BA MƯƠI NĂM TRUYỆN NGẮN NỮ TRONG XU THẾ HỘI NHẬP

Trong xu hướng chung của thời đại, với sự tìm tòi, nỗ lực của từng cá tính sáng tạo, văn học Việt Nam từ sau 1986 đã phát triển vượt trội, từ quan điểm nghệ thuật, cách nhìn thế giới, con người, đến lối viết. Trong xu thế toàn cầu hóa, việc tiếp nhận các trường phái hiện đại và hậu hiện đại làm cho văn học Việt Nam đa dạng về phong cách và khuynh hướng thẩm mỹ. Các thể loại văn học phát triển đồng đều, đường biên giữa trung tâm và ngoại vi được xóa bỏ. Trong thành tựu đa dạng của thể loại, truyện ngắn phát triển, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nhà văn nữ.

Từ sau 1986, truyện ngắn, từ quan niệm là một thể loại nhỏ/thấp, đã trở thành thể loại trụ cột với những tên tuổi “mở đường tài năng và tinh anh” như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp… Vì thế, dựng diện mạo và đánh giá thành tựu của một thể loại từ phía nữ giới là điều không thể. Tuy vậy, sau 1986, chỉ riêng sự xuất hiện đột biến của nữ giới ở nhiều lĩnh vực đã chứng tỏ sự đổi thay trong đời sống văn học, trong quan niệm thể loại.  Trong diễn trình cách tân thể loại, nhìn vào sự phát triển của sáng tác nữ có thể nhận ra diện mạo truyện ngắn ba mươi năm với những bước thăng trầm của nó. Nói theo cách của Đoàn Cầm Thi- sự đổi mới văn học “ẩn hiện trong sáng tác của một số nhà văn nữ”, “…làm thăng hoa những cái tôi trước đây còn ngập ngừng e sợ”(1).

“Tiểu thuyết là những thành trì, nhưng đã đến thời của viết ngắn”

Trong hệ thống các thể loại, như mặc định, tiểu thuyết được xem là cỗ máy cái, “con sư tử của văn chương”. Quan niệm đó cũng đồng nghĩa với những hoài nghi về truyện ngắn: là thể loại thấp,là “dưới trướng của tiểu thuyết”, là bước thực tập ngòi bút của nhà văn; hoặc những băn khoăn trong tiếp nhận: “Truyện ngắn là… quá ngắn. Không lâu sau khi bắt đầu đọc, người đọc đã thấy hết truyện. Họ không thể đắm chìm vào không gian truyện như với tiểu thuyết”(2). Các giải thưởng lớn (trên thế giới và ở Việt Nam) đa phần dành cho tiểu thuyết. Tuy vậy, sang cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, với cái nhìn đồng đẳng thể loại, truyện ngắn khẳng định vị trí của mình. Về phía giải thưởng, giải Nobel văn học 2013 thuộc về nhà văn nữ Canada, Alice Munro- nhà văn được đánh giá là “một bậc kỳ tài của thể loại truyện ngắn”. Quan niệm về thể loại có sự thay đổi. Nói theo Alice Munro: “Tôi thực sự hy vọng giải thưởng này sẽ khiến mọi người nhìn nhận truyện ngắn như một thể loại nghệ thuật quan trọng, không chỉ là một thứ trò chơi cho tới khi bạn có được một cuốn tiểu thuyết trong tay”(3). Về phía người đọc, thời đại số đã tìm thấy ở truyện ngắn sự tương thích. Nguy cơ bạn đọc lạnh nhạt với văn học, với tiểu thuyết ở thời đại internet là điều khó chối cãi. Tuy vậy, do lợi thế vốn có, truyện ngắn có vẫn đất sống và có sự vận động, phát triển trong xu thế hội nhập thế giới.

Từ sau 1986, truyện ngắn không phải là thể loại duy nhất nhưng tập trung nhiều nhất yếu tố của một nền văn học đang đổi mới. Là một thể loại năng động, truyện ngắn tỏ ra không bất lực trước hiện thực bề bộn, đa chiều của cuộc sống hiện đại. Do đặc trưng của một thể loại “nhỏ”, truyện ngắn linh động, uyển chuyển luồn lách vào mọi ngóc ngách của đời sống, vừa bám sát hiện thực đa chiều, vừa xoáy sâu vào nội giới đa phức. Truyện ngắn là thể loại chấp nhận sự hỗn độn, mảnh vỡ, lát cắt, ghép mảng, kể cả những cái ngoại biên. Truyện ngắn đáp ứng quy luật tảng băng trôi; có những vùng lặng, những khoảng trắng mang tính đối thoại, tính phản biện. Đặc trưng thẩm mỹ của truyện ngắn phù hợp với sự chuyển đổi của cuộc sống đa chiều kích- thời của hiện thực thậm phồn, của sự va đập các dạng thức diễn ngôn, thời của tiểu tự sự và phi tâm. Trên chiều hướng đó, sự vận động của truyện ngắn từ sau 1986 đến đầu thế kỉ XXI có nhiều đột phá, mở ra một chiều kích mới của thể loại. Con đường đi của truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986 gắn liền với sự chuyển đổi của thời đại và tầm đón của độc giả. Dấu hiệu của sự đổi mới thể loại rõ nhất là trong văn học nữ, với nhiều thế hệ có tiềm lực, làm mới truyện ngắn, đạt những thành tựu không nhỏ.

“Phụ nữ bắt mạch với thời đại nhanh hơn nam giới”

Nhìn lại diện mạo truyện ngắn giai đoạn trước 1975, trong thành tựu lớn của thể loại, chỉ nổi lên một vài tên tuổi; tiêu biểu và được nhắc đến nhiều nhất là Lê Minh Khuê – nhà văn nữ liên tục sáng tác ở các chặng đường và được xem là “bà trùm truyện ngắn” với ba lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn và nhiều giải thưởng quốc tế.

Thập niên sau 1986, trong khi tiểu thuyết chững lại, chưa đáp ứng tốt vai trò trụ cột thì truyện ngắn lên ngôi cùng với sự xuất hiện những người đàn bà viết. Một trong những nhà văn nữ góp phần lạ hóa truyện ngắn là Phạm Thị Hoài, cây bút nữ hiếm hoi những năm ngay sau đổi mới. Cùng với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài khởi đầu cho việc cách tân thể loại với lối tư duy sắc sảo, và lối viết mang dấu ấn của kĩ thuật hiện đại phương Tây (Mê lộ, Man Nương). Đương thời, cùng với những tập truyện ngắn mang dấu hiệu hậu hiện đại, Phạm Thị Hoài đã cảm nhận mối tương giao giữa nữ giới và truyện ngắn: “Cảm xúc sáng tạo truyện ngắn có chung tần số với cảm xúc nữ tính: sự loé sáng, sự thất thường, tính thời khắc, sự dẫn dắt tuyệt diệu của mẫn cảm bản năng”. Hay cách nói còn dè dặt của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Hình như do sự nhạy cảm của riêng mình, phụ nữ bắt mạch với thời đại nhanh hơn nam giới”(4).

Cuối thế kỉ XX, truyện ngắn vươn lên thành thể loại chính cùng với sự xuất hiện ồ ạt của giới nữ đem lại sinh khí mới trong văn học. Bằng sự mẫn cảm của nữ giới, họ đã góp phần thể hiện đậm nét bề sâu, và cả bề sau của cuộc sống, con người trong giai đoạn mới. Có thể kể ra hàng loạt tên tuổi nổi bật Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Sông Hồng, Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Y Ban, Nguyễn Thị Ấm, Trần Thùy Mai, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư v.v… và rất nhiều tên tuổi khác.

Thập niên đầu thế kỉ XXI, nhìn chung, truyện ngắn có phần mờ nhạt trong sự bùng nổ các thể loại. Đây là thời của tiểu thuyết trong xu thế hội nhập thế giới. Những lí thuyết hiện đại/hậu hiện đại xâm nhập, lưu dấu trong sáng tác của nhiều nhà văn. Một số nhà văn nữ vốn khẳng định phong cách ở truyện ngắn cũng thành công ở tiểu thuyết (Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư, Lí Lan, Dạ Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư…). Những nhà văn thế hệ sau chọn tiểu thuyết làm mảnh đất khơi nguồn sáng tạo (Thùy Dương, Dương Thụy, Phan Việt, Di Li, Vũ Phương Nghi, Nguyễn Quỳnh Trang…).  Đặc biệt, thời đoạn đầu thế kỉ XXI tản văn bùng nổ, ghi nhận thêm sự đóng góp của nữ giới với những tên tuổi quen thuộc đã từng được khẳng định ở truyện ngắn và tiểu thuyết. Tuy vậy, trong sự đa dạng/đồng đẳng của thể loại, truyện ngắn vẫn được khẳng định với thế hệ nhà văn mới hơn như Đỗ Bích Thúy, Bích Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Phong Điệp, Di Li, Phan Hồn Nhiên…

Ba mươi năm vắt ngang hai thế kỉ, truyện ngắn nữ tập hợp được nhiều thế hệ nhà văn, hội tụ nhiều phong cách sáng tạo. Lê Minh Khuê thống nhất và biến hóa trong ngòi bút tỉnh táo, sắc lạnh (Một chiều xa thành phố; Trong làn gió heo may; Những ngôi sao, Trái đất, dòng sông). Là nhà văn có hành trình sáng tác truyện ngắn qua nhiều giai đoạn, càng về sau cách viết của Lê Minh Khuê càng sắc lạnh với giọng điệu giễu nhại, triết lí. Truyện ngắn Lê Minh Khuê thường áp sát vấn đề thế sự, những sự kiện xã hội sôi bỏng mà nêu bật lên những triết luận về những vấn đề hằng cửu của con người. Chất châm biếm-triết lí là một nét quán xuyến làm nên phong cách nhà văn (Nhiệt đới gió mùa, Làn gió chảy qua). Phan Thị Vàng Anh bỗ bã, cợt nhã.  Truyện của Phan Thị Vàng Anh ngắn về câu chữ, là những truyện không có “chuyện” nhưng hàm chứa nhiều vấn đề sâu sắc. Phan Thị Vàng Anh dường như không dụng công trong nghệ thuật kể chuyện. Mạch truyện phát triển tự nhiên dưới nhiều dạng thức: nhật kí, đối thoại, độc thoại nội tâm. Lực hấp dẫn của truyện ngắn Vàng Anh không bộc lộ ở cốt truyện, cũng như những kĩ thuật hiện đại phương Tây như đồng hiện thời gian, dòng ý thức hay huyền ảo. Nét hấp dẫn của truyện ngắn Vàng Anh là những cái nhỏ nhặt, riêng tư, nhưng bằng của một ngưỡng nhìn khi-người-ta-trẻ, bỗng lóe sáng và có ý nghĩa khái quát (Khi người ta trẻ, Hội chợ). Văn phong Đỗ Bích Thúy hồn hậu với lối kể chuyện tự nhiên, đầy nữ tính dẫu viết về miền cao hay phố thị (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Mèo đen). Bích Ngân chọn một lối riêng với những truyện ngắn hài hước, vừa dí dỏm, vừa day dứt (Trăng mật ở đảo, Cái đầu siêu định vị) khẳng định thêm một phong cách nữ.

Trong sự đa dạng của truyện ngắn, những cây bút nữ đồng bằng sông Cửu Long thêm một lối viết riêng (Bích Ngân, Dạ Ngân, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai, Trầm Nguyên Ý Anh…). Làm nên thành tựu của truyện ngắn phải kể đến Nguyễn Ngọc Tư. Dẫu sáng tác đan xen nhiều thể loại, xem ra ở thể loại nào cũng thành công, nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã đóng dấu ấn ở truyện ngắn ngay từ những trang viết đầu tay. Và dẫu đâu đó đã có dấu hiệu lặp lại ở văn phong, ở nội dung câu chuyện, ở những mảnh đời đồng dạng nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã khẳng định một phong cách. Dung dị, nhẹ nhàng (nếu có châm biếm, giễu nhại, có dữ dội như Cánh đồng bất tận, thì người đọc vẫn nhận ra nét riêng dung dị của nhà văn). Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thực sự là những lát cắt của đời sống. Đọc tiểu thuyết (Sông) của Nguyễn Ngọc Tư người đọc có cảm giác “chạy theo những cuộc truy đuổi đến hụt hơi”. Trong khi đó, truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thật sự là những mảnh vỡ, có lúc là “mảnh vỡ của mảnh vỡ” rời rạc; mạch truyện kể chậm, chùng chình, dường như thiếu độ căng, thiếu cái hối hả gấp gáp nhưng sâu chiều sâu nhân bản.

Có thể kể ra hàng loạt tên tuổi khác làm thành tính đa giọng điệu của truyện ngắn sau 1986. Bằng sự trăn trở, kiếm tìm, đội ngũ những người viết truyện ngắn nhiều thế hệ đã góp phần không nhỏ trong việc cách tân thể loại trong xu thế toàn cầu hóa.

Trường nhìn và lối viết nữ

Do bản chất thể loại, truyện ngắn “khái quát nghệ thuật cuộc sống theo chiều sâu”. Với phổ quang bên trong, từ mỗi mảnh vụn – sâu của đời sống, truyện ngắn nữ có lối viết riêng. Cách tiếp cận hiện thực, lịch sử – hiện đại, huyền thoại cổ tích – thế sự, sử thi – giải thiêng, tính dục hiện sinh… đều mang nỗi niềm và lối viết nữ giới.

Với cái nhìn hướng nội, truyện ngắn nữ quan tâm nhiều điều ẩn mật của tâm hồn, kể cả khi khai thác những mảng hiện thực vốn được xem là dành cho nam giới. Với sự tham gia của phái nữ, truyện ngắn viết về chiến tranh đã bước vào một quĩ đạo mới. Các phạm trù thẩm mỹ được mở rộng. Cái bi không còn phải dè dặt né tránh (Nhiệt đời gió mùa, Người sót lại của rừng cười), cái hài được mở rộng (truyện ngắn Bích Ngân), cái huyền ảo gia tăng (Đàn sẻ ri bay ngang rừng). Chiến tranh liên quan trực tiếp đến đời sống riêng tư của từng cá thể- có yêu thương, hạnh phúc, bất hạnh, có tận cùng đam mê tận cùng đau khổ, có dục vọng bản năng. Chiến tranh và thiên tính nữ, chiến tranh và nhân bản – đó là cốt lõi trong tư tưởng thẩm mĩ của các nhà văn nữ.  Nỗi buồn chiến tranh của phụ nữ trở thành cảm hứng chủ đạo. Chiến tranh hiện ra qua khuôn mặt phụ nữ với hận thù và yêu thương, mặc cảm và kiêu hãnh (Mối tình năm cũ – Nguyễn Ngọc Tư, Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Mỹ nhân làng Nhan– Võ Thị Xuân Hà). Chiến tranh hiện ra qua những cái chết thanh xuân đang khao khát cháy lòng về một tình yêu nhục thể (Người sót lại của rừng cười- Võ Thị Hảo). Chiến tranh và tình yêu – một bên là sự hủy diệt, một bên là sự thăng hoa (Xuân nữ – Dạ Ngân). Thiên tính nữ cứ ngời lên trên những trang văn viết về chiến tranh và hậu chiến. Bóng đen của cái chết, sự bất hạnh và màu xanh của bình yên hy vọng vẫn song hành. Người lính trẻ vừa ngã xuống, đôi mắt chưa kịp khép lại vẫn “nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm” và cô gái “mơ màng về một màu cỏ xanh” (Cỏ hát – Lý Lan). Cuộc chiến đã khép lại, còn lại những cuộc đời phía sau đầy ám ảnh, nhưng – “Mẹ, sự dịu dàng sau chót, tình yêu còn lại qua cả chiến cuộc” – mẫu tính đã hóa giải hận thù (Nhiệt đới gió mùa – Lê Minh Khuê).

Với các nhà văn nữ viết là một hành vi xác tín bản ngã. Mảng truyện ngắn lịch sử thể hiện rõ nhất sự hóa thân của nữ giới vào những trang văn. Có truyện ngắn chỉ là một lát cắt của lịch sử, có truyện ngắn dựng lại cả một vương triều. Nhưng dẫu trường hay đoản thì việc tái dựng diễn trình lịch sử qua phức cảm tâm hồn là cách viết phổ biến của phái nữ khi lựa chọn vùng thẩm mỹ đã có nhiều người đào xới (và thành công lớn thuộc về tiểu thuyết). Khác với cách viết của tiểu thuyết lịch sử, các nhà văn nữ chọn một lối kể nhẹ nhàng, thiên về dòng tâm tư, độc thoại nội tâm. Trong nhiều truyện ngắn, với những biểu tượng nghệ thuật đa nghĩa, cách đan xen giữa thực ảo…, từ cõi sâu tâm hồn, diện mạo lịch sử một thời hiện ra sinh động. Tham vọng và cô đơn, nhan sắc và quyền lực, sơn son thếp vàng và lãnh cung…, những mặt đối lập không ngoại trừ của bất cứ vương triều nào đều phát lộ từ góc nhìn bên trong, đậm nhạt, căng chùng qua dòng tâm tư nhân vật (Nàng công chúa té giếng của Trần Thùy Mai; Hương thôn dã, Nắng quái Tây Nam thành của Nguyễn Thị Kim Hòa…). Hằng số lịch sử qua những khoảng trống văn bản và trường thẩm mỹ cá nhân/giới khiến câu chuyện về lịch sử mở rộng biên độ (Mây vờn trên đỉnh Mã Yên của Vũ Thanh Lịch, Ngày cuối cùng của dâm phụ, Sóng vỗ mạn thuyền, Sóng nhồi vào sóng của Trần Thị Trường). Những thảm kịch lịch sử từ góc nhìn nữ giới vẫn ẩn trùng lớp chiều sâu triết lí – về thân phận cá nhân, nỗi cô đơn thăm thẳm, về tình yêu, cái chết, tham vọng và quyền lực. Phải chăng mỹ cảm nữ giới trong cái nhìn về lịch sử là ở điểm này?

Đời sống phố thị và sự hiện tồn đầy âu lo của con người là một hướng phổ biến của truyện ngắn nữ – đặc biệt giai đoạn đầu thế kỉ XXI. Truyện ngắn nữ đi sâu vào những mảng hiện thực nhức nhối, những lỗ hổng của văn minh đô thị, ở đó con người vừa là kẻ dự phần vừa xa lạ, lạc lõng, cô đơn. Nỗi lo âu về sự hiện tồn phi lý vì thế cứ cộm lên trong nhiều truyện ngắn. Nhiệt đới gió mùa (Lê Minh Khuê) với những phi lí phận người sau chiến tranh. Thành phố đi vắng (Nguyễn Thị Thu Huệ) với không gian rỗng, những mê lộ rối, thời gian ngưng đọng, con người bị đánh vắng, vong thân, biến dạng. Truyện ngắn Phong Điệp là những trang văn đầy ám ảnh về vấn đề thân phận trước mê cung cuộc đời (Biên bản bão, Kẻ dự phần). Nhìn chung, điểm giao nhau trong những sáng tác mang dấu ấn phi lý của nữ giới là các nhà văn đã đi từ cảm nhận thế giới là hỗn độn, vô trật tự, văn minh và văn hóa không thuận chiều nhau đến những suy tư về sự hiện tồn mà con người phải dự phần trong lạc lõng, trống rỗng, lo âu.  Trong xu thế hội nhập quốc tế, các nhà văn nữ đã tiếp biến văn học phi lý từ tư tưởng đến lối viết. Với những phong cách và hướng tìm tòi riêng, truyện ngắn nữ đã góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng cho bức tranh hội nhập toàn cầu. Chưa hình thành khuynh hướng như tiểu thuyết hiện sinh đầu thế kỉ XXI, cũng chưa ghi dấu vân tay đậm nét như một số nhà văn nam giới, nhưng truyện ngắn nữ đã dự phần vào những vấn đề đương đại, đặc biệt là phi lí phận người.

Hiện sinh tính dục, khỏa lấp nỗi cô đơn hiện tồn bằng những mải mê thân xác là vấn đề phổ biến trong truyện ngắn nữ. Không còn là lúc nói về sự bình đẳng tính dục, bởi phạm trù bản năng, tính dục đã được khẳng định tự bao đời nay, không loại trừ nữ giới. Đã có những trang viết bạo liệt về ngôn ngữ thân thể, những biểu tượng tính dục nữ, về cận cảnh ái ân. Tuy vậy, điểm riêng rất nữ là niềm kiêu hãnh giới, là cảm thức dục tính uyên nguyên, góp phần đa dạng hoá cách nhìn con người bản năng. Một nhà văn nam chua chát khi bàn về nhan sắc đàn bà: “Sắc đẹp của đàn bà ở trường hợp này chỉ là  thứ giá trị cho kẻ khác giới tiêu dùng, nó thuần túy mang tính sinh vật học, nó chỉ có tác dụng kích thích thói hưởng lạc thân xác đàn bà của giới đàn ông thôi!” (truyện ngắn Nhan sắc đàn bà – Ma Văn Kháng). Ở văn chương nữ giới, thật khác, “Em, cô gái 9X, cái đùi thon nõn vắt lên yên xe… Em mãn nguyện, mặt tươi rói như tiểu thiên thần… phô nửa mình trần sau cơn mưa”; “Ôi sao mà đẹp và tươi nguyên đến thế? Trẻ trung và mãn nguyện với những gì trời phú cho nhan sắc của mình đến thế?” (Hai bức thư đã được gửi trong tháng…– Võ Thị Xuân Hà). Niềm kiêu hãnh tính dục mang sắc thái giới thể hiện phổ biến trong những bức tranh sex bằng ngôn từ nghệ thuật. Đó là sự gắn kết, hòa điệu giữa thiên nhiên, sinh thái và thân xác. Cỏ cây, nước, thảo mộc, đất… và “Người gái thiên nhiên” hòa quyện tạo mỹ cảm về cái đẹp vừa nhục thể, vừa tinh khôi. Sự hồn nhiên, thanh xuân, trong ngần của thân xác được tôn tạo bởi sự thanh khiết của tự nhiên; mối quan hệ tình yêu – tình dục – sinh thái; cao hơn là giữa con người và vũ trụ ở dạng thái nguyên sơ. “Hàng dâm bụt đầy hoa như lồng đèn ngày cưới nàng… Một bầy con nít cả trai lẫn gái. Chúng cởi quần thi đái. Nàng cũng đái. Hồn nhiên, trắng nõn, sáng rực. Chỉ có cõi hoang sơ mới có vẻ đẹp ấy. Khi nàng ngước lên… Trời ơi nàng chạy… nàng chạy”(Khúc chiều tà– Quế Hương). Những cổ mẫu Đất/Nước mang tính âm (và những biến thể như biển, dòng sông, hồ, mưa…) xuất hiện đậm đặc với nhiều ý nghĩa trong thế giới nghệ thuật của các nhà văn nữ. Nước tưới tắm, thanh lọc, tẩy rửa. Đất sinh nở và tiêu diệt. Trong Đất, trong Nước con người sống đúng bản năng, sống lại thuở ban sơ người. “Như thuở hồng hoang. Đôi người chân trần, thân trần che chiếc lá sen đuổi nhau trong mưa”; “Say mưa. Cậu không thấy họ tắm truồng rồi ngửa cổ nhấm mưa như nhấm rượu đó à? Đêm trăng họ lại say trăng. Rồi say hoa quỳnh, hoa súng, cả thứ hoa tầm thường như hoa thầu đâu cũng trồng quanh vườn. Mùa hoa, tím ngát trời, thơm ngát xóm” (Tre có hoa). Đất – Trời – Nước – Tình yêu. Quả là một cuộc hôn phối đậm chất huyền thoại – cuộc hôn phối giữa cõi người và cõi tự nhiên. Ngòi bút nữ thật tinh tế khi diễn tả độ giao tần số rung động giữa thiên nhiên và hồn người. Sự tương hợp giữa chất nhục thể nữ tính và dưỡng chất trần gian làm nhòe ý nghĩa trần trụi ở bề mặt chữ câu, chỉ còn lung linh một thế giới của cái đẹp, của sự tương giao, của thăng hoa tính dục.

Liên văn bản và sự dung hợp thể loại

Tiểu thuyết là thể loại nuốt vào bản thân nó những thể loại khác. Với truyện ngắn đương đại, sự dung hợp thể loại không còn độc quyền cho “cỗ máy cái”. Ý hướng muốn viết ngắn từ lâu đã là quan niệm của nhiều nhà văn. “Càng ít càng nhiều” (less is more)- là một xu hướng viết trên thế giới. Ngắn gọn, cô đọng hàm súc, truyện ngắn nói chung và truyện ngắn nữ nói riêng đã mở rộng biên độ, vượt qua hạn định của số câu số chữ (vẫn còn là phần cứng để xếp loại truyện ngắn). Sự dung hợp thể loại và liên văn bản (hiểu theo nghĩa đơn giản nhất của thuật ngữ này) khiến truyện ngắn “nhỏ và lớn”, “ít mà nhiều”.

Ở Việt Nam xu hướng tối giản có ở dạng thức tiểu thuyết ngắn, ở truyện cực ngắn, ở tính chất phân mảnh và cấu trúc giản nở của văn bản. Truyện ngắn là thể loại tự do. Mối tương tác giữa nhiều thể loại khiến những đặc trưng thẩm mĩ của truyện ngắn ít nhiều bị phá vỡ. Các tiêu chí thể loại dường như không còn quan trọng. Có những truyện ngắn là bài thơ văn xuôi. Có truyện ngắn nghiêng về phóng sự, văn xuôi tư liệu. Có truyện nghiêng về bút kí. Cũng có truyện ngắn như vở kịch một màn. Có truyện ngắn chỉ là những mảng lắp ghép của hồi ức, tâm trạng. Có truyện như một cuốn tiểu thuyết thu nhỏ (Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê có độ dồn nén của tiểu thuyết trong truyện ngắn).Trong nhiều truyện ngắn nữ, các diễn ngôn văn hoá, diễn ngôn hội hoạ, lịch sử, âm nhạc,các văn bản văn học,… đan dệt vào nhau. Mở rộng biên độ, nhiều truyện ngắn đan xen giữa thực và hư, với cách viết lạ, với hệ thống nhân vật ảo đã gây được ấn tượng về những vấn đề thuộc tâm hồn, tâm linh con người. Sự pha trộn giữa lịch sử-huyền thoại (Mỹ nhân làng Nhan– Võ Thị Xuân Hà); huyền thoại-thế sự (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Chợ Rằm dưới gốc dâu cổ thụ – Y Ban);cổ tích và hiện đại (Hành trang của người đàn bà Âu Lạc, Nàng tiên xanh xao, Hồn trinh nữ, Tim vỡ – Võ Thị Hảo); hiện thực và hoang đường, kì ảo (Nguyệt Cầm – Nguyễn Thị Ấm, Bộ tóc giả– Di Li)… tạo nên sự bung phá thể loại. Truyện ngắn Di Li hòa xen giữa ảo thực, người bóng ma, linh hồn xác, giả thật… mở ra cả trường liên tưởng (Bộ tóc giả, Bức tranh và ngôi nhà cổ, Cocktail, Giếng, Điệu Valse địa ngục).  Là nhà văn nữ một mình một ngựa tiên phong trên con đường khám phá một thể loại mới là tiểu thuyết trinh thám –kinh dị, truyện ngắn Di Li cũng theo hướng này. Sáng tác của Di Li góp phần bác bỏ quan niệm xem truyện trinh thám là bên lề văn chương, là ngoại vi, là văn học thị trường; hoặc chỉ phù hợp với nam giới. Chất li kì, hoang đường, tình dục và bạo lực của thể loại trinh thám được kết hợp khéo léo làm nên phong cách thống nhất trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Di Li.

Tác phẩm của Quế Hương hàm chứa những mạch ngầm văn bản. Truyện ngắn Quế Hương không dài. Những truyện dài nhất cũng độ 5,7 trang. Tính chất liên văn bản mở rộng độ hàm súc của một thể loại vốn ngắn về câu chữ. Với trường nhìn nội giới, liên văn bản trong truyện Quế Hương nhằm mở rộng thêm biên độ tâm hồn. Hoàng tử bé – tinh cầu nhỏ – con cừu không rọ mõm – đoá hoa không gai và một thế giới chỉ có thể cảm nhận bằng timchứ mắt thường không nhìn thấy (Đoá hoa không gai và con cừu không rọ mõm). Những vì sao (Alphonse Daudet) và đám cưới sao tạo nên sự cộng hưởng, cái đẹp thuần khiết của đất trời nhân bội (Ẩn lan). Âm nhạc và thế giới thẳm sâu của tâm hồn; câu ca quan họ lơi lơi yếm, sóng sánh tình và nửa câu quan họ chơi vơi gọi tìm (Câu hát tìm nhau). Có những trường hợp, liên văn bản nhằm đa bội hóa hiện thực, trong hiện thực đó con người đóng nhiều vai/tự nhân bội với những dạng thức khác nhau. Trong Tịnh Tâm viên, người đàn bà điên tóc trắng trải qua bao nhiêu vùng ám ảnh thì lão Cây cũng hoá thân thành bấy nhiêu vai. Câu chuyện tâm hồn được kể, tả bằng sự đan xen giữa thực và ảo. Độ ngưng của thời gian, độ nhoè của không gian làm cho cuộc sống thường nhật của con người nhuốm màu huyền thoại.

Cảm quan và lối viết hậu hiện đại cũng để lại dấu chỉ trong truyện ngắn các nhà văn nữ (từ Phạm thị Hoài đến thế hệ các nhà văn trẻ gần đây như Phan Hồn Nhiên, Phong Điệp…). Một trong những hình thức phổ biến của lối viết hậu hiện đại là cấu trúc phân mảnh (phi tâm, phân mảnh nhân vật, li tán sự kiện). Ở một số tác phẩm, vai trò của chủ thể kể chuyện thường “lép”. Ngôn ngữ người kể chuyện không chiếm vai trò quan trọng. Lời người kể chuyện có khi ngắn đến mức gần như triệt tiêu, không đáng kể. Nhiều truyện ngắn chỉ là những mảnh lắp ghép của lời thoại. Người kể chuyện gần như chỉ có một chức năng dẫn dắt mạch truyện, nối mạch cho các nhân vật đối thoại với nhau là chủ yếu (truyện ngắn Phạm Thị Hoài, Linda Lê, Phan Hồn Nhiên). Tính chồng lấn giữa ngôn ngữ người trần thuật và ngôn ngữ nhân vật, sự dung chứa nhiều dạng diễn ngôn khiến truyện ngắn mở rộng biên độ, tạo tính đối thoại (Lại chơi với lửa– Linda Lê). Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà đa dạng. Mỗi văn bản truyện của Xuân Hà không dài nhưng có sức nén nhờ đan kết liên văn bản (diễn ngôn/ đối thoại Facebook, bản thảo kịch bản, thơ, tản văn, siêu văn bản máy tính, tiểu luận). Mỗi văn bản đan lồng, ghép mảnh với đồng hiện thời gian khiến nhiều truyện của Võ Thị Xuân Hà có độ nén. Như một nhân vật của nhà văn tự nhận: “Mỗi cảnh là một câu chuyện nhỏ. Mỗi câu chuyện nhỏ này có thể viết được một truyện ngắn” (Nhật kí Facebook).  Lựa chọn điểm nhìn trữ tình khi tiếp cận những vấn đề xã hội truyện truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà như những bài thơ về thế sự (Ăn trái đào nhớ hoa hồng đào, Cành phong hương).

Không cách tân “rầm rộ” như tiểu thuyết, không gây “ồn ào” với những cuộc trở mình như thơ, truyện ngắn Việt Nam ba mươi năm sau đổi mới hội nhập bằng những vận động bền bĩ, âm thầm. So với thơ, truyện ngắn ít tuyên ngôn hơn. So với tiểu thuyết, truyện ngắn ít gây ngạc nhiên nhiều về “lối viết”. Tuy vậy, sự ám ảnh và quyến rũ ở truyện ngắn nhiều khi vượt xa tiểu thuyết và thơ theo một cách thức riêng. “Truyện ngắn hay ở văn. Ai đó đã nói và tôi nhận ra đúng là như vậy. Bởi vì có những truyện ngắn, nội dung câu chuyện hình như không có gì đặc sắc, mà sao đọc xong cứ mê đi là thế nào (…): Câu chữ trong truyện ngắn nói riêng nó lên men, nó tỏa hương, nó rủ rê, nó dắt dẫn, nó quyến rũ ta, nó là cái hồn của câu chuyện”(5). Mang cái duyên riêng của thể loại, cộng thêm cái duyên đặc thù của nữ giới, truyện ngắn nữ ba mươi năm sau đổi mới tạo dấu ấn nhờ “hương” hơn là nhờ “sắc”. Hương ấy tuy ít gây ấn tượng ban đầu (nếu so với tiểu thuyết hay thơ), song lại vương vấn, níu kéo dài lâu. Có thể nói, ngắn mà bùng nổ, ám ảnh chính là đặc điểm của tiểu thuyết nữ ba mươi năm sau đổi mới, xét từ đặc trưng thể loại và từ đặc điểm giới tính của chủ thể sáng tạo.

——————————

  • Đoàn Cầm Thi, Đọc tôi bên bến lạ, Nhã Nam, Nxb Hội Nhà văn, 2016, tr.107, 108.
  • Xem trithucthoidai.vn/cuoc-troi-day-cua-truyen-ngan-the-ky-21-khong-viet-ngan-khong-…26 thg 5, 2014 –  Hạ Huyền(theo Telegraph) Thể thao & Văn hóa – “Tiểu thuyết là con sư tử của văn chương, và vẫn còn quá sớm để nói thể loại này đã sụp đổ. Tiểu thuyết vẫn giành các giải thưởng văn học lớn (Man Booker, Pulitzer) và có những cách tân táo bạo. Nhưng truyện ngắn, một thể loại cũng đầy cổ xưa, đang tự làm mới, đạt những thành tựu không thể bỏ qua và được coi là xu thế của thời đại số”.
  • Alice Munro – bậc thầy truyện ngắn đương đại, http://nhanam.vn/tin-tuc/alice-munro-bac-thay-truyen-ngan-duong-dai
  • Vương Trí Nhàn, “Phụ nữ và sáng tác văn chương”, Tạp chí Văn học, số 6/1996.
  • Ma Văn Kháng (1999), “Tôi viết truyện ngắn”, Văn nghệ Quân đội, Số 04.

TS. Lê Thị Hường
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *