1. Văn học Gothic – sức hấp dẫn từ những nỗi sợ hãi ám ảnh
Văn học Gothic (Gothic fiction) là một thể loại hư cấu có sự kết hợp giữa hai yếu tố kinh dị và lãng mạn, “thường miêu tả sinh động những câu chuyện kì bí đối với một sự ghê rợn, tuyệt vọng, sự kỳ cục và các khía cạnh bóng tối”, xuất hiện ở Anh vào cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX.
Khởi nguyên, Gothic là một từ mang hàm ý miệt thị của người La Mã cổ đại để gọi bộ tộc Goth, một bộ tộc du mục sống rải rác trên các thảo nguyên và hoang mạc về phía Đông của đế quốc Roma và thường đánh phá, cướp bóc tàn phá những ngôi làng sát biên giới La Mã. Trong lúc đó, đế chế La Mã đã được tắm mình trong ánh sáng rực rỡ của nền văn minh Hy La cổ đại thì người Goth cùng nhiều bộ tộc khác ngoài vòng cương giới của đế quốc Roma vẫn chưa thoát khỏi xã hội nguyên thủy, sống hoang dã, thô bạo, thường xâm nhập, cướp bóc ở Roma vào thế kỷ IV. Vì thế, trong mắt người La Mã, Goth là một tộc man nhân, là những kẻ “xâm lược mọi rợ”. Và từ “Gothic” có hàm ý là “kẻ Goth man rợ”, là “những kẻ dã man tộc Goth”. Sau này qua thời gian, Gothic không chỉ dành cho một bộ tộc cụ thể mà trở thành khuôn mẫu về sự dã man, thô bạo; những điều quái đản, man rợ trong tâm thức người Âu châu.
Bước sang thế kỉ XII, XIII, Gothic lại xuất hiện phổ biến ở Châu Âu với tư cách là một phong cách kiến trúc do người Pháp thiết kế xây dựng và được ưa chuộng đến thế kỉ XVI. Những công trình Gothic thường rất cầu kỳ, phức tạp, có trần nhà cao, vòm nhọn, có những tháp nhọn to nhỏ; được trang trí bằng những công trình điêu khắc kỳ dị, mang dáng hình của chim thú; bên trong có những cửa sổ kính màu lớn, những tấm rèm nhung đỏ rực che lấp những bức tường mang gam màu dữ dội như đỏ son, đỏ tía… dựng trên sàn nhà đen. Với những tòa nhà mang phong cách Gothic, nhìn từ bên ngoài sẽ tạo ra một sự choáng ngợp trước vẻ đồ sộ, hoành tráng; khi đặt chân vào bên trong sẽ giật mình vì vẻ đẹp lung linh huyền ảo nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác ghê sợ, rùng rợn, tăm tối.
Từ thế kỉ XVIII trở đi, khi nhắc đến Gothic, người ta nghĩ về một nền nghệ thuật rộng mở – nghệ thuật Gothic. Lúc này, văn hóa Gothic không chỉ bao gồm một mình kiến trúc mà còn là hội họa, điêu khắc, chữ viết, văn học, âm nhạc, thậm chí đến nay còn gồm cả những loại hình khác như thời trang, ca kịch, điện ảnh… Nhìn chung, văn hóa Gothic mang nặng sự “nghịch dị”, đó là nơi mà những điều quái dị thậm chí là quái đản, kỳ lạ đến mức huyền bí hiện hữu rõ rệt. Đặc trưng của nền nghệ thuật Gothic chính là sự dung chứa không khí u ám, màu sắc chủ đạo là màu đen, bóng tối phối với những gam màu lạnh, âm thanh khàn đục âm u rít qua tai như những tiếng kêu la than khóc; chất chứa những sự chết chóc, hủy diệt, cuồng loạn, đau đớn, sợ hãi; những điều ma quái, những hiện tượng năng lượng siêu nhiên, kinh dị, rùng rợn… Tất cả đã hòa trộn tạo nên một thế giới rất riêng của những thứ trác việt (sublime), những sự kì lạ (uncanny) và nghịch dị (grotesque). Khởi nguyên chỉ là một từ mang hàm ý miệt thị, nhưng qua thời gian, Gothic như là một phong cách nghệ thuật của những điều quái dị, kỳ lạ, u ám quyện với tinh thần lãng mạn rợn ngợp, vừa đẹp mê muội, vừa đáng sợ ám ảnh. Và phong cách nghệ thuật này đã đi vào mạch nguồn sáng tạo bất tận của con người để tạo nên một dòng chảy đầy hấp lực – văn học Gothic.
Đôi khi, vì cái tên Gothic mà khiến nhiều người lầm tưởng đây là một thể loại văn học gắn liền với kiến trúc Gothic, tức là ra đời trong Đêm trường Trung cổ, thế nhưng, “đây hoàn toàn là một hiện tượng Hậu Trung cổ (Post Medieval) và Hậu Phục hưng (Post Renaissance)” và “được sinh ra trên đỉnh của hai phòng trào văn học: Tân cổ điển (Neoclassical) và Lãng mạn (Romanticism)”(3), khi cột mốc đầu tiên của văn học Gothic là năm 1765, lúc Horace Walpole cho phát hành tiểu thuyết The Castle của Otranto – The Gothic Story (Lâu đài của Otranto – Một câu chuyện Gothic).
Ra đời trong hoàn cảnh hai phong trào Tân cổ điển và Lãng mạn đối kháng nhau, văn học Gothic tiếp thu một số dấu ấn của tinh thần lý trí đầy tính khuôn khổ với khát vọng vượt thoát để diễn đạt tận cùng cái Tôi không thỏa mãn thực tại. Gothic khai thác góc tối trong tâm thức con người – những nỗi sợ hãi, sự cuồng si, bóng ma, cái chết… và có khuynh hướng đẩy cảm xúc con người lên trạng thái dữ dội, vượt ngưỡng. Điều đặc biệt ở Gothic là yếu tố khoa học (đặc trưng lý trí của thời đại) được sử dụng nhuần nhị khiến cho câu chuyện trở nên “nước đôi”, lưỡng lự, không hoang đường hoàn toàn, mà lại khó thật hoàn toàn.
Nói đến văn học Gothic là nhắc về một thể loại văn học với những đặc trưng “bóng tối”. Thứ nhất, trong những tác phẩm Gothic hiện hữu phong phú các “chủ đề đen” (dark theme). Đó là những vấn đề cấm kị, những mặt trái của con người và xã hội: như loạn luân, mê tín dị đoan, siêu nhiên, sự hủy diệt… Thứ hai là hệ thống nhân vật có trạng thái “bất thường” trong tính cách, tâm lý, thân thể, thường rơi vào các căn bệnh nhiễu tâm, nỗi đau, mưu toan cuồng loạn…, hoặc bị giam cầm, phong tỏa, bị lưu đày trong không gian tối tăm, trong thời gian khép kín… Đó thường là những nạn nhân của một tư tưởng bảo thủ, một chế độ khắc khe, một xã hội khắc nghiệt nào đó, thậm chí là nạn nhân của chính bản thân mình. Ngoài ra còn hệ thống nhân vật phụ đa dạng: người hầu, quản gia, hồn ma, thầy pháp, kị sĩ, nữ tu, thằng ngốc… có vai trò mắt xích quan trọng trong truyện: chứng kiến, tiết lộ những bí mật, kiến giải, hiến kế… Đặc trưng cuối cùng của văn học Gothic là các motif: không gian lâu đài, tu viện, nhà cổ hẻo lảnh, bí ẩn; thời gian là quá khứ đau đớn; sự giam cầm và lưu đày; những bí mật được chôn vùi được phát hiện; những giấc mơ kì lạ mang tính chất điềm báo; sự xuất hiện và hoành hành của những thế lực siêu nhiên, hắc ám… Những đặc trưng trên đã làm nên những câu chuyện Gothic đủ đẹp để chẳng thể coi là truyện kinh dị, đủ bi thương để không phải đơn thuần là truyện lãng mạn. Và sức hấp dẫn trong từng tác phẩm Gothic là kết quả của sự hòa trộn kinh dị và lãng mạn, hoang đường và thực tại.
Sau khi phát triển ở Anh, văn học Gothic đã mau chóng xuất hiện ở Pháp, Đức, Hoa Kỳ… và đạt được những thành tựu rực rỡ. Nói đến văn học Gothic, nước Anh là nơi khởi nguồn. Sau Horace Walpole là Ann Radcliffe với các tác phẩm Một chuyện ở Sicily (A Sicilian Romance, 1790), Những bí ẩn ở Udolpho (The Mysteries of Udolpho,1794), M. G. Lewis với Tu sĩ ( The Monk,1976). Nhưng phổ biến và được xếp vào hàng kinh điển phải kể đến Frankenstein (Frankenstein, 1818) của Mary Shelley, Ác quỷ Dracula (Dracula, 1897) của Bram Stoker, Bác sĩ Jekyll và ông Hide (Dr Jekyll and Mr Hide) (1886) của Robert Louis Stevensm, và thật thiếu sót khi không nhắc đến Đồi gió hú (Wuthering Heights), Jane Eyre cùng xuất bản vào năm 1847 của chị em nhà Bronte. Văn học Pháp và Đức cũng kịp góp mặt với những tác phẩm Giờ nghỉ (The Recess, 1783) của Shopia Lee, Emmeline (Emmeline, 1788) của Charlotte Smith, Hermann von Unna (Hermann von Unna, 1788) của Christiane Naubert. Ngày nay, văn học Gothic vẫn tồn tại với hấp lực vốn có, vẫn khiến bao bạn đọc si mê. Yếu tố Gothic đã dần trở nên phổ biến và xâm nhập vào những series tiểu thuyết dành cho giới trẻ như Harry Potter của J. K. Rowling, Chạng vạng (Twilight) của Stephenie Meyer. Joyce Carol Oates cùng những tác phẩm Hắc thủy (Black Water, 1992), Blonde (2000), Stephen King với Người đàn ông trong bộ đồ đen (The man in Black Suit) (1994), Carrie (1976)… Tuy xuất hiện muộn hơn những ba thập niên nhưng Gothic Hoa Kỳ cũng nhanh chóng đạt được những thành tựu đặc sắc. Những câu chuyện Gothic đầu tiên thường tái hiện lại bối cảnh sơ khai của nước Mỹ với những thành thị mới được lập nên trên những miền đất hoang vu đầy những bí ẩn chưa được khám phá, nơi con người phải đối diện những thử thách như quái vật hoang dã, bộ lạc thiểu số, thậm chí là với ác quỷ đồng thời diễn tả những lo âu về một thể chế chưa hoàn chỉnh của một nhà nước non trẻ. Đến thế kỉ XIX, yếu tố Gothic xuất hiện trong những tiểu thuyết Huyền thoại về Kị sĩ không đầu (The Legend of Sleepy Hollow,1820) của Washington Irving, Chữ A màu đỏ (The Scarlet Letter,1850) của Nathaniel Hawthorne… Nhưng Gothic Hoa Kỳ thực sự định hình qua những truyện ngắn của Edgar Allan Poe. Việc sử dụng yếu tố Gothic trong các truyện ngắn không chỉ gia tăng chất kinh dị mà còn diễn tả nỗi sợ hãi trong tiềm thức của con người – một điều mà các nhà văn trước đó dè dặt khi đề cập đến. Bản thân yếu tố Gothic mà Poe sử dụng là một sự “nhấn mạnh rằng con người là khiếm khuyết và có khả năng ác” từ trong một tính chất cố thủ của con người – nỗi sợ hãi. Dấu ấn của văn học Gothic Hoa Kỳ còn gắn liền với những danh tác Âm thanh và cuồng nộ (The sound and The Fury), Người yêu dấu (Beloved), Giết con chim nhại (To Kill a Morkingbird) của những tên tuổi lớn như William Faulkner (Nobel Văn học 1949), Toni Morisson (Nobel Văn học 1993), Happer Lee (Pulitzer 1961). Những gì mà văn học Gothic bấy giờ thể hiện chính là một hiện trạng xã hội Mỹ với những sự tàn khốc nhất cũng như tâm hồn con người chịu nhiều chấn thương không thể lành, những sự đổ vỡ không thể nối hàn. Nối tiếp thành công của thế kỉ XX, văn học Gothic Hoa Kỳ trong thế kỉ này vẫn được thế giới biết đến, thông qua những tác phẩm Con đường (The road) của Cormac McCarthy – giải thưởng Pulitzer 2007, Hắc thủy (Black Water) của Carol Oater, những truyện kinh dị trinh thám bestseller của Stephen King, series Biên niên sử Ma ca rồng (The Vampire Chronicles) của Anne Rice. Nhìn chung, các tác phẩm Gothic của mỗi quốc gia vẫn tuân theo những đặc trưng thể loại, bên cạnh việc gia giảm yếu tố kinh dị và lãng mạn còn có sự hòa trộn văn hóa dân tộc như: Gothic Pháp nghiên về tình cảm lãng mạn bị cản trở bởi thế lực cao siêu; Gothic Đức thường tập trung vào cuộc sống kỳ lạ của các kị sĩ và những cuộc chiến đấu với các thế lực hắc ám; văn học Gothic ở vùng châu Mỹ mang đến những đề tài mới bên cạnh những nhân vật lạ lùng như thây ma (zombie), thầy cúng (shaman)… Chính điều này đã khiến văn học Gothic mang thêm những sắc màu mới, nó “biểu hiện của trí tưởng tượng những sự sợ hãi và mong muốn cấm đoán”, “trình bày những vấn đề đáng lo ngại, đáng sợ” như là “sự dồn nén, ẩn giấu, không nói ra, hoặc cố tình lãng quên trong cuộc sống của cá nhân và các nền văn hóa”(4).
2. Gothic và những cấm kị
Freud nói con người có nỗi sợ hãi tổ tông, có những cấm kị liên quan đến vấn đề loạn luân, đưa đến dạng tôn giáo nguyên thủy – thờ totem. Quyền năng của totem xuất phát từ ám ảnh phạm tội, dẫn tới chứng nhiễu tâm và nỗ lực phòng vệ thông qua các cấm kị(5).
Văn học Gothic thường tạo cảm giác tối tăm, u ám xuất phát từ những mặt trái, về sự khiếm khuyết, thiếu sót của con người và xã hội được khéo léo che đậy dưới những yếu tố siêu nhiên hắc ám, những bối cảnh tàn lụi, những sự quái đản kì lạ và cho phép chúng ta thấu thị những phần “bóng tối” sâu thẳm nhất của cõi người ta. Truyện Gothic như một cuốn sách của Freud khai thác tiềm thức và nỗi sợ hãi cá nhân xuyên qua các dấu hiệu, các điềm báo, các điều cấm kị gắn với ám ảnh ẩn ức. Chẳng hạn nỗi sợ loạn luân và ý thức chống lại sự nổi loạn thời thơ ấu biểu đạt qua việc tạo dựng các cấm kị (các quy tắc totem) trong cộng đồng nguyên thủy được Freud liên hệ với chứng nhiễu tâm của con người văn minh hiện đại. Và những dồn nén tuổi ấu thơ sẽ di chuyển thành dạng thức tính cách quái đản, cuồng loạn cũng như các biểu hiện hành động kỳ lạ, đáng sợ – một kiểu vi phạm cấm kị xã hội. Các nhân vật trong tiểu thuyết Gothic thường rơi vào các cấm kị của tập thể, và cái mặc cảm tổ tông trong họ đều đẩy tới sự cuồng loạn, tàn bạo, khắc nghiệt, ngay cả với tình yêu và sự lựa chọn cái chết. Đường dẫn của Freud liên quan đến mối xung đột giữa cha và con trai (phức cảm Oedipe), sự chống lại các biểu hiện quyền lực của cha và con thông qua các xung đột gia đình, những ám ảnh vô thức, giấc mơ và hội chứng đa nhân cách… được khai thác như là chủ đề “đen” trong văn học Gothic.
Trong dòng chảy phát triển của các kiểu truyện Gothic, chúng ta đều thấy rằng các vấn đề xuất phát từ một background (phông nền) về “nỗi âu lo xã hội” (social anxieties) mà thực chất đó chính là các chấn thương (trauma) bên trong cá nhân con người. Điều này là mối quan tâm của Freud, làm nên thành tựu lớn lao của phân tâm học trong thế giới nghệ thuật thế kỷ XX. Phân tâm học cung cấp cho chúng ta nhiều ngôn ngữ để khám phá những xung đột nội tại của hàng loạt nhân vật có đặc điểm bệnh nhân tâm lý. Cuộc đối đầu của cha và con (Oedipe) chính là mô hình ẩn trong các câu chuyện Frankenstein của Mary Shelley hay The Shining(6), Carrie… của Stephen King hoặc Ám ảnh ngôi nhà trên đồi (The Haunting of Hill House) của Shirley Jackson… Trong truyện đậm màu sắc Gothic hiện đại, cuốn The Shining, của một tác giả nổi tiếng người Anh chuyên mảng kinh dị trinh thám – Stephen King, nội dung chính xoay quanh gia đình nhân vật Jack Torrance cùng vợ Wendy và con trai Danny. Nhân vật chính Jack từng nói với vợ mình rằng: “Freud bảo tiềm thức không bao giờ nói với chúng ta bằng ngôn ngữ chữ viết. Chỉ bằng những biểu tượng”. Một trong những biểu tượng được khai thác mạnh nhất trong cuốn sách này là khả năng ngoại cảm của con trai Danny (được gọi là “shining” trong tác phẩm), cho phép cậu nhìn thấu ý nghĩ của cha mẹ mình. Điều này có liên quan đến thuật ngữ “the primal scene”(7) của Freud. Danny có thể nhìn thấy và theo dõi cha mẹ mình trên giường, cộng thêm sự linh cảm của một cậu bé đặc biệt, sự xung đột giữa Danny và cha càng trở nên sâu sắc do chứng nghiện rượu của Jack. Jack bị ám ảnh phải giết vợ và con, sự rối loạn hành vi của anh ta có thể lý giải do rượu và những thất bại trong đời sống. Danny đã chống lại cha để bảo vệ mẹ. Hành động tiêu diệt người cha để trở – thành – ông ấy chính là mô hình tâm thức nhân loại xuyên qua các nỗi sợ hãi và cấm kị.
Sự rối loạn nhân cách của nhân vật có thể là kết quả của các trải nghiệm thời thơ ấu, ẩn ức tính dục (như Freud đặc biệt mô tả) gắn với sự mất mát (mất mát cha mẹ, mất sự bảo vệ, thương tổn cái tôi…). Tiếng vọng của tuổi thơ để lại dấu ấn khủng khiếp trong chuỗi hành động lúc trưởng thành (điển hình như Edgar Allan Poe và truyện ngắn mang mỹ học của bóng tối và cái chết). Tính “mất mát của toàn thể” (loss of wholeness) chính là sự khiếm khuyết trong bản thể con người, ám ảnh rối loạn thuần huyết và sự bạo loạn chống lại trật tự gia đình – cộng đồng. Nỗi sợ hãi sâu thẳm bên trong biến thành sự ghét bỏ (như con người đã hiến tế các vật tổ totem), có thể đưa đến tội ác. Heathcliff trong Đồi gió hú là đứa trẻ bị bỏ rơi, vô thừa nhận, da ngăm và đôi mắt đen sẫm đầy ánh lửa. Hắn như một đứa trẻ “lai”, “ở ngoài cộng đồng”, một cấm kị biểu đạt chứng sợ hãi hỗn huyết vô thức. Nhân cách dị dạng của Heathcliff và hồn ma Catherine cồn cào ngoài đồi hoang đầy tiếng gió hú là kết quả cả một tuổi thơ dồn nén, cộng hưởng với tác động sự kì thị đối với “vật lai”. Từ thuở hồng hoang, con người đã có nhiều motif về sự lai giống (miscegenation). Trong thần thoại Hy Lạp, những quái vật lai như Minotaur, Chimerce, Charybdis… hay các Á thần như Perseur, Hercules… đều tiềm ẩn nguy cơ hủy diệt và lật đổ. Những đứa trẻ lai giữa người – ma cà rồng sẽ là đứa trẻ bất tử đáng sợ hay lai giữa người – sói có khả năng tàn hại kinh hoàng… Thậm chí, lai người từ các sản phẩm khoa học tạo thành quái vật Frankenstein cũng đem lại hậu quả bi đát. Chính điều đó đã khiến cho người sợ hãi, kì thị dè chừng vấn đề lai giống. Văn học Gothic cũng thường xuyên đề cập đến vấn đề lai giống và tập trung khắc họa tâm hồn lạc lõng giữa cõi người. Mượn hình ảnh nắng tháng tám, William Faulkner đã khắc họa nên một đấng Christ bị phong ấn trong hình hài con lai để từ đó, đi sâu khám phá một tâm hồn cô đơn, lạc lõng của một con người bị giống loài chối bỏ. Joe Christmas là một đứa con hoang, lớn lên ở cô nhi viện và luôn bị tụi nhóc trêu chọc gọi là mọi đen. Xuất thân mồ côi đã hình thành nên một niềm khao khát tình thương trong Christmas, cùng với lúc nhỏ, khi lấy trộm kem đánh răng, anh ta đã chứng kiến cảnh vụng trộm của cô tư vấn dinh dưỡng ở cô nhi viện, từ đó mang một ám ảnh tình dục. Tình thương ngỡ đến với Christmas khi được ông bà McEachern nhận nuôi, nhưng sự cứng nhắc và bảo thủ của gia đình Thanh giáo này khiến anh ta căm ghét. Joe Christmas đã bỏ đi. Rong ruổi khắp nơi, cô đơn và luôn bị ám ảnh với tình dục, niềm khát khao được yêu thương luôn bị đồng nhất với tình dục. Y luôn tìm đến những người đàn bà, đến với những thú vui xác thịt. Nhưng những người đàn bà da trắng lại hoảng sợ khi biết anh ta là con lai, đàn bà da đen lại không chấp nhận hình hài da trắng của anh ta; Joe đánh nhau với đàn ông da trắng vì anh ta là mọi đen, còn đàn ông da đen thì trêu chọc anh ta là đồ da trắng. Cô đơn bước đi trên ranh giới hai màu da, hai chủng tộc đã khiến “y trông như một bóng ma, một hồn ma lỡ bước ra khỏi thế giới riêng của mình, và thất lạc” giữa cõi người. Nỗi cô đơn đã hình thành trong tâm hồn Joe Christmas một sự cuồng nộ, một sự giằng co, chối bỏ lẫn nhau giữa hai dòng máu cũng như tình trạng “căng thẳng vì sự nổi loạn của thân xác và sự chối bỏ của tinh thần”. Mối quan hệ với cô Joanna Burden đã thỏa mãn những khát khao về tinh thần lẫn thể xác của Christmas. Thế nhưng, tình cảm vừa là sự ban ân, vừa là trách nhiệm kế thừa truyền thống gia đình cùng với mong muốn trói buộc anh ta từ cô Joanna đã khiến Joe nhớ lại cha mẹ nuôi của mình – ông bà McEachern. Phải chăng cô Joanna Burden chính là sự song trùng của ông bà McEachern? Đỉnh điểm chính là khi Joanna dí súng vào Christmas và bắt anh ta thừa nhận công luận về tổ tiên da đen của mình đã kích động sự giận dữ trong y và khiến vụ án mạng xảy ra. Tội ác diễn ra hai lần cho một nguyên nhân: hai dòng máu trong một hình hài. Đặt nhân vật Joe Christmas vào thân phận cấm kị, sự tồn tại như một hồn ma bơ vơ giữa cuộc đời, vừa là nạn nhân nhưng cũng là kẻ thủ ác trong Nắng tháng Tám, William Faulkner đã khéo léo khai thác một cõi hồn bơ vơ lạc lõng, cô đơn đến tận cùng giữa thời đại “Chúa đã chết”.
Như thế, tội lỗi – phạm tội thường là phông nền của các câu chuyện Gothic, các xung đột được thúc đẩy từ các ám ảnh quá khứ (hình ảnh người cha mà anh ta cố gắng tiêu diệt; ẩn ức tình dục…). Nỗi sợ hãi đã mở đường cho sự xâm nhập của bóng tối, cho sự điên cuồng của văn hóa và cá nhân, đưa đến sự tan rã của thân phận. Giai đoạn đầu tiểu thuyết Gothic ở Anh thường chọn bối cảnh thời Trung cổ u ám, xây dựng các chuỗi sự kiện ma quái lồng trong các câu chuyện tình cảm kỳ lạ, khốc liệt hoặc những nhân vật ma thuật đáng sợ trong thế giới kỳ bí Trung cổ. Về sau, Gothic hiện đại ở nhiều quốc gia phương Tây ngày càng đi sâu hơn mặt trái tâm thức con người, đặc biệt là các tội ác, đẩy người đọc vào vị thế luôn chênh vênh giữa lằn ranh cái thực và ảo, tạo nên yếu tố kinh dị đáng sợ mang tính tâm lý, có thể lý giải bằng khoa học, đặc biệt bằng phân tâm học. Thực chất văn học Gothic chính là văn học “trauma” (chấn thương) dưới các quan điểm tâm lý học về cái tôi, cái ấy, vô thức và các nỗi sợ hãi bản thể.
3. Gothic và cái kỳ lạ (the Uncanny)
Mỗi tác phẩm Gothic như một thế giới của những điều ma quái và kì lạ. Hai yếu tố này thường đi song song với nhau để làm nên tính hấp dẫn, li kì của văn học Gothic. Nhắc đến yếu tố ma quái trong văn học Gothic chính là sự hiện hữu của những hồn ma, những hiện tượng siêu nhiên trong những tòa lâu đài huyền bí, những ngôi nhà ma ám. Sự ma quái này luôn đi với những điều kì lạ. Sự kì lạ xuất phát từ những điều quen thuộc hay nói khác đi là sự quen thuộc đã trở nên ma quái một cách lạ lùng và gây ra sự sợ hãi trong những tác phẩm Gothic. Con mèo đen của Edgar Allan Poe là một dạng điển hình cho điều này. Những tác phẩm Gothic kiểu Edgar Allan Poe luôn thường trực những điều quái lạ kinh dị như một cách tiếp cận nỗi sợ hãi của con người. Con mèo đen chính là một sự kì lạ gây sợ hãi. Từ một người yêu động vật, thân thiết với con mèo có tên là Pluto(8), do ảnh hưởng của rượu mà “nhân vật tôi” đã hành hạ và giết chết con mèo, sự xuất hiện của một con mèo y chang đã khiến anh ta luôn sợ hãi và dẫn đến một vụ “ngộ sát” vợ mình. Con mèo đen giống hệt con Pluto đã tạo ra hai cảm giác trái chiều: thu hút và căm ghét. Thu hút là vì con mèo này giống con Pluto “Đó là một con mèo đen, to lắm, to bằng con Pluto và rất giống nó, giống về nhiều khía cạnh”. Còn sự căm ghét là vì đã khiến anh ta nhớ đến tội ác của mình và luôn nơm nớp lo sợ “tôi quá khiếp sợ con vật… giờ đây nó là biểu hiện của một vật chỉ nói đến tên tôi cũng đã rùng mình rồi. Và trên hết, đối với nó là tôi lẩn tránh, tôi khiếp sợ, tôi muốn xua đuổi cái con quỷ dữ đó, tôi dám nói như vậy. Giờ đây nó là hình ảnh của cái xấu xí, ghê tởm; của một vật khủng khiếp, của cái Giá treo cổ – một công cụ giết người rất dễ sợ của Tội ác, của sự Rùng rợn, của Sầu não và của Chết chóc”. Sự xuất hiện của con mèo đen giống Pluto đã tạo cảm giác kì lạ và dẫn đến sự chối bỏ tội ác bằng một tội ác khác. Tính chất kì lạ này giống với cái kì lạ, lạ lùng (the Uncanny) theo sự lí giải của nhà phân tâm học Sigmund Freud.
Năm 1919, khi Sigmund Freud cho xuất bản Tính lạ lùng gây lo sợ đã nhắc đến cái lạ lùng (Uncanny). Thông qua sự phân tích những tác phẩm Người cát (The Sandman) của Hoffman, Freud cho rằng sự kì lạ không xuất phát từ những điều xa lạ, ngoài tầm hiểu biết của con người mà lại bắt nguồn từ những gì thân thuộc nhất, “sự lạ lùng gây lo sợ là cái làm khiếp sợ liên quan đến những chuyện được biết từ lâu và lúc nào cũng có tính quen thuộc” (9). Những sự kì lạ lại quen thuộc là vì trong một hoàn cảnh nào đó nhiều điều mà chúng ta biết / từng biết đã tạo ra một sự bất hòa trong nhận thức (Conqnitive dissonance). Bất hòa nhận thức ở chỗ sự vật, sự việc quen thuộc nhưng trong một lúc lại tạo ra hai cảm giác mâu thuẫn nhau: vừa thu hút vừa đẩy lùi. Sự bất hòa nhận thức dẫn tới thái độ thay vì chối từ các đối tượng một cách hợp lý thì lại bác bỏ hoàn toàn.
Nhân vật tôi phải giết con mèo Pluto như con người giết vật tổ sau nghi thức sùng bái nó. Freud lý giải điều này bằng cái Uncanny nhắc nhớ chúng ta về cái Nó (Id), những cấm kị và cái Siêu Tôi (Superego) bị ám ảnh bởi phức cảm Oedipe. Tội lỗi sẽ bị trừng phạt (bị thiến) và Oedipe phải chọc mù mắt chỉ là hình thức giảm nhẹ của hình phạt thiến hoạn nói trên(10). Thế nên, việc giết con mèo chính là biểu hiện của hội chứng ám ảnh lạ lùng trong vô thức nhân vật. Nhân vật tôi đổ lỗi cho con mèo đáng ghét, như kiểu “tôi” đã giết lão già vì đôi mắt kền kền khó ưa của lão (truyện ngắn Con tim mách bảo). Hiệu ứng Uncanny, theo Freud, là kết quả của sự lặp lại, những thứ quen thuộc lặp lại đến mức quái đản, đến mức nó không còn là thực, là chính nó, và sẽ biến dạng thành kiểu khác, thúc đẩy tâm thức bấn loạn, rối nhiễu. Đọc truyện Edgar Allan Poe, chúng ta thấy rõ hiệu ứng này qua các biểu hiện song trùng (nhân vật, cảnh tượng, sự vật…) gắn với tội ác kinh hoàng, tình trạng chết lâm sàng – sống dậy; hồn ma – nhập xác.v.v… Điều hấp dẫn của kiểu truyện Gothic này là đặc tính hiện thực, nghĩa là gắn với các sự kiện thực tại, các biểu hiện quen thuộc của đời sống thường nhật con người. Ngay cả với các câu chuyện ma, xác sống hay ma cà rồng hút máu, chúng vẫn không hề xa lạ, bởi nó là thế giới song hành với con người, biểu hiện bằng một dạng thức méo mó khác của con người mà thôi. Khi chúng ta mất đi cảm giác thân thuộc với chính mình, chúng ta sẽ rơi vào nỗi sợ hãi. Như cách con người vẫn sợ hình ảnh các chú hề, người ngoài hành tinh, con ma(1)… Chính điều này khiến các cuốn sách Gothic vẫn tràn đầy tính hấp dẫn, bởi với cơ chế tượng trưng như vậy, các Frankenstein hay ác quỷ Dracula chính là ẩn dụ quen thuộc cho cái lạ lùng kia, kết nối sâu thẳm đến nỗi sợ hãi và ham muốn bị cấm cản trong xã hội đầy định kiến của loài người.
4. Gothic và tâm thức nước đôi
Theo Charles L. Grow trong cuốn Gothic Hoa Kỳ (American Gothic) cho rằng, sự pha trộn giữa các yếu tố kinh dị và lãng mạn, hiện thực và ảo giác, chứng bệnh và bản năng ác… đã làm nên sự sóng đôi của hai cảm giác: sợ hãi và hấp dẫn, “cơ chế hoạt động này giống như chiếc tàu lượn… Sự nổi tiếng của văn học Gothic chính là việc có thể thực hiện như một chuyến đi có phần hồi hộp nhưng vẫn bảo đảm đưa người lái/ người đọc trở về an toàn”(1). Sức ám ảnh của cái bí ẩn quái dị, đáng sợ trong tác phẩm Gothic vừa tạo ra cảm giác rùng mình, khiếp hãi vừa khơi gợi sự tò mò, lôi kéo, vừa né tránh vừa muốn chiếm lĩnh, vừa hoang mang vừa tỉnh táo. Chính ám ảnh lưng chừng này sẽ tác động người đọc, thúc đẩy bước vào một cuộc phiêu lưu tìm kiếm những bí ẩn.
Chính sự nước đôi mà đôi khi Gothic thường dễ liên tưởng đến cái kỳ ảo (Fantastic). Khi nhắc đến cái kỳ ảo tức là nhắc đến một sự do dự, một cảm giác tin hay không tin, một nhận thức đầy tính lưỡng lự. Cái kỳ ảo fantastic, nói như Todorov, đặc trưng ở tính lưỡng lự giữa những cách giải thích sự tồn tại của cái siêu nhiên, bất thường. Theo Todorov, sự phân vân ấy được thể hiện trong tác phẩm và “trở thành một đề tài của tác phẩm”. Tuy nhiên, độc giả sẽ có “một thái độ nhất định đối với văn bản: họ sẽ khước từ lối diễn giải ngụ ngôn cũng như diễn giải theo lối thơ”. Nghĩa là cái kỳ ảo luôn khiến người đọc hoang mang, không thể lý giải hoàn toàn dưới góc độ khoa học, hoặc diễn giải như một ẩn dụ, một cách đọc đối với thơ ca. Kỳ ảo ám ảnh người đọc bằng nỗi sợ hãi của con người bé nhỏ, hữu hạn, càng đi sâu càng thấy ngợp giữa cuộc đời vô tận bí ẩn.
Cảm thức ấy cũng rất liền kề với hiệu ứng mà văn học Gothic xây dựng. Gothic mang đến nỗi sợ hãi lưng chừng, ám ảnh về các tội ác kinh hoàng nhưng lại quyến rũ ma mị bởi những mối tình kiểu Heathcliff với Catherine Earnshaw, hay hàng loạt những người đẹp chết yểu trong truyện ngắn E.Poe, và tò mò hiếu kì với hàng loạt các không gian kì bí, lâu đài hoang phế, biệt thự suy tàn, những cánh đồng hoang, những ô cửa sổ chấp chới cánh tay của hồn ma… Mọi sự lý giải thông thường đều khó thỏa đáng, bởi mọi đe dọa cảm xúc người đọc đều chỉ đẩy tới ranh giới lưng chừng (betwixt – and – between(1)), để con người hiện đại tiếp tục vừa tin vừa hoài nghi các thế lực siêu nhiên, vừa đoán được vừa không lý giải nổi cơ chế tâm lý của chính bản thân mình. Chúng ta bị mất đi niềm tin rằng có thể kiểm soát chính mình bằng tất cả sự hiểu biết, bằng nền văn minh được xây dựng trên hệ giá trị cùng các cấm kị. Dường như thứ có sẵn, được gán sâu trong ta, như một lời nguyền, như một định mệnh, sẽ quyết định toàn bộ cuộc đời, thân phận – như câu chuyện của Kafka Tamura trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển (Murakami Haruki).
Văn học Gothic thời hiện đại vì thế càng ngày càng mang đậm tính thrilling, horror hơn, xâm nhập thành các dạng truyện kinh dị, truyện huyễn tưởng có tính chất tâm lý (dựa trên các ảo giác, các tình trạng bệnh lý, chấn thương tinh thần, các hiệu ứng tiêu cực của sự biến đổi văn hóa, văn minh, các ám ảnh tận thế…). Các thế lực hắc ám tồn tại kiểu bác sĩ Jekyll và ông Hyde, một kiểu other-self-in-the-self, chứ không đơn thuần là thần thoại nguyên sơ dựa trên trí tưởng tượng. Gothic không chỉ là bóng tối, mà là sự hòa trộn các yếu tố kỳ ảo, siêu thực, folklore, là sự tiếp xúc mang sắc thái lãng mạn mới đối với văn hóa dân gian và lịch sử dân tộc, là sự cân bằng độc đáo của bình diện huyền thoại, siêu nhiên và bình diện văn hóa lịch sử. Gothic cũng chính là một biểu hiện sự chấp nhận thế giới trong tình trạng không thể lý giải được. Thế giới dưới con mắt nhìn huyền ảo thật sự nguyên thủy, hỗn mang và đầy ắp điều kỳ diệu. Tất cả những ký ức cổ xưa xếp tầng trong ký ức tập thể của loài người cùng thức dậy và soi chiếu hồi quang đẹp đẽ, nhấn mạnh sự tan vỡ của mọi chân lý khô cứng đang thống trị.
*
Bản chất đời sống là một mê lộ. Nhân loại càng phát triển càng gia tăng nỗi sợ hãi âu lo. Sự phức tạp vô cùng của chính bản chất người là di sản không hồi kết cho nhiều loại hình văn học. Theo đó, chính tinh thần “haunting influence of anxiety”(1) đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong văn học Gothic.
—————————–
(1) Xem Robert J.C. Young (2007), Freud’s Secret: The Interpretation of Dreams was a Gothic Novel, www.robertjcyoung.com/Freudssecret.pdf.
(2) Xem Sigmund Freud (2015), Cái Tôi và cái Nó, Thân Thị Mận dịch, Nxb Tri Thức. Freud cho rằng: “Cái Tôi có thể được coi là một bể chứa lo hãi” (tr.121).
(3) Xem Jerrold E. Hogle (2002), Gothic fiction, Cambridge University Press, p.1-3.
(4) Xem Charles L.Crow (2009), American Gothic, Gwasg Prifysgol Crymiu University of Wales Press.
(5) Xem Sigmund Freud, Vật tổ và cấm kỵ, Đoàn Văn Chúc dịch, Trung tâm Văn hóa dân tộc Tp Hồ Chí Minh, Tài liệu lưu hành nội bộ.
(6) Tên tác phẩm có khi được dịch là Ngôi nhà ma ám (lấy bối cảnh chính của câu chuyện), tuy nhiên, nhan đề hơi khó chuyển nghĩa chính xác. Vì Shining là từ được nhà văn sử dụng nhằm diễn tả năng lực thấu thị, tiên tri, đọc được suy nghĩ người khác của cậu con trai Danny.
(7) Trong một công trình nghiên cứu có tên Wolf Man (1918), Freud có nói đến một bệnh nhân nhìn thấy bố mẹ mình sex a tergo (quan hệ từ phía sau), để lộ cơ quan sinh dục. Đứa trẻ giải thích cảnh tượng này như một biểu hiện bạo lực. Các ấn tượng nguyên sơ của đứa trẻ có thể biến thành thái độ xung đột với cha, biểu hiện thành các trauma hoặc chứng nhiễu tâm hysteria mà có thể được truy hồi, chữa trị thông qua giấc mơ. Bạo lực ở đây được xem như sự cấm kị, biểu lộ qua hành động như là “đập vỡ cửa sổ hoặc buộc ép vào không gian khép kín”. Dấu hiệu này chúng ta thấy xuất hiện trong tiểu thuyết Gothic thông qua các motif tương tự.
(8) Pluto là tên La Mã của vị thần cai quản Âm phủ, gắn với thế giới người chết. Mèo đen cũng là hình ảnh cấm kị theo mê tín của người phương Tây.
(9) Xem Sigmund Freud (1919), The Uncanny, web.mit.edu/allanmc/www/freud1.pdf
(10) Mặc cảm thiến hoạn này được Jaques Lacan (1901-1981)- nhà phân tâm học và tâm thần học người Pháp – mô tả dưới góc nhìn khác đối với phân tâm học Freud trong vấn đề Uncanny.
(11) Điều này được lý giải bằng lý thuyết The Uncanny Valley mở rộng dựa trên quan niệm
của Freud.
(12) Xem Charles L.Crow (2009), American Gothic, Gwasg Prifysgol Crymiu University of Wales Press.
(13) Xem Todorov T. (2008), Dẫn luận văn chương kỳ ảo, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch, Nxb Đại học Sư Phạm Hà Nội, tr.43.
(14) Một thành ngữ Anh cổ, ý chỉ không phải cái này cũng không phải cái kia, đó là tâm thức
ở giữa.
(15) Xem Jerrold E. Hogle (2002), Gothic fiction, Cambridge University Press, p.189.
Bài đăng Kỷ yếu Hội thảo khoa Ngữ Văn 2017
TS. Nguyễn Phương Khánh
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng