Muốn đánh thắng ngoại xâm bảo vệ toàn vẹn đất nước thì phải có sức mạnh vượt trội, sức mạnh thần tốc như sức mạnh của hình tượng Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng. Sức mạnh ấy là gì? Từ đâu ra?. Sức mạnh của Gióng là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố: Tinh thần và vật chất, con người và vũ khí, cá nhân và cộng đồng. Khi nào dân tộc kết hợp được các yếu tố trên thì chúng ta sẽ có sức mạnh vượt trội để chiến thắng ngoại xâm.
Đi vào phân tích truyền thuyết chúng tôi thấy mỗi chi tiết trong truyện đều góp phần thể hiện một cách rõ ràng nội dung bài học giữ nước đó.
Trước hết chúng ta tìm xem yếu tố tinh thần và yếu tố vật chất đã được tác giả dân gian gởi vào câu chuyện như thế nào. Người Việt ai cũng có tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ đất nước. Yếu tố tinh thần có tính quyết định cơ bản trong việc đấu tranh chống ngoại xâm. Chi tiết cậu bé Gióng sinh ra ba năm không nói không cười, không khóc, sống lặng lẽ với mẹ và xóm làng nhưng khi đất nước có ngoại xâm, khi nghe tiếng truyền hịch từ sứ giả của Vua Hùng cần tìm người hiền tài giúp nước chống giặc thì ngay lập tức cậu bé Gióng biết nói và tiếng nói đầu tiên trong đời cậu bé là tiếng nói hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước. Một cậu bé cũng biết nguy cơ ngoại xâm và sẵn sàng tham gia đoàn quân cứu nước cho thấy yếu tố tinh thần chống ngoại xâm là thường trực trong mỗi con dân Việt. Đó cũng là chi tiết thể hiện tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm mạnh mẽ và tiềm ẩn trong mỗi thành viên của cọng đồng dân tộc. Khi đất nước bình yên, tinh thần ấy nằm sẵn trong tâm thức lặng lẽ chờ đợi như chi tiết “không nói không cười không khóc” và khi biên cương có giặc đến tinh thần ấy cất lên thành tiếng nói hưởng ứng, đồng lòng. Tinh thần hưởng ứng rõ ràng, quyết liệt ấy tạo nên sự đồng thuận và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để chuyển hóa thành sức mạnh phản công chống lại kẻ thù. Tiếng nói hưởng ứng của cậu bé Gióng còn thể hiện tinh thần cứu nước là trên hết, là trước tiên ở mỗi con người, bất kể trẻ – già, trai – gái. Sức mạnh tinh thần còn thể hiện qua nhiều chi tiết khác trong truyện đó là sự ủng hộ vô tư, nhanh chóng mọi thứ của cải vật chất cho công cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc: gạo cơm, mắm muối, sắt, công sức chế tác vũ khí và cuối cùng là cùng với Gióng xuất trận một cách kịp thời và mạnh mẽ. Khi tinh thần đã thông thì mọi vấn đề khác không còn là trở ngại nữa. Vóc dáng cậu bé ba tuổi lớn nhanh trở thành chàng trai khổng lồ, sức mạnh vô song. Ở đây chúng ta thấy tác giả dân gian không sử dụng các biện pháp thần kỳ hư ảo như sự biến hóa mang tính phù thủy, siêu hình của các loại phép thuật để xây dựng hình tượng khổng lồ của Gióng. Tư duy duy vật phảng phất trong chi tiết “Gióng lớn nhanh như thổi”. Vóc dáng của Gióng vụt vươn vai trở thành khổng lồ không ngoài quy luật chuyển hóa của yếu tố vật chất. Công thức cơ bản: “Con người + ăn+ uống = lớn lên”. Gióng ăn nhiều hơn người thường nên cũng cao lớn hơn người thường và lúc đất nước nguy cấp thì cần có những sự phi thường đột biến để làm tăng sức mạnh đấu tranh. Ở đây yếu tố vật chất được đề cao bên cạnh yếu tố tinh thần. Có tinh thần không thôi chưa đủ làm nên sức mạnh chống ngoại xâm. Tinh thần mạnh mẽ phải tồn tại trong một con người mạnh mẽ đầy tính cơ bắp mà đã do “ăn hết bảy nong cơm – ba nong cà, uống cạn đà khúc sông…” tạo nên. Cơm cà là những món ăn truyền thống quen thuộc với cư dân Bắc bộ nói riêng và cư dân Việt nói chung, nó không phải là yếu tố xa lạ ngoại lai. Một triết lí dân sinh mang tính bản địa đã tồn tại trong chi tiết văn hóa này của truyền thuyết. Cư dân nông nghiệp lúa nước thì yếu tố vật chất “cơm cà mắm muối” là cơ bản bao đời hun đúc nên con người Việt với tinh thần thuần Việt yêu mảnh đất ruộng vườn và sống chết bảo vệ mảnh đất đó.của cha ông để lại. Một yêu tố vật chất khác không kém phần quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh đấu tranh là “sắt”. Yêu cầu của Gióng là sử dụng sắt – một thứ vật chất cực kỳ quan trọng vào thời bấy giờ để tạo nên vũ khí đã được vua hùng chấp thuận và được nhân dân đồng thuận đóng góp. Việc góp sắt từ trong toàn dân của nước Văn Lang để làm nên roi sắt, ngựa sắt, áo giáp sắt là chi tiết vừa rất thực vừa mang tính thần kỳ lãng mạn. Đây cũng là chi tiết thể hiện cốt lõi của sự thật lịch sử trong các truyền thuyết đầy hư cấu hoang đường để thể hiện sự nhận thức, lí giải những vấn đề có ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng trong một thời kỳ lịch sử nhất định nào đó. Vào thời kỳ Hùng Vương cư dân Việt ở phương Nam này đã biết sử dụng kim loại và sử dụng khá phổ biến và hiệu quả sắt. Tính hiệu quả trong thực tế đời sống sử dụng sắt đã giúp tác giả dân gian liên tưởng sáng tạo nên vũ khí bằng sắt trong truyện để đấu tranh chống ngoại xâm. Như vậy cha ông ta đã tự ý thức được rằng để có sức mạnh thì cần có sự kết hợp hai yếu tố tinh thần và vật chất. Hai yếu tố đó không chỉ hun đúc nên sức mạnh cho mỗi cá nhân xuất trận như nhân vật Gióng mà còn tạo nên và thể hiện sức mạnh của cả dân tộc.
Lồng vào trong hai yếu tố tinh thần và vật chất ấy, truyền thuyết Thánh Gióng còn đề cập sâu sắc sự kết hợp hai yếu tố con người và vũ khí. Con người khỏe mạnh và vũ khí thần kỳ, hiệu quả.
Sức mạnh con người chính là sự cường tráng về mặt thể chất, hình hài, vóc dáng. Người Việt đã từ lâu chú ý rèn luyện thể lực thông qua các tập tục thi tài như thi vật võ truyền thống, thi vật tay, thi bơi thuyền, thi ném cầu,… Những hoạt động đó không chỉ là trò chơi mà còn là phương thức rèn luyện và thôi thúc rèn luyện thể lực phục vụ cho cả lao động và chiến đấu. Con người có thể chất hùng mạnh mới xuất trận uy dũng. Hình tượng nhân vật Gióng thể hiện khát vọng về sức mạnh cơ bắp uy dũng: “Gióng lớn nhanh như thổi. Vươn vai đứng dậy thành người khổng lồ sau khi ăn hết bảy nong cơm ba nong cà, uống cạn đà khúc song…”. Yếu tố khổng lồ của Gióng còn được tác giả dân gian thần kỳ hóa bằng gốc gác thần linh của Gióng. Gióng là kết quả của sự thụ thai thần kỳ giữa con người với lực lượng siêu nhiên. Tuy có vóc dáng khổng lồ nhưng Gióng không ra trận đánh giặc bằng tay không, bằng sức mạnh cơ bắp thuần túy mà Gióng ra trận với vũ khí thuộc loại “hiện đại” nhất thời bấy giờ. Vũ khí bằng kim loại: “Roi sắt, áo giáp sắt, ngựa sắt” và ngựa sắt phun ra lửa đốt cháy quân thù. Những thứ vũ khí vừa mang tính thần kỳ hoang đường xuất phát từ những khát vọng lãng mạn vừa mang tính hiện thực của thời đại đồ sắt mà cư dân Việt thời Văn Lang đang sở hữu. Về phương diện vũ khí, cha ông ta cũng nêu ra bài học thú vị về quan điểm sử dụng. Nhận thức vũ khí hiện đại là cần thiết nhưng cha ông cũng không từ bỏ vũ khí thô sơ; mọi thứ vũ khí đều cần thiết và có tác dụng trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Khi roi sắt của Gióng bị gảy, Gióng dùng nắm tay nhổ từng “bụi tre đằng ngà” quất vào đội ngũ giặc làm cho quân giặc tan tác, thất bại. Hoặc một chi tiết có ý nghĩa khác là khi vó ngựa Gióng đi đến đâu dân làng ở đó đã đi theo Gióng, ai có vũ khí gì thì dùng vũ khí đó như: dao, rựa, cuốc, thuổng, giáo, mác,… Sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến với tinh thần và quan niệm sử dụng vũ khí như thế. Điều đó cho thấy sự kết hợp hai yếu tố “con người” và “vũ khí” là một nội dung cơ bản của bài học giữ nước mà truyền thuyết luôn nhắc nhở với hậu thế và bao đời nay con cháu cũng đã noi theo bài học này để luôn giành chiến thắng trước ngoại xâm. Điều này cho thấy nhãn quan chiến tranh của cư dân Việt thời Văn Lang thật sáng suốt cả về phương diện vũ khí hiện đại và kết hợp các loại vũ khí khác nhau.
Truyền thuyết Thánh Gióng còn cho chúng ta thấy một cặp phạm trù khác cũng cần thiết xây dựng để tạo nên sức mạnh đấu tranh đó là sự đoàn kết, thống nhất mọi mặt giữa cá nhân và cộng đồng. Trong truyền thuyết đó là quan hệ giữa Vua Hùng với toàn dân; giữa cá nhân Gióng với dân các làng. Vua Hùng hiệu triệu, mời người hiền tài giúp chống giặc thì nhân dân hưởng ứng: từ cậu bé ba tuổi đến mọi tầng lớp dân làng khắp cả nước. Khi cần hun đúc hình hài Gióng thành anh hùng khổng lồ thì có sự đóng góp “cơm cà mắm muối” của dân làng Phù Đổng và quanh vùng; khi cần có sắt đúc vũ khí cho Gióng ra trận thì cả nước đồng lòng góp sắt và khi người anh hùng xuất trận thì mọi người từ trẻ đến già đều đi theo Gióng tạo thành đội quân hùng dũng, đông đúc làm quân thù khiếp sợ. Sự hưởng ứng nhanh nhạy, kịp thời, vô tư cho mục đích chung chống ngoại xâm cứu nước của toàn dân Văn Lang dưới trướng của Vua Hùng, của Thánh Gióng thực sự làm nên sức mạnh của dân tộc Việt. Và chiến thắng giòn giã là tất yếu. Nội dung thứ ba này của bài học giữ nước trong truyền thuyết Thánh Gióng thời Văn Lang cũng đã được nhiều đời sau vận dụng trong đấu tranh chống ngoại xâm, tiêu biểu như thời Trần trên dưới một lòng “Sát Thát”, thời Lê Lợi ròng rã mười năm đùm bọc, che chở đoàn kết để kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, sau này thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng xây dựng được chiến tranh nhân dân với tinh thần đoàn kết nhất trí toàn dân tộc như thế.
Sức mạnh tinh thần từ bao đời luôn ẩn chứa tiềm tàng trong một người con dân Việt, khi đất nước cần thì vươn dậy, quật khởi nhanh chóng, tự nhiên như lời hưởng ứng của Gióng, như sự hiệp lực của toàn dân. Sức mạnh ấy được hun đúc thêm nhờ yếu tố vật chất cần thiết, cơ bản là lương thực và vũ khí. Sức mạnh đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc không chỉ dựa vào sức mạnh của một con người cá biệt dẫu đó là con người siêu phàm, kỳ vĩ mà cần có sự kết hợp mật thiết với sức mạnh đồng tâm hiệp lực của cộng đồng dân tộc. Có sức mạnh tổng hợp như thế thì không sợ bất kỳ kẻ thù ngoại xâm nào. Sự bình yên và toàn vẹn của bờ cõi được bảo vệ. Hình ảnh Gióng ra trận với trang bị vũ khí bằng sắt toàn diện, với đội quân đi theo đông đúc mang tính toàn dân, và sức tiến công mãnh liệt vũ bão là hình ảnh tuyệt vời tượng trưng cho sức mạnh tổng hợp và ý chí quật cường, cho sự tự nhận thức đúng đắn về chiến tranh nhân dân của tác giả dân gian, của cha ông ngày trước.
Truyền thuyết kết thúc với chiến thắng oanh liệt, thần tốc và hình ảnh “Gióng lên đỉnh núi Sóc, bỏ lại chiến cụ, áo giáp sắt rồi lặng lẽ một mình một ngựa bay về trời…” không trở về đợi vua Hùng vinh danh ban thưởng đã làm cho kết cấu của truyện thêm chặt chẽ, trọn vẹn và ý nghĩa câu chuyện trở nên vô cùng sâu sắc. Truyền thuyết chuyển tải thêm bài học mới, đó là bài học về triết lý sống cao cả của nhân dân: Mỗi con người dân Việt hãy sống với tinh thần vị tha, hy sinh hết mình cho sự bình yên của dân của nước, không mưu cầu danh lợi. Chiến đấu tích cực cho hạnh phúc của cộng đồng, cho sự bình yên của đất nước trước nạn ngoại xâm là nghĩa vụ thiêng liêng, không cần đợi được tôn vinh, khen thưởng. Nhân dân xây dựng hình ảnh Gióng lặng lẽ hóa vào cõi vĩnh hằng, Gióng trở về nơi gốc gác đã sinh ra Gióng, để muôn đời trở thành bất tử trong lòng người dân Việt.
ThS. Phạm Bá Thịnh
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế