Khái niệm thi pháp nữ quyền (feminist poetics) ra đời dựa trên hai nhận định cốt lõi của các nhà phê bình nữ quyền. Thứ nhất, họ khẳng định rằng toàn bộ nền văn học trong quá khứ đều do nam giới sản sinh ra, được hình thành bằng cái nhìn, tư duy, nguyên lý và giá trị của nam giới. Do đó, nữ giới hoàn toàn vắng bóng và bị tước đoạt cái nhìn, giọng nói mang tính chủ thể trong truyền thống văn học. Thứ hai, khi tiếp cận bộ phận văn học nữ trên diện rộng, họ nhận ra nữ giới có một cách viết riêng biệt, mang những đặc trưng khác với văn học truyền thống do các cây bút nam giới ngự trị. Từ đó, phê bình nữ quyền hướng đến xác lập một hệ thi pháp đặc trưng của nữ giới trong sáng tác, bao gồm những phương thức tư duy và biểu đạt ngôn từ nghệ thuật mang phong cách nữ giới, xuất hiện lặp đi lặp lại trong sáng tác của các nhà văn nữ, bộc lộ quan niệm nghệ thuật về thế giới từ sự trải nghiệm riêng biệt của người nữ. Như vậy, thi pháp nữ quyền phân biệt với thi pháp truyền thống ở chỗ hệ thi pháp này khẳng định giá trị của người nữ viết văn bằng sự hiện diện trong vai trò chủ thể sáng tạo và sự khác biệt trên góc độ giới tính trong lối viết.
Khái niệm này được khởi nguồn từ quan niệm về một lối viết nữ (l’écriture féminine) của các nhà phê bình nữ quyền phân tâm học và giải cấu trúc của Pháp, tiêu biểu là Hélène Cixous, Julia Kritéva và Luce Irigaray vào những năm đầu thập niên 1970. Đến cuối thập niên này, phê bình nữ quyền Mỹ với nhà tư tưởng tiên phong là Elaine Showalter đã mở rộng và phát triển khái niệm lối viết nữ thành mỹ học nữ quyền, dịch chuyển từ vấn đề ngôn từ sang vấn đề mỹ học và triết học. Về thực chất, khái niệm thi pháp nữ quyền và mỹ học nữ quyền vừa hàm chứa nhau, vừa giao thoa với nhau, tùy thuộc vào khía cạnh, phạm vi và mức độ của vấn đề được nghiên cứu, bởi mỹ học nữ quyền được hình thành từ những cái khung thi pháp và thi pháp nữ quyền mang những nét thẩm mỹ đặc thù trên phương diện giới. Về mặt lịch sử, sự vận động này cho thấy tiến trình phát triển của khái niệm, đồng thời, tác động đến sự thay đổi trong quan niệm nữ quyền của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học.
1. Từ “lối viết nữ” (l’écriture féminine) của phê bình nữ quyền Pháp đến “mỹ học nữ quyền” (feminist aesthetic) của phê bình nữ quyền Mỹ
Điểm trọng tâm trong lý thuyết nữ quyền của Cixous là mối quan hệ giữa giới tính và diễn ngôn, từ đó hình thành nên ý niệm về phong cách tu từ riêng của phụ nữ trong sáng tác. Từ những năm 1970, bà đã thể hiện tư tưởng của mình trong các tác phẩm như Một chuyến đi (Sortie), Tiếng cười nàng Medusa (The Laugh of the Medusa) và Đến để viết (Coming to Writing). Qua các công trình trên, nhà phê bình này khẳng định rằng suốt nhiều thế kỷ qua, người phụ nữ không hiện diện trong các hoạt động diễn ngôn. Họ không được bộc lộ suy nghĩ, lời nói của mình, không được tạo ra mối quan hệ tương tác để hình thành nên sự giao tiếp với các cá thể xã hội. Vì vậy, thế giới bên trong của nữ giới hoàn toàn khép kín và họ cũng bị cấm vận với cuộc sống xã hội. Cixous nói một cách thẳng thắn rằng sự ngây thơ của người phụ nữ đồng nghĩa với sự ngu dốt khi những tri thức đời sống và khoa học hoàn toàn kín bưng trước con mắt của phái nữ.
Hơn nữa, đến thời hiện đại, khi người phụ nữ được nói và viết một cách công khai, thì họ lại vay mượn lối nói của nam giới chứ không có một hệ thống tu từ đặc trưng của giới mình. Ngôn ngữ và giới tính chỉ có một mối quan hệ lỏng lẻo và bị những quy luật của nam giới chế ngự. Các nhà phê bình nữ quyền như Laura Mulvey, Julia Kristéva, khẳng định rằng những câu chuyện được kể trong điện ảnh và văn học đều được thể hiện từ góc nhìn của nam giới. Trong nhiều tiểu luận, Hélène Cixous luôn khẳng định phụ nữ phải có hệ thống ngôn ngữ riêng phù hợp với bản thể giới tính của họ, để biểu đạt những đặc thù riêng biệt của mình mà giới khác không có. Cixous cũng nhấn mạnh rằng cái bà muốn xác lập và tựa vào là tính không cân xứng giữa hai giới chứ không phải thứ bậc của giới này đối với giới kia. Vì vậy, trong Tiếng cười nàng Medusa, bà đã phủ định hệ thống nhị nguyên mang tính thống trị thường phân chia các cặp khái niệm: đồng nhất/khác biệt, con người/tự nhiên, trật tự/hỗn độn, hoạt động/thụ động, ngôn ngữ/im lặng, hiện diện/vắng mặt, sáng/tối, nam giới/nữ giới… thành những đối cực tích cực và tiêu cực do nam giới xác lập vốn in hằn trong tư tưởng con người ở xã hội phụ quyền. Theo sự phân định này, phụ nữ luôn ở vị thế bên dưới và đối lập với nam giới.
Như vậy, các nhà phê bình nữ quyền Pháp cho rằng cần phải triệt tiêu hẳn cái nhìn mang tính đối lập dựa trên những cặp phạm trù đối nghịch: nam tính (masculinity, masculinité), nữ tính (femininity, féminilité) và lưỡng tính (bisexuality, bisexualiteu). Việc thiết lập sự đối nghịch này vô hình trung dẫn đến hệ quả là cái này sẽ xóa bỏ cái kia, phủ định cái kia. Trong khi đó, những phạm trù này vẫn song song tồn tại. Lịch sử loài người đã diễn ra theo cách nam giới áp chế nữ giới và kiến tạo một nền văn hoá duy dương vật có tính thống trị tuyệt đối. Chính vì vậy, khi cầm bút sáng tác, người phụ nữ viết bằng thế nhị nguyên, vừa mang những giá trị nam giới cố định đã trở thành những nền tảng và nguyên tắc chung cho cả loài người, vừa bộc lộ những đặc tính riêng của nữ giới.
Dựa trên lý thuyết phân tâm học (chủ yếu của Lacan) và thuyết hậu cấu trúc, các nhà nữ quyền Pháp chủ trương đưa ngôn ngữ viết của người nữ trở về với bản thể Mẫu từ thời kỳ tiền Oedipe (Pre-Oedipe), khi đứa trẻ chưa tách rời khỏi người mẹ và tự nhận thức về chính bản thân mình ở độ tuổi từ 6 tháng đến 18 tháng. Đứa trẻ nhìn thấy hình ảnh của mình được phản chiếu trong gương soi và hình thành nên nhận thức cũng như ngôn ngữ từ hình ảnh đó, nghĩa là từ cái bên ngoài, từ sự phản ánh. Đồng thời, ở giai đoạn này, đứa trẻ chưa có sự phân biệt giữa cái tôi và cái khác, đồng nhất bản thân mình với người mẹ (đứa trẻ và người mẹ là nhất thể) và tạo ra hình ảnh tưởng tượng gần như không có mối liên hệ gì với đứa trẻ. Lacan gọi đây là thời kỳ của cái tưởng tượng (imaginary) trong giai đoạn soi gương (mirror phase) mà ở đó, tấm gương chứa đựng cái được biểu đạt (signified) còn bản thân đứa trẻ là cái biểu đạt (signifier). Đến giai đoạn thứ hai, đứa trẻ dần phân ly khỏi người mẹ, hình thành cái tôi (self, ego) và sở đắc ngôn ngữ. Khi đó, đứa trẻ hấp thụ và tham gia vào luật gia trưởng của người cha (law of Father) với những khái niệm và chuẩn tắc được định sẵn. Trong hệ thống trật tự này, dương vật đóng vai trò của cái biểu đạt chủ mang tính thống trị (master siginifier) mà đứa trẻ phải tuân theo khi dự phần vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó, mặc cảm thiến hoạn xuất hiện và đứa trẻ ly khai khỏi người mẹ để đáp ứng những kỳ vọng văn hóa- xã hội theo sự chi phối của luật gia trưởng. Lacan cũng nhấn mạnh rằng sự khác biệt giới tính không bị quy định bởi yếu tố sinh học (tự nhiên) mà bởi luật lệ và ngôn ngữ (văn hóa). Thời kỳ này được định danh là thời kỳ trật tự biểu tượng (symbolic order). Như vậy, các nhà nữ quyền khẳng định rằng ngôn ngữ do nam giới tạo ra (man-made language) dựa trên quyền lực của nam giới, phản ánh trải nghiệm của nam giới. Từ đó, Hélène Cixous và Julia Kristéva mong muốn người nữ quay trở về thời kỳ tiền Oedipe, tiền ngôn ngữ để tự phản ánh bản thân bằng trí tưởng tượng, thân thể và sự trải nghiệm của họ, tạo ra ký hiệu cho chính họ chứ không sử dụng những biểu tượng của nam giới và không bị chi phối bởi bất kỳ một quan niệm, một định luật có sẵn nào cả. Còn Luce Irigaray thì muốn đặt ngôn ngữ nữ giới vào thời kỳ thứ hai, thời kỳ trật tự biểu tượng. Bà cho rằng nữ giới chưa bao giờ được giữ vai trò chủ thể trong việc sử dụng ngôn ngữ và bằng trải nghiệm của mình, họ sẽ tạo ra một thứ ngôn ngữ khác biệt so với nam giới. Nhìn chung, các nhà nữ quyền Pháp đều tập trung vào vấn đề ngôn ngữ, lý giải sự ảnh hưởng của yếu tố phân tâm đến lối viết của nữ giới và mong muốn xác lập một mô thức biểu đạt mới của nữ giới, cùng tồn tại và độc lập với ngôn ngữ nam giới chứ không hướng đến mục tiêu thay thế ngôn ngữ nam giới. Và cùng với việc kế thừa lý thuyết phân tâm học của Lacan, ý hướng về một ngôn ngữ nữ giới cũng dẫn đến xu hướng bảo tồn mối quan hệ mẫu tử, thúc đẩy con người giữ gìn sự gắn bó với người mẹ như trong thời kỳ đầu tiên của thuở ấu thơ.
Cũng có cùng chung một ý hướng, các nhà phê bình Nữ quyền ở Ý đã khảo sát sự khác biệt giới tính trong hệ thống từ ngữ, ngữ pháp, cấu trúc và cách thức diễn đạt. Susan Bassnett xem đấy là một cuộc cách mạng nhằm lật đổ các quan niệm và giá trị cũ, tạo dựng nên một nền diễn ngôn độc lập cho người phụ nữ cầm bút: “Một trận chiến vì lẽ phải của sự biểu lộ, của ngôn từ, vì quyền tự do được khẳng định bản thân và được định đoạt cho chính mình.” [5, tr.123] Verena Stefan- nhà văn, nhà nữ quyền người Đức gốc Thụy Sĩ- trong lời nói đầu của tác phẩm Rơi (Shedding) đã từng trăn trở tìm kiếm một hệ ngôn ngữ riêng để diễn tả những trạng thái, những ý niệm của nữ giới mà cái áo ngôn từ vốn có trở nên cũ và chật hẹp, không còn khả năng dung chứa và chuyển tải nổi: “Khi tôi muốn viết về sự nhạy cảm, những trải nghiệm và khuynh hướng phê bình của người phụ nữ thì tôi không thể tìm ra được những từ ngữ… Bây giờ tôi chỉ có thể bắt đầu chú trọng một cách có hệ thống vào những thành kiến giới tính trong ngôn ngữ, vào ngôn ngữ nữ và văn học nữ, tôi chỉ có thể bắt đầu bằng sự thuật lại cuộc sống của người phụ nữ.” [2, tr.54]
Ngôn ngữ nữ giới là một nhu cầu trong quá trình sáng tạo của người nữ để họ biểu đạt được một cách chính xác, đầy đủ và chạm đến bản chất hiện thực của nữ giới, một hiện thực riêng biệt và khác biệt so với nam giới.
Trong khi đó, phê bình Nữ quyền Mỹ mở lối đi khai phá vào một nền mỹ học nữ quyền (feminist aesthetic), nghĩa là mở rộng hệ thi pháp nữ quyền từ vấn đề tu từ đến vấn đề mỹ học, đồng thời, mở rộng phạm vi khảo cứu từ hoạt động sáng tạo đến hoạt động tiếp nhận – phê bình. Thi pháp nữ quyền là thi pháp sáng tạo thẩm mỹ đặc thù của nữ giới. Dựa trên tư tưởng và đặc tính của người nữ, họ đặt ra mục đích khắc sâu sự hình thành một lối viết nữ trong sáng tác và phê bình: “Chỉ có thể nhận thức và thể hiện người phụ nữ bằng việc yêu cầu một phong cách văn chương mang tính phản ánh, bộc lộ rõ và biểu trưng cho đặc tính tư tưởng của chúng ta, một phong cách đứt đoạn và nối tiếp, khác biệt với phong cách phức tạp, phụ thuộc và tuyến tính của truyền thống.” (Peter Collier và Helga Geyer-Ryan, 1990, tr.187). Đại diện tiêu biểu cho trường phái này là Elaine Showalter. Bà nhận ra rằng phê bình nữ quyền từ trước đến nay vẫn đặt phụ nữ vào vị trí người đọc (reader)/ người tiêu thụ (customer), tập trung vào hình tượng, biểu tượng nam quyền, những mô thức biểu hiện nữ giới điển hình, “những nhận thức sai lầm về nữ giới, sự hiện diện hoặc vắng mặt của phụ nữ trong văn học nam.” [3, tr.128] Do đó, các nhà phê bình nữ quyền vẫn hoạt động trong môi trường nam quyền bằng đôi mắt của nam giới trong khi nữ giới cần hướng tới sự tự khám phá, tự kiến tạo. Với ý thức phản ứng lại phê bình nữ quyền truyền thống như vậy, vào năm 1979, Elaine Showalter đặt ra khái niệm chủ nghĩa phê bình nữ tác gia (gynocriticism) với chủ trương đòi hỏi việc nghiên cứu văn học nữ phải hướng đến mục tiêu xác lập nên một truyền thống sáng tác của chính nữ giới. Ở đó, phụ nữ là tác giả (writer)/ người sản xuất (producer), là chủ thể văn học. Nhà phê bình thực hành việc khảo sát đặc trưng ngôn ngữ, đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm văn học do phụ nữ viết ra cũng như phân tích đặc trưng tâm thần nữ giới trong hoạt động sáng tạo. Hơn nữa, phê bình nữ tác gia còn phải phát hiện ra “quỹ đạo quá trình tiến hóa của sáng tạo văn chương cá nhân hoặc tập thể nữ giới” [3, tr.128] để không chỉ hình thành nên lịch sử và tiến trình văn học nữ mà còn khám phá bản chất, quy luật vận động của nền văn học này.
Không chỉ chối bỏ các văn bản do nam giới viết nên, phê bình nữ tác gia – theo Elaine Showalter – còn khước từ những phương pháp, khuynh hướng phê bình truyền thống do nam giới tạo ra và hướng đến mục tiêu hình thành một khung mỹ học nữ giới để phân tích văn học nữ. Bản thân phê bình là tạo ra một văn bản tư duy về một văn bản, nghĩa là tạo ra siêu ngôn ngữ (metalanguage). Do đó, phê bình truyền thống lấy cái nhìn, sự giải thích của nam giới làm trung tâm và đặt người nữ vào khí quyển nam trị, hình thành siêu ngôn ngữ mang tính nam trị. Phê bình nữ quyền muốn thoát ly khỏi khí quyển đó, muốn phê bình là hoạt động sáng tạo (poiesis), hoạt động tạo ra (making) với trọng tâm viết lại (rewriting) tri thức của nam giới và kiến giải hiện thực cũng như văn bản bằng cái nhìn bên trong người nữ, của chính người nữ. Các nhà nữ quyền dựa trên tinh thần chấp nhận cái khác biệt (đa nguyên và đa trị) của thời đại để lập luận rằng, khi cộng đồng xã hội biết chấp nhận những cái nhìn khác, có nghĩa là chấp nhận sự viết lại. Nhà triết học Foucault gọi đó là sự dẫn giải thành ý niệm mới mẻ về siêu ngôn ngữ và lý thuyết được sử dụng trong thi học nữ quyền.
Nhìn một cách khái quát, có thể thấy rằng, các nhà phê bình nữ quyền ở các trường phái khác nhau đều đưa ra nền tảng lý thuyết và tư duy dựa trên những luận lý có sức thuyết phục về việc xác lập một hệ thi pháp nữ quyền. Thế nhưng, khái niệm này vừa xuất hiện như một nguyên lý tất yếu trên hầu khắp các sáng tác của phụ nữ, lại vừa tồn tại ở ranh giới mong manh, mơ hồ của khoa học và phi khoa học, hiện hữu và phi hiện hữu, khả tri và bất khả tri. Sự cảm nhận về lối viết nữ là một cảm nhận khoa học khá rõ ràng và mạnh mẽ, tuy vậy, để lý giải một cách logic và khách quan, để đi đến tận cùng căn nguyên cốt lõi của thi pháp nữ quyền thì không phải là một điều dễ dàng, rành mạch. Thậm chí, nhiều nhà phê bình nữ quyền vẫn băn khoăn và đặt ra câu hỏi là có một lối viết nữ thực sự, một hệ mỹ học nữ thực sự hay không? Và có thể có một nền văn học nữ tự trị hay không? Chủ trương thoát ly hoàn toàn khỏi nền văn học truyền thống được cho là mang tính nam trị từ phương diện sáng tác đến phương diện phê bình có là một chủ trương đầy ảo tưởng và cực đoan hay không? Nhà phê bình người Pháp Béatrice Didier cho rằng sự tác động của bối cảnh lịch sử, xã hội đến quá trình sáng tác vô cùng lớn lao nên không thể nhìn nhận một cách tổng quan toàn bộ tác phẩm của các tác giả nữ thuộc những giai đoạn lịch sử, những bối cảnh xã hội khác nhau. Chính vì vậy, Béatrice Didier không quan niệm văn học nữ như một nền văn học có chiều dài lịch sử riêng biệt. Tuy nhiên, nữ phê bình gia chuyên nghiên cứu về Stendhal và George Sand này lại thừa nhận có sự tồn tại của cái gọi là “văn viết nữ” (L’écriture-femme) và lấy khái niệm này làm tựa đề cho tập tiểu luận của mình. Béatrice Didier đã phân tích những đặc trưng riêng biệt trong sáng tác của nữ giới trên các phương diện: thể loại (thường thiên về tự truyện), hệ đề tài (thời thơ ấu, người mẹ), phương thức sáng tác (gắn liền với thế giới cảm xúc phong phú) và cấu trúc tác phẩm (cấu trúc thời gian gẫy khúc, đứt đoạn và đan xen theo chu kỳ)… Trong khi đó, như một trạng thái tự mâu thuẫn, Julia Kristéva, một trong những lý thuyết gia hàng đầu về thi pháp nữ quyền, lại băn khoăn về việc xác định sự khác biệt giới trong văn phong: “Không có bất kỳ điều gì thuộc những tác phẩm đã xuất bản trong cả quá khứ và hiện tại của nữ giới có thể đưa chúng ta đến sự khẳng định quả quyết rằng đó là một lối viết nữ.” [6, tr.162-163]
2. Xác lập phương pháp tiếp cận văn học nữ từ thi pháp nữ quyền
Theo quan điểm riêng, chúng tôi thống nhất với cách hiểu của các nhà phê bình Pháp khi nhấn mạnh tính nhị nguyên trong sáng tác nữ giới, nghĩa là, văn bản nữ giới vừa nảy sinh từ nền tảng sáng tạo chung của nhân loại, vừa chứa đựng những yếu tố riêng biệt của nữ giới. Vì vậy, thứ nhất, cần có sự phân biệt giữa cái khác biệt và cái mang giá trị. Khi nhìn về dòng văn học nữ trong mối tương quan với văn học nam giới, việc nhận thức và phân tích sự khác biệt là để xác định đặc trưng sáng tác của mỗi giới, nghĩa là giá trị nội tại được tạo ra từ thuộc tính giới, gắn liền với thuộc tính giới. Điều này không đồng nhất với giá trị được quy chiếu từ sự mặc định của quan niệm xã hội về giới nhằm đề cao người nam và hạ thấp người nữ. Khác biệt và bất bình đẳng là hai phạm trù khác nhau và chúng có mối liên hệ với nhau hay không còn tùy thuộc vào điểm nhìn, vào phương diện nhìn nhận từ văn học hay từ xã hội, hoặc cũng có thể từ những lĩnh vực hoạt động khác của con người.
Thứ hai, sự khác biệt phải đặt trên cái nền của sự tương đồng và những yếu tố nền tảng chung cho cả hai giới. Một mặt, nam giới và nữ giới đều sở hữu những giá trị chung của con người. Điều này làm nên những giao điểm trong sáng tác của họ. Mặt khác, người phụ nữ đã sống trong môi trường văn hoá mang tính áp chế của nam giới và nhiều nguyên lý nền tảng chung cho cả loài người được nền văn hoá ấy thiết lập, như G. Jung đã từng nói rằng “uy quyền của đàn ông” qua chiều dài lịch sử đã ngấm sâu đến mức biến thành “vô thức tập thể”. Chính vì vậy, phụ nữ không thể thoát ly hoàn toàn và đứt lìa hẳn với quá khứ, với hiện tại mà về cơ bản cũng là sự nối dài của quá khứ với các giá trị kế thừa cố định. Khi đặt bút sáng tác, trên trang giấy của họ xuất hiện đồng thời cái bóng riêng biệt của nữ giới trong cái bóng lớn của môi trường văn hoá- xã hội. Các lối viết không phải là sự khai phá riêng biệt của người nữ mà vẫn dựa trên cái nền tư duy chung của nhân loại. Trọng tâm của vấn đề nằm ở chỗ là: giới nào có xu hướng thiên về một phương thức sáng tác cụ thể để khiến phương thức đó trở thành một đặc trưng tư duy nhìn từ góc độ khái quát hoá. Việc khẳng định sự tồn tại của phương thức tư duy nghệ thuật nữ giới không có nghĩa là phủ định sự xuất hiện của phương thức này trong sáng tác của các tác giả nam. Phê bình nữ quyền không chủ trương tạo ra sự đối lập nhị nguyên tuyệt đối giữa hai giới trong cách nhìn và biểu đạt hiện thực. Đoàn Cầm Thi nhấn mạnh: “Theo tôi, sẽ không bao giờ thiết lập được biên giới tuyệt đối giữa văn học nữ và văn học nam. Có những đề tài và hiện tượng thường gặp (chứ không phải chỉ gặp) trong các tác phẩm nữ. Hơn nữa, chúng chỉ mang tính thời điểm (chứ không vĩnh viễn). Vì vậy, đòi công nhận đặc thù của văn học nữ, chính là giam cầm tác giả ‘phái yếu’ trong một biệt cư, từ đó dẫn đến những cách đọc giản lược, méo mó.” [1, đoạn 26] Tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng đã khẳng định rằng: “Có nhiều nhà phê bình cho rằng chúng ta cần nói về văn học nữ, nhưng không phải trong ngữ cảnh ‘phân chia’ thành văn học nam hay nữ, mà chỉ nên ngầm hiểu đó là “sự mở rộng di sản văn học khi khẳng định tính độc đáo và cá tính sáng tạo của những người phụ nữ viết văn.” [8, tr.6] Điểm khác biệt nằm ở chỗ những lối viết này được người nữ vận dụng mạnh, sâu, liên tục, tô đậm từ góc nhìn của chủ thể nữ giới, thể hiện từ chủ thể sáng tác đến văn bản trên các yếu tố:
– Chất liệu của tư duy: vùng hiện thực của riêng nữ giới mà nam giới không thể trải nghiệm bởi sự khác biệt về mặt tự nhiên và xã hội của hai giới (hiện thực của nữ giới, nhìn vào thế giới bên trong của người nữ).
– Tần suất tư duy: tần suất cao, lặp lại liên tục và xuyên suốt tác phẩm, hệ tác phẩm.
– Phương thức tư duy: từ điểm nhìn bên trong của nữ giới (điểm nhìn nội quan), tạo ra “cái tôi trải nghiệm tự kể chuyện mình” khác với “cái tôi chứng kiến, kể chuyện người khác” (nhìn từ vị trí, hoàn cảnh của người nữ và nữ giới là chủ thể của cái nhìn).
– Ý nghĩa và mục đích của tư duy: biểu đạt ý thức nữ quyền. Đây là một yếu tố quan trọng, thể hiện sự khác biệt giữa lối viết của nữ giới với nam giới không nằm ở chỗ họ sử dụng thủ pháp riêng biệt nào và nhiều hơn nam giới bao nhiêu lần mà nằm ở giá trị cũng như ý nghĩa biểu đạt. Trong khi tái hiện hiện thực đời sống nữ giới, sáng tác của nhà văn nữ mang lại nhận thức về nữ quyền, bộc lộ phản ứng mang tính phản kháng, đối thoại với cơ chế nam trị vốn là điều không xuất hiện thường trực ở các nhà văn nam (dẫu có nhiều hiện tượng sáng tác của nam giới thể hiện tính nữ quyền sâu sắc, nhưng không liên tục) và được nhìn từ góc độ của nam giới (nghĩa là từ một hoàn cảnh, vị thế, quan niệm, cảm giác khác với nữ giới, đồng thời, không bị áp bức về giới như phụ nữ).
Thêm vào đó, theo tiến trình phát triển của tư tưởng nữ quyền, ở làn sóng thứ ba, các nhà nữ quyền đề xuất xem xét vấn đề nữ quyền ở từng người nữ cụ thể, chứ không còn ở quy mô cộng đồng giới nữ. Tương tự như vậy, tự sự học nữ quyền cũng xác lập lối tiếp nhận văn bản đi từ từng trường hợp sáng tác nữ giới như những hiện tượng cá thể, tạo nên tính đa dạng, đa nguyên của vấn đề giới trên văn bản. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu đã trình bày tổng quát về phương pháp “đi từ dưới lên” theo lối tiếp cận giao cắt (intersectional approach) của Susan E. Lanser và phản ứng thoát khỏi “mô hình nhị nguyên” trung tâm của Ruth E. Page trong bài viết “Dẫn nhập về tự sự học nữ quyền luận (Qua những thực hành của Susan E. Lanser)”, cho thấy sự chuyển động trong quan niệm và phương pháp của phê bình nữ quyền gắn với sự chuyển động của tư tưởng nữ quyền nói chung. Chúng tôi cũng kế thừa cách tiếp cận này và thực hành trên từng văn bản (cụ thể ở đây là sáng tác văn xuôi của Dạ Ngân và Thiết Ngưng) như những cá thể sáng tạo riêng biệt, có những đặc trưng thi pháp tự sự biểu lộ ý thức nữ quyền, sau đó, khái quát hóa thành những đặc trưng thi pháp nữ giới. Cách tiếp cận này vừa khẳng định những giá trị sáng tạo cá nhân của người nữ trong đặc tính đa nguyên, đa dạng của đời sống sáng tác, vừa xác lập được khung thi pháp nữ quyền chung, mang tính tương đối nhưng không hòa tan bản sắc của cá nhân vào bối cảnh cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự tồn tại của “lối viết nữ” ấy không chỉ phụ thuộc vào ý thức của người sáng tác, mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào nội tại thế giới tác phẩm mà các nhà văn nữ đã làm nên. Tác phẩm, đó là nơi mà phương thức nghệ thuật sáng tạo của nhà văn được thể hiện, bộc lộ, chứng minh sự hiện diện của mình. Hay nói cách khác, chỉ có chính bản thân tác phẩm mới là thẻ căn cước cho mọi yếu tố thuộc về văn học, như lý thuyết tiếp nhận – một hệ lý thuyết từng đưa văn bản tác phẩm vào vị trí trung tâm trong mối quan hệ với người đọc và tạo ra cuộc cách mạng về quan niệm tiếp nhận tác phẩm trong thế kỷ XX – đã khẳng định. Do đó, để tìm hiểu về vấn đề này, ngoài việc dựa vào quan niệm sáng tác của nhà văn, cuộc đời của nhà văn – như một kênh thông tin, thì điều quan trọng là phải thực hiện một cuộc nội soi vào hệ thống tác phẩm để tìm ra các đặc điểm thi pháp riêng của văn học nữ.
Từ đấy, chúng tôi đề ra một phương pháp tiếp cận tác phẩm theo hệ trục của sự khác biệt dựa trên nền tảng tương đồng, bao gồm những nguyên lý, những đặc trưng chung của sáng tác văn học từ điểm nhìn giới tính. Nếu đi theo cách tiếp cận truyền thống vốn tồn tại trong nghiên cứu văn học lâu nay là đặt tác phẩm dưới ánh sáng của hai phương diện: giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật thì gần như không soi rọi được sự khác biệt giữa hai bộ phận văn học phân chia theo giới tính. Đặc biệt, khi nghiên cứu theo lý thuyết nữ quyền, phương pháp đọc này không thể làm nổi rõ những đặc trưng của văn học nữ. Tác giả của công trình Hồ Xuân Hương – Tiếp cận từ quan điểm giới tính cũng đã có nhận xét tương tự khi tìm kiếm một cách thức tiếp cận phù hợp với lý thuyết phê bình giới: “Bên cạnh sự phân biệt hay và dở, trong văn chương còn có sự phân biệt về thể loại sáng tác, giai đoạn sáng tác, thể tài. Những cách phân biệt này chủ yếu dựa vào nội dung của tác phẩm để đánh giá tác phẩm trên hai phương diện giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật. Nghĩa là theo như cách phân biệt này nếu phản ánh cùng một chủ đề như tả cảnh thiên nhiên hay miêu tả diễn biến tâm trạng thì giữa tác phẩm của một tác giả là nam giới và nữ giới sẽ không hề có nét đặc trưng cá biệt về giới”. [7, tr.24]
Như vậy, nhìn từ phía văn học nữ, những nền tảng chung mà văn học truyền thống, văn học nói chung tạo ra là thể, bao hàm những yếu tố, những phương diện, những khái niệm, những dạng thức tồn tại của văn học, nghĩa là các thành tố tạo nên sự hình thành và hiện hữu của tác phẩm. Trên cái thể ấy, văn học nữ bộc lộ tính riêng biệt, đặc thù của mình. Tính là đặc trưng của thể tồn tại bằng một hàm lượng khác, mang một sắc thái, trạng thái khác, một vị trí khác. Chẳng hạn như yếu tố tâm lý và tính dục đã xuất hiện từ lâu trong văn học, nhưng chỉ dưới ngòi bút của nữ giới, tâm lý và nhục cảm của người phụ nữ mới được miêu tả một cách cụ thể, rõ rệt bằng chính nội tại tự thân của nó. Tương tự như vậy, lịch sử văn học đã xây dựng hình tượng người phụ nữ và nhiều thời kỳ, hình tượng này giữ vai trò trung tâm trong cảm hứng sáng tác của thời đại, thế nhưng, lại ở vị trí khách thể. Đến dòng chảy của văn học nữ, hình tượng này mới đứng ở vị trí chủ thể trọng tâm, mới bộc lộ những yếu tố bên trong thuộc về chính nó và xuất hiện với mật độ dày đặc trong văn học. Về tính chất, hình tượng phụ nữ trong văn học của nam giới mang tính hình tượng- biểu tượng hơn là hình tượng- bộc lộ.
Tóm lại, nhìn một cách tổng thể, phương pháp đọc văn bản theo thi pháp nữ quyền vận dụng quan điểm về sự khác biệt, bao gồm: khác biệt nhị nguyên giữa nam giới với nữ giới và khác biệt giữa cá nhân người nữ với cộng đồng nữ giới để thấy sự hiện diện của văn bản trên hai tư thế: văn bản của nữ giới và văn bản của cá nhân người nữ. Cả hai sự khác biệt đều mang tính tương đối chứ không phân định một cách đối lập các đối tượng. Do đó, điều quan trọng trong khi đọc văn bản là phát hiện ra đặc trưng thi pháp nghệ thuật của nữ giới và ý nghĩa, giá trị của tư tưởng nữ quyền thể hiện trên đặc trưng thi pháp đó.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị một khuynh hướng phối hợp chặt chẽ các phương pháp trên với phương pháp nghiên cứu liên ngành, nhìn vấn đề từ nhiều nguồn tri thức trong nghiên cứu sinh học, xã hội học, văn hoá học, triết học… để tiếp nhận tác phẩm. Có thể nói rằng đây là một công cụ tiếp cận đa dụng cụ, đòi hỏi người vận dụng phải có kiến thức nền tảng và kiến thức chuyên ngành vững chãi, uyên thâm.
Trên đây là những phác thảo mang tính định hướng về lý thuyết thi pháp nữ quyền. Bằng phương pháp này, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào lĩnh vực nghiên cứu văn học nữ giới từ lý thuyết phê bình nữ quyền, để cùng đạt đến mục đích mà nhà văn Lê Thị Huệ đã nói đến: “Tôi tin nghệ thuật do người nữ tạo ra khác nghệ thuật do người nam chế tạo. Phải có những người đọc tinh tế, những nhà phê bình sáng, mới nhận ra được nghệ thuật sáng tạo bởi người nam và nghệ thuật sáng tạo bởi người nữ khác nhau ở những điểm nào.” [4, tr.3]
Tài liệu tham khảo
[1] Anh Thy (2012), “Đoàn Cầm Thi: Các tác giả nữ đang gặt hái nhiều hơn…”, Báo Văn nghệ Trẻ (số 9). [2] Edith H. Altbach, Jeannette Clausen, Dagmar Schultz và Naomi Stephan (1984), German Feminism: Readings in Politics and Literature, Suny Press, New York. [3] Elaine Showalter edited (1985), Feminist Criticism – Essays on Women, Literature theory, Pantheon Books, New York. [4] Nhà xuất bản Văn Mới (2005). “Phỏng vấn 10 nhà văn nữ trong và ngoài nước: Có một cách viết nữ hay không?, Tạp chí Gió O, http://www.gio-o.com/Chung/PhongVan10NhaVanNu.html. [5] Peter Collier and Helga Geyer-Ryan (1990), Literary Theory Today, Cornell University Press, Ithaca, New York. [6] Toril Moi (2002), Sexual/ Textual Politics, Routledge, London and New York. [7] Cao Hạnh Thủy (2007), Hồ Xuân Hương- Tiếp cận từ quan điểm giới tính (luận văn thạc sĩ chưa xuất bản), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tp.HCM. [8] Nguyễn Thị Thanh Xuân (2013), Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (luận án tiến sĩ chưa xuất bản), Học viện Khoa học Xã hội- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.Chú thích
1 ThS, Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp Hồ Chí Minh. Email: hokhanhvan1982@gmail.com
***
Bài viết đã được đăng trên Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia Văn học và Giới – Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Hồ Khánh Vân