NAM TÍNH – NỮ TÍNH VÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỬ VIỆT NAM

Tóm tắt: Nam tính/ nữ tính là cặp nhị phân hàm ẩn trong nó những tương quan quyền lực. Những nghiên cứu của Kam Louie và các đồng sự (1994, 2002, 2003) đã chỉ ra cơ thế kiến tạo nam tính Đông Á truyền thống. Chính trên cơ sở này mà nữ tính được kiến tạo. Thực tế này cho thấy: Chỉ có thể hiểu sâu sắc về nữ tính trong tương quan với nam tính và ngược lại. Là những cặp nhị phân liên quan đến việc kiến tạo chủ thể, các mô hình nam tính – nữ tính có ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy nghệ thuật của nhà văn, đến cách anh ta xây dựng hình tượng nhân vật và vì thế các mô hình về giới là công cụ để đọc sâu tác phẩm cũng như lí giải những đặc điểm văn học sử. Bên cạnh sự biến đổi trên trục thời gian, ngay trong một thời điểm cụ thể diễn ngôn về giới tính không bao giờ chỉ có một, thay vào đó phải là một hệ thống những diễn ngôn. Điều này khiến những nghiên cứu về giới tính trong văn học tiến gần đến với xã hội học. Hướng nghiên cứu ngoại tại này, ở thời điểm hiện nay, có thể xem là một bổ sung cho hướng nghiên cứu nội tại (thi pháp học, kí hiệu học, tự sự học). Từ khoá: diễn ngôn, giới tính, tương tác quyền lực, hậu thuộc địa, văn học Việt Nam

Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về giới tính (gender)2. Không kể rất nhiều những luận án TS, chỉ tính những công trình sách xuất bản, có thể kể đến ở đây, chẳng hạn:Trần Huyền Sâm (2016), Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại; Phùng Gia Thế – Trần Thiện Khanh biên soạn (2016), Văn học và giới nữ (Một số vấn đề lý luận và lịch sử). Không khó để nhận thấy, ngay từ tên của các cuốn sách, nữ quyền, phê bình nữ quyền luận, nữ tính, người viết nữ… là những vấn đề trung tâm của những nghiên cứu này. Điều này có thể được giải thích từ sự đồng cảm trước tình trạng mất tiếng nói của người phụ nữ và những ảnh hưởng của phong trào, ý thức nữ quyền trong xã hội Việt Nam đương đại.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những vấn đề lý thuyết chưa được nhận biết và thảo luận thấu đáo. Một trong những vấn đề đó là: trong khi tập trung nghiên cứunhững nghiên cứu về giới nữ, dường như người ta đã bỏ qua những thảo luận về cách xây dựng, kiến tạo hình tượng người đàn ông trong văn học và vì thế chưa có những miêu tả, tổng kết về mối quan hệ quyền lực giữa nam tính và nữ tính. Điều này khiến cho những nhận diện và miêu tả về nữ tính chưa có được sự đa dạng như nó vốn có trong thực tế văn hoá và sáng tác văn học.

Thêm nữa, vẫn còn thiếu những phân tích về không chỉ một mà là một hệ thống những diễn ngôn về giới trong một bối cảnh xã hội cụ thể – điều mà, thiếu nó, chúng ta không thể nhận biết đầy đủ tương quan quyền lực/ tri thức trong kiến tạo về giới.

Tiểu luận này của chúng tôi sẽ tập trung hướng tới những vấn đề trên.

1. Mô hình nam tính – nữ tính Đông Á truyền thống: cơ chế kiến tạo, đặc điểm và những ảnh hưởng đến văn học

1.1. Trong mục này, trước tiên, chúng tôi sẽ tập trung giới thiệu những nghiên cứu về nam tính Đông Á của Kam Louie và các đồng sự3. Một phần vì đây là những nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng học thuật. Phần khác: do cách phân tích nam tính – nữ tính của Kam Louie thường dựa trên các văn bản văn học và vì thế có thể tạo ra những gợi mở, những liên hệ đối sánh với văn học Việt Nam.

Khi nhận diện về nam tính Đông Á, Kam Louie đề xuất cặp khái niệm văn – võ. Học giả này có sự cân nhắc khi không sử dụng cặp khái niệm âm – dương. Lí do: theo ông, cả âm và dương đều được xác định như những nhân tố hiển nhiên trong nam tính và nữ tính và vì thế nó xoá bỏ sự phân biệt rạch ròi giữa nam và nữ. Trong khi đó, Văn- võ là một kết tạo hữu dụng để miêu tả những mẫu hình lí tưởng của nam tính Trung quốc vì nó chỉ được sử dụng cho người đàn ông. Theo Kam Louie:

Rất khó tìm thấy trong tiếng Anh những khái niệm gồm đủ ý nghĩa của văn – võ. Theo nghĩa đen, cặp khái niệm này có nghĩa là tính văn chương – thượng võ, và nó bao hàm sự lưỡng phân giữa những thành tựu văn hóa – võ lực, tinh thần và thể chất và v..v. Đây là mô hình lí tưởng mà tất cả mọi người đàn ông đều phải hướng tới. Bởi vì bao chứa cả những nhân tố thể chất (physical) và tinh thần (mental) của người đàn ông lí tưởng (ideal man), nên văn-võ được kiến tạo cả về phương diện sinh học và văn hóa. Đây là mô hình nam tính lí tưởng trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc.4 

Lí do khiến những phẩm chất văn – võ chỉ dành riêng cho nam giới là vì nó được thừa nhận thông qua các kỳ thi do nhà nước tổ chức – đặc quyền chỉ dành cho nam giới. Thiết chế văn hoá này vì thế đã hoàn toàn gạt bỏ người phụ nữ khỏi không gian xã hội và đóng khung họ trong không gian gia đình với những vai giới tính (gender roles) luôn tòng thuộc vào người đàn ông (con gái – người vợ – người mẹ).

Hình mẫu lí tưởng của văn là Khổng tử, hình mẫu lí tưởng của võ là Quan Vũ. Có một lưu ý: dù hai thuộc tính văn – võ luôn sóng đôi với nhau trong việc kiến tạo nam tính thì văn vẫn được xem trọng hơn võ. Điều này giải thích tại sao trong cuốn tiểu thuyết đậm đặc nam tính nhất của Trung Quốc là Thuỷ Hử thì những nhân vật sở đắc nhiều đặc tính của văn hơn như Tống Giang, Ngô Dụng luôn được xếp trên những nhân vật chỉ thuần tuý có sức mạnh cơ bắp (võ) như Lâm Xung, Lý Quỳ… Đặc điểm này khiến mẫu hình người đàn ông thanh nhã, tinh tế, trí tuệ (soft man) giữ vai trò quan trọng không chỉ trong văn học mà cả trong kịch truyền thống Trung Quốc. Theo Yiyan Wang, đặc điểm này có thể được giải thích bởi sự tương tác tay ba quyền lực – tri thức – giới tính: các tác giả của các tác phẩm văn học đều là những văn nhân và vì thế họ đã ký thác vào trong nhân vật những trải nghiệm cuộc sống của mình đồng thời lý tưởng hoá, trao quyền lực cho những hình tượng này. Trong bài viết của mình, Wang cũng đồng thời đưa ra một cách lí giải khác của Van Gulik: việc đề cao mẫu hình soft man trong văn học Trung Quốc phản ánh trong nó sự ác cảm của trí thức Hán với sự thống trị của các dị tộc: Nguyên, Thanh – những người thường xây dựng hình ảnh của mình như là những người chinh phạt nhờ vào sự dũng mãnh với tài nghệ võ thuật và sức mạnh thể chất5.

Một đặc điểm khác của nam tính Đông Á trong sự so sánh với nam tính Anh – Mỹ được Kam Louie ghi nhận đó là sự kiềm chế. Nam tính Đông Á, Kam dẫn lời của Keith McMahon, được đặc trưng bởi sự kiềm chế (containment) và kiểm soát (control) đối với những đam mê dục tính (sexual passion)6. Nếu những hiệp sĩ phương Tây luôn gắn liền với những người đẹp thì người anh hùng theo mẫu hình Đông Á lại là người luôn giữ khoảng cách với cám dỗ từ phụ nữ. Trong những trường hợp cực đoan, sự kiềm chế này gắn liền với bạo lực: sẵn sàng giết chết người phụ nữ nếu thấy cần cho sự khẳng định nam tính. Thuộc tính này được tập trung thể hiện trong hình tượng Quan Vũ: trong một vở kịch đời Nguyên, khi được Trương Phi tặng Điêu Thuyền (vợ của Lữ Bố), Quan Vũ đã dùng đao giết chết Điêu Thuyền. Đây chính là sự khác biệt làm nên phẩm tính nam tính của Quan Vũ trong sự so sánh với Lữ Bố (đệ nhất dũng tướng trong Tam quốc) hay Đổng Trác7.

Sự kiến tạo mô hình nam tính trên là cơ sở để kiến tạo nữ tính. Nữ tính không được kiến tạo độc lập mà được hiểu trong sự đối lập với nam tính. Vì không có sự sở hữu văn – võ người phụ nữ được xem không có khả năng để kiểm soát, kiềm chế bản thân. Trong tình dục, trong khi người đàn ông khi có được phẩm hạnh nam tính (có năng lực văn – võ) sẽ có khả năng kiểm soát, kiềm chế những ham muốn tình dục thì người phụ nữ lại được hình dung như là cái thuộc về bản năng, thiếu lí trí, dễ bị cuốn theo những ham muốn tình dục8. Đây là lí do giải thích thái độ ứng xử của Quan Vũ với Điêu Thuyền như đã dẫn ở trên. Mở rộng ra nếu nam tính (vì sở đắc văn – võ = được đào luyện) luôn mang những hàm nghĩa tích cực (là cái văn hoá) thì nữ tính sẽ mang hàm nghĩa tiêu cực (cái bản năng). Nữ tính ở đây không có giá trị tự thân. Nữ tính được kiến tạo để tôn vinh để khẳng định những phẩm chất ưu việt của nam tính. Cơ chế kiến tạo về nữ tính này cho thấy vai trò tòng thuộc của nữ tính với nam tính.

Chính vì thế, chỉ có thể hiểu sâu và cắt nghĩa về nữ tính trong sự phân tích về mối tương quan quyền lực của nó với nam tính.

1.2. Văn học Việt Nam (ít nhất từ thế kỷ 10) thường được đặt trong văn cảnh của vùng văn học Đông Á (còn gọi là vùng văn học Hán hoá) vì thế những đặc điểm trên của tương quan nam tính – nữ tính trong văn học Trung Quốc có thể là những gợi dẫn. Tuy nhiên, một sự thận trọng vẫn luôn là cần thiết vì phân tích tương quan quyền lực về giới luôn đòi hỏi sự phục hiện hết sức chi tiết về bối cảnh văn hoá. Do dung lượng của bài viết cũng như giới hạn của kiến văn, chúng tôi tạm đưa ra ở đây một số liên hệ tạt ngang như những minh hoạ về lý thuyết và vì thế mới chỉ là những đặt vấn đề để/được thảo luận và phản biện.

Lí giải thế nào về hiện tượng nếu trong khi nam giới tràn ngập những bài thơ rất hay về tình bạn, tình bằng hữu thì đề tài tình bạn về cơ bản là vắng bóng trong thơ của các nhà thơ nữ (không chỉ trong truyền thống mà cả với những cây bút đương đại)? Thực tế này cho thấy, tình bạn – một đề tài tưởng như phổ quát – trên thực tế lại là thứ tình cảm dường như chỉ dành riêng cho đàn ông. Lí do, theo tôi, như ta đã thấy: không sở hữu năng lực văn – võ, hoàn toàn bị gắn chặt với vai của người con – người vợ – người mẹ đã khiến người phụ nữ chỉ là một nhân cách thứ cấp, một thứ vệ tinh quay quanh người đàn ông. Những người phụ nữ khác vì thế chỉ có thể là những địch thủ tiềm tàng của họ chứ không bao giờ là những tương tác bằng hữu. Tương tự như thế, không sở hữu năng lực văn – võ đồng nghĩa với việc không thể tham dự vào không gian xã hội đã khiến thơ văn nữ giới thời trung đại, về cơ bản, chỉ quanh quẩn trong những đề tài về tình cảm gia đình, xúc cảm trước tự nhiên, hoài nhớ cố hương… chứ ít khi liên quan đến những đề tài về thời cuộc – một đề tài phổ biến trong văn chương nam giới.

Cũng rất nên lưu ý đến hiện tượng những bài thơ vịnh cảnh với nội dung sắc dục táo bạo, lộ liễu trong thơ Hồ Xuân Hương. GS Trần Nho Thìn đã lí giải rất xác đáng hiện tượng này: trong môi trường thanh giáo nhà Nho không dám công khai những xúc cảm bản năng của mình nên đã gán nó cho Hồ Xuân Hương. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm.9 Tuy nhiên, tại sao họ lại mượn giọng phụ nữ? Một lần nữa, những miêu tả của Kam Louie có thể giúp chúng ta lí giải hiện tượng trên: khác với đàn ông, người phụ nữ luôn được xem không có khả năng kiềm chế những xúc cảm bản năng về tình dục. Một người phụ nữ vì thế là thích hợp nhất cho việc phô bày những tình cảm cấm kỵ bản năng này. Hiện tượng này cho thấy sức mạnh của nam quyền không chỉ trong việc kiến tạo mà còn trong cách sử dụng, chiếm dụng đầy “bạo lực” đối với giọng nữ.

Hình tượng người đàn ông thanh nhã, tinh tế, mềm mại đã làm xuất hiện cả một dòng tiểu thuyết uyên ương hồ điệp trong văn học Trung Quốc mà một hình mẫu tiêu biểu trong văn học Việt Nam chính là Kim Trọng (Truyện Kiều của Nguyễn Du). Mẫu hình này sẽ còn tiếp tục với hình ảnh của Đạm Thuỷ trong Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Cần lưu ý là dù xuất bản năm 1925 song đã được viết từ năm 1922, nhân vật Đạm Thuỷ với tài năng thi ca, với sự tinh tế trong cảm xúc hoàn toàn đồng dạng với nhân vật nam trong những tiểu thuyết uyên ương hồ điệp của Từ Chẩm Á được dịch và giới thiệu với số lượng lớn đặc biệt trong đời sống văn học. Điều này cho thấy giữa nhân vật của Hoàng Ngọc Phách và Từ Chẩm Á đều cùng được đi ra từ một khung nam tính Đông Á truyền thống. Đây là đặc điểm mà vì thiếu đi một khảo sát về nam tính Đông Á truyền thống nên chưa được nhận biết và đi sâu nghiên cứu.

Những phân tích về hình tượng Tố Tâm (Xuân Lan) trong tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách là một trường hợp tiêu biểu cho sự “đọc sai” do không nắm được mẫu hình giới tính Đông Á truyền thống. Nữ nhân vật này thường được xem là những tiền thân, là sự báo trước cho sự xuất hiện của kiểu nhân vật gái Mới trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn (TLVĐ). Ở góc độ nào đó, những biểu hiện trong tình yêu của Tố Tâm còn quyết liệt và mạnh mẽ hơn cả những Mai, Loan, Nhung của Nhất Linh và Khái Hưng sau này. Dù biết Đạm Thuỷ đã có ý trung nhân và cũng được chàng nhiều lần khuyên can nhưng Tố Tâm vẫn kiên quyết với tình yêu của mình. Sau này vì chữ hiếu mà phải lấy người chồng không có tình yêu, Tố Tâm vì nhớ thương người tình xưa, sau 36 ngày đã lâm bệnh mà mất, để lại cuốn nhật ký ghi lại trọn vẹn những đau thương trong lòng mình. Tuy nhiên, không nên quên rằng: tất cả những tình cảm đó của Tố Tâm luôn được khắc họa trong sự tương phản với sự lí trí, tỉnh táo, đầy sức mạnh kiềm chế của Đạm Thuỷ. Có thể thấy ở đây nguyên trạng của mô hình nam tính – nữ tính Đông Á truyền thống: người đàn ông luôn tỏ ra lí trí, kiểm soát ngược lại với người phụ nữ hoàn toàn bị cuốn trôi và sai khiến bởi xúc cảm. Những miêu tả và bình luận của Đạm Thuỷ về ngoại hình và tình yêu của Tố Tâm cho thấy rất rõ điều đó:

Đây là ngoại hình của Tố Tâm:

[C]ái đường mũi hơi cao cao mà nhỏ thẳng xuống cái miệng xinh xinh, viền hai đường môi mỏng mà thăm thẳm, tạo ra cái vẻ mặt rất thanh tao tinh xảo, nhưng trên cái khuôn mặt mơn mởn tơ đào đó có một vẻ buồn cao xa kín đáo bởi ở đôi con mắt trong mà lại lờ đờ, tức là thứ mắt của người có tư tưởng mà hay mơ màng những chuyện viển vông” (tr.194)

Thơ văn của Tố Tâm – một biểu hiện cho nội tâm của nàng:

Người đã thiên về tình cảm, lại để vào chỗ phong cảnh đìu hiu, thành ra tinh thần cũng phảng phất mơ màng như mây xanh lơ lửng giữa trời, như ánh vàng tha thướt đầu non vậy. (…)

Những bài thơ khác của nàng đại khái thế cả, nhưng giọng còn bi ai hơn nhiều

Văn chương đàn bà ta bây giờ phần nhiều thuộc về lối rất bi ai, réo rắt, bởi nhu cảm thái đa, thành tinh thần nhược bại, nên lúc hạ ngọn bút viết là thở giọng sầu, tự trong lòng mà ra cũng có, mà chịu ảnh hưởng ở ngoài phần nhiều.

Tôi xem tính tình cô Lan về sau này, tôi biết đàn bà hay chịu ảnh hưởng nhiều lắm (tr.198 -199)

Cùng bị cuốn vào tình yêu nhưng trong khi Đạm Thuỷ tự chủ thì Tố Tâm lại hoàn toàn bị cuốn trôi trong những cảm xúc, biểu hiện mà nàng không tự biết:

– Tôi yêu nàng như vậy mà tôi vẫn giữ được kín, có lẽ tại tôi là con trai, lại tự mình hiểu được việc mình làm nên cử chỉ điềm nhiên (…) còn nàng cũng yêu tôi lắm nhưng nàng không che kín được như tôi, nhiều khi nàng vẩn vơ bối rối hiện ra ngoài (…) Đại khái những lúc tôi đến, gặp nàng đang cúi đầu ngồi thêu, chẻ dưa, hay xem sách, bất thình lình ngửng lên thấy tôi thì nét mặt nàng có vẻ khác, có một tia mừng tự trong tâm chạy lên mặt thoáng qua hai con mắt và đôi gò má. Tia mừng ấy không ai ngăn được, thứ mừng này là mừng của đôi nam nữ yêu nhau, được trông thấy mặt nhau, thứ mừng nó làm cho quả tim đập một lúc” (tr.204 – 205)

– Một hôm nàng nhờ tôi vẽ kiểu thêu khăn tay, tôi ngồi bàn vẽ thì nàng cũng ngồi xem, cậu em ngồi bên cạnh. Trong khi đang mải vẽ thì tôi thấy chân tôi hình như có vật gì đè lên, nhân cái tẩy rơi, tôi cúi xuống nhặt thì thấy bàn chân nàng để lên trên giầy tây tôi, tôi biết vậy mà không dám co chân lại, sợ nàng chợt biết thì ngượng cho nàng chăng; tôi chắc nàng vô tình tự nhiên mà để chân như vậy, nhưng điều vô tình đó là biểu hiện của cái hữu tình trong lòng nàng mà chính nàng cũng không biết (tr.207 – 208)10

Chúng tôi trích dẫn những đoạn dài văn bản như thế để thấy mô hình nam tính – nữ tính Đông Á truyền thống hiện diện khách quan và dầy đặc trong Tố Tâm tuy nhiên vì thiếu một khung lí thuyết để đọc nên chúng đã bị tuột ra khỏi sự phân tích của giới nghiên cứu. Nhận biết về sự hiện diện của mô hình nữ tính truyền thống ở Tố Tâm dẫn ta đến một kết luận văn học sử quan trọng: giữa Tố Tâm và những nhân vật sau này của TLVĐ (những nhân vật được xây dựng trên ý thức về quyền sống, về cái tôi cá nhân) thực ra là một sự đứt gãy hơn là một tiếp nối như vẫn thường được miêu tả trong các giáo trình và nghiên cứu văn học sử.

Cũng chỉ khi phát hiện về sự hiện diện của mã nam tính – nữ tính trong Tố Tâm ta mới nhận thấy một thực tế văn học sử khác liên quan đến chủ thể sáng tác: sinh năm 1896, Hoàng Ngọc Phách một nhà văn dù trưởng thành trong nhà trường Pháp Việt nhưng căn rễ văn hoá truyền thống vẫn thật sâu xa. Mô hình nam tính – nữ tính là tầng kết đọng rất sâu trong tâm thức của nhà văn này: ông viết bằng những kỹ thuật của tiểu thuyết phương Tây cuối 19 đầu 20 nhưng với mô hình giới tính hoàn toàn truyền thống. Điều này, đến lượt nó giúp ta nhận diện sâu hơn về sự lai ghép và tiếp biến Đông – Tây trong văn học, văn hoá Việt Nam 3 thập niên đầu của thế kỷ XX.

Và nữa, chỉ sau khi phát hiện về sự hiện diện của mã nam tính – nữ tính trong Tố Tâm sâu trong con người văn hoá của ta mới nhận thấy một sự kiện văn học sử khác: sự tiếp nhận của người đọc dành cho cặp đôi nhân vật trong Tố Tâm trên thực tế là đi ra ngoài dự kiến sáng tác ban đầu của Hoàng Ngọc Phách.11 Đây lại là một ví dụ cho thấy sự chuyển đổi trong hệ hình giữa hai thời đại văn học mà tầm tiếp nhận của độc giả đã giữ vai trò quan trọng như thế nào.

Với những phân tích trên, chúng tôi đang muốn nói đến một chuỗi hệ quả trong nghiên cứu văn học sử trong việc “khảo cổ học” mô hình nam tính – nữ tính Đông Á truyền thống trong một tác phẩm tưởng như đã được khai thác cạn kiệt!

2. Nam tính – nữ tính trong môi trường thuộc địa: những khủng hoảng của mô hình truyền thống và sự đan bện của các diễn ngôn

2.1. Mô hình nam tính – nữ tính Đông Á, như ta đã thấy ở mục 2.1, dựa trên thiết chế giáo dục và thi cử – một thiết chế hoàn toàn loại trừ sự hiện diện của người phụ nữ. Mô hình này đã bị thay đổi đáng kể trong môi trường thuộc địa. Cùng với sự xuất hiện của người Pháp, một loạt các trường học cho nữ sinh đã được thành lập từ Nam ra Bắc:

– Trường nữ tư thục đầu tiên: Sài Gòn, năm 1875 (do các nữ tu sĩ thành lập)

– Trường Sơ học nữ công lập: 1902

– Trường tiểu học nữ sinh đầu tiên: 1908 (Hà Nội)

– Các trường trung học dành cho nữ: Sài Gòn: 1915, Huế:1917, Hà Nội: 1917.12

Ở các trường học này, ngoài tiếng Pháp, lịch sử và văn hoá Pháp, học sinh còn được học các môn khoa học tự nhiên: toán, vật lý, hoá học… Đội ngũ giáo viên một số ít là người Việt còn lại là người Pháp đều là những nhà giáo dục thực thụ, tôn trọng những nguyên lý của nền giáo dục Pháp: hướng tới các giá trị nhân bản – khoa học. Sự hiện diện của những nữ giáo dục này là rất quan trọng. Không chỉ là tri thức, hoạt động giảng dạy của họ là một trực quan cho một mẫu hình người phụ nữ mới: có học thức, có khả năng thực nghiệp, có một lý tưởng sống vượt ra bên ngoài những vai giới tính truyền thống. Phần lớn nữ học sinh chỉ học 3 năm đầu sau khi có bằng Sơ học yếu lược, số còn lại tiếp tục học lên trung học. Tham gia vào các hoạt động: dạy học, hộ sinh, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, hoạt động xã hội…13 Một mô hình nữ tính mới đã được kiến tạo.

Hiểu điều này sẽ giúp ta cắt nghĩa sâu hơn về tính cách của nhân vật Loan trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Loan là cô gái mới, hiểu theo nghĩa là một cô gái được học hành trên ghế nhà trường Pháp – Việt, một cô gái có học thức. Và chính điều này đã khiến cô có những suy nghĩ, khao khát hoàn toàn mới mẻ:

Loan nhìn Dũng, ngắm nghía vẻ mặt cương quyết, rắn rỏi của bạn, nghĩ thầm: ‘Học thức (TVT nhấn mạnh) mình không kém gì Dũng, sao lại không thể như Dũng, sống một cuộc đời tự lập, cường tráng (TVT nhấn mạnh)

Trong suy nghĩ trên của Loan, giữa “học thức” và “một cuộc đời tự lập, cường tráng” rõ ràng là có quan hệ nhân quả trực tiếp. Nên lưu ý là từ “cường tráng” trong tiếng Việt hoàn toàn mang màu sắc nam tính. Học thức đã đem lại khả năng để Loan có được phẩm tính nam nhi và từ đó trở thành một nhân cách độc lập. Đây chính là lí do để chúng tôi nói đến hiện tượng nam tính hoá nữ tính trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh.14 Nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là: học thức không chỉ giúp Loan có ao ước khát vọng sống của một nhân cách độc lập (nam tính) mà nó còn giúp cô nhận thức sâu sắc về sự tù túng, nhỏ mọn của cuộc đời một người con dâu – một người vợ trong không gian của gia đình truyền thống. Đây là điều mà bà Phán Lợi và Tuất (người vợ thứ hai của Thân) không thể có được và vì thế họ vừa là nạn nhân vừa là tội nhân của lễ giáo phong kiến mà không tự biết. Bà Phán Lợi và Tuất một bên và bên kia là Loan không gì khác là sự tương phản của hai mô hình nữ tính truyền thống và hiện đại. Đi xa hơn, học thức còn là cơ sở để Loan có thể sống tự lập sau khi rời khỏi nhà chồng bằng những nghề nghiệp như dạy học hay viết báo (những nghề nghiệp trong xã hội truyền thống chỉ dành cho đàn ông). Và cuối cùng học thức mà cụ thể là khả năng nói tiếng Pháp đã khiến Loan có được khả năng tự bảo vệ mình trước viên cẩm, và trước toà án. Chính tiếng Pháp đã khiến Loan có được tiếng nói riêng, và không gian toà án (một thiết chế từ phương Tây) đã khiến tiếng nói của Loan được lắng nghe, được ghi nhận – môt tương phản hoàn toàn với không gian của gia đình phong kiến nơi mọi lời nói của Loan đều bị lăng mạ, trấn áp. Phương Tây đã trở thành một kích thước tâm hồn, quan trọng hơn đã trở thành một không gian cho sự xuất hiện một mô hình nữ tính mới! Tất cả những điều đó có cội nguồn từ sự thay đổi của thiết chế giáo dục mà chính quyền thực dân đã thiết lập tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.

2.2. Đến đây, một vấn đề lí thuyết khác trong nghiên cứu về giới cần được nhấn mạnh: sự đồng nhất dân tộc với hình ảnh người phụ nữ.Theo tổng kết của Tamar Mayer:

Bất chấp những cách diễn đạt hoa mỹ về tính chất bình đẳng cho mọi người có tham gia vào dự án dân tộc (“national project”) thì dân tộc vẫn luôn là, giống như những thực thể nữ tính khác, một sở hữu của đàn ông – điều này là một thực tế rõ ràng, mang tính lịch sử và toàn cầu.

Và:

Dân tộc hầu như luôn được nữ tính hoá và được mô tả như cần sự bảo vệ; người phụ nữ được hình dung như là sự tái sinh văn hoá và sinh học của dân tộc. Họ mang những thuộc tính: thuần khiết và thuỳ mị. Người đàn ông sẽ giữ vai trò bảo vệ hình ảnh của dân tộc, bảo vệ biên giới của dân tộc, bảo vệ sự thuần khiết và thuỳ mị của người phụ nữ, bảo vệ cái mã đạo lý (moral code). Như thế người phụ nữ đại diện cho sự hoài thai sinh học và xã hội của dân tộc và người đàn ông có tư cách như là người bảo vệ (protector)15.

Đây chính là hiện tượng giới tính hoá dân tộc, theo đó: dân tộc được đồng nhất với người phụ nữ và cả hai luôn cần được sự bảo vệ từ người đàn ông.Điều này giải thích tại sao trong môi trường thuộc địa mô hình nữ tính trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa chủ thể thực dân (colonizer) và chủ thể thuộc địa (colonized) – một vấn đề trung tâm của nghiên cứu hậu thuộc địa.

Từ cách đặt vấn đề này có thể thấy: sự xuất hiện của một mô hình nữ tính mới là một khủng hoảng kép đối với người đàn ông Việt: (1) Xã hội Việt Nam truyền thống là xã hội nam quyền; sự giải phóng người phụ nữ khiến họ trở thành một nhân cách độc lập, giúp họ xuất hiện trong không gian xã hội. Điều này tất yếu đưa lại sự khủng hoảng về vị trí của người đàn ông trong gia đình và xã hội. (2) Như ta đã thấy sự giải phóng người phụ nữ được thúc đẩy trước tiên từ những tác động của chính quyền thực dân trong thiết chế giáo dục. Thực tế này là sự thách thức vai trò bảo vệ mã đạo lý dân tộc (mà người phụ nữ là hiện thân) của người đàn ông Việt Nam đầu thế kỷ. Và đó chính là nguyên nhân cho sự xuất hiện hình ảnh Dũng trong Đoạn tuyệt với tư cách người tình lí tưởng mà Loan luôn hướng đến. Như chúng tôi đã có dịp nêu ra trong một bài viết khác của mình: vị thế mà Dũng có được trong mối quan hệ tình cảm với Loan đáp ứng nhu cầu tái khẳng định vai trò dẫn dắt, bảo vệ của người đàn ông đối với người phụ nữ và với bản sắc Việt. Phương Tây hoá (với học thức của Loan) là cần thiết nhưng lộ trình đó cần phải dẫn dắt bởi người đàn ông – đại diện hợp thức của dân tộc.16 Ở đây, chúng tôi chỉ lưu ý thêm một số sự kiện sau:

– Dũng là nhân vật xuyên nhiều tác phẩm của Nhất Linh: Đoạn Tuyệt – Đôi Bạn – Thế rồi một buổi chiều.

– Nhất Linh, năm 1954, thừa nhận có dùng một số chi tiết trong cuộc đời của một nhà cách mạng bị xử đi đầy ở Côn Đảo để xây dựng nhân vật Dũng trong Đoạn Tuyệt – Đôi bạn.

– Sau này khi hoạt động chính trị ở Trung Quốc, Nhất Linh cũng lấy tên là Nguyễn Tường Dũng.

