1. Thoát khỏi “lối đọc thánh thư”
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một nhà nghiên cứu văn học đồng thời cũng là một nhà giáo dạy văn ở bậc đại học khi bà khẳng định có một thời gian dài, thậm chí rất dài, ngự trị trong đời sống phê bình văn học là lối đọc thánh thư. Văn chương được đồng nhất với thánh thư và đương nhiên người đọc sẽ là những con chiên ngoan ngoãn. Lối đọc ấy sẽ dẫn đến những chuyện bi – hài trong phê bình, nghiên cứu văn học, tôi không cần dẫn ra ở đây, bởi ai cũng hơn một lần gặp.
Tôi cho rằng, trong nhà trường, một thời gian dài lối đọc này cũng đã chi phối đến việc dạy – học Ngữ văn, đặc biệt là dạy học Văn. Chính trị hóa, đạo đức hóa giờ học thô thiển hay “tinh tế” là tùy năng lực khác nhau và không khí của thời đại. Nhưng cho đến nay, hình như nó vẫn ngự trị ở nhiều nơi. Biểu hiện rõ nhất mà chúng ta ai ai cũng gặp là có không ít học sinh, thậm chí sinh viên nữa chả ai có hứng thú với tác phẩm mà chỉ chăm chăm truy tìm những tập văn mẫu để… chép khi cần; thậm chí có những thầy cô dạy văn cũng không buồn đọc tác phẩm cho kĩ lưỡng mà chỉ nhăm nhăm tìm những “thiết kế bài giảng” được biên soạn bày bán đầy rẫy khắp nơi thậm chí đầy rẫy trên mạng Internet. Nguồn tài liệu này khoản mươi mười lăm năm trở lại đây lúc nào cũng sẵn. Nó đã góp phần làm hư hoại môn văn. Rất nhiều trong số đó hình như đều bắt đầu từ một lối đọc – lối đọc “thánh thư”.
2. Chấp nhận những khác biệt trong nhận thức và trong đánh giá, chấp nhận tính chất đa dạng trong đọc – hiểu văn
Đỗ Ngọc Thống và nhóm cộng sự tại Hội nghị “Tổng kết đánh giá chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành của Việt Nam” tại Hà Nội, tháng 12 năm 2016 đã đưa ra một số khuyến nghị rất đáng chú ý. Tôi tâm đắc mấy điều sau:
Về mục tiêu: chương trình mới cần chú trọng giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp ngôn ngữ ở tất cả các hình thức đọc, viết, nói và nghe, và năng lực giao tiếp đa phương thức (ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, biểu đồ, kí hiệu,…). Qua những ngữ liệu văn học chọn lọc và đặc sắc, giúp học sinh phát triển năng lực thẩm mỹ, có cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn.
Ngoài ra, chương trình ngữ văn cũng cần coi trọng mục tiêu giúp học sinh phát triển các năng lực cốt lõi khác như năng lực tư duy, đặc biệt là năng lực lập luận, phản biện; năng lực tưởng tượng và sáng tạo; năng lực tự học; năng lực tự lập; năng lực hợp tác.
Về mặt phẩm chất: môn học có mục tiêu bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam; giúp học sinh có thói quen và niềm vui đọc sách; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, có khả năng hội nhập quốc tế, trở thành những công dân toàn cầu.
Định hướng đổi mới nội dung: Hướng đến mục tiêu đào tạo con người cá nhân, con người dân tộc và con người quốc tế. Chương trình đọc hiểu cần chú trọng tuyển chọn tác phẩm vừa có tính dân tộc vừa có tính nhân loại.
Định hướng đổi mới phương pháp dạy học: Nhiệm vụ của giáo viên là tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh theo các hình thức khác nhau (cá nhân, theo cặp, theo nhóm); hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ HS để các em tự hình thành và phát triển các năng lực
Giáo viên phải tạo cơ hội cho học sinh được tự đọc tác phẩm, từ đó giúp cho các em có thói quen đọc sách. Nhiệm vụ của giáo viên không phải là diễn giảng cái hay, cái đẹp của văn bản mà tổ chức các hoạt động và hỗ trợ để học sinh tự phát hiện ra cái hay, cái đẹp đó. Mỗi người đọc là một chủ thể tiếp nhận năng động, sáng tạo và quá trình đọc hiểu văn bản mang dấu ấn riêng của từng độc giả. Với tinh thần đó, giáo viên cần tôn trọng những đánh giá, phản hồi đa dạng của HS, và cần tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với sự đa dạng đó.
Giáo viên phải tạo được môi trường để học sinh được tự tin và tự do trình bày quan điểm, suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc. Tôn trọng tính cách và cá tính sáng tạo của mỗi học sinh khi viết và nói. Khích lệ những suy nghĩ độc đáo, mới lạ và tích cực. Khích lệ những ý kiến tranh luận, phản biện có cơ sở lí lẽ. Tôn trọng và tiếp nhận tích cực các phản ứng đa dạng từ phía người học.
Những khuyến nghị này, nếu được quán triệt trong việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa cho những năm sắp tới, chắc chắn sẽ tạo nên cuộc “cách mạng” trong việc dạy – học Ngữ văn trong nhà trường.
Theo nhận thức của chúng tôi, những khuyến nghị này mang tinh thần của thời đại ấy là tôn trọng quyền tự do của con người, chấp nhận những khác biệt trong nhận thức và trong đánh giá; chấp nhận tính chất đa dạng trong đọc – hiểu văn. Điều này rõ ràng là chưa được ý thức trong chương trình cũng như sách giáo khoa hiện hành. Tôi lấy ví dụ trong nhà trường hầu như không hề có việc vận dụng phân tâm học trong việc đọc – hiểu văn bản chẳng hạn. Trong khi đó lối đọc phân tâm học là một hướng có nhiều khả năng mở rộng tầm nhìn cho người đọc và phát hiện được nhiều lớp nghĩa của văn bản văn học.
3. Dạy – học Ngữ văn theo tinh thần hậu hiện đại là hoàn toàn có cơ sở và cần thiết
Theo định hướng mà chúng tôi vừa dẫn thì việc dạy – học Ngữ văn theo tinh thần hậu hiện đại là hoàn toàn có cơ sở và cần thiết. Vì tinh thần hậu hiện đại, nhìn từ góc tích cực nó thể hiện tinh thần dân chủ, chấp nhận cái cá nhân, mang tinh thần khai phóng và tạo cơ hội cho những năng lực của con người phát triển. Đọc bất kì một công trình nghiên cứu hậu hiện đại nào chúng ta đều thấy toát lên tinh thần ấy.
Theo tinh thần hậu hiện đại chúng ta sẽ thấy một số điều trong sách giáo khoa hiện hành sẽ trở thành “bất cập”
– Thứ nhất là cái Mục tiêu cần đạt được đặt trước bài học cùng là mục Ghi nhớ cuối mỗi bài.
– Thứ hai là hệ thống câu hỏi chuẩn bị bài.
Theo tinh thần hậu hiện đại thì những chuyện như thế là không cần thiết, là mang tính áp đặt. Vì nó có đúng với người này mà lại chưa đúng với người khác. Nó cần cho người này mà chưa hẳn đã cần cho người kia… Chính nó đã góp phần tạo nên những giờ dạy giống nhau, những cách hiểu giống nhau, mọi nỗ lực cá nhân là nhằm đạt tới cái sự giống nhau như thế. Cho nên việc khuyến khích năng lực sáng tạo mang tính cá nhân không được đặt ra, nếu có chỉ là làm dáng, hình thức như chúng ta vẫn thấy nhan nhản khắp nơi. Kiểu viết sáng kiến kinh nghiệm hay kiểu thi giáo viên dạy giỏi các cấp.
Theo tinh thần hậu hiện đại chúng ta sẽ thấy việc thực hiện giờ dạy – học văn hiện hành cần phải …dứt khoát đoạn tuyệt! Vừa rồi chúng ta thấy chỗ này chỗ kia áp dụng VNEN vào giờ học và cũng tạo nên một số đổi thay tích cực, hấp dẫn. Nhưng về căn bản cũng chưa có gì là thực chất mới. Ví dụ cái mục “Khởi động” trong mỗi giờ học. Rồi chuyện chúng ta quá lạm dụng “trình chiếu” đến mức dân gian đã giễu nhại bằng cả một ca khúc! Theo tinh thần hậu hiện đại chúng tôi hiểu mỗi giờ dạy – học Ngữ văn, đặc biệt là giờ đọc – hiểu văn bản sẽ là một cuộc chơi thú vị. Giờ lên lớp là giờ mang tính chất năng động, tính chất mở. Thầy có thể hướng dẫn trò những cách đọc khác nhau về cùng một văn bản. Những cách đọc khác nhau ấy không dẫn tới một kết luận duy nhất. Phương pháp đọc tạo ra những đối tượng mới, mỗi cách đọc sẽ tạo ra một văn bản tác phẩm. Giờ học chắc chắn sẽ có nhiều hứng thú. Ở đây chúng ta không bàn đến độ nông sâu trong khám phá văn bản mà là những văn bản vô cùng khác nhau sẽ hiện lên từ những cách đọc khác nhau.
Theo tinh thần hậu hiện đại giờ dạy – học Ngữ văn sẽ là giờ mang tính đối thoại cao. Tôi hiểu đối thoại không phải là…đặt ra cả đống câu hỏi mà thực chất câu trả lời đã nằm sẵn ở đó rồi. Đối thoại ở đây là đối thoại giữa những lập trường khác nhau, những tư tưởng khác nhau trong đọc văn. Những khác biệt trong trường hợp này không nhằm tới việc loại trừ nhau kiểu đúng/sai. Đối thoại tạo nên tính đa âm, đa thanh trong giờ học. Mỗi giờ học là chỗ để cho học sinh rèn luyện khả năng thuyết phục người khác đồng thời cũng là rèn luyện khả năng chấp nhận người khác. Giờ học theo tinh thần này không hướng tới cái thống nhất duy nhất mà hướng tới cái đa dạng, cái khác biệt.
Chúng tôi mạnh dạn trình bày đôi điều nghĩ suy về việc “Dạy học ngữ văn theo tinh thần hậu hiện đại” gửi đến Hội thảo sẽ được tổ chức tại Huế vì tôi biết hàng chục năm qua Huế là một trong những nơi đi tiên phong trong việc ứng dụng hậu hiện đại vào nghiên cứu văn học mặc dù so với “trung tâm – Hà Nội” thì Huế có vẻ là vùng “ngoại biên”, theo cách diễn đạt hậu hiện đại, nhưng đã có nhiều kết quả rất đáng khẳng định và lan tỏa trên phạm vi cả nước.
—— Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Khoa Ngữ văn—–
ThS. Đặng Quyết Tiến
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên