Tuy nhiên, thực tế việc học văn hiện nay của học sinh nhiều khi mang tính chiếu lệ, hình thức; không nhiều em thực sự có đam mê văn chương. Tâm lí chán học văn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, kinh tế của con người thời đại trở nên quá phổ biến, vô hình chung đặt học sinh trước sự lựa chọn những môn học có tính ứng dụng cao. Thực tế này đã và đang đặt ra cho giáo viên những thách thức không nhỏ trong công tác giảng dạy. Gây dựng hứng thú, khơi dậy niềm đam mê học văn luôn đòi hỏi phải có sự ứng biến hoạt trong từng phương pháp, cách thức tổ chức dạy học, tài năng sư phạm của mỗi nhà giáo.
Tương tác trong dạy học là sự tác động qua lại trực tiếp giữa giáo viên và học sinh, học sinh với học sinh, diễn ra trong một môi trường nhất định nhằm thực hiện mục tiêu của quá trình dạy học(2). Xét về bản chất, tương tác trong dạy học là những hoạt động nhằm giúp người học chủ động chiếm lĩnh tri thức theo hướng dạy học hiện đại. Tương tác trong dạy học Ngữ văn theo hướng tạo hứng thú, say mê văn chương cho học sinh THPT đòi hỏi người giáo viên phải thiết kế, tổ chức nhiều hoạt động và có thể bằng nhiều con đường khác nhau.
Trên cơ sở việc tổ chức có ý nghĩa những hình thức, phương tiện học tập, hoạt động ngoài giờ và sự kích thích vào nhu cầu nhận thức, nhu cầu được khẳng định của chính người học, bài viết xin trình bày hai nhóm tương tác tạo hứng thú bên ngoài và tạo hứng thú bên trong như sau:
1. Nhóm tương tác tạo hứng thú bên ngoài
1.1. Tương tác có sử dụng công nghệ thông tin
Đây là hoạt động tương tác tổng hợp, giữa giáo viên-học sinh và môi trường. Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học văn đồng nghĩa với việc “nhúng” lớp học vào một môi trường hết sức hiện đại. Trên thực tế, không phải giáo viên nào cũng biết cách tận dụng công nghệ phục vụ cho bài học một cách hiệu quả, đặc biệt là điều khiển được khối máy móc vô tri để khơi gợi, bồi dưỡng cảm xúc, tâm hồn cho học sinh. Ưu điểm của công nghệ trong dạy học văn là chúng có thể hỗ trợ tác động lên đa giác quan của người học. Sức hấp dẫn và sự sinh động từ đó có thể được hình thành. Ngoài ra, công nghệ còn giúp người giáo viên tiết kiệm được thời gian, công sức trong giảng dạy, hướng người học vào một môi trường nhanh nhạy và năng động hơn môi trường truyền thống.
Tuy nhiên, thực tế người giáo viên chỉ sử dụng công nghệ thông tin để trình chiếu nội dung bài học, củng cố kiến thức và minh họa như một phương pháp trực quan. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hứng thú và niềm say mê học văn của người học. Làm thế nào để tận dụng các yếu tố bên ngoài khơi gợi, kích thích sự tham gia, hứng thú của người học ngay từ phút ban đầu không phải là một công việc đơn giản của người giáo viên.
Trước hết, công nghệ rất phù hợp trong bước khởi động bài-bước khai mở thế giới sinh động từ tác phẩm, nối nhịp xúc cảm với người học. Với vai trò “Mở đầu là một nghệ thuật vĩ đại” (Longfellow), thông qua hình ảnh, âm nhạc, phim, lời bình, giáo viên có thể tạo cho bài học một sức hút nhanh chóng, dễ dàng cuốn người học nhập cuộc một cách tự nhiên, tự nguyện, say mê.
Đơn cử bài học Đàn ghi ta của Lorca – Thanh Thảo(3), giáo viên có thể sử dụng những hình ảnh tiêu biểu của văn hóa Tây Ban Nha như những trận đấu bò nảy lửa, tiếng đàn ghi ta làm say lòng người để trình chiếu nhằm khơi gợi trí tò mò, phán đoán từ người học. Hoặc để dạy bài Tuyên Ngôn độc lập – Hồ Chí Minh(4), giáo viên có thể làm sống lại không khí, giờ phút lịch sử thiêng liêng bằng những hình ảnh, video tư liệu về Bác đọc Tuyên ngôn tại Quảng trường Ba Đình,…
Công nghệ cũng có thể được sử dụng trong quá trình triển khai nội dung bài học, nhất là những tác phẩm trữ tình. Nhờ hiệu ứng âm thanh, hình ảnh được sử dụng khi tìm hiểu các khổ thơ mà xúc cảm được hình thành, nhen nhóm đồng thời có thể thay đổi được không khí lớp học, tránh mệt mỏi, nhàm chán.
Ngoài ra, ở phần tổng kết nội dung bài học, công nghệ cũng góp phần hỗ trợ và tăng thêm tính sinh động thông qua việc lật mở các ô chữ trong phần trò chơi,…
Như vậy, nếu giáo viên đầu tư thời gian, kỹ thuật thì công nghệ thông tin sẽ phát huy rất nhiều tác dụng trong suốt quá trình dạy học; sự hỗ trợ mới lạ, đa dạng và hiện đại của nó so với môi trường truyền thống chắc chắn sẽ là những yếu tố góp phần hình thành nên hứng thú cho người học.
1.2. Tương tác thông qua trò chơi
Khổng Tử nói: “Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui mà học”. Trò chơi được sử dụng trong dạy học Ngữ văn nhằm hình thành động cơ cảm xúc ấy.
Trò chơi trong dạy học Ngữ văn rất đa dạng như lật mở ô chữ, nối, đố vui, đóng vai,… Đơn cử như trong bài Luật thơ(5), đặc điểm của học sinh khi học bài học này là các em có thể đã biết một số bài thơ đã học viết bằng thể thơ gì nhưng lại chưa nắm hết được luật của nó. Vì vậy, giáo viên có thể cho các em xác định thể loại của một số bài thơ mà các em đã học và từ đó dẫn dắt các em vào bài mới. Giáo viên chuẩn bị sẵn một bảng phụ gồm 2 cột: một cột ghi tên tác phẩm, tác giả, một cột ghi tên thể thơ rồi yêu cầu học sinh sắp xếp các tác phẩm theo thể thơ.
Tác phẩm, tác giả | Thể thơ |
Truyện Kiều – Nguyễn Du 2. Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn Thương vợ – Tú Xương 4. Vội vàng – Xuân Diệu 5. Chiều tối – Hồ Chí Minh 6. Tự tình – Hồ Xuân Hương 7. Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão 8. Việt Bắc – Tố Hữu 9. Tây Tiến – Quang Dũng | Lục bátSong thất lục bátThất ngôn bát cúThất ngôn tứ tuyệtThơ hiện đại |
Do thời lượng và tính chất đặc trưng của trò chơi mà nó có thể được sử dụng ở cả bước khởi động hoặc tổng kết nội dung bài học. Nhưng dù ở khâu nào thì loại tương tác này cũng gây được nhiều hứng thú và lôi kéo sự tham gia nhiệt tình, tự nguyện của đông đảo học sinh trong giờ học.
1.3. Tương tác thông qua hoạt động thảo luận nhóm
Tính chất hiện đại và hiệu quả mà phương pháp này mang lại là điều đã được khẳng định từ lâu, vì vậy nó trở thành hoạt động quen thuộc với tất cả các giáo viên và học sinh trong giờ Ngữ văn. Trên cơ sở lựa chọn vấn đề, thiết kế mô hình nhóm, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, điều khiển, hướng dẫn các nhóm. Sự tương tác giữa học sinh-học sinh lúc này sẽ diễn ra trong nội bộ nhóm hoặc giữa các nhóm. Các em hoàn toàn chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức bằng việc phân công nhiệm vụ, tranh luận, diễn giải với nhau.
Hoạt động thảo luận nhóm rất phù hợp trong việc gây hứng thú ở giai đoạn giảng dạy nội dung bài mới và nó gần như áp dụng được trong tất cả các bài học của chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông.
1.4. Tương tác ngoài giờ lên lớp
Việc tạo hứng thú không chỉ là điều kiện cần trong giờ lên lớp mà nếu được tận dụng trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, gặp gỡ, giao lưu giáo viên-học sinh,… thì tình yêu và niềm say mê văn chương của học sinh càng thêm được bồi đắp. Tuy nhiên, để truyền lửa cho các em thì người thầy phải là tấm gương phản chiếú được niềm đam mê đối với bộ môn của mình. Hơn hết, việc thiết kế tâm hồn cho các em cần đến những kỹ sư yêu nghề và luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với văn chương và các thế hệ học văn.
2. Nhóm tương tác tạo hứng thú bên trong
Để tạo được hứng thú bên trong cần xuất phát từ những tình huống dạy học có vấn đề, kích thích nhu cầu nhận thức của người học đồng thời giáo viên cũng giúp học sinh tự tin vào khả năng của mình, có được niềm vui trong học tập. Trên cơ sở sự chuẩn bị kỹ càng về các mặt như kế hoạch học tập, thiết kế dạy học – hệ thống câu hỏi, lựa chọn phương pháp, phương tiện dạy học phù hợp, giáo viên tiến hành các hoạt động tương tác nhằm tạo động cơ học tập thực sự từ phía học sinh.
2.1. Tạo tình huống dạy học
Xây dựng tình huống trong dạy học xét đến cùng cũng là nhằm tạo động cơ, tạo hứng thú học tập cho học sinh, giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức một cách tự nguyện, tự giác và say mê tìm tòi, khám phá.
Tình huống trong dạy học Ngữ văn, đặc biệt là trong giảng dạy tác phẩm văn học không chỉ là việc tạo ra thách thức bởi mức độ tri thức tăng dần, tạo sự hiếu kỳ trong nhận thức, tạo sự tranh đua, hợp tác, công nhận mà quan trọng hơn là tạo sự tưởng tượng, rung động xúc cảm và hình thành năng lực cảm thụ cái hay, cái đẹp trong văn chương.
Xét về bản chất của tình huống trong dạy học Ngữ văn, có thể kể đến một số dạng như: tình huống lựa chọn, tình huống nghịch lí, tình huống nhân quả, tình huống giả định, tình huống phản bác,… Việc lựa chọn tình huống nào trong mỗi bài học phụ thuộc nhiều vào đơn vị kiến thức, khả năng sư phạm, ý đồ giảng dạy, mức độ nhận thức của người học và môi trường lớp học.
Để học sinh chiếm lĩnh được nội dung tư tưởng của tác phẩm Tràng Giang – Huy Cận(6) một cách sôi nổi, giáo viên có thể xây dựng tình huống lựa chọn và yêu cầu học sinh đưa ra ý kiến đánh giá cá nhân như sau: Có ý kiến cho rằng Tràng Giang của Huy Cận là bài thơ thể hiện rung cảm của con người trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Ý kiến khác lại khẳng định bài thơ nói về tình yêu quê hương đất nước. Anh/chị đồng ý với ý kiến nào, vì sao? Hoặc để giải mã hành động giết chết Bá Kiến của Chí Phèo trong tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao(7), giáo viên có thể xây dựng tình huống nhân quả,…
Khi học sinh được đặt vào một tình huống học tập nhất định, các em sẽ buộc phải tư duy, tránh được sự xao nhãng trong giờ học. Mặt khác, cách thức tổ chức, giải quyết tình huống của giáo viên sẽ tác động đến mức độ ý thức, số lượng tham gia, xây dựng bài học một cách tích cực của học sinh. Nhờ vậy, hứng thú học tập, niềm say mê văn chương được nhen nhóm, gia tăng qua từng bài học.
2.2. Nhận xét, đánh giá
Tùy theo năng lực sư phạm mà việc đưa ra nhận xét, đánh giá của từng giáo viên cũng có những cách thức khác nhau. Tuy nhiên dù đánh giá ở hình thức và mức độ nào thì những ý kiến của giáo viên đối với kết quả trình bày, hoạt động học tập của học sinh cũng phải xuất phát từ sự lắng nghe nghiêm túc, từ ý thức gạn đục khơi trong và thiện chí hợp tác của giáo viên nhằm phát hiện tri thức, kỹ năng, thái độ và khích lệ biểu dương tinh thần học sinh.
Đối với việc đánh giá, nhận xét trực tiếp, sự đồng tình hay không đồng tình, khen hay chê hay biểu dương về cái đạt được và chưa được trong đáp ứng mục tiêu được thể hiện thông qua ngôn ngữ, điệu bộ, cử chỉ của giáo viên. Những tác động này trực tiếp ảnh hưởng đến hứng thú học tập của học sinh vì thế, chỉ cần buông một lời đánh giá qua quýt thiếu trách nhiệm hay phớt lờ ý kiến, sự đóng góp của học sinh có thể chặn đứng con đường cảm nhận và đi đến cái hay cái đẹp của văn chương ở người học.
Đơn cử ở phần đọc diễn cảm, trước khi yêu cầu học sinh thực hiện, giáo viên cần có định hướng về nội dung tư tưởng tác phẩm và giọng điệu, ngữ điệu, cường độ, tốc độ tương ứng để học sinh có được cảm nhận ban đầu và tâm thế rõ ràng hơn khi thực hiện. Sau khi học sinh đã hoàn thành yêu cầu, điều quan trọng là giáo viên phải nhìn ra được cái học sinh đã đạt được và nỗ lực đạt được để kịp thời khích lệ, biểu dương, sau đó từng bước tiến hành góp ý, bổ sung, chỉnh sửa.
Đánh giá các phần trả lời câu hỏi, kết quả hoạt động cá nhân/nhóm hay đánh giá gián tiếp thông qua điểm số và lời phê cũng không nằm ngoài mục đích động viên, khích lệ. Tạo tâm thế, thái độ hợp tác ở học sinh trong tiếp nhận văn chương – mức độ ban đầu của sự lôi cuốn, hứng thú – là điều giáo viên có thể làm tốt ở kỹ năng nhận xét, đánh giá này.
*
Có thể nói, với bản chất của môn khoa học – nghệ thuật, Ngữ văn vì thế được đặc thù bởi tri thức nhân văn và tính xúc cảm mãnh liệt. Ở đó “thầy giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn” (Uyliam Batơ Dít). Gây dựng được hứng thú cho học sinh không chỉ là yêu cầu trong từng bài học, tiết học mà còn là mục tiêu hướng đến của môn học Ngữ văn, góp phần tiệm cận với bản chất môn học và đổi mới dạy học theo hướng hiện đại.
————————
(1) Phan Trọng Luận (1999), Đổi mới giờ học tác phẩm văn chương ở trường THPT, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
(2) http://www.slideshare.net/garmentspace/day-hoc-tng-tac-trong-mn-toan-trng-trung-hoc-ph-thng-qua-chu-phng-trinh-va-bt-phng-trinh
(3), (4), (5) Ngữ văn 12, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2012.
ThS. Nguyễn Thị Tình
Trường Đại học Khánh Hòa