1. Những quan điểm mới trong đời sống văn hóa
Với mỗi dân tộc, bản sắc văn hóa luôn là những vấn đề được quan tâm. Trong đời sống đương đại hôm nay, khi Việt Nam đang trên đường đổi mới và hội nhập thì vấn đề này càng được đặt ra một cách bức thiết. Làm thế nào để chúng ta hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt? Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những quan điểm văn hóa đúng đắn để xã hội ngày càng phát triển một cách bền vững chứ không chỉ chạy theo sự hào nhoáng nhất thời. Bằng sự nhạy cảm, các nhà văn đã nhận ra và đưa lên trang viết của mình những điểm hạn chế, bất cập của văn hoá trong đời sống hôm nay.
1.1 Mối quan hệ giữa danh và thực
Với tác phẩm Mười lẻ một đêm, nhà văn Hồ Anh Thái đã đặt ra cho người đọc những suy nghĩ về vấn đề xung đột trong những quan điểm văn hóa. Đó là vấn đề giữa danh và thực, thật và giả, hình thức bên ngoài và bản chất bên trong… Việc làm luận văn, viết sách, phong hàm khoa học không còn là những vấn đề nghiêm túc, nó đã trở thành một món hàng được đem ra để trao đổi: “Lấy ông Víp được năm năm rồi, đường công danh của chị trở thành đường cao tốc. Chị bảo vệ xong luận án tiến sĩ… Và hai ông giáo sư đầu râu tóc bạc bên viện nghiên cứu tình nguyện làm biên tập cho luận án của chị để xuất bản thành sách. Một trong hai ông còn đánh tiếng sẵn sàng viết một cuốn sách cho chị đứng tên. Có sách có đủ giờ dạy mới đủ tiêu chuẩn phong giáo sư. Đề đạt phong viện sĩ nữa”. Vấn đề nghiên cứu khoa học là một trong những vấn đề sống còn của giới khoa học. Đã có rất nhiều cuộc Hội thảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế diễn ra với những quảng bá rầm rộ của truyền thông. Nhưng thực chất của các cuộc hội thảo quốc tế là gì? “Chỉ cần có một vài nghiên cứu sinh người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam trong thành phần hội thảo là hội thảo điềm nhiên đi kèm chữ quốc tế”. Đấy là hội thảo tổ chức ở trong nước, còn hội thảo quốc tế thật tổ chức ở nước ngoài thì cốt “làm cái cớ cho các chuyên viên chuyên gia đi ra nước ngoài gặp gỡ nhau. Đi hội thảo nước ngoài thực chất là đi chơi bởi vì ai nói người ấy nghe. Gặp những hội thảo chỉ dùng ngoại ngữ không có phiên dịch thì việc các nhà khoa học không biết ngoại ngữ của ta mon men đến hoàn toàn là vịt nghe sấm”. Từ cái nhìn giễu nhại của Hồ Anh Thái, người đọc thấy được thực chất của những chuyện nghiên cứu khoa học, những chuyện học hành, chuyện thi cử, chuyện phong danh đang tồn tại ngay trong nền khoa học giáo dục nước nhà. Vấn đề này một lần nữa lại được tác giả đặt ra trong Dấu về gió xóa ở một tầm cao mang ý nghĩa triết học. Đằng sau hoặc bên trong một đảo quốc thơ mộng, bình yên (với cái tên mỹ miều Đảo Xanh), vẫn có vô số hiện thực nhem nhuốc, tăm tối : nạn mại dâm (có cả một xóm gái không chồng), nạn mê tín dị đoan (tục dâng gái đồng trinh cho thần nước), nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Đáng ngạc nhiên hơn là cư dân trên đảo đến tận năm 2001 vẫn xa lạ với truyền hình. Người dân trên đảo đón chiếc ti vi đầu tiên như đón “chúa trời giáng thế”. Nhà văn dường như đã tạo ra một sự liên tưởng có sức ám gợi mạnh mẽ : bên ngoài là cái “vỏ” hình thức của một thể chế xã hội mới nhưng cái “ruột” – tức tư duy, cung cách ứng xử, thói quen thì vẫn cũ. Nghĩa là mọi thứ vẫn cũ, bản chất vẫn cũ nhưng lại được ngụy trang trong một cái vỏ bọc mới tinh. Ngay cái tên Đảo xanh “Green Island” cũng đầy sức ám gợi về một “hành tinh xanh” hay “thành phố xanh”, “thành phố hòa bình” v.v… Khoác lên vẻ ngoài diễm lệ, Đảo Xanh – một quốc đảo xinh tươi – hiện thân của hòa bình, lại có nhà tù bí mật gợi về “một nhà tù vừa được phát giác” mà trong nó ẩn chứa bao điều khủng khiếp: “Đảo Xanh. Hành tinh tí hon này cũng được mệnh danh là Hành tinh Xanh. Xanh hết. Màu lạnh. Đi đến tận cùng của cái lạnh thì đấy là lò lửa, ngay cả giữa thời chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh hay hòa bình nóng. Hòa bình đang là quả bom, nhà tù này là kíp nổ. Kíp nổ thật sự hay đó chỉ là một cái lẫy nhựa trò chơi bị đồn đại thổi phồng thành kíp nổ? Nếu quả thực có một cái nhà tù trên Đảo Xanh thì bộ mặt của một số cường quốc sẽ bị nhem nhuốc, một số thế lực sẽ bị bẽ bàng, một số danh tiếng sẽ bị hoen ố”(Dấu về gió xóa). Cách viết giàu tính tượng trưng này cho phép người đọc thỏa sức so sánh, liên tưởng đến những vấn đề lớn lao của thời cuộc: kinh tế, chính trị, văn hóa… đang hiện hữu trong thế giới hiện tại mà chúng ta không thể thờ ơ.
1.2. Mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ
Bên cạnh những vấn đề lớn lao của đời sống cộng đồng, những quan điểm mới về hạnh phúc của con người cá nhân cũng là một trong những vấn đề trọng tâm mà tiểu thuyết những năm đầu thế kỉ XXI chú ý. Đó là quan điểm về mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ.
Cũng phải thấy rằng, không phải chỉ đến những năm đầu thế kỉ XXI, tiểu thuyết đương đại Việt Nam mới đề cập đến vấn đề này. Năm 1985, khi viết Người đàn bà trên đảo, nhà văn Hồ Anh Thái đã quan tâm đến điều này khi ông xây dựng trong tiểu thuyết của mình một thế giới nhân vật luôn đấu tranh, vật lộn giữa nhu cầu bản năng với những quan niệm cứng nhắc về đạo đức, chính trị, lý tưởng… Những người đàn bà trên đảo từng là những người anh hùng trong cuộc sống sinh tử của cộng đồng nhưng trở về cuộc sống thời bình họ lại đầy bất hạnh, đặc biệt trong đời sống riêng tư. Lời phát biểu của một người đàn bà trước lãnh đạo trong cuộc họp kiểm điểm một người đàn bà có con mà không có chồng đã nói lên tất cả: “Tôi giữ thân cho ai nữa, trinh tiết cho ai, khi mà chỉ có một mình cô đơn? Tập thể có thể làm tôi có ý chí, có thể làm cho tôi khuây khỏa đôi chút, nhưng tập thể không thể cho tôi hạnh phúc riêng”. Năm 1990, trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh cũng đã gửi gắm quan niệm của mình về cống hiến và hưởng thụ qua lời chiêm nghiệm người dượng già nua của Kiên: “Nghĩa vụ của một con người trước trời đất là sống chứ không phải là hi sinh, là nếm trải sự đời một cách đủ ngọn ngành chứ không phải là chối bỏ… Hãy cảnh giác với tất cả những gì thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy”. Tiếp tục quan niệm này, đến những năm đầu thế kỉ XXI trong tiểu thuyết Thượng Đức, Nguyễn Bảo đã xây dựng hình ảnh một tiểu đoàn trưởng tên Ngoãn với những suy nghĩ nội tâm không chút dấu diếm:“Về với Hân rồi ra sao thì ra, đóng góp cho đất nước cho quân đội biết mấy cho vừa. Mình ở quân đội chừng ấy năm là được rồi. Nhà của thì vậy, vợ con thì vậy. Mình không lo lấy thân mình, ai lo cho đây”.
Vấn đề hưởng thụ hạnh phúc của con người cá nhân một lần nữa lại đặt ra một cách bức thiết và sâu sắc hơn trong tiểu thuyết đương đại những năm đầu thế kỉ XXI. Không chỉ là những lời phát biểu suông, nhân vật của tiểu thuyết đã “dấn thân” thật sự. Gia đình bé mọn của Dạ Ngânkể về số phận một nữ văn sĩ Mẫn Tiệp có cá tính, có nhan sắc và khát vọng yêu đương mãnh liệt. Không thoả mãn cuộc sống với người chồng tầm thường, đầy tham vọng quyền lực, chị đã sẵn sàng từ bỏ gia đình để đến với người mình yêu xây nên “gia đình bé mọn”, dù con đường đến với hạnh phúc của chị đầy chông gai khi chị phải vượt qua biết bao rào cản của quan niệm, định kiến: “Tiệp thấy mình bạo dạn và lão luyện, sự nhịp nhàng của thịt da đằm thắm ngọt ngào. Từ thế động nàng ào sang thế chủ, một cực khác với lần đầu, nàng bốc cháy từ gót chân đến đỉnh đầu và thật sự không biết mình đang bồng bềnh ở đâu, chính danh hay không chính danh, tà dâm hay không tà dâm, chỉ thấy mình đúng là mình trong tượng tượng, thỏa mãn một cách hài hòa sâu sắc” (Gia đình bé mọn – Dạ Ngân). Trước đây, người anh hùng trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại thường được nhìn nhận, đánh giá bằng thước đo của đạo đức cách mạng thì hôm nay, họ được soi chiếu nhiều hơn từ góc độ nhân tính tự nhiên, từ ý thức về sự cảm nhận hạnh phúc của con người đời thường. Thời hậu chiến của Nam Hà viết về cuộc sống của đại tá Hoàng Trầm sau khi về hưu. Khác xa với cuộc đời binh nghiệp dũng mãnh đã trải qua, cuộc sống đời thường với tất cả những mặt chìm – nổi của nó đã tác động sâu sắc đến ông, nhảy cảm hơn cả là những quan hệ tình dục trong đời sống vợ chồng. Trong chiến tranh, đại tá Hoàng Trầm bị một vết thương quái ác “cắt đứt một phần mông và cặp tinh hoàn”. Thời còn ở trong quân ngũ, cũng đã có lúc ông chạnh buồn. Nhưng khi trở về nhà, nỗi buồn ấy mới thực sự thấm thía trong ông khi thấy mình trở nên “vô dụng” mỗi khi ân ái với vợ: “Ông Trầm đưa tay cho bà gối rồi xoay người ôm chặt lấy vợ. Ôi cái thân hình tròn lẳn, mềm mại, làn da mượt mà thời thanh xuân không còn nữa. Gần bốn mươi năm rồi còn gì! Ông Trầm đặt đôi môi khô của mình lên đôi môi còn ướt nước muối của vợ, ông vuốt ve vầng trán, đôi má, bàn tay, đôi bàn tay nhỏ nhắn cũng không còn múp míp nữa. Da bàn tay đầy chai sạn. Bà Mai run rẩy trong vòng tay của ông… Ông Trầm siết chặt vợ vào lòng, loại “vũ khí” đàn ông của ông đã hoàn toàn hư hỏng. Ông thở dài, còn bà Mai thì khóc rấm rứt”. Những bi kịch trong đời sống riêng tư của nữ nhà văn Mẫn Tiệp hay của đại tá Hoàng Trầm, trước đậy bị coi là tầm thường, bị lên án và thường được dấu kín thì hôm nay nó được thể hiện công khai và dễ dàng nhận được sự chia sẻ và cảm thông từ phía cộng đồng. Tiểu thuyết hom nay, trong một cảm quan mới, đã có cái nhìn nhân bản, sâu sắc.
Một vấn đề hết sức nhạy cảm hiện nay đang đặt ra là vấn đề quan niệm về hạnh phúc của những người thuộc “giới tính thứ ba” (vấn đề đồng tính). Trước đây, đồng tính luyến ái vốn được xem là “một dị biệt văn hóa, dị biệt về tình dục, một thứ bệnh hoạn và bị xã hội kì thị, xa lánh”. Từ năm 1999, khi tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn ra đời và gây được sự chú ý trên văn đàn thì văn học viết về đồng tính bắt đầu được khai mở. Tiếp tục chủ đề này Bùi Anh Tấn có thêm các tác phẩm Les – Vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C. Kinsey rồi Vũ Đình Giang có Song song, Thủy Anna có Lạc giới, Phạm Thành Trung có Không lạc loài, Nguyễn Văn Dung có Bóng (tự truyện), Trần Thùy Mai có Mưa đời sau, Nguyễn Thơ Sinh có Chuyện tình Lesbian và Gay, rồi các truyện ngắn của Keng (Dị bản), Trang Hạ (Những đống lửa trên vịnh Tây Tử), Nguyễn Quỳnh Trang (1981), Sông của Nguyễn Ngọc Tư… Từ đây, văn học viết về đồng tính thực sự hiện hữu và trở thành một vấn đề được nhiều người đọc quan tâm. Tiểu thuyết mang tính chất tự truyện Bóng của Nguyễn Văn Dung (hai tác giả chấp bút là Hoàng Nguyên và Đoan Trang) đã nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận. Nhiều bạn đọc cho rằng: Ban đầu người ta tìm đọc các tác phẩm về đề tài đồng tính để thỏa mãn trí tò mò, để xem thế giới những người “gay” họ sống ra sao. Nhưng sau khi đọc xong các tác phẩm, người đọc có thêm những hiểu biết khoa học và sự cảm thông với những bi kịch của người đồng tính bởi đúng là “họ không phải là người có lỗi”. Lời kêu gọi khẩn thiết của một nhân vật trong Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn đã làm thức tỉnh người đọc: “Người đồng tính chúng tôi không có lỗi. Đó không phải là sự lựa chọn của chúng tôi. Xin đừng ghét bỏ, đừng kì thị chúng tôi vì một hiện tượng tự nhiên, bẩm sinh. Chúng tôi sinh ra là kẻ lạc loài, phải chịu sống cái phận của kẻ lạc loài”. Nhiều độc giả sau khi đọc tác phẩm “đã không khỏi xúc động và có những suy ngẫm về sự vô tâm của mình bởi đã từng có cái nhìn thiếu thiện cảm” đối với những người có giới tính đặc biệt này. Đọc VânVy, ta nhận ra tình yêu của người đồng tính không phải là sự điên rồ, bệnh hoạn của những người cùng giới mà tình yêu đó bắt nguồn từ trạng thái cô đơn và những người đồng tính muốn tìm đến với nhau để cùng vượt thoát khỏi nỗi cô đơn này. Trước khi gặp Nicolas, B sống trong nỗi cô đơn vô tận, B không được ai thấu hiểu và chia sẻ. Người ta coi B như một “chủ đề nhiều vi khuẩn… gần nó coi chừng bị nhiễm, tốt hơn là vacxin, phòng bệnh còn hơn chữa bệnh”. Chỉ đến khi gặp Nicolas, B mới tìm được sự tương giao, tìm được khoái cảm từ Nicolas, tìm thấy quá khứ, tìm thấy ước mơ và khát vọng khi nhìn Nicolas. Trong Nháp của Nguyễn Đình Tú tình dục đồng giới giữa Tạch và Nguyễn Toàn là hệ quả của trạng thái cô đơn trống rỗng của Toàn khi anh bị người yêu là Yến bỏ rơi mà chính anh đã thú nhận “chỉ như một thứ giải quyết sinh lý thuần túy”.Tất nhiên thế giới đồng tính, đúng là một thế giới khác hẳn với thế giới của những người bình thường. Tiểu thuyết Song song của Vũ Đình Giang mượn đề tài đồng tính nam để viết về những ảnh hưởng của bạo lực trên đời sống tinh thần, lí giải những nhân cách biến thái trong hiện tại là hệ quả của những gì xẩy ra trong quá khứ. Trong tác phẩm này, nhà văn đã cho người đọc tiếp xúc với thế giới của những người đồng tính hoàn toàn “đóng kín với những H, G.g và Kan”…- những nhân vật dị biệt nhưng dường như đã gặp ở đâu đó. Họ có những lối hành xử kì lạ thậm chí là quái dị, họ “hiện ra trong nỗi bấn loạn, hoang mang và cô độc”. Họ bị giày vò bởi những nỗi ám ảnh từ quá khứ và những hành vi tội lỗi hoang tưởng. Trong sự giày vò ấy, bản thân họ luôn nảy sinh những hành vi dị thường : “ bỏ tù vũng nước, dìm chết mặt trời trong một chậu nước pha phẩm màu, dán chặt đám mây vào bầu trời đêm” hay “tưởng tượng nhảy múa với bầy rắn khoang” hay ‘nằm trên những chiếc giường rắc đinh” để làm tình… Trong văn học thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, khai thác đề tài đồng tính có thể coi là một cuộc khám phá đậm chất nhân văn khi tiếp cận một phần không nhỏ của nhân loại, một diện mạo nhân bản của tâm hồn người. Nhiều người đã khẳng định rằng đề tài về đồng tính đích thực là: cuộc cách mạng nhân văn tiến bộ lần thứ hai, sau cuộc cách mạng nữ quyền, góp phần giải phóng cá tính và khẳng định những giá trị đậm chất nhân bản. Trên ý nghĩa to lớn này, sự phát triển của đề tài đồng tính trong văn học nghệ thuật liên quan mật thiết đến những phong trào đấu tranh vì quyền con người, trong số đó có việc đấu tranh đòi bình đẳng cho người đồng tính. Những tác phẩm văn chương đồng tính trên một góc độ nào đó đã thu hút được sự chú ý của dư luận, tạo nên cái nhìn cảm thông hơn của xã hội với những người thuộc “giới tính thứ ba”. Chúng cũng giúp xã hội thay đổi nhân thức về người đồng tính. Đồng thời, nó cũng là thông điệp gửi đến những người đồng tính: Họ có quyền được hưởng hạnh phúc như bao người bình thường khác. Họ có thể có những hành động dị biệt xuất phát từ bệnh lý nhưng trong sâu xa và trên hết họ vẫn là một con người vì vậy họ có quyền được hưởng hạnh phúc như là một con người bình thường.
2. Những quan điểm mới về cái đẹp
Trước đây, trong quan niệm truyền thống, người ta vẫn cho rằng vẻ đẹp của con người, đặc biệt là vẻ đẹp của người phụ nữ được đánh giá và coi trọng ở vẻ đẹp tinh thần nhiều hơn ở vẻ đẹp thể xác “cái nết đánh chết cái đẹp”. Một người phụ nữ được coi là đẹp phải là người đức hạnh, kín đáo. Sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và những nỗ lực tạo nên sự bình đẳng về giới từ 1986 cùng với sự giao lưu với văn hóa toàn cầu đã tạo những tiền đề cơ bản để các nhà văn hiện nay có những quan điểm mới về cái đẹp của nữ giới. Họ đi sâu vào khai thác vẻ đẹp thân thể, vẻ đẹp của đời sống bản năng của người con người (đặc biệt là với phụ nữ) và coi đó là vẻ đẹp của một sức sống trường tồn, mãnh liệt. Các nhà văn đã không ngần ngại đi vào miêu tả một cách trực tiếp, tỉ mỉ những bộ phận gợi dục trên thân thể phụ nữ như vú, lưng, mông, đùi… và coi đó là một trong những tiêu chí để nhìn nhận về vẻ đẹp hoàn thiện của người phụ nữ. Bởi thế ngay cả những bộ phận cơ thể mà thông thường người ta thường nói tránh hoặc viết tắt đi thì cũng đã được miêu tả không chút e dè: “Da Vy mềm, mông Vy tròn, âm hộ Vy dẻo như mạch nha” (VânVy – Thuận). “Một cô gái tí hon khỏa thân hiện ra, ngực, đùi, bướm (…) môi khô còn âm đạo thì ẩm ướt” (Pais 11 tháng 8 – Thuận)… Trong tiểu thuyết T mất tích, những cụm từ như “đôi mông tròn rắn chắc”, “bộ ngực non nhu nhú”, “cặp đùi dài thon thả”, “cái eo mỏng nõn nà”, “bờ vai trần đong đưa”… được Thuận nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, ta thấy nhà văn thường xem bộ ngực như một tiêu chí quan trọng để đánh giá vẻ đẹp tự nhiên, đầy sức sống và cám dỗ của người phụ nữ. Nó chính là biểu tượng cho sự nuôi dưỡng, là khát vọng sinh sôi, nảy nở của con người. Nhà văn đã sử dụng những tính từ, những hình ảnh so sánh độc đáo để tôn vinh vẻ đẹp của bộ ngực – một bộ phận thân thể đầy gợi dục: “Ngực Hương cao và dầy. Vai Hương tròn và xuôi” (Bả giời). “Thân thể Minh vẫn cân xứng, chắc chắn, ngực vẫn tròn trịa và cứng. Đầu vú vẫn đỏ hồng, kheo nách và khoang bụng không một vết ngấn nào, dù là mờ nhạt” (Ngồi). “Hoàn oằn người, tấm chăn hoa mỏng trượt xuống dưới, bộ ngực sáng đục nhô lên hai quả đồi trắng nằm chênh vênh giữa bóng tối của buổi chạng vạng” (Người đi vắng )… Bên cạnh ca ngợi vẻ đẹp thân thể người phụ nữ, các nhà văn đương đại đã đi sâu thể hiện vẻ đẹp bản năng của họ trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến bản năng tính dục. Trong tác phẩm Xuân Từ Chiều, Y Ban đã đi vào miêu tả trạng thái cảm xúc hoan lạc, vui vẻ khi được thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phụ nữ. Người đọc như bị cuốn vào những vòng cảm xúc còn tinh khôi, mê đắm của Xuân: “Xuân không nghe thấy gì nữa, môi cô đang gắn vào môi anh. Cô đắm chìm trong đê mê. Không còn vướng nữa, một cái gì đã thông qua nhưng rất đau. Cô khẽ kêu lên… Một vài giọt máu vương trên đá”. Xuân đã không ngần ngại thổ lộ với chồng: “Anh đã mở ra những cảm xúc mới trong em. Anh đã làm bừng tỉnh con sói cái trong em. Anh đã làm thức dậy cái bản năng nòi giống của em”. Cũng như Xuân,Từ là một phụ nữ có nhiều ham muốn bản năng. Đang là sinh viên năm cuối trường y, cô có thai và phải lấy Cương ngay khi chưa ra trường. Vừa sinh con được một tháng, mặc cho mẹ chồng Từ đã “hắng giọng rồi gióng giả, kiêng cho đủ cữ kẻo sau này già nằm mà rên”, bản năng dục tình trong Từ vẫn rất lớn: “Từ cong người để cảm nhận chồng. Chồng từ cũng nhận được tín hiệu đó, háo hức vào cuộc (…) Cương xoay tư thế nọ chuyển tư thế kia để chỉ là dạo đầu. Đến thời khắc quyết định cho cả hai lên đỉnh điểm thì bỗng Từ bảo, dừng lại, nhấc người lên một chút, để cho nó khớp đã”. Nhà văn Dạ Ngân trong Gia đình bé mọn cũng đã miêu tả một cách chân thực, sống động những đam mê trần tục, những khát khao nhân bản của nhân vật Tiệp: “Tiệp thấy mình bạo dạn và lão luyện, sự nhịp nhàng của thịt da đằm thắm, ngọt ngào. Từ thế động nàng đã ào sang thế chủ, một cực khác với lần đầu, nàng bốc cháy từ gót chân đến đỉnh đầu và thật sự không biết mình đang bồng bềnh ở đâu, chính danh hay không chính danh, tà dâm hay không tà dâm, chỉ thấy mình đúng là mình trong tưởng tượng, thỏa mãn một cách hài hòa, sâu sắc”. Điều đáng lưu ý là đã có một quan niệm mới mẻ về tình dục. Tình dục ở đây không còn là vấn đề bản năng đơn thuần của sự dễ dãi, buông thả mà gắn kết với tình yêu, là kết quả của tình yêu sâu sắc, nồng cháy, nó vươt qua những quan niệm định kiến, hẹp hòi: “Tại sao cứ phải chính danh, đến cùng, tại sao không phải là người tình của nhau để thỉnh thoảng được va đập bốc cháy lộn nhào rồi sẽ thấy phút giây bình yên này là vô cùng quý giá”. Hạnh phúc trong quan niệm của Tiệp phải là thứ hạnh phúc dài lâu chứ không phải là thứ hạnh phúc một sớm một chiều “ăn xổi ở thì”. Những ái ân kia là kết quả của tình yêu thực sự, đam mê, là nhu cầu hưởng thụ hạnh phúc một cách chính đáng. Có thể nói, thông qua các nhân vật nữ, các nhà văn đã thể hiện một quan niệm mới về vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Bên cạnh những vẻ đẹp mang tính truyền thống như yêu thương chồng con, giàu đức hi sinh, các nhà văn còn đặc biệt chú trọng đến việc ca ngợi vẻ đẹp thân thể, sự chủ động trong tình yêu, tình dục của họ. Cũng qua các nhân vật phụ nữ này, các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn nữ đã thẳng thắn, mạnh bạo nói lên tiếng nói bình quyền, tiếng nói đòi giải phóng cái tôi cá nhân cho những người thuộc giới họ. Tư tưởng này được Y Ban gửi gắm qua suy nghĩ của nhân vật Từ: “Tại sao cái cảm xúc này lại luôn bị che giấu. Mội người có thể nói to trước đám đông, tôi căm thù tội ác dã man, tôi yêu thương trẻ con, tôi đau xót đồng bào tôi bị thiên tai. Chẳng có người nào dám nói trước đám đông rằng, tôi ngủ với chồng tôi rất khoái (…). Tất nhiên đó là cảm xúc riêng tư không cần phải nói trước đám đông. Nhưng cũng không thể nói rằng đó là cảm xúc xấu xa, tội lỗi được chứ” (Xuân Từ Chiều). Sự bùng nổ một cách mạnh mẽ của diễn ngôn về tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI trước hết bắt nguồn từ nhu cầu đời sống. Chính những quan tâm của người đọc về tính dục là một trong những nguyên nhân quan trọng để tính dục xuất hiện và được khai thác mạnh mẽ đến thế trong tiểu thuyết hiện nay. Phan Huyền Thư cho rằng, cơn lốc tính dục trong văn học đương đại đã được đồng thuận từ phía xã hội. Nhà văn lý giải: “Tại sao trong thơ trẻ có thể thẳng thắn nói về tình dục đến mức nhiều người thấy trơ tráo nhưng số người đồng tình ủng hộ thơ trẻ khá đông. Tại sao Vi thùy Linh với tập Khát và Linh xuất hiện mà không bị ném đá, phản đối? Chẳng phải người ta đã có một sự chấp thuận ngầm với nhau hay sao?” (Giải tỏa sex bằng ngôn ngữ, http://www.vietnamnet.vn). Như vậy, những thay đổi trong quan điểm về “sex” cho thấy có một sự thay đổi lớn trong những quan điểm văn hóa về cái đẹp trong đời sống cộng đồng. Những quan điểm này, lúc đầu cũng bị phê phán và bị không ít bạn đọc phản ứng, nhưng dần dần người ta đã chấp nhận nó như một tiêu chí thẩm mỹ mới trong quan điểm nhìn nhận và đánh giá cái đẹp.
*
Nếu cho rằng văn học là bản sao của đời sống thì qua những hình tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết những năm đầu thế kỉ XXI, các nhà văn đã đưa ra những quan điểm thẩm mỹ mới trong đời sống văn hoá hiện nay. Về thực chất, các quan điểm này không xung đột với những quan điểm thẩm mỹ truyền thống mà góp phần bổ xung và hoàn thiện nó ngày một đầy đặn và phong phú hơn, phù hợp với bước tiến và tiêu chí của thời đại hôm nay – thời đại của vẻ đẹp văn hóa toàn cầu mà không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.
PGS.TS. Lê Dục Tú
Viện Văn học