Trong nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan (nhân và duyên) dẫn đến thành tựu đỉnh cao của thơ trào phúng Tú Xương, mà các chuyên gia đã xác định, có một nguyên nhân quan trọng:
Tú Xương đã sử dụng một cách thoải mái tự như và tai quái thể thơ Đường luật.
Thoải mái tự như khi sáng tác bằng thể thơ Đường luật là điểm chung của các nhà thơ Việt Nam trung – cận đại; còn “tai quái” thì Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương là “cao thủ”.
Trong quá trình xây dựng nền văn học viết của dân tộc, người Việt đã tiếp nhận hầu hết các thể loại văn học Trung Quốc, đặc biệt là thơ. Trong đó thơ Đường luật (gồm luật thi (8 câu) và tuyệt cú (4 câu)) được tiếp nhận và cải biến sâu sắc nhất và đạt được thành tựu cao nhất. (Trong thơ Việt Nam trung – cận đại có đến hơn 80% tác phẩm theo thể Đường luật, kể cả chữ Hán và chữ Nôm).
Do quy luật của tiếp biến văn hóa, một thể loại văn học được tiếp nhận bao giờ cũng được bản địa hóa ở những mức độ khác nhau. Ở ba nước cùng tiếp biến sâu sắc ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc (Nhật Bản, Triều Tiên – Hàn Quốc và Việt Nam) đều có hiện tượng bản địa hóa thể thơ Đường luật. Nhưng ở Nhật Bản và Triều Tiên, các nhà thơ chỉ sáng tác thơ Đường luật bằng chữ Hán do chữ Kana và chữ Hangun, đọc theo ngữ âm Nhật Bản và Triều Tiên, không thể sáng tác thơ Đường luật được vì đó là những thứ ngữ âm chắp dính, không có thanh điệu, chỉ có ngữ âm đơn tiết đa thanh mới có thể làm thơ Đường luật(2). Tiếng Hán và tiếng Việt có chung đặc điểm ngữ âm này, nên thơ Đường luật do người Việt sáng tác có cả chữ Hán và chữ Nôm. Bởi vậy quá trình Việt hóa thơ Đường luật mới đạt đến mức độ “thoát thai hoán cốt” để có được thành tựu cao với thơ Đường luật (cả chữ Hán và chữ Nôm – tức “thơ Nôm Đường luật”).
Thơ Nôm Đường luật đã chín muồi. Vào tay Tú Xương, ông cầm thể thơ này như một thứ “vũ khí”, một thứ công cụ quen tay, vừa tay, thuận tay; như cầm đôi đũa – sơn hào hải vị cũng “thời” được mà rau dưa cũng có ý vị riêng.
Cũng như ai, Tú Xương thường làm thơ Đường luật, kể cả luật thi và tuyệt cú.
Trong bộ sách Tú Xương toàn tập (Nxb Văn học, 2010) do tiến sĩ Đoàn Hồng Nguyên biên soạn, tác phẩm của Tú Xương gồm 134 bài (không kể phần tồn nghi). Ngoài những thể loại khác (hát nói, lục bát, phú, văn tế, câu đối), thơ Đường luật có 108 bài, chiếm tỷ lệ 81%. Cũng như các nhà thơ trung cận đại Việt Nam, Tú Xương chủ yếu làm thơ thất ngôn, rất ít thơ ngũ ngôn (5/108).
Lại nữa, về cơ bản, thơ Đường luật của Tú Xương tuân thủ khá nghiêm túc các yêu cầu chặt chẽ của thể thơ này, rất ít trường hợp phá cách.
Có thể nói, về phương diện thể thơ, Tú Xương không có sáng tạo gì mới.
Vậy thì, điểm độc đáo nào là của riêng Tú Xương khiến ông trào phúng bằng
thơ Đường luật, một thể thơ đã cũ, mà vẫn tự lập nên “tiếng nói của một nhà” để chiếm “đỉnh cao”?
Độc đáo là so với cái chung. Vậy nên trước khi xác định cái mới lạ, cái riêng có của Tú Xương cũng cần lược giải về quan niệm và dạng thức cổ điển của thơ Đường luật.
Ông Lâm Ngữ Đường, trong cuốn Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa, nói rằng: “Người Trung Quốc coi thơ là tuyệt đỉnh của văn học nghệ thuật”.
Thơ Đường luật là kết tinh trí tuệ, điệu tâm hồn và đặc điểm ngôn ngữ của người Trung Quốc trung đại. Họ rất sùng thượng thể thơ này, đến mức trong thơ từ đời đường Đường đến đời Thanh thơ Đường luật chiếm tỷ lệ hơn 80% (đây cũng là tỷ lệ trong thơ Việt Nam trung cận đại và trong thơ Tú Xương). Đối với người Trung Quốc đây là thể thơ “quý phái” cao nhã. Nó được dùng để trữ tình một cách tế nhị, trang nhã hay ngôn chí, thuật hoài, triết luận một cách trang trọng, nghiêm túc.
Với quan niệm tôn ti thâm căn cố đế, người Trung Quốc không dám và không thể dùng thể thơ “quý phái” này để trào lộng. Người ta có thể trào phúng, ngông ngạo trong thể loại văn học khác, nhưng đến với luật thi thì ai cũng “chịu phép”, công nhận “luật thi cũng giống như kỷ luật dụng binh, pháp luật hình án, nghiêm ngặt, chặt chẽ, không được vi phạm” (Tiền Mộc Yêm – Đường âm thẩm thể).
Khi mới du nhập vào Việt Nam, ở thời kỳ Lý – Trần, thể thơ này cũng được sử dụng một cách trang trọng nghiêm túc như thế trong thơ chữ Hán. Chỉ từ khi xuất hiện thơ Nôm Đường luật thì cảm hứng phê phán mới dần dần tràn vào thể thơ này, mà người mở đầu có lẽ là Nguyễn Bỉnh Khiêm; để rồi khi xã hội phong kiến khủng hoảng thì bùng nổ tràng cười khanh khách của Hồ Xuân Hương và một số “tài tử’ cùng thời như Chiêu Lỳ, Chiêu Hổ.
Và khi đất nước bị xâm lược, xã hội phong kiến khủng hoảng lại bị thực dân hóa trở thành đối tượng trào phúng của thơ, đặc biệt là thơ Đường luật.
Các nhà thơ như Phan Văn Trị, Học Lạc, Nguyễn Khuyến,… đặc biệt là Tú Xương đều trào phúng bằng thơ Đường luật. Trong đó, Tú Xương được công nhận là đỉnh cao (ở Nguyễn Khuyến tỷ lệ thơ trữ tình, tỏ lòng… cao hơn).
Chúng tôi nhận thấy thơ trào phúng bằng thể thơ Đường luật của Tú Xương có những đặc sắc:
– Đề tài đời thường, đời tư của con ngươì thế tục, con người cá nhân.
– Cảm hứng trào lộng đậm đặc.
– Tận dụng các đặc trưng của thể loại một cách “tai quái”.
– Ngôn ngữ suồng sã, thông tục.
Trước hết nói về đề tài:
Trong thơ Đường luật cổ điển, người ta thường viết về những đề tài rộng lớn, đề cập đến quốc gia đại sự, thiên địa càn khôn… hay thể hiện tâm tình, khí phách… Nếu nói về đời thường, đời tư, con người cá nhân… người ta sẽ dùng thể thơ khác (cổ thể, ca, ngâm, từ…) thơ Tú Xương hầu như chỉ nói về đời thường, ghi lại những hiện tượng xấu xa, lố lăng, kệch cỡm, chướng tai gai mắt.
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa…”
(Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu)
“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”
(Giễu người thi đỗ)
“Nhà kia lỗi phép con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”
(Than đời)
Một triều vua chỉ còn khép nép với một đồng tiền không còn giá trị nhặt được nơi bậu cửa (Bắt được đồng tiền).
Những “ông nghè ông cống cũng nằm co” tội nghiệp, những quan đốc, ông cò, ông cử, chú hàn, vênh váo đê tiện, những ông đồng bà cốt, ông sư láo lường, những “thầy khóa tư lương”, cô đầu, đĩ rạc… trong “ta bà thế giới” Thành Nam được Tú Xương lùa vào thơ Đường luật của ông.
Trong thơ Việt Nam trung cận đại chưa bao giờ có một thế giới “chúng sinh” xô bồ nhố nhăng đến thế. Và nếu người Trung Quốc đọc thơ trào phúng theo thể Đường luật của người Việt (đặc biệt là thơ Hồ Xuân Hương và Tú Xương) ắt phải sửng sốt vì thấy tấm lễ phục “Đường luật” của họ được các tay quái kiệt phương Nam đem khoác cho các anh hề.
Ở thế giới ấy, không gian nghệ thuật chật chội tù túng, thời gian nghệ thuật ngắn ngủi, hạn hẹp.
Trong thơ Tú Xương không thấy hình tượng thiên nhiên với “sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong” cùng với con người làm nên thế giới của sự hòa điệu như trong Đường thi cổ điển. Vào tay Tú Xương không gian chỉ còn quanh quẩn với chợ Rồng, Hàng Song, Hàng Nâu, Hàng Thao, Phố Giấy… Hiếm hoi lắm mới có núi, nhưng chỉ là “non” trong tưởng tượng mờ nhạt.
“Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non”
(Năm mới chúc nhau)
“Mấy năm vượt bể lại trèo non”
(Gửi ông thủ khoa Phan)
Hiếm hoi lắm mới gặp chữ “sông” nhưng chỉ là “mom sông” hay “sông lấp”.
Con người “nằm co” dưới “hai mái trống toang đành chịu dột”…
Thời gian nghệ thuật cũng rất hạn hẹp với những tháng, ngày, giờ cụ thể. Không hề có “thiên niên” “vạn cổ” của thời gian hoài cổ, tâm tưởng kiểu “Đường thi”. Nhà thơ có “hoài niệm” một chút thì cũng chỉ đến “mái tóc giáp thìn”, “điểm đầu canh tý” mấy năm trước; càng chẳng có thời tương lai, nhiều lắm thì cũng chỉ là “khoa này tớ hỏng khoa sau đỗ” rất gần gặn, nhưng cũng chỉ là “lập chí” hão vậy thôi, chứ “cầm chắc” hơn là “ngày mai tớ hỏng tớ đi ngay”. Thơ Tú Xương là những bản “tốc họa”, “biếm họa”, những bài “tốc ký” về cái cảnh vật và con người thế tục, con người cá nhân “ở đây”, “lúc này”. Chất liệu thực tại ngồn ngộn trong thế giới nghệ thuật của ông.
Và, điều này cần phải ghi công cho Tú Xương: Nam Định, một thành phố khá điển hình của đồng bằng Bắc Bộ đang bị thực dân hóa, con người đang hối hả thị dân hóa; “người bao tỉnh”, người đời sau biết đến “đất ấy” một cách tỏ tường là nhờ Tú Xương vậy.
Có thể nói, so với thơ Đường luật cổ điển, thế giới nghệ thuật thơ Tú Xương được “lạ hóa” đến “hết đát”, không tiền khoáng hậu.
* * *
Cảm hứng trào lộng đậm đặc là một điểm đặc sắc nữa trong thơ Đường luật của
Tú Xương.
Nói đặc sắc vì cảm hứng trào lộng vốn xa lạ với thơ Đường luật cổ điển, một thể thơ “quý phái” cao nhã.
Tú Xương không phải là người đầu tiên đưa cảm hứng trào lộng vào thơ nôm Đường luật. Nhưng chỉ đến Tú Xương cảm hứng trào lộng trong thơ Đường luật mới đậm đặc
đến thế.
“Đến thế” là đến thế nào đây?
Là cứ 10 bài thì có đến 9 bài trào lộng!
Chúng hiện ra rất rõ ở các đầu đề “bỡn”, “chế”, “giễu”, “đùa”, “cười”, “chửi”,…; dù cho không có những chữ ấy ở đầu đề thì bản thân các bài thơ cũng đầy ắp tiếng cười – khi cay đắng ngậm ngùi, khi mỉa mai khinh miệt, khi phẫn hận cay cú.
Thế nên cứ nói đến thơ trào phúng là người ta lập tức nghĩ đến Tú Xương; nhắc đến Tú Xương là lập tức nghĩ đến thơ trào phúng Đường luật.
Lại nữa, thơ trào phúng của ông phần lớn là hay. Còn những bài không mang ý vị trào lộng thì vốn đã ít mà bài hay lại càng ít.
Ngòi bút sắc sảo của ông “càn quét” hết những hiện tượng, những con người xấu xa, bỉ ổi, lố lăng, đê tiện… đến nỗi khó lòng trích dẫn những bài hay, câu hay tiêu biểu vì rất nhiều, dẫn bài này lại bất công với bài kia; vả lại hầu như mọi người cũng thuộc nhiều.
Ngay đến bài Thương vợ thể hiện tình cảm rất chân thành thì phần kết vẫn cay đắng xót xa một nỗi tự trào.
Riêng cảm hứng tự trào thì chắc chắn không có ai sánh nổi Tú Xương.
“Cười người chớ có cười lâu
Cười người hôm trước hôm sau người cười”
(Ca dao)
Tú Xương “cười người” thật nhiều, thật “lâu” mà “cười mình”, “chê mình” cũng thật nhiều, thật lâu; không đợi đến “hôm sau” mà ngay lúc này, ngay khi cười người cũng ngụ cả ý cười mình (tự trào) trong đó. Xưa nay, trong thơ, thiên hạ rặt khoe tài, Tú Xương rành khoe tật. Thơ ông có những bài Tự vịnh, Tự đắc, Tự ngụ, Tự tiếc…. và ba bài mang đích danh Tự trào. Ngọn roi “tự phê bình”, “tự kiểm điểm” của Tú Xương không hề nương nhẹ cho mình, thậm chí còn thái quá, “vượt ngưỡng” khi ông “tự vịnh” mình “dở dở lại ương ương”, “… thường ăn quỵt… lại chơi lường”.
Trong văn học cận đại Việt Nam có một hiện tượng chưa từng có, đó là sự xuất hiện những con người mang mặc cảm – mặc cảm bất lực ở Tự Đức, mặc cảm tội lỗi ở Tôn Thọ Tường, mặc cảm hổ thẹn ở Nguyễn Khuyến,… và đặc biệt mặc cảm sống thừa (“vô tích”) ở Tú Xương. Cảm hứng tự trào, cũng đậm đặc, ở Tú Xương chính là sự “nổi cộm” lên của mặc cảm “có… như không” này. Đã thế, cứ thường xuyên “tự phê bình”, “tự kiểm điểm” để rồi cứ thường xuyên tiếp tục… “tái phạm”, không “chừa” được.
Thế giới nghệ thuật của Tú Xương là thế giới của sự bất bình, phản cảm, phản tư.
Tiếng cười của Tú Xương nổi lên giữa văn đàn cận đại, nhiều sắc độ, nhiều cung bậc và nó khiến người đọc không ngớt bật cười.
“Đại phàm văn đọc lên mà bật cười đều là moi tim chắt máu viết nên”.
Lời Kim Thánh Thán cực chuẩn với tiếng cười Tú Xương.
Người Trung Quốc hẳn cảm thấy bất ngờ: thể thơ Đường luật “quý phái” cao nhã, đứng đắn, nghiêm túc… của họ lại hàm ẩn khả năng thích nghi với tiếng cười trào lộng.
Điều này được chứng minh bởi các tay quái kiệt phương Nam như Hồ Xuân Hương, Tú Xương…
Một tiêu chuẩn của thơ hay là phải gây được ấn tượng sâu sắc, phải dễ nhớ, dễ thuộc. Thơ Đường luật khéo đáp ứng được yêu cầu này. Nó tối đa 56 chữ, tối thiểu 20 chữ hoặc “cho tiện” thì có thể lưu vào “bộ nhớ” một cặp câu đối (14 chữ hoặc 10 chữ), một câu kết (7 chữ hoặc 5 chữ); nhiều khi không cố ý “lưu” thì nó cũng “tự động” lắng vào nơron ký ức. Mà xem ra người nhớ và thuộc thơ Tú Xương phần nhiều là không cố ý.
Một cách tự nhiên, Tú Xương đã phát huy được ưu thế của thơ Đường luật để tạo ấn tượng, để đập mạnh vào cảm thức của người đọc bằng những cặp câu đối, bằng kết cấu chặt chẽ mà trọng tâm ý nghĩa, năng lượng của bài thơ thường tích tụ ở phần kết, có khi chỉ là một câu, thậm chí một chữ.
(Cũng là tác phẩm của Tú Xương nhưng ở thể loại khác không gây ấn tượng dễ nhớ dễ thuộc như thể Đường luật)
Cần chi phải cố ý, cứ đọc qua một đôi lần là nhớ
“Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”
“Ngủ quách, sự đời thây kẻ thức”
Hoặc: “Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta”
Cảnh tượng.
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra”
Chỉ cần 28 chữ đã vẽ ra được bức tranh thu nhỏ của xã hội phong kiến tàn tạ đang bị thực dân hóa. Bài thơ được mở đầu bằng “Nhà nước”, kết thúc bằng “nước nhà”. Nhà nước đáng ra là đại biểu của nước nhà mà giờ đây đối lập, cách xa đến thế.
Đây nữa
“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”
(Giễu người thi đỗ)
Câu đối câu, chữ đối chữ, thanh đối thanh chan chát. Cặp câu đối cực chuẩn và vẽ ra nỗi nhục mất nước cũng cực chuẩn. Chỉ 14 chữ mà vùi đám trí thức nô lệ bản xứ dưới cái bóng bẩn thỉu của “mẫu quốc”. Lại nữa, “đầu rồng” mà mất nước thì cũng chỉ có thể ngoi ngóp dưới cái “đít vịt” thực dân mà thôi. Càng cay cú hơn là cái người muốn “sướng” như đám “người thi đỗ” kia mà chẳng được, chỉ có thể đứng trong “đàn thằng hỏng” này mà “giễu” (!) “Giễu” người khi mà mình cay cú vì không được “sướng” như người mình giễu (!).
Phải công nhận là lối đối ngẫu của thơ Đường luật đã được Tú Xương phát huy “công lực” một cách tuyệt vời để vạch rõ mâu thuẫn, phản cảm.
Kết cấu chặt chẽ của thể thơ Đường luật với trọng tâm ở phần kết (“khai thừa chuyển hợp” của tuyệt cú và “đề thực luận kết” của luật thi) vừa khéo là mô hình thu nhỏ của một quá trình tư duy. Nó là một hệ thống hoàn chỉnh như một cơ thể sống lại đầy sức khơi gợi, lan tỏa, mời gọi những liên tưởng ngoài hệ thống, tăng hiệu quả thẩm mỹ, hiệu ứng nghệ thuật.
Sao mà Tú Xương sành đến thế với cấu trúc đặc biệt này? Chỉ có thể giải thích bằng năng khiếu bẩm sinh trời phú, nhìn cái gì cũng lập tức gọi ra được bản chất khôi hài, quái gở,… nghịch cảnh đau lòng của hiện tượng.
Thử đi vào hai tác phẩm tiêu biểu cho hai thể thơ, cũng tiêu biểu cho hai ngọn triều tình cảm của Tú Xương: Thương vợ và Đùa ông phủ (một “thương” một “đùa”).
Thương vợ là bài thơ đặc biệt của Tú Xương, là bài thơ viết về người bạn đời hay nhất, cảm động nhất trong thơ Việt Nam trung cận đại.
Bài thơ mở đầu bằng một “tổng quát” – “Quanh năm”, kết thúc bằng một sự bẽ bàng, một nỗi ngậm ngùi chua xót “có…như không”
Với 56 chữ Tú Xương vẽ nên hình tượng tảo tần, vị tha, nhẫn nại của bà Tú, một điển hình của người vợ, người phụ nữ Việt Nam.
Câu khai đề mở ra hình tượng nhân vật chính “quanh năm buôn bán ở mom sông”. Suốt thời gian tần tảo làm lụng một cách lặng lẽ lầm lũi trong cảnh bấp bênh để “nuôi đủ năm con với một chồng”. Đủ nghĩa là không thiếu – không thiếu một ai, không thiếu một thức gì, từ tấm “áo bông mùa nực” tội nghiệp đến “giày giôn anh diện ô tây anh cầm” xa xỉ. “Nuôi đủ năm con” đã hết hơi, lại còn đèo bòng thêm “một chồng”. Cái đức ông chồng gia trưởng đáng ra phải là trụ cột mà, lại “quanh năm” mon men đứng chót hàng quân. Câu “thừa” này làm rõ thêm hình tượng nhân vật chính – “nuôi đủ” sáu nhân vật phụ “ăn theo”.
Hai câu “thích thực” tạo hình rất chân thực, sống động.
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Hai câu chạm khắc hình ảnh người vợ nghèo muôn thuở của đồng bằng Bắc Bộ với những chi tiết vừa cụ thể vừa điển hình. Bà Tú là “Con cò lặn lội bờ sông” từ trong ca dao bước vào thơ Tú Xương để “có con vất vả vì con, có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng” mà cụ thể là “năm con với một chồng”.
Hai câu luận thể hiện được nội tâm, tính cách nhẫn nại, cam chịu, thầm lặng hy sinh không tính toán, không “dám quản công” của bà Tú vừa thể hiện niềm cảm thương vô hạn của ông Tú trước sự đảm đang vị tha của bà Tú. Đó cũng là hình tượng truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. (Còn ai vớ phải đức ông “thân cư cung thê” thì “âu đành phận” làm bà Tú vậy).
Hai câu kết càng tuyệt vời. Nó vừa bất ngờ vừa tất yếu.
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Bất ngờ! Vì đang “thương vợ” đột ngột chửi đời. Nhưng chửi đời là chuẩn bị mắng mình ở câu cuối cùng. Vả lại câu cuối này còn được chuẩn bị từ câu luận ở trước, khi ông cảm thương bà Tú phải “Một duyên hai nợ…”
“Cục nợ” ấy xuất hiện ở câu cuối:
“Có chồng hờ hững cũng như không”
Cái sự thực này nhiều lắm nhưng chỉ Tú Xương mới thật thà, cay đắng thừa nhận cái vị trí “Có như không” của mình.
Tất yếu! Vì bà Tú “quanh năm”, tất cả thời gian, cuộc đời, “nuôi đủ” không thừa ra thức gì để “cục nợ” phải lo toan nữa. Đầu cuối tương ứng thế.
Đây cũng là ấn chứng, là tín hiệu của mặc cảm “sống thừa” ở Tú Xương. Mặc cảm ấy không chỉ “nổi cộm” lên ở bài này nhưng ở câu này nó “hiển ngôn” – với nhà ta là kẻ “có như không”, với đời ta là kẻ “thái vô tích”.
Hình tượng thơ vừa quen vừa lạ khi ta đến với tấm lòng thương vợ của Tú Xương; vừa “quen” vừa “lạ” như Tú Xương vậy.
Bài thất ngôn bát cú này rất chuẩn về mặt hình thức thể loại, tuân thủ nghiêm túc tất cả các yêu cầu của “luật thi” về niêm, luật, vận, đối, tiết điệu và kết cấu. Đúng luật là điều bình thường. Lạ một điều là chưa bao giờ trong thơ của Tú Xương (và có thể là cả trong thơ Nôm Đường luật nói chung) lại có nhiều con số đến thế. Bài thơ 8 câu có 9 con số
Đó là hai “con số” tổng ở hai câu đầu (“quanh” và “đủ”). Bốn câu giữa có 6 con số thực: 5 (con), 1 (chồng), 1 (duyên), 2 (nợ), 5 (nắng), 10 (mưa). Rồi kết bằng một con số “O” (không) rất hư và rất thực.
Không rõ Tú Xương có cố ý không (chắc là không cố ý đâu), những con số ấy cứ tự phát, tự nhiên mà đến. Bà Tú đâu “dám quản công” nhưng ông Tú thì kể, tính đếm công vợ một cách tỉ mỉ. Hình như, một cách vô thức, ông tính đếm như một “cô lái” thực thụ. Thì ra, cái ông chồng “hờ hững” ấy ân tình thiết tha đến thế.
Có vẻ như, với một bài Thương vợ, bà Tú (và có thể cả người đọc) “cho qua” hết những thói tật của ông Tú “dở dở lại ương ương” này.
Bài Đùa ông phủ là một trong những bài tiêu biểu cho cảm hứng trào lộng trong thơ Tú Xương, cũng đại biểu cho thơ tuyệt cú (4 câu) của ông. Ngữ khí của bài thơ có vẻ nhẹ nhàng, nhưng là thứ nhẹ nhàng “chết người” – cũng như ngón điểm huyệt trong võ công vậy.
“Tri phủ Xuân Trường được mấy niên
Nhờ trời hạt ấy được bình yên
Chữ y chữ chiểu không phê đến
Ông chỉ quen phê một chữ tiền”
Câu thứ hai có bản ghi là “Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên”, nhưng chữ “được” tuy lặp mà có ý vị riêng. Ông Phủ “được” danh (tri phủ) lại “được” công (hạt… bình yên), thành thử ông nhàn lắm. Hạt được bình yên nên ông cũng được bình yên, đến những chữ vô thưởng vô phạt như chữ “y” (chấp thuận), chữ “chiểu” (cứ thế mà làm) ông cũng khỏi cần nhấc tay phê đến. “Rũ áo mà cai trị” là một cụm từ người xưa hay dùng để ca ngợi kiểu cai trị lý tưởng, để cho trên dưới đều được “nghỉ ngơi ở chỗ vô vi”. Ba câu đầu bình bình nhẹ nhàng vậy thôi; và người đọc cũng cảm thấy yên tâm, thấy một ông phủ nhàn hạ “vỗ yên trăm họ” ở một địa phương. Đã tưởng bình thường, bỗng nhà thơ “gây chú ý” bằng một động tác đặc biệt của ông phủ:
“Ông chỉ quen phê một chữ…”
Ái chà! “Của độc” đây, bí quyết “bình yên” nhàn hạ của ông quan “lý tưởng” đây.
Chữ gì vậy?
“… tiền”
Vậy ra, bài thơ 28 chữ thì 27 chữ trước đều chỉ là những bước chuẩn bị, là lặng lẽ giương cung để một chữ “tiền” phóng vút ra như một mũi tên xạ đúng tim đen ông phủ.
“Muốn làm một bài thơ tuyệt cú hay thì phải bắt đầu bằng câu cuối”.
Tú Xương đã bắt thóp ông phủ bằng một chữ cuối. Quả là “tuyệt chiêu” điểm đúng tử huyệt. Mũi tên nghệ thuật của nhà thơ hạ gục ngay ông phủ Xuân Trường, cũng là mọi ông quan thời ấy và mọi thời. Chừng nào còn chế độ quan liêu thì chừng đó các ông quan đều là “ông phủ Xuân Trường”. Bí quyết làm quan của ông phủ chỉ một chữ, bí quyết nghệ thuật của Tú Xương cũng chỉ một chữ. Ở bài thơ này Tú Xương đã phát huy ưu thế của kết cấu thơ tuyệt cú (đặt trọng tâm ý nghĩa ở câu cuối) đến tuyệt đỉnh – toàn bộ sức nặng bài thơ đặt vào một chữ cuối.
Làm quan được “danh”, được “công” lại được “đại lợi”, thảo nào mà thiên hạ xưa nay cứ nhao nhao mua quan bán tước (!). Sĩ tử nào cũng mong thi đỗ làm quan để được “bình yên” thụ hưởng danh lợi – thế nên thi không đỗ thì thật là cay cú!
Có vẻ như cay cú cũng là một mặc cảm nữa.
(“Thi không ăn ớt thế mà cay”)
Tạm lấy hai ví dụ trên để chứng minh cho luận điểm: Tú Xương đã phát huy những đặc trưng thể loại của thơ Đường luật, để sáng tạo nên thế giới nghệ thuật trào phúng độc đáo của mình.
* * *
Cuối cùng là vấn đề đầu tiên, “yếu tố thứ nhất của văn học” – ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Đường luật Tú Xương.
Nhà thơ lớn là bậc thầy ngôn ngữ. Tú Xương cũng là một bậc thầy, một biệt tài
ngôn ngữ.
Chưa ai có biệt tài đưa ngôn ngữ đời thường, thông dụng, suồng sã, thậm chí thô tục vào thơ Đường luật một cách đậm đặc như Tú Xương. (Những bài thuần ngôn ngữ nghiêm trang, tao nhã trong thơ ông rất hiếm).
Là một thể thơ “quý phái”, tao nhã, thơ Đường luật cổ điển tao nhã đến tận mỗi “tế bào” – ngôn ngữ thơ Đường luật trang trọng, tao nhã với tỉ lệ danh từ chiếm ưu thế (so với động từ) với nhiều điển cố, ngôn từ ước lệ, mở ra một thế giới nghệ thuật tĩnh lặng, cao vời – thế giới của sự hòa điệu (Trong thơ Nôm đường luật thì tiêu biểu là thơ của Bà huyện Thanh Quan).
Vào tay Tú Xương, thơ Đường luật đành “chịu phép”, chấp nhận một hệ thống ngôn ngữ phức tạp, xô bồ sống động với tỉ lệ động từ cao, với từ ngữ “suồng sã”, “chợ búa”, thậm chí thô tục của tay “phù thủy” “hay Nôm” này, mà ở chỗ nào cũng thấy những từ này chuẩn xác, được đặt đúng chỗ, đắc địa.
Chẳng hạn:
Suồng sã: “Một đàn thằng hỏng”, “có một cô lái”, “khỉ ơi là khỉ”, “mà chó thế”, “…rặt phường hay chữ”, “ba cái lăng nhăng”.
Chợ búa: “cô lái”, “eo sèo”, “đắt hàng”, “nhà thổ ế”, “nợ mướn van thay”, “ăn quịt chơi lường”, “một vốn bốn lời”…
Thô tục: “Bố cu”, “mẹ đĩ”, “con cò”, “đi xia”, “đít vịt”…
Tú Xương không ngần ngại đưa luôn cả tiếng chửi vào thơ Đường luật “chết bỏ bu”, “chết bỏ đời”, “cha mẹ thói đời”, “bá ngọ”… thậm chí cả chửi tục.
Tú Xương rất sành dùng từ láy: “dở dở ương ương”, “lăm le, tấp tểnh”, “lặn lội, eo sèo”, “lim dim, nhấp nhổm”, “đì đẹt, om xòm”, “lăng nhăng”, “chí cha chí chát”,… hầu như bài nào cũng có từ lấp láy, một điều rất hiếm thấy trong thơ Đường luật.
Tú Xương chỉ “chơi” ngôn ngữ đời thường, hay dùng thành ngữ dân gian, cực hiếm những điển cố, những từ ước lệ rất phổ biến trong thơ Đường luật cổ điển.
Đặc biệt, thầy phù thủy ngôn ngữ Tú Xương còn “khiển” cả đám “âm binh”, đưa chúng trà trộn vào trong câu thơ mà vẫn không thấy lạc ngũ. Đó là lớp từ Tây bồi, Tàu bồi và cả… Quốc ngữ bồi. Thường, người ta chỉ dè bỉu thứ tiếng Tây bồi. Tú Xương thì trộn lẫn nháo nhào các thứ này với nhau thành món “nộm – sa lát” khoái khẩu, hạp với những kẻ tấp tểnh thị dân hóa:
“Ông cò”, “Méc sì bố cu”…
“Hẩu lố méc xì thông mọi tiếng”…
“Á ớ u âu ngọn bút chì”.
Quái kiệt! Đúng là tiếng nói của cái thời mọi giá trị đảo điên, ngôn ngữ ngọng nghịu.
Quả thật về một số điểm, chẳng hạn như về biệt tài nói lái, thì Tú Xương phải bái Hồ Xuân Hương làm bậc chị. Nhưng mà thôi, thiên hạ lắm người tài, ông Tú là một trong những bậc kỳ tài.
Vậy là, cả đến cấp cơ sở là ngôn ngữ, hệ thống ngôn ngữ trong thơ Tú Xương có một sự “lạ hóa”, khác xa thơ Đường luật cổ điển. Bên thì nhiều danh từ trong một thế giới hòa điệu của sự tĩnh lặng, bên thì lắm động từ trong một thế giới náo động, xô bồ; bên thì ngôn từ trang nhã và nhiều ước lệ, bên thì ngôn từ thô tục, suồng sã, chợ búa,… phồn tạp đầy chất liệu thực tại của một xã hội đang vội vã, loay hoay vặn mình dưới bàn tay ham hố của thực dân… Khác xa cả ngàn năm “cổ điển”.
* * *
Thơ Đường luật của Tú Xương đích thị là thơ Đường luật. Niêm, luật, vận, đối, tiết điệu, kết cấu – nghĩa là tất cả những “luật” nghiêm ngặt của thơ Đường luật đều được tuân thủ. Có đôi chỗ phá cách – thì đã sao? Đến như Đỗ Phủ, Thôi Hiệu đôi khi cũng phá cách mà.
Nhưng thơ Đường luật vào tay Tú Xương đã được “lạ hóa” đến độ Là Đường thi đó mà không phải “nàng”. Không phải “nàng” vì đã vào tay Tú Xương.
Đây là một sự thay đổi, lạ hóa có hệ thống: Từ đề tài, cảm hứng sáng tạo (thuộc phạm trù nội dung) đến hình tượng nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật, lối “phản đối”, (tức đối ngẫu tương phản), phản tư, hệ thống ngôn ngữ (thuộc phạm trù hình thức, bút pháp) Trần Tế Xương đã thực hiện đến tột đỉnh quá trình “thoát thai hoán cốt” thể thơ Đường luật bằng thành tựu thơ Nôm Đường luật trào phúng, đưa ông lên đỉnh cao.
Sau Tú Xương, thơ trào phúng không gây ấn tượng sâu và dễ nhớ, dễ thuộc, thường xuyên đi vào cuộc sống đời thường của nhiều lớp người đến thế. Phải chăng vì các thể thơ khác khó lòng “hạp” với cảm hứng trào lộng như thể thơ Đường luật, một thể thơ trữ tình tao nhã nhưng lại ngầm tích hợp tiềm năng thích nghi, năng lực “dĩ bất biến ứng… đa biến”. (Chẳng hạn thơ Tú Mỡ thật ít người nhớ được), và quan trọng nữa là vì: năng khiếu “cười” của Tú Xương là vô địch, không lặp lại. (Thì chẳng hạn như – mấy ai nhớ nổi thơ “Thợ rèn”, dù “Thợ rèn” cũng hay viết theo thể Đường luật).
Có thể nói thế này được chăng?: Tú Xương, một cách tự phát, không hề cố ý, đã sử dụng bút pháp nghịch dị. Đã vào cuộc chơi thì tuân thủ luật chơi nhưng lại tai quái chơi luật; chấp nhận cái khung thể loại nhưng lại tai quái “nhồi’ (chữ của Tú Xương) vào một hệ thống chất liệu hoàn toàn lạ, khiến: vào tay Tú Xương thì… Là Đường thi đó mà không phải “nàng”.
Và như thế, cùng với những hướng tiếp cận đã và đang được sử dụng (như xã hội học, văn hóa học, phân tâm học, thi pháp học, văn học so sánh…), hẳn là có thể tiếp cận thơ Đường luật Tú Xương bằng lý thuyết trò chơi… Nhưng đó là nhiệm vụ của công trình khác, của người trẻ tuổi năng lực sung mãn, sành “chơi”.
Ở đây, người viết chỉ làm cái việc tìm hiểu “Thể thơ Đường luật vào tay Tú Xương” mà thôi.
—————–
ĐỌC THƠ TÚ XƯƠNG CẢM TÁC
Thiên hạ rặt khoe tài
Tú Xương rành khoe tật
Tài cao xui lật đật
Khóc nên tiếng khôi hài
Ví có “chuyên khoa trật”
Giải nhất chẳng nhường ai
Cậy chi tám đấu tài
Lương vợ dư tiêu vặt
Tháng 9/2016
(Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Tú Xương 1917 – 2017)
————————————————
(1) Nguyễn Thị Hòa Bình, Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn, NXB Thanh Niên, Hà Nội 2000,
tr.144 – 148.
(2) Ngay cả Hán ngữ hiện đại cũng không mấy phù hợp với thể Đường luật vì qua quá trình phát triển, thanh điệu và âm vận của tiếng Hán hiện đại đã thay đổi nhiều so với “Đường âm”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hải
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế