Lê Thanh Huyền1
Hoàng Thị Thùy Dương2
Tóm tắt: Trong bài tham luận này, chúng tôi nghiên cứu vấn đề giới trong văn học nói chung và việc tích hợp giáo dục giới tính trong dạy học văn học nói riêng, cụ thể với tác phẩm của Hồ Xuân Hương trong chương trình dạy học ở phổ thông. Nội dung nghiên cứu tập trung ở các phương diện: (1) giới thiệu các nghiên cứu về giới của những nhà nghiên cứu nổi tiếng để khái quát về vấn đề giới nói chung và sự biểu hiện trong văn học nói riêng; (2) đi sâu phân tích tính giới (tính nữ và nữ quyền) trong thơ của Hồ Xuân Hương; (3) tìm hiểu từ cả lí luận và thực tiễn về vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh và đề xuất một số giải pháp phù hợp với bản chất văn chương cũng như nguyên tắc của giáo dục.
Từ khóa: giới tính, Hồ Xuân Hương, thơ, phổ thông
Ở thế kỷ XIX, Freud đã ghi danh mình vào nền khoa học thế giới với những học thuyết mang tính đột phá về con người. Trong đó “siêu thăng” là từ mà nhiều nhà nghiên cứu văn học quan tâm. “Ông cho rằng cái bản năng không thể bị chèn ép mãi nên nó tìm cách thoát ra. Do đó nó phải biến dạng bằng một hình thức nào đó, gọi là cơ chế biến dạng. Bệnh tâm thần, bệnh nói lắp, nói nhịu là hình thức biến dạng của cái tôi bị chèn ép. Trong trường hợp nó không thoát lên được thì nó siêu thăng. Chẳng hạn như trường hợp của danh họa Leonađơ Vanhxi – ông là một nhà hội họa kiệt xuất đã biến cái say mê tình dục thành say mê nghệ thuật” [9, tr.56]. Qua đây, Freud đã tạo nên một sự gắn kết tự nhiên và khăng khít của phân tâm học và văn học mà trong đó tính dục – bản năng của con người chính là một nhân tố quan trọng. Song trong “Vô thức trong văn học”, Nguyễn Hữu Tấn nhận định rằng Freud đã quá đề cao vai trò của tính dục và sự dồn nén tính dục. Đây cũng là điều mà nhiều nhà khoa học trong và sau thời của Freud trăn trở. Dù từng là học trò của Freud, song Jung lại phát triển học thuyết của ông theo một hướng khác. Trong đó, vô thức của con người không hoàn toàn chỉ có libido mà còn đan xen cả ý thức, cả lí trí. Bởi vậy, về mối tương quan giữa văn học nghệ thuật và tâm lý học, G. Jung cho rằng “Khi nói về quan điểm của tâm lý học với nghệ thuật, chúng ta chỉ động chạm tới cái phần của nghệ thuật mà về nguyên tắc có thể dễ áp dụng được cách phân tích tâm lý học; dù cho kho phân tích nghệ thuật, tâm lý học có thể rút ra cái gì đi nữa thì tất cả giới hạn của quá trình tâm lý của hoạt động nghệ thuật, chứ không động chạm đến những tầng sâu kín của nghệ thuật: chạm đến chúng là điều không thể đối với tâm lý học, giống như lý trí muốn tái hiện hay dù chỉ là nắm bắt bản chất của tình cảm”. Đóng góp lớn nhất của G. Jung trong học thuyết này có lẽ là việc ông đề cập đến “mặc cảm tự trị” và “vô thức tập thể” trong việc tiếp nhận tác phẩm văn học. Mặc cảm tự trị là thuật ngữ “dùng để gọi mọi thành tạo tâm lý thoạt đầu phát triển hoàn toàn vô thức và thâm nhập vào ý thức chỉ khi chúng ta đã đủ sức mạnh để vượt qua ngưỡng của nó.”. Chìa khóa để mở ra vấn đề chính là “có thể đưa hình tượng được triển khai trong tác phẩm nghệ thuật này đến nguyên sơ tượng (tức siêu mẫu – ĐLT) nào của cái vô thức tập thể?” trong những trường hợp tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng. Các tác phẩm của Hồ Xuân Hương có sự xuất hiện với mật độ lớn của các tín hiệu phồn thực. Riêng chúng tôi nhận thấy việc sáng tạo văn học chính là quá trình hòa quyện giữa ý thức và phi ý thức, giữa tình dục và cái gì đó đằng sau tình dục. Cái gì đó ấy là những mảng sâu kín mà chỉ những nhà văn, nhà thơ, bằng sự nhạy cảm sâu xa của mình, mới vén màn lên được. Nhưng sự vén màn ấy rõ mà mờ, thực mà ảo, có sức gợi rất cao. Trong tham luận này, chúng tôi tập trung nhìn nhận vấn đề từ góc độ của thiên tính nữ – của một Hồ Xuân Hương đầy nữ tính và nữ quyền.
1. “Thanh” và “tục” đã đủ để nói về thơ Hồ Xuân Hương?
Loài người đã bắt đầu lịch sử của mình bằng chế độ mẫu hệ, nhưng lại nhanh chóng chuyển sang sự xác lập và giành thế mạnh của nam quyền. Điều này được thể hiện rất rõ trong những kinh thánh, thần thoại và trong các tác phẩm nghệ thuật. “Cửa mình” vốn là một từ tương đồng với sự sống, song cửa mình phải phụ thuộc vào sự gieo giống của đàn ông. Và, từ khi xuất hiện văn tự, đàn ông được trao cho cái quyền định đoạt tuyệt đối. Tuy nhiên tính giới trong văn học chưa bao giờ đứng yên một chỗ, nó như một cơ thể sống luôn cử động, luôn phát triển và tự khẳng định mình. Nó chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhiều yếu tố như xã hội, văn hóa và tâm lý: “vấn đề giới tính là một vấn đề phức tạp. Nó gắn liền với ý thức hệ, chính trị, tôn giáo, được thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ và văn học”3, vì vậy khi phân tích một tác phẩm để đạt được tính sâu rộng cần đặt nó không chỉ vào không gian bệnh học mà cả không gian văn hóa và không gian xã hội. Từ đó, ta có thể “Đọc cái bị che giấu từ cái “nói lên””. Cũng có ai đó đã từng nói về một tác phẩm nghệ thuật như sau: “Sau khi giật khỏi tác phẩm nghệ thuật tấm áo nghệ thuật lấp lánh, nó chỉ lấy ra cho mình một cái thường ngày trần trụi”. Jung đã khẳng định tác phẩm là một vật không mang tính cá nhân và vì thế cái cá nhân không phải là tiêu chí đối với nó. Và ý nghĩa đặc biệt của một tác phẩm nghệ thuật chân chính là ở chỗ “người ta có thể lôi được nó từ chốn chật chội và bí lối của lĩnh vực cá nhân ra khoảng không rộng lớn, bỏ mặc lại sau tất cả tính tạm thời và hữu hạn của một cái tính bị giới hạn”. Đây thực sự là một tư duy cảm thụ và nghiên cứu văn chương có thể áp dụng cho tất cả các tác phẩm văn học chân chính. Bởi văn chương chính là tiếng nói tâm hồn của con người, dù là hiện thực hay lãng mạn thì cũng không thể tách biệt ra khỏi cái mảnh đất đã sinh thành ra nó. Cái thường ngày trần trụi ấy, trong những bài thơ của Hồ Xuân Hương, không đơn thuần chỉ là thanh tục. Điều quan trọng nhất, chân thực nhất và cũng khốc liệt nhất chính là tiếng nói phía sau nét thanh nét tục ấy – tiếng nói nhẹ nhàng mà dứt khoát, thanh thoát nhưng cũng đầy xót xa của một nữ nhi.
Một tâm hồn nhạy cảm và trân trọng trong những bản năng giới tính
“Theo triết học tự nhiên cổ đại Đông phương, nhất là của Lão Tử, mọi vật trong vũ trụ đều có đặc tính riêng, thiên tính riêng của mình: bầu thì tròn, ống thì dài; con vịt chân ngắn, con le chân dài … Nếu mỗi vật được sống đúng với đặc điểm trời cho, được trở thành chính mình, thì nó được thỏa mãn và hạnh phúc”4.
Ở thời đại Hồ Xuân Hương do ảnh hưởng của tư tưởng thị dân, ý thức cá nhân đã nảy nở, tạo ra những cái nhìn vượt lên trên đám đông. “Trước đây, ở tín ngưỡng phồn thực, yếu tố tính dục tồn tại một cách tự phát nay đã trở thành có ý thức, có tính chất tự thân. Bởi vậy, người ta thấy thơ văn giai đoạn này có những yếu tố nhục cảm như trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều … Nhưng đặc biệt một cách có hệ thống chỉ có ở trong thơ Hồ Xuân Hương” [1, tr 15]. Thơ Hồ Xuân Hương là một hệ thống giăng mắc những tín hiệu phồn thực – những “vô thức tập thể”. Các biểu tượng phồn thực với bản thể đầu tiên của nó, được thờ cúng, mang những ý nghĩa khác nhau, và những ý nghĩa đó nằm bên ngoài sự khoái cảm mà việc thỏa mãn tình dục mang lại. Ở Ấn Độ, dương và âm vật được thờ cúng để mong đến sự sinh sôi, nảy nở, ở Trung Quốc lại mong đến một sức khỏe dẻo dai và sự trường sinh bất tử. Đến với Hồ Xuân Hương, cái phồn thực dường như được sống thật với chính bản chất của nó. Tuy nhiên, đó không chỉ là mong muốn, là khát khao được thỏa mãn. Đó còn là mong muốn được tôn trọng bản năng. Con người cần được sống tự do làm chính mình và trân trọng lẫn nhau, ngay từ những điều cơ bản nhất đó là dục tính. Đọc những câu thơ của Hồ Xuân Hương “ai cũng thấy cái khao khát của nhà thơ về một tình yêu vật chất, tình yêu thể xác. Những đừng vội nghĩ đến nói đến tình yêu thể xác, nói đến chuyện trong buồng kín của vợ chồng là dâm đãng”. Song “Nhu cầu về cuộc sống bản năng cũng là một nhu cầu chân chính của con người, xã hội phong kiến phủ nhận nó, nên con người mới phản ứng chống lại. Ở Hồ Xuân Hương có cái gì quá đà, nhưng đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến phương Đông chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, thì chính đó lại là một sự chống trả quyết liệt. Hồ Xuân Hương nói nhiều đến dục vọng thể xác, nhưng bà thể hiện những dục vọng ấy trong sáng tác một cách “lành mạnh và khỏe khoắn”1. Đọc thơ Hồ Xuân Hương, người ta thấy nhà thơ bao giờ cũng tỉnh táo, bà đứng cao hơn hiện tượng mình miêu tả; và với một tâm hồn nghệ sĩ thực sự, nhà thơ bao giờ cũng phát hiện được những khía cạnh thẩm mỹ trong đối tượng miêu tả của mình. Sáng tác của Hồ Xuân Hương là nghệ thuật chân chính, là “sáng tạo theo quy luật của cái đẹp”, nên nó không có gì giống, không thể so sánh với loại “sáng tác khiêu dâm”2. Theo nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn, và nhiều nhà nghiên cứu khác nhận xét, Hồ Xuân Hương “học rộng mà thuần thục” “vui mà không buông tuồng, buồn mà không đau thương, khốn mà không lo phiền, cùng mà không bức bách”. Nếu như trong hệ thống ngôn ngữ chung của nhân loại, sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ được thể hiện ở hệ thống các từ ngữ chỉ vật dành cho nữ giới, thì trong thơ Hồ Xuân Hương, tính dục cũng được biểu thị bởi những biểu tượng. Nó thông qua các bài thơ vịnh vật, vịnh cảnh, vịnh việc, vịnh người, cảm hoài, ứng đối. Nhưng khó ai có thể nói đó cũng là một cách thức biểu hiện của việc miệt thị giới tính. Bởi cái biểu tượng tạo cho thơ của nữ sĩ sự lấp lửng hai mặt, tạo nên những tác phẩm “để mực cho đời”. Bà thật thà nói lên những tâm sự thầm kín, những mong muốn mà theo phân tâm học, luôn hiện hữu và chi phối con người. Và những ý nghĩa sâu xa của nó, lại mang một triết lý về giới, một lời kêu gọi thiết tha cho bình đẳng giới.
Một tâm hồn nữ tính kiêu hãnh, đầy khát khao và nổi loạn
Nói về văn học phái tính nữ, trong bài viết “Người phụ nữ trong thơ Nôm” của Nguyễn Duy Hoàng đã khẳng định “Hồ Xuân Hương người kết tụ sự phản kháng, sự chống trả, có cả thắng thế và thất thế của người phụ nữ trong đối diện với quân quyền, nam quyền, và thần quyền, nhưng vẫn biết bao là ngọt ngào, là dịu mát, là đầy nữ tính”. Trong thơ ca Trung đại, “cái tôi của tác giả thường được giấu nhẹm đi”. Riêng Hồ Xuân Hương, lần đầu đã tự khẳng định cái tên của mình trong bài “Mời Trầu”. Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy viết “Hồ Xuân Hương đã vi phạm một loạt những điều cấm kị”. Trong đó, trái ngược với hình ảnh Hồ Xuân Hương gắn cùng niềm bi ai sầu khổ về số phận bảy nổi ba chìm, Đỗ Lai Thúy đã chỉ ra một Hồ Xuân Hương khác, một Xuân Hương mạnh mẽ tuyên chiến với trật tự xã hội cũ. Một khía cạnh vô cùng thú vị được ông khai thác, đó là hoài niệm phồn thực trong thơ bà. Sâu bên trong tiếng nói mạnh mẽ và dạn dĩ đó lại là một thuần nữ dịu dàng, khao khát tình yêu mặn nồng. Chẳng thế mà nhiều nhà phê bình gán cho bà cái danh người cách mạng. Hồ Xuân Hương nói nhiều đến cái tục, song cái tục của bà là cái tục lành mạnh, cái tục không buông tuồng, cái tục đầy kiêu hãnh. Cái tục ấy đứng trên tất cả. Dục tính với bà, phải gắn với tình yêu, với sự trân trọng và bình đẳng. Vấn đề bình đẳng giới được Hồ Xuân hương đề cập rất “sát sườn” với người phụ nữ. Trước hết, đó là tiếng nói đòi hỏi hạnh phúc cá nhân của người phụ nữ. Sau đó là sự ca ngợi vẻ đẹp thân thể người phụ nữ, nhất là những bộ phận gợi dục. Điều đó thể hiện sự phản ứng lại đối với thói đạo đức giả, thói khinh thường thân thể, coi xác thể là thấp kém của đạo đức Khổng giáo. Hồ Xuân Hương lên tiếng kêu gọi quyền bình đẳng với nam giới cả trong sự nghiệp lẫn trong hạnh phúc riêng tư, ý thức về vai trò của người phụ nữ, về tài năng của họ. Bà chế diễu tư tưởng trọng nam khinh nữ “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”, tư tưởng đa thê “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”. Thậm chí, giữa lòng xã hội nặng những định kiến hà khắc đối với người đàn bà chửa hoang, Hồ Xuân Hương vẫn dứt khoát và đầy tâm tình để đứng về phía họ và yêu cầu ở người đàn ông một phần trách nhiệm: “Cái tối trăm năm chàng chịu cả,/ Mảnh tình một khối thiếp xin mang,/ Quản bao miệng thế nhời chênh lệch,/Những kẻ không, mà có, mới ngoan”.
Cái chất đầy khao khát của nữ sĩ họ Hồ không chỉ ở nội dung bài thơ mà còn ở ngay chính hệ thống biểu tượng – cái biểu đạt. Bởi bên cạnh những biểu tượng gốc có sẵn trong vô thức tập thể, nhà thơ đã đưa vào những biểu tượng phái sinh – sáng tạo riêng của bà. Đó phải chăng là một cách cất mình bay lên khoảng không sáng tạo của nghệ thuật, bỏ mặc phía dưới lớp đất đá dày cỗi chôn vùi con người ngàn năm qua?
2. Những khó khăn trong giáo dục giới tính cho học sinh: Nguyên nhân và giải pháp
Truy nguyên để nhìn nhận và bàn luận
Chúng tôi bàn về những điều đã làm được và chưa làm được, về những vấn đề còn cố tình bị đánh thuốc để ngủ yên, và cách thức tỉnh chúng để khắc phục những tồn đọng trong giáo dục giới. Giáo dục giới tính là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục Quốc gia. Tuy nhiên, làm thế nào để làm tốt nội dung này trong giáo dục luôn là vấn đề nan giải. Hiện nay, các trường thường tổ chức giáo dục giới tính thông qua các giờ học sinh học, hoạt động ngoại khóa, qua các buổi tọa đàm, mời bác sĩ về tư vấn, hoặc gián tiếp thông qua các page của trường. Mới đây, tại trường Meri Curie đã diễn ra buổi giáo dục giới tính, thầy Thành Nam (giáo viên giáo dục giới tính) cho biết: “Chương trình trong dịp hè này nhằm mục đích trang bị cho các MCer những hiểu biết khoa học và thực tế nhất về cơ thể của mình, giúp các bạn biết bảo vệ bản thân và tôn trọng cơ thể người khác. Đồng thời, chương trình cũng định hướng cho những bạn muốn tìm hiểu về giới tính nên tìm đến những kênh thông tin chính thống phù hợp với tuổi teen như fanpage “Cửa sổ từ A-Z” hoặc Phòng tham vấn học đường MC7”. Những buồi tiếp xúc đầy chân tình và bổ ích ấy đã mang lại những hiệu quả tốt như: Học sinh ở các lứa tuổi đã có được những nhìn nhận thẳng thắn hơn về giới tính, về sức khỏe sinh sản và được cung cấp những kiến thức khoa học rõ ràng, chuẩn xác về việc phòng ngừa những hậu quả do thiếu hiểu biết về giới gây ra. Nhưng, mỗi chúng ta cũng không thể làm ngơ trước những con số biết nói. Trong tổng số 167.859 vụ bạo lực gia đình được phát hiện (2011-2015) có tới 74,24% nạn nhân là nữ giới (từ 16-59 tuổi), 11,14% nạn nhân là trẻ em. Và như vậy tức là bình quân mỗi năm lại xảy ra khoảng 31.500 vụ bạo lực gia đình; theo số liệu tổng hợp của Cục cảnh sát hình sự, bộ công an trong năm 2016 và 2017 có 28 tỉnh thành có từ 30 đến 110 trẻ em bị xâm hại tình dục 8 ; mỗi năm nước ta có khoảng 250.000 – 300.000 ca nạo phá thai được báo cáo chính thức, trong đó khoảng 20-30% ca của phụ nữ chưa kết hôn và từ 60-70% là sinh viên, học sinh (chủ yếu từ 15-19 tuổi). Nước ta đang đứng thứ năm thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai 9. Đây thực sự là một vấn đề đáng quan ngại của toàn xã hội, của từng gia đình, của mỗi em học sinh, đặc biệt là những em gái. Nguyên nhân của những thực trạng đáng buồn này là do đâu? Kết quả giám sát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của bạo lực gia đình và nạo phá thai là do bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong xã hội và trong từng gia đình, đồng thời nhận thức về pháp luật cũng như khoa học về giới của người dân còn thấp. Phòng hơn chữa. Và nói đến phòng tức là nói đến nhiệm vụ của giáo dục. Xét từ góc độ tâm lý, có thể thấy khi được học hoặc nghe những kiến thức về giới, thì đa số các em học sinh (chủ yếu trong độ tuổi dậy thì) vừa thấy tò mò, thích thú lại vừa thấy e ngại, xấu hổ. Vì vậy, các em không dành nhiều thời gian cho việc tiếp thu và làm theo chỉ dẫn mà lại dành thời gian để suy diễn đến những điều sâu xa hơn, để bàn tán hay tròng ghẹo lẫn nhau. Hơn nữa, tính rõ ràng, khách quan và tổng quát vừa là điểm mạnh song cũng chính là điểm yếu của kiến thức khoa học. Trong khi đó, vấn đề về giới còn phức tạp và biến hóa khôn lường, từ góc nhìn của tâm lý học và xã hội học. Vì vậy, sự rõ ràng của y học, thiên về những bệnh lý liên quan đến sản khoa, phụ khoa, chưa thể mang lại cho các em một sự tri nhận sâu sắc và đầy đủ về giới. Và thực tế ở nhiều nơi, bản chất những hoạt động giáo dục giới tính đôi khi còn mang tính chất hình thức chủ nghĩa, chưa thực sự nghiêm túc. Điều này tạo nên một lỗ hổng lớn để những tâm hồn non nớt và nhạy cảm của tuổi mới lớn đi qua mà không nghĩ rằng phía trước các em cần nó làm hành trang.
Văn học – con đường giáo dục đặc biệt tự nhiên và tinh tế
“Phạm Ngọc Hiển (2005) cho rằng mục tiêu cuối cùng của việc dạy học Ngữ văn ở bậc phổ thông là giúp cho học sinh có những kiến thức cơ bản về văn hóa, văn học, có khả năng cảm thụ và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật; có khả năng hiểu mình, hiểu người, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để chung sống, chung làm trong cộng đồng; có khả năng vận dụng những kiến thức và kĩ năng đã học ứng dụng vào cuộc sống và công việc” [22, tr.158]. Thật vậy, những đặc tính riêng biệt của văn chương giúp nó giữ một lợi thế đặc biệt trong việc giáo dục nhân cách người học. Chính nhà phân tâm học nổi tiếng Freud đã khẳng định “Các nhà thơ và các nhà tiểu thuyết là những đồng minh quý báu của chúng ta, và các bằng chứng của họ phải được đánh giá thật cao, bởi lẽ giữa lưng chừng thinh không họ biết được nhiều điều mà túi khôn bọc đường của chúng ta còn chưa dám mơ tới. Về kiến thức tâm lí, họ là bậc thầy của chúng ta, những kẻ tầm thường, bởi họ đã đắm mình trong những mạch nguồn nơi chúng ta còn chưa đưa khoa học lại gần được.” [20, tr.77]. Trong buổi lễ mừng thọ thất tuần, Sigmun Freud cũng đã phát biểu rằng: “Trước tôi, các thi sĩ và triết gia đã sớm phát hiện ra vô thức, còn tôi chẳng qua cũng chỉ khám phá ra những phương pháp khoa học để nghiên cứu vô thức mà thôi”.
Đây cũng chính là quá trình ta đi tìm ý nghĩa thực sự của một tác phẩm nghệ thuật, để rồi, người đọc sẽ còn nhận được nhiều hơn những gì họ kịp nghĩ. Vấn đề này cũng đã từng được đề cập trong cuốn “Phân tâm học và văn học nghệ thuật” như sau: “Ý nghĩa đặc biệt của một tác phẩm nghệ thuật chân chính là ở chỗ người ta có thể lôi được nó từ chốn chật chội và bí lối của lĩnh vực cá nhân ra khoảng không rộng lớn, bỏ mặc lại sau tất cả tính tạm thời và hữu hạn của một cá tính bị giới hạn” [20, tr.55]. Tuy nhiên, để cởi bỏ tấm áo choàng đỏ ấy có khi độc giả phải mất cả một thế hệ: “Chúng ta đều biết qua kinh nghiệm riêng là một nhà thơ nổi tiếng đã lâu đôi khi bỗng nhiên được phát hiện lại. Việc này diễn ra khi trong quá trình phát triển của mình ý thức chúng ta đạt tới một trình độ mới, từ tầm cao đó chúng ta bất ngờ bắt đầu nghe thấy điều mới mẻ trong những vần thơ của ông ta. Tất cả ngày từ đầu đã có sẵn trong tác phẩm của nhà thơ, nhưng là ở dạng biểu tượng ngầm mà chỉ có sự đổi mới tinh thần thời đại mới cho phép ta đọc thấy. Cần những cặp mắt khác lạ, mới mẻ ở đây, bởi vì những cặp mắt cũ chỉ có thể thấy cái đã quen thấy” [20, tr.63-64]. Nhưng khoan hãy bàn sâu đến việc thưởng thức, thấu hiểu tác phẩm bằng sự tri nhận mang tính bước ngoặt, mà sát hơn với thời cuộc, hãy để tác phẩm ấy sống với những giá trị của nó, những giá trị có giá trị lớn trong thời buổi lúc bấy giờ. Những học thuyết, nghiên cứu của các nhà khoa học đã đặt những nền viên gạch nền vững chắc và đa sắc để các thế hệ tiếp theo xây dựng nên những tòa lâu đài tráng lệ với những hành lang nối liền văn học và giới. Tính đến nay, mối quan hệ giữa giới và văn chương là đề tài được nhiều người quan tâm, khai thác và cũng đã có nhiều công trình tiêu biểu. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu như chúng ta không đề cập đến việc, liệu rằng những phát kiến ấy có ý nghĩa gì trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học? Liệu rằng có gì đó mang tính ứng dụng cao cho giáo dục và đào tạo khi mà văn học vốn là một bộ môn cố hữu và giữ chân chính trong chương trình, còn vấn đề về giới đang được quan tâm và đẩy mạnh giáo dục trong một thập kỷ trở lại? Mối liên hệ này, cùng với những đặc tính riêng của mỗi lĩnh vực, trong góc nhìn của giáo dục học, sẽ đưa ta đến những điều hữu ích hơn nữa. Thơ của Hồ Xuân Hương chính là đã đến lúc nên được nhìn nhận từ những nhiệm vụ rõ ràng ấy. Chính những sự định hướng và tri nhận ở trình độ mới, tâm thế mới ấy sẽ mang đến cho thế hệ trẻ những bài học quý giá. Nó sâu sắc và dễ thấm đượm vào tâm hồn các em hơn bất kỳ một kiến thức y khoa sơ cứng hay các buổi diễn thuyết về sức khỏe sinh sản chung chung. Và vấn đề chúng ta cần, không phải là điều chỉnh hành động, mà là gieo mầm ý thức. Đây chính là việc mà văn chương có thể làm rất tốt.
3. Từ tính giới đến việc giáo dục giới tính cho học sinh trong dạy học thơ Hồ Xuân Hương
“Hồ Xuân Hương chẳng những là một nhà đại thi hào mà còn là một nhà tư tưởng, đại cách mạng”10.
Tự tin và kiêu hãnh với thiên tính của mình
Sự kiêu hãnh làm nên giá trị của con người. Khi chúng ta biết kiêu hãnh, nghĩa là chúng ta biết trân trọng bản thân và nói không với những điều tác động tiêu cực đến mình. Phần lớn phụ nữ bị bạo hành là do thiếu đi sự kiêu hãnh cần có. Họ âm thầm cam chịu áp bức. Và vì thế, họ là người thua cuộc chiến với chính bản thể của mình. Ngay từ nhỏ, học sinh nữ cần được rèn luyện tính tự tin và kiêu hãnh để biết bảo vệ mình trước những nguy hại xung quanh. Từ đó, giáo dục các em biết khát đúng cách, biết yêu thương nhưng không buông tuồng, dễ dãi. Bản thân các bạn nam cũng cần ý thức được trách nhiệm thiên tính của mình để có những suy nghĩ hợp lý về giới. Mỗi giới đều tự tin và yêu thiên tính của mình thì nhất định sẽ có suy nghĩ và hành động bảo vệ, trân trọng cũng như giữ gìn sự thanh sạch của nó trong quá trình sống. Thơ Hồ Xuân Hương dù đứng từ góc nhìn của nữ giới, đứng về phía phụ nữ để nói lên tâm tư, tình cảm của mình, song cũng chính là lời nhắn gửi đến đấng quân tử về cách sống, cách ứng xử sao cho không thẹn với thiên tính. Đó chính là cơ sở để người giáo viên có thể giáo dục nhận thức cho tất cả học sinh về giới khi học thơ của bà.
Bình đẳng giới – sự giao hòa giữa giới nam và giới nữ
Theo Nguyễn Đăng Điệp trong “Quá trình khẳng định bản ngã của nữ giới”, “Khát vọng bình đẳng giới không đồng nghĩa với việc đòi hỏi thay đổi chức năng giới tính mà nhằm tạo một môi trường thuận lợi nhất để các giới thực hiện tốt nhất thiên chức của giới mình theo tinh thần hiện đại. Vậy nên, điều quan trọng để hình thành một nền văn học nữ tính thực sự là phải xây dựng được một thứ “văn học con người” siêu giới tính, có giới tính, nhưng không chỉ có giới tính, là văn học thoát thân từ “giàn hợp xướng đa thanh sắc”, bị che lấp song trùng của ngôn ngữ quyền lực và ngôn ngữ nam tính, thuộc văn hoá cá nhân hoá từ kết cấu đa nguyên hoá, là văn học thần thoại, từ bỏ việc “đi tìm đàn ông”, từ bỏ chỉ đơn thuần, duy nhất phê phán, lên án từ góc nhìn nam quyền, lấy việc xem xét lập trường giá trị con người bình đẳng, nhìn thẳng phản tỉnh nam giới và nữ giới, nhận xét và phản tỉnh vận mệnh của nam giới và nữ giới và thực trạng sinh tồn của họ, tích cực xây dựng chủ thể nam tính và nữ tính”. Thơ Hồ Xuân Hương chính là có sự bình đẳng nhất định trong vai trò của người nam và người nữ trong ứng xử. Ở thơ bà, ta thấy mỗi giới đều hiện lên với những đặc trưng và trọng trách riêng của mình. Cả hai hòa hợp, tạo nên một thế giới cân bằng. Đây là một điều rất tinh tế và đáng quý. Khi giáo dục giới tính cho học sinh, người giáo viên cũng cần thận trọng rằng không nên thiên vị cho bất cứ giới nào. Đã gọi là bình đẳng nghĩa là mọi giới được quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, cần phải ứng xử với nhau trên tinh thần bù đắp và nâng đỡ, trân trọng nhau. Đây chính là điều mà khó có ngành khoa học nào có thể luồn sâu và ban hóa cho con người bằng văn học.
Các phương pháp dạy học thơ Hồ Xuân Hương để tích hợp giáo dục giới tính
Trong một tiết học, việc áp dụng phương pháp dạy học phù hợp, linh hoạt giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với hiệu quả dạy – học. Với khoảng thời gian từ 45 đến 90 phút học dành cho môn ngữ văn, người giáo viên có thể áp dụng từ hai đến ba phương pháp dạy học nhằm tích cực hóa người học và phát triển năng lực sáng tạo của học sinh. Riêng với một nội dung mà hiện nay đang còn khá nhạy cảm như giới tính, và với một môn học còn là “ác mộng” của nhiều học sinh như ngữ văn, thì việc bàn đến các phương pháp dạy học nhằm đạt mục đích giáo dục là vô cùng cần thiết. Cho đến nay, chúng ta có rất nhiều phương pháp dạy học khác nhau. Nhưng theo nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi xin đề xuất một số phương pháp sau để tích hợp giáo dục giới tính trong dạy học thơ Hồ Xuân Hương:
Đọc sáng tạo:
Hay còn gọi là đọc diễn cảm là phương pháp đọc có âm thanh ngữ điệu, cảm xúc theo các trạng thái tình cảm khác nhau. Việc đọc sáng tạo yêu cầu người đọc phải hóa thân vào nhân vật và sống cùng nhân vật, cũng lí giải những vấn đề mà tác phẩm đặt ra và nhờ vậy mà hiểu nội dung tư tưởng của tác phẩm sâu hơn.
Tổ chức trò chơi:
Giáo viên có thể tự sáng tạo ra những trò chơi phù hợp với tiết học (trò chơi phát động, trò chơi hoạt động, trò chơi luỵên trí, trò chơi chú ý và quan sát, trò chơi huy động kiến thức, trò chơi vận dụng kiến thức…). Ở đây, chúng tôi xin cụ thể với việc tổ chức chơi trò chơi hò đối đáp dưới hình thức hoạt động nhóm. Thầy cô có thể chia nhóm theo tỉ lệ một nhóm nam một nhóm nữ hoặc mỗi nhóm gồm cả nam cả nữ. Nội dung câu hò đối đáp có thể là thơ của Hồ Xuân Hương từ những bài thơ mà giáo viên giới hạn. Việc đối đáp vừa tạo cho học sinh sự tự tin, sáng tạo lại vừa giúp học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức tác phẩm và về giới.
Dạy học dự án:
Dạy học dự án là một phương pháp đòi hỏi ở học sinh sự tự chủ, chủ động và đầu tư suy nghĩ rất lớn. Vì vậy nó cũng mang lại hiệu quả cao. Ở nội dung kiến thực này, giáo viên có thể đưa ra cho học sinh những yêu cầu chung và chia nhóm để học sinh thực hiện dự án của mình trước khi học bài. Các dự án có thể làm về: Tìm hiểu luật về bình đẳng giới; tìm hiểu và thống kê về những tín hiệu chỉ phái nam và phái nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, nguyên nhân và giải pháp cho vấn nạn bạo lực gia đình; …
Thiết kế tình huống học tập:
Thiết kết tình huống học tập cũng là một phương pháp trực quan, học sinh được trải nghiệm tình huống cụ thể, được trực tiếp đưa ra cách xử lý của mình và xem xét hiệu quả của nó. Các tình huống đặt ra có thể là khi bị phân biệt đối xử, khi bị kì thị, khi bị xâm hại, khi bị phụ bạc, khi bị gạ gẫm,… Để giải quyết tình huống, học sinh phải vận dụng nhiều kiến thức và kĩ năng liên quan. Mục đích cuối cùng của phương pháp này là nhằm thiết lập (hoặc kiểm tra) nhận thức (hoặc động cơ) của các em về cách giải quyết các vấn đề liên quan đến giới.
Viết phác thảo nhân vật:
Viết một phác thảo nhân vật là vẽ một bức chân dung của một người nào đó. “Phương pháp này được thực hiện thông qua mười bước: (1) Chọn một người để viết về họ; (2) Liệt kê các đặc điểm của đối tượng và nhấn mạnh những đặc tính quan trọng mà bạn muốn viết; (3) Quyết định cách bạn muốn miêu tả đối tượng; (4) Viết bản thảo thô, để lại các khoảng trống giữa các dòng cho việc sửa chữa; (6) Đọc thầm bản thảo đầu tiên, ghi những điểm rõ ràng cần điều chỉnh và quên nó đi trong ít lâu; (7) Đọc bản thảo đầu tiên một lần nữa, soát thật kĩ càng về lỗi ngữ pháp, tính nhất quán, phát triển logic,…; (8) Nhờ người tin cậy, có chuyên môn phê bình bản thảo; (9) trao đổi, thảo luận với người đó và nhận lời khuyên; (10) Viết lại bản dự thảo cuối cùng” [22, tr.153-154]. Ở phương pháp này, người giáo viên có thể yêu cầu học sinh viết phác thảo lại về tác gia Hồ Xuân Hương hoặc phác thảo chính người đàn ông/phụ nữ mà mình muốn trở thành trong tương lai. Từ đó, các em được củng cố lại kiến thức theo cách của mình, hoặc được khơi dậy khả năng tự chủ, tự quyết định bản thân mình sẽ sống như thế nào (dựa trên hệ tư tưởng, ý thức về giới đã được thiết lập trong suốt buổi học).
Các phương pháp trên cần được thực hiện kết hợp sử dụng các công cụ trực quan: dữ liệu điện tử với các hình ảnh, đoạn phim ngắn, giúp giáo viên truyền tải kiến thức đến học sinh một cách nhẹ nhàng và đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác và khoa học. Đó có thể là các đoạn phim ngắn về quá trình sinh trưởng của một con người, về phân biệt giới tính, về bất bình đẳng, … để học sinh có cái nhìn trực quan và giúp cho tiết học không bị nhàm chán bởi chứa quá nhiều chữ.
Nhìn chung, có rất nhiều phương pháp khác nhau mà giáo viên có thể áp dụng khi dạy học thơ Hồ Xuân Hương với mục đích tích hợp giáo dục giới tính. Và, điều quan trọng nhất, chính bản thân người thầy, người cô cần có ý thức thật sự nghiêm túc về vấn đề này thì mới có thể làm rung động và đặt những viên gạch chất lượng trong tâm hồn những đứa trẻ đang lớn từng ngày. Để chúng lớn lên, mỗi người một màu sắc, nhưng đều góp cho bức tranh cuộc đời thêm tươi đẹp. Mỗi người cần nhớ rằng giới là hơi thở luôn phập phồng trong từng ngõ nghách của tâm hồn con người, ngày cũng như đêm…
Tài liệu tham khảo
[1] Đỗ Lai Thúy (1999) “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực”, Nxb Văn hóa thông tin. [2] Hêghen (1999), “Mỹ học”, Nxb Văn học. [3] Đỗ Lai Thúy (2013), “Thơ như là mỹ học của cái khác”, Tạp chí Sông Hương. Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n11609/Tho-nhu-la-my-hoc-cua-cai-khac.html. [4] Hà Thủy Nguyên (2016), “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực – Qua thơ để hiểu tâm thức dân tộc”. Nguồn: https://bookhunterclub.com/ho-xuan-huong-hoai-niem-phon-thuc-qua-tho-de-hieu- ve-tam-thuc-dan-toc/ [5 Lã Nguyên (2016), “Đỗ Lai Thúy và phê bình phân tâm học Việt Nam”. Nguồn: https://phebinhvanhoc.com.vn/do-lai-thuy-va-phe-binh-phan-tam-hoc-viet-nam/. [6] Nguyễn Duy Hoàng (2004), “Phụ nữ trong thơ Nôm”Nguồn: http://forums.vinagames.org/showthread.php?t=23887. [7] Nguyễn Đăng Điệp (2013), “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại”. Nguồn: https://phebinhvanhoc.com.vn/van-de-phai-tinh-va-am-huong-nu-quyen-trong- van-hoc-viet-nam-duong-dai/. [8] Nguyễn Hữu Tấn (2013), “Vô thức trong văn học”, Tạp chí sông Hương. Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n11535/Vo-thuc-trong-van-hoc.html. [9] Nguyễn Ngọc Bích (1998), “Tâm lí học nhân cách”, Nxb Giáo dục. [10] Nhà xuất bản Văn học (1998), “Hồ Xuân Hương – thơ và đời”, Hà Nội. [11] Lại Nguyễn Ân (1999), “150 thuật ngữ văn học”, Nxb Đại học Quốc gia. [12] Lê Thị Qúy, “Bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay”. [13] Phan Hồng Hạnh (2008), “Thiên tính nữ trong tác phẩm thơ của các nữ sĩ Việt Nam hiện đại” (Luận văn Thạc sĩ Văn học), Hà Nội. [14] PGS.TS Đặng Hữu Toàn – TS. Trần Nguyên Việt – TS. Đỗ Minh Hợp – CN Nguyễn Kim Lai (2005), “Các nền văn hóa thể giới”, Nxb Từ điển Bách khoa. [15] Phan Việt Thủy, “Phái tính trong ngôn ngữ và văn học”
Nguồn: https://www.luanhoan.net/GioiThieuTacGia/html/14-6-13%20gttg%2006.htm [16] Robert J. Marzano, Nguyễn Hữu Châu dịch, “Nghệ thuật và kho học dạy học”, Nxb Giáo dục Việt Nam. [17] Robert J. Marzano, Debra J. Pickering – Jane E. Pollock, Nguyễn Hồng Vân dịch, “Các phương pháp dạy học hiệu quả”, Nxb Giáo dục Việt Nam. [18] Sigmund Freud, “Phân tâm học nhập môn”, Nguyễn Xuân Hiến dịch, Nxb Văn hóa Thông tin. [19] S. Freud – E. Fromm – A. Shopenhauer – V. Soloviev, Đỗ Lai Thúy (2017), “Phân tâm học và tình yêu”, Nxb Hội Nhà văn. [20] S. Freud – E. Fromm – A. Shopenhauer – V. Soloviev, Đỗ Lai Thúy, “Phân tâm học và văn học nghệ thuật” [21] Trần Thanh Hà (2008), “Học thuyết Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [22] Trần Thị Bích Liễu chủ biên (2017), “Phát triển năng lực dáng tạo của học sinh phổ thông Việt Nam”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chú thích
1 TS, Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội. Email: huyenvnu1983@gmail.com
2 CN, Đại học giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội. Email: hoangthuyduong28.04@gmail.com
3 Theo “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại” của Nguyễn Đăng Điệp.
4 Dẫn theo “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực” – Đỗ Lai Thúy.
5 Trong bài viết “Dâm hay tục” (Trích lời giới thiệu thơ Hồ Xuân Hương) của Nguyễn Lộc.
6 Dẫn theo “Hồ Xuân Hương thơ và đời” – Nxb Văn học.
7 Học sinh trường Merie Curie.
8 Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
9 Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế).
10 Trích “Hồ Xuân Hương – Nhà thơ Cách mạng”, 1950 của Hoa Bằng.
______________
Bài viết đã được đăng trong Kỷ yếu hội thảo quốc gia Văn học và giới, khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Huế.