ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI VIẾT CHO TUỔI MỚI LỚN

Văn học luôn nỗ lực tìm đến đối tượng độc giả riêng nhằm thỏa mãn những nhu cầu tinh thần của họ. Sau thời kỳ Đổi mới (1986) đến nay, bên cạnh sự phát triển mạnh của các sáng tác viết cho người lớn, có một dòng chảy âm thầm, bền bỉ – những sáng tác văn học viết cho lứa tuổi mới lớn. Nhiều người đã xếp những tác phẩm này “cùng chiếu” với văn học thiếu nhi. Trong các giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, dòng văn học này không hoặc chưa được đề cập đến một cách đúng mức. Tuy nhiên, với đặc trưng nghệ thuật riêng, dòng sáng tác này đang từng ngày khẳng định sự tồn tại độc lập với “quyền lực văn chương” riêng và đòi hỏi sự quan tâm nghiên cứu như một đối tượng đặc thù. Nói cách khác, đã đến lúc văn học tuổi teen trở thành một trường hợp không thể không nhắc đến của lịch sử văn học từ sau thời kỳ Đổi mới.

1. Khái niệm “văn học tuổi mới lớn”

Văn học tuổi mới lớn được định danh trước hết dựa trên đối tượng phản ánh khu biệt của tác phẩm. Đây được coi là yếu tố nòng cốt làm nên sự khác biệt của dòng văn học này với các sáng tác khác. Theo nghĩa hẹp, văn học tuổi mới lớn bao gồm những tác phẩm văn học dành cho độc giả thanh thiếu niên từ 13 đến 19 (còn gọi là độ tuổi teen). Từ đó, những tác phẩm này dung chứa trong nó những đặc điểm riêng về tâm lý lứa tuổi. Ở giai đoạn này, các em phải đối diện với sự trưởng thành của bản thân về mặt sinh lý cũng như những biến động trong tâm tư, tình cảm. Biết bao vấn đề nhạy cảm, phức tạp diễn ra ở lứa tuổi “ẩm ương”, “chanh cốm” cần được phản ánh trong các sáng tác. Theo nghĩa rộng, văn học tuổi mới lớn là những sáng tác viết về tuổi mới lớn và liên quan đến tuổi mới lớn. Đây là yêu cầu bắt buộc xét về nội dung được biểu hiện.

Bên cạnh đó, góp phần định danh cho xu hướng văn học này không thể thiếu các tiêu chí về nguyên tắc sáng tác. Vấn đề được đặt ra trong mỗi truyện phải phù hợp với tuổi tác và kinh nghiệm của nhân vật chính đang ở độ tuổi mới lớn. Đồng thời, những tác phẩm này mang tính giải trí rất cao. Xét về mặt xã hội, loại truyện này giàu tính giáo dục, có khả năng định hướng thẩm mỹ cho các em.

2. Phác thảo một số đặc trưng nghệ thuật

Hấp thu không khí dân chủ và đổi mới sau 1986 ở nước ta, dòng văn học dành cho tuổi mới lớn đã không ngừng tự làm mới mình bằng những dấu hiệu cách tân nghệ thuật. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi nêu một số phương diện nghệ thuật tiêu biểu, gồm:

2.1. Biến cố

Cốt truyện của tác phẩm văn học tuổi mới lớn bao giờ cũng xuất hiện những biến cố. Chúng thường có những giá trị và ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó là những sự việc, sự kiện có tính chất bất ngờ, đột biến để đưa nhân vật vào một trạng thái tâm lý. Cũng có khi nó tồn tại như một cái cớ hết sức cụ thể giúp cốt truyện và nhân vật nương tựa vào nhau nhằm thực hiện đắc lực các ý định của tác giả.Thông thường, trong một tác phẩm văn học bất kì, các biến cố thường xuất hiện dưới hai dạng thức: Có những biến cố hoàn toàn do nhân vật tạo nên, đó là sự ghi nhận một quá trình cố gắng lâu dài của nhân vật và những biến cố bất ngờ xảy ra từ hoàn cảnh bên ngoài làm ảnh hưởng đến hành động, tính cách và tâm lý nhân vật.

Biến cố trong văn học tuổi mới lớn không xuất hiện cùng lúc với sự kiện cao trào của cốt truyện. Nó thường nằm ở giai đoạn thắt nút, có nhiệm vụ đưa nhân vật tham gia vào câu chuyện; khi khác, nó lại nằm ở giai đoạn mở nút, giúp nhân vật “vỡ lẽ”, nhận ra chính xác một giá trị nào đó – kết quả của sự trưởng thành.

Biến cố trong văn học tuổi mới lớn thường là các rắc rối hoặc hiểu lầm. Đó là các tình huống thắt nút. Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi nền văn học nước nhà đang trên đà đổi mới cả về tư duy sáng tác cũng như phương thức thể hiện. Chẳng hạn, truyện ngắn Nữ sinh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là cuộc gặp gỡ ở quán cây sứ của Gia với đám học trò mà sắp tới anh sẽ làm chủ nhiệm. Trong Bồ câu không đưa thư là bức thư làm quen của anh chàng Phong Khê bí mật,… Bây giờ bạn ở đâu (Trần Thiên Hương) hiện lên những khúc mắc thuở nhỏ của Tâm với Bình về cuốn nhật ký Bình viết về Tâm, khiến Tâm trở thành đối tượng châm chọc của bao nhiêu người,…

Lúc khác, biến cố trong văn học tuổi mới lớn nhiều khi xuất hiện với vai trò mở nút, truyện ngắn Cỏ may của Trần Thiên Hương có tình huống cậu bé Vinh đi thuyền vào Bích Động, gặp chính cô bé mà cậu trêu chọc lúc trước, nhưng thái độ hiền hoà của cô bé đã khiến cậu nhận ra về cái nghèo và có những biến chuyển tình cảm từ cảnh giác, đề phòng sang cảm mến, rung động,…

Tóm lại, biến cố trong văn học tuổi mới lớn dù xuất hiện dưới dạng hình thức nào thì nó cũng có nhiệm vụ làm sáng tỏ các phẩm chất của nhân vật tuổi mới lớn, tạo ra một sức chứa cho tính cách và tâm lý nhân vật, một sức trở cho tư tưởng chủ đề.

Giá trị của các biến cố trong văn học tuổi mới lớn là phát triển cốt truyện, tạo ra tính hấp dẫn cho tác phẩm, tác động đến trí tò mò và khao khát được khám phá bí mật của độc giả. Bên cạnh đó, biến cố trong văn học tuổi mới lớn còn giúp cho nhân vật tuổi mới lớn bộc lộ những phẩm chất đặc trưng, riêng biệt. Biến cố giống như một cái cớ, một điểm tựa cần thiết để câu chuyện tuổi mới lớn có thể phát triển những ý tưởng lớn lao và neo đậu những tình cảm dịu nhẹ – chút hương sắc của một thời trong trẻo đã qua vào tâm lý bạn đọc. Nó như một giao điểm để hội tụ, để tạo không khí, bối cảnh cho cảm giác được nảy sinh. Bỏ qua biến cố, câu chuyện văn học tuổi mới lớn chỉ là những tâm tư rời rạc, thiếu liền mạch và rất khó định hình.

2.2. Cốt truyện

Đáp ứng nhu cầu thưởng thức của lứa tuổi mới lớn, kết cấu cốt truyện của văn học tuổi mới lớn thường rất rõ ràng, mạch lạc, tuân theo mô hình cốt truyện truyền thống và chịu sự chi phối chủ yếu của tư duy lãng mạn.

2.2.1. Cốt truyện mô phỏng đời sống hiện thực của tuổi mới lớn

Nhiều cốt truyện văn học tuổi mới lớn mô phỏng sinh động đời sống của thế giới “teen”. Bước vào văn học tuổi mới lớn, thế giới tuổi “teen” hiện ra vô cùng phong phú. Việc các nhân vật học tập, vui chơi, ứng xử với thầy cô, bạn bè, người thân, hay những người xa lạ,… phản ánh quá trình trưởng thành của nhân vật, qua đó khẳng định tính chất giáo dục của văn học tuổi mới lớn. Bài học giáo dục ở đây trở nên lạ mà quen, bởi bạn đọc được trải nghiệm những cảm giác thú vị về cuộc sống của chính mình trong các bối cảnh đa dạng khác nhau. Đó là những vất vả của tuổi mới lớn nơi làng quê nghèo, là cuộc sống sôi động, đầy đủ tiện nghi nhưng trống vắng tình thân của lứa tuổi mới lớn ở các đô thị hiện đại, hay thậm chí cả cuộc sống đầy khác lạ ở xứ người của những du học sinh Việt Nam. Tất cả đều được tái hiện đầy đủ, sinh động và sắc nét.

Điểm đầu tiên tạo nên thành công của các tác phẩm văn học tuổi mới lớn là nhà văn miêu tả thế giới trẻ thơ như chính trẻ thơ chứ không phải ai khác. Thoạt nghe, điều này có vẻ hiển nhiên nhưng thực ra để sống lại những cảm xúc, suy nghĩ của lứa tuổi đã qua, nhà văn phải trải qua không ít thử thách.

Cuộc sống lứa tuổi mới lớn ở những miền quê nghèo xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của cả Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền cũng như Trần Thiên Hương. Các tác giả như khai thác chính những ký ức không thể phai mờ trong tuổi thơ của mình để viết thành truyện. Cả truyện dài Mùa hè khắc nghiệt của tác giả Đoàn Thạch Biền là chuyến phiêu lưu của anh chàng Thạch về vùng đất Hương Biển xa xôi ở Phan Rí. Cuộc sống lao động vất vả, cực nhọc của những người lao động nghèo nơi đây được tái hiện chân thực thông qua sự trải nghiệm và cảm nhận trực tiếp của Thạch – nhân vật chính: mùi hôi muốn “ói mửa” của xác mắm, cái nắng nóng khủng khiếp khiến “hoa tươi cắm trong bình chỉ một ngày là héo rũ” của Hương Biển,… Có thể thấy, truyện viết về tuổi mới lớn ở những làng quê nghèo chủ yếu khai thác sự vất vả trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em. Những Miên (Hoa cẩm cù), Hạnh (Bạn thân), Tâm (Bây giờ bạn ở đâu?), hay cô bé chở đò thuê trong truyện ngắn Cỏ may đều có những mặc cảm về sự nghèo khó của mình.

Cuộc sống của lứa tuổi mới lớn ở thành phố và các đô thị lại được khắc hoạ ở những khía cạnh khác. Các em được sống đầy đủ, tiện nghi hơn nhưng vẫn cô đơn và chịu nhiều mất mát, thương tổn trong tâm hồn bởi sự chi phối khắc nghiệt của cuộc sống hiện đại. Truyện ngắn Ngày xưa, kể về những tổn thương trong lòng cô bé Hoài về mẹ khi cuộc sống với bộn bề lo toan đã khiến mẹ quên đi những kí ức xưa. Hay như Hằng trong Bài văn ấy, Hà trong Bèo giạt mây trôi sớm đã phải đối mặt với những đổ vỡ, rạn nứt trong gia đình,…

Bên cạnh đó, cuộc sống ở nước ngoài của những du học sinh có lẽ được khắc hoạ sinh động hơn cả trong các trang viết của cây trẻ Phan Hồn Nhiên. Chuyện du học trong thời đại bây giờ không còn là điều kì quá xa lạ. Cuộc sống ở phương xa là một mảng hiện thực cần được nắm bắt và thể hiện đày đủ trên trang văn. Phan Hồn Nhiên là cây bút trẻ năng động nên những mới mẻ nhanh chóng được đưa vào sáng tác của chị đâu cũng là điều dễ hiểu. Những An, Bách,… trong Mười hai cây mưa, Những cây dù valentine,… đều ở trong một tình trạng như thế. Những va đập đầy khắc nghiệt với cuộc sống mới như các vấn đề tiền bạc, rồi áp lực học hành, sự cô độc cùng với lối sinh hoạt khác lạ,… đều khiến họ trưởng thành, nhưng quan trọng hơn, trong những bộn bề ấy, những thương yêu dịu ngọt vẫn xuất hiện theo một cách nào đó, giúp họ thêm tin yêu vào những điều tốt đẹp ở trên đời.

2.2.2. Cốt truyện về sự trưởng thành

Đối tượng chủ yếu của văn học tuổi mới lớn là các độc giả nhỏ tuổi nên ngoài chức năng giải trí và thẩm mĩ, văn học tuổi mới lớn cần có chức năng giáo dục. Tuy nhiên, chức năng giáo dục của văn học tuổi mới lớn không bộc lộ trong các giáo điều, lời răn dạy mà được lồng ghép vào trong cốt truyện về sự trưởng thành – một kiểu cốt truyện có ý nghĩa giáo dục.

Cốt truyện về sự trưởng thành thường diễn ra như sau: Nhân vật tham gia vào câu chuyện sẽ lần lượt trải nghiệm từng thất bại, mất mát, trải qua những khó khăn, thử thách và đến cuối tác phẩm thì nhân vật thay đổi, trưởng thành trong suy nghĩ và cách nhìn nhận về mọi chuyện. Mặt khác, với văn học tuổi mới lớn, sự trưởng thành có thể được biểu hiện ở việc “vỡ lẽ” sau những hiểu lầm hay “ngộ nhận” bồng bột của lứa tuổi hoặc nhận ra chính xác một giá trị nào đó ở phần kết thúc của tác phẩm.

Truyện dài Mùa hè khắc nghiệt của tác giả Đoàn Thạch Biền có thể nói là tiêu biểu cho kiểu cốt truyện này. Xuyên suốt câu chuyện là hành trình trưởng thành của nhân vật chính. Thạch – chàng thanh niên Sài Gòn giàu năng lực, vì công ty bị phá sản mà anh thất nghiệp và chia tay với người yêu Quế Lan. Thất bại đầu đời kiến anh mất đi niềm tin vào mọi thứ. Anh tìm đến mảnh đất Hương Biển xa xôi, đầy khắc nghiệt để làm việc. Trong những tháng ngày ở Phan Rí, trải nghiệm và cảm nhận cuộc sống ở nơi đây, Thạch dần dần có những bước chuyển trong tâm tư. Ban đầu là vì muốn có một công việc mà anh tìm đến đây, nhưng sau đó thì anh gắn bó và thực sự yêu quý mảnh đất này. Tại đây, anh tìm thấy một nửa yêu thương của cuộc đời mình bên Trân. Anh đi tìm và tặng “vong ưu thảo’ cho Trân – một loại nấm kim châm mà Thạch nghe nói sẽ chữa được bệnh tim. Đó cũng là món quà cuối cùng anh có thể tặng Trân trước khi anh nhắm mắt trên mảnh đất đầy khắc nghiệt. Như vậy hành trình trải nghiệm của nhân vật Thạch cũng chính là hành trình đi tới sự trưởng thành, đi kiếm tìm hạnh phúc đích thực. Cái vượt ngưỡng quan trọng, sâu sắc ở Thạch đó là qua trải nghiệm, thậm chí là sự trả giá, anh đã tin tình yêu có thật ở trên đời. Đó là bài học giáo dục dành cho tuổi mới lớn đầy sâu sắc và kín đáo toát ra từ câu chuyện. Tuổi mới lớn vốn là giai đoạn diễn ra nhiều xáo trộn phức tạp trong tâm tư, tâm tưởng, và hành trình trưởng thành chính là quá trình vượt ngưỡng trong nhận thức bằng trải nghiệm thực tế.

Kết thúc các truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh thường là cái buồn man mác, dai dẳng. Nhân vật Chương dù rất yêu Út Thêm cũng phải từ giã Hạ đỏ ở quê để trở về thành phố với một một mối tình câm lặng bởi Út sắp lấy chồng. Trong Còn chút gì để nhớ, tình yêu của Chương và Quỳnh thơ mộng, trong sáng, luôn dành cho nhau “món ăn tình cảm” là những hũ yaourt, cuối cùng cũng bị tan vỡ vì lý lịch gia đình. Chương về vùng sâu dạy học và vẫn mãi băn khoăn liệu còn chút gì để nhớ? Đi qua hoa cúc lại là một tình yêu câm lặng của Trường và chị Ngà. Anh khao khát đi tìm “lá diêu bông” nhưng chị Ngà lại yêu và trót dại với Điền – một gã sở khanh đã có vợ con, để rồi Trường mãi mãi sống trong nỗi đau mất mát khi chị Ngà tự vẫn ở sông. Đó là một “biến cố khắc sâu vào tâm hồn như dao chém vào đá, mãi mãi để lại trong trí não ta một vết hằn mà năm tháng chỉ đánh bóng nó lên chứ không thể làm nó phai đi”(1). Nhân vật cuối truyện thường phải chịu sự chia lìa hoặc xa cách. Ở đây, tác giả đã sắm vai người kể chuyện chân thành, trung thực. Và có lẽ cách kết truyện ấy là hợp lý hơn cả. Bởi phải chăng đây chính là cuộc chia tay với tuổi thơ – một cuộc chia tay thật nhẹ nhàng mà lại sâu sắc nhất trong cuộc đời mỗi con người?, cũng giống như tâm tư của cô bé Thục trong Buổi chiều windows “lòng không rõ thực ra mình đang rời khỏi chốn này hay đang từng bước rời khỏi giấc mơ thiếu nữ của một thời mới lớn”, “Ngày mai, khi bước ra khỏi mùa hè rực rỡ và hưu quạnh đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lung mình quãng đời học trò áo trắng”,… Tuổi mới lớn thơ mộng và đẹp đẽ của bất cứ nhân vật nào và của bất cứ ai rồi cũng sẽ qua đi để đến tuổi trưởng thành, nhưng những ký ức tươi đẹp về nó thì mãi mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi người.

Trở đi trở lại trong mô – típ kết thúc truyện của Trần Thiên Hương, bao giờ cũng là một chút ân hận, buồn tiếc làm thành những vương vấn, ám ảnh mãi không thôi, có khi là cả một đời người. Truyện ngắn Lặng lẽ như một bài thơ buồn về mối tình đơn phương, tuyệt vọng của cô bé học trò đầy thơ mộng: “Tôi học hành, ra trường rồi nhận công tác mà hình ảnh Trung không phai nhạt… Đêm đêm, đỗi khi giật mình tỉnh giấc tôi cứ ngỡ ở đó vẫn sánh đèn”(2). Diễm trong Hoàng tử đen, lại những day dứt hết sức trong trẻo, đáng yêu: “Anh chàng nắm than bên kia đường gợi trong cô một cảm giác buồn. Ít ra thì Diễm cũng còn được đi học và chưa phải tự mình kiếm sống như “người ta”… Ôi, cái bệnh hay mủi lòng chết tiệt. Mẹ biết chắc sẽ lại giễu cho mà xem”(3). Hay như Hương trong Điều không thể nói: “Giá mà Trang cũng được nhìn thấy Bình ở quán phở sáng nay! Giá mà Hương có thể nói được cho Trang nghe nỗi ân hận tràn ngập trong lòng Hương kể từ lúc ấy”(4). Một chút ân hận tưởng chừng như đơn giản nhưng lại thật thiêng liêng và sâu sắc bởi chính nó đã đánh thức cái thiện trong mỗi con người và hối thúc con người ta phải sống đẹp hơn, tốt hơn. Đối với tuổi mới lớn, điều đó càng đáng quý lắm thay?

Tóm lại, điểm mạnh của một câu chuyện tuổi mới lớn không phải là đưa ra đạo lý, mà đem lại sự trưởng thành qua các cuộc trải nghiệm. Bởi vì trong văn học tuổi mới lớn, chúng ta không học đạo lý, mà học các bài học từ thực tế. Đặc điểm này được thể hiện rõ thông qua các nhân vật. Qua các nhân vật tuổi mới lớn, nhà văn muốn phản ánh quá trình trưởng thành của những đứa trẻ trong đời thực: chúng nếm trải những bài học xương máu, phải trả giá để được lớn lên và việc chúng lớn lên như thế nào phụ thuộc vào con đường mà chúng đã, đang và sẽ chọn.

2.2.3. Cốt truyện có chứa nhiều hàm nghĩa, ẩn dụ

Mỗi tác phẩm tuổi mới lớn bao giờ cũng dung chứa trong nó những câu chuyện ngụ ngôn nho nhỏ, gửi tới bạn đọc những bài học đầy ẩn ý, tế nhị và thấm thía về cuộc đời.

Đó là bài học về giá trị của tình yêu trong Cổng bình minhKeo cảm xúc, sự quý giá của tình bạn trong Thằng hề, Bạn thân, Buổi chiều windows,… hay thậm chí của của những người vô tình ta gặp gỡ trên đường đời (Ở bên cô ấy – Phan Hồn Nhiên), chút ấm lòng đầy cảm động của tình thương, tình người trong Ông già, Hưng và tôi của Trần Thiên Hương, bài học nhân văn về niềm tin, lòng nhân ái và sự dung cảm trong Mùa hè khắc nghiệt, hay sự hiếu thảo, giàu nghị lực vượt khó trong Bong bóng lên trời, Trại hoa vàng của Nguyễn Nhật Ánh,…

Như vậy, văn học tuổi mới lớn không chỉ có tác dụng đưa người đọc hoà vào sự lãng mạn, nhí nhảnh, vui tươi của lứa tuổi học trò mà nó còn là hình thức để phản ánh thế giới, gửi gắn những bài học sâu xa về con người và cuộc đời một cách kín đáo, tế nhị, giàu ẩn ý.

2.3. Nhân vật

Do văn học tuổi mới lớn tuổi mới lớn là thể loại văn học phục vụ đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên và với mục đích tạo ra sự đồng cảm, gần gũi tối đa đối với mục đích tạo ra sự đồng cảm, gần gũi tối đa đối với bạn đọc tuổi mới lớn nên nhân vật chính trong các sáng tác hầu hết đều là các cậu bé, cô bé đang bước vào tuổi trưởng thành. Việc sử dụng đại từ “tôi” và cách xây dựng nhân vật chính dựa theo những trải nghiệm của bản thân tác giả trở nên đặc biệt phổ biến. Đây là kiểu nhân vật bao trùm, xuất hiện nhiều, tham gia vào tất cả các sự kiện được miêu tả, giữ vị trí then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, là cơ sở quan trọng để nhà văn triển khai đề tài trung tâm hay tư tưởng nghệ thuật cơ bản của mình. Tiếp cận nhân vật xưng “tôi” vì thế có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xác định chính xác bản chất của văn học tuổi mới lớn Việt Nam từ sau thời kỳ Đổi mới.

Truyện ngắn Bây giờ bạn ở đâu của Trần Thiên Hương kể về sự hiểu lầm của cô bé Tâm với người bạn cùng lớp thuở nhỏ, sau này đã hy sinh trong chiến tranh. Câu chuyện giống như một sự trải lòng đầy sâu lắng của cây bút nữ hay thích “thương vay”. Truyện của tôi lại là lời tự bạch về những mối tình của cô gái mơ mộng khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp,… Các nhân vật tên Khoa, tên Ngạn, hay nhóm bạn Xuyến, Thục, Cúc Hương,… xuất hiện trong rất nhiều truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Có vẻ như nhà văn thích viết các câu chuyện liên hoàn cùng về một nhân vật. Giữa các truyện, bao giờ cũng có mắt xích kết nối với nhau. Có thể nhận thấy, những điều mà các tác giả văn học tuổi mới lớn viết rra không cầu kỳ, dụng công trau chuốt lời văn nhưng với lối viết nhẹ nhàng, dí dỏm kết hợp với ngôn từ giản dị, câu chuyện vẫn có sức lôi cuốn kỳ lạ đối với bạn đọc. Độc giả ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể tìm thấy một phần của mình ở trong đó, hoặc của “ngày xưa”, hoặc của “bây giờ”, bởi nó toát ra từ tâm hồn, trái tim của người viết, xuất phát từ chính những trải nghiệm trong cuộc đời tác giả. Truyện Những bông hoa cỏ may nhỏ li ti đã làm thức tỉnh một điều gì đó thật lớn lao, đẹp đẽ của cậu bé nọ trong một chuyến picnic. Hay chuyện về loài hoa dành dành bình dị như là biểu tượng lâu bền cho tình thầy trò, tình bạn. Màu sắc tự truyện này bắt nguồn chủ yếu từ nhu cầu nội tại của văn học tuổi mới lớn, nhưng nhiều khi nó cũng xuất phát từ chính tác giả của dòng sách.

Nhiều cây bút viết truyện với tuổi đời còn rất trẻ, có những người vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường hay lần đầu tiên viết sách, họ viết về câu chuyện của chính mình, về những gì gần gũi, thân quen đang diễn ra xung quanh mình với cặp mắt xanh non, tươi mới. Nhân vật tuổi mới lớn trong tác phẩm khi đó gần như là phiên bản chân thực cho chân dung của chính họ ở ngoài đời. Bởi vậy mà nhân vật chính trong hầu hết các tác phẩm văn học tuổi mới lớn đều là những nhân vật tự truyện xưng tôi.

Một điểm dễ nhận thấy trong hầu hết các sáng tác văn học dành cho tuổi mới lớn là nhân vật xưng tôi đặt trong mối quan hệ đa chiều với các nhân vật khác. Tuy nhiên, họ thường không thuộc vào trọng tâm khai thác của tác phẩm mà chủ yếu đóng vai trò phụ trợ, tạo ra một sự tác động tâm lý nào đó khiến cho các phẩm chất còn phong kín của nhân vật tuổi mới lớn được hiển lộ sắc nét, rõ ràng.

* Nhân vật thuộc lứa tuổi mộng mơ, đa cảm

Ở giai đoạn tuổi mới lớn, tâm hồn các em thường rất nhạy cảm, giàu mộng mơ và dễ xúc động, đó là nét đặc trưng tâm lý điển hình của lứa tuổi trung gian, giao thời được phản ánh chân thực trong các tác phẩm và trở thành nét tính cách đặc biệt của nhân vật lứa tuổi này. Dễ nhận thấy nhân vật chính trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh thường là một anh chàng học sinh cấp ba, không thật xuất sắc, say mê văn chương, có phần sách vở và hay đa sầu, đa cảm. Đó cũng chính là nhân vật tôi – người kể chuyện. Nguyễn Nhật Ánh như khai thác chính những kỷ niệm tuổi học trò của mình thuở nào để viết nên những trang văn trữ tình đầy chất thơ và cũng rất hóm hỉnh.

Nhà văn như hiểu thấu những biến chuyển tâm lý đầy tế vi của cái tuổi đang ngấp nghé, tấp tểnh làm người lớn với những rung động bất thường. Cũng có khi đó là dòng hồi tưởng lãng mạn và tiếc nuối về một quá vãng xa xăm như Ngạn trong Mắt biếc, chìm đắm trong tình yêu và nỗi nhớ khắc khoải đôi mắt biếc của Hà Lan – người bạn gái thuở thiếu thời và những cảm xúc trỗi dậy đầy dằn vặt khi bắt gặp hình bóng ấy hiện hữu trong đối mắt của Trà Long – con gái của Hà Lan. Cũng có khi là những trang văn miêu tả tâm lý yêu đương đến mất trọng lượng như anh chàng lớp 12 tên Khoa trong Những cô em gái. Chàng mơ mộng đến mức khi mê mẩn tiếng đàn của một nàng Stéphannette trong mộng. Đêm đêm chàng đến ngồi bên cây hoa sữa ngóng lên phía cửa sổ sáng đèn rồi Thục cũng mãi mộng tưởng về anh chàng thi sĩ Tóc Mây để rồi khi đến tòa soạn báo mới vỡ lẽ đó là ông Bông đầu hói đã có vợ con (Buổi chiều Windowns). Tất cả các nhân vật tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh đều hết sức thú vị. Nhà văn luôn biến những cái mơ mộng vừa chớm đến của lứa tuổi này thành những nét dí dỏm, hài hước khiến nhười đọc thấy vừa có dịp nhìn lại, vừa cảm thấy nhẹ nhóm, vui vẻ. Có thể nói, ý nghĩa giáo dục và tính giải trí hay đúng hơn là cái duyên trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh hầu như được toát ra chủ yếu trong sự hòa quyện này.

Những cô bé, cậu bé trong truyện ngắn của Trần Thiên Hương cũng lãng mạn không kém. Thủy – cô bé học chuyên Văn trong Lặng lẽ đêm đêm ngồi lặng yên ngắm trăng sao và ghi nhật lý bên cửa sổ lộng gió. Một cô bé Giang mơ mộng thần tượng anh chàng diễn viên chuyên đóng vai bộ đội có đôi mắt u buồn sâu thẳm trong truyện ngắn Cô bé ngốc nghếch. Tâm hồn đầy nhạy cảm và dễ xúc động của lứa tuổi này cũng được nữ tác giả diễn đạt đầy tinh tế trong nhiều đoạn viết. Hoặc như cô bé Hà trong truyện ngắn Bèo dạt mây trôi, phút giây gặp gỡ giữa niềm thương mẹ và nỗi nhớ nghẹn ngào khi bắt gặp sự trở về của bố đã khiến cho cảm xúc vỡ òa không thể kiềm chế. Nhân vật tuổi mới lớn của Trần Thiên Hương bao giờ cũng đầy nữ tính, dễ cảm thương, dễ khóc và hết sức đáng yêu.

* Nhân vật tuổi mới lớn tinh nghịch, hồn nhiên

Học trò bao giờ cũng được xếp vào hạng nghịch ngợm và lắm chiêu trò nhất từ xưa tới nay. Bởi vậy mà những nhân vật tinh nghịch hồn nhiên xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác. Nhân vật Tuấn trong Tiếng sáo (Trần Thiên Hương) là một cậu học sinh ngỗ ngược với rất nhiều trò tinh quoái. Một đám học trò trong truyện ngắn Cỏ may biến chuyến đi picnic trở thành dịp để quậy phá. Truyện ngắn Chàng hề lại vẽ ra chân dung cậu học trò Đua chuyên làm hề mua vui cho cả lớp bằng cách nhại quảng cáo và đóng phim.

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh đã lột tả khá chính xác tâm lý và tính cách của lứa tuổi này thông qua những chi tiết hài hước: Pha trong Những cô em gái có tật ngủ, lười thay quần áo, tập tọng uống rượu để giải sầu, Khoa “tưởng bở” trong Hoa hồng xứ khác yêu Gia Khanh đơn phương cùng với hai tình địch chung nhà là Ngữ, Nghị nhưng bị knock-out đến thảm hại, Luận trong Thằng quỷ nhỏ ra sức làm thơ để trêu chọc Quỳnh; Diện ở Phòng trọ ba người diện sơ mi trắng, tóc vuốt nước lã bóng mượt thò đầu ra cửa sổ tán cô bạn hàng xóm, nhưng phía dưới lại diện… độc chiếc quần đùi… Nhóm ba cô gái Xuyến, Thục, Cúc Hương xuyên suốt các truyện Bồ câu không đưa thư, Nữ sinh Buổi chiều Windowns cũng thật nhiều trò tinh quái. Thục vốn nhút nhát và cả thẹn; Xuyến thông minh, thích đùa và có tài ngụy biện; còn Cúc Hương lại có tâm hồn ăn uống.

Nhìn chung, những nhân vật tinh nghịch, hồn nhiên trong văn học tuổi mới lớn đã phản ánh được phần nào đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này ngoài cuộc sống. Vì thế trang văn trở nên gần gũi, thú vị, có sức lôi cuốn tự nhiên đối với bạn đọc, toát ra từ hình tượng nhân vật chính.

*Nhân vật tuổi mới lớn với phẩm chất tự hoàn thiện

Trong quá trình tham gia vào cốt truyện văn học tuổi mới lớn, từ tình bạn, các mối quan tâm đến rung cảm đầu đời, các nhân vật tuổi mới lớn đều bày tỏ cách nghĩ và cách cảm riêng. Họ sống nhiệt thành, chủ động lựa chọn và tự tin chọn theo cách của mình. Nhân vật tuổi mới lớn có thể phạm sai lầm hay thất bại, nhưng luôn tự bổ sung và hoàn chỉnh tính cách theo hướng ngày càng tích cực, hoàn thiện, trưởng thành hơn. Đó là trục phát triển tính cách duy nhất của hầu hết các câu chuyện viết cho tuổi mới lớn. Xuyên qua các cuộc trải nghiệm dù ngọt ngào hay cay đắng, các nhân vật vẫn luôn trưởng thành về nhận thức và hành động. Đây được coi là đặc điểm quan trọng nhất mà các tác giả thường nhấn mạnh, xoáy sâu trong câu chuyện của mình.

2.4. Ngôn ngữ nghệ thuật

Ngôn ngữ là phương tiện để nhà văn xây dựng hình tượng và truyền tải những ý đồ sáng tạo nghệ thuật của mình, là chất liệu để tạo nên những tác phẩm văn chương. Những ngôn ngữ trong trang văn không phải là những ngôn ngữ thô nhám được dùng trong giao tiếp hằng ngày mà nó là ngôn từ nghệ thuật đã được chắt lọc qua tư duy chủ quan của người nghệ sĩ. Ngôn ngữ không đơn gản là lớp vỏ của tác phẩm mà nó đóng vai trò vô cùng quan trọng làm nên giá trị của một sáng tác văn chương. Ngôn ngữ của văn học tuổi mới lớn không nằm ngoài quy luật ấy. Nó góp phần tạo nên đặc trưng riêng, giúp phân biệt văn học tuổi mới lớn với các thể loại văn học khác.

* Khẩu ngữ “học đường”

Khẩu ngữ là lời đối thoại gần gũi với ngôn ngữ ngày thường về phong cách. Có thể thấy, việc sử dụng những khẩu ngữ trong văn xuôi làm cho văn học tuổi mới lớn trở nên gần gũi, tự nhiên và tươi tắn. Đa số trong các tác phẩm văn học tuổi mới lớn, lời văn, tiếng nói của nhân vật đều đơn giản, chân thực, không cầu kì, kiểu cách mà phù hợp với nối sống, nếp nghĩ của tuổi mới lớn trong thời đại công nghệ thông tin.

Hệ thống xưng hô của các nhân vật tuổi “teen” trong tác phẩm văn học tuổi mới lớn vô cùng phong phú. Ngoài cách gọi thông thường của những người đồng trang lứa, các bạn trẻ còn dung nhiều cách xưng gọi không chính thức như gọi nhau bằng những danh từ “đặc biệt” mang phong cách riêng, rất giàu sức biểu cảm: ông – tôi, tổ kiến lửa, lớp trưởng, cây táo, Tóc Hung Đỏ hay thằng Mặt Mụn, chị Mắt Nai, nhỏ Kính Cận, tên Ria Mép, “em giai”, nhóc ngươi – bản cô nương, tên tiểu quỷ, thầy dùi,… hay cách đặt biệt danh ngộ nghĩnh Hùng quăn, Sơn sún, Hoà lé, “giáo sư” Bá, Hồng chà – và, Bảy điệp viên, Đua hề,… Tất cả đều là những cách xưng hô sáng tạo, tinh nghịch và đáng yêu mà các bạn trẻ dành tặng cho nhau, mang đậm chất học trò. Ngoài ra, tuổi mới lớn còn có những cách sử dụng từ ngữ rất linh hoạt, không lệ thuộc vào những từ sẵn có và có thể dùng chúng với những sắc thái hoàn toàn mới như tên, gã trong một số truyện của Nguyễn Nhật Ánh và Phan Hồn Nhiên – vốn mang sắc thái tiêu cực nhưng được biến đổi, dung theo nghĩa thân mật, vui đùa.

Trong ngôn ngữ đối thoại, các nhân vật “hồn nhiên” sử dụng những cụm từ đồng âm – biến âm độc đáo mang đậm phong cách học trò. Ví như: Hệ NTSC – nhớ thương sầu cảm, hệ PAL – phớt anh luôn, hệ SECAM – sao em chê anh mãi, yêu nhiều thì ốm, ôm nhiều thì yếu, trồng cây si, nhóm “tam đầu quậy”,… Bên cạnh đó, lối diễn đạt của các bạn trẻ trong thế giới tuổi mới lớn thường mang tính chất phóng đại. Do đó, các cụm từ so sánh được vận dụng và sáng tạo tối đa: tật “mít ướt” kinh niên, lo sốt cả vó,… Ngoài ra để nhấn mạnh, tô đậm thêm cho câu chuyện của mình, tuổi mới lớn còn không ngần ngại mở rộng thành phần cấu tạo của các từ và sáng tạo thêm những đơn vị từ ngữ mới chứa các yếu tố đồng âm với nhau như kết mô – đen, xúc động dậy, im ru bà ru, rủ rỉ rù rì, bộ mặt “phớt tỉnh Ăng – lê”,… Cách biểu cảm của các nhân vật tuổi mới lớn trong truyện cũng hết sức ngộ nghĩnh, đáng yêu. Các em thường dùng những cụm từ cảm thán thú vị mà bấy lâu nay đã trở thành phổ biến trong thế giới học đường như: trời đất cha mẹ ơi!, mít đặc!, quên béng mất, la oai oái, hết cơm hết gạo cái mốc xì, trời ơi là trời!,…

Tóm lại, văn học tuổi mới lớn, như tên gọi của nó, do xuất phát ban đầu là nhằm hướng đến nhóm đối tượng đặc trưng khu biệt là lứa tuổi đặc thù nên các trang viết sử dụng lớp khẩu ngữ “học đường” một cách rất phổ biến, rộng rãi và được các độc giả trẻ hào hứng đón nhận, bởi nó gần gũi, chân thực với thực tế sinh động trong đời sống của các em.

Đến với hệ thống tiếng lóng mà văn học tuổi mới lớn sử dụng thì nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học hay những độc giả thuộc thế hệ cũ phải chau mày, nhăn chán bởi cuộc sống hiện đại đã sản sinh ra vô số những từ lóng mà lớp người cũ không nắm bắt kịp. Sở dĩ chúng đã đi vào văn học tuổi mới lớn bởi đó là cách tiếp cận gần gũi, chân thực nhất đối với đối tượng độc giả tuổi “teen” và thói quen sử dụng tiếng lóng như một cách khẳng định cá tính trong giao tiếp hằng ngày của lứa tuổi này. Tuy nhiên, các cây bút không cố lục lọi trong kho tàng ngôn ngữ nhiều xô bồ của giới trẻ những từ “lóng nhất” để đưa vào sáng tác như một mốt thời thượng hay một sự khẳng định cá tính lộ liễu mà họ lựa chọn, tìm tòi những từ ngữ phù hợp, đảm bảo tính mĩ học cho ngôn từ văn chương.

* Tiếng lóng

Trong những sáng tác của văn học tuổi mới lớn, ta thấy bộn bề ngôn ngữ tiếng lóng của giới trẻ học đường. Lớp từ này được tạo nên bằng phương pháp ẩn dụ, hoán dụ hay nói lái trên cơ sở những từ đã có sẵn như nhiều phen “bở hơi tai”, trái tim y – nốc, ‘đì” sói trán, nổ, mở máy, bám đuôi, “xổ” một tràng, bật đèn xanh, hết hồn, mặt dày, ép – phê, xù đẹp, chẳng có “mống” nào,… Đó như một hệ thống tín hiệu riêng mà chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu được như trong đoạn đối thoại của ba cô bạn nhiều trò Xuyến – Thục – Cúc Hương:

“Cúc Hương không ở trong tâm trạng như Thục. Nó huơ huơ mấy thỏi kẹo, hỏi Xuyến:

– Nhưng “nói túm lại”, tụi mình vẫn được quyền “Xực” những thứ này “như ngày xưa thơ dại” chứ?

– Mày thì lúc nào cũng vậy! – Xuyến lườm Cúc Hương –Hình như trong từ điển, mày chỉ biết có mỗi từ “Xực”?

Cúc Hương không thèm cãi nhau với Xuyến. Nó đang bận bóc lớp giấy bọc ngoài thỏi kẹo. Thấy vậy, Xuyến thở dài, nói thêm:

– “Xực” thì “xực”! Nhưng “Xực” xong, phải trả lời cho hắn đấy!”(5).

Có thể khẳng định, tiếng lóng được sử dụng trong văn bản tuổi mới lớn đã phần nào phản ánh đúng thực tế sinh động và sáng tạo của việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp trong đời sống học trò hiện nay. Nó tỏ ra đặc biệt phù hợp với thói quen thưởng thức văn chương và lối sử dụng ngôn ngữ hằng ngày của những độc giả thế hệ mới. Đến với các tác phẩm văn học tuổi mới lớn, bạn đọc trẻ sẽ dễ dàng “đốn ngộ” chân lý một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng và hiệu quả.

* Ngôn ngữ đậm chất thơ

Tính thẩm mỹ của văn học tuổi mới lớn còn thể hiện ở chất thơ sâu lắng. Chất thơ ấy khiến cho nhiều sáng tác văn học tuổi mới lớn không chỉ đơn thuần là những câu chuyện không đầu, không cuối của lứa tuổi học trò, hay bộc lộ cảm xúc mông lung, vô định của chủ thể mà còn là dịp để người đọc lắng nghe và chiêm nghiệm. Và cũng chính chất thơ ấy đã giúp cho văn học tuổi mới lớn đến với độc giả một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ nhưng lại thấm rất lâu và sâu.

Nhan đề truyện được coi là tấm biển chỉ đường cho người đọc khi bước vào thế giới nghệ thuật của các tác phẩm. Nó thường mang tính chất thông báo những vấn đề chính yếu, những nhân tố quan trọng thuộc về tác phẩm. Từ đó, giúp người đọc định vị hướng tiếp cận tác phẩm một cách chính xác. Với văn học tuổi mới lớn, nhan đề không chỉ biểu hiện nội dung của câu chuyện mà còn dung chứa trong bản thân nó những vấn đề thuộc về tâm lý lứa tuổi.

Chất thơ là đặc điểm rõ nét, dễ nhận thấy nhất ở hầu hết các nhan đề văn học tuổi mới lớn. Những văn bản truyện viết cho lứa tuổi này thường mang nhan đề hấp dẫn, thể hiện được sự lãng mạn, sâu lắng hoặc sự tươi vui, hóm hỉnh của câu chuyện. Đó cũng là những mặt cảm xúc trái ngược của lứa tuổi mới lớn: vừa đầy ắp vô tư thơ trẻ vừa nhuốm nét ưu phiền người lớn. Thí dụ như: Calypso trong mưa, Cổng bình minh, Kẹo cảm xúc, Giao điểm mùa thu, Đại lộ kỳ diệu… hay những cảm xúc mơ hồ, không trọng lượng Ở bên cô ấy, Gọi tên cô ấy không ngại ngần, chút mơ mộng đầy thi vị của tuổi mới lớn: Còn chút gì để nhớ, Bồ câu không đưa thư, Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc,…

Đặc biệt, tác giả trẻ Phan Hồn Nhiên còn có cách đặt tên chương rất thú vị và lãng mạn dựa theo tên các bài hát nổi tiếng của nhóm nhạc lừng danh Beatles như Something, Yesterday, Let it be, I’ll follow the sun, And I love her, Words of love trong Giao điểm mùa thu hay đơn giản, ấn tượng như cách gọi tên các màu sắc: xanh, trắng, đỏ trong Cổng bình minh, hoặc sự liên kết sáng tạo bằng tên của các nhân vật như trong Vé đêm jazz: Hoan – Lạc đà cô độc, Đông – Đừng nhìn vào mắt lạc đà, Huy – Nụ hôn trên trán lạc đà,… Cách xâu chuỗi, kết nối các tên gọi kiểu ấy thường mang đậm cá tính. Chúng gợi sự ngạc nhiên xen lẫn phần thích thú, giống như những bài thơ hay một ca khúc vẫn còn đang dang dở.

Nói chung, các nhan đề của văn học tuổi mới lớn thường rất dễ nhận diện. Bởi sự thẫm đẫm chất thơ, sự trong trẻo pha lẫn chất dịu ngọt ở trong đó, giống như chính đối tượng độc giả dễ thương của nó vậy.

Cùng với đó, ngôn ngữ của văn học tuổi mới lớn rất giàu sức gợi hình, gợi cảm. Nó có khả năng đưa người đọc vào thế giới cảm xúc không trọng lượng của nhân vật, của người viết. Có khi đó là những dòng cảm xúc sôi nổi, giàu cá tính mang phong cách trẻ trung, có khi là lối viết thâm trầm của những suy tư, trải nghiệm. Những câu văn, trang viết không chỉ đơn thuần truyền tải một nội dung thông tin nào đó mà sức gợi hình, gợi cảm của ngôn từ còn mang lại chất văn chương đậm đà cho lớp ngôn ngữ mới mẻ, giàu tính hiện đại.

Nguyễn Nhật Ánh tỏ ra rất có “duyên” khi miêu tả những cung bậc cảm xúc đa dạng của lứa tuổi mới lớn. Câu văn bao giờ cũng đủ cả nhẹ nhàng, thi vị pha lẫn dí dỏm, hài hước, đáng yêu và rất giàu hình ảnh. Diễn tả cái tỏ vẻ xen lẫn nỗi hoang mang của Xuyến trong Buổi chiều Windows, tác giả viết: “Chỉ có Xuyến là trấn tĩnh, mặc dù trái tim nó cũng đang đánh lô – tô trong lồng ngực” hay ở một đoạn khác “… nó bỗng hoang mang hệt như người lính lúc ra trận tiền chợt phát hiện mình quên mang theo vũ khí”. Cách nhà văn miêu tả phán ứng của Thiếu khi đối mặt với các cô gái cũng hết sức thú vị: “… câu hỏi kì quặc của nó làm anh đứng thộn mặt ra… sém một chút đã xỉu lăn đùng ra đất”, rồi để khắc hoạ những rung động, cảm mến đang khẽ khàng nảy sinh trong tâm hồn thiếu nữ tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh tỏ ra sáng tạo, hóm hỉnh trong cách dung từ cùng nhứng so sánh, liên tưởng bất ngờ, mới lạ như: “người nhỏ a-xit vào trái tim bằng sắt của nó”, “nỗi buồn của nhỏ Thục sao mà giống mưa bóng mây, chưa về tới nhà thì đã tạnh!” hoặc cảm xúc của  nhân vật Khoa trong Hoa hồng xứ khác khi bị Ngữ nhận xét về khả năng sáng tác thơ văn: “ý chí tôi ướt đẫm. Nhiệt tình sáng tác của tôi tuột xuống dưới 0 độ”, những suy nghĩ của Khoa về “lý luận văn học” của Ngữ “sao nghe na ná như chương trình dự báo thời tiết trên ti vi, khi thì ẩm lúc thì khô, chẳng biết đường nào mà lần”,… Những câu văn giàu sức gợi hình, gợi cảm như thế thương gây ấn tượng rất mạnh với người đọc, táo ra nét thú vị, lôi cuốn rất riêng của văn học tuổi mới lớn, khiến người ta dù chỉ đọc một lần cũng không thể không nhớ.

Văn học tuổi mới lớn thường hướng đến những rung động sâu xa trong lòng người, kết hợp với lối viết đơn giản, không khoa trương, tô vẽ, các tác giả đã tạo nên những trang văn trong trẻo, gợi sự êm đềm, tĩnh lại, sự thư thái nhẹ nhàng giữa dòng đời nhiều bội bề, ồn ào của lối sống hiện đại. Những đoạn văn miêu tả sâu lắng, dịu ngọt xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác văn học tuổi mới lớn: “Thục cảm thấy như mình vừa đánh mất một cái gì. Cái gì đó như bông hoa vừa chớm nở và lẽ đâu lại sớm lụi tàn?… Với nó, từ khi anh là thầy, anh trở lên xa vời như những đám mây trắng nõn trên cao. Mà từ chỗ Thục đứng với những đám mây kia bao giờ cũng có một khoảng cách gần như không thể vượt qua” (Nữ sinh); “Cúc Hương có cảm giác mình đang trôi đi, trôi đi trên một dòng sông êm ái, mịt mù và đầy xúc cảm” (Buổi chiều Windows) hay những biến chuyển đẩy tinh tế đang diễn ra trong tâm hồn tuổi mới lớn được nhắc đến trong Vé đêm Jazz: “Thế giới chung quanh bỗng chốc lùi xa, nhẹ bỗng, tràn đầy cảm xúc dịu dàng. Trong dòng chảy âm thanh mê hoặc ấy, dường như mọi thứ đều bay lên, mọi cằn cỗi tính toán được tha thứ. Trái tim bỗng rộng mở, đầy hy vọng và sướng vui khi nhớ rằng ngay bên cạnh đây, là người mà ta chờ đợi từ rất lâu, để yêu thương”(6)

Nhìn chung, đến với các tác phẩm văn học tuổi mới lớn, người đọc rất dễ chìm đắm trong chất thơ dịu ngọt, giăng mắc như tơ vương. Các câu văn đầy sức biểu cảm cứ đan dệt, hoà quyện vào nhau, xuyên thấm toàn cốt truyện tạo nên một thứ đặc trưng riêng, không thể hoà lẫn. Đặc điểm này rất phù hợp với tâm lý tuổi mới lớn – đối tượng đầy mơ mộng và giàu trí tưởng tượng. Bởi thế mà văn học tuổi mới lớn luôn tạo ra được những “dư chấn” tình cảm, những “lây lan” cảm xúc sâu bền đối với độc giả. Và phải chăng, đó là thế mạnh riêng của văn học tuổi mới lớn mà chúng ta cần khẳng định?

Cấu tạo ngữ âm của lời văn nghệ thuật, hình thành bởi các vật liệu âm thanh của ngôn từ. Cái làm nên hồn của nhạc điệu là sự liên tưởng của tổ chức âm thanh với cảm giác âm nhạc (nhạc cảm) trong lòng người. Đối với văn học tuổi mới lớn, tính nhạc điệu của ngôn từ tỏ ra vô cùng đắc lực trong việc bộc lộ những tâm tư sâu kín, trong trẻo và nhiều mộng mơ của lứa tuổi này.Trong các tác phẩm văn học tuổi mới lớn, những đoạn văn miêu tả tâm tư của nhân vật không chỉ chứa đựng lượng thông tin ăm ắp về tâm lý lứa tuổi mà còn tạo nên tính nhạc điệu giàu sức hấp dẫn. Có khi nó khiến nhịp văn chùng lại như một sự nuối tiếc ngậm ngùi, đầy lưu luyến với tuổi thơ; có khi nó lại khiến cho nhịp văn trở nên hối hả, giục giã, phản ánh đúng cái háo hức, mừng vui mong được khám phá cuộc sống mới mẻ xung quanh của lứa tuổi mới lớn. Như tâm sự của nhân vật Minh trong Cổng bình minh: “Hôm nay thứ tư. Chỉ còn ba lần thứ tư nữa, tôi tròn hai mươi tuổi. Tự pha cốc cà phê to, lần đầu tiên tôi uống thứ nước đen đắng thật cản thận, như một người trưởng thành… Người ta cần gì ở tuổi 20? Một chương trình học sẽ mở ra tương lai hứa hẹn. Công việc ổn thoả mỗi ngày. Các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với vô số con người mới mẻ, niềm vui không bao giờ chấm dứt… Thế nhưng phía sau những điều đẹp đẽ ấy, còn ẩn khuất điều gì nữa?”(7).

Người ta thường nói, những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh như là những trang thơ – văn xuôi, bởi mỗi câu, mỗi chữ đều thấm đẫm chất thơ dịu ngọt. Với Nguyễn Nhật Ánh: “văn xuôi là sự nối dài của thi ca. Bằng sự nhạy cảm của tâm hồn người làm thơ kết hợp với phong cách của người viết truyện thiếu nhi – tôi xây dựng những nhân vật của tuổi mới lớn”. Nhà văn đã chia sẻ như vậy trong một lần trả lời phỏng vấn. Trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, những dòng tâm tư, suy nghĩ, những bấn loạn cảm xúc được nhà văn miêu tả như sự thổ lộ của tiếng lòng, như tiếng đàn ngân lên khi ngọt ngào, khi đau đớn. Cấu trúc điệp từ, điệp câu đã tỏ ra vô cùng đắc dụng trong việc khắc hoạ những lưu luyến dâng đầy trong tâm hồn Chương khi chia tay vùng quê với mối tình câm lặng: “tôi đang chia tay con suối, bờ tre. Tôi đang chia tay những trò chơi tuổi nhỏ. Tôi đang chia tay tràng cỏ mênh mông để giã từ nhà ai phượng đỏ. Út Thêm bỗng trở nên xa xôi để tôi bâng khuâng có phải tình dây chưa kịp buộc vào đã đứt tung như đàn tôi sáu sợi. Nỗi mong mỏi của bà đã vùi xuống đất sâu”(8) hay “hao chưa trôi lòng nó đã sớm bèo gạt, những bản tình ca của tôi cũng chẳng níu giữ được gì”(9),… Ở một câu chuyện khác của Trần Thiên Hương thì câu hỏi lặp lại trong Tiếng sáo lại gợi ra âm hưởng tha thiết, đầy khắc khoải trong nỗi niềm mong nhớ khôn nguôi của cậu học trò Tuấn đối với người thày giáo cũ của mình: “Giờ này thầy ở nơi đâu? Tiếng sáo của thầy đang dìu dặt giữa một trận địa pháo vời vợi ánh trăng hay đang thủ thỉ trong một căn hầm còn vương mùi thuốc súng?”(10).

Thứ ngôn ngữ vừa đúc kết, vừa gợi mở giàu nhạc điệu ấy của văn học tuổi mới lớn đã thực sự gây ấn tượng, khiến bạn đọc nhiều lúc cũng chợt ngừng lại để cho lòng bình yên, lắng sâu trong suy nghĩ và cảm nhận. Nhờ có những dòng cảm xúc, chất nhạc tâm trạng chảy sau lớp ngôn từ phong phú về âm điệu, với vô số khoảng trống có nghĩa đã làm thành đặc trưng riêng của những tác phẩm thuộc dòng văn học tuổi mới lớn.

*

1. Những phác thảo mang tính nhận diện về một số đặc trưng nghệ thuật trên đây của dòng văn học tuổi mới lớn đã góp phần xác lập một không gian văn học riêng, bởi thế, việc giảng dạy lịch sử văn học sau thời kỳ Đổi mới, nếu như bỏ qua mảng sáng tác này thì chắn chắn sẽ là một sự khuyết thiếu đáng tiếc. Hơn nữa “Trong thời đại toàn cầu hóa, giới trẻ chính là bộ phận công chúng quan trọng nhất của một nền văn học nghệ thuật. Trên thực tế, nhóm khách hàng trẻ luôn có mức tiêu thụ văn hóa (cả vật chất lẫn tinh thần) cao nhất và có nhu cầu đổi mới nhiều nhất, bởi trẻ luôn đồng nghĩa với mới”(11).

2. Trong thực tế cuộc sống, chưa khi nào tuổi mới lớn lại sống trong một không gian đa chiều và phức tạp như hiện tại. Điều này vừa đem đến cho các em cơ hội để khám phá, tìm lời giải đáp cho những câu hỏi nhưng cũng tiềm ẩn thách thức và cạm bẫy. Điều khác biệt trong tâm lý, sở thích làm cho người lớn lúng túng trong phương pháp giáo dục con em mình. Vì thế, việc ra đời những cuốn sách/tác phẩm dành riêng cho tuổi mới lớn là rất cần thiết.

3. Trong nhà trường các cấp, khi nghiên cứu lịch sử văn học hiện đại, các giáo trình/sách giáo khoa chưa hoặc không dành sự quan tâm thích đáng cho mảng sáng tác dành cho lứa tuổi mới lớn, đa số tác giả đánh đồng chúng với các sáng tác văn học thiếu nhi. Vẫn còn thiếu một nền tảng lý thuyết cần thiết, một thái độ đúng mực, một sự sắp đặt nội dung khoa học dành cho những sáng tác mà thế hệ các em đang từng ngày “dõi theo” và “thấy mình” trong đó. Trước những yêu cầu và đòi hỏi mới trong dạy và học Ngữ văn trong nhà trường các cấp, sự nhận diện và cắt nghĩa của chúng tôi trên đây về sự tồn tại thực tế của một mảng sáng tác bổ sung một góc nhìn vào bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam từ sau thời kỳ Đổi mới đến nay.

——————————————-

(1) Nguyễn Nhật Ánh (2008), Tuyển tập, Nguồn: http://www.e-thuvien.com/forums/ showthread.php?t=28574

(2), (3), (4)Trần Thiên Hương (2006), Cỏ may ngày xưa, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, tr.136, 12, 78.

(5) Nguyễn Nhật Ánh, sđd.

(6), (7) Phan Hồn Nhiên (2010), Người mưa, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, tr.185, 202.

(8), (9), (10)Nguyễn Nhật Ánh, sđd.

(11) Nhiều tác giả (2015), Nguyễn Nhật Ánh – Hiệp sĩ của tuổi thơ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.160.

TS. Nguyễn Đức Toàn
Trường Cao đẳng Hải Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *