TINH THẦN PHÊ PHÁN CHIẾN TRANH VÀ TÍN NGƯỠNG CỰC ĐOAN CỦA TIỂU THUYẾT GIA NIKOS KAZANTZAKIS

Trong thế kỷ XX, loài người trải qua hai cuộc thế chiến tàn khốc và hàng trăm cuộc chiến tranh, xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc với quy mô lớn nhỏ khác nhau trên toàn cầu. Các cuộc chiến tranh và xung đột ấy đã để lại cho nhân loại những bi thương và hệ luỵ đến tận ngày nay. Ở thế kỷ XXI, con người lại càng đứng trước những thách thức lớn hơn về vấn nạn xung đột sắc tộc và tôn giáo. Đề tài chiến tranh, xung đột sắc tộc – tôn giáo gắn với thân phận con người chưa bao giờ là cũ trong văn học thế giới. Trong số những nhà văn vĩ đại của thế kỷ XX, Nikos Kazantzakis là tiểu thuyết gia có những đóng góp quan trọng về chủ đề này.

1. Tầm vóc và tư tưởng tiến bộ của tiểu thuyết gia Nikos Kazantzakis

Nikos Kazantzakis là nhà văn Hy Lạp, ông ảnh hưởng mạnh mẽ trường phái hiện sinh vô thần của F.Nietzsche và triết học trực giác của H. Bergson. Năm 1909, Nikos Kazantzakis làm luận án tiến sĩ về F.Nietzsche tại Pháp, dưới sự hướng dẫn của triết gia Henri Bergson. Nikos Kazantzakis trượt giải Nobel vì thua Albert Camus một phiếu vào năm 1952 (nhưng Albert Camus cho rằng, chính Nikos Kazantzakis là người xứng đáng nhất). Nikos Kazantzakis “luôn day dứt giữa hai khuynh hướng triết học: hiện sinh hữu thần và hiện sinh vô thần. Tuy nhiên, dù theo khuynh hướng nào, mỗi tác phẩm của ông đều hướng đến tư tưởng nhân bản – tiến bộ”(1).

Có thể nói, Nikos Kazantzakis là nhà tiểu thuyết ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn học và xã hội. Tư tưởng hiện sinh mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm là mối quan tâm không chỉ ở lĩnhvực văn học, mà cả triết học, tâm lý học và nhất là tôn giáo.

Là nhà văn hiện sinh, bản thân lại trải qua hai cuộc thế chiến, Nikos Kazantzakis hiểu rõ hậu quả tàn khốc của chiến tranh. Quê hương, gia đình, bản thân ông là nạn nhân của chiến tranh và xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo nên tiếng nói phản kháng của ông cũng là tiếng nói bi thiết đại diện cho những con người yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Hành trình kiếm tìm tự do và chân lý của Nikos Kazantzakis đầy chông gai và thử thách. Những bão tố đến với ông từ chính thế giới đang vụn vỡ trong lòng chủ nghĩa tư bản với những cuộc chiến đẫm máu. Bão tố còn đến từ chính sự đổ vỡ niềm tin vào cuộc sống của những con người chứng kiến. Con người không thấy được ánh sáng của niềm tin trước những gì thế giới đang hứng chịu: “Ông vẫn hăng hái đi khám phá những cám dỗ, những dằn vặt của thời đại và để tâm đến những vấn đề của con người mọi nơi. Ca ngợi tự do, ham say cuộc sống, yêu mến hoà bình”(2).

Với những ảnh hưởng của triết học Henri Bergson và Nietzsche, Nikos Kazantzakis đã hình thành cái nhìn về tôn giáo rất tiến bộ. Từ thuở ấu thơ cho đến những năm cuối cuộc đời, triết lý tôn giáo của ông là một sự biến đổi khhông ngừng, nó phụ thuộc vào thái độ và trải nghiệm của con người đối với tôn giáo: “Triết lý tôn giáo của Kazantzakis là đối tượng của một đối tượng trở thành, diễn ta liên tục, là một quá trình tiếp diễn không ngừng, nó không bao giờ đứng yên một chỗ”(3).

Từ người thầy của mình là triết gia Henri Bergson, Nikos Kazantzakis viết luận án tiến sĩ về Nietzsche, một triết gia ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và sáng tác của ông. Ngoài ra, ông tìm hiểu học thuyết Marx, gặp những nhà lãnh đạo Bônsêvich, gặp và phỏng vấn Mussolini – trùm phát xít Ý… Những hoạt động đó đã khiến cho ông có một tầm nhìn đa chiều về tôn giáo và chính trị – xã hội. Đặc biệt, ông luôn tư duy, đối thoại, phản biện giữa các luồng tư tưởng mà mình đã tiếp nhận: “Nikos Kazantzakis chấp nhận Nietzsche, rồi chối bỏ Nietzsche. Kazantzakis chấp nhận Chúa Jesus rồi chối bỏ chúa Jesus, Kazantzakis chấp nhận Đức Phật rồi chối bỏ Đức Phật, Kazantzakis chấp nhận Lênin rồi chối bỏ Lênin. Kazantzakis chấp nhận cuộc đời rồi chối bỏ cuộc đời mà đi vào cõi chết…”(4).

Và dù đứng ở giác độ nào, nhà văn cũng phản đối chiến tranh và chủ nghĩa dân tộc cực đoan một cách mạnh mẽ. Trong các sáng tác của mình, Nikos Kazantzakis luôn ca ngợi ý nghĩa của tự do, trong đó tự do của dân tộc, của quê hương luôn là vấn đề nóng bỏng. Mặt khác, nhà văn cũng xem sự tự do của tất cả các dân tộc khác trên thế giới như là một lý tưởng để mình cổ xúy.

2. Nikos Kazantzakis và tiếng nói lên án chiến tranh

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là nguồn gốc chủ yếu của những cuộc chiến tranh. Khắp các châu lục, từ xưa đến nay, xung đột sắc tộc/dân tộc luôn là mồi lủa của các cuộc chiến đẫm máu. Tranh giành lãnh thổ, thị trường là những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan: “Đối với chủ nghĩa dân tộc, giữa thế kỷ 20 có vẻ vẫn còn là yếu tố duy nhất, mạnh nhất trong hệ thống các quan điểm và tư tưởng hiện hữu ràng buộc con người với các nhóm chính trị trên cơ sở lãnh thổ”(5).

Nikos Kazantzakis từ thuở ấu thơ đã phải hứng chịu hậu quả do chiến tranh gây ra. Năm 1889, trong cuộc nổi dậy giành độc lập của người đảo Crète chống lại sự đô hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả gia đình ông phải rời khỏi Crète tỵ nạn 6 tháng tại đảo Naxos. Năm 1897 và 1898 trong cuộc nổi dậy giành độc lập lần thứ hai của người Crète, lần này họ đã thành công. Trong chiến tranh thế giới thứ II, quê hương ông cũng bị phát xít chiếm đóng. Ông đã sát cánh cùng chính phủ Hy Lạp giải phóng quê hương. Theo Từ Vũ: “Năm 1945, để thực hiện nguyện vọng của mình trong việc tái nhập chính trường, Nikos Kazantzakis trở thành người lãnh đạo một đảng xã hội nhỏ. Chính phủ Hy Lạp ủy thác cho ông nhiệm vụ điều tra sự thực về những hành động tàn ác của Đức Quốc xã khi chiếm đóng tại đảo Crète”(6).

Hơn ai hết, ông thấy được hậu quả đau thuơng do chiến tranh mang lại. Trong tác phẩm Alexis Zorba – con người hoan lạc, Nikos Kazantzakis đã để cho nhân vật Alexis Zorba lên án chiến tranh một cách mạnh mẽ. Chiến tranh – dù cho mục đích là gì thì nó cũng là điều cần lên án: “Chao, tôi những muốn nói, cho lửa hỏa ngục thiêu cháy vận mệnh cái đảo Crète chết băm chết vằm này đi, nó không bao giờ để ta yên chăng? Tôi dẹp kim chỉ gương lược lại, cầm súng và lên đường, nhập bọn với quân phiến loạn ở Crète”(7).

Nikos Kazantzakis, người đã chứng kiến các cuộc chiến thảm chống lại sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ trên quê hương ông, rồi hai cuộc thế chiến thảm khốc, ông đã gọi các cuộc giết chóc đó là sự điên rồ. Hơn thế nữa, nó là nỗi ám ảnh không thôi đối với người trong cuộc: “Cái cơn điên khùng nào ốp vào ta vậy? Giờ đây tôi điềm đạm hơn chút ít và tôi tự vấn: cái cơn điên khùng nào đã ốp vào ta, khiến ta bổ nhào vào một kẻ chẳng làm gì mình hết mà cắn xé, cắt mũi, cắt tai, mổ bụng moi ruột hắn… trong khi không ngừng cầu Thượng đế toàn năng phù trợ? Phải chăng thế có nghĩa là ta muốn Thượng đế cắt mũi, xẻo tai và phanh thây mọi người?”(8).

Với Nikos Kazantzakis, dù nhân danh tự do hay bất cứ lý do nào, kẻ gây ra chiến tranh đồng nghĩa với việc mang lại tội ác cho nhân loại: “Thật là bí ẩn, lão thầm thì, một điều bí ẩn hết sức! Vậy ra, nếu muốn có tự do trên cái thế giới tồi tệ này, thì phải giở mọi trò tàn sát ấy, mọi thủ đoạn bẩn thỉu ấy ư? Xin nói để sếp biết, nếu tôi kể mọi chuyện hung ác gớm ghiếc và mọi cuộc giết chóc bọn tôi đã tiến hành thì sếp cứ gọi là dựng tóc gáy lên. Ấy thế mà kết quả của tất cả những cái đó là gì? Tự do! Thay vì giáng sét xuống diệt sạch bọn tôi, Thượng đế lại cho chúng tôi tự do! Thật tôi chẳng còn hiểu ra sao nữa!”(9). Rõ ràng, tự do đổi bằng sự giết chóc man rợ đã khiến loài người ghê tởm. Con người hiện sinh chân chính không bao giờ chấp nhận thứ tự do ấy. Phía cuối của hành trình giết chóc là tù ngục của lương tri chứ không phải bầu trời tự do mà con người mong đợi.

Trong tác phẩm Vườn đá tảng được viết vào năm 1936, bằng trực giác của một nhà văn, Nikos Kazantzakis đã cảnh báo về thảm hoạ chiến tranh xâm lược mà các nước đế quốc sắp gây ra trên khắp thế giới. Trên con đường hành trình sang phương Đông cùng những người bạn học như Lý Đức, Joshiro, nhân vật “tôi” đã cảm nhận và dự báo về thảm hoạ khôn lường mà chủ nghĩa quân phiệt sẽ gây ra. Những chàng trai, cô gái từ đất nước phương Đông như Lý Đức hay Joshiro sang phương Tây du học không phải đơn thuần nhằm canh tân đất nước. Trong họ luôn có một lòng hằn thù dân tộc và tham vọng thống trị thế giới. Hơn ai hết, nhà văn cảm nhận được hậu quả khốc liệt của nó vì chính ông, quê hương ông, dân tộc ông là nạn nhân của các cuộc chiến khốc liệt. Tác giả xây dựng nhân vật Joshiro – là hiện thân cho một đế quốc mới đang có tham vọng bá chủ ở châu Á. Một cô gái xinh đẹp không ngần ngại lăn vào những nơi nguy hiểm nhất để thực thi tham vọng của giới quân phiệt Nhật trong mưu đồ hiện thực hoá thuyết “Đại Đông Á”. Joshiro đã vô tình say sưa với tham vọng về viễn cảnh huy hoàng của chủ nghĩa phát xít Nhật, mà không ý thức rằng đó lại là thảm hoạ chiến tranh hủy diệt mà con người sắp phải gánh chịu: “Hãy ăn – xây cất các nhà xưởng, làm áo giáp với đại bác, tổ chức sức mạnh vật chất và tâm linh. Tổ chức Châu Á. Hết thảy Châu Á -Trung Hoa, Đông dương, Ấn Độ, dân Hồi giáo. Khởi đầu là Trung Hoa”(10).

Bên cạnh nhân vật Joshiro say sưa với chủ nghĩa quân phiệt là một Lý Đức mang trong lòng mối hận thù dân tộc cực đoan, mà theo anh, chỉ có chiến tranh mới giải quyết được, mới rửa hận được cho dân tộc Trung Hoa. Lý Đức cũng như giới thượng luu Trung Hoa mang trong mình tư tưởng “đại Hán” cảm thấy cần có một cuộc chiến tranh mới, khác với cuộc chiến mà Thanh triều phải đầu hàng nhục nhã. Cuộc chiến mới sẽ giúp Trung Hoa đang là một thây ma kếch xù sẽ rửa thù phục hận và thống trị thế giới như xưa mà cha ông họ đã làm. Lòng hận thù ấy, Lý Đức không hề giấu giếm khiến nhân vật “tôi” phải thốt lên: “Lý Đức này, tại sao hận thù không đội trời chung với Nhật như thế chứ? Chiến tranh là một cái gì ghê gớm, tôi đã chứng kiến. Phải, ghê gớm, Lý Đức đáp, nhưng mà hữu hiệu. Nó đẩy nhanh bước tiến của thế giới, nó phát huy những đức tính lớn, nó có thể cải biến thằng tiểu tư sản bỉ tiện thành anh hùng… Chiến tranh nó có đấy; đấy là thực tại duy nhất. kẻ chiến sĩ, thằng người quyết tâm ban chết và nhận cái chết… Bọn khác là đồ cặn bả cho chúng tiêu ma đi”(11). Tư tưởng phục thù rửa hận của giai cấp thượng luu trong xã hội phong kiến Trung Hoa không hề tắt, mà nó sẵn sàng bùng lên cuồng nộ bất kỳ lúc nào. Nguy hiểm hơn nó được lan truyền, đầu độc cả vào suy nghĩ của đại bộ phận nhân dân Trung Hoa: “Xin những đại hùng đại lực của Trung Quốc ném bọn bạch quỷ xuống biển cho!”… Giết bọn da trắng! Vứt tụi nó xuống biển”(12).

Những dự báo của Nikos Kazantzakis đã trở thành sự thật. Trong thế chiến thứ II, Nhật là một trong những thế lực dự chống lại loài người. Muộn hơn vài năm, các nhà cầm quyền Trung Hoa cũng bộc lộ dã tâm của mình về ngôi vị thống trị thế giới. Từ trực giác và trải nghiệm dấn thân cùng với nỗi lo âu khắc khoải về số phận con người, Nikos Kazantzakis đã dự báo chính xác những thảm hoạ vừa nêu.

3. Nikos Kazantzakis và tinh thần phê phán tín ngưỡng tôn giáo – dân tộc cực đoan

Các nhà hiện sinh vô thần không tin vào tôn giáo. Đối với họ, tôn giáo không phải là phép màu giải thoát con người khỏi những lo âu, bế tắc, phi lý của nhân thế: “Thật dễ nhận thấy thuyết hiện sinh hoàn toàn là một triệu chứng cho thấy sự kiệt sức của Tây Âu khi thế chiến kết thúc. Tuy nhiên, các nhà tiên tri của phong trào, Nietzsche và Kierkegaard là những người sống trong thế kỷ 19”(13).

Là nhà văn theo khuynh hướng hiện sinh, đã chứng kiến những khổ đau do xung đột tôn giáo và chiến tranh mang lại, Nikos Kazantzakis lên án những kẻ lợi dụng tôn giáo để kích động lòng hận thù và gieo rắc chết chóc. Dù sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống ngoan đạo của Ki tô giáo, ông không đồng tình với những người dân Hy Lạp tỏ ý khinh miệt, xúc phạm đến người Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo. Trong Tự do hay là chết, Manuxakax là em trai thủ lĩnh Misen đã cõng con lừa vào nhà thờ Hồi giáo và bắt nó cầu nguyện. Nuri Bây đã phẫn nộ với Misen: “…Ông anh Manuxakax của anh đang xúc phạm nước Thổ Nhĩ Kì… Ông ta đã cõng một con lừa trên lưng rồi mang nó đến tận đền thờ Hồi giáo để bắt nó cầu nguyện, ông ta bảo thế. Tôi vừa mới ở làng về; tất thảy các đạo hữu của tôi đều sửng sốt; các đạo hữu của anh đã cầm lấy vũ khí và tôi sợ xảy ra tai họa lớn”(14).  Dù đứng ở góc độ của tôn giáo nào để tấn công vào tôn giáo khác cũng là điều tồi tệ. Vì vậy, Nikos Kazantzakis đã lên án những người Hồi giáo đã miệt thị, gọi Ki-tô giáo là dị giáo. Dù bề ngoài kết nghĩa anh em, nhưng trong lòng Nuri Bây vẫn miệt thị người anh kết nghĩa của mình là tên dị giáo: “Hắn thuộc loại bất kham, tên dị giáo này”(15).

Xung đột tôn giáo, sắc tộc chưa bao giờ lắng dịu trong dòng chảy của lịch sử. Là một nhà hiện sinh giàu lòng với tha nhân, sống hết mình với tha nhân, Nikos Kazantzakis luôn phê phán tư tưởng cực tôn giáo cực đoan: “Làng mạc bốc cháy, những tháp, đền đạo Hồi bị búa chặt gãy gục như những cây trắc bá máu chảy dâng lên ngập đầu gối ngựa, ngập cả tận bụng ngựa. Ông nhìn chung quanh ông. Không phải là Crète nữa, cũng không phải là tường thành của Căngđi, không phải biển, không phải những ngôi nhà quen thuộc”(16).

Trong tác phẩm Tự do hay là chết, ông đã thể hiện tư tưởng hiện sinh của mình: đấu tranh để giành tự do cho quê hương Crète của ông. Sartre gọi đây là sự “dấn thân”. Con người vì tự do của quê hương mà dấn thân. Trong sự dấn thân đó, các nhân vật cũng thể hiện tinh thần hiện sinh mạnh mẽ. Tác phẩm ghi lại cuộc đấu tranh rực lửa của người dân Crete chống lại quân Thổ chiếm đóng. Đây là tác phẩm được Nikos Kazantzakis nâng niu trân trọng viết tặng cho quê hương của mình. Người dân đảo Crète bao đời căm hận kẻ xâm lược Thổ, những kẻ đã thẳng tay đàn áp các dân tộc không theo Hồi giáo trong vùng Balkans. Gần bốn thế kỷ thù hận, những cuộc nổi dậy và bị tàn sát không ngừng lặp đi lặp lại. Châm ngôn “Tự do hay là chết” là ngọn lửa nung nấu ý thức giải phóng dân tộc của người dân đảo Crète.

Sự xung đột giữa nhân vật Nuri Bây và thủ lĩnh Misen vừa phản ánh xung đột tôn giáo và xung đột dân tộc. Thủ lĩnh Misen phản kháng lại Nuri Bây, chọc tức những người Thổ Nhĩ Kỳ và làm nhục họ vì lòng kiêu hãnh của một con người Hy Lạp bất kể hậu quả sẽ đến với mình và nhân dân Crète: “Cút đi, Cút đi! Ông thét. Ta muốn uống cà phê một mình thôi!”(17)… “Nuri, thủ lĩnh Misen bảo, tôi muốn uống cà phê một mình tôi thôi. Tôi không thích ai ngồi với tôi hết. Tất thảy mọi người ra khỏi phòng này!”(18). Còn Nuri Bây trong vai trò của người thống trị muốn giết thủ lĩnh Misen vì thường xuyên bị ông làm cho y tổn thương danh dự: “Nuri Bây cúi đầu thấp hơn tí nữa. Y kéo hơi này tiếp hơi khác và khói thuốc thoát ra lỗ mũi y. Giờ hành động đã điểm, y nghĩ. Bây giờ, hoặc là không bao giờ nữa. Ta có hứa với cha ta. Ta cần có một cái cớ ư? Ta đã có rồi. Đứa em của kẻ giết người kia kìa. Chính là cha đã xui hắn tới. Đánh đi Nuri!”(19). Xung đột giữa Misen và Nuri Bây là ngọn lửa làm bùng phát lên chiến tranh trên đảo Crète. Xoay quanh hai nhân vật dù đã kết nghĩa anh em, uống máu ăn thề với sự viện dẫn cả Chúa và Thánh Mohamet chứng giám nhưng lòng hận thù dân tộc, chủ nghĩa dân tộc và tín ngưỡng cực đoan đã từng bước đẩy họ xa nhau để đi đến hành động: phải giải quyết bằng máu và nước mắt.

J.P Sartre cho rằng “Bước đi đầu tiên của thuyết hiện sinh là đặt mọi người vào việc chiếm lĩnh những gì mình đang tồn tại, và đặt lên con người toàn bộ trách nhiệm về sự hiện hữu của mình. Và khi nói rằng con người chịu trách nhiệm về chính mình, thì chúng tôi không muốn nói rằng con người chịu trách nhiệm về cái cá nhân chật hẹp của mình mà muốn nói rằng con người chịu trách nhiệm cho tất cả mọi người”(20). Với thái độ của một nhà văn hiện sinh, Nikos Kazantzakis thể hiện trách nhiệm của mình với đời sống nhân loại. Ông lên án những lực lượng gây ra chiến tranh, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Ngòi bút của Nikos Kazantzakis đã bóc tách, phơi bày, dự báo những hậu quả khủng khiếp mà chiến tranh và tín ngưỡng cực đoan giáng xuống nhân loại.

Từ gần một thế kỷ trước, vấn đề mà nhà văn Nikos Kazantzakis dự báo đã thực sự bùng phát trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Khắp các châu lục, loài người quay cuồng vì xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc. Những di sản văn hoá bị phá tan bởi những kẻ cuồng tín, những quốc gia sụp đổ vì những kẻ quá khích. Lòng hận thù được gieo rắc bằng vỏ bọc tôn giáo đang xô đẩy con người đi từ thảm hoạ này sang thảm hoạ khác. Cũng không ít kẻ lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để phát động các cuộc chiến phi nghĩa, khốc liệt mà tổ chức IS là ví dụ điển hình.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta càng trân trọng hơn tinh thần yêu thương tha nhân, tinh thần phê phán tín ngưỡng cực đoan, phê phán chiến tranh phi nghĩa của tiểu thuyết gia Nikos Kazantzakis. Thiết nghĩ, trên hành trình đến với tự do, Nikos Kazantzakis là một chứng nhân quan trọng để chúng ta đối sánh, trải nghiệm và lựa chọn.

——————————

(1) Trần Huyền Sâm, Tiểu thuyết phương Tây hiện đại và các hướng tiếp cận, Nxb Văn học, Hà Nội, 2016, tr.116.

(2) Bửu Ý, Tác giả Thế kỷ XX, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2006, tr.123.

(3) Darren J. N. Middleton, Peter Bien, God’s Struggler– religion in the Writings of Nikos Kazantzakis, Mercer University Press, 1996, tr.40.

(4) Phạm Công Thiện, Nikos Kazantzakis, Nxb Phạm Hoàng, Sài Gòn, 1970, tr.34.

(5), (13) Brinton Crane (Nguyễn Kiên Trường biên dịch) (2007), Con người & Tư tưởng Phương Tây, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, tr.552.

(6) Vietsciences – Từ Vũ (Pháp), 12/03/2005http://vietsciences.free.fr/biographie/artists/writers/kazantzaki.htm

(7), (8), (9) Nikos Kazantzakis,  Alexix Zorba – Con người hoan lạc (Dương Tường dịch) Nxb Văn học, Hà Nội, 2006,  tr.33,  34, 34, 35-36.

(10), (11), (12) Nikos Kazantzakis, Vườn đá tảng (Bửu Ý dịch), Nxb An Tiêm, Sài Gòn, 1967, tr. 40, 212, 167.

(14), (15), 16), (21), (22), (23) Nikos Kazantzakis, Tự do hay là chết (Hoàng Nguyên Kỳ dịch), Nxb Văn học, Hà Nội, 1985, tr.32, 33, 48, 218, 220, 219-220.

(20) Jean Paul Sartre, Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (Đinh Hồng Phúc dịch), Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2016, tr.34-35.

ThS. Phạm Ngọc Lư
NCS. Học viện Khoa học xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *