ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY HỌC NGỮ VĂN THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC

Công nghệ thông tin (CNTT) đã đi vào nhà trường và tạo nên sự thay đổi lớn trên nhiều phương diện. Nếu như trước đây, CNTT được xem như một phương tiện hỗ trợ, một yếu tố kết hợp thì nay, với định hướng phát triển năng lực thì nó còn là mục tiêu dạy học. Với sự thay đổi này, CNTT và ứng dụng CNTT cần được nhìn nhận lại để có một hướng ứng xử phù hợp trong dạy học nói chung và dạy học Ngữ văn nói riêng.

Chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam sau 2015 xác định một trong những năng lực mà học sinh (HS) cần đạt được đó chính là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nghĩa là một trong những năng lực cốt lõi mà HS phải đạt được qua quá trình học phổ thông chính là biết sử dụng CNTT để hỗ trợ học tập và đi vào thực tiễn cuộc sống.

Thực tế dạy học Ngữ văn cho thấy, từ trước cho đến hiện nay, ngay trước thời điểm sắp thực hiện chương trình giáo dục mới, việc ứng dụng CNTT còn nhiều bất cập. Để đạt được mục tiêu giáo dục theo hướng phát triển năng lực thì đây lại càng là một vấn đề được đặt ra cấp bách. Bởi việc ứng dụng CNTT trong dạy học Ngữ văn hiện nay vẫn chủ yếu là từ phía GV. Nhiều giờ dạy học mặc dù có sử dụng máy tính, kết nối internet nhưng chỉ dừng lại như một phương tiện trình chiếu thay thế việc viết bảng và đọc thuộc giáo án của GV, phục vụ cho hoạt động thuyết trình truyền thụ nội dung bài học đã được chuẩn bị sẵn. Thậm chí, vì “sẵn” máy móc nên được bao nhiêu nội dung GV đưa hết vào trang trình chiếu một cách thiếu chọn lọc. Với cách dạy học này, CNTT chỉ có thể giải phóng sức lao động cơ học cho GV nhưng lại hoàn toàn không có giá trị hỗ trợ dạy học, thậm chí HS không thể theo dõi và ghi chép bài như khi GV viết bảng. Ngoài ra, một số GV do kiến thức và kĩ năng về CNTT chưa vững nên sự vận dụng còn thiếu linh hoạt, giờ học còn rời rạc, đơn điệu. Công nghệ thông tin nhiều khi chỉ là những hiệu ứng, màu sắc rối rắm và vô nghĩa. Hoặc một số GV quá tuyệt đối các tính năng của các phương tiện dạy học hiện đại nên ứng dụng khá tùy tiện và quá lạm dụng; đưa nhiều tranh ảnh, phim tư liệu vào bài học mà không có một mục đích phù hợp. Phổ biến hiện nay là nhiều giờ học mặc dù đã biết phát huy thế mạnh của CNTT trong việc bổ sung, liên hệ, tổ chức kiến thức cho HS nhưng lại chưa biết phát huy tính tích cực, chủ động của người học, chưa tạo điều kiện cho HS tự chiếm lĩnh kiến thức cũng như vận dụng những kiến thức đã học vào những tình huống khác nhau thông qua các hoạt động thực hành. Có nghĩa là GV vẫn “ôm máy” và “độc diễn”; HS vẫn chỉ là những “cái bình” thụ động “hứng kiến thức” chứ chưa phải là những chủ thể tích cực, sáng tạo, chủ động sử dụng phương tiện hiện đại vào hoạt động học một cách đắc dụng. Sự hỗ trợ này của CNTT là chưa phù hợp với quan điểm và mục tiêu dạy học mới nhấn mạnh đến việc hình thành năng lực cho người học, chú trọng phát huy vai trò chủ thể cho HS.

Do đó, để đáp ứng mục tiêu dạy học đổi mới, việc ứng dụng CNTT trong dạy học nói chung, đặc biệt là trong dạy học Ngữ văn càng phải được xem là một định hướng quan trọng, cần được đổi mới từ quan niệm cho đến cách thức thực hiện.

Về quan niệm, cần xác định hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất, chủ thể ứng dụng CNTT không chỉ là GV mà quan trọng, chủ yếu phải là HS. Chỉ khi các em là chủ thể ứng dụng CNTT mới có thể hình thành được năng lực ứng dụng CNTT. Thứ hai, việc ứng dụng CNTT không dừng lại ở mức sử dụng nó như một phương tiện hỗ trợ quá trình dạy của GV mà quan trọng là hỗ trợ quá trình học, đặc biệt là tự học của HS; không chỉ là một phương tiện trình chiếu mà phải là phương tiện để tìm kiếm, trao đổi, xử lí, vận dụng… thông tin.

Về cách thức ứng dụng CNTT, trong phạm vi bài viết nhỏ, chúng tôi xin đề xuất hai biện pháp dạy học phổ biến có thể khai thác sự hỗ trợ của CNTT theo quan điểm nêu trên.

* Ứng dụng CNTT hỗ trợ HS tự học

Biện pháp này góp phần quan trọng vào việc hình thành thói quen, kĩ năng đọc sách, tự nghiên cứu tài liệu (tài liệu giấy, tài liệu điện tử) cho HS – một kĩ năng không thể thiếu trước xu thế bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa như hiện nay. Hoạt động này có thể được tiến hành ở nhà nhằm chuẩn bị bài trước khi đến lớp; tìm hiểu nâng cao, mở rộng vấn đề liên quan đến bài học hoặc được tiến hành ngay tại lớp trước khi trao đổi, thảo luận (với những tài liệu ngắn). Giáo viên giới thiệu tài liệu, HS tự đọc, tự nghiên cứu để giải quyết các nhiệm vụ học tập được giao hoặc cũng có thể GV nêu nhiệm vụ học tập, HS tự tìm kiếm tài liệu và giải quyết. Kết quả học tập cần được kiểm tra, đánh giá trực tiếp qua khâu kiểm tra bài ở lớp hoặc thông qua các sản phẩm đạt được dưới dạng văn bản giấy hoặc file kĩ thuật số.

Công nghệ thông tin trong biện pháp này hỗ trợ hầu hết các hoạt động quan trọng của cả người dạy và người học, từ khâu hướng dẫn tự học đến khâu kiểm tra, đánh giá kết quả; hỗ trợ tìm kiếm và xử lí tài liệu, trình bày kết quả tự học; tạo nên diện mạo mới, chất lượng mới của biện pháp này trong dạy học Ngữ văn, hình thành được thói quen, kĩ năng, phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Học sinh cũng mạnh dạn trình bày và trao đổi kết quả tự học, tích lũy được kho tài liệu học tập đa truyền thông, đa phương tiện hết sức phong phú và thường xuyên được cập nhật. Đây cũng là một trong những biện pháp dạy học tích cực, tạo điều kiện cho người học thể hiện và khẳng định vai trò chủ thể chủ động của mình cũng như hướng tới hình thành nhiều năng lực quan trọng mà xã hội hiện đại đang đặt ra cho giáo dục.

Trước đây, biện pháp dạy học này thường ít được chú ý bởi việc tìm kiếm tài liệu đối với HS không dễ, mất nhiều thời gian tìm kiếm cũng như thời gian đọc, chọn lọc và xử lí tài liệu; GV khó định hướng, điều chỉnh kịp thời quá trình tự học của HS…; hoặc có thì chỉ dừng lại ở mức đơn giản là HS làm việc với SGK, tóm tắt tiểu dẫn hoặc trả lời các câu hỏi hướng dẫn học bài (thông qua hoạt động soạn bài ở nhà của HS); sản phẩm đạt được chủ yếu thể hiện dưới dạng văn bản viết như vở soạn bài hoặc các bài viết ngắn nên chỉ hình thành được những kĩ năng và kiến thức cơ bản. Việc kiểm tra kết quả tự làm việc của HS cũng hạn chế, kết hợp trong mấy phút kiểm tra bài cũ hoặc truy bài đầu giờ; thậm chí GV giao nhiệm vụ nhưng không kiểm tra, đánh giá kết quả.

Với sự hỗ trợ của CNTT, việc giao nhiệm vụ học tập trở nên ấn tượng và dễ dàng với các dạng sơ đồ tư duy hay bảng biểu khuyết (được vẽ bằng các phần mềm chuyên dụng hoặc chỉ đơn giản với trang Word hoặc powerpoint có nhấn mạnh từ khóa vẫn có giá trị trực quan sinh động). Những dạng sơ đồ này có thể đồng thời giới thiệu tài liệu, đưa ra các yêu cầu và hướng dẫn cách làm việc, định hướng giải quyết vấn đề. Việc giao nhiệm vụ học tập cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp qua các diễn đàn của lớp/nhóm trên các trang dịch vụ internet như facebook, google drive, wiki… hoặc đơn giản là gửi email vao một hộp thư chung của lớp để tất cả HS có thể nhận được nhiệm vụ tự làm việc.

Ví dụ 1: GV vẽ sơ đồ tư duy với từ khóa trung tâm là chủ đề (vấn đề trung tâm cần giải quyết) và các nhánh chính là các tài liệu mà HS phải đọc, tóm tắt và nêu ý kiến

Trong sơ đồ trên, GV giới thiệu cho HS tài liệu điện tử (có sẵn đường link và hình ảnh bài viết) và tài liệu sách chuyên khảo (có hình ảnh kèm theo). Học sinh phải tự tìm đọc các tài liệu trên và khái quát những nét chính về phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu và hoàn thiện sơ đồ tư duy. Sản phẩm có thể được trình bày trong buổi ngoại khóa hoặc gửi vào mail hay group học tập của lớp vào một thời gian nhất định để trao đổi và đánh giá giữa GV và HS, giữa HS với nhau.

Ví dụ 2: GV giao nhiệm vụ kèm các yêu cầu và định hướng thực hiện bằng bảng biểu khuyết

So sánh nhân vật Nguyệt (“Mảnh trăng cuối rừng” – 1970) và Người đàn bà hàng chài (“Chiếc thuyền ngoài xa” – 1983) để thấy được sự thống nhất và chuyển biến trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu theo các nội dung sau:

Các yêu cầu cụ thể của GV được chính xác hóa, tránh được những sai sót trong quá trình nghe/chép hoặc nhìn/chép trực tiếp từ bảng.

Tài liệu học tập trong điều kiện có sự hỗ trợ của CNTT cũng được mở rộng từ rất nhiều nguồn khác nhau, không chỉ các tài liệu được in ấn, xuất bản mà cả những tài liệu điện tử được GV giới thiệu đường link cụ thể (sau khi đã thẩm định) hoặc các tài liệu dưới dạng file; HS có thể tìm kiếm và chia sẻ tài liệu dễ dàng, tiết kiệm thời gian qua các công cụ google search, mail, chat…

Học sinh tự học, thao tác với tài liệu để chọn lọc, phát hiện những kiến thức cần tóm tắt, cần tham khảo, cần giải quyết với các chức năng tìm kiếm nâng cao, chọn lọc theo từ khóa với sự hỗ trợ của các công cụ, dịch vụ internet như google search…

Kết quả của quá trình làm việc với tài liệu đa phương tiện được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như file trình bày (powerpont, prezi), đĩa CD hoặc đơn giản là những file văn bản word cũng dễ dàng xử lí và sử dụng…

Những sản phẩm này được tập thể hóa qua trình bày ở lớp hoặc gửi qua email, chia sẻ qua google drive, kiwi, chat, facebook… Sự trao đổi, phản hồi giữa GV – HS, HS – HS qua internet bằng chức năng chat hoặc gửi mail, messenger… trong quá trình thực hiện biện pháp này là hết sức cần thiết để có thể hướng dẫn, định hướng, chia sẻ tài nguyên, tạo nên những tài liệu học tập bổ ích.

Việc đánh giá và tự đánh kết quả tự làm việc tài liệu với sự hỗ trợ của công nghệ cũng diễn ra nhanh chóng, cụ thể và hiệu quả hơn qua việc đánh giá trực tiếp sản phẩm tự học hoặc đánh giá gián tiếp trên các diễn đàn bằng cách chia sẻ, trao đổi nhờ các dịch vụ inernet. Ở đây, không chỉ GV là người có quyền đánh giá mà HS có thể đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá kết quả làm việc của bản thân. Do đó, điểm mạnh của biện pháp này còn là tạo niềm vui, hứng thú học tập cho HS, người học được tạo điều kiện để tự khẳng định mình.

Trong dạy học Ngữ văn, biện pháp này có thể sử dụng trong một số tình huống cụ thể như:

  • Tìm hiểu và tóm tắt những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả.
  • Tự đọc – hiểu các tác phẩm đọc thêm.
  • Tìm đọc các tài liệu về lí luận, lịch sử, văn hóa… để tự trang bị tri thức đọc – hiểu
  • Tìm đọc thêm các tác phẩm cùng tác giả, cùng đề tài, chủ đề, thể loại…

– Tìm đọc các bài phê bình, nghiên cứu về các tác phẩm, tác giả, thể loại có trong chương trình.

Để biện pháp này được thực hiện hiệu quả, GV đặc biệt chú ý một số vấn đề sau:

– Giao nhiệm vụ cụ thể, vừa sức và sát hợp với nội dung bài học ở lớp và yêu cầu của chương trình.

– Theo dõi sát quá trình làm việc của HS để có những định hướng, điều chỉnh, giúp đỡ kịp thời, đặc biệt trong khâu chọn lọc, xử lí tài liệu và xác định quan điểm đánh giá các hiện tượng văn học. Sự trao đổi, định hướng, giúp đỡ này đều có thể thực hiện thông qua các diễn đàn, tài khoản… trên mạng internet.

– Phải có sự kiểm tra, đánh giá kết quả đạt được để động viên, khuyến khích, định hướng và thống nhất kết quả; giúp HS đa dạng hóa và xã hội hóa kết quả học tập đạt được…

– Chú ý kết hợp hướng dẫn HS các kĩ năng khai thác sử dụng CNTT để nâng cao hiệu quả tự học, nhất là kĩ năng khai thác dịch vụ internet.

* Ứng dụng CNTT hỗ trợ dạy học bằng phương pháp seminar

Biện pháp này có phần giao thoa với biện pháp tự học là HS phải tự làm việc với tài liệu nhưng điểm quan trọng của nó là HS phải trình bày, trao đổi, thảo luận và đi đến nội dung học tập ngay tại lớp, do đó có sự hướng dẫn trực tiếp của GV và đòi hỏi năng lực sử dụng công nghệ phức tạp hơn. Hơn nữa, điểm mấu chốt của biện pháp này là GV phải lựa chọn những nhiệm vụ học tập có tính vấn đề. Nếu như tự học đôi lúc chỉ cần HS hiểu, tóm tắt và vận dụng được những điều đã đọc được thì seminar đòi hỏi người học không dừng lại ở đó mà phải trình bày quan điểm, chính kiến của mình về một nội dung thuộc bài học, liên hệ với những vấn đề có tính thời sự, thậm chí có sự tranh luận, phản biện để kích thích tư duy, phát huy khả năng sáng tạo của HS, từ đó có những cảm nhận mới mẻ, độc đáo về tác phẩm và đưa bài học đến gần với cuộc sống hơn.

CNTT ở biện pháp này bên cạnh hỗ trợ cung cấp, kiếm tìm tài liệu, hỗ trợ phương pháp học tập còn hỗ trợ trong khâu trình bày, công bố, trao đổi, đánh giá kết quả học tập. Biện pháp này cũng có thể gọi bằng một tên gọi khác bao hàm được cả các kĩ thuật dạy học và kĩ thuật khai thác sự hỗ trợ của CNTT là Webquest – tạm dịch là khám phá trên mạng. Đây cũng là biện pháp dạy học có thể được vận dụng ở mức cao thành dạy học dự án với sự mở rộng và nâng cao nhiệm vụ học tập, thời gian thực hiện và đặc biệt là kĩ năng khai thác sự hỗ trợ của của CNTT: kĩ năng khai thác và xử lí thông tin bằng google search, kĩ năng trao đổi, chia sẻ thông tin, quan điểm bằng google drive, kiwi, mail, chat; kĩ năng tạo lập và trình chiếu sản phẩm học tập bằng powerpoint, prezi; tạo CD, thiết kế web hoặc đơn giản là file word…

Seminar là phương pháp dạy học hiện đại, tích cực nhưng cũng khó thực hiện, đòi hỏi nhiều thời gian và sự đầu tư công phu của cả GV và HS; đòi hỏi nhiều tài liệu, nhiều kĩ nãng phức tạp… Do đó, dạy học thông thường ít sử dụng phương pháp này bởi tính khó và tính phức tạp của nó. Nếu thực hiện theo cách thông thường, không có sự hỗ trợ của CNTT thì tổ chức seminar cũng ít sinh động và hiệu quả bởi nguồn tài liệu hạn chế, bởi sự đơn điệu trong việc trình bày kết quả tự học và thuyết trình, thảo luận, bởi khó khăn trong quá trình trao đổi, định hướng, điều chỉnh giữa GV – HS, HS – HS…

Tổ chức seminar với sự hỗ trợ của CNTT được triển khai thực hiện dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian hơn và hiệu quả hơn thông qua các bước cơ bản sau:

Bước 1: – GV giao nhiệm vụ, hướng dẫn lập kế hoạch và cách thức thực hiện;

– Hoặc: GV và HS có thể thương thảo để thống nhất chọn chủ đề phù hợp với mục đích, nhiệm vụ dạy học đặt ra.

Như biện pháp tự học, GV có thể thực hiện hoạt động này với sự hỗ trợ của CNTT qua việc thiết kế sơ đồ khuyết, sơ đồ tư duy hoặc khai thác các chức năng về màu sắc, kiểu chữ, hiệu ứng… để việc giao nhiệm vụ và hướng dẫn thực hiện trở nên hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức và dễ dàng hơn.

GV cũng có thể giao nhiệm vụ trực tiếp ở lớp hoặc gián tiếp qua gửi mail, messenger…

Bước 2: Học sinh tự làm việc ở nhà (theo cá nhân – theo nhóm)

Học sinh thực hiện tự làm việc chủ yếu ở hai mức độ: tóm tắt lại nội dung tài liệu có liên quan, làm cơ sở tiếp nhận tác phẩm và trình bày cảm nhận hoặc quan điểm đánh giá về một vấn đề được đặt ra từ tác phẩm.

Ở bước này, HS sử dụng CNTT để khai thác kho tài nguyên điện tử, chọn lọc thông tin và thiết kế bài trình bày; liên lạc, trao đổi ý kiến với bạn cùng nhóm hoặc với GV khi cần sự gúp đỡ hướng dẫn qua các diễn đàn hoặc dịch vụ internet.

Bước 3: Học sinh thuyết trình, thảo luận

Phần thuyết trình ở lớp của HS sẽ được thực hiện sinh động hơn, hấp dẫn hơn với hình thức trình chiếu nội dung đã được chuẩn bị; thu hút sự theo dõi và trao đổi của tập thể lớp về vấn đề được đặt ra. Ngoài ra, nội dung thuyết trình có sự chuẩn bị kĩ càng với nguồn tài liệu phong phú cũng là yếu tố kích thích hoạt động thảo luận ở lớp thêm sôi nổi và tích cực.

Cũng trong bước này, CNTT cũng sẽ tiếp hỗ trợ để thực hiện sự trao đổi sau giờ học giữa GV – HS, HS – HS về những vấn đề liên quan đến nội dung nghiên cứu, thảo luận nhằm kích thích người học mở rộng, nâng cao vấn đề, hình thành thói quen tư duy phê phán.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá và rút kết luận cần thiết cho bài học.

Kết hợp đánh giá và tự đánh giá; đánh giá trực tiếp ở lớp và đánh giá gián tiếp bằng các hình thức trao đổi trên mạng giữa GV – HS, HS – HS.

Ví dụ: Dạy học “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), HS thực hiện seminar về tình huống truyện với sự hỗ trợ của CNTT như sau:

Bước 1: Giao nhiệm vụ, hướng dẫn lập kế hoạch và cách thức thực hiện

+ GV đặt vấn đề: “Về tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu); gợi ý các yêu cầu cụ thể: khái lược về tình huống truyện, nội dung tình huống, nghệ thuật xây dựng tình huống, ý nghĩa tình huống…

+ Giao nhiệm vụ cho một nhóm thực hiện thuyết trình, cả lớp cùng tìm hiểu để trao đổi, thảo luận.

+ Giáo viên giới thiệu tài liệu.

+ Yêu cầu về các móc thời gian: Thời điểm chuyển bài thuyết trình vào trang cá nhân của lớp (diễn đàn học tập của lớp) – trước thời điểm học ở lớp; thời điểm thuyết trình, thảo luận… Bước này có thể kết hợp sử dụng Sơ đồ tư duy.

Bước 2: Học sinh tự làm việc ở nhà

+ Cá nhân tìm kiếm tài liệu, giải quyết các yêu cầu độc lập.

+ Nhóm làm việc, trao đổi.

+ Trao đổi với GV (nếu cần).

(HS – HS, GV – HS có thể trao đổi qua email hoặc qua diễn đàn học tập của lớp)

+ Lập đề cương và chuẩn bị bài thuyết trình.

+ Chuyển file thuyết trình cho các thành viên lớp và GV.

Bước 3: Học sinh thuyết trình, thảo luận

Nhóm thuyết trình, nêu vấn đề thảo luận đã chuẩn bị trước lớp, tổ chức trao đổi ý kiến qua bài thuyết trình có sử dụng sự hỗ trợ của CNTT.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá và rút kết luận cần thiết cho bài học

Giáo viên hướng dẫn đánh giá, nhận xét và rút kết luận.

Việc nhận xét, đánh giá có thể vẫn được tiếp tục sau giờ học thông qua diễn đàn của lớp, từ đó HS sẽ có nguồn tài liệu học tập phong phú. Tuy nhiên, GV cần theo dõi để điều chỉnh kịp, định hướng thời các ý kiến của HS trên diễn đàn.

Để thực hiện seminar với sự hỗ trợ của CNTT được thực hiện một cách hiệu quả, GV và HS cần lưu ý một số yêu cầu sau:

– Nhiệm vụ học tập phải được đề ra, định hướng một cách rõ ràng, cụ thể cả về nội dung lẫn phạm vi tài liệu. Đặc biệt, kho tài nguyên điện tử càng phong phú bao nhiều càng cần sự định hướng và giới thiệu một cách cụ thể, chính xác bấy nhiêu.

– Cần có sự trao đổi thường xuyên giữa GV – HS, HS – HS để động viên, giúp đỡ, hướng dẫn, điều chỉnh quá trình tự làm việc của người học đi đúng hướng qua các ứng dụng của CNTT như email, facebook…

– Chuẩn bị nội dung thuyết trình và hình thức thuyết trình hấp dẫn, trọng tâm bằng cách sử dụng các phần mềm trình chiếu như powerpoint, prezi.

– Chú ý hoạt động tự đánh giá và đánh giá kết quả học tập lẫn nhau của HS, trực tiếp ở lớp hay qua các diễn đàn nhóm trước và sau khi tiến hành thảo luận.

CNTT có tiềm năng to lớn trong hỗ trợ dạy học nói chung và dạy học Ngữ văn nói riêng, mở ra nhiều cơ hội cho GV và HS đổi mới phương pháp và đạt mục tiêu dạy học một cách tối ưu . Nó cũng là một hành trang không thể thiếu của con người trong xã hội hiện đại. Do đó, ứng dụng CNTT là một năng lực cốt lõi mà HS cần đạt, là năng lực chìa khóa, năng lực công cụ để HS phát triển các năng lực khác cũng như đi vào cuộc sống một cách chủ động, tự tin. Với quan niệm và cách thức ứng dụng CNTT như trên, HS sẽ được phát triển và tự phát triển nhiều năng lực như năng lực giao tiếp (khi tiếp cận nhiều văn bản khác nhau, khi chuẩn bị bài thuyết trình, khi thảo luận…); năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo… Điều đáng chú ý là, hiệu quả cụ thể đạt được mức nào phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của chính GV và HS.

TS. Lê Thị Ngọc Anh
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *