Chủ đề xuyên suốt trong tiểu thuyết của J.M. Coetzee là những tổn thương do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid(1) gây ra cho con người và xã hội. Những tổn thương đó khiến con người nhiều khi không hiểu nổi bản thân, gia đình và thời đại mình đang sống. Chế độ Apartheid không được phản ánh trực tiếp với những điều luật cấm đoán khắc nghiệt mà gián tiếp phản ánh qua những ẩn dụ bằng cái nhìn rộng lớn về kiếp nhân sinh. J.M. Coetzee là tác giả “vẽ nên sự dấn thân bất ngờ của kẻ ngoại cuộc, bằng vô số những hình thức khác nhau”(2), vì thế nhân vật của ông là nạn nhân của chính mình và thời cuộc, trở thành kẻ vô dụng, mất niềm tin và trách nhiệm công dân cùng ý thức về vai trò của mình trong cộng đồng.
Tiểu thuyết của J.M. Coetzee được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới trong đó có sáu tiểu thuyết đã được chuyển dịch ở Việt Nam đến thời điểm này. Sức hấp dẫn của nó không chỉ ở không gian Nam Phi xa lạ, những ẩn dụ văn chương bất ngờ, lối xây dựng nhân vật độc đáo mà còn ở phương thức trần thuật, người kể chuyện… Thông qua hình tượng người kể chuyện (NKC) đa dạng, phong phú cùng kĩ thuật xử lí điểm nhìn và giọng điệu trần thuật đã làm cho tấn bi kịch con người và xã hội Nam Phi được sáng tỏ hơn.
1. Người kể chuyện đồng sự và bi kịch con người trong Giữa miền đất ấy
Giữa miền đất ấy (In the heart of the country) được viết năm 1977, giữa lúc không khí Apartheid ở Nam Phi chưa bao giờ ngột ngạt hơn thế. Tác phẩm gồm có 255 trang với 266 đoạn khúc ngắn, là những ghi chép của một cô gái da trắng tên là Magda. Tiểu thuyết được xây dựng bởi những ẩn ức, sự căm hận và trả thù của người da trắng đối với người da đen. Giữa miền đất ấy là ẩn dụ gây sốc về xã hội Nam Phi hiện đại, về ông chủ thực dân và người nô lệ bản địa, về những khát vọng kiểu Âu châu và sự rộng lớn và cô đơn của Phi châu.
Trong Giữa miền đất ấy, NKC là nhân vật chính của tác phẩm kể lại những nếm trải của mình và những người trong gia đình. Chọn ngôi kể thứ nhất, câu chuyện lôi cuốn người đọc bởi cách kể chuyện lan man dưới hình thức ghi chép như nhật kí. Bằng cách kể đó, cô gái già Magda đã dẫn người đọc vào câu chuyện vừa đậm chất hiện thực lại vừa như thế giới của giấc mơ. Nhân vật luôn cố gắng thổ lộ một cách chân thành những suy nghĩ của mình bằng cách đánh số và ghi lại những sự việc ngẫu nhiên, những suy nghĩ hoang tưởng của mình. Những ghi chép của Magda vừa là câu chuyện mà cô trải nghiệm, kinh qua, nhưng cũng có những câu chuyện bà tưởng tượng, mơ thấy. Những đoản khúc được sắp xếp một cách lộn xộn, tưởng chừng như vụn vặt, nhưng nó lại chứa đựng một nỗi đau nhức nhối về thân phận con người: sự bi thương của những số phận nơi xứ Beru hẻo lánh.
Mở đầu tác phẩm là những mơ tưởng, huyễn hoặc của Magda về đám cưới của cha mình với bà vợ mới. Sau đó, câu chuyện về cuộc đời của Magda và những con người nơi đây hiện lên qua dòng suy tưởng của nhân vật chính. Magda cũng như Bass, Hendrik và Anna… là điển hình cho con người Nam Phi lúc bấy giờ. Đó là lục địa đen, là thế giới của sự lãng quên, bị tách khỏi lịch sử: “xứ sở đầy những cô gái già sầu muộn… những con người sầu muộn” và từng cá nhân “chỉ là một đại lượng hư vô, một sự trống rỗng mà hướng về nó tất cả đều nghiêng ngả, chìm đắm, một sự nhiễu loạn trong không khí, ngột ngạt, xám xịt như một làn hơi lạnh giá, quay cuồng trong những hành lang bỏ không, thù hận”(3). Đặc biệt nhất là Magda, mồ côi khi còn nhỏ, sống thiếu tình thương, sự gắn kết bên cạnh người cha bạo dục, cô độc trong bốn bức tường, hoàn toàn xa lạ với không khí sa mạc, trở thành gái già trinh tiết đau đớn, tủi cực, phẫn hận, khát khao.
NKC trong Giữa miền đất ấy còn gắn liền với thủ pháp độc thoại nội tâm dòng ý thức. 266 đoản khúc là cuộc đối thoại gấp gáp về nỗi sợ, sự chán ngấy cuộc sống nơi sa mạc và nhưng khao khát thầm kín của Magda. Sống trong cô đơn, thiếu sự liên hệ với thế giới xung quanh, cô tìm đến giấc mơ và sự tưởng tượng để giải phóng những ẩn ức hiện diện về sự sống. Người mẹ trong kí ức của Magda “nhạt nhòa, xám xịt, nhân hậu, dịu dàng, mảnh dẻ, sụp xuống đất”. Và bà đã chết vì phải chịu đựng những đòi hỏi tình dục thô bạo của người cha. Tuổi thơ của Magda chỉ biết làm bạn với côn trùng, cỏ cây, mẩu gỗ, đá cuội. Chính vì vậy, cô héo mòn trong những suy tưởng mông lung. Cả 35 đoản khúc đầu, tác giả đã để cho cô thỏa sức với những ý nghĩ tội lỗi: giết cha và người vợ mới của cha, thủ tiêu hai cái xác: “cội nguồn bất hạnh của tôi nằm nhẽo nhợt giữa hai đùi. Tôi muốn hủy diệt ông từ lâu”(4). Có thể nói, mỗi đoản khúc là mỗi dòng tâm sự nhức nhối, bật ra từ sâu thẳm nỗi đau, sự mặc cảm của Magda trước thực tại cô đơn của sa mạc Nam Phi.
NKC ngôi thứ nhất đồng sự và kỹ thuật dòng ý thức, Magda cũng bộc lộ hết những bản năng thầm kín trong sâu thẳm của một người đàn bà già chưa biết đến mùi đàn ông. Ẩn ức trong vô thức của Magda trở thành nỗi khao khát: “ai đó phải làm cho tôi trở thành đàn bà, ai đó phải khoan thủng tôi để tâm trạng già cỗi này chảy ra”(5). Tình dục là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu và nhân tính. Nhưng ở Magda và Nam Phi cằn cỗi, quyền được sống đúng bản năng không tồn tại, nói gì đến thăng hoa tinh thần. Cuối cùng, Magda trở thành nô lệ tình dục cho người làm công trong nông trại của mình là Hendrik. Để cho tiếng nói bản năng lên tiếng chính là cách mà J.M. Coetzee đẩy con người đến gần với nhân loại nhất. Tiếng nói nhân bản đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do không chỉ cho người da đen mà còn cho người da trắng. J.M. Coetzee không phê phán đả kích người da trắng hay người da đen. Vượt lên trên tất cả, câu chuyện ở xứ Beru phơi bày bi kịch xã hội Apartheid để lại cho đất nước Nam Phi những tội ác và lòng thù hận. Từ một cô gái da trắng trở thành nô lệ tình dục, sự sụp đổ của các ông chủ da trắng trong các đồn điền và cuối cùng là sự truy đuổi người da đen. Với NKC đồng sự, Giữa miền đất ấy đã thể hiện rõ bi kịch cá nhân con người Nam Phi cô đơn, lạc lõng, tìm cách liên hệ với thế giới bên ngoài nhưng bất lực. “Người ta bỏ mặc tôi kéo lê suốt cuộc đời, lầm lụi, bị bỏ quên như một chiếu giày cũ”(6) như chính loài người đã quên hẳn một tầng lớp người đang hiện diện trên mặt đất. Ngay cả Thượng đế cũng để quên họ “chúng tôi là những kẻ đắm đò của Thượng đế, cũng như là những kẻ đắm đò của lịch sử”(7). Bằng điểm nhìn của một cô gái da trắng ở trên đất nước da đen, tác phẩm cũng bộc lộ rõ bi kịch sụp đổ những khát vọng sở hữu chinh phục của chủ nghĩa thực dân và sự trả thù tàn bạo của người da màu.
2. Người kể chuyện dị sự hạn định và bi kịch con người trong Ruồng bỏ
Ruồng bỏ (Disgrace) được viết năm 1990 khi chế độ Apartheid đã chấm dứt trên lãnh thổ Nam Phi, là một trong những tiểu thuyết làm nên tên tuổi của J.M. Coetzee trên văn đàn thế giới.
Nhân vật chính của tác phẩm là giáo sư David Lurie, 52 tuổi, hai lần li dị vợ, có quan hệ tình dục với sinh viên Melanie nên bị đuổi khỏi trường, trôi dạt về một nông trại của con gái tên là Lucy. Nơi đây, ông chứng kiến ba người da đen làm nhục con gái mình. Trong bữa tiệc tại nhà Petrus – hàng xóm của Lucy, ông nhìn thấy một trong những người da đen đó và ông đã lên tiếng đòi sự công bằng, nhưng Petrus chối phăng và hứa sẽ bảo vệ Lucy với điều kiện Lucy phải kết hôn với hắn, mặc dù hiện hắn đã có vợ và hai con. Lucy từ chối báo cảnh sát, chấp nhận cái thai và làm vợ hờ của Petrus và nhường toàn bộ đất đai cho Petrus, chỉ giữ lại ngôi nhà. David đau đớn vì bất lực, mất niềm tin. Ông thuyết phục Lucy từ bỏ trang trại, nhưng Lucy từ chối. Vì muốn sống gần với con gái, ông đã nhận công việc ở trại “Liên đoàn bảo vệ động vật”.
David trở lại thành phố và tìm đến nhà Melanie để nói lời xin lỗi. Đến trường Đại học, ông nhận thấy sự ghẻ lạnh của đồng nghiệp, về nhà thấy nhà cửa bị cướp tan hoang. Ông đành quay lại thuê nhà cạnh trang trại của Lucy và tìm nguồn vui trong công việc “bảo vệ động vật”, nhưng thực chất đó là nơi thiêu hủy động vật già yếu và bệnh tật.
Kết thúc tác phẩm là cảnh đau đớn của David từ bỏ con chó mà ông yêu quý ở nơi “linh hồn bị giật khỏi thể xác”. Hình ảnh “con chó lúc lắc cái chân sau tàn tật, ngửi mặt ông, liếm má ông, liếm môi, liếm tai ông”(8) ở cuối câu chuyện vừa cảm động vừa sâu sắc.
Dựa vào lý thuyết tự sự học, chúng tôi nhận thấy NKC trong Ruồng bỏ là người kể chuyện dị sự ẩn tàng, giấu mặt, đứng ngoài câu chuyện thuật lại tấn bi kịch giữa ý thức danh dự và tiếng gọi tình dục của vị giáo sư David. Như một camera trần thuật lại từng sự kiện, biến cố của nhân vật một cách chi tiết, khách quan. Lối kể như vậy làm cho câu chuyện trở nên khách quan, tạo độ tin cậy cao cho văn bản. Với đặc điểm này, NKC có vai trò thuật truyện, truyền đạt thông tin, bao quát câu chuyện và đồng thời bộc lộ được tư tưởng quan điểm của nhà văn về hiện thực được nói đến. Vấn đề về người tri thức trong xã hội hậu hiện đại, đặc biệt nhất và cuộc xung đột giữa bản năng con người và những chuẩn mực của giá trị đạo đức được J.M. Coetzee phản ánh nhức nhối trên từng câu chữ.
NKC ngôi thứ 3, dị sự chỉ kể những việc mà nhân vật chính chứng kiến và trải qua, sự dịch chuyển không gian từ thành phố Cape Tow về trang trại ở nông thôn của tác phẩm cũng chính là sự dịch chuyển của cuộc sống nhân vật. Tuy nhiên, điểm nhìn lại được đặt vào nhân vật chính của câu chuyện là giáo sư David. Vì vậy, chúng ta xác định đây là NKC dị sự hạn định. Thực chất đây là kiểu đánh tráo chủ thể trần thuật – một kĩ thuật đặc sắc của văn chương hậu hiện đại. Kiểu trần thuật dạng này, NKC bị hạn chế điểm nhìn, không xen vào những bình luận, nhận xét. Nhưng nhờ kĩ thuật đánh tráo, NKC có thể đi sâu vào thế giới nội tâm bên trong của nhân vật và như một kẻ ngoại cuộc không bàn luận vấn đề, tất cả được phơi bày trên văn bản. Tầng sâu văn bản đều do bạn đọc kiến tạo ý nghĩa cho riêng mình. Trong Ruồng bỏ, nhờ điểm nhìn bên trong nhân vật, NKC hiểu rõ khao khát bản năng tình dục đàn ông của David “mỗi tuần chỉ 90 phút có đàn bà cũng đủ làm ông hạnh phúc”(9). Trong cảnh làm tình của David với cô sinh viên Melanie, NKC được đặt điểm nhìn vào nhân vật chính để nói lên những cảm xúc của mình: “cuộc làm tình thật thích thú, thích thú đến nỗi sau khoái cảm tuyệt đỉnh ông rơi vào trạng thái lãng quên, đờ đẫn”(10). David luôn sống đúng với bản năng của mình: “một khoảnh khắc nổi bật trong ý nghĩ của ông là lúc cô quặp chân lên mông ông, kéo ông lại gần hơn, ông cảm thấy trào lên một niềm vui, niềm khao khát”(11). Như vậy, có thể nói nhờ kiểu trần thuật này mà NKC có thể đi sâu vào những thầm kín, ham muốn bản năng tính dục của vị giáo sư danh giá David.
Ngoài ra, với hình tượng NKC dị sự hạn định, nhà văn đã để cho nhân vật có những cuộc đối thoại ngầm. Nhờ vậy mà tác phẩm trở thành tiếng nói đa thanh, dung nạp nhiều dạng ngôn ngữ đối thoại khác nhau. David đã rất nhiều lần đối thoại với bản thân mình. Lúc đối thoại với Issac, David đã giấu kín những suy nghĩ của mình: “Tôi là con sâu trong quả táo, đáng lẽ ông phải nói thế. Làm sao tôi có thể giúp ông được khi tôi chính là nguồn cơn nỗi phiền muộn của ông”(12). Hay khi đối thoại với Lucy, ông cũng đã kịp chôn chặt ý nghĩ: “bố là bề tôi trung thành của thần Eros! Ông muốn nói như thế. Đấy là một vị thần đã hành động thông qua bố”(13). Có thể nói, đối thoại ngầm của nhân vật cũng là một thủ pháp hữu hiệu để nhường vai trần thuật trong kể chuyện. Như vậy, tác giả đã ẩn dấu đi một cái tôi tự thuật để nhân vật phát ngôn những quan điểm của mình một cách chân thành, kín đáo và tế nhị. Tiểu thuyết đã xây dựng những chuỗi bi kịch đầy đau đớn của David, đến mức ông hoài nghi tất cả hiện thực đang diễn ra. Hơn ai hết, David thấu hiểu một cách sâu sắc sự phi lí của cuộc sống. Ông đã từng phản kháng lại hiện thực bằng cách kiêu hãnh trước những lời thoái mạ của đồng nghiệp, chấp nhận vứt bỏ chức vị; trước cuộc trả thù của người da đen ông khuyên con gái từ bỏ trang trại và ra đi… Nhưng cuối cùng, David hoàn toàn bất lực và cô đơn trong vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Ông nhận thấy sự bẽ bàng, chua xót trong công việc ở trại nuôi động vật gây cảm giác rờn rợn, kinh hoàng khi hàng ngày phải vuốt ve những con vật tàn tật, sắp chết. Kết thúc cuộc đời của ông bằng sự song hành với một con chó. “Đó là một con chó đực tơ có một cái chân trái sau bị liệt, cứ phải kéo lê”(14). David có tình cảm đặc biệt với nó, dành tất cả niềm đam mê nghệ thuật và tình thương yêu trước khi linh hồn nó giật khỏi thể xác. Ông chơi đàn banjo cho nó nghe và cảm thấy nó cũng yêu âm nhạc, “trong lúc ông bật dây đàn, nó ngồi thẳng dậy, nghếch đầu, lắng nghe”(15). Là nhà văn nhạy cảm với thân phận con người, J.M. Coetzee đã để hình ảnh một vị giáo sư danh giá cạnh một con chó như một ẩn dụ với kiếp nhân sinh đầy ô nhục trong xã hội hậu hiện đại. Bi kịch bản năng tính dục, bi kịch ruồng bỏ, bi kịch cô đơn… tất cả là hiện thực nhức buốt đang tồn tại ở Nam Phi nói riêng và trên thế giới nói chung.
Với kĩ thuật sử dụng NKC dị sự hạn định, đặt điểm nhìn vào bên trong nhân vật, J.M. Coetzee đã có cơ hội phơi bày tất cả những bi kịch đau đớn nhất của vị giáo sư danh giá David và con người, xã hội Nam Phi thời hậu Apartheid. Ruồng bỏ không chỉ xây dựng nên những bi kịch cá nhân mà còn của cả xã hội. Bao trùm là không khí hòa bình, các luật cấm đoán được phá bỏ, nhưng chưa bao giờ như lúc này, Nam Phi rơi vào thế cực hỗn mang như những năm đầu thập kỉ 90. Thời kì phi chính phủ, chủ nghĩa báo thù áp đặt lên trên luật pháp, cấu trúc đời sống tan rã, nơi bản lề của lịch sử con người bị lợi dụng để thanh toán lẫn nhau. Những cuộc truy lùng, bạo động, tàn sát của người da đen đối với người da trắng; người da trắng sống tha hương để hiện tồn, bị đe dọa, bị ruồng bỏ. Sự hỗn loạn của đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa trở thành cục diện thách thức mới cho tổng thống Nelson Mandela.
Khi chuyển thể thành phim truyền hình Disgrace đã lựa chọn John Malkovich – diễn viên có ngoại hình rất giống với J.M. Coetzee, và có thể tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng giữa tác giả và nhân vật. Phải chăng Ruồng bỏ còn là một J.M. Coetzee ngoài đời với nhiều nỗi đau của con người lưu vong. Tiểu thuyết dạng tự truyện mới xuất hiện trên văn đàn thế giới năm 2007, đó là Diary of a Bad Year (Nhật ký một năm tồi tệ), nhân vật chính là Senor C – người gần như là hiện thân của chính nhà văn – một cây bút trung tuổi người Nam Phi di cư đến sống ở Australia. Senor C (C viết tắt của chữ cái đầu trong tên của ông) như là dạng hóa thân của J.M. Coetzee.
*
Hai tiểu thuyết tiêu biểu Giữa miền đất ấy và Ruồng bỏ được chúng tôi lựa chọn để tìm hiểu được viết vào hai thời điểm khác nhau: trước và sau Apartheid, có hai dạng NKC, phương thức trần thuật khác nhau, chung một chủ đề về thân phận con người da trắng trên lục địa đen, cuối cùng vì mục đích: phơi bày bi kịch đau đớn mà con người và xã hội Nam Phi đang và đã kinh qua. Người da trắng phải chịu đựng nỗi điếm nhục của lịch sử Apartheid dẫn đến rệu rã, tuyệt vọng trong cảm thức cô đơn mênh mang của kiếp người, phải chấp nhận sự phi lí tha hương trên chính quê hương mình. Đó là tiếng vọng bi thiết về sự lãng quên thân phận con người được cất lên từ lục địa đen, khiến cho người đọc sống trong tâm thế bất ổn, hoài nghi về hiện thực mình đang tồn tại.
Là nhà ngụ ngôn hậu hiện đại “Coetzee nhìn thấu qua những bộ dạng tục tĩu và sự hào nhoáng giả dối của lịch sử… Điềm tĩnh nhưng ương ngạnh, ông bảo vệ giá trị đạo đức của thơ ca, văn chương và tưởng tượng. Không có những cái đó, chúng ta tự bịt mắt mình và trở thành những kẻ quan liêu của tâm hồn”(16). Đứng ngoại cuộc, J.M. Coetzee ám dụ về tính bạo lực, thói ghẻ lạnh, nỗi đau của người da trắng, hậu quả của chính sách thuộc địa hậu thực dân. Bên cạnh các ngụ ngôn, kết cấu bỏ ngỏ, thủ pháp tẩy trắng, xoas nhòa giới hạn không gian và thời gian, lối trần thuật biến hóa thì hình tượng NKC trong hai tiểu thuyết trên cũng là một trong những nét độc đáo, tạo nên sức hấp dẫn bất ngờ trong tác phẩm của J.M. Coetzee. Ngòi bút trung thực, trái tim mẫn cảm, trí tuệ uyên thâm, lối hành văn chính xác, cách kể chuyện nhại cổ điển… J.M. Coetzee đã lật chiếc mặt nạ của hiện thực Nam Phi – nền văn minh thuộc địa giả tạo. Ông đối thoại với lịch sử và thân phận con người bằng bản giao hưởng ngôn từ với giai điệu réo rắt, xuyên thấm hàng triệu trái tim bạn đọc trên thế giới về kiếp nhân sinh. Đó cũng là lí do mà nhà văn – “con người biết trở thành một nhân cách tự do” đã nhận được nhiều giải thưởng văn học danh giá và giàu có nhất trên thế giới hiện nay.
—————————
(1) Apartheid, nghĩa là chính sách phân biệt chủng tộc giữa thiểu số người da trắng thực dân và phần đông dân số người da đen bản địa do Đảng Quốc gia Nam Phi tiến hành ở Nam Phi và các quốc gia châu Phi từ 1948. Năm 1990 Tổng thống Frederik Willem de Klerk bắt đầu đàm phán để chấm dứt phân biệt chủng tộc, mà đỉnh cao là cuộc bầu cử dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994, với chiến thắng của Đại hội Dân tộc Phi do Nelson Mandela lãnh đạo, chế độ Apartheid chính thức sụp đổ.
(2), (16) Who in innumerable guises portrays the surprising inlolvement of the outsider http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/2003
(3), (4), (5), (6), (7) J.M. Coetzee (Song Kha dịch), Giữa miền đất ấy (In the heart of the country), Nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.9, 10, 26, 162, 80, 252.
(8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15) J.M. Coetzee (Thanh Vân dịch), Ruồng bỏ (Disgrace), Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2004, tr.287, 9, 9, 42, 52, 119, 279, 280.
ThS. Chu Đình Kiên
Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế