VĂN BẢN VĂN HỌC NHÌN TỪ KÍ HIỆU HỌC DIỄN GIẢI

1. Sự vận động của tư duy lí luận văn học từ tiền hiện đại, hiện đại đến hậu hiện đại thực chất là sự thay đổi quan niệm về văn bản, vấn đề nghĩa và tính văn chương. Tư duy tiền hiện đại chú trọng đến chức năng giáo dục đạo đức của văn học và nghiên cứu văn chương trong mối quan hệ nhân quả mà ở đấy bối cảnh xã hội, đời tư tác giả luôn có tầm quan trọng trong sự diễn giải văn bản. Đối với tư duy tiền hiện đại, nghĩa không xuất phát từ văn bản mà có nguồn gốc từ sự chủ ý và thông điệp của tác giả, nên văn bản văn học thường được quy giản về văn cảnh (môi trường, xã hội) sinh thành ra nó và lưu giữ những vấn đề đạo đức cá nhân cũng như kí ức của cộng đồng. Nói về đặc điểm tư duy lí luận tiền hiện đại, Trương Đăng Dung trong bài viết Khoa học văn học tiền hiện đại đã nhấn mạnh: “Tư duy lí thuyết tiền hiện đại không phủ nhận vai trò của văn bản, nhưng trong sự tạo thành ý nghĩa, người ta chỉ thừa nhận văn bản như là công cụ, là cái chuyên chở phù hợp của các nghĩa”(1). Sự diễn giải văn học đồng nghĩa với hoạt động truy tìm chủ ý của người tạo ra nó.

Thế kỉ XX được đánh dấu bằng bước ngoặt ngôn ngữ học mà người sáng lập ra các cách tiếp cận mới, không ai khác chính là nhà ngữ văn học, ngôn ngữ học và nhân chủng học Ferdinand de Saussure (1857-1913). Nhà ngôn ngữ học cấu trúc này cho rằng ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu và đến lượt nó, cấu trúc của một kí hiệu gồm có hai mặt là “cái được biểu đạt” – nghĩa và “cái biểu đạt” – hình ảnh âm thanh tương ứng với nghĩa đó. Từ quan điểm này của Saussure, các nhà kí hiệu học đã phát triển quan niệm về ngôn ngữ, văn bản và đặc trưng kí hiệu của văn bản văn học. Tư duy lí luận hiện đại cho rằng ngôn ngữ là yếu tố có ý nghĩa mô hình trong nhận thức thế giới, vì thế hiểu được mô hình ngôn ngữ sẽ nắm bắt được sự chuyển động của các cấu trúc thế giới. Nếu tư duy tiền hiện đại xem nghĩa của văn bản văn học được tạo lập thông qua chủ ý của người nói, luôn mang bóng dáng truyền thống cộng động sinh ra nó và nghĩa là yếu tố mang tính ngẫu nhiên chứ không nằm ở ngôn ngữ nội tại thì tư duy lí luận hiện đại xem văn bản văn học là hình thức ngôn ngữ đặc trưng, là hiện tượng ngôn ngữ. Từ sơ đồ về mối quan hệ Tác phẩm – Nghĩa, Trương Đăng Dung đã chỉ ra 4 nguyên tắc(2) liên quan đến sự đọc văn bản văn học theo tư duy lí luận hiện đại. Đó là 1)Tác phẩm văn học là đối tượng trang bị tính chất tự trị ngữ nghĩa mà tính ngôn ngữ cũng là tính văn học; 2) Tác phẩm văn học không mang tính biểu thị, không liên quan đến hiện thực, nó chỉ là một sơ đồ, không giảng dạy, giáo huấn ai cả; 3) Nghĩa của tác phẩm nằm ở văn bản, là một không gian ngôn ngữ, phải loại bỏ mọi yếu tố văn cảnh khỏi sự khơi mở của văn bản; 4) Nghĩa của tác phẩm văn học ổn định, thời gian bị triệt tiêu trong không gian ngôn ngữ.

Bằng những nỗ lực của trường phái hình thức Nga trong việc nghiên cứu chất liệu văn học, tính văn học, lí luận văn học hiện đại bắt đầu quan tâm đến văn bản văn học như là “trung tâm tạo nghĩa”, cái cấu trúc ngôn từ này có đời sống riêng, năng lượng ngữ nghĩa riêng, độc lập với người sinh thành ra nó. Trường phái hình thức Nga tồn tại sau một thời gian thì tan rã nhưng tinh thần của nó được phát huy ở một số nhà khoa học ở nước ngoài. Jan Mukarovxki, đại diện tiêu biểu của trường phái cấu trúc Praha đề cao việc vận dụng những thành tựu lí thuyết kí hiệu học ngôn ngữ, lí thuyết kí hiệu và chỉ ra đặc trưng quan trọng nhất của văn học là tính kí hiệu. Nếu những kí hiệu thông thường luôn hướng đến cái khác bên ngoài, tới đối tượng mà nó biểu thị thì kí hiệu tác phẩm văn học là đối tượng thẩm mĩ, một hiện tượng tồn tại theo phương thức tự trị như là một hiện tượng kí hiệu vì nó và tự nó. Ông cho rằng: “đặc trưng của kí hiệu thẩm mĩ là không nói đến sự việc nào đó của thế giới, mà là khắc họa các sự việc; với kết cấu song hành, tương ứng, nó gợi ra cái ấn tượng không liên quan cụ thể đến điều gì cả nhưng buộc người đọc phải liên hệ đến”(3).

2. Saussure cho rằng ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu và ngôn ngữ là một trong những hệ thống kí hiệu quan trọng nhất. Vậy ngoài ngôn ngữ còn có những hệ thống kí hiệu khác và mô hình ngôn ngữ của Saussure về sau đã phổ quát hóa khái niệm ngôn ngữ ra khỏi phạm vi ngôn ngữ học. Ngôn ngữ được dùng để nói về những cái phi ngôn ngữ như: ngôn ngữ bale, ngôn ngữ điện ảnh, ngôn ngữ âm nhạc. Văn học sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu. Sự khám phá về bản chất ngôn ngữ tác động lớn đến các khuynh hướng lí thuyết và hoạt động nghiên cứu văn học. Thế kỉ XX, người ta nhận ra rằng ngôn ngữ không phải là công cụ của tư duy và là vật trung giới giữa con người với hiện thực, mà ngôn ngữ có khả năng tạo lập đời sống của riêng nó: “Nó đã được khám phá ra như một hiện thực tự tại tạo ra bản thân con người và cả thế giới của con người”­­­(4). Trước đây, người ta tin vào sự mô tả hiện thực của các kí hiệu và hình ảnh, vào mối quan hệ bình đẳng giữa kí hiệu và cái được biểu đạt thì ngôn ngữ học hậu hiện đại lại cho rằng: “không có sự cân bằng này giữa bản chất của kí hiệu và bản chất của cái hiện thực liên quan, chúng không bình đẳng, vì ngôn ngữ giảm bớt và làm méo mó hiện thực, cái không thể nói ra”(5). Trong bài viết Tri thức và ngôn ngữ trong tinh thần hậu hiện đại, Trương Đăng Dung đã phân tích kĩ quan niệm về ngôn ngữ của Martin Heidegger và Jacques Derrida với tư cách là hai đại diện tiêu biểu của ngôn ngữ học hậu hiện đại. Ông nhấn mạnh quan điểm của Heidegger ở chỗ Heidegger phản đối ngôn ngữ học hiện đại khi cho rằng ngôn ngữ là để thể hiện một điều gì đó của hiện thực, rằng nó là hoạt động của con người nhằm hướng đến một mục đích nào đó. Theo Heidegger, ngôn ngữ chỉ thể hiện chính nó và là hoạt động của chính nó. Có thể xem Heidegger là người đầu tiên đề cập đến vấn đề cần thấy ở ngôn ngữ một cái gì đó lớn hơn đối tượng của sự phân tích ngôn ngữ học. Ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại, thông qua cấu trúc ấy mà bản thân tồn tại được nhận thức và dựa vào mô hình ngôn ngữ, con người có thể bước ra ngoài giới hạn của chính tư duy. Trương Đăng Dung cho rằng khái niệm trung tâm trong ngôn ngữ học của triết gia này là lời nói với tư cách “lời nói quyết định tồn tại và sự hiểu”. Lời nói này khác với lời trong quan niệm của Saussure. Lời nói ở đây chính là “khả năng khởi phát của một hoạt động nói ra sự tồn tại (Hữu thể) phổ quát”(6). Như vậy, với Heidegger, lời nói gắn với nguyên lý thời gian mang tính chất tạo lập. Trong tập tiểu luận Trên đường đến với ngôn ngữ được viết thông qua cuộc đối thoại giữa ông với một người Nhật, Heidegger muốn nói một cách ẩn dụ về sự tồn tại và ngôn ngữ trong nhau vì với ông, ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại. Lời nói không chỉ là hoàn toàn các kí hiệu, mọi lời nói đều có hai mặt, ngoài việc hướng đến một người nào đó, nó còn đặt điều kiện cho người đó phải có nỗ lực hướng về sự hiểu. Chính ở quan niệm này về triết học ngôn ngữ của Heidegger mà lí luận văn học hiện đại đặt vấn đề nghiên cứu văn bản và sự tạo nghĩa thông qua người đọc. Điều này cũng được nhà phê bình văn học Pháp là Maurice Blanchot khẳng định bằng một tư tưởng rất sâu sắc là khi lời nói hay câu văn hiện hữu thì người nói hay người viết trở thành vô thể: “Khi tôi nói, tôi từ chối sự hiện hữu của điều tôi nói, nhưng khi tôi cũng từ chối luôn sự hiện hữu của kẻ nói điều đó (tức là tôi): lời tôi nói, nếu nó phát lộ hữu thể trong sự vắng mặt (tức nó phát hiện cái tôi vắng mặt nói), nó lại xác định, qua sự phát lộ này, rằng nó hình thành từ sự không hiện hữu của kẻ nói (tôi) và nó xác định khả năng của nó tách rời tôi, trở thành “kẻ khác” đối với hữu thể (tôi). Vì thế, để cho tiếng nói thực sự bắt đầu, thì người nói phải trải nghiệm việc trở thành vô thể”(7). Nghĩa là khi nhà văn viết, khi nhà văn nói thì lời nói hay câu văn hiện hữu, là hữu thể, còn nhà văn thì không còn ở đó nữa, tức vắng mặt, trở thành vô thể. Tư tưởng này về sau được Jacques Derrida, Roland Barthes phát triển thành các lí thuyết văn học của họ theo tinh thần giải cấu trúc.

            Derrida quan tâm đến vấn đề nghĩa và trong hoạt động biểu nghĩa, kí hiệu luôn được hiểu và xác định theo nghĩa của nó như là một kí hiệu về/của cái gì đó, luôn được quy chiếu về một cái được biểu đạt, một cái biểu đạt khác với cái được biểu đạt.Theo ông, hoạt động viết ra của tác giả giúp họ phát hiện được nghĩa của ngôn từ, còn lại thì nhà văn đối diện với một đám đông cái biểu đạt độc lập mà “cái biểu đạt tự nó nói nhiều hơn bất kì sự sử dụng nào của tác giả. Kí hiệu được viết ra không phải là cái gửi đi mà chỉ là cái nhà văn nhận được… Kí hiệu không thông báo mà chỉ mang lại khung khổ cho việc tạo ra ý nghĩa của văn bản; con người không nói ra điều gì bằng kí hiệu mà việc sử dụng các kí hiệu tạo điều kiện để chúng ta có được sự đối thoại”(8). Mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trở nên lỏng lẻo. Cái biểu đạt bao giờ cũng lớn hơn cái được biểu đạt. Văn bản văn học theo tinh thần ấy mang đặc trưng vấn đề về nghĩa. Nó không khép kín mà luôn mở. Nghĩa của văn bản bao giờ cũng cần được thiết lập và bổ sung không ngừng, tức văn bản là vũ trụ ngữ nghĩa được dẫn dắt bởi mê lực của các kí hiệu.

            Roland Barthes trong công trình Image, Music, Text đã thể hiện bản chất của sự viết khi Tác giả đã chết. Ông cho rằng ngôn ngữ học hậu hiện đại cho chúng ta có thể hiểu rằng trọn vẹn hành động phát ngôn chỉ là quá trình rỗng, vẫn có thể thực hiện được bình thường mà không cần có con người của những nhấn tố tham gia can dự vào và xét về mặt ngôn ngữ, tác giả chỉ là chủ thể của hành động viết. Với Barthes, văn bản không có nghĩa là một chuỗi tuyến tính các từ ngữ mang một thông điệp duy nhất mà được xem là một không gian nhiều chiều trong đó cùng hòa trộn và đụng độ nhiều lối viết khác nhau mà không một lối viết nào là hoàn toàn mới mẻ. Văn bản là một tấm dệt từ các trích dẫn, xuất phát từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau. Ông viết: “Đối diện với sự viết đa nguyên như vậy, cần phải phân tách từng điều, chứ không phải đi giải mã một điều gì cả; cần lần theo cấu trúc được “bện” (như sợi len đan tất) vào từng giao điểm và từng tầng bậc, nhưng bên dưới nó không có cơ sở nào hết; cần du hành đến khắp không gian của sự viết chứ không phải là xuyên qua nó; sự viết không ngừng kiến tạo các nghĩa để rồi lại luôn luôn phân giải nó, nhờ đó thực hiện một sự triệt tiêu nghĩa theo hệ thống”(9).

            Cũng ở công trình Image, Music, Text,  Roland Barthes đã thể hiện quan niệm về sự khác biệt giữa tác phẩm với văn bản (From Work to Text). Ông cho rằng văn bản có thể được tiếp cận, được trải nghiệm trong sự phản ứng với kí hiệu. Tác phẩm gần với cái được biểu đạt còn văn bản thì đối lại: “thực hiện sự trì hoãn vô hạn với cái được biểu đạt, là cái trì trệ; lĩnh vực của nó chính là cái biểu đạt và cái biểu đạt không nên được hiểu như là “giai đoạn thứ nhất của ý nghĩa”, nhưng bề mặt vật chất của nó, trong sự đối lập hoàn toàn với điều này, lại như là hoạt động bị trì hoãn của nó”(10). Văn bản là cái biểu đạt được triển hạn đến vô cùng, nó không khép kín. Roland Barthes tiếp tục đi đến phân tích tính chất đa nghĩa của văn bản. Tính đa nghĩa của văn bản không phụ thuộc vào tính nhiều nghĩa của nội dung: “Văn bản không phải là sự cộng sinh của các ý nghĩa mà là một tiến trình, một sự giao thoa; vì vậy, văn bản không chịu trách nhiệm về sự diễn giải, ngay cả một sự diễn giải tự do, mà (chịu trách nhiệm) về một sự bùng nổ, về một sự phát tán”(11). Roland Barthes gọi đó là sự đa nghĩa lập thể trong cách đan dệt cái biểu đạt. Khái niệm  liên văn bản trong cách gọi của các nhà giải cấu trúc khác đối với ông trở thành khái niệm văn bản với ý nghĩa là một tấm vải dệt, một thớ vải dệt, mang tính chất đa bội, chứa đựng những giao cắt văn hóa, có thể tiếp nhận bằng nhiều cửa ngỏ nhưng không một phương thức nào được xem là chủ đạo. Văn bản là nơi lưu giữ kí ức văn hóa tập thể, khác với tác phẩm là nơi lưu giữ kí ức văn hóa cá nhân. Diễn ngôn trong văn bản, tự nó không phải là cái gì khác hơn văn bản, là sự nghiên cứu, là hoạt động mang tính văn bản vì: “văn bản là không gian xã hội không để cho ngôn ngữ nào được yên ổn, được đứng ngoài, mà cũng không để cho bất cứ chủ thể phát ngôn nào đứng ở vị trí quan tòa, ông thầy, nhà phân tích, kẻ sám hối, người giải mã”(12). Sự đọc văn bản thực chất là một cuộc chơi mà ở đó, văn bản tự chơi chính nó và người đọc lại chơi văn bản thêm một lần nữa rồi cứ thế văn bản luôn hiện tồn trong tiến trình của sự đọc.

            3. Sự đọc, nhìn từ lí thuyết kí hiệu học chính là quá trình diễn giải văn bản của người sử dụng kí hiệu. Người đặt nền móng và phát triển một trong những phương pháp luận tiếp cận quan trọng nhất của kí hiệu học đương đại – kí hiệu học diễn giải là Umberto Eco. Ông đóng góp cho lĩnh vực kí hiệu học vào cái thời mà khái niệm semiotics của nhà kí hiệu học người Mĩ được coi là một trong hai ông tổ của kí hiệu học cùng với Ferdinand de Saussure là Charles Sander Peirce bắt đầu thay thế khái niệm semiology của Saussure. Với Umberto Eco, mỗi kí hiệu cần phải được diễn giải dựa trên ý nghĩa (significance) và giao tiếp (communication). Kí hiệu luôn tồn tại theo chuỗi, tạo thành các mắt xích kí hiệu ở đó ý nghĩa được vận hành bởi một vòng tròn diễn giải của các sự vật tham chiếu từ một sự vật này đến một sự vật khác. Sự phức tạp của kí hiệu và sự không thống nhất trong diễn giải tạo nên quy trình vô tận của kí hiệu học. Trong công trình Tác phẩm mở, Eco cho rằng văn bản tác phẩm được xem là một cấu trúc diễn ngôn mà hoạt động diễn giải nó cần phải xác lập hệ thống 7 mã ngôn ngữ(13) bao gồm: 1) Từ điển cơ sở; 2) Các quy tắc cùng tham chiếu; 3) Những lựa chọn văn cảnh và tình huống; 4) Siêu mã hóa về phương diện tư từ và phong cách; 5) Suy luận dựa vào những khung cảnh chung; 6) Suy luận dựa vào khung cảnh liên văn bản; 7) Siêu mã hóa tư tưởng. Nằm ở trung tâm quan điểm kí hiệu học diễn giải của ông là khái niệm văn cảnh. Văn cảnh ở đây khác với văn cảnh trong quan niệm của một số nhà lí luận ngôn ngữ khác. Với Jakobson, văn cảnh là yếu tố ngoài văn bản, tức là thực tế, đến Riffaterre thì văn cảnh là cơ sở của sự quy chiếu vì đối với văn bản văn chương, đơn vị nghĩa không phải là từ ngữ mà là toàn bộ văn bản khi từ ngữ mất đi sự quy chiếu riêng để vận động từ nọ cùng từ kia trong văn cảnh và sản sinh ý nghĩa. Văn cảnh ở đây là sự nhận biết của người đọc về các quan hệ giữa một văn bản với những văn bản đi trước và sau nó. Với Umberto Eco, văn cảnh là môi trường xung quanh, là những dữ kiện về văn bản. Ông thấy rằng việc đọc và hiểu văn bản ngoài nghĩa đen được tra cứu từ từ điển còn liên đới đến nghĩa được tạo lập từ văn cảnh của những văn bản khác (liên văn bản). Ông viết: “Trong việc đọc và hiểu này, tất cả đời sống hằng ngày hiện ra như một hệ thống văn bản, trong đó những duyên cớ, những hành vi, những cách diễn đạt, phát ra để hướng tới thông tin (cho người đọc), đồng thời tạo nên những tác động, tác động này trở thành yếu tố của một tổ chức kí hiệu mà ở đó bất cứ điều gì cũng có thể giải nghĩa cho bất cứ điều gì khác”(14).

            Mỗi hệ hình tư duy lí luận đều đề cao quyền uy của tác giả, của văn bản hay của người đọc. Thực ra những quyền uy này luôn tương tác với nhau trong những khả năng và giới hạn của cộng đồng diễn giải (interpretative community). Khái niệm cộng đồng diễn giải được Stanley Fish đề xuất năm 1980 trong cuốn Có một Văn bản trong Lớp này hay không? (Is there a Text in This Class?). Stanley Fish quan niệm: “Chủ ý và sự hiểu là hai phương diện của một hành vi mang tính quy ước, mỗi phương diện giả định (bao hàm định nghĩa, chỉ rõ) phương diện kia. Làm toát lên được đường nét của người đọc hiểu biết hay đủ tài năng, đó là đồng thời biểu thị được đặc tính của chủ ý tác giả và ngược lại, bởi vì làm điều này hay điều kia, là chỉ rõ các điều kiện đương thời của phát ngôn, là nhận dạng, trong khi trở thành thành viên của nó, nhận dạng cái cộng đồng của những ai cùng chia sẻ những sách lược diễn giải chung”(15). Nhà phê bình người Mĩ này cho rằng không phải văn bản hay người đọc mà chính cộng đồng diễn giải tạo nên các nghĩa của văn bản. Ông lưu ý đến quyền uy của cái thiết chế cộng đồng quy định sự diễn giải văn bản. Cộng đồng diễn giải không những quy định sách lược đọc mà cả sách lược diễn giải sự viết vì những mục đích của nó. Thiết chế của cộng đồng quy định sự diễn giải của người đọc và sự diễn giải của những người đọc ưu tú lại luôn có khả năng tạo nên những cộng đồng diễn giải mới.

            Như vậy, sự vận động hệ hình tư duy lí luận từ tiền hiện đại đến hiện đại và hậu hiện đã đã chỉ ra sự thay đổi trong quan niệm về khái niệm văn bản, mối quan hệ về quy uy của tác giả, văn bản, người đọc cũng như quan niệm về sự hiểu. Văn bản văn học từ chỗ mang thông điệp chủ ý của nhà văn trong tư duy lí luận tiền hiện đại trở thành một cấu trúc tự trị khép kín trong tư duy lí luận hiện đại bước sang mảnh đất đặc trưng vấn đề về nghĩa trong tư duy lí luận hậu hiện đại. Trong diễn trình vận động ấy, tư duy lí luận văn học luôn nảy sinh từ những thay đổi quan trọng về quan niệm ngôn ngữ và những vấn đề về triết học ngôn ngữ. Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản đang tiếp thu những thành tựu lí luận mới kết hợp với đổi mới phương pháp giảng dạy. Thiết nghĩ hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ thực sự có hiệu quả hơn khi người dạy đổi mới tư duy lí luận văn học mà lí thuyết kí hiệu học diễn giải là một trong những lí thuyết quan trọng, đóng vai trò nền tảng.

————————————–

  • Trương Đăng Dung: Khoa học văn học tiền hiện đại. Nghiên cứu văn học, số 6-2011, tr.7.
  • Xem Trương Đăng Dung: Khoa học văn học hiện đại, hậu hiện đại, Nghiên cứu văn học, số 8-2011, tr.19.
  • Trương Đăng Dung: Tác phẩm văn học nhìn từ lí thuyết tiếp nhận. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2013, tr.55.
  • Olga Balla: Quyền lực của ngôn từ và quyền lực của biểu tượng, (Ngân Xuyên dịch), http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/triet-hoc-van-hoa/quyen-luc-cua-ngon-tu-va-quyen-luc-cua-bieu-tuong_232.html.

(5), (6), (8) Trương Đăng Dung: Tri thức và ngôn ngữ trong tinh thần hậu hiện đại, Nghiên cứu văn học, số 1-2012, tr.7, tr.9, tr.9.

(7) Dẫn theo Thụy Khuê: Phê bình văn học thế kỉ XX: Chương 12 – Phê bình văn học Pháp: Maurice Blanchot: Sự im lặng của văn chương, http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://www.diendantheky.net/2016/10/thuy-khue-phe-binh-van-hoc-ky-xx-chuong.html

(9), (10), (11), (12) Roland Barthes: Image Music Text, (Essays selected and translated by Stephen Heath). Fontana Press, An imprint of HarperCollinsPublishers, 1977, tr.147, tr.158, tr.159, tr.164.

(13) Xem Nguyễn Văn Dân: Nhà kí hiệu Umberto Eco và lí thuyết về tác phẩm mở, http://vanchuongplusvn.blogspot.com/2012/04/nha-ky-hieu-hoc-umberto-eco-voi-ly.html.

(14) Dẫn theo Thụy Khuê: Phê bình văn học thế kỉ XX, chương 13 –  Phê bình kí hiệu học của Umberto Eco, http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://www.diendantheky.net/2016/10/thuy-khue-phe-binh-van-hoc-ky-xx-chuong_15.html

(15) Dẫn theo Antoine Compagnon: Bản mệnh của lí thuyết – Văn chương và cảm nghĩ thông thường (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch). Nxb. ĐHSP, H, 2006, tr.234.

TS. LÊ THỊ DIỄM HẰNG – Khoa Ngữ văn – ĐHSP Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *