Abstract: Nguyễn Ngọc Tư, who mainly writes about women, is a famous female writer. In her short stories, the female characters are various. The writer uses a lot of methods of which the language of communication is the most useful one to express her female characters’ inner worlds. The language of conversation includes conversation forms, conversation roles and non-verbal elements through which the female charactersares’ inner worlds are shown.
Keywords: Female characters, Conversation form, conversation roles, non-verbal elements
1. Đặt vấn đề
Đánh giá về những đóng góp vào diện mạo chung của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, diễn ngôn của các nhà văn nữ đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ, cho thấy sự vận động và chuyển đổi của nền văn học nước nhà. Đỉnh cao của những sáng tác giới nữ được xác định vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi văn đàn văn học Việt xuất hiện nhiều cây bút nữ, đặc biệt ở lĩnh vực truyện ngắn. Cùng với các tên tuổi tác giả có tiếng nói như Dạ Ngân, Phạm Thị Hoài, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Võ Thị Hảo…Nguyễn Ngọc Tư được biết đến như là cây bút nữ có tiếng nói riêng bởi những đặc trưng giới tính đậm nhạt trong các trang văn. Khảo sát truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư chúng tôi nhận thấy sự tập trung khai thác có phần thiên vị của tác giả dành cho những người phụ nữ. Hệ thống nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư hiện lên khá phong phú, đa dạng. Đó là những người phụ nữ rất đỗi bình thường trong vai của một người mẹ, người vợ, người chị, người em….Cũng có thể là những con người chứa đựng những nét tính cách, diện mạo hay số phận đặc biệt. Để thể hiện họ, Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, ngôn ngữ hội thoại được xem là một trong những phương thức biểu đạt rõ nét nhất thế giới nội tâm của nhân vật. Thông qua ngôn ngữ hội thoại, nhân vật có khả năng tự bộc lộ mình, thể hiện và soi chiếu chính mình trong các mối quan hệ với những nhân vật khác. Đặc điểm ngôn ngữ hội thoại của nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư được làm rõ trên ba bình diện: hình thức hội thoại, vai giao tiếp và các yếu tố phi ngôn ngữ.
2. Nội dung
2.1. Hình thức hội thoại của nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
Hội thoại của các nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư được xây dựng dưới nhiều hình thức: Đơn thoại, song thoại, tam thoại và đa thoại. Trong đó hình thức hội thoại chiếm ưu thế có giá trị cao trong việc thể hiện tuyến các nhân vật nữ chính là đơn thoại. Đơn thoại là một hình thức hội thoại đặc biệt. Hình thức hội thoại này được hình thành khi Sp1 trùng với Sp2, tức nhân vật hội thoại đóng vai trò kép vừa là người trao và vừa là người nhận. Trong trường hợp này đơn thoại chính là độc thoại. Tuy nhiên đơn thoại cũng có thể hình thành khi lượt lời của người trao không phải là một tham thoại, tức hành động ngôn từ không có hiệu lực ở lời. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hành động ngôn từ có được trong cuộc thoại không nhắm đến một đối tượng cụ thể (hoặc giả định hoặc vắng mặt) do đó không đòi hỏi sự hồi đáp. Trường hợp này cũng được xếp vào đơn thoại. Theo đó, hình thức đơn thoại được vận dụng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư được chia làm hai dạng: Đơn thoại là độc thoại và Đơn thoại vắng mặt vai người đáp lời Sp2. Khảo sát một số truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chúng tôi nhận thấy hình thức đơn thoại xuất hiện khá đặt biệt.
Trường hợp đơn thoại là độc thoại: hành động ngôn từ gắn với dạng thức độc thoại này chủ yếu nhằm để bày tỏ cảm xúc thường là than vãn, rên rỉ, hoặc tiếc nuối….Ví dụ: “Nghe tiếng dì Dũng mở nắp xoong trong bếp lần thứ sáu mươi chín trong ngày, rên, “cục đất này kỳ quá, không giữ được thằng đàn ông nào” (Mưa mây). Dạng thức độc thoại này chỉ chiếm số lượng ít trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Độc thoại nội tâm mới là điểm nhấn cơ bản trong chuỗi các đơn thoại mà nhà văn xây dựng trong tác phẩm. Thể hiện tuyến nhân vật nữ, kiểu độc thoại nội tâm tỏ ra phù hợp và có giá trị cao trong việc lột tả thế giới nội tâm đầy phức tạp và đa diện của các nhân vật. Đọc truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta nhận thấy có khá nhiều lời thoại của nhân vật nữ được thể hiện dưới dạng chuỗi ngôn ngữ chỉ nằm trong suy nghĩ. Trong đó các chuỗi ngôn ngữ này được chia làm hai loại. Một là những ý nghĩ đối thoại với các nhân vật khác, hai là những ý nghĩ đối thoại với chính mình. Chẳng hạn:
VD1: – “Uống trà chị, hoàn cảnh của chị cũng thiệt buồn. Nhưng thể nào rồi anh ấy cũng quay về. Thiệt đó, chị, đa số đàn ông đều tốt”.
– Tốt sao? Người ta bỏ cô để cưới tôi mà là tốt à, má tôi ngồi lặng, tự hỏi
(Dòng nhớ, Tr.136,137)
VD2: – “Tụi nó sẽ sống chớ anh?”, có lần chị hỏi khi anh mang con thú dặt dẹo ra xe.
– “Ừ hoặc chết”.
– “Phải sống chớ, anh đã đánh đổi cả em để cứu chúng mà”, ý nghĩ đó mạnh đến nỗi chị tưởng đã bật ra thành lời…
(Thấm mệt, Tr.46)
Ở hai ví dụ trên, lời đáp trả của nhân vật nữ trong cuộc thoại đã bị ẩn đi, chúng chỉ xuất hiện trong suy nghĩ của các nhân vật với tư cách là chuỗi ngôn ngữ mang tính đối thoại. Để thấy, không phải lúc nào tác giả Nguyễn Ngọc Tư cũng để cho nhân vật của mình nói sạch, nói hết những suy nghĩ. Bằng cách này hay cách khác, việc giữ lại những lời thoại, để chúng không phát thành lời đã khiến tuyến nhân vật nữ trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thêm chiều sâu. Như thế, việc sử dụng hình thức độc thoại nhưng lại mang tính đối thoại như trên tỏ ra hữu ích trong việc thể hiện trọn vẹn cái đa chiều, bề bộn của nội tâm nhân vật. Bên cạnh đó, trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, độc thoại nội tâm còn tồn tại ở dạng thức là những ý nghĩ nhân vật dùng để đối thoại với chính mình. Cách tác giả để nhân vật “người mẹ” trong Dòng nhớ tự xoay sở với mớ ý nghĩ của mình là một minh chứng cụ thể:
“Má tôi ngồi bình tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà giành với người ta chút nầy nữa. Năm nầy qua năm khác mình được sống chung với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đâu mặt lại ngủ… Còn người ta, nhớ thương đứt ruột cũng đành ngồi đây ngó lên, giữa đường gặp nhau chỉ nhìn vậy thôi mà không chào hỏi tiếng nào. Đau lắm chớ. [Tr.139]
Không chỉ trong Dòng nhớ, trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, rất nhiều lần chị sử dụng hình thức độc thoại này để phác họa tính cách, tâm hồn nhân vật. Chúng là những khoảng lặng được tác giả tạo ra khi mô tả thế giới nội tâm của nhân vật. Chính những lời độc thoại nhân vật dùng để tự nói với chính mình khiến họ trở nên “trọn vẹn” hơn trong mắt độc giả.
Trường hợp đơn thoại vắng mặt vai người đáp lời Sp2: Số lượng của những đơn thoại dạng này so với độc thoại chiếm số lượng ít hơn. Dạng thức đơn thoại vắng mặt vai người đáp lời Sp2 xuất hiện trong trường hợp người nghe chỉ mang tính giả định hoặc không thể xác định chính xác, đích danh, hoặc không có mặt. Minh chứng cụ thể lần lượt ở các ví dụ sau:
– VD1 (Sp2 chỉ mang tính giả định) : “Ăn cho tràn họng, tụi bất lương ngồi đây mà không sủa tiếng nào”, vợ Tam nói đá thốc con Mốc (Cơn nước ngang qua) |
– VD2 (Sp2 không thể xác định chính xác): Huế Mười đi dài xóm tìm con miệng cắm cẳn “mượn con người ta lâu vậy mà không chịu trả, ác quá” (Đất) |
-VD3 (Sp2 không có mặt): Con Thủy lầm bầm, “Chắc là sau nầy em khó có dịp gặp anh” (Dòng nhớ) |
Như vậy, sự phức tạp trong cách tổ chức các đơn thoại cho thấy thế giới nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không chỉ được tác giả thể hiện bằng những miêu tả bên ngoài. Chân dung của các nhân vật nữ trong truyện cũng đa diện nhiều chiều vì có nội tâm đầy phức tạp. Đơn thoại nói chung và độc thoại nói riêng chính là cạnh khía thể hiện rõ cái nội tâm sâu thẳm và phức tạp ấy của giới nữ. Nói như thế không có nghĩa chúng ta phủ nhận những đóng góp của các hình thức hội thoại khác đối với việc thể hiện nhân vật, tuy nhiên trong phạm vi giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ tập trung trình bày và đánh giá về đơn thoại – hình thức hội thoại nổi bật trong việc đặc tả thế giới nội tâm nhân vật.
2.2. Vai của các nhân vật nữ trong hội thoại
Nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư khi được khắc họa dưới hình thức của những cuộc thoại đều có vai giao tiếp nhất định. Thông qua vai giao tiếp, những mối quan hệ liên cá nhân giữa các nhân vật được xác định. Xét về quyền uy, giữa các nhân vật có thể có mối quan hệ ngang vai hoặc không ngang vai. Trong đó, quan hệ không ngang vai được chia làm hai loại: Trên vai và dưới vai. Với vai giao tiếp, chúng ta có thể nhận thấy ý thức bình đẳng giới trong quan điểm sáng tác của tác giả. Nhà văn không những chỉ đặt nhân vật vào trong những mối quan hệ phức tạp để nêu bật những đặc trưng về tâm hồn, tính cách mà còn trao cho họ những vai giao tiếp nhằm khắc họa chân dung những con người có thân phận cụ thể. Chân dung của những người phụ nữ ấy được thể hiện qua vai giao tiếp của chính họ trong các cuộc thoại.
Với trường hợp vai ngang bằng: Tác giả Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất ngang vai trong các cuộc thoại có kiểu quan hệ gia đình – vợ chồng hoặc quan hệ yêu đương – nam/nữ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nguyễn Ngọc Tư đã đặt các nhân vật nữ trong thế đối lập ngang bằng với các nhân vật nam khi giao tiếp. Đây cũng là cách mà Nguyễn Ngọc Tư tạo cơ hội để những nhân vật nữ thể hiện cái tôi bình đẳng, bình quyền trước nam giới. Do đó, những đối thoại ngang vai diễn ra khá bình đẳng, các ngôi xưng của nhân vật nữ cũng được thể hiện một cách linh hoạt cho thấy sự tự chủ của chính họ trong các cuộc thoại.
Với những cuộc hội thoại thể hiện mối quan hệ giữa các nhân vật ngang vai là quan hệ yêu đương – nam/nữ, nhân vật nữ được đặt ở vị thế bình đẳng với các nhân vật nam. Theo đó, quy chiếu nhân xưng được sử dụng trong hội thoại là một trong những phương diện thể hiện sự bình đẳng ấy. Như Tím trong Nút áo, Lem trong Đất đã sử dụng ngôi xưng Tôi – Anh để đối thoại với người đàn ông được ướm gả cho mình. Tương tự với những cuộc hội thoại thể hiện mối quan hệ vợ chồng, điểm mấu chốt để tác giả khắc họa nhân vật nữ chính là đặt họ vào trong những ràng buộc của gia đình. Ở trường hợp này, nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư hiện lên đa dạng với nhiều đặc trưng tính cách và số phận khác nhau. Như vợ Tam trong Cơn nước ngang qua, Nhị trong Những biển hay bà Ba Quyên trong Đất…. những rạn nứt trong quan hệ vợ chồng khiến cuộc thoại của những người phụ nữ này với chồng mình có phần khác thường. Những câu thoại không đầu không cuối, không sử dụng nhân xưng cụ thể khi kêu gọi đối phương đã phần nào giúp tác giả thể hiện một thế giới phụ nữ có phần gai góc, mạnh mẽ.
Tuyến các nhân vật nữ trong các cuộc thoại ngang vai hiện ra với vai trò của một người vợ – người phụ nữ của gia đình hay một người tình – người bạn đời. Trong trường hợp này, nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không hề yếu đuối, họ làm chủ cuộc thoại như chính cách họ làm chủ cuộc đời mình mà hội thoại ngang vai là một trong chính những cạnh khía giúp tác giả Nguyễn Ngọc Tư thể hiện rõ điều đó.
Bên cạnh quan hệ vợ chồng và quan hệ nam/ nữ trong những cuộc thoại có vai ngang bằng, quan hệ giữa các nhân vật còn có thể là các kiểu quan hệ như: bạn bè, hàng xóm hay tuổi tác. Tuy nhiên các cuộc thoại thuộc kiểu quan hệ như trên chỉ chiếm số lượng ít trong tổng số các cuộc thoại có vai ngang bằng nhưng tựu trung vẫn cho thấy xét ở khía cạnh vai giao tiếp, tuyến nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư hiện ra bình đẳng, chủ động.
Với trường hợp vai không ngang bằng: Các cuộc thoại có vai không ngang bằng là những cuộc thoại thể hiện mối quan hệ giữa những người có tuổi tác, quan hệ gia đình hay quan hệ xã hội không bình đẳng với nhau. Kiểu quan hệ này bao gồm trên vai và dưới vai. Quan hệ trên vai được xác định là khi người phát có tuổi tác, vị thế trong gia đình, xã hội thấp hơn người nhận. Ngược lại với quan hệ dưới vai, tuổi tác và vị thế gia đình, xã hội của người phát cao hơn so với người nhận. Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, những cuộc thoại có vai không ngang bằng chiếm số lượng lớn với 187 trường hợp. Vị thế trên vai hay dưới vai của các nhân vật nữ trong các cuộc thoại cho thấy từng vai trò, vị trí của chính họ trong tương quan với các nhân vật khác. Nếu những cuộc thoại ngang vai chủ yếu khắc họa tuyến nhân vật nữ ở phương diện bình đẳng giới, trong vai trò của một người vợ, người yêu thì với những cuộc thoại có vai không ngang bằng, chân dung của những nhân vật nữ được mở rộng ra. Họ có thể là những người bà, người mẹ hay những người chị, người em …tùy thuộc vào vai giao tiếp của chính họ trong các cuộc thoại. Hình thức của những cuộc thoại có vai không ngang bằng vẫn chủ yếu là song thoại. Vai của các nhân vật được xác định căn cứ vào tuổi tác, như các cuộc thoại của Ngà và bà cụ lang thang trong Vực không đáy, cuộc thoại giữa Xuyến và anh Năm già trong Duyên phận so le, hay cuộc thoại giữa Tươi và các bác cựu chiến bình trong Ngọn đèn không tắt. Rất nhiều trường hợp vai của các nhân vật nữ được xác định căn cứ vào các mối quan hệ gia đình như: quan hệ mẹ – con trong Dòng nhớ, Thầm, quan hệ bà – cháu trong Đất, Biển người mênh mông . Như vậy, thông qua những cuộc thoại có vai giao tiếp không ngang bằng, thế giới các nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư hiện ra với nhiều phương diện, trong nhiều tư cách. Không bó hẹp trong phạm vi quan hệ gia đình, nhân vật nữ được đặt trong nhiều hoàn cảnh với những đối tượng hội thoại khác nhau. Vai giao tiếp của họ được xác định dựa trên quan hệ tuổi tác, quan hệ gia đình lẫn các quan hệ trong xã hội. Sự đa dạng trong cách “sắm vai” cho các nhân vật cho thấy dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư khi thể hiện tuyến các nhân vật nữ. Thế giới của phái yếu trong con mắt của nhà văn là một thế giới đa dạng với những con người ở nhiều vị trí, cương vị khác nhau.
2.3. Các yếu tố phi ngôn ngữ trong hội thoại của nhân vật nữ
Trong hội thoại, ngoài yếu tố ngôn ngữ, các yếu tố phi ngôn ngữ đóng một vai trò nhất định đối với sự vận động của hoạt động giao tiếp. Các yếu tố phi ngôn ngữ được xem là những tín hiệu hỗ trợ đắc lực cho người nghe hiểu đúng mục đích của lời thoại bởi trong giao tiếp, con người không chỉ dùng duy nhất kênh ngôn ngữ mà còn sử dụng cả cơ thể và các giác quan để thể hiện tối đa những mục đích giao tiếp. Hiểu được vai trò của các yếu tố phi ngôn ngữ, truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư khi thể hiện tuyến các nhân vật nữ đã vận dụng triệt để những yếu tố này. Trong các cuộc thoại có sự tham gia của nhân vật nữ, sự xuất hiện của các yếu tố phi ngôn ngữ trong các lời thoại được đẩy lên thành các thủ pháp nghệ thuật trong đặc tả nhân vật. Theo đó, các yếu tố phi ngôn ngữ được sử dụng trong hội thoại của các nhân vật nữ ở đây thực hiện hai chức năng cơ bản là thay lời và kèm lời (hỗ trợ cho các yếu tố ngôn ngữ). Như thế, không thể phủ nhận vai trò của những yếu tố phi ngôn ngữ trong giao tiếp. Khi thực hiện chức năng kèm lời, chúng đóng vai trò như những tác nhân hỗ trợ nhân vật đạt đích hội thoại. Nhưng khi thực hiện chức năng thay lời, yếu tố phi ngôn ngữ trở thành những phương tiện trao đổi trực tiếp. Với việc khắc họa chân dung nhân vật nữ qua ngôn ngữ hội thoại, những yếu tố phi ngôn ngữ tỏ ra hữu ích trong việc hỗ trợ các nhân vật thể hiện mình, nhất là trong những cuộc thoại mang tính đương diện.
Yếu tố phi ngôn ngữ thực hiện chức năng kèm lời trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư được sử dụng bởi hai cấu trúc:
– Cấu trúc đơn: 1 yếu tố kèm lời thoại (Nga nhẹ lòng thở ra cái phù, hỏi anh đang làm gì đó; Diễm Thương ngạo nghễ cười, hỏi bác ơi, mấy giờ có chuyến ra thị xã; Vợ phì cười “người ta chửi cái thằng trong phim mà, chạm cọng dây nào sao lại lên tiếng?”; Bà chắt lưỡi: “sao tụi trẻ bây giờ coi trọng chuyện trai gái quá vậy không biết”…).
– Cấu trúc kép: 2 yếu tố trở lên kèm lời thoại (Nhìn thấy ông bà mỉm cười, giở nón, bà hỏi: “Nghe nói ông tìm tôi”; Huệ xụ mặt xuống, môi trề ra, “gà nhà tao kệ tao”; Bà nội vắt nước chiếc khăn rằn quấn đầu, nheo mắt hỏi “sao quỡn mà ghé chơi vậy”;Xuyến cười lạt nhách, lấy tay vạc nước đẩy chiếc tàu giấy đi, Xuyến bảo em chưa tính tới anh à…).
Với hai kiểu cấu trúc này, các yếu tố phi ngôn ngữ kèm lời đã giúp tác giả thể hiện rõ sắc thái của lời nói trong hoạt động giao tiếp. Rõ ràng bằng những hành động như: chắt lưỡi, thở hắt, trề môi hay vấn vạt áo… ý nghĩa của lời thoại được hiểu một cách đầy đủ, chân dung các nhân vật nữ vì thế cũng hiện ra rõ nét hơn thông qua ngôn ngữ hội thoại.
Đối với trường hợp các yếu tố phi ngôn ngữ thực hiện chức năng thay lời, chúng được sử dụng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư với mục đích thay lời nhân vật thực hiện quá trình giao tiếp. Có những trường hợp, nhân vật không thể hoặc không muốn dùng lời nói để thể hiện, do đó cho phép những yếu tố phi ngôn ngữ được thay thế. Yếu tố phi ngôn ngữ thay lời có thể được dùng cuối cuộc thoại nhằm kết thúc việc giao tiếp. Chẳng hạn như các trường hợp sau:
– Ông ngoái lại nói: “Tôi hỏi thiệt, cô ở lại để chờ người ta?”. Chị không trả lời, chị cúi đầu đi thẳng.
- Sinh thời má anh Hải hay nắm tay trìu mến, “má chỉ có hai thằng con trai, chừng nào lớn bây chọn một đứa làm con dâu má nghen”, chị Thể cười cười, không nói.
– Con Thủy ừ hử như không, Giang hỏi, không nhớ à, Thủy lắc đầu.
– Dì còn dặn lại: “Nếu ảnh có quay về, chị đừng giận ảnh nghen, người ta có đi đâu làm gì thì cũng thương mình chị thôi”. Má tôi không nói quay đi và khóc.
Có thể nhận thấy chỉ với hành động cúi đầu đi thẳng, cười cười, lắc đầu hoặc quay đi và khóc… nhân vật vừa thực hiện hành vi đáp thoại vừa cho thấy những tình huống hội thoại phức tạp khiến họ không biết hoặc không muốn sử dụng lời nói để duy trì cuộc thoại. Trong trường hợp này, giá trị của những yếu tố phi ngôn ngữ được đẩy lên cao, chúng trở thành phương tiện giao tiếp chính có khả năng thay thế lời thoại của nhân vật.
Tóm lại, các yếu tố phi ngôn ngữ được sử dụng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đều có một vai trò nhất định. Trong việc thể hiện tuyến các nhân vật nữ thông qua ngôn ngữ hội thoại, yếu tố phi ngôn ngữ được sử dụng để bổ sung những nội dung như: cử chỉ, hành động, trạng thái, hình dáng hay thói quen, tính cách nhân vật. Như vậy, việc sử dụng các yếu tố này không những hỗ trợ cho hoạt động giao tiếp bằng lời, thúc đẩy cuộc thoại đạt đích giao tiếp mà còn có khả năng thể chân dung các nhân vật nữ được khắc họa trong truyện.
3. Kết luận
Như vậy Ngôn ngữ hội thoại của nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư sau khi làm rõ trên ba phương diện: hình thức hội thoại, vai giao tiếp và các yếu tố phi ngôn ngữ, có thể rút ra những kết luận cụ thể như sau: Nhằm đặc tả thế giới nhân vật nữ, hình thức hội thoại được Nguyễn Ngọc Tư ưu tiên sử dụng chính là độc thoại, trong đó đặc biệt chú ý đến độc thoại nội tâm. Vai của các nhân vật nữ được thể hiện khá đa dạng, tương ứng với từng đối tượng và quan hệ giao tiếp, nhân vật nữ xác lập các vai giao tiếp trên vai, dưới vai hoặc vai ngang bằng. Theo đó, điểm nhìn của tác giả đặt biệt chú ý đến các vai ngang bằng, đặt các nhân vật nữ trong tương quan bình đẳng với các đối tượng khác, nhất là với những đối tượng khác giới. Bên cạnh đó, các yếu tố phi ngôn ngữ trong hội thoại cũng góp phần khẳng định về những đặc thù riêng biệt trong giao tiếp của nữ giới. Từ những kết luận cụ thể trên, suy rộng ra chúng ta có thể nhận diện phong cách sáng tác độc đáo, riêng biệt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trong vai trò của một nhà văn nữ viết về phụ nữ, ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư hướng đến đặc tả chân dung của những con người trong đời thực. Chính tư duy, cảm quan sáng tác của phái nữ đã giúp chị có được những cái nhìn sâu sắc và toàn diện về thế giới nhân vật nữ, về sự thể hiện ngôn ngữ của chính họ. Điều này góp phần cho thấy sự chi phối ít nhiều của “giới” đến ngôn ngữ. Vì rằng, suy cho cùng nhà văn cũng dùng văn bản nghệ thuật để giao tiếp. Những nét riêng trong ngôn ngữ hội thoại của nhân vật nữ mà chúng ta vừa mới rút ra được cũng chính là kết quả chi phối của phạm trù “Giới” đến ngôn ngữ, mà ở đây là ngôn ngữ sáng tác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Brown J.,Yule G., (2002), Phân tích diễn ngôn (Trần Thuần dịch), NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội [2] Đỗ Hữu Châu, (2001) Đại cương Ngôn ngữ học (tập 2) – Ngữ dụng học, NXB Giáo dục [3]Đỗ Hữu Châu, (2003), Cơ sở Ngữ dụng học, (tập 1), NXB Đại học Sư Phạm. [4] Nguyễn Thiện Giáp, (2000) Dụng học Việt Ngữ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [5] Nguyễn Hòa, (2008), Phân tích diễn ngôn Một số vấn đề lí luận và phương pháp, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội [6] M.A.K Halliday (2014), Dẫn luận ngữ pháp chức năng, Hoàng Văn Vân dịch từ tiếng Anh, NXB Đại học quốc gia Hà Nội. [7] Yule G., (1997), Dụng học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.THÔNG TIN CÁ NHÂN
– Họ và tên: Nguyễn Thị Hoài Phương
– Đơn vị công tác: Tổ Ngôn ngữ- Hán Nôm, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế
– Hướng nghiên cứu: Ngôn ngữ ứng dụng
– Số ĐT liên hệ: 0375113047
***
Bài viết đã được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia Văn học và Giới – Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Th.S Nguyễn Thị Hoài Phương
Email: nguyenhoaiphuongdhsp@gmail.com