Tiểu thuyết Ai đã ăn hết cây Sing-a ngày ấy dưới góc nhìn văn hóa

Văn học là thành tố quan trọng của văn hóa. Vì vậy, việc tìm hiểu những giá trị văn hóa luôn là hướng tiếp cận, thẩm định, giải mã tác phẩm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu văn học, là sự tìm về nguồn gốc sâu xa của sáng tạo văn chương. Muốn kiến tạo nên một tác phẩm văn học, trước tiên, người nghệ sĩ không phải chỉ thuộc về một nền văn hóa, mà cao hơn nữa, còn phải là người am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

1.Văn học là thành tố quan trọng của văn hóa. Vì vậy, việc tìm hiểu những giá trị văn hóa luôn là hướng tiếp cận, thẩm định, giải mã tác phẩm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu văn học, là sự tìm về nguồn gốc sâu xa của sáng tạo văn chương. Muốn kiến tạo nên một tác phẩm văn học, trước tiên, người nghệ sĩ không phải chỉ thuộc về một nền văn hóa, mà cao hơn nữa, còn phải là người am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Bản thân người nghệ sĩ đích thực cũng là những người khám phá, sáng tạo và bảo tồn cho văn hóa của quá khứ, hiện tại và tương lai. “Văn hóa trong ý nghĩa căn bản nhất, là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần một dân tộc sáng tạo, tích lũy, chuyển giao qua bao thế hệ. Văn hóa không chỉ là đối tượng phản ánh của văn học. Chính chủ thể văn học bao gồm cả tác giả lẫn độc giả cũng là những sản phẩm văn hóa, những giá trị văn hóa. Cảm hứng nghệ thuật , chất liệu nghệ thuật, biểu tượng nghệ thuật cũng đều la những sản phẩm văn hóa! Văn hóa ảnh hưởng, quyết định đối với văn học, đến lượt mình, văn học tác động ngược trở lại, góp phần bồi đắp, tạo dựng, chuyển giao những giá trị văn hóa” [3,444-445]. Văn hóa và liên văn hóa đang là tâm điểm của bối cảnh toàn cầu hóa. Cùng với nhiều loại hình, nhiều lĩnh vực hoạt động khác của con người, văn hóa nhân loại đang ngày càng tiến lại gần nhau, đan cài với nhau để cùng nhau phát triển. Việc tìm hiểu bản sắc văn hóa một dân tộc qua những sáng tác văn chương của nền văn học dân tộc đó thật sự là một điều thú vị, nó giúp con người thuộc các khu vực văn hóa khác nhau, các thời đại lịch sử khác nhau sống chung hòa thuận, thân thiện và biết tôn trọng lẫn nhau dưới một mái nhà chung của nhân loại, một “ngôi làng toàn cầu” (“global village”), đẩy lùi mọi sự định kiến, sự khước từ, bài xích và xa hơn nữa là chiến tranh và hủy diệt. 2.Trong vài thập niên gần đây, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, văn hóa Hàn Quốc đã trở thành một hiện tượng với sự lên ngôi của nhiều lãnh vực, loại hình, như: Điện ảnh, âm nhạc, thời trang, lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật làm đẹp,… Nổi bật và đi vào chiều sâu đời sống văn hóa thế giới đó là văn học – loại hình nghệ thuật có tính chất nền tảng của văn hóa, làm đòn bẩy, bệ phóng cho nhiều loại hình nghệ thuật khác: Văn chương Hàn Quốc ngày càng chiếm lĩnh thị trường sách dịch ở nhiều nước vốn nổi tiếng về văn học trên thế giới. Với Việt Nam, sau hai mươi năm đặt quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, văn học Hàn Quốc đã thực sự là một cây cầu nối liền hai nền văn hóa Việt – Hàn. Trên các quầy sách, trên các trang báo mạng, trong các thư viện và trên tay các bạn đọc Việt Nam, những tác phẩm văn học Hàn Quốc đến ngày càng nhiều và càng có hệ thống. Văn học Hàn Quốc cũng chính thức có mặt trong chương trình đào tạo ở Đại học của Việt Nam và rất có thể sẽ được tuyển chọn vào chương trình văn học phổ thông một ngày không xa. Một trong số những tên tuổi đến từ Hàn Quốc đang được yêu thích và trở nên gần gũi với bạn đọc Việt Nam là nữ nhà văn Park-Wan-Suh (1931 – 2011). Từ lâu, Park-Wan-Suh đã nổi tiếng ở Hàn Quốc và trên thế giới. Bắt đầu sự nghiệp văn học khá muộn ở tuổi 40, nhưng bà lại thành công ngay từ khởi nghiệp và để lại một sự nghiệp văn học đáng nể với gần 20 tiểu thuyết, hơn 150 truyện ngắn và nhiều tùy bút,… Từ giải thưởng đầu tiên của tạp chí “Phụ nữ Đông Á” với tiểu thuyết “Cây trụi lá”, bà chính thức đăng đàn và liên tiếp nhận thêm 9 giải thưởng văn học danh giá khác. Cho đến tuổi 80, bà vẫn là một cây bút cự phách, vẫn “chứng tỏ được độ sung sức và dẻo dai của một cây bút tài năng với nhiều tác phẩm có giá trị” [8,1] Tiểu thuyết tự truyện Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy? (1992) được tác giả khẳng định là công trình hàng đầu của bà trong một bài phỏng vấn. Tác phẩm được Nxb Trẻ giới thiệu tháng 3/2012 và đồng loạt nhiều trang báo mạng chú ý. Tại trang blog “Văn học Hàn Quốc”, Charles Montgomery có nhận định tác phẩm: “là một cuốn sách tuyệt vời trên nhiều cấp độ” và khẳng định: “nó là một tạo tác văn hóa đáng chú ý”. Ý kiến đó đã định hướng cho chúng tôi một góc nhìn để chiếm lĩnh tác phẩm trong bối cảnh đã có nhiều diễn đàn lớn đã được tổ chức cho tác phẩm. 3. Đi dọc chiều dài tác phẩm 12 chương, từ chương đầu “Những ngày thơ ấu” đến chương cuối “Dự cảm huy hoàng”, trong những dòng hồi ức sâu lắng cảm động của tác giả – cô bé Park-Wan-Suh của những ngày thơ ấu, một bức tranh văn hóa truyền thống Hàn Quốc đậm đà bản sắc dân tộc chầm chậm hiện ra thật đẹp, thật sinh động và đặc sắc theo từng trang sách, cũng là từng trang số phận của nhân vật, của gia đình, gia tộc và dân tộc. Có một lịch sử phát triển lâu đời, điều này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc (hay tên gọi trước đây là Triều Tiên) cũng là chủ nhân của một nền văn hóa giàu bản sắc trong bối cảnh văn hóa phương Đông và khu vực Đông Bắc Á. Tiểu thuyết của Park-Wan-Suh vừa là kí ức tuổi thơ, vừa là tấm gương phản chiếu nhiều giá trị, thành tựu, vẻ đẹp và nét riêng của văn hóa Hàn Quốc trên nhiều phương diện. 3.1 Nổi bật lên trong dòng kí ức của cô bé Park-Wan-Suh – người kể chuyện xưng “tôi” – là không gian văn hóa làng quê Parkjeok và những hiểu biết đầu đời về gia đình, gia tộc: “Nơi tôi sinh ra là một ngôi làng hẻo lánh với vỏn vẹn hai mươi hộ, được gọi là thôn Parkjeok, làng Muksong, xã Cheongkyo, huyện Gaepung, cách Gaeseong khoảng hai mươi ri về phía tây nam, những người trong làng vẫn gọi Geaseong là Songdo. Với tôi, Songdo là ngọn ngồn của những giấc mơ ngày thơ bé. Không chỉ có màu nhuộm, mà từ đôi dày da, chiếc lược bí, sợi ruy-băng lấp lánh, đến con dao, cái cuốc, cái liềm, tất cả phải đến tận Songdo mới mua được. Các bà các cô nhà khác trong làng đều đi lại Songdo. Riêng nhà chúng tôi, chỉ có ông nội tôi và các chú mới có quyền ấy. Đó chính là điểm khác biệt giữa nhà chúng tôi với những nhà khác. Ở thôn Packjeok, ngoài nhà chúng tôi, còn có một nhà khác nữa mà phụ nữ không được đi Songdo. Hai nhà đều họ Park và là họ hàng của nhau. Các nhà còn lại đều mang họ Hong và bọn họ cũng là họ hàng của nhau. Mặc dù vậy, tên của ngôi làng vẫn là Packjeok. Ông nội tôi bảo chúng tôi là lưỡng ban, bọn họ là thường dân” [5,16-17]. “Lưỡng ban” là gì? Theo dịch giả thì đó là tầng lớp quý tộc dưới thời Korea (918-1392) và thời Choson (1392 – 1910). Nhưng đến thời kì nửa đầu thế kỉ XX, thì chỉ còn là “một thời vang bóng”: “Tôi không rõ những người làng nhìn nhận vai trò lưỡng ban của ông tôi thế nào. Chỉ biết rằng từ xua đến nay, quanh vùng Gaesong, cái gọi là lưỡng ban gì gì đó, chẳng hề được mọi người quan tâm. Có lẽ vì thế mà ông tôi thành ra lập dị. Vì ông tôi không cho phép nên những người phụ nữ trong gia đình không được tự do thoải mái đi lại Songdo, song không phải tất cả bọn họ đều tuân phục ông nội từ đáy lòng. Có lúc tôi hỏi bà nội: “Lưỡng ban là gì hả bà?” Bà tôi cười mỉm, bào rằng: “Cái đó ấy à, đem ra bán có khi được hai lượng rưỡi đấy”. Bà nội lại bắt đầu mỉa mai. Bà là người rất hay buông ra những câu chế giễu. Ấy vậy mà, khi ở trước mặt ông tôi, lúc nào bà cũng tỏ ra cung kính, lễ phép. Không chỉ một chuyện cấm đi Songdo, ông nội còn cấm luôn cả chuyện ra đồng làm việc. Đó lại là một điểm khác điểm khác biệt giữa nhà tôi và các nhà khác. Có vẻ như ông tôi cũng cho rằng đó là một cách hành xử của một lưỡng ban” [5, 17-18]. Tuy vậy, việc thôn mang tên Parkjeok, trong đó Park là họ của hai nhà lưỡng ban và việc miêu tả phong thái của ông nội, cùng sự kính trọng của dân làng cũng cho thấy dấu vết tích của một thời vàng son. Trong không gian văn hóa thôn làng bình yên ấy, đẹp nhất trong kí ức của tôi là những mùa lễ hội, lễ tết. Những ngày lễ tết được tác giả nhớ mãi là Tết Trung Thu (Chuseok), Tết Âm Lịch (Tết Triều Tiên), Tết Dương Lịch (Tết Nhật Bản),.. Tết Chunseok là kì nghỉ lễ lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc, được tổ chức vào Rằm Tháng Tám âm lịch. Đây là ngày lễ diễn ra sau khi đã thu hoạch mùa màng, để cảm ơn tổ tiên, trời đất và cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ. Theo truyền thống lâu đời của người Hàn Quốc thì họ ăn tết theo âm lịch của người Trung Hoa, nhưng khi Nhật Bản cai trị Hàn Quốc, Nhật Bản đã áp đặt một chính sách đồng hóa về văn hóa. Trong đó có việc ăn Tết theo Tết của Nhật Bản tức là Tết Dương lịch hay Tết Nhật Bản, còn Tết Âm lịch là Tết Triều Tiên. Ở các thành phố, dân chúng ăn cả hai cái Tết, còn ở nông thôn chủ yếu vẫn ăn Tết Âm lịch. Tại thôn Parkjeok, mọi người trong làng thuộc họ Hong ăn tết Âm lịch, nhưng hai họ Park thuộc tầng lớp lưỡng ban lại ăn tết Dương lịch theo người Nhật. Với lý do ông nội của Park-Wan-Suh đưa ra là: “Việc ông nội quyết định ăn Tết Nhật Bản để kết hợp thời gian nghỉ hè với thời gian nghỉ Tết có lẽ xuất phát từ tình cảm da diết dành cho con cháu, bởi ngày Tết mà không có con cháu mà không có con cháu sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng ngoài ra, đó còn là vì từ trước tới giờ, ông tôi luôn cho rằng Dương lịch thì đúng hơn. Năm nào cũng có lịch của ai đó ở đài khí tượng gửi cho ông. Trên lịch ấy, không chỉ có lịch âm, lịch dương mà còn có hai mươi tư tiết khí, hiệu Can-Chi của ngày và tháng… Thời bấy giờ, lịch rất quý, nên những ngày như ngày làm tương, ngày lễ gosa, ngày đi xa, mọi người trong làng đều tìm đến hỏi ông tôi.” [5, 131-132]. Tác giả đã kể lại một cách chân thực và chi tiết khi tái hiện không khí ấm cúng và những sắc màu văn hóa sinh động của ngày Tết ở làng quê: “Ngày Tết ở nông thôn dài một cách lạ thường. Tết bắt đầu với khoảng thời gian bận rộn, tối mắt tối mũi, nào là khâu đồ diện Tết, nấu kẹo kéo, giã bánh teok, làm đậu phụ; nào mấy chung nhau vào bắt lợn làm thịt, nặn sủi cảo; rồi sau đó lại là thời gian của một loạt hoạt động ngày Tết kéo dài đến tận Rằm tháng Giêng như bái lạy năm mới, thăm mộ tổ tiên, chúc mừng năm mới, xem bói đầu năm, ăn rồi lại chơi với đủ mọi trò dành cho mọi lứa tuổi, nam, nữ,… Gộp cả hai thời gian ấy lại vào cũng thành hơn một tháng. Đó là khoảng thời gian lễ hội vừa dài, vửa rảnh rang nhất trong một năm của nhà nông” [5,131]. Và hấp dẫn nhất đối với mọi người, nhất là với bọn trẻ là những món ăn ngày Tết: “Món ăn để cúng hầu như chỉ có canh và dùng thịt bò, còn lại sủi cảo, thịt lợn tẩm bột rán, thịt lợn tẩm bột đậu xanh,…” [5,134] “Trong số những món ăn truyền thống, vào dịp Tết ở quê tôi, không thể không kể tới các loại kẹo được làm từ mật, những loại kẹo bỏng làm từ gạo rang, đậu rang, lạc rang, chẳng tròn cũng chẳng vuông và ngon mắt ấy. Thường là đồ ăn vặt của bọn trẻ; còn kẹo vừng lại là thứ kẹo được làm rất kì công, nào là phải rang riêng hai loại vừng đen và vừng trắng rồi tán mỏng, rồi sắc thành hình quả trám vuông vắn đều nhau, nên thường chỉ được đem ra mời khách. Bà nội vừa gói kẹo vừng cho tôi, vừa bảo rằng: khi làm món này, lúc nào bà cũng nhớ tới cô chủ nhiệm, nên món này là món đặc biệt có gói cả tấm lòng của bà vào đây đấy”. [5,135,136]. Tác giả đã đã dành nhiều trang, nhiều khoảnh khắc kí ức để nói về các món ăn ngày thường và ngày lễ, ngày Tết. Điều đó thật phù hợp với tâm lý trẻ con lứa tuổi ăn tuổi ngủ, nhất là ở nông thôn trong giai đoạn đất nước Hàn Quốc còn nhiều khó khăn lại chiến tranh, li loạn. Cô bé gái họ Park này hay nhắc đến các thứ bánh trái như bánh toek được làm từ hạt gạo quý, là linh hồn không thể thiếu trong các mâm cỗ, ngày lễ Tết, canh bánh toek chorangi là thứ canh được nấu nước sườn bò với loại bánh toek viên hình số tám và một vài nguyên liệu khác như: thịt bò, nấm, trứng, hành,… “Canh bánh toek chorangi ở nhà mudang ngon một cách lạ thường. Đó chính là lý do để tôi theo chân bà nội tới đây” [5,105]; rồi bánh songpyenon là loại bánh bột gạo tẻ hấp, nhân táo đỏ, vừng, đậu,…”được nặn hình con sò là món ăn không thể thiếu của người Hàn Quốc vào ngày Chuseok”… Người Hàn Quốc có truyền thống tôn trọng sự bền vững thiêng liêng của gia đình, họ tộc. Đi qua bốn mùa xuân hạ thu đông, mỗi vùng miền đều có những thức ăn độc đáo. Mỗi sự kiện trong đời sống gia đình, cộng đồng đều có những nghi lễ và những món ăn truyền thống. Mỗi bữa ăn cũng là thời điểm cả gia đình được sum họp bên nhau. Mỗi món ăn không chỉ để no bụng mà còn mang bao ý nghĩa sâu sắc, không phải chỉ có những nguyên vật liệu từ tự nhiên, từ đồng ruộng mà gói ghém vào đó là cả tấm lòng cùng sự khéo tay, hay làm của người phụ nữ Hàn Quốc bao đời nay. Đặc biệt, có một món ăn độc đáo mà tác giả luôn mang theo trong kí ức như một kỉ niệm sâu sắc, một ám ảnh đẹp nhất của một mùa thơ dại, là quê hương, là tuổi thơ, là kỉ niệm, là tất cả,… Đó là cây sing-a, cây sing-a của ngày ấy! Cây sing-a là cây thuộc họ rau răm, có tên khoa học là Accnogonum Polymorphum. Đây là loài thân thảo, sống lâu năm, thường mọc ở sườn núi. Thân cây cao khoảng một mét, cành vươn thẳng, nở hoa màu trắng từ tháng sáu đến tháng tám, ngọn non, có vị chua rôn rốt nên còn là thức ăn vặt phổ biến của trẻ con nông thôn Hàn Quốc trước đây. (Hiện nay Hàn Quốc không còn nhiều loại cây này nữa). Xa làng quê lên Seoul, Park-Wan-Suh đã nhớ da diết những kỉ niệm về cây sing-a, cô bé thèm khát và mơ ước được ăn lại cây sing-a để xóa tan vị hoa keo lờm lợm mọc ở chốn ngoại thành. Thời đại loạn ly, loài cây sing-a cũng vắng bóng dần. Trong những lúc đau buồn nhất, cô đã thảng thốt hỏi: “Ai đã ăn hết những câu sing-a ngày ấy?”. Câu hỏi xót xa đầy tiếc nuối và hoài niệm ấy trở thành nhan đề của cuốn tự truyện này như một biểu tượng của cái đẹp một thời đã mất, thành một câu nghi vấn tu từ xoáy sâu vào tâm can tác giả và bạn đọc: “Tôi chợt nhớ đến sing-a. Sing-a ở quê tôi cũng là loài cây phổ biến như thài lài. Nó mọc khắp nơi, ở chân núi và vệ đường. Thân cây có nhiều đốt, mập mạp và giòn nhất vào lúc hoa tầm xuân bắt đầu nở. Với tay ngắt lấy cành cây có màu hơi tía, và tước đi lớp vỏ bên ngoài, sẽ thấy còn lại một lớp thịt bên trong có vị chua rôn rốt, vị chua làm ứa nước miếng, và hình như chỉ có nó mới có thể làm dịu bớt vị tanh của những cánh hoa keo. Giống như loài thú hoang đang đi tìm một thứ lá thuốc để rịn lấy vết thương, tôi mải miết lần sâu vào trong rừng, đến nỗi lạc cả đường mà cũng chẳng tìm thấy đâu, dù chỉ là một ngọn sing-a. Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy? Đến tận lúc mặt trời đã ửng vàng, tôi vẫn không ngớt ợ lên liên tiếp và lẫn lộn nơi đó với ngọn núi nhỏ phía sau nhà ở quê.” [5,98] “Mỗi lần bứt cỏ gà như thói quen vốn có, tôi lại tìm cỏ ăn được. Nhưng ở vùng đất cằn cỗi xung quanh ngọn núi Seonbawi này, chỉ có những loài cỏ tô ráp, cứng ngắc mọc lên. Chốc chôc, tôi lại ngừng tay, ngẩn người, ngơ ngác: “Ai đã ăn hết những cây sing-a mọc đầy ở quê tôi”. Người anh ít nói của tôi dường như cũng hiểu được nỗi niềm mong nhớ quê hương của tôi, nên mỗi lần như vậy, lại đưa tay ra đếm, báo cho tôi biết chỉ còn mấy ngày nữa là nghỉ hè rồi”. [5,117]. Kí ức tuổi thơ của tác giả còn dẫn dắt ta về với kỉ niệm những ngày cùng lũ bạn đi hái rau rừng, bắt tôm cua, câu cá,.. những ngày sống giữa thiên nhiên tươi đẹp với hoa linh lan, hoa ngọc trâm, hoa phấn, hoa cúc susi, dương xỉ,… Đọc tác phẩm chúng ta còn có được những hiểu biết thú vị về cách ăn mặc của người Hàn Quốc thời ấy với trang phục kiểu Hàn truyền thống như áo choàng durumagi của ông nội, mái tóc chân kiểu Hiashigami, váy áo Hanbok nổi tiếng là một kiểu quốc phục đẹp vào bậc nhất của phương Đông, mùa hè thì mặc kaeki hay jeoksam, mùa đông thì khoác áo gown. Có cả cách ăn mặc theo kiểu người Nhật (mà người Triều Tiên thời ấy thường gọi một cách khinh ghét là người Oa!) như áo choàng haori, quần mompe, guốc geta, khố fundoshi,… Đền chùa, nhà cửa cũng được miêu tả tỉ mỉ về kiến trúc như: Phụng An điện (Houanten) nơi thờ Thiên Hoàng của người Nhật, nhà cửa ở miền quê Parkjeok, vùng Gaesong: “Đặc trưng nhà ở vùng Gaeseong và khu vực lân cận đó là nhà ngoài bao giờ cũng thấp và đơn sơ, còn nhà trong thì cao và được bài trí sang trọng, đi kèm với sân vườn cầu kì. Sân ngoài đối diện với phòng khách, mở rộng ra phía trước, hai bên được bao quanh bởi hàng cây dâu hoặc cây đậu chổi – thứ cây vẫn được lấy gỗ làm lược chải đầu, còn sân sau, tuy chỉ có vài cây hoa mẫu đơn, và hoa cúc được trồng xen kẽ, nhưng sự bài trí ở đó cũng khá công phu và bắt mắt. Phía đằng xa nhà chũng tôi là một quả đồi nhỏ và cũng là một khoảng sân chơi rộng rãi, trừ mùa đông rét mướt, còn lại lúc nào cũng rộ hoa, chum vại cũng được xếp hết ở đây. Cả nơi thờ ông thổ địa cũng thế.” [5,28-29]. Kể cả không gian nhà xí cũng được tả rất kỹ, vì đó là nơi có những kỉ niệm tuổi thơ cùng lũ bạn tinh nghịch ở quê nhà: “Những đứa trẻ sợ hố xí thời nay, chỉ thấy buồn nôn khi nghe những câu truyện này, nhưng thực ra, nhà xí của nhà chũng tôi lại vô cùng sạch sẽ, sạch đến mức có thể ngồi ăn cháu đậu ở đó được. Nhà xí được chia làm ba, bốn khoang rộng rãi,…” [5,31]. Qua mỗi lần chuyển nhà, trong kí ức của Park-Wan-Suh còn nhớ rõ từng căn. Trong số đó, có lẽ ngôi nhà có mảnh sân hình norigae là đặc biệt nhất nên được dành hẳn một chương là chương thứ 5: “Chúng tôi gọi ngôi nhà ấy là “ngôi nhà mảnh sân hình norigae”. Bởi sân của ngôi nhà có hình tam giác trông giống như một chiếc norigae. Tất cả chúng tôi cùng hài lòng và yêu ngôi nhà đó. Anh tôi được một mình sử dụng căn buồng bên cạnh gian tiếp khách, còn căn buồng ở gần cửa được đem cho thuê. Nếu nối hai căn buồng ở hai đầu hồi của ngôi nhà hình chữ gi-yeok ấy, sẽ thấy mảnh sân ngôi nhà có hình tam giác […] Tôi thì thích thú vô cùng vì được sở hữu cả một vườn hoa” [5,151]. Đó là ngôi nhà đầu tiên mà gia đình Park-Wan-Suh sở hữu sau một thời gian ở trọ tại ngoại thành Seoul. Nó được mua bằng sự liều lĩnh của mẹ. Ngôi nhà bằng gỗ khá tốt với mảnh sân hình tam giác, tường được dán giấy sạch sẽ và có những người hàng xóm thân thiện. Các ngôi nhà mua sau cũng đều có chung kiểu kiến trúc truyền thống mà ngày nay thật khó tìm thấy ở Seoul. 3.2 Một phương diện văn hóa quan trọng khác mà Park-Wan-Suh đã dành rất nhiều trang hồi ức tự truyện là vấn đề ngôn ngữ – chữ viết và giáo dục Hàn Quốc thời ấy – thời thuộc địa và thời của chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Liên Triều. Nói đến ngôn ngữ, chữ viết cùng giáo dục và nhà trường thì không thể không thấy sự xâm thực của văn hóa Nhật Bản lên văn hóa Triều Tiên. Một trong những thành tố quan trọng nhất của một nền văn hóa dân tộc là ngôn ngữ và chữ viết. Người Hàn Quốc ở mọi miền đều nói chung một thứ tiếng – điều đó được coi là nhân tố quan trọng hàng đầu để thống nhất đất nước và tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc mạnh mẽ. Cũng như nhiều dân tộc tộc ở Đông Á, do không có chữ viết ngay từ đầu, họ đã vay mượn chữ Hán của người láng giềng Trung Hoa. Với tinh thần tiếp biến sáng tạo và ý thức độc lập tự cường của dân tộc, người Hàn đã sáng tạo ra bộ chữ của riêng mình từ chữ Hán được gọi là Hangul. Người có công phát minh ra chữ Hangul là vua Sejong ở thế kỉ XV triều đại Choson. So với chữ Hán, thì chữ Hangul rất dễ học, nhưng vị trí của nó trong tương quan chữ Hán lại rất thua kém. Hán tự được xem trọng thì Hàn tự lại bị xem như một thứ “ngạn văn” “… mọi người vẫn sùng bái Hán văn, coi đó là “chân thư”. Chữ Hàn vì bị coi là “ngạn văn” nên bị coi thường, ngay cả sự dễ học của nó cũng bị người ta xem thường luôn” [5,38]. Mẹ của cô bé Park-Wan-Suh cũng như nhiều người dân thời ấy đều tin rằng Hàn tự được nhà vua Sejong tạo ra trong lúc đi vệ sinh: “Cái việc tạo ra chữ Hàn ấn lại là do trong lúc đi vệ sinh, Ngài nhìn ra khung cửa và đã chợt nảy ra sáng kiến tạo ra chữ Hàn” [5,39] (!!) Mẹ là người phụ nữ so với người phụ nữ trong làng là hơn người vì mẹ biết chữ Hàn. Mẹ thường đọc thư và viết thư hộ cho họ nên họ rất cung kính và mỗi lúc như vậy cô bé Park tự hào đến bồi hồi. Mẹ là người thầy đầu tiên dạy cho cô chữ Hàn, ông nội là người mở thư đường dạy chữ Hán cho bọn trẻ trong làng và cả cô bé Park. Còn khi lên Seoul vào học trường tiểu học và các cấp học cao hơn, tất cả đều phải học tiếng Nhật và giao tiếp bằng tiếng Nhật. Trong các trường học Hàn Quốc bấy giờ, những giáo viên đều là người Nhật, tất cả học sinh phải học và giao tiếp bằng tiếng Nhật, ngay từ khi bước chân vào cổng trường. Vì vậy mà phần lớn học sinh bấy giờ không biết hoặc rất kém chữ Hàn. Mãi đến khi Nhật Bản bại trận và Hàn Quốc dành được độc lập, mọi sự mới thay đổi. Và lúc đó, việc học chữ Hàn thực sự gặp nhiều khó khăn, ngay cả đối với cô bé Park-Wan-Suh, khi còn học chữ Nhật cũng ít thích chữ Hàn: “Phòng anh tôi cũng có một ít sách, song, hầu hết chúng đều là những cuốn truyện bằng chữ Hàn, nên tôi chẳng thấy thú vị. Ở trường không dạy chữ Hàn, vì thế ở lứa tuổi của tôi rất hiếm đứa biết đọc và biết viết chữ Hangul. Tôi là một trong những đứa đứa hiếm hoi này, nhưng vẫn còn quá non nớt để biết tự hào về điều đó. . Chữ Hangul tôi được học từ khi còn bé, lúc ở quê nhà, nên nếu có quên cũng là một việc hết sức bình thường. Nhưng tôi lại không quên được, vì thỉnh thoảng cũng có dịp sử dụng chữ Hangul, mà tôi lại không thể không thích những dịp ấy. Đó chính là việc viết thư hỏi thăm sức khỏe ông bà nội ở quê. Tự đáy lòng, tôi luôn yêu quý ông bà nội của mình. Với tôi, quê hương và ông bà nội không phải là hai phần tách biệt mà cùng là một khối ” [5,157]. Quê hương, ông bà nội và Hangul là một khối trong tâm hồn cô bé họ Park đáng yêu này. Bản chữ Hangul chính là nền tảng cơ bản nhất để văn hóa để văn hóa và khoa học Hàn Quốc có thể phát triển một cách vững chắc trong niềm tự hào và tự tôn của dân tộc. “Tôi cũng đã tưởng như vậy và phải đến sau ngày giải phóng, lúc ấy tôi mới biết chữ Hàn không phải là “ngạn văn”, mà là chữ viết Hangul đáng tự hào của dân tộc, đồng thời Sejong Đại Đế cùng với các học giả của mình đã phải lao tâm khổ tứ biết bao mới sáng tạo được ra thứ chữ ấy” [5,40] Cũng nhờ đặc điểm dễ đọc của chữ Hangul mà sau chiến tranh, Hàn Quốc không lâm vào tình trạng mù chữ phổ biến như nhiều dân tộc ở châu Á và các châu lục khác. Việc sáng tạo và gìn giữ được bộ chữ Hangul còn liên quan đến văn hóa đọc sách và văn hóa thư từ của người Hàn thời ấy. Nhiều lần cô bé Park nhớ lại với nhiều hoài niệm đẹp của một thời: “Đó cũng là lúc tôi bắt đầu được tiếp xúc với những quyển truyện bằng chữ Hàn. Lần đầu tiên tôi thấy tò mò với những cuốn truyện viết bằng chữ Hàn trong đống sách ở phòng anh tôi. Những đứa trẻ bằng tuổi tôi ngày ấy, hấy như không biết đên Hangul. Tất cả đều như phát sốt lên vì phải gấp rút học thứ văn tự mới. Còn tôi vì đã biets từ trước nên có thể tha hồ đọc những tấm áp phích hay truyền đơn được dán la liệt trước mắt. Mỗi lần như vậy, trong tôi lại trào dâng cảm giác sung sướng đến kỳ lạ và niềm tự hào hãnh diện về bản thân. Niềm tự hào bởi một sự thật vô cùng hiển nhiên, đó là hiểu được văn tự của nước mình. Điều ấy đã gợi lên mối quan tâm về văn học nước nhà, lần đầu tiên nảy nở trong tôi” [5,237-238]. Việc được đọc nhiều tác phẩm kinh điển trong văn học thế giới và văn học Hàn Quốc bằng chữ Hán đã giúp cô mở rộng kiến thức, nhận thức và cảm xúc. Tài năng văn học cũng hình thành từ đó…. Tuy nhiên, người Nhật Bản chỉ áp dụng chính sách dùng tiếng Nhật trong nhà trường, còn nhân dân Hàn Quốc vẫn chỉ quen dùng tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Một vẻ đẹp của tác phẩm về mặt ngôn ngữ là rất nhiều lần tác giả dùng lời ăn tiếng nói của dân gian bằng cách dử dụng những thành ngữ, tục ngữ quen thuộc như: “Mười thằng ngồi ăn, chín thằng lăn đùng ra chết, thằng còn lại vẫn chẳng hề hay biết” [5,185], “Sự sung túc nào cũng có giới hạn của nó” [5,160], “Áo gấm hồi hương” [5,210], “Nàng dâu bé được ngồi chiếu hoa” [5,251],… Qua số phận của ngôn ngữ và chữ viết dân tộc, tác phẩm cũng đã phản ánh được phần nào bản chất và thực trạng của nền giáo dục đương thời trong điểm nhìn của người kể chuyện xưng “tôi” là cô bé Park-Wan-Suh. Hệ thống giáo dục quốc dân thời ấy được tổ chức theo mô hình giáo dục của Nhật Bản. Chương trình tiểu học từ 4 năm sẽ theo chương trình cải cách là 6 năm, sau đó sẽ thi vượt cấp để vào cấp trung học. Việc học kết hợp với tham quan dã ngoại, đi thư viện, lớp nữ sinh học riêng, kết đôi bạn học tập, lễ tốt nghiệp,.. là những kí ức khó quên của tuổi học trò. Tuy còn bé, Park-Wan-Suh cũng đã biết phản ứng lại với những cách dạy tiêu cực phản giáo dục trong nhà trường của cô giáo chỉ vì mục đích chạy theo thành tích, điểm số: “Vậy mà hình phạt của cô giáo dành cho chúng tôi thật kỳ quặc và hãi hùng hết chỗ nói. Lớp sáu có sáu lớp, trong đó có hai lớp hoc sinh nữ. Cô giáo liên tục khơi dậy ý thức cạnh tranh với các lớp khác, tất nhiên cũng vì mục đích nâng cao điểm số của lớp tôi. Bởi thế, chỉ cần sau kỳ thi đánh giá toàn quốc điểm của chúng tôi thấp hơn lớp đó một chút thôi, lức ấy không cần biết điểm số cá nhân thế nào, cả lớp đều bị phạt và cô giáo biết dùng hình phạt để chẳng phải động đến một ngón tay vẫn có thể trừng phạt chúng tôi một cách vô cùng nghiêm khắc. Đó là bắt từng cặp chúng tôi đứng đối diện nhau và tát vào má của nhau cho đến khi nào cô giáo bảo dừng lại mới thôi” [5,186-187]. Khi Nhật Bản lao vào cơn lốc chiến tranh, nhà trường do Nhật Bản quản lý cũng trở thành công xưởng, học sinh phải tham gia sản xuất đồ quân dụng nhiều hơn là học hành, thường xuyên phải diễn tập và báo động, với việc thành lập các hội nghị sinh viên trong các nhà trường sau giải phóng cũng có những tác động lớn đến cô học sinh trung học Park-Wan-Suh: “Ngày ấy, tôi chưa từng lần nào phát biểu ý kiến một cách rõ ràng ở hội học sinh, việc vỗ tay theo đa số cũng chỉ là việc bất đắc dĩ. Sau mỗi lần hồi tưởng lại, thời gian ấy vẫn được coi là giai đoạn mấu chốt của thời kỳ trưởng thành, bởi đó là thời điểm tôi bắt đầu nhìn nhận sự việc xung quanh bằng con mắt có chính kiến” [5,258]. 3.3 Sẽ là thiếu sót nếu không quan tâm đến những nét đẹp văn hóa truyền thống Hàn Quốc trên phương diện tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán như: nghi lễ thờ cúng, ma chay, cưới xin, sinh đẻ,… cùng nhiều hủ tục mê tín, lạc hậu và ngu dốt khác. Tôn giáo chưa phải là vấn đề mà Park-Wan-Suh phản ánh nhiều, vì toàn bộ tập hồi kí, tự truyện chỉ ghi lại chặn đường từ bé thơ đến khi cô ngoài hai mươi, đó không phải là lứa tuổi để suy tư về tôn giáo. Tuy vậy, thấp thoáng trong tác phẩm, ta cũng thấy được ảnh hưởng lâu đời của Phật giáo, sự du nhập của Công giáo và vấn đề cải tạo của buổi giao thời: “vốn là một người theo đạo Phật, nhưng lúc ấy mẹ tôi lại không đi chùa được, vì thế chiếc ti vi và sách vở đã trở thành nguồn giải trí duy nhất của mẹ tôi. Lúc đến ở nhà tôi, mẹ rất thích vì trong nhà có nhiều sách. Kể cả từ khi tôi gia nhập Công giáo, mẹ còn thích đọc cả những cuốn sách kinh điển, trong đó gồm nhiều câu chuyện giảng giải về Kinh thánh và nuôi dưỡng tinh thần tôn giáo. Nhiều lúc đọc xong, mẹ còn khen hay, thậm chí còn đem gối đầu giường và thỉnh thoảng lại lôi ra đọc lại. tháy thế, tôi đã đề nghị mẹ tôi cải đạo. Không chỉ mình tôi mà các cháu rể, cháu dâu đều đã theo Công giáo và những lúc như vậy lại chẳng thấy mẹ tôi phản đối, nên lúc đề nghị mẹ tôi cải đạo tôi thấy hơi muộn nữa. Thế nhưng, khác với dự đoán của tôi, khuôn mặt mẹ chợt biến sắc và trở nên khó chịu, mẹ đã mắng nhiếc tôi một cách thậm tệ. Đó quả là một cơn thịnh nộ sấm sét” [5,287-288]. Nhưng ngược lại, nhiều tín ngưỡng dân gian được tác giả quan tâm nên đọng mãi trong hồi ức. Đó là những chuyện truyền miệng về con ma vui tính nhồi phân nặn bánh teok trong nhà xí, chuyện dân gian lạy thờ thần núi đá Hòn Thiền, Hòn Huynh đệ, chuyện người ta tin rằng cất vỏ da rắn trong tủ quần áo sẽ trở nên giàu có, tục xem bói đầu năm ở nhà thầy tư tế gọi là Mudang, lễ an ủi linh hồn tường quân Choi Yegon đoản mệnh, tục cho đứa bé học trò ăn kẹo vào ngày thi để cầu may mắn, tục đến cầu xin ở điện thờ trước khi thi và tạ ơn sau khi thi đỗ, múc nước giếng trong trên mặt để dâng lên cầu xin thần linh, tổ tiên những điều tốt đẹp, may mắn,… Tác giả cũng mạnh dạn chỉ trích những cái ngu dốt, hủ lậu của đặc biệt là sự kém hiểu biết y học của người dân nông thôn thời đó như chữa bệnh chốc sài cho trẻ bằng cách đắp xác chuột chết dẫn đến dòi, bọ đầy đầu. Ám ảnh nhất là cái chết của bố Park-Wan-Suh về bệnh viêm ruột thừa do sự mê tín lạc hậu cổ hủ của ông bà nội và gia đình: “Trong số các anh em, bố tôi là người khỏe mạnh nhất và không bao giờ bị ốm vặt. Vậy mà, bỗng dưng một hôm, bố lại lăn ra đau quằn quại vì một cơn đau bụng, và trong khi ông nội còn đang tự chữa cho bố bằng một thứu thuốc nam nào đó, còn bà tôi thì đi đến nhà thầy cũng để cầu xin, thì bố tôi đã rơi vào trạng thái hấp hối sắp tắt thở”. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” do ảnh hưởng của Nho giáo vẫn còn ảnh hưởng rất nặng nề dù đã có nhiều đổi thay tích cực cũng được luận bàn. Ma chay, cưới xin, sinh đẻ với những nét phong tục truyền thống cũng đã được miêu tả đến từng chi tiết trong hồi ức của cô bé Park-Wan-Suh. Đám tang được kể lại chi tiết nhất là đám tang ông nội – người ông yêu quý nhất trên đời của cô bé Park – dành hẳn cho ông nội và bà nội một chương. Trong tâm hồn thơ dại của cô, đám tang ông nội là một kỉ niệm không bao giờ quên. Theo thông tục, lễ tang ở Hàn Quốc thường được cử hành vào các ngày lẻ: Thứ ba, thứ năm, thứ bảy hoặc thứ chín sau khi chết. Lễ tang của ông nội kéo dài trong năm ngày: “Người ở thôn Parkjeok và cả những làng biên cạnh mang cả con cháu tới và mọi vấn đề ăn ngủ của họ đều được tang gia thu xếp. Mọi người ai nấy đều xuýt xoa bảo người quá cố đúng là có phước, vì trong lúc tamg gia bối rối mà con cháu còn chu đáo cả những việc đó” [5,166]. Trong đám tang, tang chủ thường là con trai trưởng hoặc cháu đích thôn. Các vị khách khứa, họ hàng bạn bè thân hữu gần xa vái ba vái trước bàn thờ rồi ra chia buồn với tang chủ. Trong đám tang ông, anh trai Park-Wan-Suh là tang chủ vì cha cô đã mất và anh là cháu đích tôn. Và cũng theo phong tục thời đó thì con cháu và phụ nữ trong nhà chỉ được “bám lấy quan tài kêu khóc thảm thiết rồi lặng lẽ rút lui, chứ không đưa ra tận mộ” [5,167]. Đó là một đám tang lớn và theo đúng nghi lễ tang truyền thống lúc bấy giờ mà ngày nay đã được đơn giản hóa rất nhiều cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Đám cưới cũng là một nét đẹp văn hóa truyền thống trong tác phẩm. Đám cưới của anh trai trong hoàn cảnh chiến tranh và Park-Wan-Suh đang dưỡng bệnh nhưng cũng được cô kể lại một cách hào hứng. Theo phong tục, trước ngày cưới nhà gái phải đóng tủ áo quần mới cho cô dâu và gửi đến cho nhà trai. Đám cưới của anh trai được tổ chức theo kiểu mới của Seol và theo cả truyền thống ở thôn Parkjeok. “Đó là khoảng thời gian đầu hè năm 1945, thời gian khoảng hai tháng trước ngày giải phóng, lúc mà mọi thứ đều trở nên vô cùng khốn khó. Vậy mà nhà tôi vẫn cho mời người trang điểm nổi tiếng ở Gaeseong về trang điểm cho cô dâu theo đúng kiểu truyền thống của Gaeseong. Chị dâu đội mũ miện nhỏ trên đầu, xinh đẹp đến mức ai cũng phải nín thở. Làn da trắng mịn màng với màu son hồng thắm trên đôi môi và đôi gò má ấy đã làm lu mờ cả vẻ lộng lẫy của chiếc mũ miện. Anh tôi hân hoan sung sướng, miệng không lúc nào ngậm lại được, hẳn anh tôi rTất hãnh diện về cô dâu với họ hàng khách khứa, và cũng đang tự hào về phong tục Gaeseong với cả cô dâu và nhà gái. Còn tôi, tận mãi sau đó tôi cũng không thể não quên được ấn tượng sửng sốt khi trông thấy hình ảnh chị dâu đội chiếc mũ miện tren đầu ngày hôm ấy. Sau này, khi viết cuốn “Chưa thể quên” trong đó có cảnh lễ cưới truyền thống của nhân vật nữ chính tôi vẫn mượn hình ảnh ấy, đám cưới xong, hai vợ chồng trẻ về lại mặt nhà gái rồi mới về ngôi nhà ở phường Namsan-dong” [5,222-223] Nét đẹp nhân văn trong truyền thống Hàn Quốc còn thể hiện trong phong tục chào đón em bé ra đời và chăm sóc cho sản phụ. Ngày dứa bé con của chú thím thứ chào đời cũng là một ngày vui và trọng đại trong gia đình.Ở nông thôn, phụ nữ thường sinh đẻ ngay tại nhà. Theo phong tục truyền thống của người Hàn Quốc, khi trong nhà có em bé mới sinh, người ta sẽ treo trước nhà một sợi dây thừng, trên đó tết những ớt (nếu là bé trai) hoặc những miếng than hoa (nếu là bé gái) với ý nghĩa mong muốn cho em bé khỏe mạnh, sống lâu. Còn ở vùng quê Parkjeok lại có nét đẹp riêng: “Ông tôi cũng vui lắm, ông thêm chữ seo bên cạnh chữ myeong ( có nghĩa là “sáng”) và đặt tên cho em bé là Myeong seo, rồi tận tay run run viết mấy chữ “ Sản hậu kỵ bất tịnh” dán lên cửa lớn. ở quê tôi, thay vì treo sợi dây thừng, người ta thường dán bùa lên những nhà vừa mới có em bé được sinh ra” [5, 127] 4. Sức hấp dẫn của tác phẩm có thể được cảm nhận trên nhiều phương diện, với nhiều góc nhìn của người đọc. Để chuyển tải thành công những giá trị văn hóa truyền thống đầy bản sắc của dân tộc qua những hồi ức về một thời thơ ấu, có lẽ ta không thể không nói đến những sáng tạo nghệ thuật trong tác phẩm. Tác giả đã thành công khi lựa chọn hình thức tiểu thuyết tự truyện với cái tôi tự thuật đóng vai trò kép, vừa là người kể chuyện nhân chứng xưng “tôi” vừa là nhân vật chính của câu chuyện. Đứng ở thì hiện tại, khi đã là một nữ nhà văn đứng tuổi, nhân vật xưng “tôi” kể bằng hồi ức, trong quy chiếu điểm nhìn của một bé gái hồn nhiên, ngây thơ và nhạy cảm, tạo nên sự chuyển động điểm nhìn theo thời gian, trôi chảy theo dòng đời. Tác phẩm có kết cấu chặt chẽ, tuyến tính gồm 12 chương liên tiếp theo cấu trúc thời gian hiện thực đan xen thời gian tâm trạng, các sự kiện quan trọng trong số phận cá nhân gắn kết với sự kiện của cộng đồng, dân tộc khiến tác phẩm nhiều khi thoát khỏi một tự truyện nhỏ bé mà mang âm hưởng sử thi, phản chiếu một chặng đường bi thương trong lịch sử dân tộc. Đi từ không gian làng quê bé nhỏ, gần gũi, nghèo nàn đến không gian Seuol rộng lớn, xa xôi, hiện đại, từ không gia gia đình đến không gia xã hội, từ không gian đời tư đến không gian cộng đồng,… tác phẩm đã bao quát một không gian hiện thực rộng lớn của đất nước và thời đại với tất cả vui buồn thời cuộc. Con người ta có bao nhiêu trạng thái tâm lý, xúc cảm trước hiện thực thì hầu như tác phẩm của Park-Wan-Suh có bấy nhiêu giọng điệu mà nổi bật là giọng hoài niệm, giọng hồn nhiên, giọng vui tươi, giọng tiếc nuối, giọng xót xa, giọng âu lo, giọng cảm thương, giọng hào hùng, giọng triết lý,… có lẽ thú vị nhất là giọng dí dỏm, hóm hỉnh vừa hòn nhiên ngây thơ, vừa sâu sắc tinh tế, mẫn cảm một cách đầy cá tính. * Chúng ta đang ở trong thời đại của sự hội nhập toàn cầu, cùng đồng nghĩa là thời đại khám phá và đề cao vẻ đẹp bản sắc văn hóa dân tộc. Quan hệ hai nước Việt – Hàn ngày càng phát triển và gắn bó trên nhiều lãnh vực. Hiểu biết sâu sắc về văn hóa của nhau là cơ sở nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị bền vững của hai đất nước. Trên tinh thần như vậy, chúng tôi đã tìm đến và bị chinh phục bởi vẻ đẹp văn hóa truyền thống Triều Tiên quan tác phẩm Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy?. Tác phẩm đã góp phần tích cực đưa văn hóa Hàn ở phương Bắc xa xôi đến với văn hóa Việt ở phương Nam ấm áp. Thật thú vị và cảm động khi nhận ra rằng bên cạnh những nét đẹp riêng ít nhiều khác biệt, thì văn hóa hai dân tộc Việt -Hàn lại có rất nhiều nét đẹp tương đồng, khiến những khoảng cách địa lý đã bị xóa nhòa để cho hai dân tộc ngày càng xích lại gần nhau hơn trong ngôi nhà chung Đông Á.
(ThS.  Hoàng Thị Xuân Vinh)
Tài liệu tham khảo:

1. Lại Nguyên Ân (2003), Văn học Hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lý thuyết, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông – Tây, Hà Nội.
2. Lê Bá Hán (chủ biên) (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Phan Thị Thu Hiền (2013), Giảng dạy văn học nước ngoài trong trường phổ thông thời hội nhập Toàn cầu: Văn chương trong quan hệ với văn hóa, Kỉ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trương phổ thông Việt Nam – Bộ Giáo dục và Đào tạo – Đại học Sư phạm Huế.
4. Komisook – Jungmin – Jung Byung, Sul – Jeon Hye Kyung và Lý Xuân Chung dịch (2006), Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỉ XIX, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Park-Wan-Suh, Nguyễn Lệ Thu dịch (2012), Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy?, Nxb Trẻ, Tp HCM.
6. Trần Đình Sử (2005), Dấu ấn thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội
7. Nguyễn Như Ý (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, tp HCM
8. http://www.baocantho.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *