CHỦ ĐỀ LỊCH SỬ – DÂN TỘC TRONG SÁNG TÁC CỦA PHAN BỘI CHÂU

Chủ đề là “vấn đề cơ bản, vấn đề trung tâm được tác giả nêu lên, đăt ra qua nội dung cụ thể của tác phẩm văn học”(1) . Nói cách khác, chủ đề là những vấn đề được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm, nêu lên trong tác phẩm mà nhà văn cho là quan trọng nhất. Chủ đề của tác phẩm văn học gắn liền với hiện thực khách quan và ý đồ sáng tác chủ quan của tác giả. Ta có thể dễ dàng nhận thấy cơ sở, nền tảng của những tác phẩm văn học có giá trị luôn xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. M.Gorki đã rất có lí khi đưa ra nhận định: “Chủ đề là cái tư tưởng nảy sinh trong kinh nghiệm của tác giả, do cuộc sống gợi lên, làm tổ trong kho ấn tượng của anh ta nhưng chưa định hình và thể hiện thành hình tượng”. Như vậy, chủ đề thể hiện bản sắc, chiều sâu tư tưởng, khả năng thâm nhập vào bản chất đời sống của mỗi nhà văn. Điều này dẫn tới một nhận định khác, đó là trong văn học, chủ đề không bao giờ tách khỏi tư tưởng, hay tính tư tưởng của tác phẩm là một điều tất yếu bởi văn học là một hình thái ý thức xã hội, là hoạt động biểu hiện thế giới tinh thần tư tưởng của con người. Từ sự chi phối của tư tưởng cá nhân của mỗi người cầm bút, cách tiếp cận chủ đề cũng như phạm vi chủ đề mà họ thể hiện trong mỗi tác phẩm cũng khác nhau . Và cũng chính nhờ sự khác nhau ấy, nhà văn đã mở ra những bình diện, những góc độ và những con đường khác nhau để dẫn dắt người đọc thâm nhập vào tác phẩm của mình…

Ở phương Tây, việc nghiên cứu chủ đề trong văn học đã có truyền thống. Các khái niệm liên quan với nó đã được xem xét trong mĩ học của Heghel, trong thi pháp của A.N. Ve-xe-lop-xki, M.Bakhtin, Pospelop… Ngày nay, chủ đề sáng tác đang thu hút sự tập trung chú ý của nhiều nhà khoa học. Bước đầu vận dụng quan niệm trên vào sáng tác của Phan Bội Châu, chúng tôi nhận thấy một số đặc điểm sau đây.

Có thể tóm tắt những chủ đề cơ bản trong toàn bộ sáng tác của Phan Bội Châu là “ưu dân, ái quốc”, và chống thực dân, phong kiến.

Hình thành văn tài vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, thời điểm dân tộc Việt Nam đang rơi vào một khủng hoảng cao độ trên nhiều phương diện, mọi người sống chờ đợi trong sự tàn lụi, giá lạnh. Chỉ có quá khứ anh hùng của dân tộc, chiến công lẫy lừng của cha ông còn đưa lại một chút hơi ấm, một tia hy vọng. Đó là lý do xuất hiện nhiều bài thơ hoài cổ trong văn chương quí tộc hồi cuối thế kỷ XIX. Phong trào Văn Thân thất bại còn để lại một ít thơ văn lành mạnh hơn, nhưng cũng chỉ là “một mớ âm điệu nghẹn ngùng… Trơ trẽn là văn chương của bọn hàng thần. Bao nhiêu điển cố văn chương chữ nghĩa thánh hiền hồi này, bọn xu nịnh đập sách ra, uốn nắn lại mà ca tụng nước Đại Pháp, chính phủ bảo hộ với quan toàn quyền, quan khâm sứ  và bè lũ bù nhìn phong kiến…”(2). Những người bất mãn thì ôm bụng nhìn trời mà than thở với vận hội giang sơn và nói chung, văn học công khai cũng như tình hình chính trị là một bức tranh xám xịt của một buổi chiều đông giá lạnh.

Xuất hiện trong môi trường văn thơ đương thời như đã nói ở trên, trước hết Phan Bội Châu phải đối thoại với loại văn thơ “tùy thời”. Các tác phẩm của nhà văn viết ở thời kỳ đầu như Bái thạch vi huynh, Hải hồ khoan, Chơi xuân… rõ ràng là vẫn viết trên cơ sở những mô típ cũ, nhưng nhà văn đã khéo kết hợp với các yếu tố chính luận, do vậy mà chúng mang một sắc khí mới lạ.

Có thể nói, sáng tác của Phan bội Châu trước 1905 đều thấm nhuần sự cảm nhận về một vận hội mới của non sông, đất nước:

“Giang sơn còn tô vẻ mặt nam nhi

Sinh thời thế phải xoay nên thời thế,

Phùng xuân hội may ra ừ cũng dễ,

Nắm địa cầu vừa một tí con con!

Đạp tan hai cánh càn khôn,

Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà!

Hai vai gánh vác sơn hà,

Đã chơi, chơi nốt, ối chà chà xuân”.

                                     (Chơi xuân)

Âm hưởng “ngày hội mùa xuân” gần như tràn ngập trong hầu hết tác phẩm của ông. Khá lâu về sau, trong những sáng tác của nhà văn, âm hưởng này vẫn còn đậm đà. Đây là chỗ mạnh của Phan Bội Châu và cũng là chỗ để phân biệt ông với các nhà văn cùng thời khác. Bằng cái nhìn hướng tới tương lai, ông cho mọi người thấy rằng, tất cả những tín điều, khuôn phép trong cuộc sống buồn thảm lúc đó không còn đủ sức chi phối được mình. Nhà văn đã dũng cảm tuyên chiến với định mệnh “đạp tan hai cánh càn khôn”, việc lớn quyết đưa lên vai gánh vác, tháo cũi, sổ lồng để “bay nhảy với ngàn trùng sóng bạc”,“đem xuân vẽ lại trong non nước nhà”.

Xét ở góc độ thể tài truyền thống như nói chí, tỏ lòng, ta thấy, thơ văn Phan Bội Châu trước 1905 đã có những cách tân đáng kể. Cách tân lớn nhất mà ông mang vào văn học là đưa chính trị vào văn thơ, kết hợp tuyên truyền với trữ tình, tuyên truyền với miêu tả, kể chuyện. Đương nhiên yếu tố này cũng có quá trình phát triển.

Từ 1905, Phan Bội Châu bắt đầu hoạt động cách mạng. Thơ văn ông cũng từ đây chủ yếu được sáng tác trong khuôn khổ của chủ đề: lịch sử-dân tộc. Nói đúng hơn, nội dung xã hội, lịch sử chính là nét chủ đạo trong sáng tác của Phan Bội Châu. Điều này không chỉ thể hiện ở đề tài, chủ đề mà còn chi phối đến cả cơ cấu bên trong của tác phẩm, nhân vật và cốt truyện, không gian và thời gian, cả toàn bộ tác phẩm của nhà văn. Cũng bắt đầu từ đây, nhà văn tập trung suy nghĩ các vấn đề chính trị trên cấp độ dân tộc, đất nước. Cái “tôi” trong Xuất dương lưu biệt, Hòa lệ cống ngôn, Hải ngoại huyết thư… tuy có mang ấn tượng cá nhân, nhưng vẫn là cái tôi đất nước, dân tộc, cái “tôi” công dân.

Điều dễ dàng nhận thấy là, từ Việt Nam vong quốc sử (1905) số phận đất nước, tương lai dân tộc, sức mạnh truyền thống “con rồng cháu tiên”, vai trò của nhân dân, vai trò của những anh hùng hữu danh, vô danh trở thành đối tượng suy nghĩ chủ yếu, là “nhân vật” trung tâm của nhiều tác phẩm của Phan Bội Châu (Gọi tỉnh hồn quốc dân, Kính quốc nhân, Ai Việt Nam, Ai Việt điếu điền, Tân Việt Nam, Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam quốc sử khảo, Sùng bái giai nhân, Việt Nam nghĩa liệt sử, Trùng Quang tâm sử, Đường Tăng nước Nam, Ái quốc, Ái chủng, Ái quần…). Nếu như trong văn học hợp pháp ở giai đoạn này, con người được nhìn nhận chủ yếu ở thái độ ứng xử của nó đối với thời cuộc, với hoàn cảnh, thì trái lại, trong văn học cách mạng nói chung, thơ văn Phan Bội Châu nói riêng, con người được đánh giá theo đóng góp của  nó cho sự nghiệp của dân tộc: “Lê Đại Hành đối với Triều Đinh là có tội, Nguyễn Quang Trung đối với nhà Nguyễn và Lê là có tội, nhưng đối với nước ta là những người đại hiếu tử là bậc thượng đẳng công thần”(3) . Còn Phạm Hồng Thái thì “cao cả hơn cả Kinh Kha, Nhiếp Chính…” chỉ vì” Không nỡ nào nhìn mãi cảnh tôi đòi, trâu ngựa của đồng bào”(4) .

Từ đây, trong những trang văn của nhà chí sĩ họ Phan bắt đầu ghi thêm những chiến công hiển hách của Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung, sự ngoan cường bất khuất của Lý Bí, Triệu Quang Phục (Việt Nam quốc sử khảo).Truyền thống không dừng lại ở quá khứ mà còn được tiếp tục bằng những chiến công của lớp người hiện tại. Đó là cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân chống thực dân Pháp mà nổi lên là nghĩa sĩ Văn Thân, trong đó có Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Tống Duy Tân (Việt Nam quốc sử khảo). Đó còn là những đồng chí, bạn bè thân thiết của nhà văn như Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ, Mai Lão Bạng… (Phan Bội Châu niên biểu) mới ngày nào còn tất tả ngược xuôi trên đường cách mạng, nay đã ngã xuống “lấy cái chết làm bậc thang cho sự sống” cũng đi vào lịch sử: “Có người đánh giặc mà chết, có người lo giận mà chết, có người chết để thực hiện chí mình, cách chết tuy khác nhau, nhưng mục đích chết là một”(5) .

Không còn bị ràng buộc trong khuôn khổ chật hẹp của quan niệm sử gia phong kiến, cái nhìn của Phan Bội Châu đã hướng đến tầng lớp lao động, những người nghèo khổ ở nông thôn, những người phụ nữ… Với Phan Bội Châu, họ đều là những người có nhiệt tình yêu nước, hết sức căm thù bọn cướp nước và bán nước, và họ cũng có nhiều khả năng trở thành những người có công lớn với dân tộc, đất nước. Cho nên trong Trùng Quang tâm sử ta thấy: ngoài Trần Quí Khoáng dòng dõi tôn thất, ông Chân quan cũ nhà Trần, Đặng Dung, Đặng Tất… xuất thân tư tầng lớp quan liêu còn có ông Xí nông dân Nghi Lộc, bước vào tác phẩm với một gánh nước mắm trên đường cầu Cấm, ông Võ con nhà chài lưới, Cu Chìm dân làng cày thạo bẻ chuyện đò đưa…

Sự kết hợp các chủ đề chính trị với chủ đề lịch sử, dân tộc đã làm cho sáng tác của Phan Bội Châu mang đậm chất sử thi. Tính chất này được thể hiện trước hết ở chỗ nó lấy đối tượng miêu tả chủ yếu là cuộc đấu tranh của dân tộc nhằm thoát khỏi ách ngoại xâm, nhằm xây dựng một cộng đồng với một nội dung mới, theo một cương lĩnh cách mạng mới, cách mạng dân chủ tư sản; ở chỗ cảm hứng chủ đạo của nó là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng; ở chỗ nó đặt xung đột giữa dân tộc với kẻ đến xâm lược thành xung đột hàng đầu mà việc giải quyết xung đột này là chìa khóa cho việc giải quyết mọi xung đột khác; ở chỗ nó ca ngợi sự nghiệp dựng nước của toàn dân tộc trong quá khứ và hiện tại, ngợi ca sự xả thân vì dân tộc, vì đất nước của những con người ưu tú của dân tộc. Nói một cách khác, sử thi là sự khẳng định dân tộc bên bờ hủy diệt, tồn vong. Sử thi đòi hỏi mỗi người phải đối xử với nhau như anh em, đồng bào, đồng chí và đều lớn như nhau trong tầm vóc quốc gia, dân tộc. “Hưng Đạo Vương là vị anh hùng bậc nhất”, Lê Lợi là “vị anh hùng nổi tiếng”, Hai Bà Trưng là “thủy tổ nước Nam ta”, Nguyễn Huệ là “đại hiếu tử”, là “bậc thượng đẳng công thần”, Hoàng Phan Thái là “ông tổ mở đường” cho cuộc đấu tranh chống quân quyền, Hoàng Hoa Thám là “chân quốc nhân”, Trần Thiện Quãng là “đường tăng nước Nam”, ông Xí, Chí, Phấn, Lực, triệu… là”hậu thân anh hùng”. Tất cả đều là nhân vật sử thi.

Có thể nhận thấy tính chất sử thi đã xuất hiện trong một số tác phẩm của Phan Bội Châu trước 1905, nhưng chủ yếu là từ 1905 trở đi thì tính chất này mới chiếm vị trí chủ đạo. Các vấn đề mà thơ văn Phan Bội Châu đặt ra là giữa dân tộc, đất nước” và “cá nhân”, giữa “Tổ quốc” và “kẻ thù”, “sống nhục và “chết vinh”, “hạnh phúc riêng” và “hạnh phúc chung”, giữa “được” và “mất”, “tổ tiên” và “con cháu”, “truyền thống và “hiện tại”…Chẳng hạn: “Hiểu được nghĩa đồng bào thì nghĩa quốc gia lại càng thêm đầy đủ, mà ngày càng thêm mạnh. Đã biết đồng quốc là đồng bào, thì biết hạnh phúc của người cùng nước…tức là hạnh phúc của đồng bào ta, tức là hạnh phúc của bản thân ta. Hạnh phúc của bản thân ta chỉ khi nào tất cả đồng bào đều sung sướng, khi đó mới có thể nói hạnh phúc chân chính của ta được…”(6) . Trong truyện dài Trùng Quang tâm sử, những mâu thuẫn, xung đột với hoàn cảnh cũng như số phận của những con người cụ thể như ông Xí, ông Chân, cô Chí, cô Triệu, cu Chìm… chỉ có thể được giải quyết một cách tích cực trong cuộc đấu tranh cách mạng. Truyện Chân tướng quân không dừng lại ở cái chết bi thảm của Hoàng Hoa Thám và sự tan rã của nghĩa quân Yên Thế. Trong phần kết của tác phẩm này, Hoàng không chết mà ẩn vào rừng sâu để tìm thế trận mới. Truyện Pham Hồng Thái có một chi tiết hoàn toàn không có trong thực tế, đó là việc Phạm gặp Nguyễn Ái Quốc ở Hoan Thành. Đưa chi tiết này vào tác phẩm là có dụng ý của tác giả. Nhà văn muốn nhấn mạnh bước ngoặt về nhận thức của Phạm Hồng Thái khi anh ta từ bỏ cải lương mà chuyển sang bạo động, từ bỏ chức vị giáo học buồn chán và đi vào cách mạng…

Quả là chất sử thi đã làm cho thơ văn Phan Bội Châu trở nên trang trọng, thiêng liêng. Bởi nó không còn là chuyện của một người mà là của “ức triệu người”, đó cũng không phải là quan hệ giữa cá nhân với cá nhân mà là quan hệ giữa mỗi người với tầm vóc thời đại, với sự sống còn của đất nước, dân tộc. Đây chính là một chất lượng mới của văn thơ Phan Bội Châu so với văn thơ ở các thế kỷ trước.

Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh những đoạn trữ tình ngoại đề, những lời tụng ca, thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của nhà văn, ta còn gặp những lời kêu gọi, lời biểu thị quyết tâm, lời bày tỏ trách nhiệm trước vận mệnh đất nước, tổ quốc:

-“Non sông đã chết sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”

(Xuất dương lưu biệt)

-“Nước non Hồng Lạc còn đây mãi

Mặt mũi anh hùng há chịu ri”

(Chơi Xuân)

-“Thân ấy hãy còn còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu”

(Cảm tác ở nhà tù Quảng Đông)

-“Hợp muôn sức ra tay quang phục,

Quyết có phen rửa nhục, báo thù…”

(Ái quốc)

-“Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn,

Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa,

Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ…”

(Bài ca chúc tết thanh niên)

-“Thề rằng: tất cả những người trong hội này, nếu đứa nào cam tâm làm tôi tớ cho giặc, về hùa với giặc Ngô, hãm hại đồng bào lương thiện, trời tru, đất diệt, tiệt giống nòi” (Trùng Quang Tâm Sử).

-“Chúng ta thề chết làm người Việt Nam, không thèm làm chó săn cho chúng mày” (Truyện Phạm Hồng Thái).

-“Vì nghĩa diệt thù, sống cũng sướng mà chết cũng sướng” (Truyện Tái sinh sinh).

Cho nên, cũng không lấy làm lạ khi thấy trong văn thơ Phan Bội Châu ngoài những mô típ “hy sinh cá nhân”, ‘xả thân vì ý nghĩa lớn”, “thề nguyền trung thành với dân tộc”, “suy tôn quá khứ”, “ca ngợi công đức”, biểu dương những người anh em bạn bè đồng chí cùng thời cũng là một mô típ quan trọng.

Khi viết về dân tộc, đất nước, về người anh hùng cái nhìn của Phan Bội Châu thường là cái nhìn trong cuộc, đứng hẳn về một phía, phía chính nghĩa, đối lập với phía phi nghĩa, với thái độ yêu ghét hết sức rạch ròi. Nó không trầm tĩnh và đứng ngoài cuộc như trong sử thi truyền thống mà thường sục sôi, bột phát những tình cảm mãnh liệt, rực cháy. Cảm thức chính yếu của nó là cảm thức chính trị. Cái nhìn của nó chủ yếu là cái nhìn chính trị.Và để thể hiện những tình cảm chính trị của mình, nhà văn không ngần ngại trong việc huy động mọi phương tiện thể hiện.Trong tác phẩm của ông có tiếng nói của một nhà cách mạng tâm huyết, có nghệ thuật tuyên truyền, có tư thế đại diện cho dân tộc, cộng đồng, có tình cảm thân thiết của những người đồng chí, anh em ruột thịt. Cho nên cũng không thấy làm lạ khi trong tác phẩm của nhà văn tính chất ngợi ca của văn học yêu nước được thể hiện tập trung và đầy đủ nhất.

Cách nhìn nhận sự kiện và con người từ góc độ lịch sử, đất nước nếu như cho phép Phan Bội Châu nêu được các vấn đề có tầm vóc to lớn, thì mặt khác, nó cũng hạn chế việc thể hiện các vấn đề cá nhân, hạn chế việc nhìn vào các hiện tượng đời sống cụ thể. Sự thật là, trong tác phẩm của nhà văn, cái tôi, cái cá nhân, cái con người cụ thể, con người cá biệt thường bị hòa tan trong cái chung dân tộc. Nói đúng hơn, con người “dân tộc” là con người chung nhất của tác phẩm Phan Bội Châu. Ở đây, sự chi phối của chủ đề, đề tài là vô cùng quan trọng để hiểu đúng tác phẩm của nhà văn. Những cảnh đời riêng lẻ, những quan hệ thế sự không phải là hoàn toàn vắng bóng trong tác phẩm của nhà văn. Có điều, sự xuất hiện của chúng chỉ là nền, cảnh, là sự cụ thể hóa. Trung tâm mô tả của bức tranh nghệ thuật vẫn là những con người bình thường, ‘bé nhỏ” tham gia vào những sự kiện lớn của đời sống dân tộc. Quan hệ giữa họ với nhau, nếu có, cũng phụ thuộc vào những sự kiện và tình huống ấy.

Văn thơ Phan Bội Châu sau 1925, vẫn lấy vấn đề dân tộc làm đối tượng phản ánh (Thế nào là ái quốc, Tạ tặng niên lịch thi, Bài ca chúc tết thanh niên, Nam, Nữ quốc dân tu tri, Văn tế Phan Châu Trinh, Lịch sử con Vá, Đường tăng nước Nam, Phan Bội Châu niên biểu…). Tuy nhiên, hoàn cảnh và điều kiện của Phan Bội Châu những năm cuối đời ở Huế đã khác trước nên có không ít tác phẩm của nhà văn nghiêng sang hướng thể hiện những vấn đề như đạo đức, thế sự hoặc đời tư. Chính điểm này đã làm cho sáng tác của ông không những tránh được sự lặp lại mà còn phong phú và đa dạng hơn. Về phương diện này, có lẽ tập tự truyện Phan Bội Châu niên biểu là tiêu biểu đầy đủ hơn cả.

Tóm lại, dù có lúc ngòi bút Phan Bội Châu hướng đến các chủ đề khác như đạo đức, thế sự nhưng trên đại thể chúng vẫn là các yếu tố chức năng để triển khai một chủ đề văn học bao quát: lịch sử – dân tộc. Như vậy, với Phan Bội Châu, mọi tìm tòi, sáng tạo của nhà văn về hình tượng, nhân vật, kết cấu, cốt truyện, ngôn ngữ… chủ yếu thể hiện trong phạm vi đề tài lịch sử – dân tộc.

Như trên đã phân tích, văn thơ Phan Bội Châu chủ yếu sáng tác trong phạm vi của chủ đề lịch sử – dân tộc. Xu hướng chính của nó là khai thác và thể hiện đời sống dân tộc trong một thời kỳ cách mạng nhằm giải phóng và phát triển dân tộc. Nó mang đậm chất sử thi của thời đại. Với truyền thống, văn thơ Phan Bội Châu là một bước sáng tạo mới trên cơ sở đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi của thời đại. Tất cả những cái đó làm cho sáng tác của nhà văn trở nên sống động, mới mẻ hơn và tiêu biểu đầy đủ nhất cho văn học yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX.

—————————-

(1) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử… (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.43.

(2) Đặng Thai Mai (1960), Văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.24.

(3) Phan Bội Châu – Toàn tập (1990), Nxb Thuận Hóa, Huế, tập II, tr.368.

(4) Phan Bội Châu – Toàn tập, tập III, tr.515.

(5) Phan Bội Châu – Toàn tập, tập VI, tr.346.

(6) Phan Bội Châu – Toàn tập, tập III,tr.352

TS. Hoàng Đức Khoa
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *