“NHẪN THẠCH” VÀ TẤN BI KỊCH MANG TẦM NHÂN LOẠI

Không phải ngẫu nhiên mà cha đẻ của “Nhẫn thạch”(*) Atiq Rahimi lại được sánh ngang với các bậc tiền bối như M.Duras, Samuel Beckett hay Ernest Hemingway, bởi Rahimi đã truyền được vào tác phẩm của mình tất cả sức mạnh của thứ ngôn từ sắc lạnh, gãy gọn, đầy sức lay chuyển. Bước vào “Nhẫn thạch” là bước vào thế giới của sự hủy diệt tàn khốc nhưng cháy rẫy tình thương yêu, đó là địa hạt của sự chết chóc nhưng cũng là thiên đường của tâm hồn dám khát vọng. “Nhẫn thạch” là một ám ảnh – ám ảnh đến khôn nguôi về số phận con người, đồng thời nó cũng là khúc tráng ca của một tấn bi kịch mang tầm nhân loại.

Không phải ngẫu nhiên mà cha đẻ của “Nhẫn thạch”(*) Atiq Rahimi lại được sánh ngang với các bậc tiền bối như M.Duras, Samuel Beckett hay Ernest Hemingway, bởi Rahimi đã truyền được vào tác phẩm của mình tất cả sức mạnh của thứ ngôn từ sắc lạnh, gãy gọn, đầy sức lay chuyển. Bước vào “Nhẫn thạch” là bước vào thế giới của sự hủy diệt tàn khốc nhưng cháy rẫy tình thương yêu, đó là địa hạt của sự chết chóc nhưng cũng là thiên đường của tâm hồn dám khát vọng. “Nhẫn thạch” là một ám ảnh – ám ảnh đến khôn nguôi về số phận con người, đồng thời nó cũng là khúc tráng ca của một tấn bi kịch mang tầm nhân loại. 1. Từ thế giới nhân vật quằn quại trong bi kịch… Nhân vật nữ – người phụ nữ của tiếng nói từ hàng nghìn năm vọng lại –là người nói đầu tiên và cũng là người buông câu nói cuối cùng khép lại tác phẩm. Đó là bản hợp xướng của đời chị cũng là bản hợp xướng của mỗi người xuất hiện trong câu chuyện đầy tang thương này. Nhân vật chính của “Nhẫn thạch” là người phụ nữ nhưng đối tượng chính của nó, có thể khẳng định, đó chính là tấm thân gầy còm nằm bất động dưới nền nhà. Thân xác ấy đã từng là con người đúng nghĩa, nhưng giờ đây nó chỉ là một đống xương thịt không hơn. Sự đối lập giữa hai bối cảnh trước và sau khi bị thương của người đàn ông được Rahimi vẽ ra thật đáng thương: “Anh ta có râu. Muối tiêu. Gầy. Quá gầy. Chỉ còn da bọc xương. Xanh tái. Đầy nếp nhăn”[tr.14]. Trớ trêu thay khi chỉ có bức ảnh của anh là sống động, có sức sống hơn cả, trong khi thân xác của anh chỉ đóng vai trò hình thức cho một cái nội dung đã rơi vào đời sống thực vật. Số phận của người đàn ông này là số phận của một lát cắt ác nghiệt, chia đôi hai nửa đối lập hoàn toàn. Nếu trước đây anh là anh hùng thì giờ anh hoàn toàn vô dụng. Điều vô dụng này đã tạo điều kiện để gia đình, đồng đội rời bỏ anh – đặc biệt là những người anh em cùng cầm súng với anh. Thứ duy nhất mà họ mong muốn đó là anh chết đi để họ có thể ngủ với vợ anh mà không phải áy náy! Lý tưởng của anh đã bị những người ở phe anh chà đạp. Nhân vật này chịu bi kịch từ cả hai phương diện: người anh hùng sụp đổ và người chồng bị phản bội. Ở tư cách người anh hùng, quá rõ ràng để khẳng định anh chẳng khác nào “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Anh đã cầm súng chiến đấu vì lý tưởng, vì những người thân, người đồng đội của mình, nhưng khi anh nằm xuống, họ lại là những người “nhiệt tình” bỏ rơi anh nhất. Còn ở tư cách người chồng, anh không có khả năng sinh con, đó là thất bại lớn trong bài toán cuộc đời của anh. Thứ nữa, người vợ mà anh tin tưởng không hề như anh nghĩ. Ngay đêm gặp nhau đầu tiên của hai người, anh đã bị “lừa” vì không phân biệt được giữa “máu sạch” và “máu tháng”. Từ chỗ vô sinh của anh, người vợ buộc phải dấn mình vào một cuộc chơi mạo hiểm – cuộc chơi đánh đổi danh dự và vị trí trong gia đình anh. Vậy nên, anh sống trong sự cả tin rằng hai đứa con đều là của mình mà không biết đó là sai lầm. Không gian của “Nhẫn thạch” không có xu hướng mở rộng mà chỉ khép vào những gì liên quan đến căn phòng – nơi chứa người đàn ông tật nguyền. Điểm thông giao chủ yếu của gian phòng với bên ngoài là những lỗ thủng trên tấm rèm che có họa tiết chim di cư. Điểm tiếp xúc thị giác với bên ngoài tưởng nhỏ mà không nhỏ ấy, lại có thể mở ra thêm nhiều bi kịch bên ngoài, mà gần gũi nhất chính là người đàn bà điên hàng xóm. Người ta bảo bà điên nhưng có chắc rằng điều ấy là hiện thực hay không? Những câu hát tưởng chừng rồ rại, những tràng ho lụ khụ như kéo dài mãi mãi, những tràng cười… tất cả những điều đó tạo nên hình dáng của bà. Có lẽ bà không điên! Bởi nếu điên thì làm sao bà có thể cảm nhận được nỗi đau khi quân tàn ác chặt đầu của chồng và con bà? Nếu được quyền điên, thì người điên đầu tiên phải là người vợ – nhân vật chính – chứ không phải nhân vật bà già. Người đàn bà là trung tâm, hút vào nó mọi bi kịch trong tác phẩm này. Trong mối quan hệ với các nhân vật khác như người chồng, bố chồng, bà cô, anh chàng lính trẻ, người đàn bà điên (các nhân vật bi kịch chủ yếu trong tác phẩm) thì nhân vật nữ chính là hạt nhân để mọi nhân vật khác xoay quanh. Bi kịch của mỗi người trong họ đều có phần trong chị, chị là điểm hội tụ, gặp gỡ của các số phận đáng thương ấy, và phần nào, chị là người đóng vai trò giải thoát bi kịch cho họ. Bố chồng chị bị loại ra khỏi gia đình vì tính hiền minh của ông, bởi lẽ ông không hợp thời. Chỉ duy nhất chị là người đồng cảm và yêu ông. Ngày bà cô chị ra đi năm chị mười bốn tuổi, chỉ mình chị trong gia đình là người rơi nước mắt. Anh chàng lính trẻ là người được chị “khải thị” về nghệ thuật ái ân, nhưng cao hơn đó là sự bao dung và tình thương giữa con người và con người… Nhưng như vậy không có nghĩa là chị thoát được bi kịch của bản thân mình. Nếu có một thứ sai lạc trong con người ấy thì chắc chắn nó phải xuất phát từ bản chất phản kháng của chị – báo hiệu cho sự nổi loạn. Ngay từ khi còn nhỏ, thái độ ứng xử của chị với bố mình đã khiến người đọc khó có thể an tâm về tương lai của con người này. Hành động thả con chim cút đánh dấu sự tuyên chiến với trật tự trong gia đình – vô hình chung là trật tự xã hội – đòi một quyền công bằng trong yêu thương và được yêu thương. Đó là khát vọng tự do trong một người phụ nữ Hồi giáo mà đáng ra không nên thể hiện thì hơn. Nhưng tất cả đã quá muộn khi mà ý thức ấy ngày càng lớn lên và nổ tung trong cái chết. Đó là bi kịch lớn nhất của đời chị nhưng lại cũng không phải là bi kịch, bởi đó là sức sống của mỗi con người, sứ mạng mà họ được quyền có trong cuộc sống này. Nếu không có khát vọng tự do ấy thì có lẽ chị đã không thể đồng cảm và sẻ chia với những tâm hồn bị bủa vây trong rào cản của tôn giáo như bà cô của chị. Khát vọng ấy cộng với tình thương cao cả giữa người và người đã giúp chị cảm hóa được thể xác và tâm hồn của người lính trẻ. Tất cả họ đều là những con người bị vùi trong địa hạt của khổ đau, của số phận bị bóp méo của một đất nước có chiến tranh nhưng sâu sa hơn, đó còn là bi kịch hai mặt của kiếp làm người. 2… đến một bi kịch kép đau thương Thế giới bi kịch của “Nhẫn thạch” là sự hòa phối của hai bi kịch song hành: bi kịch tình yêu và bi kịch chiến tranh. Trong đó, bi kịch tình yêu được thể nghiệm qua bi kịch chiến tranh và bi kịch chiến tranh là nguyên nhân của bi kịch tình yêu. Hệ thống nhân vật trong tác phẩm này là những đứa con tất yếu của hoàn cảnh chiến tranh, nó tạo ra bộ mặt dị dạng cho những con người bất hạnh ấy. Không gian căn phòng trở thành hình ảnh phản xạ của không gian bên ngoài.“Xa, đâu đó trong thành phố, tiếng một quả bom nổ. Dữ dội, có thể nó đã phá tan vài ngôi nhà, vài giấc mơ nào đó” [tr.17]. Và biết đâu sau màn giết chóc ấy lại có hàng tá người như người đàn ông đang nằm bất động đó. Và sẽ có thêm biết bao người kêu gào đến khản cổ một con người chỉ còn tấm xác không? Căn phòng trở thành biểu trưng đầy nhức nhối về sức tàn phá của chiến tranh. Súng, đạn đến và đi, để lại sau lưng nó sự hủy diệt, đó là “tác phẩm” thành công nhất của bất cứ cuộc chiến nào. Những con người khổ đau ấy, chui rúc trong một thành phố mà tiếng người bị nghẹn lại trong tiếng súng nổ, tiếng bom gào, sống chết chỉ là một ranh giới mỏng manh. Vậy nên, nếu có một đêm nào đó bình yên thì thật lạ: “Đêm nay người ta không bắn… Đêm nay không có xác chết” [165]. Hẳn đó là một bài ca thảng thốt của những người đã quen tiếng ầm ầm của bom đạn. Không có xác chết quả là một món quà quá bất ngờ nhưng cũng lại bao chứa nhiều mối nguy hại phía sau: “Mặt trời lặn. Vũ khí thức dậy. Đêm nay nữa người ta tàn phá Đêm nay nữa người ta giết” [tr.88] Chiến tranh cuốn vào đó tất cả trong đó có số phận của con người. Với chiến tranh, quy luật duy nhất có ý nghĩa là tàn phá. Chiến tranh cướp đi sự bình yên, cướp đi tính mạng và tâm hồn của con người. Nhưng cũng từ chiến tranh, người ta nhận ra nhau trong cách ứng xử với người bên cạnh mình. Người vợ đã ngồi bên chồng hơn mười sáu ngày trời chỉ để vun vén cho niềm tin của mình trở thành hiện thực. Chị tin phép màu sẽ khiến cho một người có thể tỉnh lại với một viên đạn trong gáy. Điều đó đã thôi thúc chị cầu nguyện, lần tràng hạt, chăm sóc anh để mong ngày anh quay lại. Nhưng thời gian cứ trôi qua, ngày càng đẩy hy vọng của chị vào khắc khoải, đôi lúc chị đã muốn bóp chết hy vọng ấy: “Em không còn chịu được nữa”. Và hệ quả tất yếu là chị “…nắm lấy cái ống dẫn. Nhắm mắt và giật cái ống dẫn ra khỏi miệng anh. Chị quay lại, mắt nhắm. Bước đi loạng choạng” [tr.88]. Chị đã bỏ rơi anh vì sự mệt mỏi của mình. Chị đã từng có ý nghĩ thà để một viên đạn lạc bắn chết anh cho xong. Nhưng rồi chị lại quay lại bởi chị không thể giết chết hy vọng, niềm tin của mình, nếu thế thì người ta sẽ lấy gì để chống chọi với chiến tranh? Chiến tranh có thể hủy diệt nhiều thứ nhưng chắc chắn vẫn còn một thứ có thể trường tồn đó là tình yêu. Chị đã ngồi bên anh với tất cả tình thương và tình yêu của một người phụ nữ. Hình dáng chị tạc vào trong từng động tác tỉ mỉ và rất đỗi trìu mến: “Chị nhấc tấm chăn vẫn che đôi chân người đàn ông. Chị lau bụng, hai bàn chân, dương vật người đàn ông. Xong, chị phủ tấm đắp sạch lại cho anh, kiểm tra khoảng cách giữa hai giọt nước mặn – ngọt và cầm đèn bước ra” [tr.34,35]. Con người chị không hề đơn giản vì nó luôn phải căng ra để đối phó với hàng loạt mâu thuẫn của bản thân theo cái quy trình: tình yêu (tình thương) – mệt mỏi – nguyền rủa – hối hận – tình yêu (tình thương)… đó là cái vòng quay thường ngày của chị từ lau rửa cho người chồng, cầu kinh, nói chuyện, mệt mỏi rồi cuối cùng lại hối hận, tự trách mình. Đó là trách nhiệm của một người vợ đối với chồng nhưng nó cũng đồng thời là trách nhiệm của con người đối với nhau. Bi kịch chiến tranh và bi kịch tình yêu luôn song hành với nhau. Chúng tạo thành một cặp sóng đôi, làm tăng sức biểu hiện của tác phẩm. Người đàn ông nằm bất động là biểu tượng rõ ràng nhất của chiến tranh và sự cứu rỗi của tình yêu. Chiến tranh khiến anh tàn tạ nhưng cũng từ hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, người đọc nhận thấy được tâm hồn ngời sáng của người phụ nữ Hồi giáo. Từ số phận của chị, chúng ta còn cảm nhận được biết bao mảnh đời bị ức chế, kìm kẹp giữa tôn giáo và chiến tranh như chị. Chị phải lấy một người chồng khi chưa biết mặt, làm đám cưới với một tấm ảnh, động phòng sau ba năm lấy nhau và phải thêm bảy năm nữa để tâm sự cùng nhau. Người chồng là người của súng đạn, chỉ biết yêu chiến trường chứ không biết cách để “chiến đấu” với thân xác của người phụ nữ. Bi kịch của nhân vật nữ chính, phần nào có nguyên do từ người chồng mà lý tưởng “gắn chặt với máu” ấy. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất về bi kịch của chị chính là sự ức chế tình dục. Chị buộc phải tự thỏa mãn bản thân vì người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo không được phép đòi hỏi. Đó sẽ là sự ô uế đáng kinh tởm nhất. Nhưng bây giờ, trong hoàn cảnh chị hoàn toàn chiếm lĩnh thân xác anh thì chị thực hiện điều ấy một cách trắng trợn, không do dự: “Bàn tay nhét giữa hai chân, chị tự vuốt ve nhẹ nhàng, rồi mạnh hơn, dữ hơn… Hơi thở chị mỗi lúc một dồn dập. Hổn hển. Ngắn. Rít lên. Một tiếng kêu. Những tiếng rên” [tr.168]. 3. “Nhẫn thạch” và bức thông điệp tầm cỡ toàn cầu Tôn giáo và chiến tranh, lồng vào đó là thái độ ích kỉ, nhỏ mọn, hèn hạ của con người là tác giả chính của mọi bi kịch trong “Nhẫn thạch”. Nếu chiến tranh là kẻ thù sừng sững, hiện hình ngay trước mặt, thì tôn giáo cũng chính là một thứ vũ khí hủy diệt không kém hơn là bao. Với sự có mặt của tôn giáo (ở đây là Hồi giáo), mọi quyền được sống với bản năng của con người đều bị đè bẹp. Nhưng nực cười là, miệng người ta có thể nói lý tưởng nhưng có thực hiện hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nếu không thì đồng đội của người đàn ông tội nghiệp đã không thèm khát vợ của anh đến vậy, và anh lính trẻ cũng không phải chịu cảnh làm trò mua vui cho người khác. Nữ nhân vật chính hướng đến việc giải thoát cho tình cảnh của chồng bằng cách giải thoát chính mình. Chị đã dốc toàn bộ bầu tâm sự cho “nhẫn thạch” của mình: từ sự thực về trinh tiết, hai đứa con không phải của anh, đến tội lỗi của chị với cha mình, về những người đồng đội của anh sờ mó chị khi anh vắng nhà… Nếu xét trong mười nguyên tắc tối thượng của đạo Hồi (**), chị đã phạm ít nhất là ba. Đó là một sự phản kháng mang tính bản chất trong con người này. Thuở bé, chị chống lại cha mình, đó cũng là một biểu hiện chống lại sự áp đặt của tôn giáo. Và trong hoàn cảnh hiện tại thì điều này càng rõ ràng hơn. Có thể nói, chị đã vấy máu của mình lên các tín điều của tôn giáo, làm “ô uế” nó theo cách của chị. Bằng cách thú nhận tất cả những điều lừa dối trước đó của mình, chị đã gây chiến với lý tưởng tôn giáo. Nhân vật nữ đã có chút hồ nghi về cái tôn giáo mà chị hằng theo đuổi nhưng không thể phủ nhận rằng, tôn giáo là cứu cánh của chị: chị đã lần tràng hạt, đã cầu nguyện liên tục trong gần ba tuần lễ, chỉ với mong muốn duy nhất là Đấng Allah sẽ đưa người chồng của chị trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng ở góc độ mâu thuẫn, hành động của người phụ nữ này đã chống lại những nguyên tắc của tôn giáo chị thờ phụng. Rõ ràng, tôn giáo không phải là cứu cánh đích thực cho niềm hy vọng của chị, chính chị mới là người khải thị cho người chồng và người chồng là “Thượng đế” của cô. Họ đã tạo ra một thứ tôn giáo cho riêng mình – thứ “tôn giáo con người”, tôn giáo của tình yêu vĩnh hằng. Ati q Rahimi đã khéo léo lồng vào câu chuyện một cách nhìn có phần dữ dội về đạo Hồi. Ông không cực đoan, không đẩy nó lên quá khích, cũng không hề thấy giọng điệu phê phán trong đó, quyền định đoạt dành cho người đọc. Đã đến lúc con người cần nhìn thẳng vào tôn giáo với tất cả các mặt của nó chứ không đơn thuần chỉ nhìn từ bộ mặt đạo đức giả mà thôi. Toàn bộ bi kịch của “Nhẫn thạch” xoay quanh trục trung tâm là bi kịch của số phận làm người. Chiến tranh đã cướp đi quyền sống tự do, bình đẳng của con người. Họ lâm vào trạng thái chênh vênh của kiếp sống. Chủ đề chiến tranh và tiếng nói cháy lòng của nó về sự hủy diệt đã từng được chuyển tải rất thành công trong thời gian gần đây như “Người đua diều” của Khaled Hosseini hay “Thiếu nữ đánh cờ vây” của Sơn Táp… Mỗi người nhìn từ một góc độ nhưng bình diện chung nhất vẫn là tiếng nói nhân đạo vút cao lên tiếng gầm rú của bom đạn, mịt mù của bụi, khói… Câu chuyện của Atiq Rahimi diễn ra “Đâu đó ở Afghanistan hay một nơi nào khác”. Bạn đọc có thể liên tưởng đến I-rắc, đến Israel và Palestin, đến Thái Lan… bất cứ nơi đâu trên Trái đất này còn hôi mùi thuốc súng, còn sặc mùi máu chiến tranh thì đó đều là bối cảnh của “Nhẫn thạch”. Loài người cần một thế giới đại đồng, đó là thiên đàng cho mọi tôn giáo, nơi ấy sẽ không có chiến tranh và tôn trọng tối đa quyền làm người của con người. Thông qua người phụ nữ Hồi giáo, Atiq Rahimi còn thể hiện niềm tin vào sức mạnh của tình thương giữa con người và con người. Tình thương là phương thuốc cảm hóa cho lòng hận thù và những vết thương. Hành động “bán mình” của nhân vật nữ với người lính trẻ không thể nhìn một chiều đơn giản. Động cơ thúc giục chị hiến thân cho cậu trai không chỉ vì bị uy hiếp, vì ức chế tình dục, vì những khát khao bản năng không được thỏa mãn với người chồng, mà còn phải xét nó ở một góc độ cao hơn – góc độ tôn giáo. Tất nhiên đây là thứ tôn giáo của tình thương, của sự đồng cảm và sẻ chia. Thứ tôn giáo này không có hệ thống giáo lý của nó mà người ta đối đãi với nhau bằng tấm lòng. Người đàn bà “ô uế” ấy đã mặc khải và cảm hóa được một con người, đó là sức mạnh vô bờ bến của tình thương. Người phụ nữ Hồi giáo trong “Nhẫn thạch” chính là Đấng Tối Cao bằng sự tỏa sáng của tâm hồn của mình. “Nhẫn thạch” của chị đã nổ tung nhưng không giải thoát được khổ đau như trong câu chuyện cổ Ba Tư mà nó chôn vùi khổ đau vào trong lòng cái chết. Nhân loại đang cần nhiều “nhẫn thạch” dám nổ tung, dám đương đầu với mọi khổ đau để cùng tiến về tương lai sáng ngời phía trước.
Huế, tháng 05/2009
NGUYỄN ANH DÂN
(Bản tác giả gửi Khoanguvandhsphue.org)
 ***********
Nhẫn thạch” – Atiq Rahimi – Giải Goncourt 2008 Bản dịch của Nguyên Ngọc, NXB Hội nhà văn và Nhã Nam ấn hành, 2009
 Mười nguyên tắc tối thượng của đạo Hồi: 1. Chỉ tôn thờ một Đấng Tối Cao (Đức Allah) 2. Vinh danh và kính trọng cha mẹ 3. Tôn trọng quyền của người khác 4. Bố thí rộng rãi cho người nghèo 5. Cấm giết người (ngoại trừ trường hợp đặc biệt) 6. Cấm ngoại tình 7. Bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi 8. Cư xử công bằng với mọi người 9. Trong sạch trong tình cảm và tinh thần Khiêm tốn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *