Đi tìm bản thể trong bài thơ “Con thú” của Như Bình

Tình yêu và nỗi nhớ là đề tài muôn thuở của thi ca. Có thể nói, thế giới có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cảm xúc khi yêu. Nữ sĩ Như Bình đã mang đến cho người đọc một cảm xúc rất lạ: yêu say đắm, nhớ nồng nàn, đau nhói buốt, giằng xé giữa trái tim và lí trí. Tất cả điều đó được gửi gắm qua thi phẩm Con thú.

Em không thể chạy đến tìm anh để nói với anh
thật ra em rất cô đơn.
Con thú hoang trong em rũ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng
gục đầu thú tội.
Em không thể chạy đến tìm anh để ngã,
vào cô đơn
thêm một lần nữa.
Nỗi nhớ phờ phạc đổ bóng những chiều tà
Nỗi nhớ rạc gầy trong xác thân héo rũ
Nỗi nhớ như a xít ăn mòn răng và tóc
chỉ còn trơ lại hốc mắt khô
em…
Anh không hay biết đâu, có những ngày dài em xác xơ vô nghĩa.
Em lạc đường trở về nhà.
Em không nhớ mình là ai
Từng là ai
Vẫn nước mắt vô tình chạm mỗi ngày bất lực.
Em tưởng em đã chết
Ở đâu đó lâu lắm kia, trên cõi thế gian này
Em sợ mình như một linh hồn
Lang thang đi lạc.
Đừng dày vò em, đừng đánh thức em
Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước
Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau
Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu.
Em không thể chạy đến để nói với anh thật ra em rất cô đơn.
Con thú hoang đã nhốt sâu
Dù nó nhe răng van vỉ em bằng cái vẻ cụp đuôi xờ xạc
Dù nó đã cắn em suốt đêm trong nỗi nhớ anh phờ phạc.
Tình yêu là muôn thuở. Từ thuở hồng hoang đến nay, nó vẫn si mê, đắm đuối như phút ban đầu đâu dễ lãng quên.
“…Đêm nằm lưng chẳng xuống giường
Trông cho mau sáng ra đường gặp anh…”
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ…”
“Ai” rất phiếm chỉ mà rất cụ thể. Ngày xưa, các cụ cũng yêu mãnh liệt thế. Ngày xưa, các cụ cũng nhớ nhau da diết thế. Vâng, đã là con người bằng xương thịt, có trái tim thì bất luận là ai, thời đại nào đều có điểm chung như thế cả: nhớ day dứt, nhớ quay cuồng điên dại. Cô gái trong câu dân ca Nghệ Tĩnh mãnh liệt mà tự thú:
“Bưng cơm ăn nỏ được
Bưng nước uống nỏ trôi

Vì thương anh đáo để
Nhớ thương chàng đáo để”
Ai nhủ vướng vào tình ái mà chi? Mà trong trần gian này, mấy ai thoát được! Nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng từng bộc bạch:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Đó là nỗi nhớ. Đó là trạng thái con người khi yêu. Tình yêu xóa nhòa mọi giới hạn, không phân biệt tuổi tác, không cần biết đến địa vị. Khi yêu, con người nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc. Nhớ khi xa. Giận hờn vô cớ. Muốn hướng đến hạnh phúc lâu bền. Thế giới có bao nhiêu con người, sẽ có bấy nhiêu cách yêu và cảm xúc khi yêu. Nhưng đau đớn, giằng xé, tự “ hủy hoại” mình như nhân vật trữ tình trong bài thơ “CON THÚ” thực sự buộc chúng ta phải giật mình.
Em không thể chạy đến tìm anh để nói với anh
thật ra em rất cô đơn.
Con thú hoang trong em rũ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng
gục đầu thú tội.
Em không thể chạy đến tìm anh để ngã,
vào cô đơn
thêm một lần nữa.
Không thể và có thể! Có thể đến bên anh khi tình yêu muốn được vun đắp, khi tình yêu mà hai ta chưa có sự ràng buộc. Không thể khi chúng ta yêu nhau như trong bi kịch “Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh”(Bùi Sim Sim). Nhớ anh lăm lắm, vậy mà “không thể” đến bên anh. Em đã ghìm nén cảm xúc, chế ngự trái tim/con thú hoang trong nỗi nhớ trào dâng. Thông thường, người ta hay dùng từ “em không thể đến bên anh”, Như Bình lại dùng từ “chạy tìm anh”. Có cái gì đó cuồng điên. Có cái gì đó nổi loạn. Em không thể gót hài xinh thong dong đến bên anh. Với em, lúc này chỉ có “chạy” thôi. Chạy để trốn tránh kẻ khác, trốn tránh anh và chính bản thân mình.
Nói với anh bây giờ để làm gì? Để vơi đi nỗi nhớ? Để chế ngự con thú hoang trong em ư? Không! Mọi lí giải tồn tại trong em đều vô nghĩa. Ngôn từ bất lực trước ngòi bút của em. Anh thừa biết nỗi cô đơn như ngọn dao cau đang khoét vào tim em, rỉ máu, nhức buốt. Em im lặng gục ngã trong nỗi nhớ về anh. Im lặng là đỉnh cao của đớn đau, anh biết không? Em đang như thế và sẽ mãi như thế!
Yêu, giằng xé và đớn đau, đó là cảm xúc chủ đạo xuyên suốt bài thơ. Nỗi nhớ như hiện ra trước mắt em bằng nguyên khối cụ thể. Em gặm nhấm nó trong trái tim rỏ máu.
Nỗi nhớ phờ phạc đổ bóng những chiều tà
Nỗi nhớ rạc gầy trong xác thân héo rũ
Nỗi nhớ như a xít ăn mòn răng và tóc
chỉ còn trơ lại hốc mắt khô
em…
Có những lúc em chấp nhận sự thật phũ phàng, em ngoan ngoãn “rũ lông cụp đuôi” trở về vị trí của mình như tiền kiếp chưa hề gặp anh. Em muốn sống cuộc đời của em từng có. Em là con thú hoang đáng thương cố nằm im sau khi lồng lộn bởi vết thương bỏng rát. Em chấp nhận không “tìm anh” nữa. Nhưng, liệu quyết định đó có xoa dịu lòng em hay chỉ là sự huyễn hoặc chính mình. Yêu là nhớ! Đúng thế. Nhớ mà được gặp nhau là hạnh phúc. Ở đây, nỗi nhớ ấy được “tôi” dằn xuống kìm nén, nhưng tất cả đều vô nghĩa trước trái tim “em”. Càng kìm nén, nỗi nhớ càng đau đớn. Có lẽ Như Bình đã bắt nỗi nhớ phải hiện hình: nhớ “phờ phạc”, nhớ “rạc gầy”. Chưa thỏa mãn, chị gọi đó là nỗi nhớ như “a xít ăn mòn”. Tác giả cố tình lặp ba lần “nỗi nhớ” để nhấn mạnh, tô đậm thêm sự nhớ nhung điên dại. Rốt cuộc, sau khi tự đối diện với nhớ thương thăm thẳm ấy, em còn lại gì? Còn “trơ lại hốc mắt khô”. Hình ảnh thơ đắt, ám ảnh, hiếm gặp. Hốc mắt ấy trơ ra, cuộn xoáy vào cõi mê. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, tác giả dùng từ “hốc mắt” đầy ma mị, ám ảnh. Đã bao ngày em lặng lẽ khóc cho mối tình nghiệt ngã. Đã bao ngày em tự lau dòng lệ cho mình. Không, anh không hề biết! Thân xác em rã rời, em phờ phạc trong bóng chiều u tịch. Em như kẻ mộng du.
Anh không hay biết đâu, có những ngày dài em xác xơ vô nghĩa.
Em lạc đường trở về nhà.
Em không nhớ mình là ai
Từng là ai
Vẫn nước mắt vô tình chạm mỗi ngày bất lực.
Em tưởng em đã chết
Ở đâu đó lâu lắm kia, trên cõi thế gian này
Em sợ mình như một linh hồn
Lang thang đi lạc.
Cố kìm nén để rồi em phải bất lực tự thú. Xa anh, em đã có những ngày dài cô đơn, lạc lõng, vô nghĩa. Cuộc sống em thật sự hạnh phúc, có ý nghĩa khi được nghĩ về anh dù chúng ta mãi mãi “lạc đường”. Bao nhiêu gắng gượng của em đã bị phá sản. Câu thơ như tiếng nấc nghẹn ngào “anh không biết đâu, có những ngày dài em xác xơ vô nghĩa”. Em ước… Em ước anh có thể lau cho em giọt lệ tủi sầu này. Ước có một lần anh nhìn thấy bóng em rạc gầy liêu xiêu trên lối về. Không phải để anh thương hại trở về bên em, cũng không để anh thấu hiểu về em mà để làm dịu bớt niềm đau trong em. Em lang thang vô định. Em bước trong vô thức như như kẻ mộng du đi tìm ý thức. Em lạc đường về. Hai từ “lạc đường” đánh thức thế giới trong em. Phải chăng, khi đến bên anh, em đã sai đường lạc lối. Em quên hay không muốn nhớ mình là ai! Trước khi yêu anh, em là em – người con gái tự tin, kiêu hãnh. Khi xa anh, em không còn là em nữa. Em là người điên, là người say lạc loài trong cõi nhân gian.
Là nhà thơ nữ, chị không thể mạnh mẽ để gắng gượng hơn được nữa. Đến đây, tác giả đã nhắc đến “nước mắt”. Giọt nước mắt tất yếu phải rơi. Em khóc cho em hay khóc khi xa anh. Có lẽ cả hai. Sự giằng xé giữa lí trí và trái tim quyết liệt.
Câu thơ “Đừng dày vò em, đừng đánh thức em” như một lời cầu xin. Cầu xin anh hay van vỉ với đáy lòng mình. Em đã sống những tháng ngày đau khổ, xin đừng làm em khổ đau hơn. Nếu còn “dày vò” em trong nỗi nhớ, chắc gì em còn đủ sức sống tiếp. Càng van nài, gượng ép mình phải quên, tâm trạng em lại bị bủa vây bởi dằng dặc nhớ thương. Em tự ngụp lặn trong quy tắc tự em đặt ra cho mình. Em tự nhủ mình phải quên, nhưng kì thực trái tim đang ứa máu. Em quá hiểu rằng “ta không thuộc về nhau” và mãi mãi “vẫn lạc nhau” giữa dòng đời nghiệt ngã.
Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước
Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau
Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu.
Em không thể chạy đến để nói với anh thật ra em rất cô đơn.
Con thú hoang đã nhốt sâu
Dù nó nhe răng van vỉ em bằng cái vẻ cụp đuôi xờ xạc
Dù nó đã cắn em suốt đêm trong nỗi nhớ anh phờ phạc
Từ “chạy” một lần nữa lại được tác giả sử dụng như nhãn tự của bài thơ. Cả bài thơ, hình ảnh em cứ chạy để rồi mãi đuổi hình bắt bóng, cuối cùng vẫn lọt thỏm giữa “cô đơn” “thảm sầu”. Ai đó đã nói rằng: trái tim có lí lẽ riêng mà lí trí phải bất lực. Đúng vậy, dù “con thú hoang đã nhốt sâu” nhưng đêm đêm nó vẫn “van vỉ” “cắn” em đến hao mòn, tiều tụy.
Câu thơ cuối kết thúc bất ngờ. Người đọc không bất ngờ bởi sự tan nát, khổ đau trong tình yêu oan trái, tình yêu ấy càng chế ngự, càng cháy mãnh liệt. Bất ngờ ở đây là chính em phải thú nhận sự thất bại thảm hại của lí trí. Hình ảnh con thú bị nhốt lồng lộn cắn xé chưa bao giờ thôi. Day dứt, ám ảnh đến từng câu chữ, bài thơ như nói hộ tâm trạng bao người. Thơ chị là tiếng lòng đầy trắc ẩn của một phụ nữ khi yêu mà tình yêu trong đau đớn, khắc khoải. Tình yêu sao nói quên là có thể dễ dàng quên được. Con thú là em, chỉ giả bộ ngoan hiền cho anh khỏi day dứt, cho anh thanh thản đấy thôi. Nếu quên được, thì em đã chẳng ngã vào anh đau nhói.
Nếu quên được thì khó có thi phẩm hay đến thế. Bởi tình yêu là điều bí mật chưa ai giải mã thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *