THI PHẨM NIGHT SKY WITH EXIT WOUNDS
(TRỜI ĐÊM VỚI NHỮNG VẾT THƯƠNG XUYÊN) CỦA OCEAN VUONG VÀ DIỄN NGÔN VỀ GIỚI/ ĐỒNG TÍNH
Bửu Nam1
Tóm tắt: Bài viết dưới đây nghiên cứu tuyển tập thơ Night Sky with Exit Wounds của Ocean Vuong và diễn ngôn giới/đồng tính dưới nhiều lăng kính của các cách tiếp cận từ các lý thuyết phê bình hiện đại như Văn học thiểu số Mỹ gốc châu Á nhập cư/liên, xuyên văn hóa, liên văn bản, phân tâm học văn học, ngoại biên và trung tâm… Soi chiếu vấn đề nghiên cứu dưới đa dạng cách tiếp cận sẽ cho thấy việc giải mã chúng phong phú, thú vị và có kết quả mới, có tính thuyết phục hơn.
Từ khóa: diễn ngôn về giới/đồng tính, lối viết thân thể, tình yêu tình dục đồng giới nam, lối viết nữ “ẩn”, huyền thoại
1. Sự thành công của văn chương di dân gốc Việt viết bằng tiếng bản xứ Anh, Pháp và những vấn đề nghiên cứu đặt ra
Những năm của thập niên thứ hai thế kỷ XXI, chúng ta thấy xuất hiện một hiện tượng văn chương người Việt di dân viết bằng tiếng bản ngữ Pháp ngữ, Anh ngữ được các giải thưởng lớn của các quốc gia Âu Mỹ mà họ nhập cư. Chẳng hạn như Linda Lê ở Pháp hay Kim Thúy ở Canada (Quebec). Đặc biệt ở Hoa Kỳ, Nguyễn Thanh Việt giành giải thưởng danh giá Pulitzer năm 2016 cho tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên). Riêng Ocean Vuong, với thi phẩm Night Sky with Exit Wounds (Trời đêm với những vết thương xuyên)2 đạt giải thưởng nổi tiếng của Anh Quốc T.S Eliot năm 2017. Trước đó thi phẩm này đã đoạt các giải thưởng khác ở Mỹ như giải Whiting năm 2016, giải Forward năm 2017 và giải Felix Dennis 2017, được Quỹ Forward Arts (Anh) mệnh danh là “Oscar trong lĩnh vực thi ca”.
Hiện tượng thành công của dòng văn chương người da màu, thiểu số di dân gốc Việt, bên phía ngoại biên của dòng văn học chính thống da trắng, đa số, vốn khó tính, đã có được sự công nhận bước đầu ở dòng chính trung tâm cũng đặt ra những vấn đề nghiên cứu khá thú vị. Trước hết, đó là vấn đề “tính biện chứng giữa ngoại biên và trung tâm”, sau nữa là vấn đề liên/xuyên văn hóa trong nghiên cứu văn học. Chúng ta cũng có thể nêu thêm vấn đề diễn ngôn về giới như lăng kính nữ giới hoặc lối viết nữ trong tiểu thuyết của Linda Lê hay Kim Thúy. Hoặc có thể tìm hiểu lăng kính nam tính trong tiểu thuyết Cảm tình viên và truyện ngắn của Nguyễn Thanh Việt, hoặc lăng kính đồng tính trong tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous (Chúng ta đã từng một thoáng huy hoàng trên mặt đất3, 2019) cũng như thi tập này của Ocean Vuong.
2. Sự phóng chiếu hình bóng tác giả Ocean Vuong đến thi phẩm
2.1. Vấn đề đồng tính nam (gay)
Xét về mối quan hệ giữa tác phẩm và tác giả, nhất là soi rọi dưới góc độ tiểu sử, thi tập Trời đêm với những vết thương xuyên (TĐVNVTX) rõ ràng mang dấu ấn đậm nét hình bóng của Ocean Vuong, một người có số phận kỳ lạ, có giới tính/đồng tính nam công khai (gay, queer) vốn chịu nhiều áp lực thiên kiến nghi kỵ của dư luận hằng thế kỷ từ một xã hội Hoa Kỳ còn bị tác động nhiều của Thanh giáo và Thiên Chúa giáo.
Cho nên có thể nghiên cứu chủ điểm tình yêu, tình dục đồng tính trong thi phẩm với lối viết riêng, cách thể hiện độc đáo, mới lạ, cũng như quan điểm, lăng kính, cái nhìn của tác giả về vấn đề này trong mối quan hệ với quan điểm của quyền lực chính thống. Đó là chúng ta chọn cách nghiên cứu diễn ngôn về giới/đồng tính từ cách hiểu diễn ngôn của Roland Barthes đến cách hiểu của Michel Foucault. Và chủ điểm tình yêu/ tình dục đồng giới này có thể xem như vấn đề ngoại biên so với chủ điểm trung tâm là tình yêu nam nữ dị giới đã ngự trị hằng chục thế kỷ trong văn học. Tuy nhiên với sự thành công của một sáng tác của nhà văn, nhà thơ đồng tính như Ocean Vuong, tính biện chứng giữa trung tâm và ngoại biên có sự hoán chuyển đáng kể.
2.2. Ký ức chiến tranh Việt Nam
Một mặt khác, ta thấy thi phẩm còn in đậm những ký ức, những ám ảnh bi kịch sâu xa của cuộc chiến tranh Đông Dương và Mỹ – Việt ở thế kỷ trước mà tác giả gọi mình là “đứa con của bà mẹ chiến tranh”.
“Một người lính Mỹ f*** một cô nông dân Việt. Thế là mẹ tôi tồn tại.
Thế là tôi tồn tại. Thế là không bom rơi = không gia đình = không tôi”4
(bài “Những mẩu ghi chép”) [5, tr.121]5
Cô nông dân Việt là bà ngoại của ông. Mẹ ông là đứa con của sự cố chiến tranh này, bà là người Việt lai Mỹ. Một lập luận đơn sơ và một cách thể hiên bạo liệt, không có chiến tranh, không có gia đình Ocean Vuong và tất nhiên không có mặt thi sĩ trên đời.
Tâm hồn thi sĩ chịu tác động mạnh của những chấn thương tinh thần từ bạo lực chiến tranh mà ông tự xem mình như kẻ thừa kế, một cuộc thừa kế di sản ám ảnh qua ba thế hệ: bà ngoại, mẹ và ông.6
Đến nỗi, sau những thành công của tập thơ này, ông kể lại một cách hài hước chua chát, một học viên học chương trình sáng tạo thơ ca nói với ông: “Ông thật là may mắn vì vừa là người đồng tính, vừa được đến từ một cuộc chiến tranh” [1].
2.3. Sự thiếu vắng người cha
Ngoài ra, trong cuộc sống gia đình, từ tuổi ấu thơ, ông sống thiếu vắng người cha, một người cha bí ẩn. Chính mẹ ông sau này cũng mơ hồ không còn biết rõ tung tích. Hình ảnh người cha như một nỗi ám ảnh không nguôi trong lòng ông và như một leitmotif của tính biện chứng giữa “vắng mặt – hiện diện” trong trí tưởng tượng thơ ca của ông và xuất hiện trong hàng loạt bài thơ đến nỗi ta có cảm tưởng như hình ảnh người cha ngự trị ở tập thi phẩm này.
Ở đây, có thể nghiên cứu hình ảnh người cha biến thiên với đa dạng các khuôn mặt khác nhau trong các tình huống đặc thù trong thi phẩm với mối quan hệ giữa “ẩn ức và thăng hoa”, từ chất liệu có thật trong cuộc sống đến hư cấu trong sáng tạo. Và vai trò chức năng của hình ảnh này hết sức quan trọng trong hành trình đi tìm “căn tính giới” của thi sĩ cũng như hình ảnh “người cha” trong mối quan hệ tương liên với hình ảnh “người đàn ông” và có sự đồng hóa nhất định vào nó của trí tưởng tượng thi sĩ!
2.4. Không gian gia đình đậm chất nữ tính và lối viết nữ “ẩn”
Từ thuở ấu thơ hai tuổi cho đến tuổi thiếu niên Ocean Vuong sống với mẹ, bà ngoại và bốn người phụ nữ khác là các dì và người thân trong căn hộ một phòng ở Hartfort bang Connecticut. Ông và gia đình sống, sinh hoạt nói tiếng Việt, ăn món ăn Việt, như một ngôi làng Việt ốc đảo giữa lòng xã hội Mỹ. Chính không gian đậm chất “nữ tính”, lại thiếu vắng người đàn ông, cũng như bóng người cha chỉ hiện lên một cách bí ẩn đã ám ảnh thi sĩ. Sau này, ông dần dà cảm giác mình là một người nữ trong cơ thể nam. Chất “nữ tính” đó ám ảnh vô thức sáng tạo và ảnh hưởng tới lối viết của ông, lối viết ẩn chất nữ tính. Tuy nhiên điều đáng chú ý ở đây là lối viết nữ tính “ẩn” này lại quan tâm đến một thế giới nam tính đầy tính hung hãn, bạo lực gắn với các không gian văn hóa xã hội lịch sử chính trị cụ thể của nước Mỹ và một phần của đất nước Việt Nam.
2.5. Con người và kiểu tác giả liên văn hóa
Ocean Vuong là người Mỹ gốc Việt, gốc châu Á, không gian gia đình ông thuần văn hóa Việt từ tiếng nói, thức ăn, sinh hoạt, phong tục in đậm trong tuổi ấu thơ và tuổi mới lớn của ông. Hơn nữa ông bị “chứng khó đọc tiếng Anh” từ thuở nhỏ nên càng thu rút vào không gian này, xem đó như một chốn trốn tránh an toàn. Sau này, khi ông bắt đầu chiếm lĩnh dần tiếng Anh, bị cưỡng buộc tham gia hay dần chủ động vào không gian học đường và giao tiếp trong không gian xã hội Mỹ thì chất văn hóa Mỹ dần ảnh huởng sâu đậm đến ông. Cho nên tâm hồn ông, nhân cách văn hóa, và bản ngã sáng tạo thơ ca và văn chương của ông chịu sự tương tác và giao thoa hai nền văn hóa Mỹ – Việt, Đông – Tây. Tính liên và xuyên văn hóa này được thể hiện trong lối sống của ông và trong sáng tạo thơ ca. Đặc biệt ông có thêm sở thích say mê nghệ thuật và văn hóa Nhật như thiền, và tìm hiểu thêm các thể loại văn chương Nhật như thể Haibun7…
2.6. Dưới góc nhìn xã hội học
Về thân phận cá nhân dưới quan điểm xã hội, ông thuộc tầng lớp người nhập cư người lao động da màu có cuộc sống khó khăn. Gia đình ông gồm bà ngoại và mẹ đơn thân vốn ít học có thể nói gần như mù chữ. Thêm vào đó ông công khai sự đồng tính của mình. Mang một tâm hồn nhạy cảm nên ông dễ bị tổn thương và chịu nhiều mặc cảm. Về phương diện nhà văn, ông thuộc loại nhà văn gốc thiểu số bên lề, nhưng do có trời phú năng khiếu văn chương, cho nên tất cả những thiệt thòi, dồn nén mặc cảm lại được thăng hoa trong trí tưởng tượng của ông với những âm giai cảm xúc đa dạng, mạnh mẽ. Ông biết biến cái thế giới đầy mặc cảm chấn thương này thành vũ trụ văn chương của cái đẹp quyến rũ. Cho nên sự thành công của ông biểu hiện một nghị lực đầy sức mạnh vươn cao. Thêm vào đó, ông là người lao động tìm tòi không mệt mỏi con đường nghệ thuật của riêng mình. Nhờ tài năng xuất chúng và sự thần hứng, ông tỏ ra táo bạo trong ngôn ngữ thể hiện. Và nhất là ông biết biến cái đau đớn thành cái đẹp, biến những khoảnh khắc chóng tàn, phù du của kỷ niệm giây lát thành những cái vĩnh cửu…
3. Diện mạo và cấu trúc thi phẩm Trời đêm với những vết thương xuyên
3.1. Giải mã tiêu đề, tranh bìa và lời đề từ
Tiêu đề của thi tập TĐVNVTX đầy tính ẩn dụ, gợi ý những so sánh ngầm tâm hồn thi sĩ như bầu trời đêm bị chấn thương bởi những vết thương. Đó là những vết thương cuộc đời, những vết thương của ký ức quá vãng chiến tranh. Ông như là hệ quả của một thân phận lưu vong, một kẻ thừa kế chiến tranh từ gia đình. Đó là vết thương của xã hội bạo lực Mỹ đối với thân phận người da màu nhập cư như ông, khiến Ocean Vuong cảm thấy xa lạ khó thích nghi. Đó cũng là vết thương của những khinh khi bất công đối với những người đồng tính công khai giống ông. Những vết thương ấy tạo nên những ẩn ức trong đáy sâu tâm hồn và được thoát ra thăng hoa trong sáng tạo của nhà thơ. Chúng trở thành những vì sao đêm lấp lánh lộng lẫy như những bài thơ được ông viết trong những đêm khuya khoắt.
Khi quan sát tranh bìa 1 của tập thơ ấn bản xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2016, ta thấy tác giả đưa một bức hình lớn choán cả giao diện bìa sách, tấm hình có ảnh ông lúc có lẽ mới hai tuổi ngồi giữa mẹ và dì, quần áo hết sức giản dị đơn sơ. Tấm hình này có hai dải chữ, một dải ghi tiêu đề tập thơ “Sky Night with Exit Wounds” che mắt hai người đàn bà và một dải chữ khác, ghi tên Ocean Vuong, che mắt đứa bé. Điều đó như ngụ ý nói rằng tập thơ không chỉ là tiếng nói riêng, độc đáo của một thân phận cá nhân đặc biệt, mà nó còn là tiếng nói của một cộng đồng rộng lớn những thân phận người di cư trên thế giới, đặc biệt người Mỹ gốc Việt. Và trên hết, đó là tiếng nói mang khuôn mặt nhân bản sâu xa của hành trình đi tìm cội nguồn sâu thẳm của căn tính mình giữa một thế giới bạo lực, đổ vỡ, tha hóa. Nhưng thế giới đó không thiếu những ký ức về tình yêu và ngôi sao của niềm tin hy vọng.
Tập thơ với hai đề từ, một là lời đề tặng song ngữ cả Việt lẫn Anh, “tặng mẹ [và ba tôi]/ for my mother [& father]”, cho thấy hai hình ảnh này sẽ chiếm vị trí quan trọng trong tập thơ. Hình ảnh ba tôi dù ở trong ngoặc vuông, nhưng lại xuất hiện hết sức nhiều lần, như một ám ảnh lớn.
Lời đề từ thứ hai lấy từ trích dẫn một câu thơ của Bei Dao (Bắc Đảo – 北岛) , “Phong cảnh đã xóa dần đi bởi cây bút lại hiện ra ở đây”8, như cố ý nói đây là tập thơ được gợi lên bởi ký ức. Và một vũ trụ thơ từ đó được tạo ra. Vũ trụ đó được hình thành từ tiếng nói của cá nhân nhà thơ đan lồng với các tiếng nói khác trong gia đình như tiếng người cha, người mẹ, người bà… mà thi sĩ đã nhập thân. Để từ đó ông viết và diễn tả nên những bức tranh đầy cảm xúc mạnh mẽ thể hiện những chấn thương xuyên lục địa, xuyên chủng tộc trong sự mập mờ song luận nhị nguyên của bản ngã Việt/Mỹ của tâm hồn ông.
3.2. Cấu trúc tập thơ và diện mạo hình thức ban đầu
Thi tập gồm 35 bài thơ, mỗi bài thơ là một văn bản độc lập, đa phần thường có độ dài ngắn từ một, hai trang, nhưng có một số bài từ ba trang trở lên, thậm chí có bài thơ dài năm, bảy trang như: “Bài hài văn của kẻ nhập cư” (Immigrant Haibun), “Những mẩu ghi chép” (Notebook Fragments), “Bánh mì hằng ngày” (Daily Bread)…
Thường Ocean Vuong sử dụng lối thơ tự do với những dòng thơ dài ngắn không đồng đều. Đôi khi ông sử dụng loại thơ văn xuôi toàn bài hay đan xen giữa thơ tự do và thơ văn xuôi trong mỗi bài. Đặc biệt ông cũng kết hợp tự sự và trữ tình, chất hiện thực thô ráp đời thường kết hợp với chất truyền thuyết huyền thoại, hoặc chất siêu thực bí ẩn trong các bài thơ.
Ông cũng vay mượn các thể văn khác như kiểu Haibun (Hài văn) của Nhật Bản – một kiểu bút ký ghi chép khi du hành. Ở đây ông sáng tạo lại thành một Hài văn của kẻ nhập cư (Immigrant Haibun) với chuyến du hành của một cặp đôi trên biển tìm quê hương mới, hoặc thể thư từ như “Cha tôi viết từ nhà tù” (My Father Writes from Prison) trong đó ông sử dụng từ cảm thán “Lan ơi” bằng tiếng Việt, hoặc hình thức nhật ký như bài “Những mẩu ghi chép” (Notebook Fragments)…
3.3. Tính liên văn bản, hệ đề tài, huyền thoại cá nhân và lối viết
3.3.1. Xếp chồng các văn bản
Tuy nhiên các bài thơ của tuyển tập này lại soi chiếu nhau, nhìn ngắm nhau, thăm viếng, tương tác lẫn nhau trong một liên văn bản mang tính chính thể. Nếu đặt chồng các văn bản này lên nhau theo kiểu của Charles Mauron, ta sẽ thấy một mạng lưới các ám ảnh lặp đi lặp lại với tần xuất cao sẽ hiển lộ cho ta biết về những hệ đề tài chính của thi tập, những hình ảnh, những biểu tượng, những thủ pháp nghệ thuật và những kiểu cú pháp được thi sĩ quen dùng hoặc ưa thích. Và cũng qua cách đặt chồng văn bản này, ta cũng dần khám phá những những ám ảnh ở tầng vô thức cá nhân có thể đồng vọng những ám ảnh tập thể, cấu thành huyền thoại cá nhân nhà thơ nhưng cũng phản chiếu qua những lăng kính khúc xạ của các tâm trạng trữ tình những vấn đề lớn của xã hội mang âm vang của lịch sử và các cộng đồng.
3.3.2. Các hệ đề tài và các hình ảnh lặp với tần suất cao
Qua cách làm này, chúng ta sẽ dần dần thấy những hệ đề tài sau: gia đình, chiến tranh, bạo lực, tình yêu và tình dục đồng giới, nỗi cô đơn, cái chết và sự sống, thời gian… Các hệ đề tài này lại móc xích, xuyên thấm lẫn nhau. Mỗi hệ đề tài lại phân chia thành những đề tài nhỏ, và các đề tài nhỏ này lại có quan hệ mật thiết với nhau. Chẳng hạn hệ đề tài gia đình lại có đề tài về người cha, người mẹ và người bà và nhân vật tôi – người con với lối tự thuật. Người cha chiếm tần suất lớn đặc biệt trong mối quan hệ với người con là nhân vật trữ tình trong tập thơ (mối quan hệ này sẽ được khảo sát sau) và sau đó trong mối quan hệ với người vợ trong hai bài: bài “Hài văn của kẻ nhập cư” với câu chuyện cặp đôi lãng mạn di dân đi xuyên qua biển và bài “Cha tôi viết từ nhà tù” gắn liền với không gian nhà tù và hình thức diễn tả là một bức thư. Đề tài người cha lại gắn với đề tài bạo lực và chiến tranh như bom đạn, súng đạn, vết thương, cái chết… Đề tài người bà lại gắn với ký ức chiến tranh, có khi lãng mạn và bi thảm như bài “Khúc ca ban mai với thành phố cháy” (Aubade with Burning City) hoặc gắn với bạo lực thú tính như trong “Những mẩu ghi chép”: “Bà ngoại nói Trong chiến tranh chúng giữ chặt một đứa bé, mỗi người lính giữ một chân, và kéo…/ Đúng như thế” [5, tr.118] và không gian ký ức Việt Nam…
Hệ đề tài bạo lực gắn với các hình ảnh và trường từ vựng bom, hỏa tiễn tomahawk, lựu đạn, súng cối, súng AK-47, Colt. 45, con dao… có các hình ảnh liên quan như lỗ thủng, vết thương, sự chấn thương và rối loạn tâm lý… Hệ đề tài này lại liên quan đến các biến cố lịch sử như vụ ám sát tổng thống Kennedy (bài “Em hát về anh” – Of Thee I Sing), vụ khủng bố tòa nhà tháp đôi thương mại 11/9 (“Lam, lục, và nâu: sơn dầu trên bố” – Untitled (Blue, Green, and Brown): oil on canvas: Mark Rothko: 1952) hoặc một vụ thiêu cháy một cặp đồng tính nam ở Dallas (“Vòng thứ bảy của đất” – Seventh Circle of Earth), hoặc một vụ dí dao của một người đàn ông vào một người đàn ông khác để cưỡng dâm (“Lời nguyện cầu cho kẻ mới đọa” – Prayer for the Newly Dammed) hoặc những vụ bạo hành trong gia đình… Thông thường, các bài thơ này gắn với hình ảnh một cặp đôi. Có khi cả hai đều chết như bài “Vòng thứ bảy của đất”, hoặc một người chết và một người còn sống sót sững sờ với cái váy đỏ và giấc mơ Mỹ qua lăng kính nữ của Jacqueline Kenedy như bài “Em hát về anh”.
Bài thơ viết về khủng bố 11/9 thì có nền liên văn bản là một bức tranh không đề ba màu của Mark Rothko (1952) và hình ảnh các chiếc máy bay với những con chim nhại gãy gục…
Xuyên suốt tập thơ ta thấy hình ảnh và trường từ vựng thân thể, cơ thể với môi, cái lưỡi, làn da, mắt và ánh mắt, cổ họng, xương… hiện diện dày đặc, đến nỗi có nhà phê bình gọi Ocean Vuong là nhà thơ của thân thể, và cũng có thể nói thân thể trở thành một lối viết độc đáo mang màu sắc riêng của ông.
Ngoài ra cũng có những hình ảnh lặp lại với tần sắc dày như các vì sao, cánh hoa, bông hoa, ánh sáng, lửa, đám cháy, ánh sáng, biển, nước, vết thương… với các tầng nghĩa khác nhau…
Ông cũng sử dụng nhiều câu với cú pháp kiểu mệnh lệnh như “hãy để”, hoặc cầu xin như “xin cho”, hoặc đặt câu hỏi như “làm sao”… Nghiên cứu kỹ kiểu xuyên văn bản này sẽ giúp hiểu lối viết riêng của ông.
3.3.3. Tính liên văn bản với tiểu thuyết “gay” bán chạy 2019
Ngoài ra, tìm hiểu tập thơ này trong tính liên/ và xuyên văn bản với tiểu thuyết mới xuất bản của ông Chúng ta đã từng một thoáng huy hoàng trên mặt đất (On Earth We’re Briefly Gorgrous, 2019) sẽ hiện ra những lý giải thú vị. Có thể nói tiểu thuyết tự thuật, đồng tính trên như tấm gương soi chiếu cần thiết để giải mã sâu hơn tập thơ này. Chúng như một cặp song sinh liên thủ hỗ trợ lẫn nhau được soi rọi trong hai thể loại khác biệt thơ trữ tình và tiểu thuyết.
Tiểu thuyết này kể về nguồn cội gia đình rất đặc biệt, với bà ngoại Lan, một cô gái nông dân mù chữ của một ngôi làng chiến tranh, kết hôn với ông ngoại là lính hải quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Họ có ba người con. Ký ức chiến tranh ám ảnh khủng khiếp trong những câu chuyện kể của bà ngoại. Hình ảnh người mẹ tên Rose (Hồng) hiện lên trong tác phẩm là một thiếu phụ Việt lai Mỹ sinh ra Ocean Vuong lúc mới mười tám tuổi, thất học vì chiến tranh vì đói nghèo, di dân đến Mỹ làm nghề nail (làm đẹp móng tay móng chân). Bà mang bệnh trầm cảm, đôi khi khủng hoảng tâm thần với tính vừa dịu dàng thương con vô bờ bến nhưng thỉnh thoảng bạo hành con như lên cơn điên… Chúng ta đã từng một thoáng huy hoàng trên mặt đất còn là những trang sách tuyệt vời về mối tình đồng tính nam với cậu con trai da trắng tên Trevor, lúc nhân vật chính Litte Dog (Cún) mới lên 14 tuổi. Trevor, cháu trai một trại chủ trồng những cánh đồng thuốc lá, bị nghiện thuốc giảm đau, sau này nghiện ma túy là mối tình đầu của cậu bé. Những điều này cho ta hiểu thêm những bài thơ cụ thể trong thi tập trên.
Dưới đây chúng ta thử khám phá thêm cách viết huyền thoại, huyền thoại người cha, người mẹ, chủ điểm tình yêu, tình dục đồng giới liên quan đến diễn ngôn về nó.
4. Lối viết huyền thoại và cách đọc phân tâm
4.1. Lối viết huyền thoại
Có một số bài thơ như “Telemachus”, “Trojan”, “Eurydice”, “Odysseus, phiên bản mới” (Oddysseus Redux), thi sĩ sử dụng kiểu nhan đề liên văn bản với các truyền thuyết, huyền thoại trong văn học cổ đại Hy Lạp để làm cho các bài thơ có sắc thái ý nghĩa ám chỉ đa dạng và lung linh hơn, đây cũng là một cách viết kiểu huyền thoai hiện đại.
Bài “Trojan” có sự gắn kết với truyền thuyết cuộc chiến tranh thành Troy và biểu tượng con ngựa gỗ. Ở đây thi sĩ sử dụng hình ảnh cậu bé trong chiếc váy đỏ phụ nữ, đan kết vói hình ảnh một con ngựa chạy, những tấm ảnh gia đình và thành phố cháy, một cách nào đó, với cách đọc phân tâm, ta có thể tìm thấy những ám chỉ bản sắc giới nữ của chủ thể trữ tình nam giới, con ngựa gỗ như sự xảo quyệt tráo trở giới tính.
“Thật dễ dàng sao một cậu bé trong chiếc váy
màu đỏ hai con mắt nhắm
tan biến
bên dưới tiếng động cuộc phi nước đại
của chính hắn. Một con ngựa sẽ chạy như thế nào cho đến khi ngã quỵ
vào thời tiết-vào gió.
(…)
Họ sẽ thấy được hắn
rõ nhất
khi thành phố cháy”. [5, tr.23]
Bài thơ “Telemachus” ám chỉ người con trai đi tìm cha là Odysseus bị thất lạc trên biển sau trận chiến thành Troy. Ở đây trong thế giới hư cấu của bài thơ, thật kinh khủng, nhân vật trữ tình “tôi”, người con trai phát hiện xác cha mình trôi dạt trên biển, và nắm tóc kéo xác ông qua cát trắng, khuỷu chân ông vạch một lối mòn mà sóng ào lên xóa. Hình ảnh cái thành phố không còn, bên kia bờ và ngôi nhà thờ bị đánh bom trở thành ngôi nhà thờ của những cái cây, cái xác cha chàng với một lỗ đạn ở lưng, đầy nước biển, người con trai quỳ gối bên ông và hỏi “Do you know who I am, ba?” (Ba có biết con là ai không?)
“(…) Tôi lật ông
nằm ngửa. Để đối diện với nó. Ngôi nhà thờ
trong hai con mắt màu biển đen. Gương mặt ông
không phải mặt tôi – nhưng là gương mặt tôi sẽ mang
khi hôn chào ngủ ngon mọi người tôi yêu:
cái cách tôi gắn chặt đôi môi cha
với môi mình & bắt đầu
công việc thủy chung của mình: chìm xuống”. [5, tr. 21]
4.2. Cách đọc phân tâm và giới tính “gay”
Với một cách đọc phân tâm, ta có thể thấy đây là hành trình chủ thể trữ tình đi tìm căn tính giới của mình, và khi chính mình tự để chìm xuống, trong bóng người cha, gắn chặt môi mình với môi người cha, môi người đàn ông, chính là thi sĩ có lẽ đã dần phác hiện bản dạng giới đồng tính “gay” của chính mình chăng? Và đây cũng đã thấy những ký hiệu của lối viết “thân thể” mà một biểu hiện rõ nết của nó là đôi môi, và khuôn mặt, nụ hôn…
Nếu ta liên kết với bài thơ mở đầu tập thơ có tên “Threshold” (Ngưỡng cửa), điều ấy dần dần hiện rõ hơn. Ta thấy hình ảnh nhân vật tôi, cậu bé, quỳ gối nhìn lén qua lỗ khóa người đàn ông đang tắm vòi sen, nhìn mưa rơi như tiếng đàn ghi ta trên đôi vai vồng lên, nghe tiếng hát của người đàn ông, cha mình, đang tắm và giọng hát ấy thấm vào người tôi, vào tận xương tủy, vào cả cái tên tôi đang quỳ xuống.
“(…) Tôi không biết cái giá
của việc đi vào một bài ca – là lạc mất
lối về
Nên tôi đã đi vào. Nên tôi đã mất.
Tôi đã mất tất cả trong khi hai mắt
mở to”. [5, tr.17]
Chủ thể trữ tình lạc mất trong tiếng hát của bài ca, chính là lạc lối trong cái bóng người đàn ông, người cha và có lẽ lạc trong căn tính giới “gay” định mệnh bí ẩn của mình chăng?
Khi nhà thơ viết, mực in sâu vào dấu chấm, ông tưởng tượng đó là vết thương do viên đạn xuyên nơi lưng người cha, cũng là vết thương vô thức gắn với sự đổ vỡ của gia đình trong hồn thơ của Ocean Vuong:
“Nhanh chóng –
tôi ấn mực
vào dấu chấm.
Lỗ sâu nhất, nơi viên đạn,
sau khi xuyên vào lưng cha tôi,
cuối cùng cũng ngừng lại.
Nhanh chóng – tôi trèo
vào trong
Tôi đi vào
cuộc đời mình…” (bài “Chứng ghé lời” – Logophobia) [5, tr.139]
Hình ảnh người cha như là sự ám ảnh, đối thoại với chủ thể trữ tình với những sắc thái dằn vặt, chất vấn, lo âu, trong hàng loạt các bài thơ soi rọi thêm hành trình đi tìm căn tính giới này như “Luôn luôn & mãi mãi” (Always & Forever), “Ở Newport tôi ngắm nhìn cha tôi áp má lên cái lưng ướt của một con cá heo bị mắc cạn” (In Newport I Watch My Father Lay His Cheek to a Beached Dolphin’s Wetm Back), “Gửi cha /Gửi người con tương lai” (To My Father/To My Future Son), “Nổ tung đất nước” (Deto(nation))… và rải rác ở các bài thơ khác.
5. Suy gẫm lại hình ảnh người mẹ như lối viết nữ “ẩn”
5.1. Vai trò của hình ảnh người mẹ
Hình ảnh người mẹ dù chiếm vị trí ít hơn trong tập thơ, nhưng Ocean Vuong luôn nhấn mạnh đến vai trò hết sức quan trọng của bà trong cuộc đời mình:
“Ocean,
mày có nghe không? Phần đẹp nhất của cơ thể mày là bất cứ chỗ nào
bóng mẹ mày đổ xuống”. (bài “Rồi có ngày ta sẽ yêu Ocean Vuong”) [5, tr.141]
Sự phóng chiếu hình ảnh bóng người mẹ trên thân thể con trai, phải chăng đấy sẽ là chiếu xạ sự ảnh hưởng của “giới tính nữ” trên người của thi sĩ mà sau này đó là một trong những nguyên cớ tạo nên sự thay đổi giới tính bên trong con người tâm lý của thi sĩ, ông trở thành “gay”. Vả chăng sự liên kết hai hình ảnh người mẹ với sự suy gẫm lại và motif “thân thể” như có thể là mấu chốt của lối viết nữ “ẩn” xuyên suốt toàn bộ tập thơ.
5.2. Bà mẹ chiến tranh
Bài thơ “Đầu ra trước” (Headfirst) mang một giọng điệu đặc biệt: giọng mẹ thủ thỉ với con, về một kỷ niệm sinh ra thi sĩ. Đây cũng là thông điệp liên văn bản gắn với cội nguồn văn hóa Việt và tình yêu thương mà thi sĩ hàm ơn mẹ với lời đề từ bằng tiếng Việt, một câu tục ngữ Việt dưới nhan đề bài thơ: ‘Không có gì bằng cơm với cá, Không có gì bằng má với con”.
Tuy nhiên trong bài thơ này, người mẹ cũng nhắc nhở con về cội nguồn thừa kế của chiến tranh và ngày ông sinh ra gắn với đói kém:
“Khi họ hỏi con
từ đâu tới
hãy bảo họ rằng tên con
thành da thịt từ cái miệng không có răng
của một bà mẹ-chiến tranh
Rằng con không sinh ra
mà trườn, đầu ra trước –
vào cơn đói của lũ chó. Con trai của mẹ, hãy bảo họ rằng
thân xác là lưỡi dao bén lên
khi cắt”. [5, tr.43]
5.3. Một vỡ lòng chữ nghĩa cảm động của bà mẹ mù chữ
Bài thơ “Quà tặng” (The Gift) ghi lại một khoảnh khắc ký ức cảm động: một bà mẹ Việt thất học tiếng Anh lại dạy cho đứa bé vỡ lòng ba chữ cái đầu tiên ABC của tiếng Anh, đến chữ thứ tư thì bà không biết nữa, đứa bé nhớ lại:
“Nhưng tôi thấy được chữ thứ tư
một lọn tóc đen – gỡ ra
từ bảng chữ cái
& viết
trên má bà”. [5, tr.48]
Cái khung cảnh học vỡ lòng cũng rất đáng ghi nhớ với bóng người mẹ trong tiệm nail đầy những chai lọ đượm mùi hóa chất, chiếc áo thun hồng có in chữ viết tắt “Tôi yêu New York”, cây bút chì gãy, lọn tóc bối rối của mẹ rơi trên má như là chữ thứ tư còn sống mãi trong trang giấy và trong ký ức thi sĩ. Khung cảnh đó gợi nên như một thứ quà tặng thật đặc biệt của tình yêu, một bà mẹ mù chữ lại mở cánh cửa cho con sẽ chiếm lĩnh thế giới của chữ nghĩa và thơ ca.
Sau này ta có thể tìm thấy tính liên văn bản trong tiểu thuyết mới xuất bản vào tháng 6/2019 của Ocean Vuong, một tiểu thuyết “gay”, nhập cư, vào đời, cho lứa tuổi “teen” bán chạy, gây tiếng vang và đầy chất thơ có tên Chúng ta đã từng một thoáng huy hoàng trên mặt đất. Trong tiểu thuyết đó, tác giả mượn hình thức của một thể loại Nhật Bản – truyện kể bằng các bức thư – để viết cho mẹ có tên Rose (Hồng) và nhân vật xưng tôi là Little Dog (Cún). Đó là những câu chuyện thật dịu dàng và thô ráp, táo bạo, thành thật đầy tham vọng và cũng đầy chất thơ. Nhưng điều nghịch lý đáng ngạc nhiên và cũng đáng cảm động, là mẹ anh người dạy vỡ lòng chỉ ba chữ thôi cho anh, không thể có năng lực đọc được tiếng Anh và hiểu được điều anh viết.
Hơn nữa tên tiểu thuyết cũng được lấy từ cùng tên một bài thơ của tập thơ này ở trang 43 đến 46 trong nguyên bản tiếng Anh. Ta có cảm tưởng như từ một cánh cửa sổ ở tập thơ này Ocean Vương đã mở ra một lâu đài tráng lệ, đẹp, đau đớn và bi thương trong tiểu thuyết.
5.4. Mẹ và sự thức tỉnh căn tính nữ
Chính hình ảnh mẹ ông thức tỉnh căn tính nữ với một chút sắc dục trong ông, đặc biệt trong bài “Tới gần giới hạn thêm chút nữa” (A Little Closer to the Edge):
“(…) Hỡi mẹ,
Hỡi chiếc kim chỉ phút, hãy dạy con
làm sao giữ một người đàn ông theo lối cơn khát kia
giữ nước. Hãy để mọi con sông thèm muốn
miệng mình. Hãy để mọi cái hôn đập vào thân thể
như mùa của đất trời. Nơi những trái táo rền vang
mặt đất với móng guốc màu đỏ chói & con là con của mẹ”. [5, tr.30]
6. Chủ điểm tình yêu/ tình dục đồng giới và diễn ngôn như một lối viết
6.1. Chủ điểm tình yêu/ tình dục đồng giới nam
Chủ điểm tình yêu, tình dục đồng tính (gay) xuất hiện trong một loạt các bài thơ trở thành một điểm nhấn lạ và thu hút của tập thơ với các bài như: “Vòng thứ bảy của đất” (Seventh Circle of Earth), “Vào lỗ thủng” (Into the Breach), “Lời nguyện cầu cho kẻ mới đọa” (Prayer for the Newly Damned), “Bởi vì mùa hè” (Because It’s Summer), “Thân xác của không trung” (Torso of Air), “Chúng ta đã từng một thoáng huy hoàng trên mặt đất” (On Earth We’re Briefly Gorgeous ), “Phá gia chi tử” ( Homewrecker)… và rải rác ở một số câu hoặc các đoạn thơ trong các bài thơ khác, với các lối viết đa dạng, thể hiện nhiều sắc thái khác nhau của loại tình yêu, tình dục đặc biệt này.
Có khi nhân vật trữ tình thảng thốt bày tỏ một tiếng kêu tình yêu bên cảnh nỗi cô đơn như trong bài thơ “Vào lỗ thủng”:
“(…) Đơn giản thôi: tôi không biết
làm sao yêu một người đàn ông
cho thật dịu dàng. Dịu dàng
(…)
Anh lặng lẽ quá anh gần như thể
ngày mai
Thân thể được tạo mềm mại
để giữ cho ta
không bị cô đơn”. [5, tr.66-67]
hoặc một kiểu tình yêu bao dung gợi dáng vẻ đầy cái đẹp:
“Yêu một người
đàn ông khác – là không để
lại một ai phía sau
để tha lỗi cho mình
Tôi muốn mình không để lại một ai ở phía sau
Để giữ lại & được giữ
Cái cách một cánh đồng biến những bí mật của nó
thành những bông hoa mẫu đơn
cái cách mà ánh sáng
giữ lại bóng của mình
bằng cách nuốt hết nó”. [5, tr.70-71]
6.2. Lối viết thô ráp, bạo liệt
Trong lối viết về tình dục đồng tính nam, Ocean Vuong thường có cách diễn tả thô ráp, bạo liệt, thành thật và thẳng thắn, không hề tránh né hoặc giấu diếm những điều e ngại, khó nói về những cử chỉ, động tác và bộ phận tính dục. Có thể thấy lối viết tình dục này kết hợp với lối viết thân thể nhấn mạnh những bộ phận như môi, lưỡi, làn da, nụ hôn đầy cảm xúc ham mê. Có lẽ lối viết tình dục bạo liệt này ông chịu ảnh hưởng của nhóm văn chương tiền phong trường phái New York mà người có tác động mạnh đối với ông là nhà thơ Frank O’Hara chăng? Chẳng hạn “Lưỡi tôi/ trong hõm ngực anh/ Những sợi lông đen/ giống như chân/ của những con côn trùng đã mất” (bài “Vào lỗ thủng”). [5, tr.68]
Ngay cả vấn đề tế nhị trong tính dục như thủ dâm, ông cũng có bài thơ về nó, “Bài tụng ca thủ dâm” (Ode to Masturbation) dài đến bảy trang trong nguyên tác.
“ở ghế sau
đèn neon lúc nửa dêm
bãi đậu xe
nước thánh
làm nhờn
giữa
hai đùi mày
ơi chẳng người đàn ông nào từng chìm đắm
vì quá
khát
bắn tinh”. [5, tr.108]
hay :
“những viên đạn xuyên qua chính người mày
khi mày đang nghĩ
chúng đã tìm thấy
bầu trời trong khi mày
cúi xuống, hãy ấn
một bàn tay
vào thân xác này ấm lên
vì máu
giống như một từ
đang được đóng đinh
vào nghĩa của nó
& sống”. [5, tr.115-116]
Bài thơ “Bởi vì mùa hè” là một kiểu bài thơ vĩnh cửu hóa một khoảnh khắc trải nghiệm đáng nhớ trong lần hẹn hò ân ái tình dục đồng tính “gay” của tuổi mới lớn, pha một chút ân hận tội lỗi. Nhân vật trữ tình trong bài thơ được gọi bằng “mày”. Nhà thơ sử dụng ngôi hai (you) để khách quan hóa một trạng huống ký ức. Chàng đi hẹn hò có lẽ lần đầu, phải dối mẹ là hẹn với một cô gái, địa điểm hẹn là sân bóng chày phía sau nhà chờ, trên đất rắc những mẩu thuốc lá và bao cao su rách. Người hẹn là chàng trai. Anh ta đang chờ, hai lòng bàn tay dính nhớp & hơi thở mùi bạc hà, mái tóc hớt rẻ tiền & quần bò của người chị. Mùi nước đái xộc lên từ cỏ ướt, đôi môi của “mày” mới hôn bên má của mẹ, bây giờ cắm môi vào khe hở tối phía trên đũng quần với tiếng kéo dây khóa, tiếng tháo dây lưng hòa lẫn tiếng chim chóc. Bốn bàn tay gấp gáp, thành chục bàn tay, bầy ong ham muốn bao quanh người “mày”… Mùi phân bón “mày” bôi bẩn cổ “mày”, với son môi, “mày” mặc quần áo hai bàn tay run rẩy, “mày” nói cảm ơn cảm ơn cảm ơn.
Tuy vậy, cảnh tượng này đặt trong tâm trạng của nhân vật trữ tình gắn với thiên nhiên: “rút cuộc đang là tháng sáu & mày đang trẻ trung” [5, tr.64], “khi một người xa lạ bước ra khỏi mùa hè & cho mày thêm một giờ để sống” [5, tr.65], và quăng ra một cảm nhận “thằng con trai & sự cô đơn của nó…” [5, tr.64]
Hoặc một trải nghiệm tình dục khác nhưng lại đặt liền kề gây sốc bên những cuốn thánh kinh và nhân vật được quan hệ này có lẽ là một mục sư. Trong một đoạn ở một bài thơ ghi theo kiểu nhật ký “Tôi đã gặp một người đàn ông, không phải anh. Trong phòng anh ấy những quyển Thánh kinh lung lay trên giá sách/ do ánh nến. Bìu dái anh ta một trái cây dập. Tôi hôn nó/ nhẹ nhàng, cách một người có thể hôn một quả lựu đạn/ trước khi tung nó vào miệng đêm/ Có thể lưỡi cũng là chìa khóa/ Mẹ kiếp/ Ta có thể ăn sống em, anh ta nói, khớp ngón tay cọ vào má tôi” (bài “Những mẩu ghi chép”) [5, tr.122-123].
7. Hai bài thơ về đồng tính nam với lối viết lạ và thông điệp mới
Trong loạt thơ viết về chủ điểm đồng tính này, có thể thấy hai bài thơ được chú ý nhất là bài “Vòng thứ bảy của đất” và bài “Lời nguyện cầu của một kẻ mới đọa”, bởi lối viết, cách diễn tả của chúng đầy mới mẻ và thông điệp lạ lùng của chúng, nhất là chúng móc xích với chủ điểm bạo lực, một trong bốn chủ điểm quan trọng của tập thơ.
7.1. Bài thơ “Vòng thứ bảy của đất” và trò chơi thiết kế văn bản như một tượng đài tưởng niệm trắng
Bài “Vòng thứ bảy của đất” viết về một câu chuyện được thông tin ngắn gọn, trần trụi, khách quan từ lời đề từ trích ở báo “Tiếng nói Dallas”, Texas (Dallas Voice): Ngày 27 tháng 4 năm 2011, một cặp đồng tính nam, Michael Humphrey và Clayton Capshaw, đã bị thiêu chết tong nhà ở Dallas, Texas.
Bài thơ này có bốn điều đáng chú ý. Một là thấy tác giả muốn gợi lại chương Địa ngục trong trường ca Thần khúc (Comedie Divine) của Dante trong cách đặt nhan đề. Hai là gợi cảnh tòa án tôn giáo và đám đông cuồng tín thời trung cổ, đặc biệt ở Ý, thiêu chết người đồng tính trong câu thơ “những con chim sẻ đến từ thành Rome sụp đổ, những đôi cánh cháy bừng”. Ba là về mặt hình thức cấu tạo văn bản, tác giả đã thiết kế bài thơ một cách lạ lùng: toàn bộ bài thơ gồm 7 đoạn, đều được đặt dưới phần cước chú, còn phần trên hơn nửa mặt trên trang giấy lại để trắng, chỉ ghi lại những con số 1, 2, 3 ở trang thơ thứ nhất của bài thơ và 4, 5, 6, 7 ở mặt trang thơ thứ hai. Những con số này chỉ 7 đoạn thơ tương ứng nằm phía dưới cước chú. Cách bố trí thế này như gợi lên những đài tưởng niệm trắng tưởng nhớ cặp đôi đã chết. Bốn là bài thơ được đặt trong điểm nhìn của nhân vật tôi – người đã chết – tường thuật lại với những hình ảnh đầy ám ảnh đậm chất siêu thực, kinh khủng mà lại là rất cảm động: “Như thể ngón tay tôi,/ lần tìm mẩu xương đòn của anh/ đằng sau cánh cửa đóng (…) Để quên đi/ chúng mình dựng nên ngôi nhà này mà biết rằng/ nó sẽ không còn lại (…) Một cây đuốc khác/ tuồn qua/ cửa sổ bếp (…) Tôi luôn biết rằng/ mình sẽ ấm áp nhất bên/ người đàn ông của mình (…) Mặt chúng mình đen dần (…) làn khói bay lên/ từ lỗ mũi của anh (…) ngoài tiếng vỡ/ của xương/ cháy đen (…) Khi chúng đến/ để bới trong than tro – & rứt ra cái lưỡi của tôi,/ bông hồng hình nắm tay,/ bị đốt thành than & bóp nghẹt/ từ trong cái miệng/ đã mất của anh/ Mỗi cánh hoa màu đen/ nổ tung (…) Tiếng cười tro bụi/ bay vào không trung/ vào ngọt ngào anh bé bỏng/ thương yêu,/ nhìn kìa/ Hãy nhìn xem chúng mình hạnh phúc biết bao/ được không là ai cả/ & vẫn là người Mỹ”. [5, tr.75-76].
Bài thơ như là một sự khẳng định quyền được hạnh phúc của các cặp đồng tính, ngay cả trong cái chết mà họ là nạn nhân của thiên kiến điên cuồng cứng nhắc của xã hội khi nhìn và phán xét người đồng tính như một thứ quái vật hoặc quỷ dữ cần tiêu diệt. Và thông điệp ngầm mà Ocean Vuong muốn gởi tới là những người đồng tính họ vẫn tự hào về tính công dân Mỹ thiểu số của mình và họ kêu gọi sự tán thành quyền được hạnh phúc của họ, những cá nhân tự do, như hiến pháp Mỹ đã nêu.
7.2. Bài “Lời nguyện cầu cho kẻ mới đọa”, tính liên văn bản tôn giáo và thủ pháp đặt liền kề gây sốc
Bài thơ “Lời nguyện cầu cho một kẻ mới đọa” là một bài thơ hết sức độc đáo viết về bạo lực cưỡng dâm đồng tính nam. Tác phẩm gắn với một liên văn bản Thiên Chúa giáo trong cách gọi tên xưng hô để nguyện cầu và lời xưng tội quen thuộc của tín đồ đạo này ở Mỹ và Châu Âu: Đức Cha chí thiết (Dearest Father) với sự đặt liền kề gây sốc giữa một bên là cái thiêng và một bên là cái tục. Kẻ bị dí dao vào cổ họng buộc phải trở thành kẻ chịu cưỡng dâm, dần dà tìm thấy khoái cảm trong ham mê tính dục ấy “thằng con trai nghe trong sự thèm được biết/ nỗi đau ban phước lại cho thân xác/ của kẻ có tội thế nào” [5, tr.96], “Con đã nhầm mà yêu/ đôi mắt ấy, mà nhìn sự đời quá rõ/ & quá xanh – xin cho nó cứ rõ/ & xanh?” [5, tr.96]. Lưỡi dao mà một người đàn ông đè vào cổ họng một người đàn ông khác sao mà nhanh chóng hóa thành Cha? Một con dao chạm vào ngón tay Cha cắt vào cổ họng. Và rồi thằng con trai không còn là thằng con trai nữa, con cừu đã biến thanh loài ăn thịt.
Sự khám phá việc chuyển đổi giới tính bên trong của nhân vật trữ tình với bàn tay của tác nhân bên ngoài là người đàn ông, và bên trên là định mệnh của Cha thí thiết, còn sâu xa trong nội giới là tiếng kêu của một thiên hướng thầm kín, nhưng rồi cũng sẽ là một kẻ mãi mãi bị đày đọa trong giới tính khác thường như bị đày trong địa ngục của mình…
8. Thay lời tạm kết
Đến với vũ trụ nghệ thuật và kiến giải diễn ngôn giới/ đồng tính trong thi phẩm này vốn là một hành trình phức tạp và gian nan, nếu muốn tìm kiếm được cái gì mới. Ở đây, chúng tôi đã chọn một lối đi từ hình bóng tác giả đến tác phẩm, sau đó tìm hiểu cấu trúc thi phẩm bằng cách xếp chồng văn bản để phát hiện các hệ đề tài cũng như những hằng số của lối viết. Từ đó giải mã lối viết huyền thoại, phân tích hình tượng người cha và người mẹ bằng cách đọc phân tâm học để tìm chìa khóa mở cánh cửa bí ẩn của đồng tính nam và đặc biệt lôi viết nữ “ẩn”. Cuối cùng bài viết đi sâu vào chủ điểm tình yêu/tình dục đồng tính nam và cách viết thô ráp cũng như tìm lối viết lạ về nó để đưa lại những thông điệp nhân bản mới, có chiều sâu về thân phận kiếp người.
Tóm lại, nếu chúng ta nghiên cứu thi tập trên và diễn ngôn về giới /đồng tính dưới nhiều lăng kính của các phương pháp tiếp cận từ các lý thuyết phê bình hiện đại khác nhau và với cách khảo tả tỉ mỉ văn bản thì những kết quả thú vị và bất ngờ sẽ hiện ra như một phần thưởng cho hành trình đọc kiên trì và vất vả.
Tài liệu tham khảo
[1] Brokes, Emma (9 Jun 2019). “Ocean Vuong: ‘As A Child I Would Ask: What’s Napalm?’” (Interview), The Guardian. Retrieved from https://www.theguardian.com/books/2019/jun/09/ocean-vuong-on-earth-we-are-briefly- gorgeous-interview [2] Kellaway, Kate (9 May 2017). “Night Sky with Exit Wounds by Ocean Vuong Review – Violence, Delicacy and Timeless Imagery”, The Guardian. Retrieved from https://www.theguardian.com/books/2017/may/09/night-sky-with-exit-wounds-ocean-vuong- review [3] Lee, Li-Young (no date). “For Night Sky with Exit Wounds, Ocean Vuong”, Copper Canyon Press. Retrieved from https://www.coppercanyonpress.org/pages/browse/book.asp?bg=%7B22111C10-96F9-4D24- AD78-EF8192FDFBE4%7D [4] Vuong, Ocean (2016). Nigh Sky with Exit Wounds. Washington: Copper Canyon Press. [5] Vuong, Ocean (2018). Trời đêm những vết thương xuyên thấu, Hoàng Hưng dịch, Nxb Hội Nhà văn và Phanbook, Hà Nội. [6] Vuong, Ocean (2019). On Earth We’re Briefly Gorgeous. Penguin Books.Chú thích:
1 PGS, TS, Khoa Ngữ Văn – Đại học Sư phạm Huế. Email: buunamthp@gmail.com
2 Tên thi phẩm dùng trong bài viết này được dùng theo cách dịch của tác giả bài viết.
3 Tên tiểu thuyết theo cách dịch của tác giả bài viết. Những chỗ không chú thích là theo cách dịch của Hoàng Hưng.
4Trích dẫn thơ trong bài viết được trình bày theo hình thức của nguyên tác và bản dịch Việt ngữ của Hoàng Hưng.
5 Nguyên ngữ: “An American soldier fuckd a Vietnames farmgirl. Thus my mother exists. Thus I exist. Thus no bombs = no family = no me” (“Notebook Fragment”, [4, p.70])
6 Ở đây cũng có thể đề cập đến vấn đề tình dục, cưỡng hiếp tình dục của binh sĩ tham chiến Mỹ trong chiến tranh, các nạn nhân phụ nữ Việt trong các vụ cưỡng hiếp này – những người chịu số phận của các công cụ trò chơi giải quyết tình dục như bà của Ocean Vuong. Hệ quả là những “đứa con lai” như mẹ ông, phải gánh chịu mặc cảm do các thành kiến xã hội.
7 Tức “Hài văn” một thể loại văn học thời Edo (Giang Hộ, 1603-1868). Haibun có sự hòa trộn giữa thơ và văn xuôi, được dùng nhiều trong ghi chép du hành.
8 Nguyên ngữ: “The landscape crossed with a pen reappears here”
_________
Bài viết đã được đăng trong Kỷ yếu hội thảo quốc gia Văn học và Giới, Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, tháng 10/2019.