Văn học địa phương là những sáng tác văn học của các tác giả trong một khu vực địa lý cụ thể. Nó phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư ở một địa bàn cư trú nhất định và mang bản sắc riêng, độc đáo có tính chất đặc thù của vùng, miền, địa phương đó.
Môn Văn học địa phương đã được đưa vào giảng dạy ở cấp trung học cơ sở trong hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta những năm gần đây nhưng chưa được chú trọng nhiều. Thời gian theo phân phối chương trình còn hạn chế và phần lớn chưa được thiết kế, giảng dạy một cách bài bản mà còn mang nhiều tính tự phát. Tài liệu học tập thì khan hiếm, ít ỏi và chưa được cập nhật. Tài liệu tham khảo hầu như không có đối với cả người dạy và người học. Điều này cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho thầy và trò trong việc dạy và học văn học địa phương.
Tuy nhiên thách thức lớn hơn nữa là chúng ta cần tiếp cận và giảng dạy văn học địa phương như thế nào để đạt hiệu quả tốt. Đây cũng là vấn đề quan trọng cần được quan tâm để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục một cách toàn diện và hiệu quả.
Xuất phát từ thực tế văn học địa phương ảnh hưởng tính chất vùng miền, mang nét đặc thù, nên theo chúng tôi khi giảng dạy văn học địa phương chúng ta cần chú ý tích hợp yếu tố văn hóa bản địa để người học có thể cảm nhận rõ những nét riêng có tính đặc thù ở địa phương được thể hiện trong văn học. Đó có thể là các yếu tố về văn hóa lịch sử, văn hóa tộc người phản ánh đời sống và tâm hồn của cư dân bản địa. Tiếp cận và giảng dạy văn học địa phương Cao Bằng thời kì hiện đại, chúng ta cần chú ý đây là một tỉnh biên giới thuộc khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam, nơi hội tụ nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đây có bề dầy về lịch sử, tộc người với những dấu tích độc đáo. Đặc biệt văn học Cao Bằng khá phong phú và đa dạng thể hiện rõ dấu ấn văn hóa của cư dân địa phương.
1. Tích hợp yếu tố văn hóa lịch sử trong dạy học văn học địa phương Cao Bằng
Đến với “nước non Cao Bằng” là hành hương về nguồn cội, trở về cái nôi của cách mạng Việt Nam. Nơi đây là vùng đất ghi dấu nhiều chiến tích của cộng đồng các dân tộc thiểu số qua chiều dài lịch sử xây dựng và gìn giữ vùng đất này.
Theo truyền thuyết dân tộc Tày, thế kỷ thứ III trước công nguyên, Cao Bằng là địa phận của nước Nam Cường, gắn liền với sự hình thành các bộ lạc Tày cổ của cư dân Tây Âu và đặt kinh đô ở Hòa An. Thục Phán sau khi đánh bại các đối thủ đã lập nên nước Âu Lạc, lên ngôi vua lấy tên là An Dương Vương và dời đô về Cổ Loa. Thế kỷ XI, vùng đất này trở thành trung tâm của quốc gia tự trị Đại Nam với các thủ lĩnh Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao. Đến cuối thế kỷ XVI, khi nhà Mạc thất thế đã chạy lên miền núi, thiết lập tại Cao Bằng một vương triều riêng chống chọi với nhà Lê trong gần 100 năm. Từ 1886, Pháp đánh chiếm Cao Bằng, chiếm các châu, bản, giết người cướp bóc khiến cho phong trào chống Pháp diễn ra mạnh mẽ ở Cao Bằng.
Năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng chọn mảnh đất Cao Bằng là nơi đầu tiên người trở về sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước. Cột mốc 108 là chứng tích lịch sử ngày Bác trở về, “đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất Pác Bó, nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, có quần chúng nhân dân đã được giác ngộ, kiên cường đấu tranh, trung thành với Đảng, với cách mạng, có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cách mạng”(2)… Tất cả đều được lưu giữ qua những dấu ấn lịch sử thiêng liêng gắn liền với các địa danh: lán Khuổi Nậm, hang Pác Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác… được ghi lại qua hệ thống các di tích phong phú như: đền Xuân Lĩnh, thành Nà Lữ, chùa Viên Minh, đồn Phai Khắt, đền Kì Sầm, Pháo Đài, Phja Đén… Nay còn có thêm khu di tích mộ Kim Đồng, tượng đài Bác Hồ, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc…
Chính vì vậy, khi dạy văn học địa phương Cao Bằng, chúng ta cần chú ý chọn lọc đưa những thông tin về văn hóa lịch sử bản địa để thế hệ trẻ nắm bắt và tự hào về những dấu ấn lịch sử đậm tính văn hóa đã từng diễn ra trên quê hương mình.
Có thể thấy, những hiện thực lịch sử của Cao Bằng dù chưa đầy đủ nhưng đã được tái hiện trong các tác phẩm kí, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca của các nhà văn Cao Bằng. Các tác phẩm đậm tính lịch sử như: Đời người Dao, Hồi kí khu Quang Trung của Bàn Tài Đoàn, các tiểu thuyết Cuộc chiến vì ngày mai của Triều Ân, Mặt trời Pác Bó, Giải phóng của Hoàng Quảng Uyên… đã tái hiện một thời kì lịch sử oai hùng của quân và dân Cao Bằng trong những năm tháng gắn bó với Bác và cơ quan trung ương của Đảng. Bạn đọc bắt gặp những nhân vật lịch sử đậm chất đời thường trong những trang văn của các tác giả thật gần gũi và sinh động. Đó là những đảng viên ưu tú, những chiến sĩ mẫu mực, người con của đất Cao Bằng thời kì đầu gây dựng cơ sở cách mạng như Thân Văn Lư, Hoàng Đình Giong, Đặng Tùng… (Cuộc chiến vì ngày mai). Hình ảnh ông Ké (Bác Hồ) – như một mặt trời của Pác Bó – mộc mạc bình dị ở đời thường nhưng rất kiên cường và khảng khái trong đấu tranh với giặc, vượt qua nhiều thử thách cam go để vạch lối chỉ đường cho cách mạng thành công (Mặt trời Pác Bó, Giải phóng). Hoàng Quảng Uyên đã “tôn trọng tối đa tính xác thực của lịch sử và hư cấu có hạn chế trong phạm vi cho phép để tái hiện sự thật lịch sử chủ yếu theo kinh nghiệm cộng đồng”(3).
Thơ ca cũng phản ánh hiện thực về một thời đói khổ của đồng bào trong những năm giặc giã hoành hành và hạnh phúc ngập tràn khi có Đảng và cụ Hồ cho cuộc đời đổi thay (Muối của cụ Hồ – Bàn Tài Đoàn). Hình ảnh quê hương Cao Bằng đổi thay trong nắng mới của cách mạng cho thấy niềm vui sướng hạnh phúc của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây (Xuân về trên núi – Bàn Tài Đoàn, Tung còn và suối đàn, Nắng ngàn – Triều Ân…)
Trong sáng tác của những người con quê hương Cao Bằng, các địa danh của tỉnh được đề cập đến khá nhiều đã phần nào thể hiện rõ lòng yêu quê hương mang một dấu ấn riêng đầy tự hào về vùng đất Cao Bằng. Bạn đọc có thể bắt gặp trong sáng tác của Y Phương, Cao Duy Sơn những vùng đất Mục Mã, Cô Sầu, Phja Đán… Vi Hồng với sông Nặm Khao, mường Khoang Đông, thác Chín Thoong…Triệu Lam Châu với núi Khau Mi, nguồn Khuổi Phước, suối Bó Toóng, mường Nà Sáng… Tất cả đã trở thành những ám ảnh gợi về một miền núi xa xôi nhưng đầy thương nhớ của mảnh đất Cao Bằng – miền biên viễn của Tổ quốc.
2. Tích hợp yếu tố văn hóa tộc người trong dạy học văn học địa phương Cao Bằng
Cao Bằng là nơi hội tụ nhiều dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc. Ngoài người Kinh, chúng ta có thể kể đến các thành viên tiêu biểu như: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay, Hmông… Trong đó dân tộc Tày chiếm 41%, Nùng: 31,1%, Dao 10,1%, Hmông 10,1%, Sán Chay: 1,4%… Với sự cộng cư của nhiều dân tộc thiểu số nên Cao Bằng đã hội tụ nhiều bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số rất đa dạng và sinh động. Các dân tộc thiểu số Cao Bằng đã gắn bó với nhau cùng xây dựng Cao Bằng tươi đẹp và giàu bản sắc bằng tinh thần yêu nước và sự gắn kết cộng đồng qua hàng ngàn năm lịch sử. Dân tộc Tày chiếm số lượng nhiều hơn cả trong các dân tộc thiểu số tại Cao Bằng nên nơi đây có nhiều lễ hội đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa Tày như lễ hội Lồng Tổng, lễ hội Nàng Hai, lễ Thanh Minh…. Nhiều làn điệu dân ca dân gian của dân tộc Tày vẫn được lưu truyền và phát triển như hát then, hát sli, lượn, múa slương, múa chầu với các nhạc cụ tiêu biểu như đàn tính, đàn nhị, bộ xóc đồng lục lạc…Ngoài chủ nhân chính là người Tày thì các dân tộc khác như Dao, Hmông cũng góp mặt với những lễ hội nhiều sắc màu như: lễ cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc, lễ hội Pụt Tồng, lễ hội nhảy lửa (dân tộc Dao), lễ Gầu Tào, Nào Sồng (dân tộc Hmông)… Những nhạc cụ của họ rất đặc biệt như kèn pí lè, trống, chuông của người Dao, khèn, sáo, kèn lá, kèn môi… của người Hmông. Tất cả đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đây cũng chính là cội nguồn góp phần hình thành, phát triển và tạo nên tính đa dạng trong văn học hiện đại Cao Bằng.
Khi dạy văn học địa phương Cao Bằng chúng ta cần chú trọng gợi nhắc các yếu tố đa dạng văn hóa trong cộng đồng cư dân nơi đây. Điều đó tạo nên niềm tự hào và sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em ở Cao Bằng.
Trước hết, chúng ta có thể kể đến nhà thơ dân tộc Dao Bàn Tài Đoàn với các tác phẩm như: Đời người Dao (1958), Muối cụ Hồ (1960), Xuân về trên núi (1963), Có mắt thấy đường đi (1964), Một giấc mơ (1965), Kể chuyện đời (1968). Sáng tác của Bàn Tài Đoàn như lời thủ thỉ kể về thân phận của đồng bào Dao trong những năm tháng tủi nhục của cảnh mất tự do. Cách mạng đến, nhờ có Đảng và Bác, dân tộc Dao đã thoát khỏi cuộc đời nô lệ, làm chủ cuộc sống của chính mình. Tác giả Hoàng Triều Ân cũng góp tiếng nói khẳng định sự đổi đời của những người con dân tộc Tày qua các tập thơ: Tung còn và suối đàn, Kin Mác, Nắng ngàn… Nhà văn Vi Hồng cũng bước đầu góp mặt với những truyện ngắn đầu tiên: Ngôi sao đỏ trên đỉnh núi Phja Hoàng (1959), Cây su su noọng Ỷ (1962), Cọn nước Eng Nhàn (1970). Văn học đã ca ngợi công lao của Đảng, Bác Hồ đã đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ bị lệ thuộc trở thành những chủ nhân của đất nước độc lập, tự do và thể hiện rõ lòng tự hào về sự đổi đời của quê hương hay ý chí vươn lên làm chủ cuộc sống mới của người dân miền núi.
Bên cạnh đó, văn học Cao Bằng cũng tập trung phản ánh cuộc sống, con người, những phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số sinh sống nơi vùng núi cao biên giới. Những hiện thực về cuộc sống của người vùng cao với tất cả những gam màu sáng, tối đều được đề cập đến rất chân thực và phong phú trong các tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, tản văn của Triều Ân, Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Y Phương, Hữu Tiến, Đoàn Lư… Thơ của Đàm Hải Yến, Bế Phương Mai, Chu Văn Thắng, Hàn Thanh Duy… giúp dòng chảy văn học Cao Bằng không ngừng được bồi đắp, phát triển, thể hiện rõ lòng yêu quê hương, đất nước, khát vọng vươn lên và sự tự hào về bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc mình.
Trong số những tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại Cao Bằng thì có đến 80% các tác giả là dân tộc Tày. Cao Bằng được coi là thủ phủ của văn hóa Tày. Không ít người dân tộc khác đến đây sinh sống cũng bị văn hóa Tày “đồng hóa” mang bản sắc của dân tộc Tày. Chính vì vậy văn hóa văn học Tày ở đây mang đặc trưng riêng thể hiện rõ sự tiếp biến, giao lưu và hội nhập văn hóa với dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Khi dạy văn học địa phương Cao Bằng chúng ta cũng cần chú ý đặc trưng văn hóa này: bản sắc văn hóa dân tộc Tày thấm đẫm trong các sáng tác của các tác giả Tày Cao Bằng. Điều này tạo ra nét đặc trưng riêng của văn học Cao Bằng cũng như cho thấy đóng góp của các tác giả Cao Bằng đối với văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.
Trong hầu hết các sáng tác của các tác giả như: Triều Ân, Y Phương, Hữu Tiến, Đoàn Ngọc Minh, Đàm Hải Yến… Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Hoàng Quảng Uyên, Bế Thành Long… đều mang đậm dấu ấn văn hóa Tày. Điều này được thể hiện qua việc tái hiện những phong tục tập quán sinh động, phong phú, đặc trưng, thể hiện thế giới tâm hồn con người mang vẻ đẹp riêng. Chẳng hạn dấu ấn văn hóa Tày trong sáng tác của Y Phương không chỉ thể hiện ở việc miêu tả về cảnh lễ tết, hội hè hay cách ẩm thực của người Tày mà còn được bộc lộ trong ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu và lối tư duy riêng. Chất sơn thẫm màu trong hầu hết các truyện ngắn của Cao Duy Sơn là những con người nhân ái giầu tình yêu thương, thuỷ chung, bỏ qua mọi hận thù đau khổ để sống có nghĩa có tình. Họ lấy ân để trả oán, không biết hận thù hoặc hận thù sẽ được giải toả như một chân lý tất yếu của muôn đời. Đó là những con người tiêu biểu cho tâm hồn dân tộc Tày, sống bằng tình yêu thương và sự vị tha đầy bao dung.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú ý tới những công trình nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa, văn học dân gian Tày và văn học chữ Nôm Tày. Các công trình này đã gián tiếp cho chúng ta thấy sự phong phú của đời sống tinh thần cùng bản sắc văn hóa dân tộc Tày đồng thời mang đến những đóng góp riêng cho đời sống văn học Cao Bằng. Chúng ta có thể kể đến những tác phẩm giới thiệu về các làn điệu dân ca truyền thống của người Tày như: Sli, lượn dân ca trữ tình Tày – Nùng (1975) của Vi Hồng; Ca dao Tày Nùng (1994), Then Tày những khúc hát (1998) của Triều Ân, Lượn Nàng ới của Triệu Thị Mai. Những công trình sưu tầm về những thể loại văn học dân gian truyền thống Tày như: Khảm hải (1991), Truyện cổ dân tộc Tày (1993) của Vi Hồng, Từ điển thành ngữ, tục ngữ dân tộc Tày (1996) của Triều Ân, Nàng tiên Trứng, Hòn đá thần kì của Triệu Thị Mai.
Ngoài ra các tác giả cũng rất quan tâm đến đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc Tày qua các công trình khảo cứu: Lễ cầu tự của người Tày Cao Bằng (Triệu Thị Mai), Thì thầm dân ca nghi lễ (Vi Hồng), Tục cưới xin của người Tày, Lễ hội Hằng Nga (Triều Ân). Đặc biệt một loạt công trình nghiên cứu về chữ Nôm Tày, truyện thơ Nôm Tày và văn học chữ Hán dân tộc Tày của nhà “Tày học” Triều Ân đã khẳng định những đóng góp quan trọng của văn học Tày thời kì trung đại cho văn học nước nhà. Đó là những tác phẩm như: Từ điển chữ Nôm Tày (2002), Chữ Nôm Tày và truyện thơ (2003), Ba áng thơ Nôm Tày và thể loại (2004), Văn học chữ Hán dân tộc Tày (2006).
Nhìn chung, có thể thấy để hiểu sâu hơn về văn hóa Tày nói chung và văn học Tày nói riêng, chúng ta cần đặt đối tượng “trong cái nhìn đối sánh để tìm ra những ảnh hưởng và khu biệt về bản sắc, đặt trong không gian văn hóa đặc thù, đặc trưng để chỉ ra những đặc điểm cụ thể sẽ hứa hẹn nhiều khám phá có giá trị”(4).
*
Tìm hiểu văn học hiện đại Cao Bằng trên cơ sở những yếu tố văn hóa bản địa sẽ giúp chúng ta tiếp cận được những vấn đề mang nét đặc trưng của văn học địa phương Cao Bằng. Từ đây có những định hướng thiết thực cho người học nhận thức và hiểu hơn về những truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất quê hương mình. Qua những hiểu biết về bản sắc văn hóa cộng đồng bản địa khơi dậy lòng tự hào, ý thức xây dựng, gìn giữ bản làng, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cội nguồn của cái nôi cách mạng, nơi đã ghi lại nhiều dấu tích lịch sử quan trọng của Đảng và nhân dân ta trong những năm tháng chống ngoại xâm oanh liệt, đặc biệt là những dấu ấn lịch sử oai hùng của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng với vị lãnh tụ kính yêu. Đây là những dấu tích lịch sử văn hóa quan trọng để lại dấu ấn sâu đậm trong văn chương địa phương Cao Bằng.
———————
(1) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể, (Dự thảo), (tháng 12/2016), Hà Nội, tr.6.
(2) Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Cao Bằng (1995), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, tập 1, giai đoạn 1930 -1945, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cao Bằng, tr.76, 77.
(3) Trần Thị Việt Trung – Nguyễn Đức Hạnh (2014), (Đồng chủ biên), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam truyền thống và hiện đại, NXB Đại học Thái Nguyên, tr.358.
(4) Cao Thị Hảo, “Mở rộng nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại – trường hợp văn học Tày”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 11 (525) (tháng 11/2015), tr.89.
———————-
Bài viết đăng Kỉ yếu Hội thảo khoa Ngữ văn 2017
PGS.TS. Cao Thị Hảo
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên