SINH THÁI HỌC TINH THẦN VÀ NHỮNG GỢI DẪN CHO NGHIÊN CỨU VĂN CHƯƠNG

Khi được hỏi: “Chúng ta cần làm những gì để cứu vãn thế giới?”, thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời: “Những gì chúng ta cần làm nhất là lắng nghe tiếng khóc của Trái đất”. Câu nói khơi nguồn cảm xúc này đã được tiến sĩ, giáo sĩ của dòng tu Naqshbandi Sufi Llewellyn Vaughan-Lee chọn để đặt tên cho cuốn sách nổi tiếng: Sinh thái học tinh thần: Tiếng khóc của Trái đất (Spiritual Ecology: The Cry of the Earth)[1]. Các nhà bình luận gọi cuốn sách này là “một kho báu”, “một trong những cuốn sách gây cảm hứng nhất thời đại”, “là một công cụ kết nối chính mình với Trái đất”. “Hãy đọc và sống với nó!”, bởi đây là “cuốn sách rất quan trọng cho sự sống còn của nhân loại”, là “chìa khóa cho tương lai của chúng ta”[2]. Cuốn sách này chính là tác nhân thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của một phong trào bảo vệ môi trường mới, đó là Sinh thái học tinh thần. Kể từ cuối những năm 1980, sự quan tâm đến mối quan hệ giữa tinh thần và sinh thái đã tăng lên rất nhanh, nhưng phải đến năm 2013, sau khi cuốn sách của Llewellyn Vaughan-Lee ra đời, ngọn lửa của sinh thái học tinh thần mới thực sự được thổi bùng lên vào lan nhanh đến nhiều ngành khoa học cũng như các hoạt động thực tiễn khác.

Theo các nhà sinh thái học, các vấn đề môi trường hàng đầu không phải là mất đa dạng sinh học, suy thoái hệ sinh thái và biến đổi khí hậu mà là sự ích kỷ, tham lam và thờ ơ của nhân loại. “Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta cần một sự thay đổi văn hóa và tinh thần”[3]. Vì vậy, cứu vãn hệ sinh thái và tính bền vững của nó nhất thiết phải phụ thuộc vào nhận thức tâm linh và tinh thần, thái độ, trách nhiệm của mỗi người. Nghĩa là cần sự thức tỉnh tập thể về mặt tinh thần. Trong nghiên cứu văn học, sinh thái học tinh thần là một lĩnh vực có tính khả dụng rất cao, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng môi trường hiện nay.

1. Khái niệm sinh thái học tinh thần

Sinh thái học tinh thần là sự kết hợp của hai từ tinh thần và sinh thái học. Đây là một thuật ngữ mang tính tổng quát. “Sinh thái học tinh thần có thể được định nghĩa với một phạm vi rộng lớn, phức tạp, đa dạng và năng động bao gồm các hoạt động nghiên cứu và thực tiễn (trong lĩnh vực tôn giáo, tinh thần và môi trường)”[4] cũng như sự giao thoa giữa ba lĩnh vực đó. Nhà phê bình sinh thái Lỗ Khu Nguyên (Trung Quốc) cho rằng: Sinh thái học tinh thần “là sự thể hiện thái độ đạo đức và quan niệm giá trị của con người đối với thế giới tự nhiên, là linh hồn của văn minh sinh thái”[5]. Các học giả phương Tây như Llewellyn Vaughan-Lee (Anh), Leslie Sponsel (Mỹ)… cũng đưa ra khái niệm tương tự, nhưng ngắn gọn và có tính thời sự hơn: Sinh thái học tinh thần “là phản ứng tinh thần đối với cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay”[6]

Các nhà sinh thái học tinh thần khẳng định rằng những yếu tố tinh thần, tôn giáo là gốc rễ của các vấn đề môi trường; yêu cầu cấp bách để giải quyết nguyên nhân căn bản của các vấn đề môi trường không phải là những giải pháp chính trị, kinh tế hay khoa học kỹ thuật, mà là tinh thần. Vì thế, việc bảo vệ môi trường hiện nay cần bao gồm các lĩnh vực tinh thần, tôn giáo và tâm linh; bao gồm nhận thức và hành động tham gia vào các vấn đề sinh thái.

 Về mặt lý thuyết, ngoài cuốn sách của Llewellyn Vaughan-Lee, cũng trong năm 2013, nhà nhân học sinh thái và sinh thái học tinh thần Leslie Sponsel cũng cho xuất bản cuốn Sinh thái học tinh thần: Một cuộc cách mạng yên tĩnh (Spiritual ecology: A Quiet Revolution). Có thể nói, hai cuốn sách này là điểm tựa vững chắc cho mọi lý thuyết và quan điểm về sinh thái học tinh thần.

2. Nhận thức của sinh thái học tinh thần

  Nhận thức là điều cơ bản nhất của sinh thái học tinh thần. Các nhà sinh thái học tinh thần thường chú ý đến mối quan hệ giữa tôn giáo và tinh thần với môi trường, biểu hiện ở ba địa hạt: trí tuệ bản địa, niềm tin tôn giáo và thức tỉnh tinh thần.

 2.1. Trí tuệ bản địa với sinh thái học

Nhiều thách thức lớn của thế giới có thể cần lời khuyên từ sự khôn ngoan của quá khứ còn được lưu giữ ở một số dân tộc cổ nhất, thách thức về môi trường cũng vậy. Sinh thái học tinh thần thừa nhận rằng có một dòng chảy kinh nghiệm riêng xuyên suốt lịch sử với ý thức về các nguyên tắc, giá trị và thái độ đối với sinh thái trong trí tuệ bản địa. Theo truyền thống, người dân bản địa đã xem Trái đất là bối cảnh tinh thần trung tâm[7], sống hài hòa với Trái đất dựa trên những nguyên tắc bền vững về môi trường, không khai thác môi trường cũng như không hủy diệt tương lai. Đó thái độ và cách thức sống bắt nguồn từ đất đai và gắn bó với nơi chốn[8]. Sinh thái học tinh thần hướng chúng ta coi trọng những con người có truyền thống này để hiểu được căn nguyên cuộc khủng hoảng sinh thái và khủng hoảng tinh thần hiện nay cũng như tìm ra hướng đi cho việc khôi phục cân bằng sinh thái.

Theo nhiều giáo lý bản địa, cuộc sống như là một hành động liên tục của cầu nguyện và tạ ơn, của sự hiểu biết và mối quan hệ cộng sinh với thế giới tự nhiên sống động. Cách lý giải này hàm ý sự hợp nhất và tương quan giữa con người, Trái đất và vũ trụ.

Qua trường kỳ lịch sử, với sự hình thành các thuộc địa, sinh thái tinh thần bản địa đã bị thay thế bởi một niềm tin phương Tây rằng đất đai và môi trường là những thứ có thể sử dụng và khai thác. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên được mỹ hóa dưới tên gọi là sự phát triển kinh tế xã hội. Quan điểm này “có khuynh hướng loại bỏ bất kỳ giá trị tinh thần nào của đất đai, chỉ dựa vào giá trị kinh tế, và điều này làm cho các cộng đồng rời xa mối quan hệ thân thiết với môi trường của họ”[9], dẫn đến “hậu quả tàn phá đối với người bản địa và tự nhiên trên khắp thế giới”[10]. Từ tất cả những gì còn gìn giữ được, các nhà sinh thái học tinh thần nhận ra rằng vận dụng trí tuệ bản địa là rất quan trọng để đảm bảo sự hiểu biết sâu sắc về môi trường xung quanh, tìm kiếm sự thay đổi chính mình một cách khôn ngoan và cứu vãn sự suy thoái của môi trường một cách hữu hiệu.

Tính chất thiêng liêng là đặc điểm của văn hóa bản địa. Người dân bản địa thường cho rằng họ có thể liên lạc được với cây cối, truyền thông và tương thông với vạn vật theo nhiều cách khác nhau. Nhiều nền văn hoá bản địa tin rằng các điệu múa, lời ca và lời cầu nguyện của họ có thể nâng cao năng lượng và sức khỏe cho Mẹ Trái đất, đặc biệt là trong thời đại suy thoái môi trường. Nghi lễ thiêng liêng cũng là một đặc trưng của trí tuệ bản địa. Từ thuở xa xưa, người ta đã sử dụng nghi lễ và lễ nghi để kết nối với Mẹ Trái đất và với vũ trụ. Những lời tiên tri cổ đại, những câu chuyện thần thoại… đều mang thông điệp bảo vệ Trái đất. Vì vậy, Thomas Berry từng kêu gọi: Chúng ta phải tuân theo các luật lệ ban sơ này, tôn kính mọi sinh vật sống – từ côn trùng thấp nhất đến đại bàng vĩ đại trên bầu trời; và có nghĩa vụ cúi đầu trước sự hùng vĩ của núi rừng, đồng cỏ, sa mạc, bờ biển. Khi chúng ta có lòng biết ơn và quan tâm sâu sắc đến tất cả các sinh vật, chúng ta sẽ hàn gắn sự trống rỗng và khôi phục lại sự toàn vẹn bên trong của chính mình. Đó là sự thay đổi cần thiết về ý thức và tinh thần như người đồng sáng lập Pachamama Alliance (Tổ chức bảo vệ môi trường tại San Francisco) John Perkins từng tiết lộ: “Chúng ta đang sống trên Trái đất, và chúng ta đang tiêu diệt nó. Sự thay đổi trong ý thức là cách duy nhất để tiến về phía trước. Pachamama (Mẹ Trái đất) đang nói chuyện với chúng ta và nói với chúng ta rằng chúng ta phải thay đổi”[11].

2.2. Tôn giáo với sinh thái học

“Khi mọi thứ khác thất bại, hãy thử tôn giáo”[12]. Đó là luận điểm nhằm giải thích yêu cầu thử một góc nhìn mới về các vấn đề môi trường mà nhân loại phải đối mặt của nhà nghiên cứu sinh thái học tinh thần và nhân học sinh thái Leslie Sponsel.

Về lý thuyết, “Sinh thái học tinh thần không dựa vào bất kỳ một tôn giáo hay đường lối tâm linh nào, mà chủ yếu dựa vào sự thừa nhận bản chất thiêng liêng của tất cả các tạo vật”[13]. Các giáo lý về môi trường được hiện diện trong bốn tôn giáo trên thế giới: Kitô giáo, Phật giáo, Hindu giáo và Hồi giáo. Ở những tôn giáo này, chủ nghĩa môi trường đang trở thành một lĩnh vực nghiên cứu và hành động. Mỗi một tôn giáo đều đang phát triển một thuật ngữ riêng liên quan tới trách nhiệm đạo đức này. Quản lý vì Trái đất (Stewardship for the Earth) được nhắc đến nhiều hơn trong Do Thái giáo và Kitô giáo, Trách nhiệm quản lý vì Trái đất (Trusteeship for the Earth) trong Hồi giáo, và Quan tâm tới Tạo hóa (Care for Creation) là thuật ngữ các nhà truyền giáo thường sử dụng. Các nhà môi trường Kitô giáo nhấn mạnh đến trách nhiệm sinh thái của tất cả giáo dân – những người quản lý đất đai của Chúa. Sinh thái học tôn giáo Hồi giáo hiện nay được lấy cảm hứng từ các chủ đề của Hồi giáo, chẳng hạn như nhân loại là khalifa (người kế nhiệm/người ủy thác) của Thiên Chúa (Allah) trên Trái đất; đồng thời nhấn mạnh những mệnh lệnh giữ gìn và bảo vệ môi trường trong Kinh Koran như khuyến khích trồng cây xanh, nghiêm cấm giết hại thú vật, chim muông một cách vô ích, nghiêm cấm gây ô nhiễm môi trường dưới mọi hình thức… Ngoài ra còn có một quan điểm sinh thái Do Thái dựa trên Kinh ThánhKinh Koran là luật Bal tashchit – giới luật của đạo Do Thái liên quan đến đạo đức môi trường, quy định không tiêu diệt một cách tùy tiện và không lãng phí tài nguyên một cách không cần thiết. Phật giáo tham gia áp dụng nguyên tắc và giáo lý vào các vấn đề xã hội và môi trường. Có thể tìm thấy ở Phật giáo sinh thái một bộ sưu tập các phản ứng của tôn giáo này đối với sự nóng lên toàn cầu[14].

2.3. Tinh thần với sinh thái học

“Trong khi chủ nghĩa môi trường theo tôn giáo được đặt nền tảng trong các thánh kinh và thần học, thì có một phong trào về môi trường gần đây thể hiện sự cần thiết có một cách tiếp cận sinh thái dựa trên nhận thức tinh thần hơn là niềm tin tôn giáo”[15]. Các cá nhân chọn cách tiếp cận này có thể đã có một nền tảng tôn giáo, nhưng tầm nhìn sinh thái của họ xuất phát từ kinh nghiệm tinh thần. Sự khác biệt giữa sinh thái học theo định hướng tinh thần và sinh thái học gắn kết với tôn giáo có thể được xem như là cách mà phong trào liên tinh thần tách ra khỏi liên tôn giáo và đối thoại liên tôn giáo để tập trung vào trải nghiệm thực tế[16]. “Sinh thái học tinh thần khám phá tầm quan trọng của các chiều kích tinh thần, kinh nghiệm liên quan đến cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay của chúng ta”[17].

Thiền sư Thích Nhất Hạnh khẳng định “chúng ta cần một sự thức tỉnh tập thể”, ông nói rất nhiều về tầm quan trọng của chánh niệm trong việc chăm sóc Mẹ Trái đất, và cách thức cầu nguyện cao nhất là tương giao thực sự với Trái đất[18]. Ông chỉ ra rằng tình yêu và sự kết nối là trái tim của hệ sinh thái tinh thần. Vào tháng 5 năm 2015 thông điệp Laudato Si’ của đức Giáo hoàng Francis: Tiếp tục chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta xác nhận rằng “Khủng hoảng sinh thái về cơ bản là một vấn đề thuộc tinh thần”[19], cần thiết phải có một phản ứng tinh thần và đạo đức đối với cuộc khủng hoảng môi trường, đưa chủ đề sinh thái tinh thần đi tiên phong trong phong trào sinh thái hiện nay ra thảo luận. Tông thư này được nhà hoạt động môi trường Bill McKibben nhận định là đã “mang theo toàn bộ sức nặng của tinh thần để đối phó với nguy cơ toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra”[20].

Nhà khoa học môi trường và lãnh đạo về sinh thái bền vững David Suzuki cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa tinh thần vào giải quyết khủng hoảng sinh thái: “Cách chúng ta nhìn về thế giới sẽ quy định cách chúng ta đối xử với nó. Nếu mỗi ngọn núi là một vị thần chứ không phải là đống quặng, nếu mỗi con sông là một tĩnh mạch của đất chứ không phải là nguồn nước tưới vô tận, nếu mỗi khu rừng là một nơi chốn thiêng liêng chứ không phải là kho gỗ, nếu các loài khác là những sinh mệnh chứ không phải nguồn tài nguyên, hoặc nếu hành tinh là mẹ của chúng ta chứ không phải là một đối tượng để lợi dụng, thì chúng ta sẽ đối xử với chúng một cách tôn trọng hơn. Đó là thách thức, là cách nhìn thế giới từ một góc nhìn khác”[21]. Giáo sĩ Llewellyn Vaughan-Lee đề xuất rằng nhân loại không nên chỉ hướng sự chú ý của mình đến những thiệt hại của thế giới vật chất, mà cần phải quan tâm nhiều hơn đến linh hồn của nó, hay linh hồn của thế giới (world soul).

            Theo Llewellyn Vaughan-Lee, trọng tâm của sinh thái học tinh thần là nhận thức rằng cuộc khủng hoảng sinh thái bên ngoài hiện nay là sự phản ánh của một cuộc khủng hoảng tinh thần bên trong của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta ít nhận thức được cuộc khủng hoảng tinh thần bên trong đang gây ra cuộc khủng hoảng bên ngoài này. Đó là việc thiếu nhận thức về tính thiêng liêng của sự sống, về sự kết nối giữa bên ngoài và bên trong, giữa cá nhân và tất cả các tạo vật mà người dân bản địa đã hiểu ngay từ buổi sơ khai. Chúng ta không thể chữa lành các triệu chứng mà không biết nguyên nhân, không thể giải quyết khủng hoảng sinh thái bên ngoài mà không có ý thức thực sự về tinh thần bên trong, không thể cứu rỗi môi trường vật chất mà không khôi phục mối quan hệ của chúng ta với sự thiêng liêng của tạo vật.

Con người có thể dễ dàng nhận thấy được những dấu hiệu bên ngoài của cuộc khủng hoảng sinh thái như sự ô nhiễm nguồn nước, biến mất các loài và biển đổi khí hậu. Nhưng chúng ta không nhận thức được những thay đổi bên trong, đặc biệt là khi nền văn hoá phương Tây đã nhiều thế kỷ loại bỏ thế giới bên trong, tuyên bố rằng chỉ có thế giới vật chất là có thật. Vậy là trong nội tâm, trong tâm hồn chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng nguy hiểm không kém cuộc khủng hoảng bên ngoài. Chúng ta thậm chí đã quên rằng thế giới cũng có một linh hồn. Các Mundi anima (linh hồn thế giới) không còn là một phần của ý thức tập thể, mặc dù trong nhiều thế kỷ nó được hiểu như là gốc rễ của tất cả mọi thứ thiêng liêng trong tạo vật[22]. Thomas Berry đã dùng một từ rất ấn tượng cho sự khủng hoảng tinh thần do tuyệt giao với linh hồn thế giới: “tự kỷ”. “Chúng ta chỉ nói chuyện với chính mình. Chúng ta không nói chuyện với các dòng sông, chúng ta không lắng nghe gió và các vì sao. Chúng ta đã phá vỡ cuộc trò chuyện tuyệt vời. Bằng sự phá vỡ cuộc trò chuyện đó, chúng ta đã phá vỡ thế giới của mình. Tất cả những thảm họa đang xảy ra hiện nay đều là hậu quả của chứng “tự kỷ” tinh thần”[23]. Đánh thức tâm linh, nối lại sợi dây thiêng liêng đã từng bị đứt giữa tâm linh con người với thế giới tự nhiên, nhận biết những khủng hoảng bên trong để tìm lại sự cân bằng cho bản thân và toàn thế giới… là một vài trong số những cách mà các nhà sinh thái học tinh thần mang lại cho chúng ta nhận thức về bản chất thiêng liêng của thế giới và trách nhiệm của chính mình. 

3. Hoạt động thực tiễn bảo vệ môi trường của sinh thái học tinh thần

Hoạt động vì sinh thái của sinh thái học tinh thần đã và đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, thu hút nhiều cá nhân và tổ chức tham gia. Đồng thời, với đặc thù tác động vào tâm linh con người, các hoạt động của sinh thái học tinh thần đều mang lại hiệu quả cao và độ lan tỏa rộng lớn trên khắp thế giới. Nhìn chung, hoạt động của sinh thái học tinh thần tập trung vào hai mảng: hoạt động tri thức và hành động thực tiễn.

3.1. Hoạt động tri thức

Sinh thái học tinh thần đang được các giáo sư đại học phát triển trong giảng dạy và nghiên cứu. Nhiều tổ chức học thuật được thành lập: Bộ môn Tôn giáo và Tự nhiên thuộc Khoa Tôn giáo học (Đại học Florida), Trung tâm Sinh thái học tinh thần trong Chương trình Nhân học Sinh thái (Đại học Hawaii), Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hóa (Đại học Vanderbilt), Dự án Liên ngành về Biến đổi Khí hậu trong ban Lâm nghiệp – Nghiên cứu Môi trường (Đại học Yale), Chương trình Tôn giáo và Đời sống cộng đồng (Đại học Northwestern). Ngoài ra, Học viện Thần học Boston, Học viện Nghiên cứu Integral California và Trường Schumacher ở Anh đều có các chương trình liên quan đến sinh thái học tinh thần.

Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Tôn giáo, Thiên nhiên và Văn hóa được thành lập vào năm 2006 dành cho nghiên cứu đa ngành về sinh thái tinh thần. Đây là “một cộng đồng các học giả tham gia vào cuộc điều tra quan trọng về mối quan hệ giữa con người với nền văn hoá đa dạng, môi trường, niềm tin và thực tiễn tôn giáo”[24]. Hiệp hội tổ chức các hội nghị quốc tế và xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Tự nhiên và Văn hoá (Study of Religion, Nature and Culture). Ngoài ra, còn có các tạp chí khác liên quan đến sinh thái tinh thần, bao gồm Thế giới quan: Môi trường, Văn hoá, Tôn giáo, Toàn cảnh (Worldviews: Environment, Culture, Religion, Whole Terrain), Chòm sao Lạp Hộ (Orion), (Bánh xe màu sắc) Color Wheel

Hoạt động bảo vệ môi trường của sinh thái học tinh thần được hình thành, phát triển và dẫn dắt bởi các cá nhân có trải nghiệm sâu sắc về tính thiêng liêng của thế giới tự nhiên và đấu tranh để bảo vệ nó. Đồng thời, những hoạt động đó được thực hiện bằng các nguyên tắc tinh thần và sự hợp tác liên ngành.

Robin Wall Kimmerer, giáo sư Sinh học Môi trường và Rừng thuộc Đại học Khoa học Môi trường và Lâm nghiệp bang New York, gần đây đã thành lập Trung tâm Dân tộc và Môi trường (Center for Native Peoples and the Environment)[25], làm cầu nối giữa nghiên cứu khoa học về sinh thái và môi trường với các kiến thức sinh thái truyền thống, bao gồm cả tinh thần. Bà đã viết trong tạp chí BioScience của Oxford: “Kiến thức sinh thái truyền thống đang ngày càng được các nhà khoa học, các viện nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm như là một nguồn tài nguyên cho những khuôn mẫu ý tưởng mới về quản lý hệ sinh thái, bảo tồn sinh học và khôi phục sinh thái… Kiến thức sinh thái truyền thống không chỉ duy nhất có ở văn hóa của người Mỹ bản địa mà tồn tại trên khắp thế giới, là bản sắc của các dân tộc. Nó được sinh ra từ sự gần gũi và quan tâm lâu dài đối với quê hương và có thể phát sinh ở bất cứ nơi nào mà con người được hòa nhập về thể xác và tinh thần với cảnh quan của họ”[26].

Ngoài ra sinh thái học tinh thần đang nổi lên trong các lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Nghiên cứu về Nhận thức, Lý thuyết Hệ thống và Giả thuyết Gaia.

Các học giả quan trọng nhất trong nghiên cứu về lý thuyết sinh thái học tinh thần gồm có: Roger S. Gottlieb (Học viện Bách khoa Worcester), John Grim (Đại học Yale), Leslie Sponsel (Đại học Hawaii), Sarah McFarland Taylor (Đại học Northwestern), Bron Taylor (Đại học Florida), Mary Evelyn Tucker (Đại học Yale) và Mitchell Thomashow (Đại học Antioch New England).

3.2. Hành động thực tiễn vì môi trường

Quan điểm sinh thái học tinh thần thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo đức tin trên thế giới. Những đóng góp gần đây bằng văn bản và phát ngôn của đức Giáo hoàng Francis, đặc biệt là thông điệp Laudato si’ năm 2015 của ông cùng với sự tham gia đông đảo chưa từng có của 150 nhà lãnh đạo đức tin tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu ở Paris ngày 04 tháng 12 năm 2015 phản ánh sự phổ biến ngày càng rộng rãi của quan điểm sinh thái học tinh thần. Tại diễn đàn này, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon phát biểu rằng: “Các cộng đồng tín ngưỡng có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để giải quyết những thách thức về khí hậu. Họ nhắc nhở chúng ta về những quy tắc đạo đức,… về nghĩa vụ chăm sóc môi trường mong manh của Trái đất…”[27].

Các lãnh đạo đức tin như Đạt Lai Lạt Ma, Rowan Williams, Benedict cũng có những bài phát biểu rất hay về vấn đề môi trường. Song, theo Mary Evelyn Tucker, Giáo trưởng Chính thống giáo toàn thế giới Bartholomew mới là nhà phát ngôn về môi trường vĩ đại nhất, luôn coi môi trường như một thực thể thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Suốt 20 năm qua, ông đã tổ chức các cuộc hội thảo về nước trên khắp châu Âu, tại Greenland, Amazon và Misisippi. Ông cũng từng triệu tập các hội nghị thượng đỉnh về môi trường với sự tham gia của nhiều đại diện cấp cao của Liên hiệp quốc, Liên minh Châu Âu, các bộ trưởng môi trường và các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2002, Giáo trưởng Bartholomew đã ra tuyên bố chung với đức Giáo hoàng John Paul II quy định trách nhiệm chung của Kitô giáo trong việc bảo vệ môi trường và cho rằng những gì đang diễn ra hệt như một tội ác chống lại tạo hóa[28].

Ngoài Đức Giáo hoàng Francis, các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng có cam kết về quan điểm sinh thái đã làm việc kể từ những năm cuối thập niên 90 để tập hợp các nhà khoa học, các nhà môi trường, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạch định chính sách nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái và bảo vệ hành tinh của chúng ta[29]. Đó là một “nhiệm vụ thiêng liêng và là sự nghiệp chung, bởi suy cho cùng “sự nóng lên toàn cầu là một cuộc khủng hoảng tinh thần và thách thức về đạo đức”[30]. Tổ chức Hồi giáo về Sinh thái học và Khoa học Môi trường (IFEES) là một trong những nhà tài trợ cho Hội nghị Hồi giáo Quốc tế với chủ đề “Biến đổi khí hậu” được tổ chức tại Istanbul tháng 8 năm 2015. Kết quả là “Tuyên bố Hồi giáo về biến đổi khí hậu toàn cầu” được các lãnh tụ tôn giáo, các học giả và tu sĩ Hồi giáo đến từ 20 quốc gia phê chuẩn. Tháng 10 năm 2015, 425 giáo sĩ Do Thái đã ký “Bức thư của giáo đoàn về biến đổi khí hậu”, kêu gọi hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng suy thoái khí hậu và tìm kiếm sự công bằng về sinh thái xã hội. Những văn bản kinh thánh của đạo Hindu ám chỉ mạnh mẽ và thường xuyên mối liên hệ giữa con người và tự nhiên là nền tảng của Tuyên ngôn Hindu về biến đổi khí hậu được trình bày tại cuộc họp của Nghị viện các Tôn giáo Thế giới năm 2009. Nhiều tín đồ và các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới có mặt tại Hội nghị Biến đổi khí hậu 2015 và chia sẻ quan điểm: “Cứu hành tinh không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là đạo đức”[31]. Đức Karmapa thứ 17 Ogyen Trinley Dorje cũng tuyên bố: “Tình trạng khẩn cấp về môi trường mà chúng ta phải đối mặt không chỉ là một vấn đề khoa học, cũng không chỉ là một vấn đề chính trị, mà còn là một vấn đề đạo đức”[32] .

Đáng lưu ý là các tôn giáo khác nhau đã liên kết chặt chẽ trong công cuộc hoạt động vì sinh thái. Trung tâm phát triển bền vững Liên tôn (ICSD) được thành lập năm 2010, nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới nói về sự biến đổi khí hậu và tính bền vững, liên tục tổ chức các hội nghị về đức tin và sinh thái. Tại buổi họp mặt vào mùa thu năm 2015, Nghị viện các Tôn giáo Thế giới đã ra một tuyên bố cho Hành động liên chính phủ về biến đổi khí hậu, “kết hợp hơn 10.000 nhà hoạt động, giáo sĩ, giáo phẩm và các nhà lãnh đạo toàn cầu từ 73 quốc gia và 50 đức tin để đối phó với biến đổi khí hậu”[33].

Trong những năm gần đây, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (World Wide Fund for Nature – WWF) đã phát triển “Trái đất thiêng liêng: Đức tin vì bảo vệ môi trường” (Sacred Earth: Faiths for Conservation), một chương trình hợp tác với các nhà lãnh đạo tinh thần và các cộng đồng tín ngưỡng từ tất cả các truyền thống tâm linh khác nhau trên thế giới để đối mặt với các vấn đề môi trường như phá rừng, ô nhiễm, khai thác không bền vững, băng tan và nước biển dâng. Chương trình Sacred Earth là hoạt động của các nhà lãnh đạo dựa vào đức tin và cộng đồng, những người “lên tiếng tốt nhất về đạo đức và lý tưởng tinh thần cho giá trị thiêng liêng cũng như sự đa dạng của Trái đất, và cam kết bảo vệ nó”[34].

Một trong những dự án được phát triển từ chương trình Sacred Earth của WWF là Khoryug, thuộc vùng Đông Himalaya. Đó là hiệp hội của một số tu viện Phật giáo Tây Tạng hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được tổ chức dưới sự bảo trợ của đức Đạt Lai Lạt Ma và đức Karmapa thứ 17 Ogyen Trinley Dorje. Tôn chỉ của Khoryug là: “Nếu có cơ hội, tôi muốn khôi phục lại môi trường tự nhiên ở dãy Himalaya và Tây Tạng, đặc biệt là bảo vệ rừng, nước và động vật hoang dã của khu vực này”[35]. Khoryug đã ban hành các hướng dẫn về môi trường cho Phật tử và “thực hiện hơn 55 dự án của các tu viện để giải quyết sự suy thoái rừng, mất nguồn nước, buôn bán động vật hoang dã, ô nhiễm và biến đổi khí hậu”[36]. Krishna Kant Shukla, nhà vật lý học và nhạc sĩ, được chú ý bởi các bài giảng về “Làng Ấn Độ như là những mô hình phát triển bền vững” và ông đã lập làng sinh thái Saha Astitva theo mô hình trang trại hữu cơ của bộ lạc Maharashtra (Ấn Độ).

Một xu hướng nữa được hình thành từ phong trào nữ quyền, đó là sự thừa nhận phụ nữ – theo bản năng tự nhiên – có khả năng đặc biệt trong việc bảo vệ tài nguyên của Trái đất. Wangari Maathai sáng lập Phong trào Vành đai xanh (Green Belt Movement) của Châu Phi, ban đầu được hình thành từ những phụ nữ trồng cây, động cơ của bà bắt nguồn từ những trải nghiệm tinh thần hoặc những huyền bí trong tự nhiên. Jane Goodall sáng lập các chương trình bền vững ở Châu Phi, nhiều chương trình được thiết kế với mục đích trao quyền cho các bé gái và phụ nữ. Vandana Shiva, nhà nữ quyền Ấn Độ, đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực như tiết kiệm hạt giống, bảo vệ các trang trại nhỏ ở Ấn Độ và phản đối việc kinh doanh nông nghiệp. Các nhà môi trường liên ngành đương đại khác đang hoạt động vì sinh thái bao gồm Wendell Berry – nông dân, nhà thơ và học giả sống ở Kentucky – người đấu tranh cho các trang trại nhỏ và phê phán kinh doanh nông nghiệp; Satish Kumar, cựu tu sĩ đạo Jain và là người sáng lập Trường Cao đẳng Schumacher, một trung tâm nghiên cứu sinh thái…

Đó là những nỗ lực của nhiều cá nhân và tổ chức hướng tới một trạng thái đoàn kết và hòa hợp với Trái đất sau một khoảng thời gian bất hòa và phân tách.

4. Vận dụng sinh thái học tinh thần vào nghiên cứu văn văn học

“Một con cá không thể chết đuối trong nước,

Một con chim không thể rơi trong không khí.

… Mỗi sinh vật do Thiên Chúa tạo ra

Phải được sống theo bản chất thật của nó”…[37].

Trong những câu thánh thi được viết vào đầu thế kỷ thứ XIII, nữ tu sĩ và là nhà thơ tôn giáo của Đức Mechthild Of Magdeburg đã khẳng định quy luật sống bền vững của tự nhiên như tin vào ngọn lửa sáng tạo của Thiên Chúa không bao giờ tắt. Tuy nhiên, đến thời hiện đại, quy luật ấy đã bị đảo lộn với vô vàn điều bất thường: cá vẫn chết trong nước và chim vẫn rơi trong không khí. Khi những hiện tượng bất thường đó xảy ra, tất cả mọi người, mọi ngành đều phải nhập cuộc, văn học cũng vậy. Từ “tiếng chuông chánh niệm” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà sinh thái học tinh thần Llewellyn Vaughan-Lee đã tha thiết bày tỏ: “Trái đất cần sự chú ý của chúng ta. Nó cần giúp chữa lành thân thể bị thương tổn bởi sự bóc lột, cũng như linh hồn bị thương tổn bởi sự xúc phạm của chúng ta – xúc phạm bản chất thiêng liêng của nó”[38]. Văn học thế giới mấy thập kỷ lại đây đã đáp lời tiếng chuông chánh niệm đó bằng các công trình sáng tác và phê bình mang tư tưởng sinh thái.

Nghiên cứu văn học từ sinh thái học tinh thần là cách tiếp cận, lý giải tác phẩm văn chương từ góc độ tôn giáo, tinh thần và tâm linh. Cuộc “khởi nghĩa của sinh thái” (Ecological uprising) phát triển sâu rộng trong nghiên cứu văn học từ khoảng đầu thập niên 90, trước sinh thái học tinh thần hơn một thập kỷ. Nhìn lại tiến trình của phê bình sinh thái với các trước tác tiêu biểu, có thể thấy hầu như mọi biểu hiện của sinh thái học tinh thần đều được các nhà nghiên cứu văn học phân tích và kiến giải sâu sắc qua các công trình nghiên cứu trường hợp, mặc dù tên gọi thuật ngữ sinh thái học tinh thần không được nêu đích danh ở đề tài của các tiểu luận, chuyên luận. Nguyên do là sinh thái học tinh thần được định danh và nổi danh muộn hơn, hoặc có thể vì các nhà nghiên cứu đều ý thức rằng đây là một thuật ngữ mang tính tổng quát, không thuần lý luận mà luôn gắn với hoạt động thực tiễn. “Sinh thái học tinh thần có thể được định nghĩa với một phạm vi rộng lớn, phức tạp, đa dạng và năng động bao gồm các hoạt động nghiên cứu và thực tiễn trong lĩnh vực tôn giáo, tinh thần và môi trường” cũng như sự giao thoa giữa ba lĩnh vực đó. Các biểu hiện của sinh thái học tinh thần trong văn học được cụ thể hóa bằng các đề tài liên quan đến quan niệm về hoang dã, trí tuệ sinh thái bản địa, ý thức sinh thái, đạo đức sinh thái, thần học sinh thái, nữ quyền sinh thái…  và đạt được những thành tựu nhất định. Quan niệm về hoang dã: Từ thời tiền sử đến thời đại sinh thái học (The Idea of Wilderness: From Prehistory to the Age of Ecology, 1991) của Max Oelschlaeger, Aldo Leopold và lương tri sinh thái (Aldo Leopold and the Ecological Conscience, 2002) của Richard L. Knight và Susanne Riedel, Động vật trong thơ và linh hồn của động vật (Poetic Animals and Animal Souls, 2003) của Randy Malamud, Khôi phục lại mối quan hệ với thế giới tự nhiên: Những tiểu luận về tưởng tượng môi trường của người Mỹ gốc Phi (Restoring the Connection to the Natural World: Essays on the African American Environmental Imagination) củaSylvia Mayer, Đạo đức sống của Thoreau: “Walden” và sự tu thân (Thoreau’s Living Ethics: “Walden” and the Pursuit of Virtue, 2004) của Philip Cafaro, Lắng nghe mặt đất: sự đáp lời với cảnh quan trong văn học Mỹ bản địa (Listening to the Land: Native American Literary Responses to the Landscape, 2008) của Lee Schweninger, Tình yêu hoang dã của Thiên Chúa: Nguồn gốc Kitô giáo về luân lý học sinh thái trong văn học Mỹ (Loving God’s Wildness: The Christian Roots of Ecological Ethics in American Literature, 2015)... đã đề cập đến những bình diện khác nhau của sinh thái học tinh thần.

Theo Leslie Sponsel – tác giả cuốn sách Sinh thái học tinh thần: Một cuộc cách mạng yên tĩnh (Spiritual Ecology: A Quiet Revolution), phương pháp tiếp cận thế tục đối với các mối quan tâm về môi trường là hoàn toàn cần thiết và đã có những tiến bộ to lớn, nhưng chúng chưa đủ. Vô số phương pháp tiếp cận đa dạng trong khuôn khổ của hệ sinh thái tinh thần có thể là cơ hội cuối cùng cho sự sống còn của chúng ta[39]. Cơ hội đó cũng đã và đang mở ra nhiều hướng đề tài cho nghiên cứu văn chương, đặc biệt là nghiên cứu trong nước. Phê bình sinh thái ở Việt Nam là sự “phản ứng chậm” và đang trong bước khởi động. Rất nhiều bình diện thuộc về sinh thái học tinh thần có thể được xem là những đề tài tiềm năng của phê bình sinh thái. Văn hóa bản địa với thuyết linh thú, totem giáo và đất đai linh thiêng; tư tưởng tôn trọng sinh mệnh, kính sợ tự nhiên; tâm linh, tình cảm, đạo đức, trí tuệ sinh thái; sự khủng hoảng tinh thần, chứng tự kỷ sinh thái; và đặc biệt là tư tưởng sinh thái trong tôn giáo… nghĩa là tất cả những gì thuộc về tinh thần, tâm linh trong văn học có liên quan đến sinh thái sẽ là đối tượng phong phú và hấp dẫn cho nghiên cứu văn học.

*

Nhà sinh thái học tinh thần Llewellyn Vaughan-Lee thiết tha bày tỏ rằng, “chúng ta đang ở “giờ thứ mười một”, hoặc thậm chí là vài phút trước nửa đêm trong tình hình sinh thái toàn cầu có thể dẫn đến sự thay đổi khí hậu thảm khốc hoặc xảy ra các tình huống không thể đảo ngược[40]. Nghĩa là nhân loại đang ở ngưỡng “tai biến” về môi sinh – tai biến của các hiện tượng và hình thái của tự nhiên [41]. Cơn tai biến đó có thể ập đến bất cứ lúc nào nếu chúng ta không quyết liệt trong nhận thức và hành động. Sinh thái học tinh thần là một trong những giải pháp ngăn ngừa tai biến, hàn gắn lại sự gãy đỗ linh hồn trong văn hóa nhân loại. Chạm đến mọi ngõ ngách trong thế giới tinh thần phức tạp và huyền bí của mỗi cá nhân và toàn cộng đồng, sinh thái học tinh thần mở ra cho phê bình sinh thái trong văn học nói một chân trời tiếp nhận và khai phá mới. Theo Leslie Sponsel, chân trời đó là “một cuộc cách mạng yên tĩnh”[42] đòi hỏi sự thay đổi căn bản và sâu sắc về ý thức cũng như lối sống của cá nhân và xã hội, cụ thể là suy nghĩ lại, cảm nhận lại và thể hiện lại vị trí của con người trong tự nhiên để ngăn chặn hoặc chỉ để thích ứng với những thách thức môi trường quan trọng. Dĩ nhiên, “phê bình sinh thái không thể tách khỏi tự nhiên để nghiên cứu mối quan hệ đơn thuần giữa con người và con người, con người và xã hội hay thế giới nội tâm của con người”[43]. Vì vậy, cần lưu ý là những vấn đề văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo không liên quan đến ý thức môi trường hay thế giới tự nhiên thì không thể trở thành đối tượng của phê bình sinh thái.

—————————————————-

[Tham luận tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái – Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu”, Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tháng 01/2018 (có chỉnh sửa)]

—————————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Engagement, “Leslie Sponsel on Spiritual Ecology, Connection, and Environmental   Change”, http://ae.americananthro.org/leslie-sponsel-on-spiritual-ecology-connection-and-environmental-change/.

[2]. Neril,Yonatan,  “Judaism and Environmentalism: Bal Tashchit”,

     http://www.chabad.org/library/article_cdo/aid/1892179/jewish/Judaism-and-Environmentalism-Bal-Tashchit.html.

[3]. Trần Thị Ánh Nguyệt – Lê Lưu Oanh (2016), Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái (Chuyên luận), Nxb. Giáo dục.

[4]. “Spiritual Ecology”, https://en.wikipedia.org/wiki/Spiritual_ecology.

[5]. Sponsel, Leslie E.,  Spiritual ecology: A Quiet Revolution,

       https://www.amazon.ca/Spiritual-Ecology-Revolution-Leslie-Sponsel/dp/0313364095 .

[6]. Tucker, Mary Evelyn, “Hóa giải thách thức môi trường bằng tôn giáo”,

       http://www.vacne.org.vn.

[7]. Bùi Thanh Truyền (2017), “Tinh thần sinh thái trong văn xuôi Nam Bộ”, Nxb. KHXH, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế Phê bình sinh thái Tiếng nói bản địa tiếng nói toàn cầu, tr. 578.

[8]. Vaughan-Lee, Llewellyn, Spiritual Ecology: The Cry of the Earth, The Golden Sufi Center, 2013.

[9]. Vaughan-Lee, Llewellyn, “Spiritual Ecology: The Solution to Our Climate Change Crisis?”, https://www.huffingtonpost.com/llewellyn-vaughanlee/spiritual-ecology-climate-change_b_790499.html.

[10]. 鲁枢元, “精神生态”, https://baike.baidu.com 

[11]. 王诺, 欧美生态文学, 北京大学出版社, 2011.

[12]. Những tài liệu có trích dẫn trong phần Chú thích

CHÚ THÍCH


[1] Vaughan-Lee, Llewellyn, Spiritual Ecology: The Cry of the Earth, The Golden Sufi Center, 2013.

[2] The Golden Sufi Center, NEW Edition, New Voices: SPIRITUAL ECOLOGY: The Cry of the Earth, A Collection of Essays edited by Llewellyn Vaughan-Lee, https://goldensufi.org/book_desc_s_ecology.html.

[3] Crockett, Daniel, “Connection Will Be the Next Big Human Trend”, http://www.huffingtonpost.co.uk/daniel-crockett/nature-connection-will-be-the-next-big-human-trend_b_5698267.html.

[4] Engagement, “Leslie Sponsel on Spiritual Ecology, Connection, and Environmental Change”, http://ae.americananthro.org/leslie-sponsel-on-spiritual-ecology-connection-and-environmental-change/.

[5] 鲁枢元, “精神生态”, https://baike.baidu.com/item/精神生态  /1820547?fr=aladdin.

[6] “Spiritual Ecology”, http://www.goldensufi.org;  https://www.facebook.com/pg/SpiritualEcology; http://www.huffingtonpost.com/llewellyn-vaughanlee/spiritual-ecology-climate-change_b_790499.html.

[7] Tucker, Mary Evelyn  and John A. Grim (eds.), Worldviews & Ecology: Religion, Philosophy, and the Environment, Orbis Books, 1994, tr. 11.

[8] Tu, Wei-Ming, “Beyond Enlightenment Mentality”, Worldviews & Ecology: Religion, Philosophy, and the Environment, Mary Evelyn Tucker and John A. Grim (eds.), 1996, (58-75), tr. 27.

[9] Ritskes, Eric, “A Great Tree Has Fallen: Community, Spiritual Ecology, and African Education”, AJOTE, Ontario Institute for Studies in Education, Toronto, Canada, Vol. 2, No. 1, 2012.

[10] Murphy, Joseph, “Environment and Imperialism: Why Colonialism Still Matters”, Sustainability Research Institute (SRI), School of Earth and Environment, The University of Leeds, U.K., Oct. 2009, tr. 6; xem thêm Šunde, Charlotte, “Healing Ecological and Spiritual Connections through Learning to be Non-Subjects’”, Australian Journal of Theology,  8, Oct 2006.

[11] “How Indigenous Wisdom Can Inform the Global Transformation We Need”, https://www.pachamama.org/blog.

[12] Johnston, Josiah R., “Sponsel and Spiritual Ecology”, https://owlcation.com/stem/Spiritual-Ecology.

[13] “Spiritual Ecology”, https://www.facebook.com; Engagement, “Leslie Sponsel on Spiritual Ecology, Connection, and Environmental Change”, http://ae.americananthro.org/leslie-sponsel-on-spiritual-ecology-connection-and-environmental-change/.

[14] Ecobuddhism, http://www.ecobuddhism.org.

[15] “Spiritual Ecology”, https://en.wikipedia.org/wiki/Spiritual_ecology.

[16] Liên tinh thần vượt ra ngoài cuộc đối thoại liên tôn là một khái niệm và thuật ngữ được phát triển bởi Catholic Monk Wayne Teasdale vào năm 1999 trong cuốn sách của ông: The Mystic Heart: Discovering a Universal Spirituality in the World’s Religions. Xem thêm “New Monasticism: An Interspiritual Manifesto for Contemplative Life in the 21st Century”, Rory McEntee & Adam Bucko, tr. 22, và Wayne Teasdale, A Monk in the World, tr.175. Xem “The Interspiritual Age: Practical Mysticism for a Third Millennium”, Wayne Teasdale, 1999.

[17] Vaughan-Lee, Llewellyn, “Spiritual Ecology”, https://vimeo.com;  Spiritual Ecology,  https://spiritualecology.org.

[18] Guardian Professional, “Beyond Environment: Falling back in love with Mother Earth”, https://www.theguardian.com/sustainable-business/zen-thich-naht-hanh-buddhidm-business-values.

[19] “Metropolitan John Zizioulas: Laudato Si’ give Orthodox’ great joy”, http://en.radiovaticana.va/news/2015/06/18/metropolitan_john_zizioulas_laudato_si_give_orthodox_grea/1152356.

[20] McKibben, Bill, “Pope Francis: The Cry of the Earth”, New York Review of Books, NYDaily, http://www.nybooks.com/2015/06/18.

[21] The David Suzuki Reader, https://books.google.com.vn/books, tr. 11.

[22] Vaughan-Lee, Llewellyn, “Spiritual Ecology: The Solution to Our Climate Change Crisis?”, https://www.huffingtonpost.com/llewellyn-vaughanlee/spiritual-ecology-climate-change_b_790499.html.

[23] Berry, Thomas, “The Dream of the Earth”, Vaughan-Lee, Llewellyn, Spiritual Ecology: The Cry of the Earth, The Golden Sufi Center, 2013, tr. 51.

[24] “Spiritual Ecology”, http://environment-ecology.com/religion-and-ecology/339-spiritual-ecology.html.

[25] “Center for Native Peoples and the Environment”, ESF http://www.esf.edu/nativepeoples/.

[26] Kimmerer, Robin Wall, “Weaving Traditional Ecological Knowledge into Biological Education: A Call to Action”, Oxford Journals: Science & Mathematics, BioScience, Vol. 52, Issue 5, tr. 432-438.  

[27] Berry, Thomas, The Great Work: Our Way into the Future, Crown, 2000, tr.105.

[28] Tucker, Mary Evelyn, “Hóa giải thách thức môi trường bằng tôn giáo”, http://www.vacne.org.vn/hoa-giai-thach-thuc-moi-truong-bang-ton-giao/27937.html.

[29] The Ecumenical Patriarchate, https://www.patriarchate.org.

[30] Bingham, John, “Science alone cannot save the planet, insists spiritual leader of Orthodox Church”, http://www.telegraph.co.uk/news/religion/11973107/Science-alone-cannot-save-the-planet-insists-spiritual-leader-of-Orthodox-Church.html

[31] “Religious leaders as climate activists: Saving planet is moral duty”, DPA (German Press Agency News), http://www.dpa-international.com/, Nov 4, 2015; Greenfield, Nicole. “In the Spiritual Movement to Fight Climate Change, the Pope Is Not Alone”, Natural Resource Defense Council, June 22, 2015, https://parliamentofreligions.org.

[32] Rohn, Roger. “For Buddhist Leader, Religion And the Environment Are One: Interview with H.H. The Karmapa”, http://e360.yale.edu/features/for_buddhist_leader_religion_and_the_environment_are_one

[33] “7 Ways the Parliament Stepped Up to Challenge Climate Change in 2015”, https://parliamentofreligions.org/blog/2015-12-14-1823/7-ways-parliament-stepped-challenge-climate-change-2015.  

[34]  Xin xem thêm “Sacred Earth: Faiths for Conservation”  của WWF, https://www.worldwildlife.org.

[35] Xin xem thêm  Khoryug, http://www.khoryug.com.

[36] “Sacred Earth: Faiths for Conservation”, http://www.worldwildlife.org/initiatives/sacred-earth-faiths-for-conservation#close/

[37] Mechthild Of Magdeburg trong Vaughan-Lee, Llewellyn, Spiritual Ecology: The Cry of the Earth, The Golden Sufi Center, 2013, tr. 62

[38] Vaughan-Lee, Llewellyn, Spiritual Ecology: The Cry of the Earth, The Golden Sufi Center, 2013, tr.13

[39] “Leslie Sponsel on Spiritual Ecology, Connection, and Environmental Change”, Anthropology and Environment Society, October 1, 2013.

[40] Vaughan-Lee, Llewellyn, “Spiritual Ecology: The Solution to Our Climate Change Crisis?”, https://www.huffingtonpost.com/llewellyn-vaughanlee/spiritual-ecology-climate-change_b_790499.html.

[41] Cao Chi, “Lý thuyết tai biến và phức hợp”, http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/ly-thuyet-tai-bien-va-phuc-hop-965.

[42] Sponsel, Leslie E.,  Spiritual ecology: A Quiet Revolution, http://ae.americananthro.org/leslie-sponsel-on-spiritual-ecology-connection-and-environmental-change/.

[43] 王诺, 欧美生态文学, 北京大学出版社, 2011, tr. 48.

TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *