I. ĐÀO TIỀM, NHÀ THƠ TRUNG QUỐC
1. Một Thời Kì Loạn Lạc
Nhìn vào lịch sử Trung-quốc từ thời Hậu-Hán (25-219) sang thời Tam-quốc (213-280), Lưỡng-Tấn (265-436), Nam-Bắc-triều (420-581), cho đến nhà Tùy (581-618), nước Trung-hoa chẳng có lúc nào được an ổn: Nào là Ngụy, Thục, Ngô (Tam-quốc) chia nhau hùng cứ ba nơi để đánh nhau; Tây-Tấn dẹp cả ba nước để thống nhất, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại bị năm giống rợ Hồ (Hung-nô, Yết, Tiên-ti, Chi, Khương) đánh đuổi, phải chạy về Đông-Nam mà lập nhà Đông-Tấn; các nước ở phương Bắc (Bắc-triều) tiếp tục đánh dẹp lẫn nhau, các nước phương Nam (Nam-triều) cũng vậy; và cuối cùng, cả hai đều bị tiêu diệt để thống nhất về nhà Tùy; rồi nhà Tùy (581-619) không bao lâu cũng bị diệt để lập nên nhà Đường. Trong khoảng thời gian mấy trăm năm ấy, chiến tranh, loạn lạc liên miên, cảnh điêu linh, khốn khổ của dân chúng không làm sao mà kể xiết được! Có thể gọi đó là một thời kì đen tối cùng cực trong lịch sử Trung- quốc.
2. Một Bầu Khí Văn Chương Duy Mĩ
Nhưng cái đen tối ấy chỉ là cái đen tối về chính trị, còn về phương diện VĂN HỌC, chính trong khoảng thời gian loạn lạc đó, đã phát triển cực kì mạnh mẽ, phong phú. Rất nhiều văn nhân lỗi lạc đã xuất hiện, rất nhiều tác phẩm bất hủ đã ra đời, nhiều thể văn mới (biền ngẫu, luật thơ, phê bình văn học) được sáng lập, làm nền tảng và gây ảnh hưởng sâu đậm cho văn học các đời sau.
Từ thời Hán (206 tr. TL – 220 s. TL) trở về trước, có thể nói, các văn nhân không có một chủ trương rõ rệt về văn học. Từ nhà Ngụy (220-262), khi Tào Phi (186-226) viết thiên “Luận Văn” thì văn giới mới bắt đầu có một quan niệm về văn học; và cái chủ trương đầu tiên lúc đó là chủ trương “văn học duy mĩ”. Trải suốt thời Lục-triều (220-619), phong trào duy mĩ đó ngày càng thịnh hành. Họ quan niệm rằng, văn phải đẹp như gấm, như hoa, và âm thanh thì phải như có nhạc. Lục Cơ (261-313) trong thiên “Văn Phú” có nói: “Kí âm thanh chi điệt đại nhược ngũ sắc chi tương chiếu.” (Thanh âm cần phải thay đổi như năm sắc chiếu lẫn nhau.)(1) Do đó mà lối văn biền ngẫu được vô cùng đắc dụng; đến nỗi, hai tác phẩm phê bình văn học nổi tiếng vào thời đó là Thi Phẩm của Chung Vinh (?-?) và Văn Tâm Điêu Long của Lưu Hiệp (465-522) cũng đều được viết toàn bằng văn biền ngẫu.
Bởi vậy, văn chương bấy giờ không phải là để tải đạo nữa, nghĩa là không phải vị nhân sinh, mà chỉ là vị nghệ thuật. Văn lúc đó không cốt để tự sự, để nghị luận (mặc dù vẫn có), mà là để tả tình, tả cảnh thiên nhiên, cảnh nhàn dật. Lại nữa, các văn gia thuở đó, phần nhiều vì đứng trước cảnh loạn lạc, nhiễu nhương của thế sự, họ thấy không thể làm gì để cứu vãn tình thế, nên sinh ra chán đời, ẩn dật, bỏ ngoài tai các chuyện chính trị, đắc thất, chỉ sống hoàn toàn với thiên nhiên, với rượu, với thơ, với trăng, với gió, mà quên đi các nỗi đắng cay ở đời. Thái độ đó lại càng thích hợp với lối văn chương hoa mĩ của họ.
3. Đào Tiềm (365-427)
Nhưng giữa đám văn nhân ưa chuộng lối văn chương hoa mĩ ấy, một nhân vật đặc biệt đã xuất hiện ở cuối đời Đông-Tấn (317-436). Nhân vật này không theo cái chủ trương duy mĩ đương thời, mà một mình khởi xướng lối văn bình dị, tự nhiên, không đẹp như hoa, như gấm, như ngũ sắc chiếu lẫn nhau, nhưng ý tứ thì thật là thâm trầm, sâu sắc, truyền cảm một cách chân thành. Nhân vật đó là Đào Tiềm. Đề tài của ông là cảnh điền viên cùng với những công việc nhà nông, những cảnh sắc chung quanh căn nhà nghèo. Ông cũng không quên ca ngợi cái thú say sưa, nhàn phóng. Bởi vậy mà đám văn nhân thi sĩ đương thời đã coi thường, không quan tâm đến lối văn khác biệt đó của ông. Mãi về sau, từ đời Đường (618-907) trở đi, người ta càng đọc văn thơ ông, mới càng khám phá ra cái văn tài, cái mới mẻ của ông. Và ông đã được mọi người tôn trọng như là nhà thơ điền viên (ruộng vườn) đầu tiên của Trung-quốc. Các nhà phê bình văn học đời sau đều cùng công nhận và tán thưởng lối văn chương đó, kể cả cái nếp sống đáng kính mà ông đã biểu lộ trong văn thơ. Ông Dương Quảng Hàm, một học giả Việt-nam, đã nhận định một cách tổng quát về ông như sau: “Ông sinh hoạt theo cảnh tự nhiên và điềm đạm: ở trong cảnh nghèo mà lấy làm vui, lấy cái thú ngắm sông núi cỏ cây để khuây khỏa nỗi buồn chán về việc đời.”(2)
Đào Tiềm vốn tên là Uyên Minh, tự là Nguyên Lượng, quê ở Sài-tang, Tầm-dương, nay thuộc huyện Cửu-giang, tỉnh Giang-tây.(3) Ông thuộc dòng dõi thế gia. Tằng tổ của ông là Đào Khảng, được phong tước quận công, chức đại tư mã đời Tấn. Ông nội và thân phụ đều làm thái thú, nhưng đến đời ông thì cửa nhà sa sút, nghèo túng. Ông thông minh, học rộng, có chí lớn, nhưng thời của ông là thời loạn, chiến tranh triền miên, muốn giúp đời mà không biết cách nào. Ông bèn bỏ hết hoài bão của tuổi trẻ, quay về đời sống đạm bạc của người nông dân, tìm cái vui trong cảnh thiên nhiên, trong thú say sưa ẩn dật.
Đời ông có thể chia làm ba giai đoạn:
a) Từ nhỏ đến năm 28 tuổi, có sẵn hùng khí trong người, muốn giúp đời cứu nước.
Thiếu thời tráng thả lệ,
Vũ kiếm độc hành du.
(Nghĩ Cổ)(4)
(Lúc trẻ hùng tráng và hăng hái, một mình vỗ kiếm du hành.)
b) Từ năm 29 tuổi đến năm 40 tuổi, vì nghèo phải ra làm quan, nhưng tính tình lại quá cao khiết, bất khuất, nên công danh không được sáng tỏ. Năm 29 tuổi, ông làm chức tế tửu ở Giang-châu, không bao lâu bỏ về cày ruộng. Năm 35 tuổi lại ra lãnh một chức quan nhỏ, không bao lâu rồi cũng xin về. Lần thứ ba, năm 40 tuổi, ông làm tri huyện Bành-thạch. Nhân có viên đốc bưu (một chức quan nhỏ coi về thuế má) đến thanh tra về thuế má, bọn tiểu lại khuyên ông nên buộc dây đai để đón tiếp, ông bèn than: “Ngã bất năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu hướng hương lí tiểu nhi.” (Ta không thể nào vì năm đấu gạo mà phải khom lưng trước bọn con nít trong làng xóm!) Rồi nội trong ngày ấy, ông trả áo mão mà bỏ về làng cũ.
c) Từ năm 41 tuổi trở đi, ông hoàn toàn ở ẩn, chỉ lo công việc ruộng vườn, sống thanh đạm trong cảnh nghèo của người nông phu. Có mấy lần được vời ra làm quan trở lại, nhưng ông nhất quyết từ chối; được người đương thời thán phục, gọi ông là Tịnh Tiết tiên sinh. Về sự nghiệp văn chương, đây là thời kì ông sáng tác nhiều nhất.
Ông sinh năm 365 và mất năm 427, hưởng dương 52 tuổi.
4. Cuộc Sống Điềm Đạm của Đào Tiềm qua Thi Văn
Xem qua tiểu sử của Đào Tiềm, chúng ta thấy, quả thật ông đã sống hầu hết cuộc đời của ông ở nơi đồng ruộng. Có ba lần ông đi làm quan, nhưng mỗi lần chỉ được mấy tháng rồi thôi; vả lại, việc làm quan của ông cũng chỉ là bất đắc dĩ. Thời đại của ông là thời đại loạn lạc, đầy đảo điên, xáo trộn. Ông thương cảm mà đành bất lực, muốn cứu vãn mà chẳng có cách gì, nên đành tránh cảnh ngựa xe mà sống với vườn ruộng; đem hết tài năng của mình mà đổ vào thơ văn, uống rượu xem hoa để quên phiền lụy. Cái phong cách đó đã được ông tỏ bày trong bài “Ngũ Liễu Tiên Sinh Truyện”:
“Tiên sinh bất tri hà hứa nhân, bất tường tánh tự. Trạch biên hữu ngũ liễu thụ, nhân dĩ vi hiệu yên. Nhàn tịnh thiểu ngôn, bất mộ vinh lợi. Hiếu độc thơ, bất cầu thậm giải, mỗi hữu hội ý, hân nhiên vong thực. Tánh thị tửu nhi gia bần, bất năng hằng đắc; thân cựu tri kì như thử, hoặc trí tửu chiêu chi. Tháo ẩm tất tận, kì tại tất túy, kí túy nhi thối, tằng bất lận tình. Hoàn đổ tiêu nhiên, bất tế phong nhật. Đoản cát xuyên kết, đan biều lũ không, yến như dã. Thường trước văn chương tự ngu, phả thị kỉ chí. Vong hoài đắc thất, dĩ thử tự chung…”(5)
(Chẳng biết tiên sinh là người ở đâu, và tên họ là gì. Vì bên cạnh nhà có năm cây liễu, nên nhân đó mà đặt tên. Tiên sinh là người nhàn tịnh, ít nói, không ham vinh hoa danh lợi; ham đọc sách nhưng không cần tìm sâu vào chi tiết, hễ lĩnh hội được ý tứ gì hay thì sung sướng đến quên ăn. Tính thích rượu, mà vì nhà nghèo nên không có thường để uống. Những người quen thân cố cựu biết thế, đôi khi bày rượu đãi mời. Tiên sinh cứ uống cho thật cạn, thật say mới thôi. Say rồi thì ra về, không lưu luyến gì cả. Nhà thì bốn vách tiêu điều, không đủ che nắng gió. Áo vải thô chằm vá nhiều nơi. Bầu rượu giỏ cơm thường trống rỗng mà vẫn vui tươi. Tiên sinh thường trước tác thơ văn để tự tiêu khiển, cùng bày tỏ ý chí của mình. Việc được thua của thế sự không hề màng đến; cứ như vậy mà sống trọn đời…)
Có một điều đáng mến mà cũng đáng kính nơi ông là tuy ông trốn bỏ phồn hoa để sống cuộc đời thanh đạm, làm ruộng trồng vườn như bao nhiêu nông dân khác, nhưng ông đã không có chút mặc cảm nào, không hề buồn phiền uất ức, cũng không oán giận thế sự đảo điên. Ông bỏ hoàn toàn cái xã hội tao loạn để sống vui vẻ với cảnh thiên nhiên nhàn hạ; vì ông cho rằng, những ngày đi làm quan chỉ là những ngày lỡ bước lầm đường, mà việc sớm từ quan qui ẩn mới là việc phải:
Ngộ dĩ vãng chi bất gián
Tri lai giả chi khả truy
Thật mê đồ kì vị viễn
Giác kim thị nhi tạc phi
(Qui Khứ Lai Từ)
(Tự biết rằng việc đã qua không làm sao ngăn lại được, nhưng việc sắp đến thì có thể sửa kịp. Thực ra, con đường sai lầm mình chưa đi vào xa mấy; và vừa biết ra rằng, việc làm ngày xưa là sai lầm, việc làm ngày nay mới là đúng.)
Cũng một ý này, trong một bài khác ông viết:
Ngộ lạc trần võng trung
Nhất khứ tam thập niên (6)
Bá điểu luyến cựu lâm
Trì ngư tư cố uyên
Khai hoang Nam dã tế
Thủ chuyết qui viên điền
(Qui Viên Điền Cư – Bài 1)
(Ta đã lầm đường đi lạc vào trong lưới trần đã ba mươi năm[?] qua. Con chim kia bị nhốt trong lồng, vẫn quyến luyến chốn rừng cũ. Con cá bị tù hãm trong ao, vẫn nhớ đến nơi vực sâu thuở xưa. Ta cũng cố giữ lấy cái tính vụng về của mình mà trở về với vườn ruộng để khai khẩn vùng đất hoang ở phía Nam.)
Khi đã bỏ quan về nhà, ông quên hẳn việc đời trị loạn, không giao du với người quyền chức, chỉ vui vẻ với kẻ thân thích trong nhà; lấy cầm, thư để tiêu sầu, và quan tâm tới công việc đồng áng:
Thỉnh tức giao dữ tuyệt du
Thế dữ ngã nhi tương vi
Phục giá ngôn hề yên cầu
Duyệt thân thích chi tình thoại
Lạc cầm thư dĩ tiêu ưu
Nông nhân cáo dư dĩ xuân cập
Tương hữu sự ư Tây trù
(Qui Khứ Lai Từ)
(Xin chấm dứt hẳn việc giao du. Đời với ta đã trái nhau thì nói đến chuyện giao thiệp để cầu gì? Ta chỉ vui với câu chuyện đầy tình cảm của người thân thích, và vui với đàn với sách để tiêu nỗi ưu phiền. Người bạn nông dân đến bảo cho ta hay là mùa xuân đã đến rồi, sắp có việc cầy cấy ở đám ruộng phía Tây.)
Từ đó ông chỉ sống quanh quẩn ở quê nhà, gặp ngày mùa thì trồng đậu, trồng lúa, giẫy cỏ, v.v…; và nếu có mối lo nghĩ nào thì cũng chỉ là lo nghĩ cho cây đậu non không lớn nổi vì cỏ mọc mạnh quá, hay sương rơi nặng hạt sẽ làm cho lúa non chịu không nổi mà phải héo úa…
Hoài lương thần dĩ cô vãng
Hoặc thực trượng nhi vân tử
(Qui Khứ Lai Từ)
(Mong thời tiết tốt để đi chơi một mình, có khi dựng gậy để đó mà giẫy cỏ và vun gốc lúa.)
Hoặc:
Chủng đậu Nam sơn hạ
Thảo thịnh đậu miêu hi
Thần hưng lí hoang uế
Đới nguyệt hà sừ qui
(Qui Viên Điền Cư – Bài 3)
(Trồng đậu ở chân núi Nam-sơn (7), cỏ mọc mạnh quá mà cây đậu non lại yếu quá; cho nên sáng sớm thức dậy phải đi làm cỏ, mãi đến chiều tối mới vác cuốc về nhà.)
Hay:
Thường khủng sương tản chí
Linh lạc đồng thảo mãng
(Qui Viên Điền Cư – Bài 2)
(Thường lo sợ sương tuyết rơi nhiều làm cho héo úa tiêu điều, trong khi đó thì cỏ hoang lại um tùm xanh tốt.)
Những khi công việc đồng áng rảnh rỗi, ông cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, khi thì chăm sóc cây đào cây mận, khi thì hái cúc, hoặc ngắm núi ở xa xa:
Du liễu âm hậu diêm
Đào lí la đường tiền
(Qui Viên Điền Cư – Bài 1)
(Cây du, cây liễu che phủ mái hiên sau; trước nhà thì rất nhiều cây đào, cây mận.)
Hay:
Thái cúc Đông li hạ
Du nhiên kiến Nam sơn
(Ẩm Tửu – Bài 5)
(Hái cúc ở rào phía Đông, chợt thấy núi Nam-sơn ở xa xa.)
Nhà cửa của ông, chung quanh cây cối um tùm; và niềm vui của ông là được thấy chim chóc tụ tập ở đó như là chỗ nghỉ ngơi. Sau những lúc cầy cấy nhọc nhằng, nằm ở hiên nhà vừa đọc sách vừa nghe ngàn chim reo hót. Cái thú vị ấy chỉ có những tâm hồn thanh cao, không bợn chút bụi trần, mới có thể thưởng thức đầy đủ, trọn vẹn để diễn tả nên lời:
Mạnh hạ thảo mộc trưởng
Nhiễu ốc thọ phù sơ
Chúng điểu hân hữu thác
Ngô diệc ái ngô lư
Kí canh diệc dĩ chủng
Thời hoàn độc ngã thơ
(Độc Sơn Hải Kinh – Bài 1)
(Tháng mạnh hạ cây cỏ cao lớn. Chung quanh nhà cây cối um tùm. Muôn chim hớn hở vì có chỗ đậu. Ta cũng yêu mến cái nhà cỏ của ta. Công việc cầy bừa, trồng trọt ở ruộng nương đã xong, bây giờ ta lại về nhà đọc sách.)
Và nếu nhàn rỗi nữa, ông có đi thăm bạn bè thì cũng chỉ là những người bạn nông dân ở trong làng xóm; và câu chuyện của họ bao giờ cũng chỉ quanh quẩn về đất đai, mùa màng và thời tiết mà thôi:
Thời phục hư khúc trung
Phi thảo cộng lai vãng
Tương kiến vô tạp ngôn
Đản đạo tang ma trưởng
Tang ma nhật dĩ trưởng
Ngã thổ nhật dĩ quảng
Thường khủng sương tản chí
Linh lạc đồng thảo mãng
(Qui Viên Điền Cư – Bài 2)
(Lúc bấy giờ ta mới lại vạch cỏ mà qua lại thăm viếng bạn bè trong làng xóm. Gặp nhau không nói những chuyện phù phiếm vô ích, mà chỉ bàn bạc về cây dâu, cây gai đã cao lớn. Chúng ngày càng cao lớn, và đất đai của ta ngày càng rộng thêm. Ta chỉ thường lo sợ sương tuyết rơi nhiều, làm cho chúng héo úa tiêu điều, mà cỏ hoang thì um tùm xanh tốt.)
Sống đời vườn ruộng nhưng lại không phải là nhà phú hộ, mà ông chỉ là một nông phu đạm bạc, nhiều khi nghèo đến nỗi cơm không đủ ăn, rượu không có để uống; mà đã đói thì cứ đi xin ăn, tâm hồn thật là thuần khiết, tuyệt nhiên không có chút gì mặc cảm, rụt rè:
Cơ lai khu ngã khứ
Bất tri cánh hà chi
Hành hành chí tư lí
Khấu môn chuyết ngôn từ
Chủ nhân giải ngã ý
Dị tặng khởi hư lai
(Khất Thực)
(Cơn đói đến thúc bách ta phải đi, nhưng rốt cuộc cũng chẳng biết đi đâu. Ta cứ đi mãi, và tới một làng kia, gõ cửa mà nói lời vụng về. Chủ nhà liền hiểu ý ta, mang đồ ra cho, chứ đâu nỡ để cho ta đến uổng công!)
Những dẫn chứng về thơ văn trên, đủ để thấy rằng, Đào Tiềm quả là người có tâm hồn thanh cao, không hề có ý ganh đua danh lợi. Ông sống một cuộc sống đạm bạc, khiết bạch, nghèo khó, mà lòng thì vẫn an vui, không mặc cảm, không hận đời, không buồn phiền oán trách ai. Ông vui hồn nhiên trong cảnh thiên nhiên, nơi có trời cao, mây rộng, có hoa cỏ, cây cối sum sê, có núi cao nước sạch, và nhất là có sự chân thật của tình người; thật hoàn toàn khác biệt với chốn thị thành phiền toái, đầy dẫy cạnh tranh, lòng người giả dối. Chán bỏ cuộc đời mà sống được cuộc sống an bần lạc đạo đến như thế, thì Đào Tiềm có được người đời xem như một bậc thần tiên, cũng đâu có gì lạ!
II. NGUYỄN KHUYẾN, NHÀ THƠ VIỆT NAM
Trong khi Đào Tiềm đem hết tài năng của mình để ca tụng cái đẹp của thiên nhiên, cùng cái thú điền viên ẩn dật, bằng những lời văn, lời thơ bình dị, bằng tiếng nói của nông dân, thì những người đương thời vẫn mải miết trau chuốt từ chương hoa mĩ, điển cố cầu kì, chẳng ai biết thưởng thức cái thiên tài cá biệt của ông, nên chẳng ai để ý đến ông. Mãi cho đến đời Đường trở về sau, tài nghệ của ông mới được người ta chú ý. Họ ca tụng, tôn sùng ông, rồi bắt chước ông mà ngâm vịnh thiên nhiên cùng cái thú ẩn dật. Những thi hào từ Lí Bạch đến Tô Đông Pha v.v… đều chịu ảnh hưởng rất nhiều ở Đào Tiềm. Một nhà học giả nổi danh gần đây của Trung-hoa là Hồ Thích, đã cho rằng, Đào Tiềm là một nhà đại cách mạng trong lịch sử văn học Trung-quốc ở thời Lục- triều. (Đào Tiềm đích thi tại Lục-triều văn học sử thượng khả toán đắc nhất đại cách mạng.)(8)
Tư tưởng và thơ văn của Đào Tiềm không những chỉ ảnh hưởng đến các thi nhân Trung-quốc ở đời sau, mà còn ảnh hưởng sâu đậm đến các thi nhân Việt-nam, mà điển hình là Nguyễn Khuyến. Bàn về điều này, nhà học giả Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét: Ở nước ta, thi nhân gần với ông (Đào Tiềm) nhất là Nguyễn Khuyến. Đời hai người y như nhau: đều sinh trong cảnh loạn lạc, đều làm quan rồi đều về ở ẩn, đều thích rượu, yêu cúc, giọng thơ đều khoáng đạt.(9)
1. Vài Nét về Cuộc Đời Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến sinh năm 1835 tại làng Yên-đổ, huyện Bình-lục, tỉnh Hà-nam. Ông tổ bốn đời là Nguyễn Mai, đậu tiến sĩ, được sung chức hiến sát sứ triều Lê. Thân phụ là Nguyễn Lệ, đỗ ba khoa tú tài, và đến gần 40 tuổi mới sinh Nguyễn Khuyến. Ông vốn thông tuệ từ thuở nhỏ, lại rất chăm học. Mười hai tuổi đã thông kinh sử, từng nổi tiếng là thần đồng. Mười bốn tuổi văn tài đã vững vàng, và mười lăm tuổi thì đỗ đầu kì thi sát hạch ở tỉnh. Mười bảy tuổi, khi chuẩn bị đi thi Hương thì thân phụ mất, ông phải ở nhà cư tang mất ba năm. Từ khi cha mất, cửa nhà dần dần sa sút, lại mấy khoa thi Hương đều hỏng, ông phải dạy học để độ nhật. Lúc ấy, cụ hoàng giáp Phạm Văn Nghị, vì mến tài nên đem ông về cấp dưỡng, và đích thân dạy dỗ. Khoa thi Hương năm 1864, ông đỗ thủ khoa trường Hà-nội; bạn học cùng thầy với ông là Trần Bích San (quê Vị-xuyên), đỗ thủ khoa trường Nam-định. Năm sau Trần Bích San lại đỗ thủ khoa kì thi Hội và kì thi Đình, thành danh “tam nguyên”; còn Nguyễn Khuyến thì hỏng. Mãi đến năm 1871 ông mới đỗ; và cũng đỗ thủ khoa cả Hội lẫn Đình. Vua Tự Đức rất đắc ý, vì dưới thời mình có đến hai vị tam nguyên, nên đã có đôi câu đối:
Vị-xuyên tiền, Yên-đổ hậu, lục niên tiền hậu lưỡng tam nguyên;
Tiến sĩ tổ, hoàng giáp tôn, tam đại tổ tôn liên lưỡng giáp. (10)
Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm nội các thừa chỉ, rồi ra làm đốc học Thanh-hóa, sau đó vào làm bố chánh Quảng-nam, Quảng-ngãi.
Ông làm việc cần mẫn, tính thanh liêm, lại có tài thao lược; nên đã có một lần ông xin về hưu, mà vì mến tài, vua Tự Đức đã không cho, lại còn triệu ông về kinh sung chức Sử-quán toản tu. Năm 1882, người Pháp lấy cớ buôn bán để uy hiếp Hà-nội, ông được phái ra Hà-nội làm thương biện để giao thiệp và thương thuyết với Pháp. Sau đó (1883), ông được cử làm tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên.
Tình thế nước nhà ngày càng nguy khốn vì ý đồ thôn tính của người Pháp. Thành Hà-nội bị hạ năm 1883, và sang năm 1884, hòa ước Patenôtre được kí kết, nước ta công nhận quyền đô hộ của nước Pháp trên khắp lãnh thổ Bắc và Trung-kì. Đau lòng trước cảnh mất nước, không chịu làm quan dưới thời bảo hộ, năm sau, 1885, ông lấy cớ đau mắt xin về hưu. Lúc đó ông mới có 51 tuổi.
Khi về ở ẩn, ông sống đời thanh bần của một người nông dân. Người Pháp muốn thu phục nhân tâm, muốn mua chuộc các sĩ phu vẫn được dân chúng trọng vọng, đã ủy thác cho Hoàng Cao Khải, rồi Vũ Văn Báo, nhiều lần mời ông trở lại làm quan, nhưng ông nhất mực từ chối. Tuy nhiên, để cho người Pháp khỏi để ý nghi ngờ, để được yên ổn tuổi già, ông phải nhận đến dạy học tại nhà Hoàng cao Khải, rồi cưới con gái của Vũ Văn Báo cho con trai ông là phó bảng Nguyễn Hoan. Ông cũng cho Nguyễn Hoan ra nhận một chức quan nhỏ tại Tân-trào; lại giúp chấm giải thi thơ tại Hưng-yên. Ông mất năm 1910, hưởng thọ 76 tuổi.
Văn thơ của Nguyễn Khuyến gồm cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, và hầu hết được sáng tác trong thời kì ở ẩn.
2. Những Điểm Tương Đồng với Đào Tiềm
Nhìn một cách tổng quát, giữa hai nhân vật sống cách nhau những hơn 1.400 năm (Đào Tiềm mất năm 427, Nguyễn Khuyến sinh năm 1835) này, có những nét tương đồng từ hoàn cảnh, phong cách sống, cho đến cảm hứng, cũng như văn chương.
a) Giống nhau về hoàn cảnh
Trước hết, Nguyễn Khuyến cũng như Đào Tiềm, đều sinh ra trong thời loạn lạc. Nguyễn Khuyến sinh năm 1835 dưới triều Minh Mạng. Mặc dù việc chiến tranh chưa xảy ra, nhưng về mặt đối ngoại với hai nước Pháp và Tây-ban-nha đã có nhiều căng thẳng. Đến năm 1847, năm cuối cùng của vua Thiệu Trị, tiếng súng của người Pháp đã nổ lần đầu tiên tại cửa biển Đà-nẵng. Năm 1858, Pháp lại đánh Đà-nẵng; 1859 thì đánh đến Gia-định. Đến năm 1862, nước ta mất về tay Pháp ba tỉnh miền Đông: Biên-hòa, Gia-định, Định-tường; năm 1867 thì mất luôn ba tỉnh miền Tây: Vĩnh-long, An-giang, Hà-tiên; trọn xứ Nam-kì trở thành đất thuộc địa của Pháp. Trong khi đó, ở ngoài Bắc, giặc giã nổi lên phá hoại khắp nơi: như giặc Tam Đường ở Thái-nguyên (1851); giặc Châu Chấu ở Sơn-tây (1854); giặc Tạ Văn Phụng ở Quảng-yên (1861); rồi nội loạn Đoàn Trưng ở ngay triều đình (1866); v.v… Triều đình đánh giẹp mãi đến năm 1872 vẫn chưa xong, thì năm 1873 Pháp lại hạ thành Hà-nội lần thứ nhất; rồi năm 1882, hạ thành Hà-nội lần thứ hai; năm 1883 lấy luôn tỉnh Nam-định. Trong lúc đó thì vua Tự Đức băng, liền xảy ra việc phế lập tại triều đình do các quyền thần phụ chính gây ra: vua Dục Đức lên ngôi được vỏn vẹn có ba ngày thì bị tống giam để Hiệp Hòa lên thay. Quân Pháp tiếp tục lấy cửa Thuận-an và đi đến việc kí hòa ước Quí Mùi (1883), triều đình nhận quyền bảo hộ của nước Pháp. Hiệp Hòa làm vua được bốn tháng lại bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết giết chết, đem Kiến Phúc lên thay. Pháp lại lấy Ninh-bình, Sơn-tây; năm 1884 lấy luôn Bắc-ninh, Thái-nguyên, Hưng-hóa, Tuyên-quang; và hòa ước Patenôtre (1884) được kí kết, toàn lãnh thổ Trung và Bắc-kì đều nằm trong tay bảo hộ của Pháp, chấm dứt nền độc lập lâu dài của nước ta. Nước ta mất hết chủ quyền, đến nỗi vua Kiến Phúc (làm vua được sáu tháng) băng, Tường và Thuyết phải viết thơ bằng chữ Hán (chứ không được bằng chữ Nôm), xin phép viên khâm sứ Pháp (Rheinart), để thực hiện các công việc liên hệ sau đó.
b) Giống nhau về thái độ
Bao nhiêu tao loạn đã xảy ra cho quốc gia vào lúc đó, khiến cho các sĩ phu nước ta, ai còn ham vinh hoa phú quí, đành quên tình đồng bào, thì đầu hàng Pháp, cam phận làm tôi tớ, để được họ ban cho quan tước, quyền lực; ai có sẵn chí khí hiên ngang, yêu nước thương nòi, có phương tiện và mộ được nghĩa quân, thì lập các phong trào cần vương chống Pháp; còn ai vẫn có lòng yêu nước thương nòi mà tự thấy sức mình không chống chọi được, thì từ quan về ở ẩn nơi thôn quê hẻo lánh, đành gửi tâm sự vào lời thơ chén rượu. Nguyễn Khuyến thuộc vào trường hợp thứ ba này.
Vậy thì có thể nói rằng, suốt một cuộc đời của Nguyễn Khuyến (những năm thơ ấu không kể làm gì), ông đã trải qua biết bao loạn lạc. Chính mắt ông đã nhìn thấy, chính tai ông đã nghe thấy, chính bản thân ông đã sống trong hoàn cảnh tao loạn đó. Và đứng trước thời thế đầy nhiễu nhương kia, cũng như Đào Tiềm, Nguyễn Khuyến đã lấy cớ đau mắt (Đào Tiềm thì lấy cớ lo tang ma cho em gái) mà xin về hưu, sống cuộc đời ẩn sĩ.
c) Giống nhau về cuộc sống khi ẩn dật
Về ở ẩn, nếu Đào Tiềm đã sống như một nông dân, thì Nguyễn Khuyến cũng đã tự quên đi cái dĩ vãng đã từng là quan tổng đốc của mình, để sống với nghề cầy bừa gặt hái cùng với bao nông dân khác trong làng. Mặc dù đã có lúc làm quan đến chức tổng đốc, nhưng vì tính tình vốn thanh liêm, cương trực, nên lúc về trí sĩ vẫn hai bàn tay trắng, cửa nhà thì vẫn là năm giang nhà cỏ của thân phụ để lại. Vì vậy, cũng như Đào Tiềm, ông sống với vườn ruộng không phải với tư cách của một vị điền chủ, phú hào, mà đúng là một nông dân tầm thường, nghèo khổ như bao nhiêu nông dân khác trong làng xóm. Ông vui với niềm vui của họ, và lo buồn cái nỗi lo buồn chung của họ:
Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,
Chiêm mất mùa chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan thu, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.
Thợ thuyền dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chả dám mua.
Cần kiệm thế mà không khá nhỉ?
Bao giờ cho biết khỏi đường lo!
(Làm Ruộng)
Đã lo nỗi thiếu hụt vì mất mùa, lại còn phiền vì nạn vỡ đê, lụt lội:
Quai-mễ, Thanh-liêm đã vỡ rồi,
Làng ta thôi cũng lụt mà thôi!
Gạo năm sáu bát cơ còn kém,
Thuế thiếu vài nguyên dáng chửa đòi.
(Vỡ Đê)
Hay:
Nhà ta ta phải đắp cao nền,
Hễ nước lên thì tớ cũng lên.
Sóng cả ba tầng đè xuống dưới,
Thềm cao chín bậc bước lên trên.
(Chống Lụt)
Xưa kia Đào Tiềm nghèo đến nỗi có lúc phải đi xin cơm ăn, xin rượu uống, bây giờ Nguyễn Khuyến cũng không giàu có hơn gì; có lúc trong nhà chẳng còn một chút thức ăn, bạn bè đến chơi mà chẳng có gì để tiếp đãi:
Đã bấy lâu nay bác đến nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thì xa.
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà chửa nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp chuyện trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta!
(Tình Suông)
Mới nghe ra thì như là trong nhà thức gì cũng có: tiền nhiều lắm chứ, chỉ vì chợ ở xa mà trẻ con lại đi chơi vắng, nên chẳng làm sao đi chợ đưọc! Cá thiếu gì dưới ao, chỉ vì sóng to quá nên không chài được đấy thôi! Gà vịt cũng không thua ai, chỉ vì rào thưa nên chúng chạy mất cả! Rau trái vẫn đầy vườn đấy chứ, nhưng vì chưa tới mùa, đành chịu!… Nghe đi là như thế, nhưng nghe lại, thì ra không có gì! Chỉ có những bậc thanh cao, phóng khoáng mới có cái phong thái như vậy. Sống đạm bạc mà vẫn cứ vui, vẫn luôn luôn có cái cười hồn nhiên đượm nét dí dỏm. Và cũng chỉ có những người như vậy họ mới quí trọng nhau. Họ đến với nhau không vì lợi lộc, mà chỉ vì đồng điệu, đồng chí, đồng tình. Đó mới là những ngưởi có tấm lòng chân thật hiếm thấy trong cuộc đời.
Đã lấy công việc đồng áng để thay cho việc quan quyền thì Nguyễn Khuyến cũng tìm thú say sưa để quên đi những ưu phiền về thế sự:
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy,
Độ năm ba chén đã say nhè.
(Thu Ẩm)
Hay:
Thừa hứng chỉ duy tôn tửu thích
Nam sơn bằng thiếu chính sầu nhiên
(Mạn Hứng)
(Khi buồn chén rượu say không biết,
Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa.)
(Nguyễn Khuyến tự dịch) (11)
Ông đã sống hòa mình hoàn toàn trong đám dân quê, đến nỗi cái tục lệ hợp chợ Đồng hàng năm tại làng Yên-đổ cũng là một nguồn cảm hứng để ông sáng tác:
Tháng Chạp hai mươi mốt chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Trở trời mưa bụi còn hơi rét,
Nếm rượu Tường-đền được mấy ông?
(Chợ Đồng)
Và cái tục lệ lên bô, lên lão của dân ta ở các làng miền Bắc (không biết có từ thời nào, mà vẫn kéo dài đến những năm trước 1954 tại một vài làng thuộc ngoại ô Hà-nội), vẫn được thấy trong thơ văn Nguyễn Khuyến:
Ông chẳng hay ông tuổi đã già,
Năm nhăm ông cũng lão đây mà!
Anh em làng xóm xin mời cả,
Xôi bánh trâu heo cũng gọi là.
Chú đáo bên đình lên với tớ,
Ông từ xóm chợ lại cùng ta.
(Cảnh Lên Lão)
d) Giống nhau về đề tài ngâm vịnh
Cuộc sống thanh đạm nơi chốn điền viên của Nguyễn Khuyến đã giống với cũng cuộc sống ấy của Đào Tiềm; mà đến cái tính yêu thích thiên nnhiên, lấy thiên nhiên làm đề tài ngâm vịnh của hai người cũng giống nhau. Xét cho cùng, nếu Đào Tiềm đã lấy cảnh thiên nhiên chung quanh nơi ông đang sống, với bầu trời, với núi sông, với cây cỏ, gió trăng, thời tiết v.v… để làm đề rài ngâm vịnh, thì ở đây, Nguyễn Khuyến cũng vậy. Đề tài ngâm vịnh của ông chỉ là những gì ở chung quanh nhà ông, chung quanh làng ông, hay xa hơn nữa là trong vùng ông đang cư ngụ. Đó là những gì? Là đồng ruộng, giậu tre, nước lụt, ao cá, khóm rau, ngõ trúc, vườn cải, mùa hè, mùa thu, núi An-lão, núi Long-đội, v.v…
Đây là cảnh đêm thu, ông ngồi hiên nhà uống rượu mà nhìn ra bầu trời trước mặt:
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm khuya đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
(Thu Ẩm)
Này là cảnh mùa thu ông ngồi thuyền câu cá:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
(Thu Điếu)
Và đây là cảnh núi An-lão:
Mặt nước mênh mông nổi một hòn,
Tiếng già nhưng núi vẫn là non.
Mảng cây thưa thớt, đầu như trọc,
Tầng đá cheo leo ngấn chửa mòn.
(Lên Núi An Lão)
Hay:
Bán không tịnh phạm dao tinh nguyệt,
Lịch đại tàn bi chứng hải tang.
Bình dã thiên thôn tam diện hiệp,
Thông sơn vạn Phật nhất tăng tàng.
(Ức Long Đội Sơn – Bài 1)
(Chiếc bóng lưng trời am các quạnh,
Mảnh bia thuở trước bể dâu đầy.
Le te nghìn xóm quanh ba mặt,
Lố nhố muôn ông lẫn một thầy.)
(Nguyễn Khuyến tư dịch) (11)
Và cảnh mùa hè:
Ai xui con cuốc gọi vào hè,
Cái nóng nung người nóng nóng ghê.
Ngõ trước vườn sau um những cỏ,
Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê.
Đầu cành kiếm bạn oanh xao xác,
Trong tối đua bay đóm lập lòe.
(Vào Hè)
đ) Giống nhau về ngôn ngữ văn chương
Điểm giống nhau cuối cùng giữa hai nhà thơ trên, mà chúng ta có thể coi đó là điểm quan trọng trong văn chương, là nếu trước kia ở Trung-quốc, Đào Tiềm đã chống lại cái lối văn chương duy mĩ của các văn nhân đương thời, để chỉ dùng một lối văn giản dị, nói lên đúng thứ ngôn ngữ của bình dân, không chuộng từ chương, không ham điển cố; thì Nguyễn Khuyến ở nước ta quả thực cũng sánh được cái phong khí ấy của Đào Tiềm. Nguyễn Khuyến đã không đem vào văn chương những tư tưởng sâu xa, mà ngôn ngữ, lời văn cũng bình dị, rõ ràng, thực tế. Ông vẫn làm thơ theo thể Đường luật, mà người đọc thì không cảm thấy có sự gò bó nào. Nói như nói thật, ý tứ hồn nhiên, trong sáng. Điều đó, những bài thơ vừa trích dẫn trên đã chứng minh đầy đủ.
3. Những Điểm Dị Biệt Giữa Nguyễn Khuyến và Đào Tiềm
Nguyễn Khuyến và Đào Tiềm, hai người ở hai thế hệ cách nhau hàng 15 thế kỉ, thế mà vẫn có những nét giống nhau một cách lí thú. Tuy nhiên, làm gì có sự giống nhau hoàn toàn như khuôn đúc! Vì vậy, nếu tiếp tục tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy có những điều khác biệt giữa hai nhà thơ ấy.
a) Nội loạn và ngoại xâm
Điểm khác biệt trước tiên có thể nhìn thấy ngay, là tuy hai người cùng sinh ra đều gặp lúc thời thế loạn lạc; nhưng cái loạn lạc ở thời Đào Tiềm chỉ là cái nội loạn của nước Trung-hoa. Thuở ấy, người ta chỉ kinh dị, chán ghét cuộc chiến tranh tương tàn, sự tranh giành ngôi vua giữa họ này và họ nọ, sự giành giật vinh hoa quyền lực mà lấn áp, tàn hại lẫn nhau; chứ người ta không có nỗi đau xót, đắng cay của người dân mất nước. Đàng này, Nguyễn Khuyến ở nước ta thì lại khác. Đã đau xót cho cái cảnh giặc giã, phế hưng ở trong nước, ông lại còn đau xót vì ngoại bang xâm chiếm quốc gia mình, dùng sức mạnh vũ khí chèn ép vua quan mình; kèm theo đó là nỗi chua chát cho số sĩ phu hèn hẹ, vì ham danh lợi địa vị mà đành phản quốc, khom mình làm tôi tớ cho thực dân. Cái niềm đau mất nước đó mới thật là niềm đau to lớn mà Nguyễn Khuyến đã phải mang nặng trong lòng; và so ra thì niềm đau của Đào Tiềm vẫn nhẹ nhàng hơn. Có thể nói, đó là điểm khác biệt căn bản làm nẩy sinh những khác biệt sau đây.
b) Hai sự qui ẩn mang hai ý nghĩa
Cái ý nghĩa quay về điền viên giữa hai nhà thơ cũng không giống nhau. Đào Tiềm qui ẩn vì chán ngán tình hình chính trị xáo trộn do tham vọng quyền lực của con người; và nhất là không thể vì năm đấu gạo mà phải chịu luồn cúi đối với những kẻ tầm thường. Còn Nguyễn Khuyến thì đã qui ẩn vì không chịu hợp tác với chính quyền bảo hộ, không chịu làm tay sai cho thực dân. Ví dù không đủ sức chống nhau bằng vũ lực với giặc ngoại xâm, nhưng biết từ quan ở ẩn, đó cũng là một thái độ chống đối tiêu cực.
c) Hai thái độ đối với cuộc đời
Sự dị biệt về ý nghĩa qui ẩn đó đã khiến cho thái độ ở ẩn của hai người cũng khác nhau. Trong khi Đào Tiềm đã về là về hẳn, không còn một mảy may tơ tưởng vể thế sự:
Viên nhật thiệp dĩ thành thú
Môn tuy thiết nhi thường quan
(Qui Khứ Lai Từ)
(Hằng ngày chỉ có cái thú quanh quẩn trong vườn; nhà tuy có cửa mà vẫn đóng luôn luôn.)
Hay:
Hộ đình vô trần tạp
Hư thất hữu dư nhàn
Cửu tại phàn lung lí
Phục đắc phản tự nhiên
(Qui Viên Điền Cư – Bài 1)
(Sân nhà không có sự hỗn tạp của trần tục; nhà trống rỗng nên có thừa nhàn hạ. Đã lâu bị giam trong lồng, bây giờ lại được trở về với đời sống tự nhiên.)
Hay:
Bạch nhật yểm kinh phi
Hư thất tuyệt trần tưởng
(Qui Viên Điền Cư – Bài 2)
(Ban ngày mà vẫn đóng kín cánh cửa xiu vẹo; nhà trống trơn, tuyệt nhiên không tơ tưởng việc đời.)
Và:
Kết lư tại nhân cảnh
Nhi vô xa mã huyên
(Ẩm Tửu Bài 5)
(Dựng lều cỏ nơi nhân gian, nhưng không có sự huyên náo của ngựa xe.)
Trái lại, Nguyễn Khuyến tuy về ở ẩn mà vẫn mang niềm ray rức trong lòng. Đó là niềm ray rức của một công dân mất nước mà Đào Tiềm không thể nào có được. Vì niềm ray rức ấy ám ảnh triền miên trong tâm tư, nên lời thơ của ông nhiều khi thật là ai oán:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi?
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
(Quốc Kêu Cảm Hứng)
Đôi khi lại trở nên phẫn uất:
Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá, vững như đồng!
Giữ gìn non nước cho ai đó?
Dâu bể cuộc đời co biết không?
(Ông Phỗng Đá)
Và nhiều lúc còn như bàng hoàng:
Phục trẩm bất thăng kinh tạc mộng
Hồi đầu dĩ nhược cách tiền sinh
Ngô tê an đắc Trung sơn tửu
Nhất túy du nhiên kiến thái bình
(Cựu Thoại)
(Ngủ đi còn sợ chiêm bao trước;
Nghĩ lại như là chuyện thuở xưa.
Có rượu Trung-sơn cho lũ tớ,
Tỉnh ra, hỏi đã thái bình chưa.)
(Nguyễn Khuyến tự dịch)
Và cũng do tấm lòng ray rức vì mất nước đó mà Nguyễn Khuyến đã không an nhiên hưởng nhàn quên đời một cách tuyệt đối như Đào Tiềm. Ông tuy sống ẩn dật mà vẫn để ý đến thế sự, cho nên, thơ văn của ông, ngoài đặc tính ca tụng thiên nhiên, ông còn lấy những cảnh chướng tai gai mắt của người đương thời làm đề tài diễu cợt, mỉa mai:
Bà quan nhí nhảnh xem bơi trải,
Con trẻ lom khom ngó rạp chèo.
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!
(Hội Tây)
Có lúc ông cũng ca tụng những sĩ phu đầy chí khí, dù biết sức mình chống lại thực dân không nổi mà vẫn cứ chống, được thua là lẽ thường, còn hơn những kẻ ham danh lợi mà theo giặc, như lũ ruồi bu đồ dơ bẩn:
Châu chấu làm sao dám đá voi,
Đứng xem ai cũng bật như cười.
Sum soe nhảy lại dương hai vế,
Ngứa ngáy không hề động tí đuôi.
Say tỉnh cuộc này ba chén rượu,
Được thua chuyện ấy một trò cười.
Cả gan cũng sợ cho mình nhỉ?
Theo đít, còn hơn một lũ ruồi!
(Châu Chấu Đá Voi)
4. Kết Luận
Từ những nhận xét trên, chúng ta có thể đi đến một cái nhìn tổng quát về hai nhà thơ. Đào Tiềm và Nguyễn Khuyến, hai người cùng sinh ra và cùng sống trong thời loạn. Và vì cả hai cùng có một cái nhìn bi quan, chán ghét thế sự đảo điên, nên cũng đã có cùng hành động là từ bỏ quan chức, về quê vui sống với điền viên. Phong cách của hai người cũng giống nhau: thích rượu, thích thơ, yêu mến thiên nhiên, sống hòa đồng với nông dân nơi chốn đồng ruộng quê mùa. Đến như đặc tính văn chương của hai người cũng cùng chung một chủ ý: bỏ lối từ chương hoa mĩ, diễm lệ, cầu kì, khuôn sáo, để chỉ chuộng lối văn bình dị, dễ hiểu, chân thật, truyền cảm; chuyên dùng những lời nói thông thường của đám người bình dân đang sống chung quanh mình.
Nhưng, như trên đã nói, vì tính cách loạn lạc của hoàn cảnh hai người không giống nhau, khiến cho hành động qui ẩn của hai người mang hai ý nghĩa khác nhau. Và từ hai ý nghĩa khác nhau đó, mà hai người, mặc dù cùng sống cuộc đời ẩn dật với phong cách giống nhau, nhưng thái độ của mỗi người thì không ai giống ai.
Trong khi Đào Tiềm qui ẩn thì tuyệt tích bụi trần, chẳng những hoàn toàn loại ra khỏi tâm hồn cái xã hội đáng ghét của loài người, mà còn ước mơ về một xã hội lí tưởng “tiểu quốc quả dân” (nước nhỏ dân ít) đã được phác họa trong sách Lão Tử.(12) Sự ước mơ đó quá nồng nhiệt, đến nỗi ông đã phải viết nên bài “Đào Hoa Nguyên Kí”, kể chuyện một ngư phủ, nhân đi theo dòng suối mà đến một khu rừng đầy hoa đào. Hết rừng đào thì hiện ra một hang núi. Ngư phủ vào hang thấy có ánh sáng lờ mờ, và đi mãi vào trong thì mới hay, bên trong đó là một xã hội riêng biệt:
“… Thổ địa bình khoáng, ốc xá nghiễm nhiên; hữu lương điền, mĩ trì, tang trúc chi thuộc. Thiên mạch giao thông, kê khuyển tương văn. Kì trung vãng lai chủng tác, nam nữ y trước, tất như ngoại nhân. Hoàng phát thùy thiều, tịnh di nhiên tự lạc… Tự vân tiên thế tị Tần thời loạn, suất thê tử ấp nhân, lai thử tuyệt cảnh, bất phục xuất yên, toại dữ ngoại nhân gián cách. Vấn kim thị hà thế, nãi bất tri hữu Hán, vô luận Ngụy, Tấn…”
(… Đất bằng phẳng, trống trải; có nhà cửa chỉnh tề; có ruộng tốt, ao đẹp, cùng các loại dâu, trúc. Bờ ruộng ngang dọc thông nhau. Nhà nhà cùng nghe tiếng gà gáy, tiếng chó sủa của nhau. Người trong đó đi lại, làm lụng, gieo trồng; đàn ông đàn bà ăn mặc đều giống như người bên ngoài. Từ người già cho đến trẻ con đều hớn hở vui tươi… Họ bảo tổ tiên vốn trốn loạn đời Tần, dắt vợ con và người làng đến nơi tuyệt địa này, rồi không bao giờ trở ra nữa. Từ đó, họ xa cách hẳn với người bên ngoài. Họ lại hỏi hiện giờ là thời nào, vì thời Hán họ còn không biết, nói chi đến thời Ngụy, thời Tấn!…)
Nguyễn Khuyến thì lại không thế. Tuy chán thế sự về ở ẩn, nhưng tâm hồn ông vẫn ưu tư về chuyện quốc gia, vẫn ăm ắp trong lòng tình yêu nước, vẫn rạt rào tình thương dân tộc:
Ngã niên vị bát bát
Nha xỉ nhất dĩ thoát
Lưỡng nhãn tiệm hôn hoa
Đầu thượng bán bạch phát
Phù sinh nhất túc diểu
Quân ân thương hải khoát
Tư dục hiệu quyên ai
Bất năng tự chấn bạc
Nhật vọng nễ bối thành
Vi sơn thỉ nhất toát
Lập tâm yếu khiêm hòa
Xuất ngôn thẩm cơ quát
Thận vật sự kiêu xa
Thận vật mộ diêu thát
Đương niệm nễ phụ tâm
Viễn tư lao đát đát
Đương niệm nễ tổ đức
Bách niên kim thỉ phát
Miễn chi hựu miễn chi
Vô phụ thử y bát
(Thơ Thị Chư Nhi Thi)
(Tuổi ta chưa tám tám,
Một chiếc răng đã rơi,
Cặp mắt mờ dần mãi,
Mái đầu bạc nửa rồi.
Tấm thân nhỏ hạt thóc,
Ơn nước rộng duềnh khơi,
Những muốn lo đền lại,
Kém tài chịu ép thôi.
Ngày mong các con khá,
Vì xứ sở tranh hơi.
Khiêm tốn nên giữ nết,
Nói năng phải lựa lời,
Chớ kiêu xa học thói,
Chớ phiếm lãng như ai.
Nên nghĩ lòng cha đó,
Xa lo, dạ rối bời.
Nên nhớ công đức tổ,
Tích lũy hàng đời người.
Phải ra công gắng sức,
Nếp xưa chớ bỏ hoài!)
(Nguyễn Khuyến tự dịch)
Chúng tôi nhấn mạnh ở điểm này để thấy rằng, tuy Nguyễn Khuyến có chịu ảnh hưởng của Đào Tiềm về phong độ, cảm hứng, cũng như ngôn ngữ văn chương, nhưng Nguyễn Khuyến vẫn là Nguyễn Khuyến của Việt-nam, vẫn có nét đặc thù của một con người đặc biệt trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Việt-nam. Trong khi Đào Tiềm nhìn đời bằng con mắt bi quan và có tư tưởng yếm thế, thì Nguyễn Khuyến cũng nhìn đời bằng con mắt bi quan, nhưng không yếm thế tí nào. Trước sau ông vẫn là một người ái quốc, dù là ái quốc tiêu cực. Từ trước tới nay, nhiều nhà khảo luận về Nguyễn Khuyến cứ cho rằng, Nguyễn Khuyến chịu ảnh hưởng sâu đậm của Đào Tiềm, mà không ai để ý đề cập đến cái đặc điểm này của Nguyễn Khuyến. Thiết nghĩ, đó cũng là một điều thiếu sót vậy.
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, q. I (Sài-gòn: Nguyễn Hiến Lê xb, 1954), trang 72.
(2) Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu (Sài-gòn: Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1958), tr. 200.
(3) Theo tài liệu của Liễu Tồn Nhân trích dẫn trong Trung Quốc Văn Học Sử (Hương-cảng: Đại Công thư cục, 1962), tr. 75.
(4) Sách đã dẫn trên, tr. 78.
(5) Sđd, tr. 75-76.
(6) Có lẽ phải viết là “thập tam niên” mới đúng; vì cứ tính khoảng thời gian ông làm quan lần đầu năm 29 tuổi, cho đến lần từ quan cuối cùng năm 41 tuổi, cả thảy được 13 năm.
(7) Nam-sơn tức núi Sài-tang ở Tầm-dương, quê Đào Tiềm, nay là phía Tây-Nam huyện Cửu-giang, tỉnh Giang-tây.
(8) Hồ Thích, Bạch Thoại Văn Học Sử (Hương-cảng: Ưng Chung thư thất, 1959), tr. 96.
(9) Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, q. I, tr. 209.
(10) Trích trong quyển Khảo Luận về Nguyễn Khuyến của Doãn Quốc Sỹ và Việt Tử (Sài-gòn: Hồng Hà, 1960).
(11) Các bài thơ chữ Hán cũng như các bài thơ tự dịch của Nguyễn Khuyến, đều được trích ra từ sách Tam Nguyên Yên Đổ của Hoàng Ý Viên.
(12) Theo Hồ Hoài Thám, Trung Quốc Văn Học Sử Khái Yếu (Hương-cảng: Lục Song thư thất, 1957), tr. 63.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Doãn Quốc Sỹ và Việt Tử. Khảo Luận về Nguyễn Khuyến. Sài-gòn: Hồng Hà, 1960.
– Dương Quảng Hàm. Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Sà-gòn: Bộ QGGD, 1958.
– Hoàng Ý Viên. Tam Nguyên Yên Đổ. Sài-gòn: Tác giả xuất bản, không đề năm.
– Hồ Hoài Thám. Trung Quốc Văn Học Sử Khái Yếu. Hương-cảng: Lục Song thư thất, 1957.
– Hồ Thích. Bạch Thoại Văn Học Sử. Hương-cảng: Ưng Chung thư thất, 1959.
– Huỳnh Minh Đức (dịch). Văn Học Sử Trung Quốc (bản quay ronéo), cùng bản chép tay các bài thơ chữ Hán của Đào Tiềm (Qui Khứ Lai Từ, Qui Viên Điền Cư, Ẩm Tửu).
– Khảo Chánh Cổ Văn Quan Chỉ, quyển III.
– Liễu Tồn Nhân. Trung Quốc Văn Học Sử. Hương-cảng: Đại Công thư cục, 1962.
– Nguyễn Hiến Lê. Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, q. 1. Sài-gòn: Nguyễn Hiến Lê, 1955.
– Nguyễn Xuân Hiếu và Trần Mộng Chu. Khảo luận về Nguyễn Khuyến. Sài-gòn: Nam Sơn, 1960.
– Phạm Thế Ngũ. Những Thời Kỳ Chính Văn Học Sử Trung Hoa. Sài-gòn: Phạm Thế.
– Phạm Thế Ngũ. Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên. Sài-gòn: Phạm Thế.
– Phan Khoan. Trung Quốc Sử Lược. In lần thứ ba, 1958.
– Thế Nguyên. Nguyễn Khuyến. Sài-gòn: Tân Việt, 1957.
– Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Sài-gòn: Tân Việt, 1958.
Hạnh Cơ