Dấu ấn hậu hiện đại qua truyện ngắn O’henry

O’henry tên thật là William Sydney, là một nhà văn thành công về truyện ngắn, ông viết chừng 300 truyện và được in thành tập: Cabbeges and Kings (1904), The four million (1906),…Văn phong của ông có cấu tứ mới mẻ, ngôn ngữ khôi hài nhằm khắc họa bức tranh hiện thực xã hội Mỹ đầu thế kỷ 20, và đây cũng là dấu ấn cho truyện ngắn kiểu Mỹ xuất hiện.

Bài tham dự Hội thảo khoa học sinh viên khoa Ngữ Văn năm 2015

Dấu ấn hậu hiện đại qua truyện ngắn O’henry

1.Mở đầu:

   O’henry tên thật là William Sydney, là một nhà văn thành công về truyện ngắn, ông viết chừng 300 truyện và được in thành tập: Cabbeges and Kings (1904), The four million (1906),…Văn phong của ông có cấu tứ mới mẻ, ngôn ngữ khôi hài nhằm khắc họa bức tranh hiện thực xã hội Mỹ  đầu thế kỷ 20, và đây cũng là dấu ấn cho truyện ngắn kiểu Mỹ xuất hiện.

  Đặc sắc trong truyện ngắn của O’henry là những tình tiết ngẫu nhiên đôi khi đến phi lí, những kết thúc mở bỏ nửa, có lúc khắc nghiệt hoặc oái ăm tác động vào người đọc hoặc bất ngờ thích thú nhưng không quá thỏa mãn, hoặc bâng khuâng khuâng nhưng không nặng nề. Đây là phong cách lãng mạn kết hợp cổ điển của O’henry, nhưng đặc biệt ở truyện ngắn của ông còn có các dấu ấn của hậu hiện đại, một yếu tố khó kiếm vào khoảng đầu thế kỉ 20. Những dấu ấn này xuất hiện từ tư tưởng cho đến kết cấu nghệ thuật, từ đó tạo nên những nét riêng, mới trong truyện ngắn của ông.

  Hậu hiện đại ở O’henry không hoàn toàn đầy đủ, những yếu tố trong truyện ngắn của ông chỉ xuất hiện mang dáng vẻ của một vài nét cơ bản như: liên văn bản, bất tín nhận thức,… Nhưng sự kết hợp giữa cổ điển và hậu hiện đại tạo nên một tầng nhận thức khác biệt, có chiều sâu hơn và gây ấn tượng cho người đọc hơn.

2.Nội dung:

    2.1 Một số vấn đề lí thuyết hậu hiện đại:

           Chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) là một thuật ngữ được dùng trong nhiều lĩnh vực tư tưởng, từ triết học, mĩ học, các ngành phê bình, nghiên cứu nghệ thuật, trong đó có văn học. Ở đây bao hàm tính thời gian (le postmodernisme, post-hậu), nói cách khác nó là một lát cắt thời gian trong quá trình phát triển của văn học phương Tây nói riêng, của văn hóa phương Tây nói chung.

  Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên được dung trong cuốn sách xuất bản năm 1917 của nhà triết học  người Đức Rudolf Pannwitz. Nhiều nhà nghiên cứu sau Rudolf Pannwitz đã phát triển ý nghĩa của thuật ngữ này, trong đó một số tên tuổi như Ihab Hassan, Jane Jacobs, Michel Foucault, Jean-Francois Lyutard, Richard Rorty… Có thể xem Jean-Francois Lyotard là người tiên phong trong việc vận dụng thuật ngữ này vào nghiên cứu văn học với cuốn “La condition postmodern” (1979). Vậy văn học hậu hiện đại là gì? Nó có những đặc trưng nào để có thể khu biệt với văn chương hiện đại khi mà  cái thời gọi là hậu hiện đại đang tồn tại ngay trong thì hiện tại chưa hoàn thành của chúng ta (thuật ngữ của Bakhtin)? Theo quan điểm của Lyotard “Hậu hiện đại là sự hoài nghi đối với các siêu tự sự. Nó hiển nhiên là kết quả của sự tiến bộ của các khoa học; nhưng sự tiến bộ này đến lượt nó lại tiền giả định sự hoài nghi đó. Tương ứng với sự già cỗi của cơ chế siêu tự sự trong việc hợp thức hóa là sự khủng hoảng của nền triết học siêu hình học, cũng như sự khủng hoảng của thiết chế đại học phụ thuộc vào nó”. Hoặc khái niệm của Nguyễn Hưng Quốc: “ Chủ nghĩa hậu hiện đại có nhiều cấp độ: rộng, nó chỉ những điều kiện văn hóa, triết lí sống và phong cách sống của cả một thời đại; hẹp, nó chỉ một trào lưu sáng tác với quan điểm mĩ học và kĩ thuật cũng như thủ pháp riêng khác với những tác phẩm ra đời trong quỹ đạo hiện đại chủ nghĩa trước đó”.

  Theo đó về mặt cảm quan, chúng ta có thể thấy rõ nhất sự khác biệt của lí thuyết chủ nghĩa hậu hiện đại với các thời kì trước đó chính là việc đổi mới lối tư duy trong sáng tạo, hay nói cách khác đó là chủ nghĩa của “tự do”, được phép thể hiện tất cả những vấn đề trong cuộc sống xã hội cũng như trong đời sống tâm hồn của con người. Chủ nghĩa hậu hiện đại cuối cùng vẫn là  một sự quay trở về đầy ẩn dụ với cái nguyên bản của khối hỗn độn thời kì nguyên thủy. Nhưng nó vẫn là những cái mới, những cách thể hiện hết sức tự do, thoát khỏi kiểu đại tự sự truyền thống và cổ súy cho những tiểu tự sự, như một kiểu chia nhỏ, tách nhỏ vấn đề đời sống trong sáng tạo nghệ thuật vậy.

  Ngoài ra, chủ nghĩa hậu hiện đại tiếp nối hiện đại hòng giải quyết những vướng mắc của chủ nghĩa hiện đại với tham vọng dung khoa học để giải phóng con người thoát khỏi cuộc sống và tín điều tăm tối. Chủ nghĩa hậu hiện đại gắn với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp thông tin, của sự phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật vượt bậc, của thành tựu đô thị hóa,…được thể hiện ở cả ba phương diện thơ, kịch, văn xuôi với các đặc điểm chính: đa trị, huyền ảo, lắp ghép, mảnh vỡ, cực hạn, phi trung tâm, phi mạch lạc; hạn chế tối đa vai trò thống trị của người kể chuyện, không quan tâm đến cốt truyện, kịch và văn xuôi mang nhiều đặc điểm của thơ. Chủ nghĩa hậu hiện đại chấp nhận tính dị biệt. Có thể nói đây chính là khuynh hướng dung nạp một “tổ hợp dị biệt”, nhưng không với ý đồ nhất thể hóa chúng mà chỉ để dị biệt hóa chúng hơn.

   Cuối cùng về mặt thủ pháp nghệ thuật, nếu chủ nghĩa hiện đại thường vận dụng lối tượng trưng, hoặc dòng ý thức…, thì chủ nghĩa hậu hiện đại thích sử dụng nhất là lối “U-mua màu đen” (black humor) kết hợp giữa hoang đường, khủng khiếp với hoạt kê, thông qua cái hài để biểu đạt cái bi đát nhất. Tác giả thường lập ý quái dị, tưởng tượng phong phú, nhưng là nhằm vạch ra cái tính chất buồn cười trong những sự việc thường thấy, cười cợt khôi hài một cách chua chat, kể cả tự trào trong một trạng thái lạnh lùng, bế tắc, tiến thoái lưỡng nan. Nhân vật thì tầm thường, tình tiết lộn xộn, kết cấu lỏng lẻo, nhưng tất cả đều tạo ra một cảm xúc dự báo cho ngày tận thế. U-mua màu đen, do đó, là ‘sự phản ánh vào văn học loại khôi hài tuyệt vọng, nó cố gây tiếng cười cho con người, xem như sự phản ứng lớn nhất của loại người đối với những cái vô nghĩa hoang đường mà lại thường thấy trong cuộc sống” (Đại bách khoa toàn thư Anh quốc).

    2.2 Những dấu ấn hậu hiện đại trong truyện O’henry nhìn từ phương diện tư tưởng:                 

           Đầu tiên ở các tác phẩm của O’henry xuất hiện tinh thần “giải cấu trúc” thể hiện rõ nhất ở việc tác giả “cố tình” bỏ qua thực tế “đại tự sự” (Grande Narrative) chỉ chú ý cái tồn tại mang tính “tiểu tự sự” (Petit Narrative) tức những cái không phổ biến, khuyết thiếu, rơi rớt… Ví như ở truyện ngắn “Một sự cải tạo được cứu vãn”, thay vì nói về sự giáo dục, thức tỉnh phạm nhân nhờ pháp luật, O’henry lại đề cập đến sự thức tỉnh nhờ cuộc đời và tình người mà nhà giam năm lần bảy lượt điều không làm được với nhân vật Gimmy Velantin. Từ đó cho ta thấy những biến chuyển trong tâm lí người, lòng nhân, những tác động tinh vi trong bản thể con người được O’henry chú tâm khai thác.

         O’henry đi sâu vào những phi lí không chỉ trong đời thực mà còn trong chính nhân cách mỗi nhân vật, phi lí đấy nhưng cũng hóa thành có lí. Giống như hai mặt đối lập trong đời sống nhiều mâu thuẫn của tâm trí con người, giữa lí tính và cảm tính. Trong truyện ngắn “tên cớm và bản thánh ca” có thể thấy rõ O’ henry để “luật pháp chiến thắng, cái ác phục tùng cái thiện”, trong cái phi lí của nhân vật Xopy điều ấy cũng đã được thể hiện. Để cuối cùng, mong ước nhỏ nhoi nhất của Xopy là được đi tù chỉ là một tham vọng hết sức buồn cười và phi lí. Đến những tình tiết tiếp theo của câu chuyện, những kế hoạch bất chính tiếp theo của Xopy và những thất bại trong việc cố gắng được đi ở tù, được vào Khám Đảo ba tháng cho qua mùa rét, O’Henri dường như đang cố tình dựng nên liên tiếp sự phi lí ấy để chứng minh cho một cái gì đó. Phải chăng, nhà văn đang cố gắng làm cái việc “khai thác mặt tốt trong tâm hồn những người bị đẩy ra bên lề cuộc đời,…muốn khẳng định hạt nhân tính thiện trong bản chất của con người…” khi triển khai ở góc độ của nghệ thuật dựng truyện, dựa trên những tình tiết phi lí trong các kế hoạch của Xopy. Với những lần hành động tiếp theo, mặc dù Xopy đã cố gắng hết sức để hi vọng việc làm bất chính của mình được mấy viên cảnh sát để mắt tới. Chẳng hạn như: Chuyện gây náo loạn ở đường phố, chuyện trêu gẹo gái trước mặt viên cảnh sát, và chuyện ăn trộm cái ô rồi tự nhận một cách trắng trợn…Nhưng, Xopy càng cố gắng thể hiện mình là kẻ bất chính, thì yếu tố phi lí càng tăng tiến một cách hài hước.  O’Henri dường như đang cố gắng khai thác cái thiên lương ẩn sâu nơi tâm hồn con người, hoặc “muốn khẳng định những kẻ bị vứt ra ngoài lề pháp luật ấy chưa hẳn tất cả đều xấu”. Trong sáng tạo văn học, O’Henri đã làm được cái việc đó là “dùng ngòi bút của mình để phủ nhận quan điểm thường tình của người đời là luôn xem tất cả những người vi phạm luật pháp là những người xấu xa, đáng ghét”. Chính Soapy cũng đã cho ta thấy cái vẻ đẹp tâm hồn khi thể hiện lòng tự trọng của chính mình về chuyện ăn uống: “Anh vốn coi khinh những thức ăn người ta lấy danh nghĩa làm phúc ban cho dân nghèo của thành phố. Theo quan niệm của Soapy, pháp luật còn dễ chịu hơn là lòng từ thiện.” Hoặc, những suy nghĩ đầy tính triết lí mà O’Henri để cho nhân vật tự thể hiện: “Mọi thứ nhận được của các bàn tay từ thiện nếu không phải trả bằng tiền thì lại trả bằng sự nhục nhã của tâm hồn…”. Và đây cũng chính là những dấu ấn về mặt nhận thức của tư tưởng hậu hiện đại, khi nhà văn đưa ra những quan điểm ngược lại với nhận thức, từ đó hướng vào những cái tồn tại mang tính “tiểu tự sự”.

     O’henry được biết đến là nhà văn cổ điển, nhưng ở tư tưởng ông vẫn có sự sáng tạo mang dấu ấn hậu hiện đại, nhằm hướng đến sâu hơn về những vấn đề trong tâm tưởng, tâm lí người đôi khi có những điều vẫn là “ngoại biên” với xã hội. Những tạo hình nhân vật trong một số tác phẩm với tinh thần “giải cấu trúc” và người đọc có cơ hội biết tới vô số những “bất thường” , những giả tạo, của một tầng lớp được coi là tinh hoa của xã hội hơn hẳn những kẻ lang thang đương thời. Và đằng sau những kẻ sang trọng, đại diện cho công lí là những lừa dối của một xã hội lạnh lùng. Một người “đàn ông ăn mặc sang trọng” nhưng lại lấy cắp một chiếc ô lụa, một viên cảnh sát lại làm ngơ cho gái bán hoa làm việc… Viết về những khuất lấp, mặt trái nhưng từ đó O’henry đề cao những tình người, sự hy sinh, những vẻ đẹp tâm hồn trong mỗi số phận trái ngang của cuộc sống. Vì vậy trong quan niệm phản ánh, điều đó trở thành sự “tình cờ”, “ngẫu nhiên”, “trò chơi” của nghệ thuật. Chính điều này sẽ tạo nên dấu ấn hậu hiện đại ở phương tiện hình thức mà ta sẽ nói ở phần sau.

   2.3  Những dấu ấn hậu hiện đại trong truyện ngắn O’henry nhìn từ phương diện hình thức tác phẩm:

      Truyện ngắn O’henry luôn nổi bật với những thủ pháp nghệ thuật đặc biệt từ kết cấu truyện đến xây dựng hình tượng nhân vật, điều đó làm truyện ngắn của ông ấn tượng và khác biệt hơn cả so với các nhà văn Mỹ đương thời. Cách tiếp cận của O’henry mang phong cách cổ điển với giọng điệu triết lí và hướng đến những kết thúc có hậu. Tuy nhiên, các yếu tố hậu hiện đại vẫn được ông tiếp nhận góp phần làm mới ngòi bút và hướng đến những khía cạnh khác biệt trong chủ đề.Vì vậy có thể nói, dấu ấn HHĐ trong sáng tác của O’henry không chỉ thể hiện rõ ở ý thức, tư tưởng phản ánh mà trước cả và rõ nhất là ở phương thức, kĩ thuật phản ánh.

    Dấu ấn “mã kép” (double code): đây là một trong những khái niệm cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại. Mã kép, theo Charles Jencks, nhà phê bình kiến trúc Hoa Kỳ là sự trộn lẫn giữa các phong cách bác học và đại chúng, cũ và mới, hiện đại và cổ điển.. Nguyên tắc của việc tạo mã kép là nghệ sĩ phải bố trí sao đó để tính chất “kép” được thể hiện trong một sự vật hiện tượng và ngay cùng lúc. Theo Lê Huy Bắc, đây cũng chính là những nguyên tắc nền tảng của “mã kép” trong văn chương. Văn chương hậu hiện đại sử dụng mã kép, một mặt làm tăng thêm tính biểu đạt cho hình tượng, mặt khác, quan trọng hơn là tạo nên cảm hứng mỉa mai (Irony) cho lời văn.

         Trong truyện ngắn O’henry, dấu ấn “trộn lẫn” các bút pháp, thủ pháp sáng tác khá phong phú và rõ nét, như: truyền thống, cổ điển với hiện đại, hiện thực với phi lí, triết lí với diễu nhại, hài hước… Các thủ pháp nghệ thuật được O’henry kết hợp “trộn lẫn” và sáng tạo đẩy lên các tầng đối lập, khác biệt, từ đó tạo nên những tác phẩm có sức sống riêng, hơi thở riêng của O’henry làm người đọc chú ý và để lại nhiều chiều suy ngẫm. Chẳng hạn, trong tác phẩm “tên cớm và bản thánh ca” , O’henry đã đưa ra sự “trộn lẫn” mã kép giữa những triết lí với cuộc đời, khát vọng sống đúng nghĩa và diễu nhại những phi lí, ngang trái của xã hội, của công lí gần như cùng lúc, góp phần đẩy tình huống truyện đến cao trào.

   Nhân vật trong tác phẩm cũng được “lạ hóa” từ sự “trộn lẫn” kĩ thuật của các bút pháp. Người ta thấy rõ ở nhân vật tên tuổi, ngoại diện, …-sản phẩm của bút pháp truyền thống- mà theo nguyên tắc xây dựng nhân vật của các phương pháp cổ điển,  tên của nhân vật cũng được coi là thông điệp  mang tư tưởng, vì vậy, nhà văn rất coi trong việc đặt tên nhân vật. Song O’henry lại mờ nhòe đi những nét cá tính riêng tiêu biểu ở nhân vật, truyện ngắn của ông không có độc thoại nội tâm mà thiên về kiểu người hành động, khác hẳn so với bút pháp truyền thống. Trong truyện ngắn “Buồn tầng thượng”, nhân vật “cô Lixon” được tạo nên với là một cô gái nghèo tới thuê trọ nhưng lại hoàn toàn mờ nhạt về những suy nghĩ và nét tính cách, tất cả chỉ thể hiện qua hành động “gọi tên một ngôi sao là Bili Giacxon”. Thời gian cô thất nghiệp, không có tiền ăn và kiệt sức nằm đợi chết trên giường trong đêm sao Bili Giacxon tỏa chiếu. Sáng hôm sau, người ta phát hiện ra cô, một bác sĩ trẻ theo xe cấp cứu đưa cô vào bệnh viện. Một mẫu báo đăng tin Uyliam Giacxon – tên bác sĩ – sẽ cứu sống cô. Điều không rõ ở truyện này là giữa bác sĩ trẻ ấy và cô gái có quan hệ gì: là anh em, họ hàng , bạn bè, người yêu hay vợ chồng? Ta không biết. Chỉ biết cô gái hẳn quý Bili Giacxon ( Bili : tên gọi thân mật của Uyliam) thì mới mang tên anh đặt cho ngôi sao bè bạn cùng cô. Còn Uyliam khi đưa cô ra xe thì không đặt cô xuống mà bế trên tay và bảo tài xế chạy nhanh về bệnh viện. Đọc truyện, ta thấy Lixon xinh xắn, hồn nhiên và hòa đồng với mọi người chứ không biết cô từ đâu đến, cô đang mang trong lòng nỗi niềm gì, tại sao cô thất nghiệp và người đàn ông Uyliam là gì đối với cô…Sự “trộn lẫn” này đem lại một hình tượng nhân vật đầy bí ẩn và mang một chiều sâu về tâm hồn, truyện kết thúc nhưng bí mật của truyện vẫn chưa được giải tỏa, đem lại những cái kết mở đầy riêng biệt. Vì vậy nhân vật của O’henry vừa cá thể, cụ thể, vừa sinh động vừa khái quát, vừa hiện hữu vừa mơ hồ, phiếm chỉ.

    Không chỉ vậy, truyện ngắn O’henry còn có những sự thay đổi, “lạ hóa” trong phương thức trần thuật, gắn với sự thay đổi không gian nghệ thuật của truyện. Ở loạt truyện về Texas và Trung Mỹ, chủ yếu ông dung mô thức trần thuật “kiểu vở kịch”, còn ở những truyện về New York, ông chủ yếu sử dụng mô thức trần thuật “kiểu bức tranh”. Ở mô thức thứ nhất, ta thấy các nhân vật tham gia vào các biến cố, xung đột, bản thân chúng tạo ra kịch tính và nhà văn có thể xác định được những phẩm chất đặc trưng của tính cách nhân vật. Ở mô thức thứ hai, các nhân vật bị ngập chìm vào cái không gian đô thị ồn ào không ngừng nghỉ, và chúng bị các biến cố cuốn hút đi. Ở đây ta chỉ bắt gặp các số phận chứ không có tính cách. Những sáng tác của O’henry trong thời gian ở New York nằm trong một giai đoạn quan trọng của lịch sử Mỹ, giai đoạn kinh tế Mỹ đã chuyển từ công nghiệp hóa sang tự động hóa. Đây là môi trường chủ yếu tạo ra màu sắc đám đông, và nhà văn từ đó tạo ra những mảnh đời riêng, số phận riêng khác hoàn toàn với số đông.

    Dấu ấn “mã kép” cũng được thể hiện để thay đổi vai trò người kể chuyện, người đọc  đang được “dõi theo, bỗng được “chứng kiến”, đôi khi là trực tiếp trải nghiệm, dẫn dắt như chính nhân vật trong truyện. Sự phối hợp này của điểm nhìn trần thuật đã tạo ra những “dãn cách” linh hoạt, vừa tạo bất ngờ, vừa kích thích tò mò. Độc giả được cuốn vào “trò chơi” thay đổi vị trí tiếp cận, đồng nghĩa với việc luôn được thay đổi khẩu vị tiếp nhận do sự mở ra đầy đột biến của mã thông tin “cái được biểu đạt”. Vì vậy dường như vai trò của “cái biểu đạt” không còn tồn tại. Liên quan đến điều này có vai trò của người đọc và sẽ là một phạm trù khác mà chúng ta sẽ nói đến sau đây, phạm trù liên văn bản.

    Dấu ấn “liên văn bản” (intertextuality): Thuật ngữ do nhà lí luận về chủ nghĩa hậu hiện đại J.Kristéva đưa ra vào năm 1967 và nhanh chóng trở thành một trong những thuật ngữ cơ bản , mang tính chính đề của chủ nghĩa hậu hiện đại. Các nhà hậu hiện đại quan niệm: văn bản hậu hiện đại là “những văn bản khổng lồ”, là “một quần thể giả định của các văn bản khác”, vì vậy, muốn hiểu văn bản phải đặt nó trong mối liên hệ với các văn bản khác. Một tác phẩm được coi là có “tính liên văn bản” hay là văn bản hậu hiện đại thì các yếu tố trong văn bản tác phẩm phải có quan hệ với một hệ thống liên văn bản rộng lớn, nhiều khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tác giả. Phẩm chất, đặc tính trên dẫn đến hệ quả tất yếu: sự lên ngôi của độc giả, nói đúng hơn, độc giả sẽ được tự do thỏa sức “tái tạo” lại tác phẩm thông qua liên tưởng, tưởng tượng hoặc suy ngẫm tùy vào trình độ tri thức, vốn sống, vốn văn hóa, thị hiếu thẩm mĩ trong suốt quá trình giải mã và chiếm lĩnh tác phẩm theo khả năng và nhu cầu (tầm đón đợi – H.R.Jauss). Văn bản hậu hiện đại thông qua kênh tiếp nhận của độc giả không có đường biên, nó sẽ bộc lộ cái “mênh mông của sự đọc”. Văn bản chỉ còn là một tiền “giả định” cho những văn bản “sau nó” và “các văn bản khác”. Điều mà Riffaterre (1924-2006) nhà ngôn ngữ học người Pháp tiên lượng: “Liên văn bản là sự nhận biết của người đọc về các quan hệ giữa một tác phẩm với các tác phẩm đi trước hoặc sau nó, chúng tự mình đủ cho mình và không nói về thế giới mà nói về bản thân chúng và về các văn bản khác”. Tính liên văn bản, vì vậy, được coi là một trong những phương diện biểu hiện quan trọng của dấu ấn hậu hiện đại. Về bản chất, “liên văn bản” có quan hệ mật thiết với “mã kép”, bởi khi nhà văn thực thi “mã kép” cũng chính là đã tạo được tính “liên văn bản” trong văn bản – tác phẩm. Song, hai khái niệm này không trùng khít, nếu khái niệm “mã kép” thiên về đánh giá năng lực sáng tạo của độc giả – người tiếp nhận. Dĩ nhiên, để đạt được ước muốn này, tác giả – chủ thể sáng tạo phải khơi dậy được năng lực ấy.

   Trong sáng tác của O’henry, tính “liên văn bản” đôi lúc vẫn còn mờ nhạt, được nhà văn thực hiện một cách tự giác và không tự giác. Trên thực tế, từ tất cả các phương diện thể loại: ngôn ngữ, hình tượng, kết cấu cốt truyện, giọng điệu,…đều mang khả năng trở thành đầu mối của quan hệ giao tiếp nghệ thuật. Chẳng hạn, cốt truyện nhiều nhánh mạch theo cấu trúc “mã kép” đã từng được nói trên đây cũng góp phần đánh thức nhiều trường liên tưởng ở nhiều nội dung với nhiều dạng thức “văn bản”. Cũng như vậy, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu… trong truyện ngắn O’henry cũng luôn ở trong mạch ngầm của trường liên tưởng rất đa dạng và phong phú. Chúng ta sẽ khảo sát tính “liên văn bản” trong tác phẩm của O’henry theo các phương diện cơ bản: thứ nhất là mối quan hệ giữa những tác phẩm (truyện ngắn) của O’henry với nhau; thứ hai là mối quan hệ giữa truyện ngắn O’henry với các “văn bản-loại hình nghệ thuật” khác, qua đó để thấy rõ hơn những yếu tố hậu hiện đại được xuất hiện.

     Ở mối quan hệ thứ nhất, có thể xem mỗi truyện ngắn của O’henry giống như một mắc xích, một phân đoạn trong chuỗi cấu trúc về một đề tài, chủ đề nhất định. Khi để chúng đứng cạnh nhau người ta nhận thấy một cấu trúc tổng thể biểu đạt ý tưởng, nhận thức hay quan niệm của nhà văn về các vấn đề xã hội, nhân sinh hay thời đại… Chẳng hạn, ta đặt một số truyện ngắn  của O’henry cạnh nhau, như: Món quà của đạo sĩ, Chiếc lá cuối cùng, Tên cớm và bản thánh ca… , người đọc sẽ nhận ra “chân dung” của một tầng lớp thấp kém dưới đáy xã hội với những khát vọng sống và tình người đầy cao cả dành cho nhau, một mặt bóc trần bộ mặt lạnh lùng, kệnh cỡm của xã hội Mỹ đương thời ở tất cả các phương diện từ lối sống, nhân cách, tâm hồn…Mỗi truyện đề cập đến một hoàn cảnh khác nhau, song nếu sắp xếp lại với nhau sẽ thấy bức tranh toàn cảnh hay thảm trạng với những chuỗi những bi kịch, trái ngang của tầng lớp “dưới” xã hội.

     Đối với mối quan hệ thứ hai, có thể coi là dạng “hấp thu và biến hóa văn bản khác” nhưng văn bản lần này thuộc các loại hình nghệ thuật “ngoài ngôn ngữ” như: mĩ thuật, kiến trúc, điện ảnh, âm nhạc, sắp đặt,…Tính “liên văn bản” trong trường hợp này không chỉ diễn ra một cách toàn diện, ở cả nội dung và hình thức, cả thông tin ý nghĩa và phương thức phản ánh. Chẳng hạn, ở các truyện sắp đặt, tác giả thể hiện ý tưởng về một sự sắp đặt ngẫu nhiên của số mệnh, định mệnh – trò chơi của tạo hóa bằng chính cấu trúc “sắp đặt”. Ví dụ ở truyện ngắn “chuyện một tờ báo” tác giả tạo nên sức ảnh hưởng của báo chí đầy ngẫu nhiên và uy lực . Đồng thời ở các truyện: tên cớm và bản thánh ca,một sự giúp đỡ của tình yêu…đều tạo ra mối liên kết rất chặt và rất biến hóa giữa “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt” nhờ hấp thu và biến hóa từ nhiều loại hình nghệ thuật. Tính “liên văn bản” luôn mang tinh thần đối thoại, nó phá vỡ tính chất trung tâm của cấu trúc, văn bản không còn là một thế giới khép kín mà trở thành “tự do và tương tác lẫn nhau” trong trò chơi ngôn ngữ. Từ đó gây hứng thú, suy ngẫm, tư duy trong “hành động đọc” của độc giả.

3. Kết luận:

     Dù còn có những quan điểm hoài nghi về việc có hay không lí thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại, song nó vẫn tồn tại và hiễn hiện trong tâm thức mỗi người về một sự ngẫu nhiên tất yếu. Như đã nói ở trên, O’henry là một nhà văn cổ điển, nhưng ở ông đồng thời cũng thể hiện một lối viết “mới”, cách sử dụng nghệ thuật “mới” với những dấu ấn tinh thần “mới”. Ở bài viết chỉ là một số dấu ấn được quy vào chủ nghĩa hậu hiện đại nhằm giải mã sâu hơn một khía cạnh mới trong các truyện ngắn của O’henry, tuy nhiên vẫn còn nhiều những mơ hồ và hạn chế.

    Các tác phẩm truyện ngắn của O’henry không đem đến một sự khác biệt hoàn toàn, song dường như tư tưởng và nghệ thuật sắp đặt đã phần nào làm mới những hình thức đã cũ mòn. Chính vì vậy tác phẩm của O’henry vừa bình dân nhưng vừa uyên bác, là một dấu mốc của thể loại truyện ngắn ở Mỹ giai đoạn đầu thế kỷ 20.

  O’henry vốn dĩ là nhà văn cổ điển, sự xuất hiện chủ nghĩa hậu hiện đại ở giai đoạn này còn tương đối mờ nhạt, chưa rõ nét, chính vì vậy ta càng thấy được sự đổi mới về mặt ngòi bút, khác biết về mặt tư tưởng và chiều sâu trong các tác phẩm của ông. Sự kết hợp giữa cổ điển xen lẫn hậu hiện đại góp phần tạo nên cái nhìn đa chiều, triết lí và đầy suy ngẫm cho một lớp người, một xã hội và những tầng bậc trong tâm lí con người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. O’henry, Buồng tầng thượng, NXB Văn học.
  2. O’henry, Tên cớm và bản thánh ca, NXB Văn học.
  3. O’henry, Một sự cải tạo được cứu vãn, NXB Văn học.
  4. H’henry, Món quà của đạo sĩ, NXB Văn học.
  5. P.ILIN, Chủ nghĩa hậu hiện đại – một số khái niệm và thuật ngữ, NXB hội nhà văn trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
  6. Lê Huy Bắc, Khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại, NXB Văn học.
  7. Nguyễn Minh Quân, Liên văn bản – sự triển hạn đến vô cùng của tác phẩm văn học, Trang Văn học và ngôn ngữ, đăng ngày 14/12/2011, tienve.org.
  8. Trịnh Bá Đĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, (2011) NXB Hội Nhà văn.
  9. Nguyễn Hưng Quốc, Chủ nghĩa hậu hiện đại, nguồn: http://www.tienve.org.

                                                                                       Hồ Nguyễn Bảo Nhi

Sinh viên năm thứ nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *