Trong bài viết này, chúng tôi hướng đến mô tả các danh ngữ được chuyển nghĩa để chỉ hoạt động nói năng trong tiếng Việt trên hai phương diện: đặc điểm ngữ nghĩa và đặc điểm ngữ pháp. Nguồn ngữ liệu chúng tôi sử dụng chủ yếu được khảo sát từ Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – 2009) kết hợp với việc quan sát lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt.
1. Đặc điểm ngữ nghĩa của danh ngữ được chuyển nghĩa để chỉ hoạt động nói năng trong tiếng Việt
Các danh ngữ được chuyển nghĩa để chỉ hoạt động nói năng trong tiếng Việt mà chúng tôi khảo sát được là: bia miệng, miệng lưỡi, miệng thế, miệng tiếng, mồm mép, mồm miệng/miệng mồm, cửa miệng, đầu lưỡi, đầu môi chót lưỡi/chót lưỡi đầu môi, vạ miệng, vạ mồm, vạ mồm vạ miệng.
Các ngữ đoạn này được sử dụng để chỉ: lối ăn nói (miệng lưỡi, giọng lưỡi), khả năng ăn nói (miệng lưỡi, mồm mép), tiếng xấu để lại (bia miệng), lời nhận xét, bàn tán, chê bai của người đời (miệng thế, miệng tiếng), tính chất thường xuyên được sử dụng trong quá trình nói năng (cửa miệng, đầu lưỡi), tính chất thuộc về lời nói, đối lập với hành động thực hiện điều được nói đến trong lời nói, gắn với thái độ không thật lòng (cửa miệng, đầu lưỡi, chót lưỡi đầu môi), tai vạ do nói năng không thận trọng gây nên (vạ miệng, vạ mồm vạ miệng).
Xem xét các ngữ đoạn hữu quan có thể thấy các ngữ đoạn miệng lưỡi, giọng lưỡi, miệng tiếng, mồm mép, mồm miệng, miệng mồm bao gồm hai yếu tố được chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ để biểu thị nội dung ngữ nghĩa như chúng tôi vừa đề cập ở trên; trong đó mồm miệng, miệng mồm do hai yếu tố vốn là hai tên gọi của cùng một thực thể tạo nên; miệng lưỡi là một kết hợp gồm: yếu tố chỉ khoang cấu âm (miệng) + yếu tố chỉ bộ phận thuộc khoang cấu âm này (lưỡi); giọng lưỡi: yếu tố chỉ cách biểu thị tình cảm, thái độ thông qua ngôn ngữ (giọng) + yếu tố chỉ bộ phận tham gia vào hoạt động cấu âm (lưỡi); miệng tiếng: yếu tố chỉ khoang cấu âm (miệng) + yếu tố chỉ lời nói (tiếng – vốn được chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ từ yếu tố chỉ sản phẩm của hoạt động cấu âm (tiếng)); mồm mép: yếu tố chỉ khoang cấu âm (mồm) + yếu tố chỉ phần viền ngoài môi quanh miệng (mép). Các ngữ đoạn bia miệng, cửa miệng, đầu lưỡi, đầu môi chót lưỡi/chót lưỡi đầu môi, vạ miệng, vạ mồm vạ miệng có đặc điểm ngữ nghĩa nội tại phức tạp hơn. Bia miệng: bia (chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ) + miệng (chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ). Cửa miệng, đầu lưỡi, đầu môi chót lưỡi/chót lưỡi đầu môi: cửa, đầu, chót (chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ); cả kết hợp: chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ.
Nhìn chung các danh ngữ nói trên luôn gắn với sự đánh giá tiêu cực của người Việt về hành vi nói năng, thái độ nói năng, tác động, hậu quả của sự nói năng. Có thể thấy rõ hơn điều này khi quan sát các yếu tố thường kết hợp với chúng, kèm theo đó là sự nhìn nhận, đánh giá của người nói: người Việt gọi đó là tật, tội, vụ (tật mồm mép tép nhảy/tội mồm mép tép nhảy/vụ vạ miệng), đồ, cái thứ (đồ miệng lưỡi/giọng lưỡi con buôn, cái thứ miệng lưỡi/giọng lưỡi con buôn), liên quan đến là bị, dính, vướng, mắc (bị/dính/vướng/mắc vạ miệng), tiếp nhận tác động của nó là gánh chịu, hứng chịu (Ai theo dõi sẽ biết hậu quả Hoàng Anh Gia Lai phải gánh chịu thế nào sau vụ vạ mồm của Đức./ Bạn có hứng chịu nổi miệng lưỡi của dư luận hay không?), đánh giá nó là độc ác, thị phi, vô duyên (Miệng lưỡi thiên hạ thật là độc ác/ bỏ quên thế gian miệng tiếng thị phi cười nhạo người đàn bà chơi dao sắc con dao em cầm trên tay là tình yêu đích thực dù lưỡi dao kia bao lần cắt vào trái tim nhói đau (Thơ Nguyễn Thị Thanh Hương)/miệng mồm vô duyên), thái độ đối với nó là giữ, cẩn thận (phải giữ mồm miệng của CEO, phải cẩn thận miệng mồm), một khi đã xảy ra sự cố thì tránh sao khỏi (tránh sao khỏi miệng tiếng thế gian chỉ trích chê bai). Như vậy trên thang độ đánh giá gắn với tâm lí tiếp nhận, sự tác động đến thể diện, lợi ích của đối tượng (người) được phản ánh, phép lịch sự, trong cách nhìn nhận của người Việt, việc sử dụng các danh ngữ này luôn nghiêng hẳn về phía đánh giá tiêu cực. Nói chung, người Việt có hai thái độ ứng xử: một là “sợ” các yếu tố được định danh bằng các biểu thức này, hai là miệt thị, coi thường nó. Qua đó có thể thấy được cách nhìn nhận của người Việt về tác động ngôn ngữ của cộng đồng đối với cá nhân, và ngược lại, thái độ của cá nhân trước những áp lực dư luận của cộng đồng.
2. Đặc điểm ngữ pháp của danh ngữ được chuyển nghĩa để chỉ hoạt động nói năng trong tiếng Việt
2.1. Đặc điểm cấu tạo của danh ngữ được chuyển nghĩa để chỉ hoạt động nói năng trong tiếng Việt
Hiện tại, giới Việt ngữ học tồn tại ba quan niệm khác nhau về từ và kích thước của từ tiếng Việt(3), theo đó có sự khác biệt lớn về cách xác định ngữ đoạn. Trong bài viết này, chúng tôi xác lập các cứ liệu bia miệng, miệng lưỡi, miệng thế, miệng tiếng, mồm mép, mồm miệng/miệng mồm, cửa miệng, đầu lưỡi, vạ miệng, vạ mồm đều là ngữ đoạn theo quan niệm của Cao Xuân Hạo(4). Các trường hợp đầu môi chót lưỡi/chót lưỡi đầu môi, vạ mồm vạ miệng đều được các nhà nghiên cứu đồng nhất coi là ngữ đoạn.
Trong các danh ngữ trên, mồm miệng/miệng mồm, đầu môi chót lưỡi/chót lưỡi đầu môi là những cặp có cùng yếu tố cấu tạo, chỉ khác ở trật tự các yếu tố.
Có thể mô tả đặc điểm cấu tạo của chúng như sau:
– bia miệng, miệng thế, cửa miệng, đầu lưỡi, vạ miệng, vạ mồm là các ngữ đoạn chính phụ với yếu tố đứng trước là trung tâm của ngữ đoạn.
– miệng lưỡi, giọng lưỡi, miệng tiếng, mồm mép, mồm miệng, miệng mồm, đầu môi chót lưỡi, chót lưỡi đầu môi, vạ mồm vạ miệng là các ngữ đoạn đẳng lập, trong đó đầu môi chót lưỡi, chót lưỡi đầu môi, vạ mồm vạ miệng do hai ngữ đoạn chính phụ cùng bậc cấu tạo nên (đầu môi và chót lưỡi, vạ mồm và vạ miệng).
2.2. Đặc điểm kết hợp và khả năng đảm nhiệm chức vụ cú pháp của danh ngữ được chuyển nghĩa để chỉ hoạt động nói năng trong tiếng Việt
Bia miệng ngoài chức năng làm đề trong cách nói phổ dụng “Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ” (ca dao) hầu như không xác lập quan hệ kết hợp với các yếu tố khác cũng như không xuất hiện trong chức năng cú pháp khác trong cách nói năng của người Việt cho dù nó hoàn toàn có tiềm năng.
Miệng thế là ngữ đoạn có thể xuất hiện trong chức năng đề ngữ (Miệng thế cười chê) hoặc phụ ngữ trong một ngữ vị từ lớn hơn (Đừng có nghe miệng thế./Mày không sợ miệng thế à?), làm đề của tiểu cú là phụ ngữ trong một ngữ vị từ lớn hơn (Ai mà chẳng sợ miệng thế cười chê?) nhưng không có khả năng tự mình làm thuyết, tiểu thuyết, tức không có khả năng được thuyết hóa. Khi cần nhấn mạnh, thu hút sự chú ý của người nghe vào nội dung thông báo của phát ngôn (thường xuất hiện trong khẩu ngữ), miệng thế có thể xuất hiện trong chức năng ngoại đề (Miệng thế mà, ai mà tin cho được?). Trong thực tế sử dụng còn có dạng thức miệng thế gian. Xét về khả năng đảm nhiệm chức năng cú pháp trong câu, miệng thế gian có thể làm phụ ngữ trong một ngữ vị từ lớn hơn, làm đề hoặc tiểu đề; tương tự miệng thế, ngữ đoạn đang xét không có khả năng tự mình làm thuyết, tiểu thuyết.
Cửa miệng, đầu lưỡi là những ngữ đoạn chỉ được sử dụng trong chức năng làm phụ ngữ của một ngữ đoạn lớn hơn (làm phụ ngữ (định ngữ hạn định) trong một danh ngữ: câu cửa miệng, từ cửa miệng, câu nói cửa miệng, lời nói cửa miệng, câu nói đầu lưỡi; làm phụ ngữ trong một ngữ giới từ: chỉ tử tế ngoài cửa miệng, chỉ tử tế ở đầu lưỡi). Chúng không xuất hiện trong tư cách đề/thuyết của câu, trung tâm của một ngữ danh từ lớn hơn, tiểu đề/tiểu thuyết (vốn là những chức năng mà một ngữ danh từ có thể đảm nhiệm).
Vạ miệng là ngữ đoạn thường xuất hiện trong chức năng làm phụ ngữ trong một ngữ vị từ (bị vạ miệng, Mày không sợ vạ miệng à?) hoặc một danh ngữ (sau vụ vạ miệng) lớn hơn, có thể được thuyết hóa (Sự việc chẳng qua là vạ miệng thôi.) nhưng không tự mình làm đề của câu. Trong thực tế, có thể gặp vạ mồm với ý nghĩa và cách sử dụng giống như vạ miệng, song theo ngữ liệu chúng tôi thu thập được, vạ mồm ít được sử dụng hơn so với vạ miệng.
Vạ mồm vạ miệng thường chỉ xuất hiện trong chức năng làm phụ ngữ trong một ngữ vị từ làm thuyết của câu (Chú đừng nóng nảy mà mắc vạ mồm vạ miệng) hoặc làm thuyết (Không khéo thì vạ mồm vạ miệng đấy con ạ; với trường hợp này có thể coi là cách nói rút gọn của mắc/dính vạ mồm vạ miệng). Trong khẩu ngữ có thể gặp vạ mồm vạ miệng trong chức năng ngoại đề (Vạ mồm vạ miệng à, sợ/phiền phức lắm).
Miệng lưỡi, giọng lưỡi là những ngữ đoạn thường xuất hiện trong vai trò trung tâm của một danh ngữ lớn hơn, phụ ngữ theo sau thường hạn định đối tượng sở hữu nó hoặc/và tính chất của nó (miệng lưỡi/giọng lưỡi con buôn, Miệng lưỡi/giọng lưỡi của nó thì khỏi phải nói); khi phụ ngữ chỉ đối tượng sở hữu biểu thị một tập hợp người, chỉ đám đông xã hội thì chỉ miệng lưỡi mới xuất hiện được trong vai trò cú pháp này (Miệng lưỡi thiên hạ thật là độc ác, Bạn có hứng chịu nổi miệng lưỡi của dư luận hay không?). Miệng lưỡi, giọng lưỡi cũng có thể xuất hiện trong vai trò phụ ngữ cho một danh từ khác (đồ miệng lưỡi/giọng lưỡi con buôn, cái thứ miệng lưỡi/giọng lưỡi con buôn) song rất hạn chế.
Miệng tiếng là ngữ đoạn chỉ xuất hiện trong vai trò trung tâm của một danh ngữ lớn hơn hoặc đề ngữ và khá hạn định về kết hợp ngữ pháp – ngữ nghĩa. Theo khảo sát của chúng tôi chỉ có hai yếu tố kết hợp với nó là thị phi trong chức năng thuyết ngữ và thế gian trong chức năng định ngữ. Với kết hợp mới miệng tiếng thế gian, ngữ danh từ này hành xử ngữ pháp giống với miệng thế và miệng thế gian.
Mồm mép là ngữ đoạn trong cách sử dụng của người Việt thường kết hợp với phụ ngữ cố định tép nhảy tạo thành thành ngữ mồm mép tép nhảy. Nó cũng có thể làm tiểu đề của cấu trúc đề thuyết được dùng làm thuyết trong câu (Gã thanh niên mồm mép dẻo kẹo). Riêng trong một người mồm mép, Anh chàng cũng mồm mép ra phết, mồm mép mang đặc điểm ngữ pháp của một ngữ vị từ.
Mồm miệng, miệng mồm là những ngữ đoạn có thể làm phụ ngữ trong một ngữ vị từ (phải giữ mồm miệng của CEO, phải cẩn thận mồm miệng/miệng mồm, làm đề (Mồm miệng đỡ chân tay/Miệng mồm vô duyên), làm tiểu đề của cấu trúc đề thuyết làm phụ ngữ (những nhân vật mồm miệng/miệng mồm tía lia, lại còn mồm miệng/miệng mồm vô duyên).
Đầu môi chót lưỡi/ chót lưỡi đầu môi là thành ngữ mà chức năng ngữ pháp duy nhất nó có thể đảm nhiệm là làm phụ ngữ trong một danh ngữ lớn hơn (nơi chót lưỡi đầu môi, lời nói chót lưỡi đầu môi, lời đầu môi chót lưỡi).
Về mặt lí thuyết, do chức năng biểu hiện tham tố của sự tình, danh ngữ có thể đảm nhiệm các chức năng cú pháp trong câu là: làm đề của câu, làm thuyết của câu, làm trung tâm của một danh ngữ lớn hơn, làm tiểu đề hoặc tiểu thuyết, làm phụ ngữ trong một ngữ lớn hơn. Từ những mô tả về chức năng ngữ pháp mà các ngữ đoạn danh từ có thành tố cấu tạo là từ chỉ bộ máy cấu âm có thể đảm nhiệm có thể rút ra nhận xét: trong khi một số danh ngữ có thể đảm đương phần lớn các chức năng cú pháp nói trên của danh ngữ (ví dụ: miệng thế, vạ miệng) thì có những danh ngữ mà khả năng kết hợp với các ngữ đoạn khác cũng như khả năng đảm nhiệm các chức năng cú pháp trong câu là rất hạn chế (ví dụ: bia miệng, đầu môi chót lưỡi/ chót lưỡi đầu môi, cửa miệng, đầu lưỡi). Lí do của hiện tượng này theo chúng tôi là yếu tố ngữ nghĩa và thói quen sử dụng ngôn ngữ của người Việt.
Trong quá trình sử dụng, một số trong các danh ngữ nói trên được chuyển loại và dùng như một ngữ vị từ. Đó là các trường hợp: miệng lưỡi, mồm mép, miệng mồm, miệng mồm, vạ miệng. Có thể thấy điều này trong các cách dùng sau: Nó cũng là đứa rất miệng lưỡi; Anh chàng cũng mồm mép ra phết; Miệng mồm/Mồm miệng vừa thôi kẻo họa vào thân; Tôi vạ miệng nhiều đấy chứ.
*
Như vậy, các danh ngữ được chuyển nghĩa để chỉ hoạt động nói năng trong tiếng Việt có nhiều đặc điểm đáng lưu ý cả về mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp. Về ngữ nghĩa, các danh ngữ được xem xét là các kết hợp được chuyển nghĩa để định danh các thực thể thuộc hoạt động nói năng (lối ăn nói, khả năng ăn nói, tiếng xấu để lại, v.v.) hoặc tính chất thường xuyên được sử dụng trong quá trình nói năng, tính chất thuộc về lời nói, đối lập với hành động thực hiện điều được nói đến trong lời nói. Chúng luôn gắn với sự đánh giá tiêu cực của người Việt; có thể coi đó như một phản ứng mang tính tâm thức của toàn cộng đồng được phản ánh và cấu trúc vào ngôn ngữ. Xét về đặc điểm cấu tạo, chúng có thể là ngữ đoạn chính phụ với yếu tố đứng trước là trung tâm của ngữ đoạn hoặc là ngữ đoạn đẳng lập, trong đó có những ngữ đoạn đẳng lập do hai ngữ đoạn chính phụ cùng bậc cấu tạo nên. Về đặc điểm kết hợp và khả năng đảm nhiệm chức năng cú pháp, những ngữ đoạn này có những chế định khá nghiêm ngặt, phần lớn trong số chúng không xuất hiện được ở tất cả các chức năng ngữ pháp mà một danh ngữ có thể đảm nhiệm. Ngoài cách dùng điển hình của một danh ngữ, một số trong các danh ngữ nói trên được chuyển loại và dùng như một ngữ vị từ.
———————–
(1) Chúng tôi quan niệm từ ngữ chỉ hoạt động nói năng bao gồm: từ ngữ chỉ hành động, quá trình nói năng, từ ngữ chỉ tính chất/trạng thái của hoạt động nói năng, từ ngữ chỉ sản phẩm của hoạt động nói năng.
(2) Đã có nhiều công trình viết về từ loại tiếng Việt đề cập đến động từ/vị từ nói năng với tư cách một tiểu nhóm trong một tiểu loại động từ/vị từ (Nguyễn Kim Thản – Động từ tiếng Việt, Nguyễn Hữu Quỳnh – Tiếng Việt hiện đại, Diệp Quang Ban, Hoàng Văn Thung – Ngữ pháp tiếng Việt Tập 1, Nguyễn Thị Quy – Vị từ hành động tiếng Việt và các tham tố của nó (So sánh với tiếng Nga và tiếng Anh, v.v.) hoặc một tiểu loại độc lập (Đỗ Hữu Châu – Đại cương Ngôn ngữ học Tập 2, Nguyễn Vân Phổ – Ngữ pháp ngữ nghĩa vị từ nói năng tiếng Việt).
(3) Xin xem Hoàng Dũng – Bùi Mạnh Hùng (2007), Giáo trình Dẫn luận Ngôn ngữ học, tr.89.
(4) Theo Cao Xuân Hạo (Về cương vị ngôn ngữ học của “tiếng” – Tiếng Việt Mấy vấn đề Ngữ âm, Ngữ pháp Ngữ nghĩa), mỗi tiếng trong tiếng Việt tương ứng là một hình vị và cũng là một từ (một thể ba ngôi). Từ khi đi vào kết hợp ngữ pháp sẽ xác lập chức năng ngữ đoạn. Do vậy, các tổ hợp mà chúng tôi xem xét đều là các ngữ đoạn do hai ngữ đoạn con tạo nên.
ThS. Lê Thị Cẩm Vân
Trường Đại học Sư Phạm, Đại học Huế