Điều này cho thấy Dũng chính là sự phóng chiếu cho những khát vọng hành động, cho những dự đồ về dân tộc mà Nhất Linh theo đuổi. Với tư cách mà một nhà văn nam giới, Nhất Linh đã cấp cho nhân vật nam trong tác phẩm của ông vị thế dẫn dắt người phụ nữ đoạn tuyệt khỏi không gian gia đình phong kiến chật hẹp để bước vào không gian dân tộc. Diễn ngôn giới tính và diễn ngôn dân tộc vì thế đan bện với nhau một cách hữu cơ, không thể phân tách. Những đặc điểm trên giúp ta hiểu sâu hơn về nguyên tắc xây dựng và miêu tả tính cách của nhân vật.

2.3. Nhưng, như sẽ thấy trong bảng so sánh dưới đây17, hiện tượng nam tính hoá nữ tính không phải chỉ xuất hiện ở Nhất Linh. Ông cũng không phải là người đầu tiên kiến tạo diễn ngôn này. Ông càng không phải là người duy nhất kiến tạo diễn ngôn về người phụ nữ.


NHÀ TRƯỜNG THỰC DÂN (Colonizer) [1]
CHỦ THỂ THUỘC ĐỊA (colonized) [2]MÔ HÌNH NỮ TÍNH VIỆT (1913 – 1945)

Làm con – làm vợ – làm mẹ (gia đình/ bổn phận)Làm người (quyền sống cá nhân)Làm người dân (Xã hội/ Dân tộc) = bổn phận MỚI
Nguyễn Văn Vĩnh – Phạm QuỳnhX (Trung lưu, thượng lưu)

Phan KhôiXX (mọi tầng lớp)
Phan Bội ChâuXX (mọi tầng lớp)X
Nguyễn Ái QuốcX (tầng lớp dưới)X
Nhất Linh (Đoạn Tuyệt, 1935)X (Trung lưu, thượng lưu)X

ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC (Từ Chẩm Á) [3]

X (trung lưu, thượng lưu)
Mô hình nữ tính Hàn Quốc: trường hợp (Mẹ và con gái, 1931)
Kang Kyung Ae (1907)X (Tầng lớp dưới)X

Từ bảng so sánh trên, liên quan đến chủ đề mà chúng ta đang thảo luận, có thể rút ra một số kết luận sau:

i) Mô hình nữ tính Việt được kiến tạo bởi sự tương tác quyền lực giữa chủ thể thực dân [1] – chủ thể thuộc địa [2] và những ảnh hưởng từ Trung Quốc (cựu đế quốc của khu vực Đông Á. Ảnh hưởng từ Nhật Bản ở phương diện này không rõ rệt (?)

ii) Chủ thể thuộc địa trên thực tế là rất phức tạp và không thuần nhất.18 Điều này phản ánh những tương quan khác nhau với quyền lực thực dân của chủ thể thuộc địa.

+ Có thể nhận thấy những người có thiên hướng hoạt động cách mạng như Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Nhất Linh thường có xu hướng đặt người phụ nữ trong không gian dân tộc (Phan Bội Châu là người đi tiên phong theo xu hướng này).

+ Trong khi đó, những người như Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh lại có xu hướng duy trì người phụ nữ trong không gian gia đình truyền thống.

+ Phan Khôi (một nhân sỹ tự do) dù phê phán Nho giáo nhưng không hoàn toàn phủ nhận vai trò của người phụ nữ trong gia đình; bên cạnh đó ông là người đấu tranh không mệt mỏi cho quyền làm người, quyền sống của phụ nữ.

iii) Đối tượng phụ nữ mà các diễn ngôn của chủ thể thuộc địa hướng đến cũng rất khác nhau: Nhất Linh gần gũi với Nguyễn Ái Quốc và Phan Bội Châu trong việc kiến tạo mô hình nữ tính trong không gian dân tộc nhưng đối tượng phụ nữ mà ông hướng đến lại là tầng lớp trung lưu, thượng lưu (đây cũng là đối tượng mà Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh hướng đến).

iv) Trong trường hợp Mẹ và con gái (1931) của nhà văn nữ, cũng là một nhà hoạt động xã hội Kang Kyung Ae: người phụ nữ (ở tầng lớp dưới) cũng được đặt vào không gian dân tộc nhưng không cần có sự dẫn dắt của người đàn ông. Điều này cho thấy: (1) với những nhà hoạt động xã hội, cách mạng trong xã hội thuộc địa thì diễn ngôn giải phóng phụ nữ thường gắn liền với diễn ngôn dân tộc. (2) Hiện tượng nam tính hoá nữ tính với vai trò dẫn dắt của người đàn ông có thể được giải thích từ đặc điểm giới của người cầm bút: một nhà văn nam thường có xu hướng lí tưởng hoá hình ảnh người đàn ông trong vai trò đại diện hợp thức cho dân tộc. (3) Sự xuất hiện của những nhà văn nữ Hàn Quốc là một khác biệt quan trọng trong sự so sánh với văn học Việt Nam thời kỳ này.

3. Một vài kết luận

– Nam tính – nữ tính là cặp nhị phân có quan hệ mật thiết với nhau. Chỉ có thể hiểu sâu sắc về nữ tính trong tương quan với nam tính và ngược lại.

– Nam tính – nữ tính là những phạm trù có liên quan trực tiếp đến việc kiến tạo chủ thể người. Việc nắm được mã nam tính – nữ tính trong một thời kỳ lịch sử giúp ta đọc sâu hơn về hình tượng người nam và người nữ trong tác phẩm văn học. Văn học là câu chuyện về con người và con người không chỉ được hình dung qua các phạm trù thiện/ác, giàu/nghèo mà còn thông qua phạm trù nam/nữ. Giới tính không phải là tất cả nhưng nó là một lăng kính để có thể nhận biết toàn diện hơn về tác phẩm.

– Trong bối cảnh thuộc địa các diễn ngôn về giới tính luôn được tạo lập trong sự tương tác quyền lực giữa chủ thể thực dân và chủ thể thuộc địa. Sự tương tác này là đặc biệt phức tạp bởi lẽ cái gọi là chủ thể thực dân và thuộc địa luôn là không thuần khiết, hết sức đa tạp. Điều này đặt ta trước không phải một mà là một hệ thống của các diễn ngôn cùng với đó là các mô hình về giới tính. Và theo chúng tôi, đây là đặc điểm chung cho mọi nghiên cứu về diễn ngôn về giới tính ở mọi thời kỳ lịch sử. Điều này khiến những nghiên cứu về giới tính trong văn học tiến gần đến với xã hội học. Hướng nghiên cứu ngoại tại này, ở thời điểm hiện nay, có thể xem là một bổ sung cho hướng nghiên cứu nội tại (thi pháp học, kí hiệu học, tự sự học).

– Tương quan nam – nữ, nam tính – nữ tính luôn là một tương quan quyền lực và vì thế nó có thể được sử dụng để biểu đạt, có thể đan bện với các tương quan quyền lực khác: thực dân/ thuộc địa, phương Đông – phương Tây, trung tâm/ ngoại vi. Những đan bện và khả năng biểu đạt này là khác nhau ở những thời điểm lịch sử khác nhau. Cũng chính sự đan bện và khả năng biểu đạt này khiến các mô hình giới tính trong tác phẩm văn học luôn biến đổi trong không gian và thời gian với những công năng biểu đạt khác nhau. Điều này là một thách thức nhưng cũng vì thế khiến giới tính luôn là một lĩnh vực tiềm năng cho những phát hiện, khám phá!

Tài liệu tham khảo

[1]  Nguyễn Huệ Chi (1996), Hoàng Ngọc Phách, đường đời và đường văn, NXB Văn học, Hà Nội

[2]  Đặng Thị Vân Chi (2008), Vấn đề phụ nữ trên báo chí Tiếng Việt, trước năm 1945, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

[3]  Thái Thị Ngọc Dư, Dominique Rolland, Nguyễn Thị Nhận, Bùi Trân Phượng (2018), Trường học Pháp Việt trong thời kỳ 1920 – 1945 và sự hình thành tầng lớp nữ trí thức (trường hợp hai trường nữ trung học Đồng Khánh và Áo Tím). Nguồn: https://www.researchgate.net/publication/329414186_1_TRUONG_HOC_PHAP- VIET_TRONGTHOI_KY_1920__1945_VA_SU_HINH_THANH_TANG_LOP_NU_TRI_THUC_- _Truong_hop_hai_truong_nu_trung_hoc_Dong_Khanh_va_Ao_Tim

[4]  Louie, Kam and Louise Edwards (1994),“Chinese masculinity: Theorizing wen and wu”,East Asian History 8, tr. 135–48

[5]  Louie, Kam (2002), Theorising Chinese masculinity: Society and gender in China, Cambridge University Press

[6]  Louie, Kam (2002), “Chân dung Võ Thần Quan Vũ: tình dục, chính trị và nam tính võ” (Mai Thu Huyền dịch), Nghiên cứu văn học, (2018) dịch, số tháng 2-2018.

[7]  Louie, Kam và Morris Low ed. (2003), Asian Masculinities, Routledge Curzon

[8]  Mayer, Tamar (2002), Gender Ironies of Nationalism – Sexing the Nation (tái bản lần thứ hai), Taylor & Francis e-Library

[9]  Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Quốc học tùng thư, Sài gòn

[10]  Đào Lê Tiến Sỹ (2017), “Những tiền đề cho sự ra đời diễn ngôn nữ quyền trong các sáng tác sau 1925 của Phan Bội Châu”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế Chí sỹ Phan Bội Châu – Bác sỹ Asaba Sakirato và quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật bản, Nghệ An, tr.426 – 431

[11]  Đào Lê Tiến Sỹ (2018), “Nam tính hoá nữ tính và lý tưởng người phụ nữ anh hùng trong sáng tác trước 1925 của Phan Bội Châu”, Nghiên cứu văn học, số tháng 2-2018,tr. 83- 94

[12]  Phan Thị Tâm Thanh (2019), “Xung đột của quan điểm truyền thống và quan điểm cá nhân trong tiểu thuyết Tố Tâmcủa Hoàng Ngọc Phách”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn, Nxb Văn hoá – Văn nghệ, Hồ Chí Minh

[13]  Trần Nho Thìn (2012), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội

[14]  Trần Văn Toàn (2011), “Nam tính hóa nữ tính – đọc Đoạn tuyệt của Nhất Linh từ góc nhìn giới tính”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9 (475), 2011, tr86-97

[15]  Trần Văn Toàn (2013), “Diễn ngôn về giới tính và thi pháp nhân vật”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8 (498), 2013, tr 40-50

[16]  Trần Văn Toàn (2015), “Phương Tây và sự hình thành diễn ngôn về bản sắc Việt Nam (trường hợp Phan Bội Châu từ 1905 – 1908)”, Tạp chí Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật số 33, 5/2015, tr. 45 – 54

[17] Trần Văn Toàn (2015), “Dẫn nhập lí thuyết diễn ngôn của M.Foucault và nghiên cứu văn học”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 5 (519), 2015, tr. 45-57

 [18] Trần Văn Toàn (2018),“Tương tác quyền lực tri thức trong bối cảnh thuộc địa (trường hợp Quốc văn giáo khoa thư và Luân lí giáo khoa thư)”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Giao lưu văn hoá Việt – Pháp: Thành tựu và triển vọng”, 4/2018, tr.410 – 416

 [19] Trần Văn Toàn (2019), “Chủ thể thuộc địa và những diễn ngôn về người Pháp (trường hợp Quốc văn giáo khoa thư, Những trò lố hay là Varenne và Phan Bội Châu, Người đầm), Nghiên cứu văn học, số 6 (568), 2019, tr.66 – 78.

Chú thích

1 PGS, TS, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Email: toantransphn@gmail.com
2Trong tiếng anh, Sex và Gender là một cặp khái niệm. Nếu Sex được dùng để chỉ những vấn đề thuộc về sinh vật học thì Gender lại liên quan đến khía cạnh văn hóa. Khái niệm Sex thường được dịch sang tiếng Việt là “giống” – một khái niệm của ngữ pháp khi phân loại từ ở một số ngôn ngữ châu Âu. Gender được dịch là “giới” hoặc “phái tính”. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, giống không kết hợp được với “nam” và “nữ” (không ai viết và nói là “giống nam”, “giống nữ”). Có kết hợp “giống đực”, “giống cái” nhưng khá chuyên biệt vì chỉ dùng trong các sách ngữ pháp, trong những trường hợp khác các từ này thường chỉ được sử dụng khi liên quan đến vấn đề tính giao. Trong khi đó, kết hợp “nữ giới”, “nam giới” lại rất phổ biến. Vì thế chúng tôi đề nghị: trong sự đối nghĩa với gender (giới tính) thì sex nên dịch là “giới”. Như thế ta có hai chuỗi khái niệm dùng trong sự đối nghĩa: nam giới, nữ giới, giới thứ ba (liên quan đến khía cạnh sinh học) và nam tính, nữ tính, đồng tính (liên quan đến khía cạnh văn hóa). Thêm nữa, sau giai đoạn phân chia một cách rạch ròi giữa sex và gender, người ta bắt đầu nhận thấy giữa chúng có những quan hệ liên đới. Cách dùng giới và giới tính trong tiếng Việt lại cho thấy những liên hệ giữa hai phạm trù này – điều mà hai thuật ngữ sex và gender trong tiếng Anh không có được.

3 Xem:Louie, Kam and Louise Edwards (1994), “Chinese masculinity: Theorizing wen and wu”, East Asian History 8, tr. 135–48; Louie, Kam (2002), Theorising Chinese masculinity: Society and gender in China, Cambridge University Press; Louie, Kam và Morris Low ed. (2003), Asian Masculinities, Routledge Curzon.

4 Louie, Kam (2003), Tlđd, tr.4

5 Yiyan (2003), “Mr Butterfly in Defunct Capital (“Soft” masculinity and (mis)engendering China”, trong sách Asian Masculinities, Tlđd, tr. 44. Lưu ý rằng “soft man” ở đây hoàn toàn khác với nhu nhược, yêu đuối (weak man).

6 Louie, Kam (2003), Tlđd, tr. 6

7 Louie, Kam (2002), “Chân dung Võ Thần Quan Vũ: tình dục, chính trị và nam tính võ” (Mai Thu Huyền dịch), Nghiên cứu văn học, số tháng 2-2018,tr.62-63

8 Louie, Kam (2003), Tlđd, tr.8

9 Trần Nho Thìn (2012), “Hiện tượng Hồ Xuân Hương”, Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.476 – 481.

10 Các dẫn chứng trên đều được rút từ tiểu thuyết Tố Tâm, trong sách Hoàng Ngọc Phách, đường đời và đường văn, Nguyễn Huệ Chi (1996), NXB Văn học, các dòng in nghiêng là nhấn mạnh của chúng tôi.

11 Về vấn đề này, tham khảo: Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Quốc học tùng thư, Sài gòn, tr.366; Phan Thị Tâm Thanh (2019), “Xung đột của quan điểm truyền thống và quan điểm cá nhân trong tiểu thuyết Tố Tâmcủa Hoàng Ngọc Phách”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn, Nxb Văn hoá – Văn nghệ,tr. 338 – 343

12 Đặng Thị Vân Chi (2008), Vấn đề phụ nữ trên báo chí Tiếng Việt, trước năm 1945, Nxb Khoa học xã hội, tr.32, 50

13 Thái Thị Ngọc Dư, Dominique Rolland, Nguyễn Thị Nhận, Bùi Trân Phượng (2018), Trường học Pháp Việt trong thời kỳ 1920 – 1945 và sự hình thành tầng lớp nữ trí thức (trường hợp hai trường nữ trung học Đồng Khánh và Áo Tím). Nguồn: https://www.researchgate.net/publication/329414186_1_TRUONG_HOC_PHAP- VIET_TRONGTHOI_KY_1920__1945_VA_SU_HINH_THANH_TANG_LOP_NU_TRI_THUC_- _Truong_hop_hai_truong_nu_trung_hoc_Dong_Khanh_va_Ao_Tim

14 Trần Văn Toàn (2011), “Nam tính hóa nữ tính – đọc Đoạn tuyệt của Nhất Linh từ góc nhìn giới tính”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 9, 2011, tr86-97.
15 Mayer, Tamar (2002), Gender Ironies of Nationalism – Sexing the Nation (tái bản lần thứ hai), Taylor & Francis e- Library, tr. 1, 10.

16 Trần Văn Toàn (2013), “Diễn ngôn về giới tính và thi pháp nhân vật”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 8, 2013, tr 40-50.

17 Nguồn xây dựng bảng so sánh gồm các tài liệu chính sau: Đặng Thị Vân Chi (2008), Tlđd; Thái Thị Ngọc Dư, Dominique Rolland, Nguyễn Thị Nhận, Bùi Trân Phượng (2018), Tlđd; Nguyễn Nam (2010), Phụ nữ tự sát – lỗi tại tiểu thuyết? (Một góc nhìn về phụ nữ với văn chương – xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX(lược trích) Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/index.php?option=com_k2&view=item&id=902:ho%C3%A0ng-ng%E1%BB%8Dc- hi%E1%BA%BFn-v%C3%A0-tri%E1%BA%BFt-l%C3%BD-hai-b%C3%A0n-ch%C3%A2n; Trần Văn Toàn (2011), (2013), Tlđd; Trần Văn Toàn (2015), “Phương Tây và sự hình thành diễn ngôn về bản sắc Việt Nam (trường hợp Phan Bội Châu từ 1905 – 1908)”, Tạp chí Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật số 33, 5/2015, tr. 45 – 54; Đào Lê Tiến Sỹ (2017), “Những tiền đề cho sự ra đời diễn ngôn nữ quyền trong các sáng tác sau 1925 của Phan Bội Châu”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế Chí sỹ Phan Bội Châu – Bác sỹ Asaba Sakirato và quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật bản; Đào Lê Tiến Sỹ (2018), “Nam tính hoá nữ tính và lý tưởng người phụ nữ anh hùng trong sáng tác trước 1925 của Phan Bội Châu”, Nghiên cứu văn học, số tháng 2-2018,tr. 83- 94; các thông tin về tiểu thuyết Mẹ và con gái (1931) của Kang Kyung Ae do NCS Bang Jeong Yun (ĐHSP HN) cung cấp.

18 Trong thực tế, chủ thể thực dân cũng rất không thuần nhất do những khác biệt trong chính sách với thuộc địa nhưng đây chưa phải là đối tượng thảo luận trong nghiên cứu này của chúng tôi.

Bài viết đã được đăng trên Kỷ yếu Văn học và Giới, Hội thảo Khoa học quốc gia, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2019.

Trần Văn Toàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *