NHỮNG CHỮ QUA CẦU TÂM LINH – NGẪM VỀ TÂM THỨC VÀ HÀNH VI SÁNG TẠO CỦA THI NHÂN

Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Bắt nguồn từ những rung động với cuộc sống muôn màu muôn vẻ và từ mối giao cảm vừa tự nhiên lại vừa tinh tế, thơ phát tiết tự trong tâm hồn của thi sĩ, làm nên hành trình “tâm giao” giữa tự thân với tự thân, giữa tự thân với tha nhân hay có khi là giữa tự thân với cuộc đời. Cuộc hành trình này được nhà thơ Triệu Từ Truyền ví như “Khách lữ hành quẩn quanh trong sa mạc, đi tìm ốc đảo của tình yêu. Chiếc phi thuyền bay tìm quỹ đạo của hành tinh nhân văn, hình tượng ấy phản ánh nhà thơ khám phá ra thơ của chính mình” nhưng “hiểm nghèo hơn khách lữ hành, xác suất thấp hơn phi thuyền vào đúng quỹ đạo. Nhà thơ cam chịu gấp bội lần hơn bất trắc”. Theo như tác giả, việc sáng tác thơ là công việc vừa khó khăn, lại đầy thách thức đối với người cầm bút; vậy làm sao để thi sĩ có thể trở thành thi nhân, có thể viết nên những bài thơ hay, độc đáo? Triệu Từ Truyền cho rằng mỗi nhà thơ cần phải vượt qua được “chiếc cầu tâm linh” của chính họ để “tập hợp ngôn ngữ quanh mình”, “tiêm thẳng vào tủy sống của mình những chữ để sản sinh ra hồng cầu thơ”. Chiếc cầu đặc biệt này vừa là “công cụ nội giới” để sáng tác thơ, vừa là “phương thức sáng tạo thơ”, lại còn là con đường quyết định giá trị của hành vi sáng tạo ở mỗi thi sĩ. Đó cũng là nhịp cầu nối tâm linh giữa thi sĩ với độc giả.

Trong phần lớn nội dung của cuốn sách, tác giả miệt mài bàn luận, phân tích các vấn đề liên quan đến tâm linh và tâm thức sáng tác của người làm thơ cốt yếu làm rõ sự hình dung, tưởng tượng trong lòng người đọc về “chiếc cầu tâm linh” – hình tượng rất đặc thù đối với người nghệ sĩ nói chung và thi sĩ nói riêng. Trăn trở trong hành vi sáng tạo với những bất trắc, mơ ước, nỗi ám ảnh, tâm linh thơ và cái khó của việc làm thơ; tác giả không đứng từ góc độ hữu thần để bàn luận, xem xét những vấn đề liên quan đến tâm linh của thi sĩ mà ông nhận định đó là yếu tố cần thiết phải có của một nhà thơ và là đặc điểm để phân biệt giữa họ với người bình thường. Cụ thể, yếu tố khiến thi sĩ khác với những người bình thường ở chỗ phản thân xác (phản vật chất) của họ “có cường độ tương tác lớn hơn gấp bội”. Điều này khiến họ dễ dàng “kích thích xuất hiện ra vương quốc tâm linh”. Đó chính là sự nhạy cảm trong nghệ thuật, yếu cảm về cái đẹp của người thi sĩ. Bên cạnh đó, Triệu Từ Truyền cũng bàn luận khá chi tiết về tính chất của chiếc cầu tâm linh. Ông nhận thấy sự bất định của nó: “Chiếc cầu ấy vừa bền vững vừa mong manh. Chiếc cầu ấy giữa hai bờ hư thực”. Bền vững bởi chiếc cầu này có khả năng giúp thi sĩ hồi cố về quá khứ xa xôi lẫn tiên tri đến tương lai vô định: “Đôi khi còn bắc lên tận đỉnh ảo ảnh của một ngôi sao đã chết từ trước ngàn năm ánh sáng”; nhưng lại cực kỳ mong manh bởi trong quá trình thực hiện hành vi sáng tạo, không phải đối tượng nào cũng được nhà thơ toàn tâm, toàn ý và có thể càng trở nên hư ảo hơn khi “độ tâm linh” của mỗi nhà thơ chưa đạt đến “độ chín muồi” hay nói cách khác: chiếc cầu tâm linh kia cần có một vị trí “yên vị” trong tâm thức sáng tạo của người làm thơ thì thơ hay mới xuất hiện.

Để đạt được điều này, Triệu Từ Truyền đã đặt ra những yêu cầu khá khắt khe đối với thi sĩ, xem như đó là trọng trách, bổn phận tiên quyết của họ trong việc cho ra đời “những đứa con tinh thần”. Trước hết, xuất phát từ bản thân của người làm thơ: “Nhà thơ phải có sức hút lời chữ”. Đó là khả năng vận dụng từ ngữ để tái hình dung, miêu tả, giải đoán, bộc lộ bản chất của đối tượng thơ. Hơn thế, nhà thơ cần có khả năng tương thông, tương cảm đặc biệt với vạn vật, ứng thấu được bản chất văn minh, văn hóa vốn có của nó. Tác giả đã đánh giá khá cao đến tầm quan trọng của sự đòi hỏi cần thiết lẫn thiên tính bẩm sinh ở một nhà thơ: “Nếu không khát vọng vươn lên cái đẹp tuyệt đối, thiếu tố chất đa cảm – đa tình, không phiêu linh vào cõi vô thức chi phối và hơn nữa thiếu sáng tạo hành vi xã hội, nội giới của một người nào ấy chưa thể trở thành nội giới của nhà thơ – nội giới của môi trường thơ – nghĩa là không thể xây dựng chiếc cầu tâm linh”. Từ đó, ông suy ngẫm về sự ám ảnh trong hành vi sáng tạo của thi sĩ: “người làm thơ biết dùng lời chữ để phản ánh hành vi sáng tạo của chính mình, hành vi sáng tạo ấy đã trở thành nỗi ám. Nỗi ám khoét sâu vào tận đáy tâm linh”. Đó là điều kiện để những khoảnh khắc thăng hoa ngôn từ ở mỗi thi sĩ xuất hiện. Điều này được tác giả giải thích: “Viết hay, không phải chỉ quan sát để mô tả, không là khoa học thực nghiệm. Viết hay, là phản ánh nỗi ám ảnh chạm cực độ khủng hoảng tận tâm linh”. Từ khi thơ bắt đầu phát tiết trong tâm hồn, thi sĩ đã dần ám ảnh về hành trình tạo tác nên bài thơ lẫn hành trình hiện tồn của nó trên đời. Ngoài ra, ông cũng bàn luận thêm: “Hành vi của nhà thơ được nhận định là hành vi sáng tạo với điều kiện vừa cưu mang ước mơ nguyên sơ, vừa có cách ứng xử độc đáo”. Đó có thể được xem là “cuộc gặp gỡ vừa kỳ lạ vừa thú vị” giữa yếu tố cũ và yếu tố mới, giữa cái đương tồn tại vốn có lẫn cái mơ hồ không ngừng được hướng đến trong tâm hồn và trí tuệ của mỗi thi sĩ. Bởi hành trình sáng tạo của các nhà thơ tự cổ chí kim đều là hành trình tự khám phá hoặc vô tình hoặc cố ý thể nghiệm bản ngã của chính họ, làm sống lại những giá trị “siêu thực” dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào. Đó chính là con người cá tính, phong cách riêng biệt, tài năng thiên phú được trau dồi trong bản thân mỗi thi sĩ.

So-500--Anh-minh-hoa---Nhung-chu-qua-cau-tam-linh---Ngam-ve-tam-thuc-va-hanh-vi-sang-tao-cua-thi-nhan---Anh-1

Nhưng nếu chỉ có tài thôi thì chưa đủ. Giá trị của một thi nhân được tác giả đề cao ở chỗ tâm thức của họ biểu hiện như thế nào trong quá trình thực hiện hành vi sáng tạo. Triệu Từ Truyền cho rằng những nghệ sĩ thực thụ, các thiên tài văn hóa mặc dù “sống với thân xác giới hạn, nhưng tâm thức họ là vô hạn”. Nhà thơ nếu không sáng tác bằng tâm thức thì bài thơ họ viết ra khó lòng lay động lòng người, khó tạo tác được chiếc cầu tâm linh hoàn chỉnh có thể nối kết trọn vẹn giữa tâm hồn với tâm hồn, giữa người với vật hay giữa vật chất với ý thức. Ở đây, sự vô hạn của tâm thức không phải được hiểu theo khả năng dụng bút dồi dào của người nghệ sĩ mà trước hết phải là sự nhạy cảm tiềm tàng và tư duy nghệ thuật sẵn có trong con người họ. Từ đó, Triệu Từ Truyền băn khoăn về cái tài và tâm của người viết thơ: “Người cầm bút cần luyện tập để có con mắt trông cả sáu cõi, nghĩa là phải đọc sách, du lịch, đối thoại; cộng với tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời; nghĩa là tự tại có trực cảm tâm linh, lòng bao dung với tâm thức”. Đặc biệt, ông quan tâm đến các nhà thơ trẻ: “Phải thật sự có tài năng và liên tục sáng tạo bằng tâm thức, bằng chính nghiệp thơ của mỗi người được dòng năng lượng tâm linh chuyển tải”. Tài thơ có thể do bẩm sinh mà có hoặc được trau luyện mà thành nhưng tâm của người cầm bút trước hết phải được thể hiện qua thái độ nghiêm túc với nghề và tấm lòng quý trọng thơ. Cái nhìn và sự hiểu của thi sĩ khác với cái nhìn và sự hiểu của người bình thường ở chỗ họ có thể thấu cảm được hồn tinh của sự vật, hiện tượng bằng “chiếc cầu tâm linh”. Đó là tâm thức sáng tạo muôn đời của thi sĩ: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Bên cạnh đó, tác giả ví von giữa việc viết thơ của thi sĩ với việc trồng lan của người con trai thời xưa: “Người con trai trồng lan đẹp mà không thơm là vì người con trai không có lòng chân thành”, để nhấn mạnh giá trị mang tính quyết định của tâm thức sáng tạo đến việc cho ra thơ hay hay dở. Đặc biệt, tác giả chú ý đến tâm thức sáng tạo của các nhà thơ hiện đại. Ông khẳng định tâm của người cầm bút trước hết phải gắn với sự tự do và lòng nhân ái: “Thi sĩ không sợ phong ba vì đời là một dòng chảy mà thi sĩ tan trong đó”. Chỉ có tan chảy một cách tự do vào cuộc sống, nhà thơ mới có thể nhận thức được cuộc đời, hiểu về cuộc đời và chiếm lấy cuộc đời bằng thơ. Tuy nhiên, sự tự do này cũng phải được kiềm chế, duy trì ở một chừng mực hợp lý. Tác giả cho rằng hành vi sáng tạo của nhà thơ phải được tự do nhưng “sáng tạo trong hành vi xã hội của mình”. Điều này có nghĩa người cầm bút cần ý thức được mối quan hệ về việc tự do sáng tạo trong sự ràng buộc cần thiết bởi những quy tắc, chuẩn mực ứng xử của xã hội và phải có sự lựa chọn cho riêng mình, phải tìm được hướng đi nhất định để hướng đến.

Bắt rễ từ cuộc sống, quá trình sáng tạo thơ có thể được hiểu là quá trình không ngừng tôn tạo “chiếc cầu tâm linh” và trực nhận năng lượng từ nó. Để làm được điều này, thi sĩ “phải dày công tịnh tâm, trong điều kiện minh mẫn và lương thiện”. Hành vi sáng tạo của nhà thơ được ông ví như hành vi thiền định của vị tu sĩ, cả hai đều đi tìm sự giác ngộ từ tâm từ mẫn của họ, chỉ khác là nhà thơ đi tìm kiếm sự giác ngộ của ngôn từ còn tu sĩ đi tìm kiếm sự giác ngộ của ngã. Có thể thấy, việc sáng tác thơ và tâm linh có mối quan hệ chặt chẽ: “Chính thế giới tâm linh chi phối cá tính, tình cảm và thân phận mỗi người… Nếu trực cảm cuộc sống bằng tâm linh, mới có những hành vi nhân bản, mới có đạo đức như người ta thường nói”, tức người làm thơ phải biết nuôi dưỡng sự hài hòa về tâm linh. Đó là quá trình dưỡng tâm để nuôi dưỡng và sáng tạo cái đẹp và ngược lại, mà cái đẹp chính là thơ hay. Hơn nữa, cái tâm của thi sĩ còn phải được gắn với phong cách sáng tác thơ của chính họ. Tác giả cho rằng: “Bút pháp của mỗi dân tộc, mỗi nhà thơ là dấu vân tay của họ. Vì vậy đừng nên mù quáng bắt chước phong cách mà chỉ nên san sẻ thân phận con người trong thi ca nhân loại”. Việc “chỉ nên san sẻ thân phận con người” kia há chẳng phải xuất phát từ tâm đó sao? “Dấu vân tay” này tuy mang đặc điểm riêng của từng dân tộc và từng thi sĩ nhưng vì cùng xuất phát từ tâm thức chung nên vô tình trở thành vấn đề chung của nhân loại. Bởi dù sinh sống ở đâu trên hành tinh này đi chăng nữa thì con người vẫn là con người, chứ không phải là một sinh thể nào khác. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, trong những hoàn cảnh nhất định, người làm thơ sẽ tự tìm ra cho mình một phong cách riêng vừa mang bản sắc của dân tộc lại vừa in đậm dấu ấn cá nhân, cá tính bản thể. Bởi như lời khẳng định của tác giả, một tác phẩm nghệ thuật “càng thể hiện cá tính thì tác phẩm mới độc đáo, tỏa sáng được. Nếu như bài thơ rập khuôn như những chiếc ô tô cùng thương hiệu, chắc chắn bài thơ ấy sẽ rất tệ hại”. Ở đây, tính sáng tạo sẽ cho ra tính mới của bài thơ, cũng như tính mới của bài thơ sẽ làm nên hệ giá trị riêng của tác phẩm. Tuy nhiên, nếu thi sĩ chỉ dưỡng tâm thôi thì vẫn chưa đủ để có thơ hay, thơ ám ảnh. Cái tâm của người làm thơ cần phải bắt nguồn từ trái tim. Tác giả đề nghị thi sĩ cần hòa nhập bản thể cá nhân của mình vào đối tượng thơ để hiểu rõ nhất bản chất của chúng cũng như phải sống chết với ngôn từ nếu cần thiết: “Trong thi ca, trái tim chính là hữu thể (L’être), sự tồn tại nền tảng, song khi bơm máu đi trong các đường gân, thớ thịt phải điên cuồng, bạo liệt như loài quỷ – Đó là một trực cảm vô thường, chuyển hóa giữa lành và dữ, giữa đẹp và xấu, giữa nhân tính và thú tính…”. Thơ lúc này không chỉ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc mà đã trở thành khúc khải hoàn từ trái tim thi nhân.

Để minh giải cho những lý lẽ của mình, Triệu Từ Truyền đưa khá phong phú dẫn chứng về cuộc đời cũng như tài năng của một loạt các tên tuổi nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng tự cổ chí kim, tự Á sang Âu, ở Việt Nam cũng như trên thế giới như: Rabindranath Tagore, Paul Valéry, Yves Bonnefoy, Erek Walcott, Kenzaburo Oe, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Du, Trịnh Công Sơn, Trần Nhân Tông, Trần Đức Thảo… Qua việc phân tích một số tác phẩm cũng như phong cách nghệ thuật của họ, tác giả cho chúng ta thấy rằng: “Sáng tạo thơ chính là ở thần khí của bài thơ, thi sĩ chiết ra từ dòng năng lượng tâm linh hòa nhập vào ngôn ngữ tạo ra dung lượng mỗi bài thơ, mới đích thực sáng tạo thơ”. Triệu Từ Truyền sôi nổi phân tích các bài thơ hay, bình những tứ thơ lạ để giúp độc giả thấy được bản chất của thơ hay phải có những đặc điểm nào, phải cấu tứ ra làm sao, phải gắn kết thế giới hữu tâm của thơ với thế giới hữu tâm của con người bằng sợi dây tâm linh như thế nào… Khi nói về vấn đề hình thức và nội dung trong một tác phẩm thơ, ông ví thơ như nhân vật em trong câu ca dao: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ trước gió biết vào tay ai”, để khẳng định giá trị của một bài thơ hay phải “đẹp” cả nội dung lẫn hình thức, dù cho “tấm lụa đào” kia rơi vào tay ai. Ở đây, tác giả đề cao vị trí của người sáng tác nhưng lại vô tình hạ thấp tầm đón nhận của độc giả và quên mất rằng độc giả luôn có quyền phán xét cái hay – dở của bài thơ theo góc nhìn và lý lẽ riêng của họ, bởi ông cho rằng: “Thần khí của bài thơ hay luôn tỏa ra bao quanh độc giả, chỉ có độc giả cùng tâm hồn đồng điệu, cùng tần số sóng tâm linh thì mới cảm thụ trọn vẹn cái hay, mát lạnh hay ấm áp tùy chỗ ngồi của độc giả”. Ở một góc độ khác, thơ hay còn được tác giả nhìn nhận, đánh giá qua việc hội tụ đầy đủ các yếu tố về Thần, Khí, Thể và Cách xuất phát từ câu nói của nhà nho Trần Tư Giản; hay từ trường hợp của Rabindranath Tagore để thấy “thơ không chỉ là ý, là tình hay là lời. Thơ kết hợp hài hòa giữa tư tưởng, tình cảm và ngôn ngữ vượt qua không gian và thời gian. Thơ đọng lại, rắn lại từ dung dịch tâm linh, thế sự và thiên nhiên”. 

Có thể thấy, mỗi nhà thơ nói riêng và mỗi người nghệ sĩ nói chung đều có cho mình một định nghĩa riêng, cảm quan riêng về thơ hay. Đối với Triệu Từ Truyền, ông nhận định: “Thơ không chỉ là lời chữ để thông tin, không chỉ là lời chữ để mô tả, để ca ngợi, để trình bày, để tâm sự… Thơ là lời chữ được thử thách qua nhiều chặng đường gian nan của tâm linh, chữ nào đứng được và gắn vào một câu có biên độ lớn, lay động lòng người, làm giật mình người đọc mới thật sự là câu thơ hay. Một chữ phải tích được điện thơ”. Đúng vậy, như Đỗ Phủ từng nói: “Lạc bút kinh phong vũ/ Thi thành khấp quỷ thần” (Hạ bút làm kinh hoàng mưa gió/ Thơ làm xong khiến quỷ thần phải khóc), thơ được viết ra có thể xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau nhưng cái cốt lõi, điều còn lại sau cùng chính là sức ám ảnh của những con chữ. Sức ám ảnh này không chỉ nói lên giá trị của bài thơ mà còn kết nối được mọi người trong thế giới hữu tâm lại bên nhau. Đó chính là sức mạnh “siêu thực” của thơ. Điều quan trọng nhất, thi nhân muốn tạo ra những câu thơ ám ảnh như thế phải vừa có tài lại vừa có tâm để dựng nên những “chiếc cầu tâm linh” vững chắc, giúp thuần phục những con chữ này từ “những âm binh chữ” hóa thành “một sinh thể thơ”. Mặc dù không phải bao giờ “những âm binh chữ” cũng vô nghĩa và không có giá trị. Bởi chữ là công cụ của một kiểu sáng tạo. Với nhiều khuynh hướng, trường phái thơ, người sáng tác để “cuộc say” của chữ diễn ra hết sức tự do, nhiều khi tạo ra thứ tưởng chừng vô nghĩa. Nhưng trong một sự cảm nhận, đánh giá ở những khía cạnh nhất định, nó có thể lại chứa đựng nhiều nghĩa, mang nhiều yếu tố độc đáo, gây ấn tượng lạ.

Từ đây, chúng ta đặt ra câu hỏi thi sĩ viết thơ để làm gì? Triệu Từ Truyền cho hay: “Nếu nhà văn, nhà sử học được xem là thư ký của thời đại, thì thi sĩ, nhạc sĩ được xem là tri kỷ của kiếp người. Tri là biết, biết ở đây không phải chỉ biết như nhà ngoại cảm, tiên tri, hay nhà tâm lý với con người nào đó, mà biết đau nỗi đau, khổ nỗi khổ của đời người”. Hóa ra người thi sĩ viết thơ trước là cho bản thân họ và sau là cho người đời thấy được Tình Người. Xuất phát từ tâm thức của thiên lương, tâm thức của cái đẹp, thơ đối với bậc thi nhân không chỉ là phương tiện chuyển tải, gửi gắm tư tưởng, tình cảm, cảm xúc mà còn là chốn hạnh phúc để dung chứa và nuôi dưỡng cái đẹp, tìm đến sự cân bằng hài hòa trong tâm hồn và thế tục, “lánh nạn” khỏi những hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống: “Thơ là một cách tiếp cận khác với yếu tính vũ trụ, với tuyệt đối khác hẳn công cụ khoa học và các lĩnh vực khác. Bởi vì nhà thơ biết hơn ai hết cần có môi trường thơ vì sự bất lực của nhiều môi trường trong cuộc hiện sinh”. Hơn thế, “thơ làm phong phú tâm hồn, cao hơn thơ nâng cao tâm thức của người đọc, giúp người đọc trực cảm được nhiều vấn đề về thế giới quan trọng lúc đọc thơ… Thơ là chiếc cầu tâm linh nối tâm hồn với tâm hồn, nối người với vật, nối vật chất với ý thức”. Đó là giá trị vĩnh cửu mà thơ có thể mang lại cho bất cứ ai khi tiếp xúc với nó cả người viết thơ lẫn người thưởng thơ.

Đọc Những chữ qua cầu tâm linh, ta thấy rõ được sự lo lắng lẫn nghi ngại của tác giả về tâm thức và hành vi sáng tạo của một bộ phận người viết thơ thời nay, cũng như cảm được phần nào tấm lòng mà Triệu Từ Truyền đã dành cho thơ lẫn cho nghiệp viết của mình. Ông đau đáu về vấn đề văn học truyền thống trung đại của nước ta trong một thời gian dài bị bỏ ngỏ, trì trệ. Trong khi chúng ta cứ mãi đề cao thơ phương Tây mà quên mất rằng thơ Việt Nam đã từng có những thi phẩm mang giá trị tư tưởng lẫn nghệ thuật vượt thời đại và xứng đáng được có vị thế cao hơn. Tác giả mời độc giả chiêm nghiệm lại một trong những thi phẩm như thế của Cao Bá Quát: “… Nàng ngỡ dung nhan bền lâu/ Đành bọc trăng vào tà áo/ Giữ lại hương sắc thuở nào/ Cắt áo viết lời nhung nhớ/ Gửi chàng ước vọng bên nhau”. Chỉ riêng chừng đó câu, cứ ngỡ là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, ấy thế mà Triệu Từ Truyền đánh giá như vậy là đã đủ nâng tầm của Thánh Quát lên cao hơn một bậc so với nhà thơ cùng thời – Alphonse de Lamartine. Thật vậy, có lẽ chúng ta đã đánh giá không tương xứng giá trị của văn học nước nhà khi luôn so sánh với các trào lưu, trường phái văn học phương Tây để rồi tỏ thái độ dựa dẫm, lấy chúng làm quy chuẩn lúc nào chẳng hay. Bởi vậy, tác giả đặt ra vấn đề nhức nhối, cũng là “nỗi đau chung” của nhiều lĩnh vực trong đó có văn học: “Nếu chỉ bắt chước người khác thì không mong gì bằng được người ta, nói gì đến có tác phẩm độc đáo tầm cỡ quốc tế”. Một trong những nguyên nhân khiến nền văn học của chúng ta không có sự đột phá, mới mẻ so với thế giới cũng được tác giả phân tích khá kỹ là vì ý thức quy chuẩn, điển phạm của các thi sĩ nước ta quá lớn: “Nếu ở thế kỉ XXI, mà chỉ làm thơ như ở thế kỉ XIII, XV hay XVII thì không nên làm, vì thời đại nào cũng có đỉnh cao thi ca của nó, bắt chước y như cũ không thể hay hơn được, dẫn đến ước lệ nhàm chán. Đồng thời, bắt chước làm mới theo kiểu hình thức nào đó, giống như ghép nhiều sợi chỉ dọc với nhau, không có sợi chỉ ngang của tâm tư, tình cảm, không thể dệt được tấm lụa thơ óng ả. Hơn nữa, ai chỉ làm thơ vì cái gì ở bên ngoài nội tâm thì không thể có sáng tạo”. Để tìm ra “tấm lụa óng ả” của thơ, trước hết thi sĩ cần ý thức được sự sáng tạo tự thân, dù có bắt chước thì cũng phải tìm cho ra được yếu tố mới, yếu tố riêng của mình trong sự bắt chước ấy. Nếu chỉ “dĩ Âu vi trung” thì nền văn học nước nhà chẳng mấy chốc trôi tuột theo viễn cảnh “người sáng tác và người đọc vẫn trong trạng thái người mù sờ voi. Người loay hoay đi tìm các trường phái của nước ngoài để áp đặt vào văn chương trong nước, người mù quáng quờ đụng một lối viết nào đó, của sự dốt nát, sự làm xiếc, sự đánh lận con đen để nổi tiếng, rồi ngợi ca như tác phẩm của thiên tài”.

Triệu Từ Truyền càng lo lắng hơn về “Chuyện con khỉ ăn cam” đã và đang lan rộng trong bộ phận lớn người đọc ngày nay: “Con khỉ vừa cạp vỏ cam, vội ném đi vì trái cam vừa the vừa đắng. Nó không biết lột vỏ để tìm vị ngọt thanh – chất bổ dưỡng của trái cam – nên mãi mãi tưởng trái cam là đồ bỏ đi. Tác phẩm nghệ thuật cũng là một trái cam chất lượng cao. Bạn muốn thưởng thức, nên biết cách lột vỏ”. Bởi thơ nói riêng và văn học hiện đại nói chung ngày càng được mở rộng biên độ của chức năng giải trí. Hệ lụy đi cùng là yếu tố nhận thức và thẩm mỹ ngày càng eo hẹp, bị ẩn tàng, ít được đông đảo thị hiếu tiếp nhận quan tâm, thậm chí bị hiểu nhầm một cách quá đáng: “Một số đông người chỉ muốn ăn củ khoai vì không cần lột vỏ khoai cũng ăn được. Dần dần thị hiếu bị xuống cấp, thẩm mỹ bị đồng hóa với dung tục, tư tưởng bị nô dịch cho kẻ khác và cuối cùng mất nhân cách vẫn không hay biết”. Một khi văn chương dễ dãi kiểu mỳ ăn liền lên ngôi thì kiểu tư duy, cảm nhận tác phẩm theo bóng chữ đương nhiên trở thành khó hiểu, thậm chí được xem như sự quái gở. Tính hư cấu của văn chương dễ dàng được đồng nhất với hiện thực thực tế như một sự phản ánh quy chụp. Đó mới chính là sự lố bịch thực sự khi văn chương bị đánh mất đi phẩm giá vốn có của chính nó. Ngoài ra, tác giả còn chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong việc sáng tác thơ. Bởi những đặc tính đặc trưng của tiếng Việt đã giúp cho thơ có “mảnh đất trù phú” vừa thuận lợi mà lại vừa thách thức đối với người làm thơ trong quá trình “gieo hồn, gặt thơ”. Ông cho rằng: “Thơ hay không phải do thể loại, trường phái hay quan niệm làm thơ, song trước hết muốn có thơ hay là trung thực với chính mình, nghĩa là biết tự hào ngôn ngữ dân tộc mình”. Đó chính là tinh thần tự tôn của mỗi quốc gia, cũng là tính dân tộc của thơ nói riêng và văn chương nói chung.

Có nhà thơ nổi tiếng đã từng phát biểu rằng: “Thơ xuất hiện rất nhiều. Đó là điều mừng, là dấu hiệu của thời kỳ yên bình, vui vẻ”. Lời phát biểu trên không hẳn đã đúng nhưng cũng không sai trong nhiều trường hợp văn chương đã được lịch sử ghi nhận. Nhưng đó cũng là vấn đề đáng để chúng ta quan tâm, suy ngẫm về một thời đại khi mà thơ phần lớn bị rẻ rúng, được xem là thể loại đi trước về sau. Cũng bởi đặc thù của thơ khác với các thể loại khác, thơ hay, thơ ám ảnh không phải là cái gì dễ dàng có được. Bằng kinh nghiệm và tâm hồn của một nhà thơ, mỗi câu chuyện, mỗi luận giải, mỗi dẫn chứng thơ trong Những chữ qua cầu tâm linh đã đưa người đọc đến với thế giới thơ thông qua “chiếc cầu tâm linh” đầy bí ẩn và thú vị. Nó chẳng ở đâu xa lạ mà gần gũi trong cái tài và cái tâm của mỗi thi sĩ. Tác giả đã minh giải rất nhiều vấn đề và đưa ra nhiều dẫn chứng thú vị, hấp dẫn. Tuy nhiên, trong vị thế của một người nghệ sĩ luôn tâm huyết về thơ, đôi vấn đề được tác giả đánh giá còn hơi chủ quan và cực đoan. Ông khẳng định rằng: “Các triết gia phương Tây luôn bị đầu óc phân tích và tổng hợp kiểu lý tính thuần túy, luôn nhận thức theo thuyết duy lý nên chỉ có tầm nhìn của tri thức, thiếu hẳn tầm nhìn của tâm thức”. Điều đó thực không đúng vì nếu như vậy thì chắc chắn cuốn “Thi học” của Aristotle sẽ không trở thành tác phẩm nền tảng chung cho sự đào sâu và mở rộng thành những lý thuyết văn học phương Tây sau này, cũng như không được chính Triệu Từ Truyền lấy ví dụ nhiều đến thế trong cuốn sách của mình. Bởi tự cổ chí kim, tự Đông sang Tây, dù là thi sĩ hay triết gia, nếu không có tầm nhìn của tâm thức thì những tác phẩm họ viết ra không thể lưu truyền đến hậu thế rộng rãi và dài lâu. Hay một nhận định khá chủ quan khác của tác giả: “Bởi vì nhà thơ biết hơn ai hết cần có môi trường thơ vì sự bất lực của nhiều môi trường trong cuộc hiện sinh”. Từ khi con người biết làm thơ, biết nhận thức về kiếp sống hiện tồn của chính họ và mối quan hệ giữa con người với vạn vật, cuộc hiện sinh kia đã tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau, trong đó có thơ. Ngay chính bản thân các khuynh hướng, trào lưu thơ của thời kỳ hiện đại và hậu hiện đại lại càng ý thức rõ hơn về sự bất lực này, chí ít là bất lực hơn so với các thể loại khác như tiểu thuyết hay truyện ngắn… Thơ thời nay tỏ ra vị thế của một vị công chúa đỏng đảnh, khó đoán, không phải ai cũng đến được gần nàng và hiểu được “bóng chữ” của nàng.

Bằng tình yêu thơ và tâm huyết của mình với văn chương, nhà thơ Triệu Từ Truyền đã viết Những chữ qua cầu tâm linh như một triết luận về thơ ca, và gửi gắm trong đó những ý kiến, đánh giá, bài học thực sự đáng quan tâm. Đó là những vấn đề rất quan trọng và đáng quan ngại trong diện mạo của thơ Việt Nam nói chung và thơ ngày nay nói riêng.

Nguyễn Hữu Minh
(Lớp Cao học Lí luận văn học K 26 – Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Huế)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 500

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *