LUẬT PHÁ THAI SIMONE VEIL VÀ VẤN ĐỀ “CHỐI BỎ THÂN THỂ” TRONG TIỂU THUYẾT NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Nữ quyền là vấn đề của nhân quyền. Phá thai (L’Avortement) là một trong những nội dung quan trọng của Phong trào giải phóng nữ giới ở Pháp. Dù luật phá thai đã đặt ra cách đây hơn một thế kỷ nhưng nó vẫn là chủ đề tranh luận nóng bỏng của bất kỳ quốc gia nào, nền văn hóa nào. Phá thai không chỉ liên quan đến vấn đề bình đẳng giới mà còn can hệ sâu sắc đến chính trị, văn hóa và tôn giáo. Với lĩnh vực văn học, phá thai đã đặt người cầm bút đối diện với những phạm trù hiện tồn khác nhau của cuộc sống.

Trong cuốn Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, tôi đã giới thuyết những gương mặt tiêu biểu thuộc ba làn sóng nữ quyền, đặc biệt là triết gia hiện sinh Simone de Beauvoir; đồng thời đã xác lập một hệ thống mỹ học của phê bình nữ quyền hậu cấu trúc(1). Ở bản tham luận này, tôi xin bàn thêm phương diện: Luật phá thai Simone Veil và vấn đề “chối bỏ thân thể” trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại. Đây là một vấn đề nhạy cảm và đang gây nhiều tranh cãi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

1. Luật phá thai Simone Veil hay là cuộc chiến của Phong trào giải phóng nữ giới ?

Nhìn trong tiến trình lịch sử, luật phá thai là một thành công lớn của Phong trào giải phóng nữ giới thập niên 60, 70 ở Pháp. Phong trào này đã tác động căn bản đến sự thay đổi cấu trúc xã hội theo hướng bình đẳng giới. Giải phóng nữ giới lúc này không chỉ là dừng lại phạm vi địa vị chính trị, nghề nghiệp, mà còn là: giải phóng quyền thân thể. Với những khẩu hiệu như: “Notre corps nous appartient” (Thân thể của chúng tôi thuộc về chúng tôi), Phong trào giải phóng nữ giới đã đạt được một sự kiện quan trọng: quyền được phá thai của phụ nữ.

Đặc biệt, thành công lớn nhất của giai đoạn này là quyền đó không còn nằm trong những bài xã luận trên báo chí, hay những khẩu hiệu trên đường phố, mà đã được luật pháp thừa nhận. Dĩ nhiên, để đạt được điều đó, các nhà nữ quyền phải trải qua một cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt kéo dài gần nửa thế kỷ. Và người trực tiếp đứng mũi chịu sào để Dự luật phá thai được Quốc hội thông qua vào năm 1975, đó chính là Simone Veil.

Simone Veil là ai ? Simone Veil là một chính trị gia, nữ quyền gia nổi tiếng ở Pháp. Bà nằm trong danh sách những nữ chính khách lừng danh nhất của thế kỷ XX và được đánh giá là người đàn bà hiện thân cho tư tưởng nhân văn tiến bộ của nhân loại. Simone Veil là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế ở Pháp và là nữ Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện châu Âu. Bà đã từng đấu tranh hết mình để Dự luật phá thai được Quốc hội thông qua. Vì vậy, luật phá thai ở Pháp đã mang tên của bà, gọi là Loi Veil, 1975. Loi Veil đã làm thay đổi căn bản đời sống phụ nữ nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung. Với những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực chính trị – xã hội, năm 2010 Simone Veil được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp.

Về phương diện đời tư, Simone Veil mang dòng máu Do Thái và bà từng đổi họ để thoát khỏi sự truy lùng của Đức Quốc xã(2). Tuy nhiên, gia đình bà vẫn bị đưa vào trại tập trung và chịu sự khủng bố tàn bạo của chính sách bài Do Thái. Cha, mẹ và anh trai bị chết trong trại tập trung, bản thân Simone Veil cũng từng trải qua nhiều trại giam và tưởng chừng không thể thoát khỏi cái chết bởi chế độ hà khắc này. Sau khi được tự do (4/1945), bà lao vào học luật với một niềm mong ước cháy bỏng: chống chiến tranh và chống bất bình đẳng giới.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu ở Pháp, Loi Veil là một dấu mốc quan trọng trong hành trình giải phóng nữ giới. Dù vấp phải nhiều tranh cãi khác nhau, nhưng xét đến cùng, Loi Veil phù hợp với tư tưởng nhân quyền tiến bộ của loài người. Như chúng ta biết, trước đó, phá thai bị nghiêm cấm, những người tham gia phá thai có thể bị bỏ tù. Năm 1920 luật phá thai ở Pháp đã phán quyết rất nghiêm ngặt: người tham gia thực hiện hành vi phá thai sẽ bị khép vào tội hình sự; bác sĩ có thể bị tước quyền hành nghề suốt đời. Luật cấm phá thai này, theo các nhà nữ quyền là vô nhân đạo đối với phụ nữ. Người phụ nữ bị tước đi quyền định đoạt thân thể và quyền được lựa chọn cuộc sống theo ý muốn.

Tư tưởng giải phóng nữ giới thông qua quyền được phá thai của Simone Veil đã thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng, nhất là giới luật sư và y học. Với Tuyên ngôn 343 đăng trên Le Nouvel Observateur ngày 05/4/1971, bao gồm 343 thành viên ở mọi lĩnh vực: luật sư, triết gia, nghệ sĩ, bác sĩ, họ đã dũng cảm khẳng định: “Tôi đã từng phá thai”(Je me suis fait avorter). Bản tuyên ngôn này đã lớn tiếng tố cáo sự vô nhân đạo của luật cấm phá thai đối với phụ nữ: “Một triệu phụ nữ phải phá thai mỗi năm ở Pháp. Họ làm như vậy trong điều kiện nguy hiểm vì phải lén lút bởi họ bị lên án về hành động này; trong khi đó, hoạt động phá thai này nếu được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan y tế thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều…”(3). Sau Tuyên ngôn 343, hàng trăm bác sĩ đã công khai đồng tình với vấn đề quyền được phá thai ở phụ nữ, trong đó có bác sĩ sản khoa nổi tiếng René Frydman.

Từ Phiên tòa Bobigny đến việc xóa bỏ hình sự phá thai ở phụ nữ của Loi Veil. Phiên tòa Bobigny nổi tiếng vào năm 1972 – xét xử vụ nữ sinh Marie-Claire vì hành vi phá thai đã gây chấn động nước Pháp và thế giới. Phiên tòa này là bước đệm quan trọng để cuộc đấu tranh đầy cam go của Dự luật phá thai đi đến thành công. Cho đến nay, báo giới Pháp vẫn trở lại bình luận và coi đây là một kinh nghiệm quan trọng trong hoạt động nữ quyền – vốn đang diễn tiến rất phức tạp.

Phiên tòa Bobigny do nữ luật sư tài danh Gisèle Halimi trực tiếp biện hộ cùng với sự hậu thuẫn của Simone de Beauvoir và Simone Veil. Luật sư Gisèle Halimi đã biến phiên tòa thành diễn đàn để tố cáo sự bất công của chế độ nam quyền(4). Trước tòa, bà đã lên án sự hà khắc của điều luật cấm phá thai 1920. Bà cho rằng, người phụ nữ là nạn nhân nhưng luật pháp lại biến họ thành tù nhân. Trường hợp của nữ sinh Marie-Claire đã chứng minh sự phi lý, bất công của đạo luật này: Marie-Claire bị cưỡng hiếp và mang thai, phá thai là một lựa chọn đau đớn, vì gia cảnh của cô đã lâm vào bước đường cùng. Trong khi Marie-Claire đã không khiếu nại kẻ hãm hiếp mình, thì chính kẻ này lại tố cáo Marie-Claire. Luật cấm phá thai đã đè nặng lên số phận người phụ nữ, nhất là những trường hợp mang thai thụ động. Bà cũng chỉ ra sự bất công của xã hội nước Pháp: phụ nữ quí tộc giàu có đã đến những nơi an toàn và sang trọng như Anh quốc và Thụy Sĩ để phá thai, trong lúc phụ nữ thuộc tầng lớp nghèo phải phá thai chui trong điều kiện thiếu an toàn và tính mạng của họ luôn bị rình rập. Marie-Claire là một trường hợp điển hình của thực trạng: phụ nữ bị xã hội chà đạp(5). Dưới áp lực của cuộc biểu tình rầm rộ bên ngoài phiên tòa do Simone de Beauvoir chỉ đạo, cùng với khả năng biện hộ sắc sảo của luật sư tài danh Gisèle Halimi, cuối cùng nữ sinh Marie-Claire và mẹ cô được tráng án. Sự thắng lợi của Phiên tòa Bobigny đã góp phần hết sức quan trọng để Dự luật phá thai của Simone Veil được Quốc hội Pháp thông qua.

Loi Veil xóa bỏ kết án về việc phá thai của phụ nữ. Luật Veil là một cuộc chiến đầy cay đắng và cam go của Phong trào giải phóng nữ giới, mà trước hết là nữ chính trị gia Simone Veil. Trong cuộc hành trình đau khổ để có được tự do, phụ nữ trên thế giới sẽ không bao giờ quên hình ảnh một người đàn bà chiến đấu đơn độc trước một quần thể ở Quốc hội mà đa phần là đàn ông. Đối diện với toàn thể cử tri, Simone Veil đã trình bày một cách có hệ thống tính pháp lý và tính nhân văn về quyền được phá thai của phụ nữ. Trong đó, bà nhấn mạnh rằng: phá thai là sự lựa chọn đau khổ và bất đắc dĩ nhất của một người đàn bà; tuy nhiên, đó là giải pháp cuối cùng để họ tiếp tục cuộc sống của mình. Sau bốn ngày tranh luận nảy lửa tại Quốc hội, bất chấp sự chống đối của các tổ chức tôn giáo và phái nam quyền cực đoan, ngày 17 tháng 1 năm 1975, Simone Veil – Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành công trong việc xác lập quyền phá thai của phụ nữ. Luật phá thai này được thông qua tạm thời trong 5 năm, với một số quy định cụ thể sau:

1. Bác sĩ và y tá có thể từ chối thực hiện phá thai; 2. Phá thai chỉ thực hành tại cơ sở y tế hoặc với một trung tâm y tế đã được phê duyệt; 3. Tình trạng mang thai đặt phụ nữ vào tình huống nguy hiểm; 4. Phải được sự đồng ý của cha mẹ đối với trẻ vị thành niên; 6. Thời hạn pháp luật cho phép phá thai là thai nhi tối đa trước 10 tuần; 7. An sinh xã hội không hoàn trả lại phí phá thai(6).

Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng nữ giới ở Pháp nói riêng và thế giới nói chung. Luật Veil khẳng định: phá thai là một trong những quyền cơ bản của người phụ nữ, nó là hiện thân cho tinh thần tự do và bình đẳng của một quốc gia, một thời đại. Xóa bỏ hình sự về phá thai đồng nghĩa với việc cứu sống nhiều số phận phụ nữ (bị tử vong do phá thai chui, hoặc bị tù tội, giam cầm). Khó chối bỏ một thực tế phũ phàng: hàng năm có vô số phụ nữ trên thế giới bị tử vong do phá thai trong điều kiện tồi tệ. Sợ bị pháp luật trừng trị, hoặc e ngại áp lực dư luận, họ phải dùng những phương tiện thô sơ để phá thai như: kim loại, thuốc sốt rét, thuốc tẩy rửa, các loại thảo dược. Và cái chết của họ, xét đến cùng chính là hậu quả của luật cấm phá thai.

Sau gần nửa thế kỷ, Luật Veil không ngừng được bàn cãi trong Quốc hội lẫn trên mặt báo chí. Điều đó cho thấy tính phức tạp cũng như tầm quan trọng của vấn đề phá thai đối với đời sống nhân loại. Cuộc đấu tranh giữa hai phái: phản đối việc phá thaiđồng tình phá thai vẫn tiếp tục diễn ra ở khắp châu Âu. Đặc biệt, sau sắc lệnh chống phá thai do tổng thống Donald Trump vừa ban hành – 2017 (ngừng tài trợ cho các cơ sở y tế phá thai miễn phí), phong trào biểu tình vì nhân quyền của phụ nữ dậy sóng khắp nước Mỹ và thế giới. Trên thực tế, luật pháp ở nhiều nước hiện nay đã cho phép người phụ nữ tự quyết định về vấn đề này. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn giữ quan điểm cấm kỵ trừng phạt, vì vậy, phụ nữ vẫn là những thân phận bị chà đạp(7).

Quan sát diễn tiến của phong trào nữ quyền trên thế giới, chúng ta nhận thấy các nhà nữ quyền luôn xoáy sâu vào phạm trù: thân thể phụ nữ và quyền quyết định từ phía phụ nữ. Sự tự quyết định này, dĩ nhiên còn phải phụ thuộc vào các nền văn hóa – tín ngưỡng khác nhau.

2. Phá thai và những áp lực từ tín ngưỡng tôn giáo

Phá thai là vấn đề không chỉ hệ lụy sâu sắc đến thể xác và tâm hồn của người phụ nữ, mà sâu xa hơn, qua cách nhìn và thái độ ứng xử của đàn ông về điều này, người đọc có thể nhận diện được bản chất, cấu trúc của một xã hội.

Nhìn trong tiến trình lịch sử, phá thai là một vấn đề liên quan sâu sắc đến chính trị, văn hóa và nhất là tín ngưỡng tôn giáo. Cả Ki-tô giáo lẫn Phật giáo đều quan niệm rằng, bào thai là một sinh linh và sinh linh đó được quyền có sự sống. Họ cho rằng, phá thai là một hành động phi đạo đức, đồng nghĩa với tội ác vì đã hủy diệt mạng sống. Và người mẹ – bị xem là kẻ trực tiếp gây nên tội ác này cần phải bị trừng phạt. Vì vậy, địa ngục, âm phủ là nơi chờ đợi những người đàn bà từng “thực hiện tội ác” vừa nêu.

Ở phương diện cấu trúc xã hội, luật cấm phá thai liên quan đến quyền lợi của chế độ nam quyền. Không thể chối cãi rằng, hệ thống tổ chức của Giáo hội đa phần là nam giới. Họ thực thi quyền hành, chủ yếu từ lợi ích của đàn ông hơn là đàn bà. Với tôn chỉ “bảo vệ những linh hồn” mà Chúa đã sáng tạo, một bộ phận tôn giáo cực đoan đã ra những phán quyết tàn nhẫn đối với phụ nữ. Đơn giản, vì những người đàn ông trong Giáo hội chủ yếu sống độc thân, họ không lụy tục và không có những trải nghiệm đau đớn như đàn bà. Vì vậy, các phán quyết của Luật giáo hội về việc phá thai không dựa trên quyền lợi của người phụ nữ, mà chủ yếu dựa trên mục đích của nam giới.

Đàn bà mang một “quyền năng” cao quý: sáng tạo ra con người nhưng họ cũng là nạn nhân của chính “quyền năng” ấy. Trong những trường hợp giao phối ngoài ý muốn, đàn bà chính là người nhận lãnh mọi hậu quả đau đớn.  Những trường hợp bé gái chưa đủ trưởng thành để chuẩn bị làm mẹ, thì phá thai vẫn là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sinh mạng và quyền lợi của người phụ nữ. Vậy thì, quan điểm đạo đức của Phật giáo hay Ki-tô giáo sẽ không thể phù hợp ở những trường hợp này. Theo thống kê của chúng tôi, có rất nhiều bé gái bị mang thai khi chưa đầy 10 tuổi, thậm chí có bé mới hơn 5 tuổi, đó là trường hợp bé Linda ở Pérou (1939). Câu chuyện của Linda là mối bận tâm của các nhà y học và những nhà nữ quyền trên thế giới(8). Vô số trường hợp phụ nữ mang thai ngoài ý muốn phải chịu một số phận đầy cay đắng. Họ là nạn nhân của ba tầng áp bức: bị đàn ông cưỡng bức mang thai, bị pháp luật trừng phạt và nặng nề hơn, đó là áp lực của tín ngưỡng tôn giáo.

Các nhà hoạt động nữ quyền không cổ xúy cho vấn đề phá thai nhưng luôn bênh vực quyền được lựa chọn cuộc sống của người phụ nữ. Phá thai hay không được phá thai, người quyết định phải là phụ nữ, chứ không phải một thể chế, một quyền lực áp đặt nào từ phía pháp luật, cộng đồng. Phụ nữ chính là nhân tố trực tiếp chịu hậu quả của việc thụ thai. Nếu họ chưa sẵn sàng về sức khỏe, về thời gian, về điều kiện vật chất và tinh thần, việc áp đặt, ép buộc sinh ra một đứa bé là tước đi ở họ quyền được lựa chọn cuộc sống. Tuy nhiên, quan niệm này không dễ được xã hội thừa nhận, nhất là các tổ chức tôn giáo.

Có lẽ, phá thai là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong đời sống của con người. Trước và sau phá thai là một chuỗi hệ lụy mà không chỉ cá nhân người đàn bà chịu trách nhiệm. Bào thai là kết quả của hai nhân tố: đàn ông và đàn bà. Tuy nhiên, luật pháp luôn nhắm đến đàn bà để trừng phạt, vì cho rằng: họ là người trực tiếp gây nên hậu quả này. Về mặt lương tâm, người đàn bà cũng là nhân tố thực thi hành vi phá thai, vì vậy, so với đàn ông, họ đau đớn hơn về thể xác lẫn tinh thần. Đau đớn về thể xác bởi bào thai trú ngụ trong chính thân thể của họ, bỏ đi bào thai tức là bỏ đi một phần máu thịt của mình. Về đạo đức, họ luôn ám ảnh phạm tội giết người: giết đi chính đứa con của mình.

Với những lý do trên, phá thai luôn đặt ra những cặp phạm trù đạo đức đối nghịch: tự do và trách nhiệm; lạc thú và lòng sám hối; sự sống và cái chết. Văn học nữ giới là nơi thể hiện sinh động nhất, sâu sắc nhất những vấn đề vừa nêu.

Ở Việt Nam, do áp lực dân số, việc phá thai không bị cấm, thậm chí thủ tục phá thai rất dễ dàng. Tuy nhiên, sự kỳ thị của cộng đồng, sự thờ ơ vô cảm của đàn ông đã biến phụ nữ thành nạn nhân của việc phá thai. Dưới đây, chúng tôi xin dừng lại khảo sát một phương diện liên quan đến phá thai: nỗi đau chối bỏ thân thể trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại.

3. Nỗi đau “chối bỏ thân thể” trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại

Trước hết, đó là lớp ngôn ngữ bộc lộ nỗi đau “chối bỏ thân thể”. Một trong những nỗi đau lớn nhất của đàn bà, đó là: vấn đề phá thai. Phá thai cũng có nghĩa là chối bỏ một phần thân thể của người mẹ. Đặt bên cạnh sáng tác nam giới, chúng ta thấy rõ họ ít quan tâm đến vấn đề này. Nam giới không có cảm giác nếm trải thân xác ở sự kiện đau đớn: chối bỏ chính mình.

Phá thai đã trở thành một chủ đề lớn trong văn học nữ nói chung và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại nói riêng. Một đất nước mà mỗi năm có  hơn ba ngàn ca trẻ vị thành niên phá thai, đứng vào hàng thứ năm trên thế giới, cũng đã giúp chúng ta hình dung về “thân phận” của người đàn bà như thế nào? Khảo sát tác phẩm của Đoàn Lê, Dạ Ngân, Y Ban, Xuân Hà, Phong Điệp, chúng ta bắt gặp một lớp ngôn ngữ dày đặc về nỗi đau: phá thai. Dù ở những hoàn cảnh khác nhau, nhưng các nhân vật nữ đều chung một điểm: đau đớn và sám hối. Nỗi đau của họ xuất phát từ nhiều phía: quan niệm đánh đồng trinh tiết và phẩm tiết, sự vô cảm của đàn ông đối với phụ nữ.

Trong Gia đình bé mọn, bằng một giọng điệu chua xót, Dạ Ngân đã miêu tả tận cùng nỗi đau đó của người đàn bà: “Bàn sản, mùi máu, tiếng rổn rảng của dụng cụ, nỗi đau rát như bị xát cồn, những mũi tiêm và những câu mệnh lệnh “hạ mông, mềm bụng, yên chân, cứng gối… không người phụ nữ nào có thể quên được cảm giác khổ ải của những đoạn trần ai này”(9). Và đau đớn, nhục nhã hơn, khi họ bị người đàn ông bỏ rơi, thờ ơ: “Lần đầu tiên, lần thứ hai, rồi lần thứ ba, lần nào nàng cũng trèo từ chiếc honđa 67 của chồng xuống, một mình chiến đấu với mọi công đoạn, lại đói và khát, xế chiều lại tự đi mua thuốc rồi ra cổng vẫy xe lôi về nhà nằm rũ xuống như một tàu lá héo”(10).

Viết từ bên trong nỗi đau, văn bản nữ giới là sự đan bện bởi một thế giới ngôn từ chất chứa nỗi đớn đau thể xác lẫn tâm hồn. Ở tác phẩm của nam giới, rất ít khi người đọc bắt gặp sự sám hối này. Trong Tiền định, nhân vật Chín phải chối bỏ bào thai gần 5 tháng – một sinh linh đã thành hình hài. Áp lực của dư luận, đặc biệt là sự dằn vặt, ám ảnh của tội lỗi đã bủa vây, nhấn chìm người đàn bà này: “Cơn rét đột ngột xâm chiếm cơ thể nàng khiến hai hàm răng va nhau cầm cập. Nàng có cảm giác vẫn nằm giữa bể băng trong mơ. Kéo cái chăn hoa mỏng trùm kín đầu, nàng chợt sợ hãi nghĩ đến cảnh sẽ chết cứng trong căn phòng mờ tối này một mình”(11). Đau đớn thể xác có thể vượt qua, nhưng đau đớn về tinh thần luôn dai dẳng, ám ảnh trong mỗi người phụ nữ. Đó là sự sám hối, sự tự buộc tội của bất kỳ người đàn bà nào đã “phạm tội lỗi” khủng khiếp đó. Nhân vật Chín không thôi dằn vặt và lên án bản thân. Cái sinh linh bé nhỏ chưa được hóa kiếp làm người luôn ám ảnh, đeo bám Chín trong những giấc mơ vô thức.

Sự sám hối đó đã trở thành một vũ khí trừng phạt lương tâm đối với phụ nữ. Đó là sự trả giá của người đàn bà, hay cũng chính là sự lên án về phía đàn ông? Trong Blogger (Phong Điệp), với Hạ, việc phá thai là một tội ác, không gì so sánh được, vì đồng nghĩa với hành động giết chết một sinh linh. Hạ tự dằn vặt, tự trừng phạt lương tâm khôn nguôi: “Lạch xạch dao kéo. Người Hạ như bị móc rỗng từ bên trong. Nước mắt cô chan hòa trên hai gò má. Một cái gì đó xâm chiếm người cô, khiến cô như không còn là cô nữa. Máu và máu. Chảy mãi không ngừng. Người cô lạnh toát. Lọ dịch truyền cuống quýt tìm mạch ven. Bà bác sĩ lừ lừ nhìn cô. Máu rồi cũng ngưng chảy… Cô rơi vào cơn mơ lê thê của những dao kéo, những hài nhi đỏ máu, không đầu. Triền miên những tháng ngày sau đó…”(12). Đằng sau sự đau đớn thân xác là những cơn ác mộng tội lỗi của người đàn bà: “Nó kia. Nhỏ nhoi và yếu ớt giữa vạt đất còn mới. Cô nhận ngay ra nó. Lồng ngực thắt nghẹn. Hài nhi cô buộc phải chia lìa dù đã gần năm tháng. Một đứa trẻ thành hình với đầy đủ chân tay. Một đứa trẻ bị từ chối vì người làm mẹ là cô chưa sẵn sàng để đón nhận… Cô nhận ra sự khát thèm tình cảm của nó từ cái mắt duy nhất, ngằn ngặt nước. Tim cô như tan ra thành hàng ngàn mảnh vụn. Những mảnh vụn sắc nhọn. Cô thấy mình không thể sống được nữa. Thu chút lực tàn, cô nhào đến bên đứa trẻ, nhưng hai chân tựa hồ như đóng đá. Cô cứ đứng một chỗ, giãy giụa, bất lực; trong khi con mắt hài nhi đang thu về mình bóng tối của lòng đất. “Con tôi!” Cô gào lên mà không thành tiếng” (13). Viết từ điểm nhìn bên trong của sự nếm trải giới tính, Phong Điệp đã chạm đến nỗi đau sâu kín của người đàn bà.

Cô bé mười sáu tuổi trong tiểu thuyết Tường thành, vừa bước qua tuổi hồn nhiên đã phải mang nỗi đau của Mẹ Âu Cơ. Bằng thủ pháp “chuyển hóa diễn ngôn”, Võ Thị Xuân Hà đã xoáy sâu vào nỗi đau của hai người đàn bà cùng một lúc. Nhân vật Cầm Kỳ từng căm hận cô bé này, vì “nó” đã trót ăn nằm với người yêu của chính Cầm Kỳ. Nỗi ghen tuông đã đốt cháy lòng nhân từ – vốn là bản chất tốt đẹp của nhà báo Cầm Kỳ. Cầm Kỳ đã từ chối khi cô bé quỳ xuống cầu xin sự giúp đỡ. Và giờ đây, chính Cầm Kỳ lại nhận lãnh nỗi đau – nỗi đau tiền kiếp của đàn bà: “Nó hóa điên hóa dại rồi chị ơi. Nó đi khách có thai. Mới mười sáu tuổi không biết có chửa, để to quá. Nó vào bệnh viện xin làm cô-vắc. Người ta bảo cái thai to quá rồi nên để đẻ. Nhưng nó vật nài rồi nói thật với bác sĩ chuyện nó đi khách. Bác sĩ nhận tiền rồi cho nó ký giấy. Họ cho cái thai ra. Khi nó tỉnh dậy cứ nằng nặc đòi được nhìn cái thai. Nhìn rồi thì nó rú lên thảm thiết. Cái thai đã rõ ra hình một thằng bé con, có đầy đủ bộ phận rồi chị ơi. Nó rú, nó gào rồi hóa ra ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Bây giờ cứ ôm cái gốc chuối chỗ chôn cái thai nhi mà không chịu ra viện”(14).

Có thể khẳng định rằng, phần lớn văn bản nữ giới luôn hằn sâu những sự kiện vừa nêu. Nỗi sợ hãi “mất phẩm tiết” và sám hối vì chối bỏ một phần thân thể của mình đã trở thành cảm thức xuyên suốt trong sáng tác nữ giới. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà lý thuyết nữ quyền quan tâm.

Các nhà văn nữ đã đặt ra vấn đề gay cấn, đó là sự xung năng giữa các phạm trù đạo đức: tự do và trách nhiệm, khoái lạc tính dục và lòng sám hối. Xem ra, sự sống của một bào thai và quyền tự do của phụ nữ đã trở thành một luận đề bất khả giải trong tôn giáo, triết học, đạo đức và văn chương?

Nếu nữ quyền là nhân quyền thì thiết nghĩ: vấn đề phá thai phải trở thành một nội dung quan trọng trong việc nghiên cứu văn học. Phá thai là một phương diện của lối viết thân thể góp phần xác lập tính đặc thù của văn học nữ giới. Từ góc độ này sẽ mở ra nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến bản năng giới và phạm trù nhân quyền trong văn học. Vì vậy, theo tôi, vấn đề “chối bỏ thân thể” đang là một khoảng trống thách thức giới nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam.

———————————-

(1) Trần Huyền Sâm, Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, Nxb Phụ nữ, 2016, Hà Nội.

(2) Simone Veil tên thật là Simone Jacob, sinh năm 1927 tại Nice. Tuổi thơ trong trại tập trung Auschewitz-Birkenau được bà thuật lại trong cuốn Une vie, Éditions Stock, 2012. Và cuộc chiến để bảo vệ luật phá thai Loi Veil được bà công bố trong cuốn Les hommes aussi s’en souviennent, Éditions Stock, 2004.

(3) La mobilisation militante: des femmes connues mobilisées, http://tpe-histoire-avortement.e-monsite.com

(4) Gisèle Halimi sinh năm 1927 tại Tunisie, là một luật gia, chính trị gia và nhà hoạt động nữ quyền danh tiếng ở Pháp. Bà hành nghề luật sư tại Paris năm 1956 và trở nên nổi tiếng sau Phiên tòa Bobigny 1972. Bà là vợ của Claude Faux-cựu thư ký của nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Satre. Gisèle Halimi từng bảo vệ các nhà hoạt động chính trị trong Phong trào Quốc gia Algeria, tố cáo quân đội Pháp tra tấn dã man tù nhân chiến tranh; bà từng là Chủ tịch của Ủy Ban Điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

(5) Nữ sinh Marie-Claire 16 tuổi bị nam sinh cùng trường cưỡng hiếp và mang thai. Mẹ của Marie-Claire – bà Michèle Chevalier là một nhân viên nghèo bị chồng bỏ rơi, phải nuôi ba con gái ở tuổi vị thành niên. Bà mang Marie-Claire đến một bác sĩ sản khoa nhờ giúp đỡ nhưng vị này đòi một khoản tiền quá lớn, vượt qua khả năng gia cảnh của bà. Bà đành đưa con gái đến một nơi phá thai không chuyên nghiệp. Ca phá thai thất bại, Marie-Claire bị ra máu rất nhiều, tính mạng kề cận vực thẳm. Bà buộc phải đưa con vào bệnh viện, và tại đây, bà phải chi trả một khoản tiền không nhỏ mới có thể cứu được mạng sống của con gái. Trong khi Marie-Claire đã không khiếu nại kẻ hãm hiếp mình, thì chính kẻ này lại tố cáo Marie-Claire. Cô và mẹ bị cảnh sát triệu tập. Quá uất ức, bà Michèle Chevalier tìm đến luật sư Gisele Halimi. Sau khi nắm bắt sự việc, Gisele Halimi cùng nhà nữ quyền Simone de Beauvoir đã lên kế hoạch để biện hộ cho nữ sinh Marie-Claire, đồng thời đây là cơ hội để buộc Luật chống phá thai 1920 phải thay đổi. Trong suốt phiên tòa, công tố viên luôn ép Marie-Claire thừa nhận là mẹ mình bắt cô phải phá thai. Tuy nhiên, Marie-Claire đã phủ nhận và nói rằng cô không thể sinh con trong điều kiện còn ngồi trên ghế nhà trường. Vụ án Bobigny đã được đạo diễn François Luciani chuyển thể thành bộ phim truyền hình nổi tiếng tại Pháp vào 2006, lấy nguyên nhan đề Le Procès de Bobigny. Xin xem thêm: La bataille de Simone Veil pour le droit à l’avortement (Cuộc chiến của Simone Veil cho quyền phá thai), Par Marie Piquemal et Noémie Destelle, http://www.liberation.fr/societe/2014/11/26/la-bataille-de-simone-veil-pour-le-droit-a-l-avortement.

(6) Loi Veil, https://avortement.ooreka.fr/comprendre/loi-veil; xem thêm: IVG: le jour où Simone Veil est entrée dans l’histoire, http://www.leparisien.fr/laparisienne/societe/ivg-le-jour-ou-simone-veil-est-entree-dans-l-histoire.

(7)Có thể kể đến một số quốc gia cấm phá thai như: El Salvador, Australia Queensland, New South Wales, Malta, Cộng hòa Dominica, Ireland; ngay cả Mỹ, luật cấm phá thai vẫn được áp đặt tại một số bang. Trong các quốc gia vừa nêu, El Salvador là nơi khắc nghiệt nhất: phụ nữ phá thai có thể lãnh án tù gần 50 năm, thậm chí trong trường hợp người mẹ bị sẩy thai cũng bị quy kết tội giết người. Xin xem: Salvador: bientôt 50 ans de prison pour un avortement ?, http://www.parismatch.com/Actu/International/Salvador-bientot-50-ans-de-prison-pour-un-avortement.

(8) Bé Linda sinh con lúc chưa đầy 6 tuổi. Theo hồ sơ còn lưu tại bệnh viện Limat năm 1939: Linda được cha mang đến bệnh viện trong tình trạng “một khối u lớn ở ruột”. Bác sĩ Gerardo Lozada rất bất ngờ khi biết Linda đã có mang ở tháng thứ 8. Ông cùng một số bác sĩ tiến hành phẫu thuật để cứu đứa bé. Đứa bé này lớn lên cùng với “chị gái” và khi 10 tuổi mới phát hiện đó chính là mẹ mình. Sau này, Linda lấy chồng năm 1972 và từ chối tiết lộ thông tin về cha của con trai. Tuy nhiên, hồ sơ bệnh án của Linda lưu ở bệnh viện đã cho thấy tính xác thực của sự việc. Linda trở thành một ca nghiên cứu đặc biệt của các bác sĩ và các nhà nữ quyền trên thế giới. Xin xem: Lina, seulement 5 ans, accouche d’un beau bébé de 2,7 kg, à Lima, Le Point, 14/5/2012, http://www.lepoint.fr.

(9), (10) Dạ Ngân, Gia đình bé mọn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.50, 54.

(11) Đoàn Lê, Tiền định, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr.112, 120.

(12), 13)  Phong Điệp, Blogger, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009, tr.84, 90.

(14)Võ Thị Xuân Hà, Tường thành, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004, tr.297.

TS.Trần Huyền Sâm
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *