CÁC PHƯƠNG THỨC DỰ BÁO TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM NHÌN TỪ VAI TRÒ CỦNG CỐ NỀN VƯƠNG

Trong văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam, dự báo không chỉ dừng lại như một kĩ thuật văn chương (kĩ thuật phục bút) mà ẩn đằng sau đó là những giá trị ý nghĩa cần khám phá. Từ góc nhìn củng cố nền vương quyền ta thấy các phương thức dự báo có vai trò truyền bá tư tưởng thiên mệnh. Những cách giải thích các hiện tượng dự báo thường ẩn tàng những tư tưởng, tình cảm, nhu cầu, lòng tin và thế giới quan của giai cấp thống trị. Giai cấp này dùng dự báo (thần quyền) trong kế sách ràng buộc và sử dụng người. Người đứng đầu cùng các cố vấn không chỉ giải thích dự báo theo hướng củng củng cố nền quân chủ mà thậm chí là tạo ra dự báo để thu phục nhân tâm. Và đằng sau sự báo dự báo – hiển linh – sắc phong, phụng thờ là những vấn đề lịch sử, văn hoá, văn học đáng bàn luận thêm…

Dự báo là một hành vi của con người trên cơ sở tiếp xúc với thế giới siêu nhiên hoặc thông qua quan sát, phân tích các hiện tượng thiên nhiên từ đó mà đưa ra các phán đoán về tương lai. Dự báo thuở ban đầu người ta trông mong, chờ đợi những ý chỉ của thần linh thông qua những điềm triệu, dần dần con người chủ động cầu khẩn sự xuất hiện của những thiên khải, thiên ý bằng cách cầu xin và tạo ra những môi trường linh thiêng môi giới để có thể tiếp cận thần linh những lúc cần chuyện kêu cầu (cầu mộng, lên đồng, xin keo âm dương…). Và đến mức độ cao hơn, con người sáng tạo ra một hệ thống các biện pháp để biết ý trời có thể để giải dự báo hoặc lúc chưa xuất hiện dự báo thì vẫn có thể biết xu hướng, kết quả (xem ngày, xem bói Dịch, bói chân gà, xem mai rùa, nội tạng động vật…). Như vậy, các phương thức dự báo có sự phát triển từ bị động đến chủ động, từ tự nhiên đến nhân tạo.

Con người lúc đầu xử lí các thông tin dự báo một cách thụ động nhưng dần dần, cùng với sự phát triển của tôn giáo, vương quyền, sự tranh đoạt quyền vị của các tập đoàn chính trị, các dòng tộc, để củng cố sức mạnh cho mình những người đứng đầu cùng những quân sư, cố vấn đã có sự vận dụng linh hoạt, chủ động, thậm chí điều khiển, tạo ra và giải thích dự báo để củng cố quyền lợi cho cá nhân và tổ chức của mình. Hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến trong các triều đại vương quyền và được lịch sử và văn học ghi chép, phản ánh, sáng tác thông qua những tác phẩm lịch sử và văn học nhất là trong văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam (VXTSTĐVN). Đọc kĩ những tác phẩm sử và văn học từ một góc nhìn khác, nhất là những sự kiện, chi tiết liên quan đến dự báo, người đọc nhận thấy, các tác giả hầu hết đều chịu hệ tư tưởng Nho giáo vì thế những ghi chép hay sáng tác của họ, dù vô tình hay hữu ý một phần thậm chí là lớn là phục vụ cho quân vương và triều đại. Một trong những sứ mệnh ấy là truyền bá hệ tư tưởng Nho giáo.

1. Truyền bá tư tưởng thiên mệnh

Theo quan niệm này thì Trời là đại quân (vua) của trăm thần, còn đế vương trong trần gian lại là con của Thượng đế, là thiên tử, như vậy, dưới vòm trời, vua là người có quyền lực tối cao nhất, có quyền uy đối với cả quỷ thần. Trong lịch sử, trong văn học, nhiều trường hợp để khẳng định củng cố, vương quyền đế vương, các nhà sử học, văn học trong cách ghi chép hay miêu tả chân dung nhân vật “con Trời” đã đưa ra những yếu tố dự báo tương lai thiên tử bằng phương thức tướng thuật như: Mai Thúc Loan: “đầu hổ, mắt rồng, tay vượn” (Hương Lãm Mai đế kí)(1); Nhân tôn hoàng đế: “vua trán cao mặt rồng” (Đại Việt sử kí toàn thư)(2); Hoàng thượng Lê Hiển Tông “râu rồng, mũi cao, tóc hạc, mắt phượng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non”, hoàng tôn Lê Duy Kỳ thì “mày rồng mắt phượng” (Hoàng Lê nhất thống chí). Trong cách xây dựng chân dung nhân vật đế vương trong VXTSTĐVN các tác giả vay mượn công thức thánh nhân trong thần thoại Trung Quốc thể hiện ở những so sánh với động vật (mà chủ yếu là rồng), vũ trụ (non, nước) và vận dụng những lí thuyết về tướng thuật (tướng lạ tài cao, những chi tiết so sánh với rồng thường gắn với thiên tử).

Sự thắng bại của mỗi cuộc chiến đều do trời quyết định, không phụ thuộc vào tài năng hay sức mạnh. Hạng Vương đối thoại với Hồ Tông Thốc cho rằng việc thành bại của mình cũng là do mệnh trời: “Khi trời định giúp Hán, dù kẻ thổi kèn dệt chiếu, cũng đủ để thành công, khi trời định diệt Sở, dù người cất vạc, nhổ núi cũng không thể nói giỏi… Sự hủy vong của Hán, Sở chỉ do sự may rủi của trời mà thôi” (Câu chuyện ở đền Hạng Vương). Thiên tử được sự ủng hộ của thần linh, gặp nhiều dự báo là các điềm lành nên được thánh thần hỗ trợ lúc gặp khó khăn và giành thắng lợi trong các trận chiến. Khi Ngô Tiên chúa lập quốc, quân phương bắc vào ăn cướp. Tiên Chúa lo lắng, đêm mộng thấy một ông già đầu bạc, mũ áo nghiêm trang đẹp đẽ, quạt lông gậy trúc tự xưng họ tên mà nói rằng: “Tôi đã đem vạn đội thần binh mai phục trước ở chỗ hiểm yếu, Chúa công mau tiến công chống giặc đi, tức khắc có âm trợ không nên lo ngại”. Đến trận đánh ở sông Bạch Đằng, đúng là trên không trung có tiếng ngựa xe. Trận ấy quả nhiên thắng lớn (Bố cái đại vương) còn Triệu Quang Phục một đêm mơ thấy rồng vàng tháo móng chân cho Quang Phục và bảo: “Đem cái này gài lên mũ đầu mâu. Quân giặc trông thấy, tự nhiên phải sợ phục”. Quang Phục từ sau khi được móng rồng, mưu lược lại càng khác thường, đánh đâu thắng đấy (Triệu Việt vương và Lý Nam Đế) hay thời Lý Nam Đế, nhà vua đêm nằm mộng thấy một người đàn bà đầu đội mũ trận, mặc áo giáp, tự xưng họ tên và bảo “Nay biết đại quân ra đi, xin cho giúp công lao bé nhỏ” (Lệ Hải bà vương kí), khi Gia Long lúc ở trên biển, hết nước để uống liền khấn: “Nếu tôi có mệnh làm quốc vương thì xin trời cứu mệnh cho người trên chiếc thuyền này”. Vừa dứt lời thì gió ngừng sóng lặng, rồi một dòng nước trong vọt lên, nếm thử thấy vị nước ngọt liền hứng đầy bốn năm chum dự trữ sáu đó nước biển lại mặn lại như cũ (Hoàng Việt hưng long chí).

Tư tưởng thiên mệnh cũng được thể hiện rất rõ qua những câu chuyện đế vương có liên quan đến chuyện phong thuỷ. Trong cách hiểu thông thường của dân gian, mộ tổ tiên được chôn nơi có phong thuỷ đẹp sẽ phát phúc cho con cháu. Để tìm được đất tốt không chỉ dựa vào bản lĩnh, công phu, nhãn lực của nhà phong thuỷ mà còn dựa vào phúc phận của mỗi cá nhân, dòng họ. Vì thế, ngay cả những bậc đại gia phong thuỷ nổi tiếng như Cao Biền, Tả Ao dù có tìm được long huyệt táng vào có thể làm đế vương nhưng vẫn không thể chôn tiên phần nhà mình vào được (Truyền thuyết núi Cánh Diều ở Ninh Bình Mã CB Phú Yên, Truyện Tả Ao họ Nguyễn…)(3). Những ngôi đất làm nên nghiệp đế vương là những ngôi đất trời cho mới được (thiên táng). Khi tiên phần táng được vào đó thì con cháu phát vương, sinh ra những người xuất chúng, làm nên nghiệp lớn. Theo dòng lịch sử Việt Nam từ mấy ngàn năm qua, xem lại các bộ sách văn học trung đại nổi tiếng chúng ta thấy nhiều sự kiện, chi tiết phản ánh, lí giải về sự ra đời các triều nhà họ Đinh, Lý, Trần, Lê… có được ngôi báu thì có nhiều nguyên nhân nhưng theo cách nhìn dân gian, cách nhìn của các nhà văn trung đại là do mộ phần tổ tiên cha mẹ được chôn vào phần đất có phong thuỷ đặc biệt (ngay từ lúc được đất đã được dự báo cho tương lai về sau).Cũng có nhiều triều đại, có được đất là nhờ thầy địa lí cho đất như nhà họ Trần được cho đất đền ơn cứu mạng thầy phong thuỷ nên được ngôi đất phát vương và triều Trần ra đời, kéo dài 175 năm, đây chính là ý trời cho người đến giúp vì thế tác giả Truyện mộ tổ nhà Trần cuối truyện mới đưa ra lời bàn luận “Xét ra nhà Trần trị vì được chừng ấy năm, do là ở mệnh trời, chứ sức người làm thế nào được”. Cuốn sách đầu tiên đề cập đến ngôi đất phát dưới chân núi Lam Sơn chính là sách Lam Sơn thực lục. Theo sách này, nhà họ Lê được một nhân vật kỳ bí là nhà sư cho biết một huyệt đất phát vương ở động Chiêu Nghi, cũng thuộc vùng Lam Sơn. Lê Lợi sau đó đã quyết định đem di cốt của thân phụ mình chôn ở đó, nhờ vậy mà sau này mới phát tích, trở thành đế vương phát phúc tới 500 năm. Qua những sự kiện này, chúng ta thấy rằng mộ đế vương trời cho mới được. Tin vào thuyết vọng khí và những mảnh đất đặc biệt như thế, chỉ dành cho vua chúa, vì thế những bề tôi có tham vọng chôn tiên phần vào đó đều lãnh những hậu quả nặng nề như trường hợp Tham tụng Nguyễn Công Hãng rất được Trịnh Cương tin dùng lại phải chết (1723) vì Trịnh Giang, tội gốc là táng mả vào kiểu đất cửu long có cơ đức con cháu được làm vua: “Nguyễn Công Hãng… lén đem hài cốt tổ tiên táng vào huyệt đất Cửu Long, bị người ta tố cáo… bị chúa Trịnh ngầm sai viên Trấn quan Vân quận công đào huyệt chôn sống” (Chuyện thượng thư họ Nguyễn). Còn Nguyễn Văn Thành bị Gia Long bị bức tử năm 1817 vì một bài thơ mang ý hướng phản nghịch (của con trưởng Nguyễn Văn Thuyên), thực chất là liên quan đến chuyện phong thuỷ, dám chôn mẫu thân vào đất quý ngũ sắc (sẽ phát thiên tử)(4).

2. Ẩn tàng những tư tưởng, tình cảm, nhu cầu, lòng tin và thế giới quan của giai cấp thống trị

Hoạt động dự báo thời kì cổ trung đại chiếm một vị trí quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt. Có những kiểu dự báo như chiêm mộng thì bối cảnh li kì, cổ quái, huyền diệu không lường hết được; hay như quẻ Dịch thì cách lí giải có thể khác nhau; rồi như chữ trên mai rùa, hình mây trên trời, sự xuất hiện của các con vật khác lạ so với bình thường có thể đọc khác nhau tuỳ theo mắt người nhìn. Lợi dụng điều này nhiều kẻ đã dâng những vật lạ và giải thích gắn với điềm lành nhằm làm đẹp lòng bề trên. Trong Đại Việt sử kí toàn thư cũng chép: “Binh Hữu hưng vũ là Vương Cửu dâng rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có nét chữ triện. xuống chiếu cho các học sĩ và các tăng đạo nhận xét, thành ra tám chữ “thiên thư hạ thị thánh nhân vạn tuế” (Sách trời ban xuống cho biết rằng nhà vua sống lâu muôn tuổi)”. Những hiện tượng trên luôn được lí giải cho ra các kết quả tốt lành nhằm khẳng định sự thịnh trị của triều đại đương thời và người dâng điềm vật cũng nhờ thế mà được thăng quan tiến chức Lê Văn Hưu bàn: “Thần Tôn nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc dâng hươu trắng cho là vật điềm lành, cho Lộc tước đại liêu ban, cho Tử Khắc tước Minh Tự, thì người thưởng và người nhận thưởng đều không phải cả”(5).

Đương nhiên cũng có một thực tế là giai cấp thống trị cũng chịu ảnh hưởng của dự báo và tin vào kiến giải của của các nhà dự báo. Nói cho cùng lời giải thích của của các bốc sư (nhất là sau những sự kiện đã xảy ra) cố ý làm cho phù hợp với và phụ hoạ vào nhu cầu và ý muốn của giai cấp thống trị. Lý Thái Tông sinh ở phủ Trường An, trong phủ rất nhiều trâu bò nhà dân tự đổi sừng: Có người thầy đoán bảo rằng: “Năm sửu sinh một người làm thiên tử”, nói đoạn không thấy đâu nữa. Đến nay thấy vua đẻ năm Sửu (Việt sử lược) ; và Xứ Thuận Quảng có điềm lành: cây sung nở hoa. Đại thần Hương Danh hầu Nguyễn Đăng Thịnh đem các quan dâng sách khuyên mời Phúc Khoát lên ngôi chúa(6). Việc sụp đổ của nhà Trịnh đã có lời tiên tri (sấm ngữ) nói rằng: Cửu cửu kiền khôn dĩ định/ Thanh minh thời tiết tàn hoa/ Thập đáo dương đầu quá mã/ Hầu binh bách vạn hồi gia... Hai câu đầu đã ứng nghiệm (ám chỉ việc Trịnh Tráng chết năm 81 tuổi). Còn hai câu sau giải thích: “Dương đầu quá mã” có nghĩa năm Ất Mùi (dê) động binh, qua năm Ngọ đến năm Thân vượt qua địa giới. Đội quân trăm vạn của Nam chúa Dũng quận công sẽ ra Thăng Long vào những năm Canh Thân. Suy nghiệm theo lời sấm ngữ đó thì quân Nam sẽ thần tốc cuốn chiếu ruổi thẳng tiến ra Trung Đô, thu phục giang sơn dựng nên sự nghiệp bá vương. Hiện tượng sấm ngữ, sấm kí xuất hiện khá nhiều trong văn học gắn với bộ phận tác giả là các sư tăng đắc đạo có năng lực đặc biệt nhìn thấy trước tương lai, vận số triều đại. Những bài thơ sấm kí có bài gắn với tác giả, có bài không rõ (tác giả giấu tên) lan truyền vào trong dân chúng trước khi xuất hiện những sự kiện lớn lao của dân tộc. Nội dung những bài này có thể được giải mã trước nhằm chuẩn bị không khí và tâm lí cho sự đổi thay hoặc có thể được giải mã sau càng củng cố cho niềm tin đó là điều được tạo hoá, trời đất, thần Phật sắp đặt trước. Dù trước hay sau thì những hiện tượng dự báo như thế cũng có tác dụng củng cố cho nền vương quyền.

Sự ứng hợp với chính trị: trong sinh hoạt chính trị của nhiều thời đại, dự báo có ý nghĩa quan trọng. Có một số nhà dự báo hoàn toàn làm việc do nhu cầu của các cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, hoặc bảo vệ, củng cố tâm lí cho các đấng quân vương để bảo vệ địa vị thống trị của họ. Vua Trần cho Trần Thì Kiến làm An phủ ở lộ Yên Khang vì trước đây, người Nguyên hai lần sang cướp phá, nhà vua đều sai Thì Kiến bói. Đến khi giặc bị thất bại chạy tan đúng như lời bói (Khi quân Nguyên vào xâm lược, lần đầu bói được quẻ “dự” biến sang quẻ “trấn” đoán là tốt. Mùa hạ năm sau, giặc Nguyên lại vào cướp phá; vua lại sai bói: quẻ “quan” biến sang quẻ “hoán” đoán rằng: Hoán tức là tan, đó là điềm quân giặc tan vỡ. Quân Nguyên kéo đến sông Bạch Đằng quả nhiên tan đúng như lời dự đoán). Không có quẻ bói của Thì Kiến thì vua Trần cũng xuất quân và chắc nội dung quẻ bói nếu xấu thì bị giấu nhẹm đi, nhưng rõ ràng, kết quả tốt đẹp của dự báo cũng mang lại sức mạnh tinh thần to lớn tạo niềm tin cho vua và toàn quân diệt giặc (vì biết được kết quả sẽ giành thắng lợi) (nên sự kiện bói toán trên còn được lưu truyền đến ngày nay). Vua khen tài năng của Thì Kiến, cho nên cất nhắc lên mà dùng (Đại Việt sử kí toàn thư). Còn để thuyết phục cho việc Nguyễn Huệ đưa quân ra bắc (thực ra Nguyễn Huệ cũng đã có ý định từ trước), Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã dùng phương thức dự báo là địa kí: “Trước đây các bậc anh hùng mỗi khi nổi dậy chưa từng có ai không lấy danh nghĩa phò Lê. Nhưng số Trịnh chưa hết nên công việc của những người ấy đều chưa hoàn thành. Nay xét trong địa ký của họ Trịnh có câu: chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ, truyền được tám đời trong nhà dấy vạ mà tính từ Thái vương đến Tĩnh vương thì đã đủ số tám đời rồi. Nếu ngài lấy cớ “diệt Trịnh phò Lê” mà kéo quân ra thiên hạ không ai là không hưởng ứng. Đó chính là cái công không mấy đời có vậy” (Hoàng Lê nhất thống chí), không thể không một lần nữa khẳng định sự cơ trí, am hiểu tâm lí con người của Nguyễn Hữu Chỉnh, Chỉnh rất biết anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cũng muốn kéo quân ra Bắc nhưng cũng sợ mang tiếng xấu nên đưa ra lập luận mấy bước: thứ nhất, khẳng định người lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa là anh hùng (không phải giặc cỏ), thứ hai: tranh quyền trong thiên hạ nhưng chính danh dưới danh nghĩa “Phò Lê”, bất bình với nhà Trịnh nên mới ra tay theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, thứ ba: (Sử dụng yếu tố dự báo phong thuỷ), việc họ Trịnh suy vong là có số trời định sẵn, nên kéo quân diệt Trịnh lúc này là được thiên thời và được luôn nhân hoà ủng hộ. Và cuối cùng, đánh vào tâm lí lập công lớn “cái công không mấy đời có vậy”. Quả là nghệ thuật thuyết phục cao siêu.

3. Tạo ra dự báo

Quyền mưu đặt ra rất nhiều kế sách để giành thắng lợi, một trong số đó có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến dự báo. Dùng dự báo để thuyết phục lòng người cho thấy nghệ thuật chính trị cao siêu của các mưu sĩ đương thời. Nhưng có nhiều trường hợp đỉnh cao hơn là không dừng lại là giải thích dự báo mà còn giả dự báo hay tạo ra dự báo nhằm những mục đích khác nhau. Để chuẩn bị cho sự lên ngôi của một triều đại mới, Nguyễn Trãi lấy mỡ viết khắp lá cây trong rừng “Lê Lợi vi quân, Lê Trãi vi thần”… Sâu kiến ăn mỡ, đục thành nét chữ. Kẻ đi kiếm củi thấy thế cho là chuyện thần linh. Người nọ bảo người kia, nhân thế theo về ngày một nhiều (Chuyện ông Lê Trãi). Và chuyện nhặt được thanh và chuôi kiếm Thuận Thiên cùng với việc trả gươm sau chiến thắng (…) cũng được nhìn trong nhiều lăng kính: “Dẫu có thể cho rằng thanh kiếm Lê Lợi nhận được khi bắt đầu khởi nghĩa, là thanh kiếm được con người bố trí chuẩn bị từ trước, cũng tương tự như việc Nguyễn Trãi dùng mỡ viết lá cây để kiến đục thành chữ kia thôi, thì điều ấy cũng không quan trọng. Điều quan trọng là qua đó, nhân dân cả nước đã đồng sức đồng lòng để đánh đuổi quân xâm lược”(7). Chuyện Lý Công Uẩn lên ngôi vua được dự báo qua việc cây gạo bị sét đánh. Sư Vạn Hạnh nói với vua rằng: “Gần đây tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng nhà Lê tất phải mất mà nhà Lý tất phải lên…Tôi đã hơn 70 tuổi, chỉ ân hận không kịp thấy thời thịnh trị mà thôi” (Việt sử lược). Theo Đại Việt sử kí toàn thư chép: Mùa đông, tháng 10 ngày Quý Sửu, Lý Công Uẩn tự lập làm vua. Trước đấy, ở hương Diên Uẩn (Tên Lý Công Uẩn dịch ra nghĩa đen là Ông họ Lý người Diên Uẩn), châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh, người làng ấy xem kĩ vết sét đánh thấy có chữ: Thụ căn điểu điểu/ mộc biểu thanh thanh/ hoà đao mộc lạc/ thập bát tử thành… (gốc cây thăm thẳm/ ngọn cây xanh xanh/ cây hoà dao rụng/ mười tám hạt thành… Theo quan niệm dân gian và được sử sách ghi chép thì đây là điềm trời báo Lý Công Uẩn được lên làm vua thay Lê Ngoạ Triều. Để vua Lê Ý Tông nhường ngôi cho Hoàng tử, Quý Kính bày cách: nên đem một thúng gạo nếp thơm, ba nồi đồng lớn, nấu cháo trong nội thất, rồi trèo lên mái nhà hoàng tử ở, tưới cháo thành hình con rồng. Quý Kính nói: đó là khí tượng của quân vương, xin chúa thượng đến phủ đệ quan sát xem thật giả thế nào. Xem xét thấy hình giống con rồng, ngửi chỗ dải khô đều có mùi thơm. Quý Kính nói: nước rãi rắn thì tanh, còn nước rãi rồng thì thơm… Đó là biểu tượng của thái tử. Nước rãi rồng đúng vào chỗ nhà thái tử, đó là biểu tượng do rồng tạo nên vậy (Cổ quái bốc sư truyện). Nhân có sự kiện đặc biệt này, vua nhớ lại lời thầy bói phán về chữ Ý trước đây bèn chuẩn theo lời tâu, nhường ngôi cho hoàng thái tử. Xét từ góc độ lịch sử, quyền mưu là một loại hiện tượng văn hoá, vừa có tính chất thời đại nhất định vừa có tính siêu thời đại. Vì một bộ phận của quyền mưu chỉ dùng được trong một giai đoạn lịch sử nhất định, thường trở nên cũ kỹ, lỗi thời, thậm chí mất hết sức sống cùng với tốc độ nâng cao sức sản xuất xã hội và năng lực nhận thức của con người; mặt khác, một bộ phận của quyền mưu không chỉ được áp dụng trong một giai đoạn lịch sử mà còn nguyên trong các giai đoạn lịch sử khác. Như trường hợp quyền mưu dự báo phát huy tác dụng trong thời kỳ trung đại, khi nhận thức con người về vũ trụ, thế giới còn khá mơ hồ.

4. Dự báo – dùng thần quyền trong kế sách ràng buộc và sử dụng người của giai cấp thống trị

Không chỉ dựa vào tư tưởng thiên mệnh, thay trời cai trị muôn dân, để giữ vững sự cai trị, vua định ra những kế sách để ràng buộc các bề tôi khiến họ tuyệt đối trung thành, không thay lòng. Một trong những hoạt động được tổ chức có quy mô là các hội thề được tổ chức vào các thời Lí, Trần(8) với nội dung: “làm con bất hiếu, làm tôi bất trung xin thần minh giết chết” lần 2, lúc họ Trần củng cố quyền lực, lời thề của các quan bị ràng buộc vào nhiệm vụ: “làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch…” là được dựa trên các sự kiện được dự báo. Năm 1020 khi Thái tử Lý Phật Mã theo lệnh vua cha Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành. Khi đến Trường Châu (bờ phải sông Mã, nay thuộc xã Yên Thọ), một đêm, thần Đồng Cổ báo mộng cho Lý Phật Mã: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ.”. Sau khi thắng trận trở về, Lý Phật Mã qua Trường Châu làm lễ tạ ơn và xin được rước linh vị của thần Đồng Cổ về kinh đô thờ phụng để giữ nước hộ dân. Về đến Thăng Long, văn võ bá quan và các thầy phong thủy còn đang chọn đất lập đền thì ban đêm Thần lại báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại La thành, sau chùa Thánh Thọ”. Đến khi Thái Tổ mất, Thái Tông lên nối ngôi, đêm mộng thấy thần đến báo rằng: “Ba vị vương em vua mưu làm phản, định đem giáp binh đến, xin nhà vua nên kíp đề phòng!”. Vua thức dậy còn chưa tin, đến sáng mới thấy việc xảy ra đúng như lời thần báo. Vua lấy làm lạ, xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương” (Việt điện u linh tập). Bàn về chi tiết này Tạ Chí Đại Trường cho rằng: “Sự việc báo mộng dù là có thực do một linh cảm nào đó của con người nằm ngay trong biến cố, hay chỉ là cái cớ để lập hội thề sau biến loạn, thì việc chọn thần làm chủ cũng chứng tỏ địa vị quan trọng của thần, không những ngay trong gia đình họ Lí mà còn đối với các tập đoàn thứ cấp khác nữa. Toàn thư chỉ rõ miếu ở bên hữu thành Đại La, phía sau chùa Thánh Thọ, nhưng đó là miếu để hội thề cất sau biến cố 1028”(9).

Không những ràng buộc các bề tôi bằng thần quyền, lòng trung thành được thần linh soi xét mà việc chọn và dùng người của các đấng quân vương cũng thường gắn với các phương thức dự báo. Các phương thức được sử dụng phổ biến là tướng thuật, và chiêm mộng. Trong văn học, lịch sử Trung Quốc và Việt Nam từng ghi lại nhiều sự kiện liên quan như Ân Cao Tông (Vũ Đinh) nằm mơ thấy thần linh cho mình một vị quan giúp việc giỏi là Phó Duyệt và Chu Văn mơ thấy thần cho mình Khương Thái Công(10). Motip quân vương nằm mộng được ban bề tôi hiền tài, tỉnh mộng được gặp ngoài đời được xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm như: Việt Lam xuân thu, Nam triều công nghiệp diễn chí, Thánh Tông hoàng đế… Sự xuất hiện của các tướng tài, quân sư giỏi như Nguyễn Trãi, Thuận Nghĩa, Lương Thế Vinh đều được mộng báo trước cho các đế vương trước khi gặp mặt, hoặc được thần tiên cho biết tên họ, tuổi tác (cụ thể, hoặc gián tiếp qua một bài thơ), đến lúc gặp ngoài đời lập tức nhận ra: “Hiền Vương mệt mỏi nghiêng lưng bên ghế rồi ngủ quên, chợt thấy một người râu tóc bạc phơ, mặc áo hồng bào, đầu đội ngũ quan văn, cầm tờ giấy từ phía nam đi tới phong thái ung dung như người hiền ẩn dật thời xưa… : xin tướng quân xem kĩ, tất chọn được người vừa ý: Tiên kết nhân tâm thuận/ hậu thi đức hóa chiêu/ chi diệp kham tồi lạc/ Căn bản dã nan dao ” (Nam triều công nghiệp diễn chí). Mùa đông, tháng 10, Trần Thái Tông sai Phạm Ứng Mộng tự hoạn để vào hầu. Trước đây vua mộng khi đi chơi có một thần nhân chỉ một người mà bảo rằng: “người này có thể làm chức Hành khiển,” khi tỉnh dậy thì ghi nhớ đến bấy giờ đi ra ngoài thành chơi thấy có một người con trai đang theo học ở cửa nam kinh thành, hình dáng giống hệt người trong mộng…đặt tên là Ứng Mộng. Sau thăng dần đến chức Hành khiển (Đại Việt sử kí toàn thư).

Khoa Quý Mùi 1463, trạng nguyên Lương Thế Vinh được trao chức Hàn lâm dị tộc, dự vào hàng hai mươi tám ngôi sao trên Tao đàn vì ngoài đỗ Trạng Nguyên còn gắn với một sự kiện được dự báo trước đó là Thái hậu có mang, chiêm bao thấy đến chỗ thượng đế, ngài sai một vị tiên đồng giáng thế, làm vua nước Nam. Tiên đồng xin ban cho một người giúp việc. Thượng đế chỉ một viên trong ban sai theo đi giúp. Viên ấy cố từ, ngài đẩy vào vai không cho từ. Cú đẩy trong mơ trên thiên đình ấy khiến cho vai của Lương Thế Vinh “hai vai hơi lệch, không được bằng phẳng” vô tình trở thành dấu vết nhận dạng “cố nhân” (Thánh Tông hoàng đế). Việc sử dụng dự báo để dùng người tài vừa tăng thêm sức thuyết phục với những người khác mặt khác, tạo nên vầng hào quang cho đế vương tướng tài, được thần linh cử người xuống giúp đỡ để hoàn thành nghiệp bá vương.

5. Dự báo – hiển linh – sắc phong và những vấn đề đằng sau nó

Trong văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam mà tập trung nhất nằm trong tập Việt điện u linh tập, những tác phẩm viết về các thần linh đất Việt, ở phần kết thường cùng một kiểu kết thúc đó là dự báo, hiển linh và sắc phong. Phương thức dự báo gắn với kiểu kết thúc này chiếm chủ yếu là mộng. Các thần thường hiện lên trong giấc mộng của các đế vương (lúc còn đang chinh chiến hoặc sau khi đã lên ngôi) thường là xin theo giúp sức trong các trận đánh hoặc báo trước cho vua những sự kiện quan trọng sắp xảy ra (có liên quan trực tiếp đến vua hoặc sự an nguy quốc gia). Sau chiến thắng hoặc biến loạn quân vương bao giờ cũng sắc phong (nếu thần đã có tước hiệu trước thì tiếp tục thăng, nâng cấp bậc) để ghi nhớ công lao. Phùng Hưng hiển linh giúp sức Ngô Quyền phá giặc trên sông Bạch Đằng, năm Trùng Hưng thứ nhất (1258) Hoàng triều có sắc phong là Phụ hựu đại vương, năm Trùng Hưng thứ tư 1288 ban thêm hai chữ Chương tín, năm Hưng Long thứ 20 (1312) lại ban thêm hai chữ Sùng nghĩa (Bố cái đại vương). Hai Bà Trưng thì năm Trùng Hưng thứ 4 (1288) phong chị là Chế thắng phu nhân, năm Hưng Long 21 (1288) tặng thêm hai chữ Thuần trinh, lại tặng thêm cho em hai chữ Bảo Thuận (Nhị Trưng phu nhân). Tô Lịch, năm Trùng Hưng thứ nhất (1258) được sắc phong hai chữ Bảo quốc, năm Trùng Hưng thứ tư (1288) tặng thêm hai chữ Hiển linh, năm Hưng Long thứ 21, lại gia phong hai chữ Định Bang. Bà Triệu báo mộng giúp Lí Nam Đế dẹp quân Lâm Ấp, đến khi yên giặc nhà vua sai lập miếu thờ, phong làm Giản chính phu nhân. Đến đời nhà Lí mới lại phong chữ Quý, truy tặng là Anh liệt phu nhân, đời Trần gia tăng hai chữ Hùng tài, năm Trùng Hưng thứ nhất (1258) gia phong hai chữ Vĩ Tích, năm Trùng Hưng thứ tư (1288) lại gia phong hai chữ Anh mẫn, năm Hưng Long thứ 21 (1313) lại gia phong Trinh nhất phu nhân, vì đã có công giúp đỡ nhân dân vậy… Trường hợp thần Đồng Cổ được sắc phong nhiều lần: Một số sắc phong bao gồm: Đồng Cổ Đại Vương (Vua Hùng sắc phong, theo truyền thuyết), Thiên hạ Minh chủ, Gia tước Đại Vương (Lý Thái Tông sắc phong sau khi thần báo mộng năm 1028, theo Việt điện u linh), Thiên hạ Minh chủ Đại Vương (Lý Thái Tông sắc phong sau khi dẹp xong loạn Tam Vương năm 1028), Minh chủ linh ứng chiêu cảm bảo hựu Đại Vương (nhà Lý và nhà Trần sắc phong, sắc phong này được đặt tên cho truyện cùng tên ở sách Việt điện u linh).

Thần thường hiển linh, báo mộng lành dữ, làm việc phán xét phân xử… để tỏ lộ quyền uy. Trước thần linh, dân chúng đến để thề bồi, cầu đảo mưa nắng điều hoà, cầu lợi làm ăn, tạ ơn thần. Đứng trên vị thế vương quyền vua phong thần là để tỏ quyền uy của mình ở vị trí làm chủ vạn vật, ngay cả thần linh ở trên đất vua cũng chịu sự cai quản cua của vua, nhưng việc vua phong thần cũng là nhằm mục đích kêu cầu thần giúp mình chống giặc. Theo ý kiến của Tạ Chí Đại Trường, cùng với sự sắp xếp, tổ chức quốc gia, để tập trung quyền lực nhà Lí đã nâng cấp dần các thần linh ở các địa phương đưa về kinh đô thờ cúng và các thần ở kinh đô cũng được tiếp tục thờ cúng nhưng được nâng cấp lên theo với uy danh triều đại (thần Tô Lịch, thần Phùng Hưng, thần Long Đỗ). Đến thời Trần, nội dung thần làm chủ vua, chủ nước (của vua) như quan niệm cũ, phải mất dần để thay thế vào đó là một vị thần đặc biệt để vua sai phái, xem xét hành vi của bầy tôi để phục vụ vị vua trần thế. Cho nên trong các lần phong tặng, thần được phép phong theo lối đồng loạt, không cho thấy có dấu hiệu quan tâm đặc biệt gì so với các thần khác trong các năm 1285, 1288, 1313. Tuy nhiên ít ra là theo nguyên tắc của Nho giáo, Trần đã tiến thêm một bước so với Lí vì phần lớn các thần được thờ cúng dưới đời Lí không mang một tôn hiệu nào hết, nghĩa là Trần đã có ý thức mình làm chủ thần linh (Tài liệu đã dẫn). Nguyên tắc tôn quân quyền qua các triều đại càng được thực hiện rốt ráo mà đỉnh cao là triều Nguyễn với quyền cai trị thuộc về vua chứ không thuộc về dòng họ, hạn chế phong tước vị, lệ “tứ bất”, nghiêm cấm tham dự vào triều chính của thái giám và cung hầu, việc tổ chức lễ tế Giao quy củ, bài bản, đều đặn, việc đúc cửu đỉnh… Có thể kết luận rằng, việc tập hợp phụng thờ, sắc phong cho các thần linh từ nhiên thần (sông, nước, cây, đá…), các nhân thần sơ khai, các thần linh ngoại nhập… đặt dưới vai trò chủ quản tối cao là Trời mang ý nghĩa biểu hiện sự hợp nhất về lãnh thổ, văn hoá, và tinh thần của đất nước.

*

Qua khảo sát các phương thức dự báo trong văn học trung đại, đọc chúng dưới một ánh sáng khác truyền thống, chúng ta nhận thấy, các phương thức này không chỉ là những motip đơn thuần (motip mộng báo được bề tôi hiền tài, mộng âm phù, điềm thắng trận, phong thuỷ…) với kĩ thuật phục bút mà sâu xa hơn còn thấy được đằng sau những thủ pháp ấy các tác giả (cũng là những nhà Nho) muốn truyền tải tư tưởng thiên mệnh. Và rõ ràng, phân tích kĩ những chi tiết về dự báo kia người đọc có thể thấy được một trong những quyền mưu của tầng lớp thống trị là dùng thần quyền để củng cố nền vương quyền.

———————–

(1) Tất cả những dẫn chứng tác phẩm được trích dẫn phân tích trong bài viết này đều được sử dụng trong bộ Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (4 tập) do Trần Nghĩa biên soạn (2007), Nxb Thế Giới, H.

(2) Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.337

(3) Ngô Sao Kim, Truyện dân gian và truyện cổ Phú Yên, Hội Văn nghệ dân gian và Văn hoá các dân tộc Phú Yên, 2001.

(4) Vũ Tiến Đức, Ly kì chuyện tìm long mạch của vua Gia Long, http://kienthuc.net.vn/tham-cung/ly-ky-chuyen-tim-long-mach-cua-vua-gia-long-323094.html.

(5) Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử kí tiền biên, Nxb Hồng Bàng, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ đông tây, Hà Nội, 2012, tr.337.

(6) Khuyết danh, Trần Quốc Vượng dịch và chú giải, Việt sử lược, Nxb Thuận Hoá, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ đông tây, Huế, 2005, tr.79.

(7) Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ Nhìn lại lịch sử, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 279.

(8) Đây là hội thề được vua Lý Thái Tông lập lệ bắt đầu từ năm 1028 sau sự kiện loạn Tam Vương. Hội thề được tổ chức hàng năm vào ngày 25 tháng 3 âm lịch tại đền Đồng Cổ ở làng Đông Xã- Thăng Long. Sang đời Lý Thánh Tông, vì trùng ngày kỵ của vua cha nên chuyển hội thề sang ngày 4 tháng 4 âm lịch. Tục lệ đó được giữ suốt hai thế kỷ triều Lý, gián đoạn một vài năm ở Triều Trần. Nhưng chỉ ba năm sau khi lên ngôi, vào năm 1228, vua Trần Thái Tông đã khôi phục hội thề ở đền Đồng Cổ vào ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm giống nhà Lý nhưng sửa đổi lại lời thề. Tục lệ này được giữ suốt đời Trần. Sau đó, do nhà Hồ chuyển đô vào Thanh Hóa nên hội thề tổ chức ở núi Đún, tức Đốn Sơn nằm phía ngoài Chính môn của thành Tây Đô (Tây Giai), gọi là hội thề Đốn Sơn. Năm 1399, Trần Khát Chân cùng Thái bảo Trần Nguyên Hãng và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề này nhưng không thành. Sau vụ biến tại hội thề, Hồ Quý Ly cho là thần Đồng Cổ không còn thiêng nữa nên bãi bỏ hội thề. Hội thề Đồng Cổ và hội thề Đốn Sơn đã được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đưa vào tiểu thuyết Hồ Quý Ly.

(9) Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa thông tin, 2006, tr.113, 137.

(10) Chúng được ghi chép lại trong nhiều sách như Thượng thư”, Quốc ngữ, Trang Tử, Sử ký. Gần đây, Viên Kha cũng đưa vào sách Truyền thuyết về thần thoại Trung Quốc.

ThS. Trần Thị Thanh Nhị
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *