Nguyễn Lãm Thắng
Võ Thị Ngọc Thúy
Lê Thị Cẩm Vân
Tóm tắt: Bài viết tập trung khảo sát những chữ Hán có bộ nữ biểu ý trong các thi phẩm (933 bài) của Vi Dã hợp tập (Miên Trinh). Về mặt cấu trúc, các chữ Hán được thống kê chủ yếu thuộc loại hình thanh. Một số chữ thuộc loại hội ý, tuy số lượng ít nhưng lại cho thấy được nguồn gốc sâu xa của các từ khiêm xưng của nữ giới. Về mặt ngôn ngữ, những chữ có bộ nữ biểu ý thuộc từ loại danh từ, động từ, tính từ. Trong nhóm từ định danh, đáng chú ý là từ khiêm xưng của người phụ nữ, từ để gọi cách thành viên thân tộc và các mĩ từ dùng để nói về một số người phụ nữ có địa vị bình thường, thậm chí thấp kém như bà góa (sương nga), hầu gái (thị cơ),… Trong nhóm tính từ, số từ mang sắc thái nghĩa tiêu cực xuất hiện ít (đố, vọng, gian, hiềm); đa số là từ đặc tả dáng vẻ mĩ miều, mềm mại, duyên dáng (kiều, nga, yên, tư), đặc biệt là các từ láy tượng hình (niệu na, quyên quyên, a na, sinh đình, vỉ vỉ). Qua cách dùng bộ nữ chỉ ý trong Vi Dã hợp tập, Miên Trinh đã thể hiện thái độ trân trọng, ưu ái cũng như sự tinh tế, nhạy cảm trong thấu hiểu, cảm thông với tâm tư, số phận của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam cuối XIX.
Từ khoá: văn tự, chữ viết, bộ thủ, phụ nữ, Tuy Lý Vương
I. DẪN NHẬP
Trong rất nhiều hướng tìm hiểu về hình ảnh người phụ nữ trong văn chương, ngôn ngữ học là một cách tiếp cận hiện đại, trong đó, văn tự học (nghiên cứu về chữ viết) đem đến những cứ liệu cụ thể và xác tín.
Chữ Hán là một trong số bốn văn tự cổ xưa nhất của loài người còn được sử dụng đến ngày nay. Sự tồn tại của chữ Hán, đặc biệt là ở loại chữ tượng hình, qua thời gian đã tích lũy trong nó dấu ấn của văn hóa, lịch sử, tư tưởng. Những chữ Hán tượng hình đơn giản nhất là các bộ thủ và việc sử dụng chúng để cấu tạo chữ viết đã phản ánh phần nào hiện thực văn minh và quan niệm về thế giới của người Trung Hoa. Người Việt Nam khi vay mượn chữ Hán làm văn tự chính thống trong giao dịch hành chính và sáng tác văn chương cũng tất yếu mang theo những tư tưởng, quan niệm của họ phản ánh trong văn tự. Mặc dù vậy, sự lựa chọn sử dụng chữ Hán nào trong tác phẩm lại mang tính chủ quan của tác giả Việt, do đó, nó phần nào giúp nghĩa chữ Hán trong văn chương Việt Nam có tính độc lập tương đối so với nghĩa của chúng trong nền văn tự Hán nói chung.
Để thấy được những điểm riêng trong cách sử dụng chữ Hán để sáng tác văn chương của người Việt, cụ thể là trong phạm vi thể hiện cái nhìn về người phụ nữ, chúng tôi lựa chọn khảo sát văn bản các thi phẩm trong 葦野合集Vĩ Dạ hợp tập (tổng hợp thơ và văn xuôi của Vĩ Dạ – tên hiệu của Tuy Lý Vương) của綏理王綿寊Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820 – 1897). Miên Trinh, ngoài tư cách là một Hoàng tử cao quí, còn là một trong “Nguyễn triều tam đường”, là nhà thơ tiêu biểu của văn học Đàng Trong cuối thế kỉ XIX – giai đoạn cuối của việc sử dụng chữ Hán như văn tự chính thống ở Việt Nam. Từ góc độ văn tự học, để có thể tìm hiểu cái nhìn về người phụ nữ phản ánh qua chữ Hán, chúng tôi khảo sát cách sử dụng bộ thủ 女 nữ của Miên Trinh trong Vĩ Dạ hợp tập.
II. NỘI DUNG
2.1. Giới thiệu chung về bộ女 nữ trong hệ thống văn tự Hán
Chữ Hán thuộc loại hình văn tự tượng hình biểu ý với nhiều kiểu cấu tạo xoay quanh 214 bộ thủ. Các bộ thủ Hán có tầm quan trọng được ví như “bảng chữ cái” trong hệ chữ viết Latin. Trong hệ thống văn tự Hán, các bộ thủ Hán là những chữ tượng hình ra đời sớm nhất. Có thể phân 214 bộ thủ thành các nhóm theo các trường nghĩa như sau: nhóm về động thực vật (mã, ngưu, khuyển, điểu, trùng, mộc, thảo,…); nhóm về chất liệu (kim, mộc, thạch, mịch,…); nhóm về hiện tượng tự nhiên, thời tiết (nhật, nguyệt, phong, vũ,…) nhóm về màu sắc (bạch, hoàng, thanh,…); nhóm về con người (nhân, tử, nữ, khẩu, mục, nhĩ, tâm, thủ,…), nhóm về các tính chất trừu tượng (đãi, thị, quỉ,…),… Trong nhóm bộ thủ về con người, bộ nữ dùng để chỉ con gái (trong sự đối lập với con trai) và những thuộc tính liên quan đến con gái. Điều đặc biệt là người Hán chỉ tạo ra bộ thủ dành cho nữ giới mà không có bộ thủ nào dành riêng cho nam giới. Trong hệ thống văn tự Hán, để chỉ người còn có bộ 亻(人) nhân, bộ 子 tử, song hai bộ này dùng chung cho cả nam và nữ. Ví dụ: 子 tử (con), 孫 tôn (cháu), 孺 nhụ (trẻ con), 你 nễ (bạn, ngươi), 佳 giai (đẹp), 侍 thị (hầu), 儒 nho (học trò, nhà Nho), 仙tiên,… Tuy nhiên, mặc dù không có qui định cụ thể, dường như đã có sự phân biệt giữa vai trò bộ nhân và bộ nữ. Chẳng hạn, đại từ ngôi thứ ba tha (anh ấy, cô ấy) có hai chữ đồng âm tha là 他 với bộ 亻/ 人nhân khi người được nói tới là nam, là 她 khi người được nói tới là nữ; để chỉ người đầy tớ, đầy tớ gái được viết với bộ nữ (奴 nô, 婢 tì) và đầy tớ trai với bộ nhân (僕 bộc); để chỉ người tu hành là nam thì có chữ 僧 tăng, là nữ thì có chữ 尼 ni. Như vậy, tuy không có một bộ thủ đặc thù để cấu tạo chữ, giới nam lại hầu như được mặc định viết với bộ nhân. Sự phản ánh của định kiến về giới vào chữ Hán diễn ra không chỉ ở các chữ để ghi từ định danh sự vật mà còn ở những chữ để ghi từ chỉ tính chất, hoạt động. Những hoạt động, tính chất thiên về sức mạnh thì dùng bộ đặc trưng cho nam: 傑 kiệt (xuất sắc), 信 tín (tin), 俊 tuấn (tài giỏi), 傀 khôi (to lớn), 僞 ngụy (dối trá),…; trong khi những hoạt động, tính chất thiên về sự khéo léo thì dùng bộ đặc trưng cho nữ: 好 hảo (tốt đẹp), 娛 ngu (vui), 嬌 kiều (mềm mại, đáng yêu), 妙 diệu (khéo léo),… Điểm đáng chú ý là tính từ được viết bằng chữ Hán có bộ nữ rất nhiều, nhiều hơn số lượng tính từ viết bằng chữ Hán có bộ nhân; bộ nhân được dùng nhiều để cấu tạo chữ Hán là danh từ. Hơn nữa, bộ nhân hầu như không được dùng để cấu tạo chữ mang nghĩa tiêu cực. Trọng trách này được đổ dồn lên bộ nữ. Đúng ra, chữ Hán đã có bộ tâm để cấu tạo chữ chỉ tính chất, tâm trạng, nên cũng không cần dùng thêm bộ nữ. Khi đó, tương tự bộ nhân, bộ nữ chỉ cần đảm nhiệm chức năng chỉ ý nghĩa trong các từ định danh. Tuy nhiên, thực tế thì văn tự Hán đã chịu sự chi phối mạnh mẽ của tâm lí, quan niệm, tư tưởng xã hội Trung Hoa cổ trung đại với sự kì thị nữ giới. “Xuất phát từ quan điểm thiên tôn địa ti (trời cao đất thấp) người Trung Quốc đã cho rằng quan hệ nhân sinh cũng thống nhất với quan niệm vũ trụ. Nam giới là tượng dương, ánh sáng, điều tốt đẹp, nữ giới là tượng âm, bóng tối, điều xấu xa” [6]. Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, khi đạo Nho được tôn sùng, đã có sự phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới. Nho giáo quan niệm “男尊女卑” nam tôn nữ ti (nam giới thì cao quí, nữ giới thì thấp hèn), dẫn tới “重男輕女” trọng nam khinh nữ, “一男曰有,十女曰无” nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô (có một đứa con trai mới gọi là có, có mười đứa con gái cũng như không có). Không những thế, người phụ nữ còn bị qui định bởi những khuôn phép cực kì khắt khe, bị gán cho những tính nết xấu xa, có phẩm chất và địa vị thấp kém. Điều này tất yếu dẫn đến việc dùng bộ nữ để cấu tạo nên những chữ Hán mang nghĩa tiêu cực, chẳng hạn: 妒 đố (ghen tị), 姦 gian, 妄 vọng (sằng bậy), 嫉 tật, 嫌 hiềm, 妖 yêu, 婬 dâm,… Theo thống kê của nhiều nhà nghiên cứu, tiêu biểu là luật sư Diệp Mãn Thiên (Trung Quốc), trong hệ thống chữ Hán có 16 chữ có bộ nữ hàm chứa ý nghĩa khinh thường hoặc đánh giá thấp phụ nữ (婪 lam, 嫉 tật, 妒 đố, 嫌 hiềm, 佞 nịnh, 妄 vọng, 妖 yêu, 奴 nô, 妓 kĩ, 娼 xướng, 奸 gian, 姘 biền, 婊 biểu, 嫖 phiếu, 娱 ngu, 耍 xoạ) [7]. Luật sư này đã đề xuất sửa bộ thủ chỉ ý trong các từ này với lí do là bối cảnh xã hội đã thay đổi, vị thế người phụ nữ cũng đã thay đổi, việc duy trì cách viết cũ có thể gây ra ảnh hưởng không tốt đến tâm lí, cách nhìn nhận của thế hệ sau…
2.2. Khảo sát, thống kê chữ Hán dùng bộ 女 nữ biểu ý trong Vĩ Dạ hợp tập
Vĩ Dạ hợp tập có 933 bài thơ với chủ đề phong phú như thiên nhiên, tình cảm gia đình, bạn bè, cảm xúc thế sự. Lượng chữ Hán được sử dụng trong Vĩ Dạ hợp tập cũng khá lớn, trong đó có nhiều chữ được cấu tạo với bộ nữ. Với mục tiêu tìm hiểu quan niệm về nữ giới của Miên Trinh từ góc độ văn tự học, tức là qua những chữ Hán có bộ nữ biểu ý, chúng tôi giới hạn phạm vi khảo sát ở những chữ Hán có bộ nữ tham gia cấu tạo nghĩa, tức là những chữ Hán tượng hình (bao gồm chữ 女 nữ – con gái), chỉ sự, hội ý (như 好 hảo, 安 an,…), hình thanh (chỉ khảo sát chữ có bộ nữ là bộ thủ biểu ý (nghĩa liên quan đến nữ giới), không khảo sát những chữ có chữ nữ biểu âm như 汝 nhữ, 如 như hoặc một phần của thành tố biểu âm như 案 án, 晏 yến, 接 tiếp).
Qua khảo sát toàn bộ các tác phẩm thơ trong văn bản 葦野合集Vĩ Dạ hợp tập, chúng tôi thống kê được 53 chữ Hán khác nhau có bộ nữ biểu ý như sau:
Bảng 1: Chữ Hán có bộ nữ biểu ý trong Vĩ Dạ hợp tập
Stt | Chữ Hán | Âm Hán Việt | Nghĩa | Ngữ cảnh |
安 | an | Yên ổn | an cư (ở yên) An phận thủ cố thường (yên phận, giữ kỉ cương) | |
嬰 | anh | con gái (phân biệt với con trai là 孩 hài) | Anh vũ | |
嫗 | ẩu | Bà già | Lão ẩu | |
姑 | cô | người con gái chưa chồng | Tiểu cô | |
姬 | cơ | – nàng hầu, vợ lẽ – người con gái đẹp. Tiếng gọi sang trọng của đàn bà. | thị cơ (nàng hầu) | |
妙 | diệu | Khéo, tốt, đẹp, hay; thần kì, thần tình, tài tình, giỏi | Kì diệu phong vũ (gió mưa kì diệu) | |
妬 | Đố | Ghen ghét | Đố tranh (ghen tị, tranh giành) | |
嫁 | giá | lấy chồng | dĩ giá (đã gả chồng) | |
奸 | Gian | Dối, không thật, giả | Trừng gian | |
好 | hảo | tốt đẹp | Hảo âm (tiếng hay) Kim niên vô phong hoa tự hảo (năm nay thiếu gió, hoa tự tươi đẹp) | |
嬉 | Hi | Nô đùa, đùa bỡn, vui chơi | Như hi, như tiếu (như đùa bỡn, như cười cợt) | |
婚 | Hôn | Lấy vợ, con dâu | Nhi nữ hôn giá thùy phục quan (việc cưới hỏi của con gái không lấy ai để quan tâm) | |
嫌 | hiềm | Ngờ, không bằng lòng, ghét bỏ | Bất hiềm phong vũ quá trùng dương (chẳng ngờ gió mưa đã quá Tiết Trùng dương) | |
姱 | Khoa | Tốt, đẹp | Khoa thái (dáng dấp đẹp) | |
姜 | khương | Họ Khương | ||
妓 | kĩ | – Người con gái đẹp – Đào hát | Kĩ y (áo của cô đào) Hoa gian hứng dật ưng huề kĩ (trong hoa, hứng nhàn tản, lại muốn mang theo cô đào hát) | |
嬌 | kiều | – Mềm mại đáng yêu – Yêu quý | Kiều tu (mềm mại, ngượng ngùng) Kiều ca (hát múa đáng yêu) | |
嬾 | lãn | Lười biếng (như 懶 lãn) | Lãn học nan thành tàm tạ lan (lười học khó thành công, thẹn với hoa lan) Lãn đề thi (biếng đề thơ) Lãn phụ (người vợ lười) | |
媚 | mị | Tươi đẹp | Mị hảo, mị vũ | |
妺 | muội | Em gái | Vong muội (em gái đã mất) | |
姥 | mụ/ mỗ | bà già, bà đỡ | Thiên Mụ tự (chùa Thiên Mụ) | |
娥 | nga | tốt đẹp | Tương Nga | |
姸 | nghiên | tươi tỉnh, xinh đẹp | Đô kì cảnh sắc nghiên (cảnh sắc kinh kì tươi đẹp) Nghiên tiếu (cười tươi tỉnh) | |
娛 | ngu | Vui | Ngu lạc/ hoan ngu (vui sướng, tiêu khiển, chơi đùa) | |
奴 | nô | – Ðứa ở – từ khiêm xưng của đàn bà, con gái; Hung Nô | Hung Nô (Dân tộc du mục ở phía bắc Trung Hoa thời xưa) | |
嫩 | nộn | Mới mọc lên, non | Liễu trường điều nộn (cành liễu dài, non mơn mởn) | |
女 | nữ | Chỉ người con gái | nữ tử, nhi nữ, nữ nhi, xử nữ, vũ nữ, nữ tử, tiện nữ, tự nữ, thần nữ, ấu nữ, chúng nữ, cung nữ, hoa nữ, sĩ nữ, nữ lang, xuân nữ, hà nữ, nữ la | |
娘 孃 | nương | Nàng, con gái trẻ tuổi; tiếng gọi tôn các bà. | Tổng vị ngô nương nhất phiến tình (đều vì mảnh tình với người con gái của ta) Từ nương tuy lão thượng đa tình (bà khoan thai, tuy già nhưng vẫn đa tình) | |
娃 | oa | Con gái đẹp | Ngô oa | |
妃 | phi | Vợ vua; Sánh đôi | Phi tử | |
婦 | phụ | – Vợ – người con gái đã có chồng | Phụ tử (người vợ) Thiếu phụ | |
妨 | phương | Hại, ngại, trở ngại | Trúc chẩm, đằng sàng lãn bất phương (Gối trúc, giường mây, biếng chẳng màng) | |
媿 | quý | thẹn (như 愧 quý) | quí cổ tiên (thẹn với cha ông) | |
孀 | sương | bà góa | sương nga | |
婿 | tế | Con rể | phu tế (chồng); đông sàng tể (chàng rể) | |
始 | thủy | Khởi đầu | ||
妻 | thê | vợ | ||
妾 | thiếp | Tiếng người vợ tự xưng | Thiếp tâm (lòng thiếp) | |
姊 | tỉ | Chị gái | Đệ tỉ | |
姓 | tính | Họ | Vạn tính (muôn họ) | |
嬃 | tu | Chị gái | Tu tỉ | |
姿 | tư | Dáng dấp thùy mị | Phong tư | |
威 | uy | Oai, cái dáng tôn nghiêm đáng sợ | Uy đức Uy nghi | |
婉 | uyển | nhún, đẹp, khéo léo, mềm dẻo, lịch thiệp | ||
妄 | vọng | càn, bừa bãi | ||
娬 | vũ | Có duyên, duyên dáng. | Mị vũ (duyên dáng, xinh đẹp) | |
嫣 | yên | Đẹp diễm lệ | Yên nhiên thụ lộ diễm ngưng sương (mỉm cười đẹp sáng cả giọt sương) Niêm hoa nhất tiếu yên (tay nhấc cành hoa, cười tuyệt đẹp) | |
要 | yêu | Đòi | Yêu thức (muốn biết) | |
妖 | yêu | Ðẹp (mĩ miều), làm cho người ta say mê. | Cầm ca yêu nữ phá chu thần (ca nữ mĩ miều hé môi son) | |
妸娜 | a na | mũm mĩm, mềm mại, xinh đẹp thướt tha | Lan thiều a na hàm (hoa cỏ mềm mại thướt tha) | |
嫏嬛 | lang hoàn | chỗ trời để sách vở | Đắc phi hải thượng lang hoàn cấp (Được mở toang hòm sách trời trên biển) | |
嫦娥 | Thường Nga | Hằng Nga | Hoàn khủng Thường Nga động sầu tư (lại sợ Thường Nga động mối sầu nhớ) | |
嬝娜 | niệu na | Mềm mại, mảnh mai duyên dáng | Tiêm yêu niệu na cắng đê ngang (eo thon mềm mại cúi xuống rồi ngẩng lên) | |
嫋嫋 | niệu niệu | mềm mại nhỏ nhắn, phất phơ, dìu dặt | Niệu niệu tây phong diểu diểu sầu (gió tây phơ phất, sầu miên man) | |
娉婷 | sinh đình | dáng đẹp, mặt đẹp. | Nga mi, thúy tụ tập sinh đình (mày ngài, áo xanh tụ tập rất xinh đẹp) | |
娟娟 | quyên quyên | Xinh đẹp | Quyên quyên trúc tiểu (những cây tre nhỏ xinh xinh) | |
嬋娟 | thiền quyên | Dáng xinh đẹp đáng yêu | Thiền quyên tác thái mĩ (tạo dáng xinh đẹp đáng yêu) | |
娓娓 | vỉ vỉ | Ý vị liền nối không dứt |
2.3. Phân loại chữ Hán dùng bộ 女 nữ biểu ý trong Vĩ Dạ hợp tập
2.3.1. Phân loại theo văn tự học
Từ góc độ văn tự học, các chữ có bộ nữ được thống kê trong bảng 1 thuộc ba kiểu cấu tạo chính là tượng hình, hội ý và hình thanh. Cụ thể:
Bảng 2: Phân loại chữ Hán dùng bộ nữ biểu ý trong Vĩ Dạ hợp tập theo cấu trúc
Stt | Kiểu cấu tạo | Chữ Hán | Âm Hán Việt | Thành tố cấu tạo | |||||
Biểu âm | Biểu ý | ||||||||
1 | Tượng hình | 女 | nữ | ø | 女 nữ | ||||
Hội ý | 安 | an | ø | 女 nữ | 宀 miên | ||||
好 | hảo | ø | 女 nữ | 子 tử | |||||
奴 | nô | ø | 女 nữ | 又 hựu | |||||
婦 | phụ | ø | 女 nữ | 帚 trửu | |||||
妾 | thiếp | ø | 女 nữ | 辛 tân | |||||
奸(姦) | gian | ø | 女 | 女 | 女 | ||||
Hình thanh | 娓 | vỉ | 尾 | vĩ | 女 | nữ | |||
嬋 | thiền | 單 | thiền | ||||||
娟 | quyên | 悁 | quyên | ||||||
娉 | sinh | 聘 | sính | ||||||
婷 | đình | 亭 | đình | ||||||
嬝 | niệu | 裊 | niểu | ||||||
娜 | na | 那 | na | ||||||
嫏 | lang | 郎 | lang | ||||||
嬛 | hoàn | 環 | hoàn | ||||||
妸 | a | 阿 | a | ||||||
妖 | yêu | 夭 | yêu | ||||||
嫣 | yên | 焉 | yên | ||||||
娬 | vũ | 武 | vũ | ||||||
妄 | vọng | 亡 | vong | ||||||
婉 | uyển | 宛 | uyển | ||||||
姿 | tư | 次 | thứ | ||||||
嬃 | tu | 須 | tu | ||||||
娛 | ngu | 吳 | ngô | ||||||
姊 | tỉ | 市 | tỉ | ||||||
姓 | tính | 生 | sinh | ||||||
妨 | phương | 方 | phương | ||||||
媿 | quý | 鬼 | quỉ | ||||||
孀 | sương | 霜 | sương | ||||||
娃 | oa | 圭 | khuê | ||||||
妃 | phi | 已 | dĩ | ||||||
娘 | nương | 良 | lương | ||||||
娥 | nga | 我 | ngã | ||||||
媚 | mị | 眉 | mi | ||||||
嬾 | lãn | 賴 | lại | ||||||
妓 | kĩ | 支 | chi | ||||||
嬌 | kiều | 喬 | kiều | ||||||
嬉 | hi | 喜 | hỉ | ||||||
婚 | hôn | 昏 | hôn | ||||||
嫌 | hiềm | 兼 | kiêm | ||||||
姱 | khoa | 夸 | khoa | ||||||
妬 (妒) | đố | 户 | hộ | ||||||
嫁 | giá | 家 | gia | ||||||
嫗 | ẩu | 區 | âu | ||||||
嫋 | niệu | 溺 | nịch | ||||||
嫦 | thường | 常 | thường | ||||||
姑 | cô | 古 | cổ | ||||||
Về các chữ hội ý
Những chữ này thực ra đã có từ thời cổ đại, tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn phân tích lại để thấy được ảnh hưởng của tư tưởng đến chữ viết.
Chữ gian (tà ác, bất chính) được ghép từ ba bộ nữ, là điển hình về sự chi phối của tư tưởng đến cách cấu tạo chữ viết. Xã hội Trung Hoa cổ đại quan niệm con gái (nữ) thuộc âm, mang những thuộc tính xấu như không may mắn, tối tăm, tà dâm, gian xảo,… Vì thế, chữ Hán dùng ba bộ nữ ghép lại để khẳng định phẩm chất xấu nổi bật của phụ nữ nói chung.
Chữ 安 an
Chữ an (yên ổn) được tạo ra bởi sự kết hợp bộ miên và bộ nữ, nghĩa đen của an là người con gái ở trong nhà. Nghĩa của an được suy luận theo nhiều hướng liên tưởng tùy thuộc vào những quan niệm khác nhau từ thời cổ đại. Một là, người con gái (nữ) bản tính yếu ớt, phải được che chở dưới mái nhà (miên) thì họ mới yên ổn. Hai là, con gái thuộc âm, thường không may mắn nên phải để họ ở trong nhà thì xã hội mới được yên ổn. Ba là, mái ấm gia đình cần bàn tay vun vén, lo toan của người phụ nữ thì mới yên ổn.
Chữ 好 hảo
Chữ hảo (tốt đẹp) được tạo ra bởi sự kết hợp bộ nữ (con gái) và bộ tử (con trai). Có thể suy luận nghĩa của hảo theo hai hướng: một là, người nữ sau khi lấy chồng (hoặc sau khi có con – tử) thì mới gọi là tốt; hai là, phải có sự hòa hợp âm dương giữa người nữ – thuộc âm với người nam – thuộc dương thì mới tốt. Trật tự của hai thành tố nữ và tử trong chữ hảo cũng đúng theo quan niệm “nam tả nữ hữu” bởi bên trái thuộc dương, bên phải thuộc âm (nữ ở bên tay phải của nam, nam ở bên tay trái của nữ).
Chữ 妾 thiếp
Cùng với chữ nữ, chữ 辛 tân (cay đắng, nhọc nhằn) được kết hợp để bổ sung sự miêu tả cho chữ thiếp: người phụ nữ chịu nhiều khổ sở. Theo giải thích của Hứa Thận [DB2] trong Thuyết văn giải tự thì thiếp là “hữu tội nữ tử, cấp sự chi đắc tiếp ư quân giả” (người con gái có tội, được gả chồng một cách vội vàng). Theo Đoàn Ngọc Tài[DB3] (đời Thanh) trong Thuyết văn giải tự chú thì thiếp còn được giải thích là “bất sính dã”, tức là “sính tắc vi thê, bôn tắc vi thiếp” (vợ có cưới hỏi gọi là “thê”, cưới xin không đủ lễ gọi là “thiếp”). Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, “thê” là vợ chính (chính thê/ đích thê), vợ cả, có địa vị độc tôn, sánh ngang với người chồng; dưới “thê” là “thiếp” có địa vị thấp không khác gì người hầu. Chính nguồn gốc “cưới xin không đủ lễ”, được gả chồng vì việc gấp, nên từ xưa “thiếp” cũng để chỉ vợ lẽ, nàng hầu. Theo thời gian, người phụ nữ xưng “thiếp” đã mang mặc cảm thấp hèn, tội lỗi. Sau này, “thiếp” trở thành lời tự xưng của người con gái, người vợ với tính chất khiêm xưng, nhún nhường.
Chữ 婦 phụ
Chữ phụ (con gái đã lấy chồng; vợ) được tạo ra bằng cách ghép bộ nữ với chữ 帚trửu (chổi), nghĩa đen của phụ là người con gái lấy chổi quét rửa. Theo Đoàn Ngọc Tài (đời Thanh) trong Thuyết văn giải tự chú thì phụ cũng là “phục” (đi theo, hạ thấp mình theo người khác). Từ hai cách giải thích này, có thể suy luận, “phụ” xuất phát từ nghĩa lịch sử là người con gái chăm lo dọn dẹp nhà cửa, phục tùng người chồng, do đó dùng để chỉ người vợ.
Mặc dù sự giải thích nghĩa của các chữ Hán hội ý đều dựa trên cơ sở lịch sử, văn hóa, tư tưởng (bao gồm đặc điểm vật chất và tinh thần gắn liền với thời đại ra đời của chữ), nhưng sự suy luận này đôi khi vẫn mang tính chủ quan. Tuy vậy, chúng tôi vẫn muốn “thuật” lại những hướng liên hệ văn tự với cơ sở ra đời của nó để độc giả có cái nhìn đa diện hơn về quá trình tạo tác những chữ Hán có bộ nữ chỉ ý.
Về các chữ hình thanh
Bảng 2 cho thấy, hầu hết các chữ có bộ nữ đều là chữ hình thanh (41/62 chữ), được cấu tạo bằng cách kết hợp bộ nữ với một thành tố chỉ âm đã có sẵn chữ Hán. Trong các loại chữ Hán, chữ hình thanh ra đời muộn và là loại chữ có khả năng sản sinh cao nhất, được dùng để cấu tạo chữ nhiều nhất. Từ đó có thể hiểu những chữ hình thanh có bộ nữ bị chi phối bởi quan niệm về người phụ nữ ở thời điểm chữ đó được tạo ra. Những chữ này ra đời muộn hơn những chữ tượng hình (ra đời từ thời Trung Quốc cổ đại – cách đây khoảng 4000 năm) nên nhiều khả năng chúng được tạo ra ở thời phong kiến Trung Quốc (cách đây khoảng 2000 năm hoặc ít hơn).
Thời điểm Miên Trinh sử dụng những chữ Hán này để sáng tác đã là thế kỉ XIX, tuy bối cảnh xã hội Việt Nam bấy giờ không giống xã hội Trung Hoa cổ trung đại, song dấu ấn văn hóa, lịch sử, tư tưởng thì vẫn được bảo toàn trong chữ viết. Điểm khác biệt hay dấu ấn cá nhân mà “thi bá” có thể tạo ra trong thơ chữ Hán là ở chỗ ông chọn hay không chọn những chữ nào để miêu tả nhân vật của mình. Chẳng hạn, trong các thi phẩm chữ Hán, ông dùng nhiều danh từ hay tính từ; dùng tính từ mang nghĩa tiêu cực hay tích cực; các chữ ông sử dụng có gì đặc biệt,… Để có thể làm sáng tỏ những vấn đề này, chúng tôi sẽ kết hợp tìm hiểu các chữ có bộ nữ từ góc độ ngôn ngữ học.
2.3.2. Phân loại theo ngôn ngữ học
Trên cơ sở 62 chữ Hán đã thống kê được ở trên, dựa vào ngữ cảnh, chúng tôi nhận thấy có thể chia các từ này thành các nhóm sau: nhóm định danh (danh từ, đại từ), nhóm chỉ hành động (động từ), nhóm chỉ phẩm chất, tính cách (hình dung từ / tính từ). Cụ thể như sau:
Nhóm định danh gồm những từ chỉ người và đại từ nhân xưng như: nữ, tỉ, muội, cô, thê, thiếp, phụ, cơ, ẩu, kĩ. Trong những nhân vật nữ được Miên Trinh đưa vào thơ ca, có rất nhiều từ nằm trong nhóm từ chỉ quan hệ thân tộc như tỉ, muội, uyển muội, cô, mẫu thân.
Nhóm chỉ hành động gồm những từ phương, hôn, giá, quí. Đây hầu hết là những từ mang nghĩa trung tính. Duy có động từ phương nghĩa là “gây hại”, được dùng ba lần, song đều đi với phủ định từ “bất”. Miên Trinh dùng rất nhiều chữ 媿 quí (thẹn), phản ánh sự không bằng lòng với bản thân. Chữ này thực ra dùng thông với chữ 愧 quý (bộ tâm chỉ ý) nên trong toàn bộ Vĩ Dạ hợp tập, chữ quí hầu như không dùng để miêu tả phụ nữ mà để bộc lộ sự tự trách mình. Miên Trinh chủ yếu “tự lấy làm hổ thẹn”, “thẹn” với nho quan (mũ nhà nho), với cổ tiên (tổ tiên, người xưa), với tráng phu (người đàn ông mạnh mẽ), với tể tướng,…
Nhóm chỉ tính chất có thể phân thành hai nhóm nghĩa: nhóm nghĩa tích cực như kiều, diệu, khoa, mị, uy, tư, ngu, hảo, phinh đình, a na, thiền quyên, niệu na,…; nhóm nghĩa tiêu cực như vọng, đố, lãn, gian. Trong hai nhóm, nhóm chữ có nghĩa tích cực chiếm đa số, nhóm chữ có nghĩa tiêu cực chỉ có bốn chữ và tần số sử dụng rất thấp. Trong các lần tác giả dùng tính từ lãn, chỉ một lần ông dùng cho phụ nữ: lãn phụ, những lần còn lại thì đối tượng là sự vật (vân – mây), thi nhân (lãn đề thi – biếng đề thơ),…
2.4. Cách sử dụng bộ nữ của Miên Trinh trong Vĩ Dạ hợp tập
* Từ xưng hô (đại từ và danh từ):
Miên Trinh có một số bài thơ sử dụng 妾 thiếp như là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, là lời tự xưng của người con gái, người vợ. Thiếp là tiếng tự xưng có ý nhún mình, tỏ ý khiêm nhường, đúng như truyền thống người phương Đông “tự ti nhi tôn nhân” (tự hạ thấp mình, đề cao người). Khi người phụ nữ xưng thiếp, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai tương ứng là quân hoặc lang (chồng, chàng). Trong những bài thơ dùng đại từ này, Miên Trinh nhường lời cho người vợ bộc lộ tâm tư của họ. Trong Xuân khuê oán, cô gái tự thuật lại cuộc đời: từ niềm kiêu hãnh của một thiếu nữ mười lăm tuổi với vẻ đẹp khiến liễu xuân phải ghen tị (thập ngũ, phong tư mị xuân liễu), đến những khoảnh khắc hạnh phúc với tình yêu: buổi chiều nọ hái sen về tình cờ gặp chàng ở trên cầu (nhật mộ thái liên qui, phùng lang thạch kiều lộ), hai bên tình ý đậm sâu: Lang tình miểu miểu giang thủy bình/ Thiếp tâm trừng trừng giang nguyệt minh (Tình chàng dằng dặc làn nước lặng/ Lòng thiếp trong trẻo ánh trăng sông). Năm mười sáu tuổi nàng được gả làm vợ chàng, vợ chồng quấn quýt không lúc nào rời xa (hoa tiền nguyệt hạ trấn tương tùy). Cho đến khi nếm trải cảnh biệt li, thấy sen trong hồ trơ trụi, chim không buồn đậu, cá chẳng thành đôi, lúc này, nàng mới oán trách người đi xa làm ăn (cổ khách): Cổ khách lạc/ Thâm khuê sầu. Lúc này không còn là tình cảm lai láng giữa “lang tình” – “thiếp tâm” với sự đồng điệu “diểu diểu” – “trừng trừng”, hòa quyện như trăng soi bóng nước “giang thủy” – “giang nguyệt” nữa, mà đã là sự chia cách không gian “cổ khách” – “thâm khuê” với hai trạng thái đối lập nhau “lạc” (vui) – “sầu” (sầu). Đến lúc nỗi sầu biệt li đã xâm nhập, Miên Trinh không để người phụ nữ xưng thiếp nhún nhường nữa mà dùng hoán dụ “thâm khuê” (buồng khuê – nơi ở người phụ nữ) để thay thế. Chữ “thâm” (sâu) khiến cho không gian sống của người vợ không còn thuần túy là nơi gắn với hơi ấm hạnh phúc mà đã trở nên lạnh lẽo, cô đơn, thậm chí, giống như nơi giam hãm tuổi xuân, bó buộc cảm xúc tình yêu, khiến khát vọng hạnh phúc lứa đôi càng mãnh liệt. Cuối bài thơ là hình ảnh đôi chim én cất cánh bay vút lên lầu cao (Yến song phi, phi thượng lâu), trong cảm thức của khuê phụ, chẳng khác nào hạnh phúc lứa đôi đã vụt bay đi, nỗi sầu do đó đã tăng tiến thành nỗi oán, như nhan đề nhà thơ đã đặt “Xuân khuê oán”.
Như vậy, tuy mở đầu Miên Trinh để người phụ nữ tự xưng với chữ thiếp mang bộ nữ, nhưng càng đi đến cuối bài thơ, tác giả đã liên tục bổ sung, chuyển biến cấp độ cảm xúc cho nhân vật bằng những chữ có bộ 忄/心 tâm: 愁 sầu, 心 tâm, 怨 oán. Đó là sự linh hoạt trong cách dùng từ, chọn chữ của Miên Trinh, để có thể khai thác, đặc tả sâu hơn nhân vật, nhất là những xúc cảm phức tạp, nhiều cung bậc và luôn thay đổi của người phụ nữ.
Tiếng thiếp của người con gái có khi nghe tội nghiệp, yếu ớt, như trong bài Bạch trữ từ, người vợ từ tốn xưng thiếp và chỉ dám mượn lời của tấm vải gai trắng để trách móc sự người chồng mải vui mà vô tâm: Vi quân ngu ca, vi quân vũ/ Quân tự hữu tình, thiếp tự liên (Đã vì chàng mà vui hát, vì chàng mà ca múa/ Chàng tự đa tình[DB4] , thiếp tự tiếc thương). Trong khi đó, ở bài Đường thượng hành, người vợ lại trách móc chồng thẳng thắn và mạnh mẽ hơn. Trách tình cảm người chồng bạc bẽo mà cũng trách mình đã tự đa tình: Lang tình thái bạc như thiềm dực/ Thiếp hận không đa tự ti/ Oán sát đường biên hồng đậu thụ/ Niên niên y cựu kết tương tư. (Tình chàng bạc (mỏng) lắm, như cánh ve/ Thiếp giận mình như con nhện tự giăng nhiều tơ/ Oán rằng mình cũng như cây đậu ở bờ ao/ Năm nào cũng kết hạt tương tư (nhớ thương) như cũ).
Nếu như cô gái trẻ hoặc người cung nữ, ca nữ trong thơ Miên Trinh lúc nào cũng thổn thức với tâm trạng buồn tủi vì cô đơn, vì thiếu thốn sự quan tâm của lang quân thì người thiếu phụ trong cái nhìn của ông hoàng thơ lại điềm đạm, vị tha, biết chăm sóc cho gia đình hơn: Lâu trung thiếu phụ vô cùng tứ/ Biên thành tạc dạ kí thư hồi/ Thư trung đạo đắc bình an tự/ Kim niên nhưng thị kí hàn y (trong lầu thiếu phụ ý vô cùng/ đêm trước bên thành gửi thư về/ trong thư đọc thấy chữ “bình an”/ năm nay lại gửi áo lạnh cho chàng). Hay trong Tàm phụ từ (Lời người đàn bà nuôi tằm), người phụ nữ còn giàu đức hi sinh: Ninh sử thiếp phúc nội/ Mạc sử tàm thực khuyết/ Thiếp nỗi nhất thân khổ/ Tàm bão bát khẩu hoạt (Thà bụng em chịu đói/ Chứ không để tằm ăn không no/ Em đói, chỉ khổ một mình em/ Nhưng tằm no thì nuôi sống cả nhà tám miệng ăn), thậm chí không kể áo quần lam lũ, chỉ cần đủ thuế nộp cho quan. Tâm tính của phụ nữ từ khi là con gái đến khi đã làm vợ, làm mẹ thực sự là có biến đổi. Miên Trinh đã tinh tế nhận ra điều đó. Nguyên nhân một phần nằm ở cá tính của “ông hoàng áo vải” khi ông sống rất tình cảm, gắn bó với mẫu thân, với các anh em trai, chị em gái trong gia đình và hòa nhã với dân chúng.
Trong sáng tác của Miên Trinh, các nhân vật nữ chính thường không có tên. Trừ các cô em gái, em họ của ông (Trang Thục, Thụy Trinh, Gia Thục, Quý Khanh), những nhân vật cổ tích (Thường Nga, Ngọc Nữ, Chức Nữ) hay những tên tuổi “cổ điển” trong lịch sử, văn học Trung Hoa như Chiêu Quân, Đỗ Thu Nương, Trác Văn Quân, Tương Nga, Đại Ngọc, Mạc Sầu,… gắn với tài hoa, nhan sắc hay số phận bi kịch, Miên Trinh có cách gọi của riêng ông. Có khi ông dùng danh từ chung chỉ người con gái như nữ tử, nữ nhi, nữ lang. Chẳng hạn, trong bài Tống biệt là một cô gái ở đất Giang Nam: Hoa hạ triêu lai năng ẩm phủ/ Giang nam nhi nữ mạc sầu ca (Dưới hoa trời đã sớm, uống (rượu) làm sao được nữa/ Người con gái ở Giang Nam hát lên chớ có buồn); hay trong Chu trung xuân nhật kí Trọng Cung (Ngày xuân trong thuyền gửi Trọng Cung) là một cô gái bé nhỏ trong mắt chàng trai trẻ: Công tử qui lai tầm bạch xã/ Tiểu cô cư xứ cách thanh khê (Chàng trai về tìm ngày lập xuân/ Chỗ cô gái ở cách một con suối); hay người con gái được gọi bằng “sĩ nữ”: Ngân tranh sĩ nữ mạn thâm sầu (Đàn bạc, nữ sĩ sầu lai láng); hoặc là một đám đông: những cô gái trẻ đang giặt quần áo bên sông (Tân đầu chúng nữ hoán/ Chiếu kiến hồng phấn trang (Đầu bến, các cô gái đang giặt giũ/ Ánh nắng rọi thấy những má phấn hồng hào) (Nam hồ – Hồ phía nam). Có khi Miên Trinh tạo ra kết hợp từ mới bằng cách ghép một đặc tính nào đó với chữ “nữ” để chỉ người con gái hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau (tương tự như 織女chức nữ – người con gái dệt vải). Chẳng hạn, gặp người con gái đang cho chim ăn, ông gọi ngay là tự nữ (tự: nuôi, cho ăn); hay người con gái hái sen được đặt là 荷女hà nữ (hà: hoa sen), rồi xử nữ, xuân nữ, vũ nữ, tiện nữ, thần nữ, ấu nữ, hoa nữ,…
Qua đó có thể thấy Miên Trinh rất quan tâm đến phụ nữ và quan tâm đến nhiều đối tượng khác nhau: bé gái (oa), cô gái trẻ (tiểu cô), thiếu phụ, bà góa (sương nga), vú già (lão ẩu), dù là những cô gái bình thường, thậm chí thấp hèn hơn nhiều so với thân phận Hoàng tử của ông mà người khác thường không để ý đến như cô hầu (thị cơ), cô gái hái sen (hà nữ), cô gái chăn nuôi gia cầm (tự nữ), cô bé ở nhà tu luyện gọi thuốc luyện bằng đan sa thuỷ ngân là (xá nữ)… Miên Trinh cũng viết nhiều về những người phụ nữ thân yêu trong gia đình như mẹ (mẫu, nương), con gái (oa, nhi nữ), chị (tu tỉ), em (uyển muội, vong muội), bà vú (lão ẩu). Riêng với mẫu thân, ông viết hẳn một bài biểu[1] [DB5] để tỏ lòng xót thương khi mẹ mất. Khi nói về số phận của người phụ nữ nói chung, nếu như Nguyễn Du cực tả sự bất hạnh bằng từ “hồng nhan” (trong sự liên tưởng đến cụm từ “hồng nhan bạc phận”) thì Miên Trinh vẫn chỉ dùng danh từ trung tính “nhi nữ”, như trong bài Hí nghĩ Chiêu Quân xuất tái (Diễn lại vở Chiêu Quân ra biên ải): Hồ trang biệt dạng kiều/ Hà kì nhi nữ phận (Trang phục Hồ Phiên khiến người đẹp có bộ dạng khác/ Nhưng số phận người con gái thì có gì khác đâu).
Như vậy, thông qua từ xưng hô, Miên Trinh đã thể hiện sự trân trọng, ưu ái đối với phụ nữ, không phân biệt quí tiện, sang hèn. Ông dùng những mĩ từ với cả người già (lão ẩu), phụ nữ già góa chồng (sương nga), người hầu nữ (thị cơ),…, tránh dùng những từ khiếm nhã như quả phụ, lão bà, thị nữ, nô tì… Hay đối với ca nữ, dường như để tránh kì thị, Miên Trinh dùng nhiều cách gọi khác nhau: vũ nữ, xướng gia, phấn đại kiều (người đẹp phấn sáp). Đây là những cách gọi đầy nhã nhặn, tinh tế của ông hoàng thơ. Khảo sát Vĩ Dạ hợp tập, chung tôi cũng thấy có xuất hiện một chữ nô, song không phải nói về người ở mà để chỉ giặc “Hung Nô”: Hung Nô vị diệt hà gia vi (Giặc Hung Nô chưa diệt được, sao có thể lo chuyện gia đình). Miên Trinh còn viết hẳn một bài thơ để bày tỏ lòng biết ơn người hầu gái đã chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo cho sinh nhật ông (Thị cơ lương vi dĩ lạp mai tác sinh nhật cảm phú thị chi). Đối với ca nữ, “ông hoàng áo vải” không hề có ý miệt thị, thậm chí còn cho rằng họ đã giúp đời sống tinh thần thêm phần hứng khởi: Hoa gian hứng dật ưng huề kĩ (trong hoa, hứng nhàn tản, lại muốn mang theo cô đào hát); đề cao lòng thủy chung của họ: Lòng son tóc bạc thề sâu/ Tri âm còn đợi kiếp sau cùng đàn (Nam cầm khúc – Khúc ca về đàn Nam cầm); có khi mượn họ để chỉ trích thói lãng phí của nhà giàu: Bạc tục tàm sư tịch/ Phong hoài tạ kĩ y (Thói đời bạc bẽo, thẹn với nhà sư/ Ngọn gió còn muốn tạ ơn chiếc áo người kĩ nữ) (Phú tử dụ – đệ ngũ thủ).
* Từ chỉ tính chất, trạng thái:
Bộ nữ không dùng để bộc lộ tâm sự mà chủ yếu để mô tả trạng thái, dung nhan, dáng dấp bên ngoài. Ngoài các từ vọng, đố, hiềm mang nghĩa tiêu cực, các tính từ được cấu tạo với bộ nữ nhìn chung đều biểu thị nét nghĩa tươi tắn, duyên dáng, mềm mại, quyến rũ. Ngay cả chữ gian tuy có nghĩa xấu song vẫn xuất phát từ sự biến hóa, linh hoạt, uyển chuyển đầy nữ tính trong cư xử để đạt mục đích bất chính. Quả vậy, nếu không có khả năng tà ác, tà dâm (gian) thì làm sao người phụ nữ độc hữu kế sách “mĩ nhân kế”!
Một số chữ mang nghĩa “vui vẻ” như ngu, hi, nghiên trên thực tế còn có thể được sử dụng với nét nghĩa không tốt như “mua vui”, “bỡn cợt” gắn liền với thực trạng người phụ nữ bị coi như là công cụ phục vụ cho nam giới trong xã hội cũ. Hay chữ yêu, mị cũng nảy sinh nét nghĩa xấu là “làm si mê”, “mê hoặc”. Trong thơ Miên Trinh tuy có dùng những chữ này song không hề mang nét nghĩa trên.
Với một số lượng thi phẩm đồ sộ (933 bài), ông hoàng thơ dùng rất nhiều từ láy tượng hình để miêu tả dáng vẻ duyên dáng, thướt tha, có khi mủm mĩm, có khi mảnh mai của người phụ nữ: vỉ vỉ, quyên quyên, thiền quyên, sinh đình, niểu na, a na. Những từ này còn được mở rộng để miêu tả sự vật tự nhiên như hoa cỏ (lan thiều), măng trúc (trúc tiểu).
* Hoạt dụng từ loại (hiện tượng chuyển loại từ):
Trong Vĩ Dạ hợp tập, có trường hợp từ loại của từ (được viết với bộ nữ) được chuyển loại. Ở đây, chúng tôi không xét đến những trường hợp một chữ Hán vừa có nét nghĩa động từ, vừa có nét nghĩa tính từ hoặc phó từ. Chẳng hạn: chữ 好 có khi làm động từ đọc âm hiếu, nghĩa là ham thích, khi làm tính từ đọc âm hảo, nghĩa là tốt đẹp; chữ 安 an là tính từ có nghĩa là yên ổn nhưng trong Hán văn cổ thường được dùng làm từ để hỏi, đi trước động từ, nghĩa là làm sao (an đắc…- sao được),…
Một trong những hiện tượng thú vị của ngữ pháp Hán cổ là có sự chuyển loại của từ, thường gọi là “hoạt dụng”, như danh từ dùng như động từ, tính từ dùng như danh từ, động từ, trạng từ,… Trong Vĩ Dạ hợp tập, chúng tôi khảo sát thấy các dạng hoạt dụng sau:
- Tính từ dùng như danh từ: tính từ kiều (mềm mại, đáng yêu) được dùng như danh từ trong kết hợp từ hoa kiều (người con gái đẹp).
- Tính từ dùng như động từ: tính từ diệu (tốt, đẹp, khéo) được dùng như động từ trong câu Ngữ ngôn diệu thiên hạ (tiếng nói làm đẹp cả thế gian).
- Tính từ dùng như trạng từ (đi trước bổ nghĩa cho động từ): các tính từ hảo (tốt), kiều (đẹp), diệu (tài, kì) nghiên (tươi tắn) được dùng để chỉ cách thức cho các động từ khác: kiều ỷ đông phong (mềm mại dựa vào gió đông), nghiên tiếu (cười duyên dáng), diệu hữu (may mắn có), hảo kí phù dung đệ nhất chi (nên gửi gắm một cành hoa sen).
* Từ ngữ đi liền với NỮ[DB6] :
Nếu có thể tìm một câu thơ của Miên Trinh để khái quát quan niệm của ông về phụ nữ, chúng tôi sẽ chọn câu Nữ nhược bất thắng bi (người con gái, yếu đuối, không vượt qua được chữ nỗi buồn) trong bài Khốc vong muội Gia Thục Công chúa. Miên Trinh dùng hai chữ để miêu tả về nữ giới, đó là 弱 nhược (yếu đuối) và 悲 bi (đau khổ, buồn rầu).
Ngoài các chữ có bộ nữ, Miên Trinh còn dùng một số danh từ và tính từ khác để nói về người con gái đẹp như: mĩ nhân, ngọc nhân, giai nhân, thâm khuê, thâm cung, không khuê, u sầu, uyển chuyển, đan tâm (lòng song), xước ước (ẻo lả), thu ba, quá thanh xuân (đã qua tuổi xuân), tích hoa niên (tiếc tuổi trẻ), oán ta (than thở, oán thán), phù dung (hoa sen),… Những từ ngữ này giúp cho hình ảnh người phụ nữ hiện lên đầy đủ hơn, sắc nét hơn, có chiều sâu hơn. Người phụ nữ trong thơ Miên Trinh không chỉ đẹp về hình thể mà còn có đời sống nội tâm.
Ngoài bộ nữ, từ góc độ văn tự học, những chữ miêu tả người phụ nữ còn có thể được cấu tạo từ bộ tâm, bộ mịch, bộ miên. Người Trung Quốc xưa gắn người phụ nữ với hình ảnh mái nhà, bởi họ quan niệm rằng người con gái yếu ớt cần được bảo vệ, che chở, hoặc mái nhà là biểu tượng cho vẻ đẹp kín đáo, e lệ của người con gái. Vì vậy đã có một số chữ Hán dùng bộ 宀 miên (mái nhà) biểu ý khi miêu tả dáng vẻ người con gái. Trong Vĩ Dạ hợp tập, chúng tôi cũng khảo sát được nhiều chữ Hán dùng bộ miên để đặc tả người phụ nữ: 窈窕 yểu điệu (dịu dàng, duyên dáng, u nhàn), 安 an (yên), 容 dung (dáng dấp, dung mạo, vẻ mặt, bộ mặt), 宛轉 uyển chuyển (khéo léo). Ở một khía cạnh khác, bộ mịch (tơ, vải) liên quan đến hoạt động đặc trưng của người phụ nữ xưa là dệt vải, thêu thùa, may vá nên có thể được dùng để đại diện, gợi liên tưởng đến nữ giới; hoặc dùng bộ mịch biểu thị ý ví von phẩm chất mềm mại, trắng trong của người con gái. Trong Vĩ Dạ hợp tập cũng có một số chữ Hán với bộ mịch biểu ý để khắc họa hình ảnh người con gái như 織 chức (dệt vải), 綽約 xước ước (ẻo lả), 素 tố (tơ trắng, trong trắng), 絜 khiết (sạch sẽ),…
Cũng như nhiều thi nhân khác, Miên Trinh viết nhiều về tâm sự của người cung nữ, kĩ nữ, ca nữ. Tuy nhiên, những bài viết về phụ nữ lại rất ít chữ có bộ nữ. Như bài về người cung nữ, bài về ca nữ, chỉ thấy dùng những chữ chỉ tâm trạng với bộ tâm chỉ ý (tiều tụy, hận, u sầu, đan tâm, tình, oán, tư, bi, tức). Bài về người kĩ nữ (Thanh lâu khúc) chỉ có một chữ kiều (dáng đẹp) có bộ nữ, còn lại là những mĩ từ khác như phong lưu, xước ước (ẻo lả), thu ba, y hương (mùi áo thơm). Đọng lại trong các bài thơ này vẫn là cảm giác buồn, vô vọng: Phân minh nhân tự nguyệt, Hà xứ mộng vi vân (Khi trời sáng, người ta cũng như trăng/ Mộng thành mây bay về nơi đâu); có khi thấm đẫm nước mắt: Thùy thức đương niên cung phụng khúc/ Bạch đầu cung nữ lệ triêm y (Ai có nhớ khúc hát cung phụng năm nào/ Nàng cung nữ đầu bạc lệ ướt đẫm xiêm y). Qua đó có thể thấy, Miên Trinh không hề ưa sáo ngữ. Với cung nữ, ca nữ, ông không cần nhắc lại vẻ đẹp của họ, bởi đó là điều đương nhiên. Điều ông quan tâm là tâm sự của những người con gái đẹp này. Ngay cả khi viết về em gái họ (uyển muội), chỉ thấy có chữ diệu dùng bộ nữ trong khi có đến sáu chữ dùng bộ tâm (悲 bi, 悔 hối, 思tư, 愁 sầu, 慰ủy). Trong số các tính từ có bộ nữ, một số chữ được dùng thông với bộ tâm như chữ lãn, hiềm, quý.
III. KẾT LUẬN
Qua khảo sát Vĩ Dạ hợp tập từ góc độ văn tự học, chúng ta được biết đến một số lượng lớn những chữ miêu tả vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ. Rất nhiều từ trong những từ này xưa nay thường được người Việt dùng đặt tên cho các cô con gái như Nga, Kiều, Diệu, Uyển, Mị, Quyên,… Thông qua nhiều từ xưng hô phong phú và nhã nhặn, có thể thấy Miên Trinh rất quan tâm đến phụ nữ, không phân biệt sang hèn. Đối với nữ giới, ông có thái độ yêu mến và trân trọng chân thành. Ông cũng thấu hiểu những nỗi niềm tâm tư của họ, thậm chí, nhạy cảm nhận ra sự khác biệt trong cách nghĩ, cách sống của nữ giới ở các độ tuổi tương ứng với những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời họ. Ngoài vẻ đẹp hình thể làm mê đắm lòng người được chuyển tải qua các từ láy tượng hình, Miên Trinh còn đặc tả vẻ đẹp tâm hồn ở người phụ nữ qua sự bao dung, đức hi sinh và sự chăm chút của người vợ cho gia đình của họ trong những hoàn cảnh éo le nhất.
Chỉ tìm hiểu hình ảnh người phụ nữ trong thơ Miên Trinh từ góc độ văn tự học, hạn chế trong phạm vi những chữ Hán có bộ nữ biểu ý, bài viết này thực sự chưa thể nào bao quát hết những cách nhìn nhận của Miên Trinh về nữ giới. Mặc dù vậy, chúng tôi hi vọng có thể mang đến một cách tiếp cận mới mẻ, tiềm năng, nhất là với những tác phẩm được sáng tác bằng văn tự tượng hình biểu ý như chữ Hán.
- Trần Thanh Mại (1938), Tuy Lý Vương (lịch sử ký sự), Ưng Linh xuất bản, MCMXXXVIII. Sách tổng hợp những câu chuyện liên quan đến cuộc đời của Tuy Lý Vương.
- Hoàng Trọng Thược (sưu tầm) (1962), Hương Bình thi phẩm (từ đời Minh Mạng đến nay).
- Trần Như Uyên (1967), Những khuynh hướng chủ yếu trong thơ Tuy Lý Vương, (in ronéo), Tiểu luận Cao học Văn chương Việt Hán, Sài Gòn, ĐHVK, Sài Gòn.
- (清) 段玉裁 (注) (1981), (漢)許慎 撰) , 說文解字注,上海古籍出版社.((Thanh) Đoàn Ngọc Tài chú (1981) (Hán) Hứa Thận soạn, Thuyết văn giải tự chú, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
- 裘錫圭(1994), 文字學槪要, 許錟輝教授 校訂. (Cừu Tích Khuê, Văn tự học khái yếu, Hứa Đàm Huy giáo thụ hiệu đính).
- 綏理王綿寊, 葦野合集. (Tuy Lý Vương Miên Trinh, Vĩ Dạ hợp tập, bản dập từ bản khắc gỗ năm 1875 tại Phủ Tuy Lý Vương).
- Nguyễn Thị Hải Vân (2018), Ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia với lớp từ xưng hô trong hán văn cổ.
- Văn hoá truyền thống Trung Quốc có coi thường phụ nữ? http://tiasang.com.vn/-van-hoa/van-hoa-truyen-thong-trung-quoc-co-coi-thuong-phu-nu-3405
Nguyễn Lãm Thắng
Võ Thị Ngọc Thúy
Lê Thị Cẩm Vân
Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Huế
[1] Thể văn của người dưới viết cho bề trên.
Bài viết được đăng trong Kỷ yếu hội thảo quốc gia Văn học và giới, Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2019