghiệp. Bà biết rõ bản thân mình muốn gì, bà vượt qua bức tường ngăn cản để thực hiện mong muốn được thỏa sức sáng tạo trong ngòi bút. Bà viết điểm sách, viết tiểu luận, biên tập và viết tiểu thuyết không ngừng nghỉ trong suốt thời gian dài. Bà còn là một thành viên quan trọng của nhóm văn học Bloomsbury. Chính những hoạt động này đã giúp V. Woolf thực sự tự tin và thỏa sức thể hiện tài năng của mình. Nhưng trước V. Woolf và ngay cả trong thời đại mà bà đang sống phụ nữ luôn gặp phải những rào cản của sự bất bình đẳng trong một xã hội gia trưởng, sự bất bình đẳng trong giáo dục. Phải chăng đó là một trong những lí do khiến phụ nữ không khẳng định được giá trị của mình trong lịch sử, hoặc họ rất ít được lịch sử nói tới. V. Woolf cho rằng cần phải có nhận thức đúng đắn về sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Vì đâu mà người phụ nữ chưa có chỗ đứng trong lịch sử? Nếu phụ nữ có được nhắc tới thì chủ yếu là nói về tình trạng thấp kém của người phụ nữ. V. Woolf bác bỏ quan niệm phụ nữ là những nhà văn thấp kém hay những đối tượng “nhỏ bé” trong xã hội. Chính họ bị cấm đi học, họ không được chào đón hoan nghênh trong các trường đại học; họ bị tước đi quyền thừa kế và quyền sở hữu tài sản cá nhân; họ bị áp đặt trong hôn nhân và toàn bộ thời gian của họ dành cho việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái; họ bị phụ thuộc về kinh tế. Đó là lý do vì sao V. Woolf nhấn mạnh tầm quan trọng của tiền bạc và sự riêng tư cá nhân. V. Woolf không ngừng đặt câu hỏi về những điều kiện cho việc sáng tác văn học. Bà băn khoăn “Cái nghèo tác động gì đến sáng tác văn học?” và “Những điều kiện nào cần thiết cho việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật?” Theo bà, phụ nữ muốn sáng tạo văn học cần có sự tự chủ về tài chính và không gian riêng tư của chính họ. Bà đã cố gắng đi tìm những cuốn sách do giới nữ viết nhưng bà nhận ra rằng có quá ít nhà văn nữ. Trăn trở về vị trí của đàn bà trong sáng tạo văn học, V. Woolf đặt ra câu hỏi: “Tại sao không có người phụ nữ nào đóng góp một chữ vào cái kho tàng văn chương hoành tráng kia, trong khi cứ hai người đàn ông thì có một người biết sáng tác ca khúc hoặc làm thơ. Đàn bà thời trước sống như thế nào?” [5, tr.71]. Bà đã đưa ra hàng loạt câu trả lời cho các câu hỏi đó. Với những gì bà tìm hiểu trong thực tế và trong sách vở thì bà thấy rằng “Đàn bà sống vào thời đại Shakespeare viết kịch như Shakespeare là chuyện hoàn toàn bất khả” [5, tr.79]. Bà đã đưa ra một ví dụ giả tưởng cho điều này. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Shakespeare có một cô em gái có năng khiếu tuyệt vời mà bà gọi là Judith? Bà cho rằng không khó để nhận ra cuộc đời của cô em gái đó sẽ diễn biến theo kịch bản mà người ta có thể biết trước được kết cục của nó. Trong khi Shakespeare thỏa sức thể hiện tài năng và gây dựng sự nghiệp văn chương cho riêng mình thì Judith không được đi học. Gia đình cô ấy muốn cô ấy phải kết hôn, cô ấy cưỡng lại sự ép buộc và chạy trốn để theo đuổi đam mê của mình. Cô xin việc ở trong một nhà hát với mong muốn hiện thực hóa giấc mơ của mình. Nhưng định kiến của xã hội đã cản trở điều đó cuối cùng cô buộc phải tìm đến cái chết bằng cách tự tử. Hình ảnh tưởng tượng này có thể là bất cứ một đối tượng nữ giới có tài năng nào trong cuộc đời thực. Đây thực sự là kết cục bi đát cho những phụ nữ nào mong muốn được hiện thực hóa tài năng của họ. Người phụ nữ dù có cố gắng cũng không thể nào thoát khỏi những định kiến, sự xô đẩy dồn ép khiến họ phải từ bỏ giấc mơ sáng tạo. Do điều kiện xã hội, phụ nữ không dám mạnh mẽ khẳng định. Nếu người phụ nữ cố gắng vùng thoát khỏi xã hội đầy định kiến và bất công rất có thể cô cũng sẽ phải chịu một hậu quả bi đát là cái chết thê thảm chấm dứt cho những đam mê của họ. Đó là sự tưởng tượng của V. Woolf về hình ảnh người phụ nữ có thiên tư sáng tạo ở thế kỷ XVI. Họ cũng không tìm thấy hạnh phúc và “tự bất hòa với chính mình” bởi vì “Tất cả những điều kiện sinh sống, tất cả những bản năng trong chính bản thân bà đồng loạt chống đối cái tâm thức cần thiết để bà tự do buông thả bất cứ điều gì hiện lên trong trí não” [5, tr.86]. Cho đến thế kỷ XIX, V. Woolf cũng thấy rằng phụ nữ cũng chưa thực sự dám khẳng định mạnh mẽ tài năng của mình, họ “vẫn chưa được khuyến khích chọn lựa nghiệp nghệ sĩ”, thậm chí họ phải ẩn danh khi viết văn bằng cách “lấy tên nam giới làm bút danh”. V. Woolf cho rằng: “Làm thế, họ chỉ tôn cao thêm cái quy ước đàn bà nổi tiếng thì đáng khinh, một quy ước nếu không do giới phái kia đặt ra thì cũng được họ khuyến khích hỗ trợ” [5, tr.85]. Có lẽ cái quy ước đàn bà giỏi giang cũng chẳng ích gì, hay “trí tuệ đàn bà thì thấp kém” đã khiến cho mặc cảm tự ti cố hữu trong họ luôn ám ảnh; mặc dù những đóng góp của họ trong văn học là điều mà giới phái kia không thể phủ nhận. Bị ràng buộc bởi những định kiến đã tồn tại và ăn sâu trong nhận thức khiến họ chưa dũng cảm thể hiện tài năng của mình, thậm chí những người phụ nữ tài năng “vẫn bị xem thường, bị tát vào mặt, bị hô hào, bị lên lớp dạy bảo” [5, tr.93], khiến họ thậm chí không dám thừa nhận tài năng của mình, đến mức người phụ nữ có khả năng sáng tạo văn chương cũng buộc mình phải tin rằng “viết sách đồng nghĩa với sự lố bịch”. Đó là những lý do vì sao V. Woolf thấy có quá ít nhà văn nữ. Sự nghèo túng về kinh tế, không gian riêng tư không có/ không được tôn trọng là điều kiện cơ bản ảnh hưởng đến sự sáng tạo của giới nữ. Câu nói đã trở thành tuyên ngôn của bà được nhắc đi nhắc lại trong suốt bài luận là “Một người phụ nữ phải có 500 bảng một năm và một phòng riêng nếu cô ấy viết một cách sáng tạo”. V. Woolf mong muốn phụ nữ thực sự sẽ tham gia vào tất cả những công việc ngoài xã hội mà một thời họ bị pháp luật và tục lệ cấm cản; phụ nữ – một cách quyết liệt và mạnh mẽ, sẽ tham gia vào việc viết văn. Hơn lúc nào hết phụ nữ cần biết làm chủ chính cuộc đời của mình. Chỉ có sự độc lập, có nghề nghiệp, có sự tự chủ về vật chất, sự tự do về tinh thần phụ nữ mới có thể giành được sự tôn trọng của xã hội. Việc viết văn của phụ nữ có tầm quan trọng thiết thực và phụ nữ có thể kiếm được tiền từ công việc viết lách. Sự tự do kinh tế là điều cực kỳ quan trọng mà V. Woolf thường xuyên nhấn mạnh để phụ nữ có thời gian và không gian riêng tư cho cá nhân mình. V. Woolf kết luận quan điểm này rằng phụ nữ chỉ có thể có cơ hội để vượt qua mọi rào cản, sáng tạo được một cái gì ý nghĩa trong sự nghiệp viết văn của họ thì cô ta phải có “tiền và một căn phòng riêng” – Một căn phòng cho riêng mình, có nghĩa là phụ nữ có được không gian và thời gian để thực hiện sự tự do trí tuệ/ viết những gì cô muốn mà không bị xâm phạm, xáo trộn, không bị tác động bởi những công việc gắn liền với trách nhiệm mà người ta mặc nhiên gán cho người phụ nữ. V. Woolf cũng mong muốn phụ nữ phải có được sự tự do trí tuệ để có thể thỏa sức bộc lộ khả năng sáng tạo và “Sự tự do trí tuệ phụ thuộc vào điều kiện vật chất. Thi ca phụ thuộc vào sự tự do trí tuệ”. V. Woolf cho rằng người phụ nữ không có được sự tự do trí tuệ là do người phụ nữ “luôn luôn nghèo”. Đáng buồn là “Đàn bà có ít sự tự do trí tuệ hơn cả con trai dân nô lệ Athen. Do đó, đàn bà chẳng bao giờ có cơ hội ngóc đầu lên để trở thành nhà thơ” [5, tr.172]. V. Woolf cho rằng đó là lý do vì sao bà luôn nhắc đến sự sở hữu tiền bạc và không gian riêng tư của người phụ nữ. Bà mong muốn người phụ nữ nên có sự tự chủ cả về vật chất lẫn tinh thần để được sống một cuộc sống đúng nghĩa “tràn đầy sinh lực”. Phụ nữ cần hòa mình vào hiện thực xã hội rộng lớn để cảm nhận thế giới tươi đẹp bên ngoài, để biết giá trị của cuộc sống thay vì giam mình/ chấp nhận sự tước bỏ tự do, quanh quẩn với những công việc trong nhà. Những điều này sẽ cản trở rất lớn khả năng viết của người phụ nữ. V. Woolf tha thiết kêu gọi phụ nữ cần phải khẳng định chính mình, khẳng định sự độc lập về tài chính và được tôn trọng quyền riêng tư cá nhân. Người phụ nữ cần can đảm viết ra tất cả những gì họ cảm nhận, họ đánh giá và ước muốn về cuộc sống. Bà kêu gọi phụ nữ cần đối diện với cuộc sống, phải dũng cảm dấn thân vào cuộc sống để đời sống của họ thực sự phong phú và ý nghĩa bởi vì “quan hệ của chúng ta là quan hệ với thế giới của hiện thực chứ không phải thế giới của đàn ông và đàn bà” [5, tr.182], bởi cũng như Marx viết. “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa (toàn bộ) các mối quan hệ xã hội”. Vậy thì không có lý do gì một giới phái thì tự do, còn giới phái kia bị giới hạn, bị bứt khỏi mọi mối quan hệ khác ngoài những mối quan hệ trong gia đình. Sự tự do kinh tế, sự tự do trí tuệ là hai mục tiêu người phụ nữ cần đạt được mà theo V. Woolf điều quan trọng cho người phụ nữ ở thời điểm đó là nên viết. Những người phụ nữ có tài năng và đam mê với sự sáng tạo văn chương cần thử sức và viết tất cả những gì họ mong muốn thể hiện. Chỉ có viết mới biết được khả năng của họ ở mức độ nào. Viết miết mài không bỏ cuộc, không vin vào bất cứ lý do khó khăn nào để biện hộ cho sự ngưng trệ, bỏ cuộc. V. Woolf khuyên phụ nữ hãy nghĩ về những điều họ cống hiến cho bạn đọc và sự đánh giá của người khác về tác phẩm của họ để tạo động lực cho bản thân mình. Phụ nữ hãy viết tất cả mọi thứ mà họ mong muốn là điều V. Woolf nhiệt thành khích lệ: “Tôi sẽ vui thích lắm – và có hàng nghìn người như tôi – nếu các bạn viết sách về du lịch hay truyện kí phiêu lưu, bạn cũng có thể viết sách chuyên đề hoặc khảo cứu, lịch sử tiểu sử, phê bình, triết học, khoa học. Chắc chắn các bạn sẽ góp phần vun xới làm tốt đẹp thêm cho nghệ thuật văn chương” [5, tr.174]. Sau này, Elaine Showalter (1941 -)5 trong công trình Toward a Feminist Poetics, bà cũng ủng hộ mạnh mẽ việc phụ nữ viết văn và khẳng định được chỗ đứng của mình so với nam giới. Và muốn làm được điều đó tác giả kêu gọi: “Trong giai đoạn Nữ, diễn ra từ năm 1920, phụ nữ từ chối cả việc bắt chước và phản đối – hai hình thức phụ thuộc – thay vào đó là kinh nghiệm của phụ nữ như là nguồn gốc của một nghệ thuật tự trị, mở rộng phân tích văn hóa nữ quyền sang các hình thức và kỹ thuật của văn học”6 [4, tr.36]. V. Woolf đã kêu gọi phụ nữ cần được tự do trong mọi lĩnh vực. Và thực tế V. Woolf đã cho thấy “Ở Anh quốc có ít nhất hai trường đại học dành riêng cho phụ nữ mở từ năm 1866, từ năm 1880 trở đi, người đàn bà có chồng được luật pháp cho phép làm chủ tài sản riêng, và năm 1919 – đàn bà được quyền bầu cử” [5, tr.179]. Phụ nữ cần được trao những quyền bình đẳng như nam giới, sự công bằng trong tiền lương, phụ nữ được giáo dục, được tự do trong hôn nhân, tự do trí tuệ… Trong tập tiểu luận này có lẽ không phải V. Woolf hướng đến kêu gọi phụ nữ đối lập với nam giới mà bà mong muốn họ cần sự ủng hộ giúp đỡ từ nam giới, cũng như nam giới cần sự ủng hộ của phụ nữ vậy. Họ cùng tồn tại và hỗ trợ cho nhau như hai mặt của tờ giấy không thể tách rời. 4. Kết luận Có thể nói, Một căn phòng cho riêng mình là tác phẩm rất đáng chú ý của V. Woolf về vấn đề nữ quyền bởi những đóng góp của bà về tiếng nói cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong cuộc sống. Bà đã chỉ ra phụ nữ cần phải làm gì để có quyền bình đẳng. Những vấn đề nữ quyền được nêu ra trong tập tiểu luận này thực sự đã để lại dấu ấn mạnh mẽ cho người đọc đương thời, cho những người phụ nữ có khát khao thể hiện đam mê văn học, cho những nhà văn nữ, cho những người có cái nhìn định kiến về giới nữ… Cuốn sách của bà cho đến hôm nay cũng vẫn còn lay động suy tư bạn đọc. Bằng lối viết móc xích cuốn hút, bằng những lập luận thẳng thắn và sắc sảo của bà cho người đọc hình dung một bức tranh tổng thể về vấn đề nữ quyền. Thông điệp mà bà mang lại là trao quyền cho phụ nữ sự tự do trí tuệ, phụ nữ sẽ viết và sẵn sàng khẳng định tài năng của họ để chứng minh cho những định kiến là hoàn toàn sai lầm. Cuốn sách của bà đã cho bạn đọc ngày nay thấy được có những giai đoạn người phụ nữ nói chung và những nhà văn nữ nói riêng đã phải chịu sự bất bình đẳng xã hội như thế nào, để thấy ngày nay phụ nữ đã có một bước tiến dài trong lịch sử khẳng định vị trí của giới nữ. Bước tiến này chắc chắn sẽ còn tiếp tục không ngừng. V. Woolf đặt ra câu hỏi liệu trong giới nữ có thể xuất hiện nhà văn lớn tầm cỡ Shakespeare không? Câu hỏi của bà đã được thực tiễn trả lời phụ nữ có thể khẳng định được vai trò và năng lực của họ trong lĩnh vực sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển văn hóa của nhân loại. Tài liệu tham khảo [1] M.H. Abrams (1999), A Glossary of Literary Terms (seventh edition), New York: Cornell University. [2] Brunell, Laura; Burkett, Elinor, “Feminism”, nguồn: https://www.britannica.com/topic/feminism, Encyclopaedia Britannica. [3] Lengermann, Patricia; Niebrugge, Gillian (2010),”Feminism”, In Ritzer, G.; Ryan, J.M. (eds.), The Concise Encyclopedia of Sociology. [4] Elaine Showalter (1979), “Toward a Feminist Poetics”, Women’s Writing and Writing About Women, London: Croom Helm. [5] Virginia Woolf (2016), Căn phòng riêng (Trịnh Y Thư dịch), NxbTrí thức, Hà Nội. Chú thích 1 TS, Khoa Sư phạm, Đại học Bạc Liêu. Email: ptluongblu@gmail.com 2 Nguyên bản tiếng Anh: “Feminism is the system of ideas and polotical practices based on the principle that women are human beings equal to men” trích Lengermann, Patricia; Niebrugge, Gillian (2010). “Feminism”. In Ritzer, G.; Ryan, J.M. (eds.). The Concise Encyclopedia of Sociology. 3 George Macaulay Trevelyan (1876-1962), sử gia người Anh. 4 John langdon Davies (1897-1971), nhà văn, nhà báo người Anh. 5 NhàphêbìnhvănhọcMỹ,mộtnhànữquyền,vànhàvănvềcácvấnđềvănhóavàxãhội.Côlàmộttrongnhững người sáng lập phê bình văn học nữ quyền ở học viện Hoa Kỳ. 6 Nguyên bản tiếng Anh: “In the Female phase, ongoing since 1920, women reject both imitation and protest-two forms of dependency-and turn instead to female experience as the source of an autonomous art, extending the feminist analysis of culture to the forms and techniques of literature”, trích Elaine Showalter,”Toward a Feminist Poetics,” Women’s Writing and Writing About Women. London: Croom Helm, 1979, tr.36.

Bài viết được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Văn học và Giới, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2019.

Phạm Thị Lương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *