Nhìn chung, ngôn ngữ thơ trung đại (chủ yếu là thơ Đường luật) ưa cái chân thật, hồn nhiên hơn là sự đẽo gọt, bay bướm, như Lê Quý Đôn nhận định: “Nếu chuộng nặn nọt, ưa mới lạ, gò gẫm từng chữ, từng câu, thơ làm ra sẽ kém”(1). Dường như chỉ với một vốn từ quen thuộc mà thi gia diễn đạt được mọi hiện thực, tư tưởng, cảm xúc. Giới hạn về số lượng câu chữ của thơ Đường luật còn khiến tác giả hướng đến sử dụng thực từ nhiều hơn hư từ, và chú trọng tạo dựng nhiều mối quan hệ nội tại nhằm đạt đến sự cô đọng, hàm súc cho thi phẩm. Bên cạnh đó, do thơ phát khởi tự lòng, nên như Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân nhấn mạnh: “ngôn ngữ mang tính thơ thì các hạn chế về ngữ pháp không còn thích hợp nữa”(2).
Nhắc đến danh nhân văn hóa Đào Tấn, nhiều người biết đến ông với tư cách là bậc trọng thần của triều Nguyễn cùng nhiều duyên nợ với xứ Huế và là bậc hậu tổ của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài số lượng ít sáng tác từ, Đào Tấn còn tồn tại với tư cách là một nhà thơ lớn của Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Nhằm tiếp tục đi vào khám phá cái hay, cái đẹp trong những thi phẩm của Đào công, ở bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu một số đặc sắc về ngôn ngữ nghệ thuật thơ chữ Hán của tác giả dựa trên những thi phẩm hiện tồn của ông đã được người đời sau sao lục, biên khảo trong công trình Đào Tấn thơ và từ(3). Qua đó, người viết muốn góp thêm một cái nhìn sâu sắc về danh nhân văn hóa Đào Tấn cũng như đóng góp của tác giả trên phương diện sáng tác thơ chữ Hán.
1. Nhan đề tác phẩm
Khi phân tích một tác phẩm văn học, phần lớn mọi người ít quan tâm đến nhan đề. Nhưng điều đó sẽ là thiếu sót và càng là thiếu sót đối với nghiên cứu thơ chữ Hán Đào Tấn. Nguyễn Thị Bích Hải, khi nghiên cứu thi pháp thơ Đường, đã nhấn mạnh đến vai trò của nhan đề tác phẩm: “Đề bài thơ là trung tâm, là điểm xuất phát”(4). Nhan đề tác phẩm thường mang nghĩa khái quát toàn bài, gợi ra nội dung, thể loại tác phẩm. Cách đặt nhan đề khác nhau cho mỗi thi phẩm không chỉ thể hiện xu hướng phản ánh khác nhau mà còn là tài dụng ngữ của tác giả. Đường thi kiệm từ, thể hiện tính hàm súc ngay ở cách đặt tên nhan đề: chủ ngữ thường bị tỉnh lược để lại những tổ hợp từ ngắn gọn (cụm động từ, cụm tính từ, cụm danh từ gắn liền với từ chỉ thời gian, nơi chốn) và thường gồm 4 âm tiết trở xuống. Thông thường, cụm danh từ gợi ra cảnh, vật, cụm động từ gợi ra sự, tư, còn cụm tính từ lại gợi ra tình.
Phổ biến ở thơ Đường, nhan đề là cụm danh từ, cụm động từ mà đặc biệt là cụm động từ gắn liền với những từ chỉ nơi chốn. Khảo sát 63 bài thơ Đường được chọn lọc, giới thiệu trong công trình Thơ Đường và từ Tống do Lý Phúc Điền biên soạn, nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành năm 1998, kết quả cho thấy: 21/63 bài thơ có nhan đề là cụm danh từ (chiếm 33,33%), 34/63 bài có nhan đề là cụm động từ (chiếm 53,96%), 6/63 bài mang nhan đề là cụm tính từ (chiếm 9,52%) và 2/63 bài có nhan đề thuộc loại khác (3,17%). Qua đó cho thấy, ngay ở nhan đề, Đường thi không chỉ muốn giấu đi hình bóng tác giả mà còn muốn giấu đi cả cảm xúc chủ quan, chỉ để cảnh và sự diễn ra tự nhiên cho người đọc tự cảm dòng tư tưởng, tâm trạng ẩn sâu trong những câu chữ, tạo nên độ dư ba, khiêu khích sự đồng sáng tạo ở độc giả.
Khảo sát thơ chữ Hán Đào Tấn, chúng tôi nhận thấy một kết quả thú vị là: nếu thơ Đường phổ biến với nhan đề 4 âm tiết trở xuống thì thơ chữ Hán Đào Tấn lại phổ biến với nhan đề 5 âm tiết trở lên (72/141 bài, chiếm 51,06%). Thực tế này không phải nói lên Đào Tấn không biết cách đặt nhan đề sao cho cô đọng, hàm súc, vì những nhan đề cô đọng đến mức chỉ gồm 2 âm tiết trong thơ ông không thiếu (Vô đề, Mạn đề, Khuê kiều, Hỷ vũ, Thuỷ xa,…) mà phần nào nói lên chính nhu cầu kể lể, tâm sự, giãi bày đã khiến tác giả phải nói dài, nói nhiều ngay ở đầu bài. Có những nhan đề tác giả viết như một đoạn văn tự sự: Hương sơn tú tài Đoàn Tử Quang niên bát thập nhị đăng hiền thư. Đường thượng hữu mẫu niên cửu thập bát, xướng danh nhật thư thử tặng chi (29 âm tiết), Nhị tử kinh trường phó tuyển, văn đệ nhị kỳ phong vũ giao tác, thảo thảo túc quyển nhi xuất. Tuyên nhi lạc liễu, Thạch nhi ứng đệ tam kỳ đắc tú tài, tự hữu bất túc ý, thử thiếu niên chi kiến dã, nhân tẩu bút nhị tiệt ký thị chi (52 âm tiết). Thơ Đường luật của Trung Quốc cũng như trong văn học viết trung đại Việt Nam ít thấy cách đặt nhan đề như vậy. Qua đó có thể khẳng định, yếu tố hiện thực, nhu cầu tự sự đã biểu lộ đậm nét trên nhan đề thơ chữ Hán của Đào công.
Như đặc điểm thơ Đường luật, nhan đề thơ chữ Hán Đào Tấn chủ yếu là cụm động từ nhưng phần lớn lại gắn liền với từ chỉ quan hệ xã hội bằng những danh từ chỉ người, cảnh vật con người (76/141 bài, chiếm 53,9%). Đây là những nhan đề viết về bạn bè, người thân trong gia đình, về tình cảnh người dân hay về chính bản thân tác giả (Đồng Nguyễn Tiểu Cao nhàn du, Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh – nhị tuyệt, Thọ Diêu Tiên phu nhân ngũ thập sơ độ, Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi, Kinh phế trạch,…). Chỉ qua nhan đề tác phẩm đã cho thấy, khác xa với đặc trưng của thơ ca trung đại nói chung, trong thơ chữ Hán Đào Tấn, hình ảnh con người vũ trụ hoà nhập với thiên nhiên để tỏ chí không đậm nét bằng hình ảnh con người đời thường, con người xã hội. Điều đó càng được minh chứng trong nội dung sáng tác thơ của tác giả: những giây phút Đào công nhàn rỗi, đắm mình vào thiên nhiên rất ít, chỉ thấy tất bật với bao nhiệm vụ, trăn trở, lo âu về đất nước, nhân dân, tình cảnh gia đình, bạn bè và về chính mình. Có lẽ vì thế mà khát vọng hoàn hương, thưởng nhàn, ngao du sơn thủy luôn đau đáu trong tiếng thơ của ông.
Gắn liền với những từ chỉ thời gian, nhan đề thơ chữ Hán Đào Tấn có những danh từ chỉ thời gian chung chung: dạ (Dạ yến tặng hữu), sơ thu (Sơ thu vãn yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật), tuế mộ (Tuế mộ ngẫu chiếm thư ký Hà Đình hưu ông), tuế đán (Tuế đán thư hoài); có những danh từ chỉ thời gian cụ thể hơn như: thất tịch (Thất tịch tiểu đề), cửu nhật (Cửu nhật muộn toạ đắc Hà Đình công dạ phỏng), trừ tịch (Trừ tịch quan thư ngẫu đắc), lục thập sinh nhật (Lục thập sinh nhật mai viên tiểu chước), v.v… Đó không chỉ là biểu hiện của con người luôn ý thức về sự trôi chảy của thời gian mà còn như muốn ghi chép các sự kiện theo từng mốc thời gian bằng thơ.
Đáng chú ý nhất là chùm thơ xuân của tác giả. Nếu liên kết nhan đề của những bài thơ này lại ta thấy nó như một cuốn nhật ký nhằm tổng kết công việc một năm đã qua, bày tỏ tâm trạng trước một năm mới: Canh Tý trừ tịch, Tân Sửu trừ tịch, Nhâm Dần nguyên đán thí bút, Quý Mão trừ tịch thư hoài, Ất Tỵ trừ tịch, Bính Ngọ đán thí bút (kiêm tứ nhi bối), Đinh Mùi nguyên đán tức sự thí bút, Hoan thành Kỷ Hợi trừ tịch. Chính cách đặt nhan đề như vậy đã làm tăng chất hiện thực, chất tự sự trong sáng tác thơ chữ Hán của ông. Có thể nói, hoàn cảnh cá nhân và hoàn cảnh lịch sử – xã hội đương thời đã chảy một cách tự nhiên vào sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn và biểu hiện ngay ở hình thức nhan đề tác phẩm.
Như vậy, ngay ở nhan đề tác phẩm, thơ chữ Hán của Đào Tấn đã hé mở cho độc giả nhiều điều về hoàn cảnh cá nhân, lịch sử – xã hội, cũng như cá tính sáng tạo của tác giả.
2. Từ láy
Từ láy là một loại thực từ có hình thức đặc biệt. Hoàng Văn Hành đã chỉ ra đặc điểm khái quát của loại từ này: “Đó là sự hoà phối ngữ âm giữa các yếu tố của âm tiết và có tác dụng biểu trưng hoá”(5). Nghiên cứu về từ láy trong nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường, Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân còn nhấn mạnh thêm: “Các âm tiết tương tự nhau về ngữ âm thì hấp dẫn nhau, nhất là trong một dòng thơ xuất hiện âm tiết tương đồng thì chúng sẽ tạo thành một trường lực hướng tâm”(6). Chính vì thế, khi đã xuất hiện trong tác phẩm, ngoài việc gợi hình, tạo nhịp, từ láy còn có năng lực biểu cảm rất lớn. Ý nghĩa theo đó phát sinh từ sự vang vọng của từ.
Do sự hạn định về số câu, số chữ, thơ Đường luật sử dụng từ đơn nhiều hơn từ phức, và để ẩn giấu cảm xúc chủ quan, các tác giả dùng danh từ, động từ nhiều hơn tính từ. Bởi vậy, trong thơ chữ Hán luật Đường, các thi gia sử dụng rất hạn chế từ loại tính từ có cấu tạo là từ láy, nhưng khi được sử dụng thì lại thường đắc địa.
Có thể nói, khác xa với thơ ca chữ Hán nói chung, thơ Đường luật nói riêng, cái tôi dạt dào xúc cảm của Đào Tấn đã chắp cánh cho những từ láy xuất hiện khá nhiều trong thơ ông (65 từ/141 bài), trong đó, dạng từ láy toàn phần chiếm ưu thế hơn hẳn so với từ láy bộ phận: từ láy toàn phần có 44/65 từ (chiếm 67,69%), từ láy bộ phận có 21/65 từ (chiếm 32,31%). Nhìn vào hệ thống từ láy toàn phần trong thơ chữ Hán Đào Tấn, ta dễ nhận ra loại từ láy mang sắc thái âm tính nhiều hơn so với loại mang sắc thái dương tính. Điều đó nói lên phải chăng cuộc đời Đào Tấn nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Tác giả lúc nào cũng vội vàng, điên đảo trên đường làm quan (thông thông, đắc đắc). Nhưng vì bất đắc chí mà ông mỏi mệt, chán nản như chẳng muốn tiếp tục bước đi (từ từ, trì trì). Và dư vị đắng cay của cuộc đời làm quan nay đây mai đó đã đọng ở không gian hoang vắng, trầm uất, mịt mù (tịch tịch, táp táp, mang mang). Nhà thơ nhìn cuộc đời như con thuyền nhỏ nhoi (tiểu tiểu), cứ mãi lênh đênh (phiếm phiếm) giữa bể đời mênh mông vô định (doanh doanh). Một nỗi lo canh cánh (cảnh cảnh), một nỗi buồn xa xăm (du du) chỉ một mình mình biết một mình mình hay. Trong sáng tác thơ chữ Hán của Đào Tấn, từ láy thông thông (vội vội) lặp lại tới 5 lần. Đó là nét chủ vẽ lên chân dung tác giả suốt năm vội vã trên bước đường hoạn lộ như cánh hồng, cánh nhạn hết Bắc rồi Nam. Những từ láy toàn phần trên đây không chỉ tạo ra nhịp điệu, nhạc tính cho câu thơ mà quan trọng hơn đã mở ra thế giới tâm trạng sầu bi lan toả vào cảnh vật, vang vọng vào không gian, có sức truyền cảm, lay động lớn đến độc giả.
Số lượng từ láy bộ phận trong thơ Đào Tấn nghiêng về láy phần vần hơn là láy phụ âm đầu: 14/21 từ láy phần vần (chiếm 66,7%), 7/21 từ láy phụ âm đầu (chiếm 33,3%), trong đó, nhiều từ đã được Việt hoá, không còn xa lạ với độc giả: tiêu điều, thuyên chuyển, linh tinh, tịch mịch, ân cần, thung dung, tiêu tán, khẳng khái, v.v… Vẫn là âm hưởng trầm buồn toát lên từ những từ láy bộ phận nhưng nó không đến mức ảm đạm như nội dung của từ láy toàn phần. Trong nỗi buồn ấy, tác giả đã tự chiêm nghiệm để rồi xác định một thái độ sống (thung dung), và có đủ dũng khí (khẳng khái) mà nâng chén tiêu sầu. Phải nói rằng, những từ láy bộ phận này đã gợi ra cho người đọc thấy nghị lực sống phi thường ở Đào Tấn – một cội hàn tùng, một đoá hàn mai tha hương giữa chốn bụi lầm.
3. Hệ từ nhất, độc, cô
Bên cạnh việc phát huy khả năng biểu cảm của từ láy, Đào Tấn còn sử dụng hệ từ nhất (一), độc (獨), cô (孤) thực sự có giá trị ở sáng tác thơ chữ Hán. Trong thơ Đường, thông thường, nếu các tác giả chọn hệ từ tương, dữ, cộng để xác lập mối quan hệ thống nhất thì hệ từ nhất, độc, cô lại được dùng để nhấn mạnh tính thống nhất giữa cái đơn nhất với cái tổng thể. Nghiên cứu đặc trưng nghệ thuật của thơ Đường luật nói chung, tứ tuyệt đời Đường nói riêng, Nguyễn Sĩ Đại khẳng định: “Giở bất kỳ bài thơ Đường nào, các bạn cũng sẽ thấy nhan nhản những nhất, độc, cô,… dùng đến mức xa xỉ, thậm chí vô ích”(7). Tuy nhiên từ sự khảo sát, phân tích hư từ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thu Yến lại lý giải thêm: “Hệ từ này xuất hiện rất nhiều, nhiều đến độ thừa thãi. Nhưng cái thừa thãi này lại là một vấn đề thú vị bậc nhất của nghệ thuật”(8).
Thơ Đào Tấn không nói nhiều về thời trai trẻ của mình, cũng ít đề cập đến thời gian nghỉ hưu lúc cuối đời. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông là khoảng thời gian làm quan. Một cuộc đời làm quan kéo dài dằng dặc, gắn liền với những cuộc chuyển đổi, thiếu vắng tình cảm quê hương, gia đình, lại tận mắt chứng kiến cảnh dân tình đói khổ, chiến tranh loạn lạc cùng với hiện thực triều đình thối nát, vua quan đớn hèn, ăn chơi sa đoạ, cộng với lý tưởng cứu nước không thành, những mặc cảm cá nhân đã khiến ông mang nỗi buồn cô đơn, cô độc đến rợn ngợp. Cũng vì thế mà hệ từ nhất, độc, cô đã được tác giả sử dụng triệt để trong những thi phẩm chữ Hán. Khảo sát, thống kê 141 bài thơ chữ Hán của Đào Tấn, chúng tôi thấy từ nhất, độc, cô xuất hiện 55 lần (45 lần sử dụng từ nhất, 6 lần sử dụng từ độc, và 4 lần sử dụng từ cô) với nghĩa là một, riêng nhất, cô đơn.
Với tư cách là số từ, trong thơ chữ Hán Đào Tấn, chữ nhất gần như đi trọn với những danh từ hoặc cụm danh từ. Sự kết hợp cụ thể của loại từ này cũng rất phong phú. Nó có thể kết hợp với những từ, cụm từ chỉ thiên nhiên: nhất minh nguyệt (một vầng trăng sáng), nhất giang (một dòng sông), nhất đoàn băng (một khối băng), nhất kính (kỉnh) yên hà (một khối khói ráng),… hoặc từ, cụm từ chỉ con người hay sự vật, sự việc, hiện tượng liên quan đến con người: nhất nam nhi (một đấng nam nhi), nhất vị (một vị), nhất mạt mi (một nét mi), nhất hô (một tiếng gọi), nhất hác mưu (một loại mưu chước cạn cợt), nhất nhật thanh nhàn (một ngày thanh nhàn), nhất phạn (một bát cơm), nhất chu (một con thuyền), nhất hồng chung (một quả chuông lớn), nhất sự (một việc),… Xét về nội dung biểu đạt, chữ nhất trong thơ chữ Hán của Đào Tấn không chỉ dùng với ý nghĩa phổ biến chỉ số lượng cụ thể (là một) mà còn để chỉ số thứ tự (số một): đệ nhất nhân (người số một), đệ nhất mai (đoá mai số một). Hơn nữa, nhà thơ còn dùng chữ nhất với ý nghĩa khái quát, bao quát chỉ sự nhất quán, xuyên suốt, thông suốt: nhất thế cùng (một đời nghèo khó), nhất đới giang thiên (một vùng trời sông nước), nhất thiên minh nguyệt (một trời trăng sáng).
Nhờ việc sử dụng một số lượng lớn từ nhất, những sự vật, sự việc, hiện tượng được nói đến trong thơ chữ Hán của Đào Tấn hiện lên rõ hơn, sắc nét hơn. Qua đó, tính khẳng định đối với đối tượng được phản ánh trong từng câu thơ cũng cao hơn. Nó đã tạo cho câu thơ một giọng điệu nhấn mạnh, khoẻ khoắn; góp phần tạo nên âm hưởng ngợi ca, khẳng định, triết lí trở nên mạnh mẽ hơn cho thi phẩm. Thơ chữ Hán Đào Tấn có những tác phẩm từ nhất lặp lại liên tiếp ở đầu câu như một dòng chảy tuôn trào của cảnh và tình:
Nhất giang tinh hoả ảnh du du,
Nhất đới giang thiên mạch mạch thu.
Nhất phiến ky sầu đối minh nguyệt,
Nhất thiên minh nguyệt đối cao lâu.
(Một dòng sông xa xăm trong ánh sao và ánh lửa,
Một vùng trời dằng dặc sông thu.
Một mảnh tình sầu ràng buộc với vầng trăng,
Một trời trăng sáng soi rọi lầu cao)
(Hương Giang hành tạp vịnh)
Có thể nói, mặc dù xuất hiện với số lượng khiêm tốn nhưng chính những từ độc, cô lại kết tinh được nhân sinh quan, thái độ sống của Đào Tấn hơn cả. Nếu như chữ nhất được tác giả sử dụng chủ yếu để định lượng thì chữ độc, cô lại chủ yếu được dùng để định tính, nhất là tập trung thể hiện thế giới tâm trạng của nhà thơ. Đối với chữ độc, cô, con người tác giả đã hướng cái nhìn khách thể về cái nhìn chủ thể để tự ý thức về mình. Và khi càng ý thức về mình, ông càng cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo. Điều này thật đúng với khái quát của Hoài Thanh – Hoài Chân về đặc trưng của cái tôi trong Thơ mới: “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh”(9). Đây cũng chính là điểm đặc sắc nhất trong nghệ thuật ngôn ngữ thơ chữ Hán Đào Tấn.
Cái cảm giác cô đơn có khi đến bất chợt, lúc tác giả đang chìm trong cảnh mà chợt nghĩ đến mình: Khán tận giai sơn tam thập lý/ Khước vong thân thế tại cô bồng (Nhìn hết dãy núi đẹp ba mươi dặm/ Quên mất thân thế mình đang ở dưới chiếc mui cô quạnh – Chu hành ngẫu đắc). Không thể hoà nhập với đám quan lại suy đồi, nhà thơ đôi khi cô đơn ngay cả ở nơi ồn ào nhất: Tây thương thu túc cổ đằng đằng/ Đông môn sất mã thanh như băng/ Độc toạ hàn nha vô nhất sự (Kho phía Tây thu thóc thuế trống đánh vang trời/ Cổng phía Đông tiếng ngựa hí nghe như lở núi/ Một mình ngồi ở cửa quan khốn khổ không việc gì làm – Tặng tăng). Tự tách mình ra khỏi chốn quan trường nhơ nhuốc, không biết nói cười cùng ai, lại không thực hiện được hoài bão cá nhân, bản thân ông đã thấm thía nỗi buồn tái tê của một cô thần ôm mối cô trung, như Nhạc Phi trong lịch sử Tống triều: Đại nghĩa quân thần trọng/ Cô trung thiên địa tri (Nặng lòng vì nghĩa lớn vua tôi/ Ôm nỗi cô trung trời đất biết – Vịnh Nhạc Vũ Mục). Một cảm giác cô đơn, cô độc đè nặng lên “cánh chim hồng” lẻ loi suốt hơn ba mươi năm làm quan: Cô hồng tiểu tiểu bạch vân biên (Một cánh chim hồng lẻ loi lạc loài trong mây trắng – Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu). Như Đoàn Thị Thu Vân nhận định: “ý thức về sự cô đơn ấy đã trở thành một giá trị… Và như vậy, nó cũng là một phạm trù của cái đẹp”(10). Như vậy, nếu chỉ xét ở góc độ ý thức về sự cô đơn trong sáng tác, thơ chữ Hán của tác giả đã khắc họa nên một con người nhân văn – Đào Tấn.
Trong nỗi buồn cô đơn của đời mình, Đào Tấn còn đồng cảm trước sự cô đơn, buồn đau của những thân phận, kiếp người trong xã hội qua chữ nhất, độc. Từ cảm được cái buồn diệu vợi của ông lão làm vườn về một mình trong buổi chiều tà (Nhật tịch viên ông độc vãng hoàn – Đồng Nguyễn Tiểu Cao nhàn du), đến thương xót cho bạn một đời nghèo khó (Lân quân nhất thế cùng – Khốc tây tân Đinh Tử Trạch), rồi đau buồn trước cảnh bạn mất (Lâm lưu bằng điếu độc tư ta – Khấp Lan Nông Phan thượng thư cố hữu), Đào Tấn đã mở rộng lòng mình buồn với nỗi buồn, đau với nỗi đau của người khác. Tình yêu thương dạt dào đã khiến ông viết nhiều bài thơ thương người, khóc bạn, làm nên tư tưởng nhân đạo xuyên suốt trong sáng tác của tác giả.
*
Nhìn chung, trong sáng tác thơ chữ Hán, Đào Tấn đã sử dụng khá thành công những phương thức biểu hiện cũng như những phương tiện biểu đạt nghệ thuật. Về phương diện ngôn ngữ nghệ thuật, đáng chú ý là cách đặt nhan đề, sử dụng từ láy và hệ từ nhất – độc – cô. Qua đó đã thể hiện được sự kế thừa và sáng tạo của tác giả so với thi pháp văn học trung đại, ghi được dấu ấn cá nhân, mang lại giá trị nghệ thuật nhất định. Thông qua những phương diện ngôn ngữ nghệ thuật nói trên, chúng ta còn thấy rằng, Đào Tấn là người có thế giới tâm trạng phong phú, với tình yêu thiên nhiên, con người đậm sâu, lên án, tố cáo xã hội, khẳng định cái tôi cá nhân mạnh mẽ nhưng cũng luôn đau buồn, suy tư cho thân phận bi kịch của chính mình.
—————————
(1) Nguyễn Minh Tấn (Chủ biên, 1981), Từ trong di sản, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.88.
(2) Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân (2000), Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường (Trần Đình Sử, Lê Tẩm dịch), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.222.
(3) Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2003), Đào Tấn thơ và từ, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
(4) Nguyễn Thị Bích Hải (1995), Thi pháp thơ Đường, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr.233.
(5) Hoàng Văn Hành (Chủ biên, 2003), Từ điển từ láy tiếng Việt, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr.5.
(6) Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân (2000), Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường (Trần Đình Sử, Lê Tẩm dịch), Sđd, tr.10.
(7) Nguyễn Sĩ Đại (2007), Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ tứ tuyệt đời Đường, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.329.
(8) Lê Thu Yến (1999), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.257.
(9) Hoài Thanh, Hoài Chân (2000), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.46.
(10) Đoàn Thị Thu Vân (2007), Con người nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kỳ trung đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.27.
TS. Nguyễn Đình Thu
Trường Đại học Quy Nhơn